Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam được xác định có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Bên cạnh khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản truyền thống, công nghiệp và thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch, văn hóa, giáo dục và y tế là hai khu vực kinh tế đã đạt được nhiều thành tựu trong hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, về bản chất, những đặc tính xã hội nông nghiệp sản xuất nhỏ (tiểu nông) truyền thống đã và vẫn đang chi phối sâu sắc quá trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Một góc làng quê Việt. Ảnh Minh Quang
1. Những tập tính tiểu nông
Thói cục bộ
Nhu cầu tự quản của cá thể hộ gia đình, dòng họ, làng xã Việt Nam là một đặc điểm thể hiện tính tự trị tương đối hoàn chỉnh, có khả năng bảo tồn giá trị, kết nối cộng đồng, tạo sự bao bọc, trách nhiệm giữa các thành viên. Tuy nhiên, mặt trái của tính tự trị này là tạo ra thói quen coi trọng các mối quan hệ, ứng xử, lựa chọn theo lối “nhìn mặt”, “nhất thân, nhì quen”… Tính tự trị tạo nên tư duy cục bộ địa phương, bảo thủ, trì trệ hoặc đố kỵ, không muốn người khác hơn mình dẫn tới sự cạnh tranh, mất đoàn kết, thiếu tính liên kết với cộng đồng, địa phương ở xung quanh. Thực tế này được các nhà quản lý và nghiên cứu kinh tế gọi là thực trạng hệ thống “63 nền kinh tế tỉnh ta”, “tầm nhìn tỉnh ta” ở Việt Nam, trong đó các địa phương độc lập với nhau về quyền lực điều hành và lợi ích. Sự biệt lập tạo xu hướng đua tranh không lành mạnh với nhiều “hội chứng” làm khu công nghiệp, nhà máy xi măng, thủy điện, cảng biển, tạo lập các khu đô thị, gia tăng xúc tiến đầu tư một cách riêng rẽ… Có địa phương thu hút FDI bằng cách hạ giá tối đa để cạnh tranh hoặc tìm cách gây khó khăn, không phối hợp với địa phương lân cận… thói dàn hàng ngang này không chỉ gây lãng phí nguồn vốn đầu tư tại các tỉnh thành, còn khiến việc phát triển kinh tế vùng trọng điểm không đạt hiệu quả, thiếu những xúc tác cần thiết, không tập hợp được sức mạnh, gây ra nhiều tổn thất to lớn cho quốc gia (1).
Thói cảm tính, mùa vụ, phong trào
Tính tự trị của xã hội tiểu nông dẫn tới lối cảm tính, thiên về kiểu quan hệ gần gũi, bao bọc hoặc tâm lý người quen, bạn hàng truyền thống. Đây gọi là tâm lý gia đình chủ nghĩa, đóng cửa bảo nhau, làm theo phong trào. Trên thực tế, trước sức ép của cơ chế thị trường, kiểu sản xuất phong trào, thiếu hiểu biết về an toàn sản phẩm, thiếu những tính toán đầu ra của sản xuất đã khiến tình trạng cần giải cứu khi được mùa rớt giá với hàng loạt sản phẩm nông nghiệp như: dưa hấu, thanh long, vải, hành, tỏi…
Trong quản lý kinh tế, tư duy mùa vụ - nhiệm kỳ cũng dẫn tới những hạn hẹp tầm nhìn. Lối suy nghĩ và cách thức hành xử phổ biến theo kiểu vun vén tư lợi và nhóm lợi ích, vì vậy nhiều khi có thể coi nhẹ, thậm chí không tính đến lợi ích chung hay lợi ích dài lâu của tập thể, địa phương, quốc gia. Trên thực tế, lối tư duy nhiệm kỳ đã dẫn tới kiểu quy hoạch, chiến lược thần tốc, dự án vẽ để đánh bóng tên tuổi, rót tiền ngân sách theo cơ chế xin - cho để hưởng lợi các bên, làm ứ đọng nguồn lực đất đai… Từ mô hình phân cấp đầu tư của nước ta từ năm 2006 đến nay, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra có tính “phân cấp trắng”, tách rời việc cân đối giữa nhu cầu và khả năng cung ứng nên các ngành và địa phương cứ lập dự án đầu tư và đi xin nguồn vốn từ ngân sách Trung ương. Hậu quả của lối tư duy này không chỉ làm tổn thất các nguồn lực quý giá, mà còn làm bức tranh kinh tế bị méo mó, làm mất uy tín của bộ máy chính trị, giảm sức cạnh tranh và hiệu quả thể chế kinh tế, thậm chí đe dọa sự ổn định kinh tế vĩ mô chung và an toàn của chế độ xã hội.
Thói tùy tiện và vi phạm đạo đức
Mặt trái của tính linh hoạt (dễ thích nghi) trong tâm lý tiểu nông chính là thói tùy tiện với vô số những biểu hiện khác nhau. Phổ biến từ nông thôn cho tới thành thị là tình trạng chợ cóc, chợ tạm, kinh doanh lấn chiếm vỉa hè. Với doanh nghiệp nhà nước là tình trạng quản lý vừa buông lỏng, vừa cứng nhắc khiến cho giới hạn trách nhiệm của các doanh nghiệp không rõ ràng, tài sản bị sử dụng biến tướng, thất thoát. Cơ chế khoán với thực tế khoán làm nhiều tổ chức doanh nghiệp trở thành vỏ quốc doanh, ruột tư nhân và tình trạng tính toán theo hai sổ sách khá phổ biến. Điều này khiến cho nhà nước về bản chất trong một số trường hợp cụ thể chỉ là chủ sở hữu lớn trên danh nghĩa. Ngay cả mô hình tổng công ty, mô hình tập đoàn kinh doanh nhà nước cũng bộc lộ những dấu hiệu bất lợi: quản lý và phối hợp rời rạc, đội ngũ quản lý chưa đáp ứng kịp sự thay đổi của môi trường kinh doanh, có nhiều yếu kém khiến sản phẩm sản xuất ra cạnh tranh yếu trên thị trường.
Các doanh nghiệp tư nhân tỏ ra năng động nắm bắt thị trường nhanh nhạy hơn nhưng lại cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác cũng như người tiêu dùng. Hiện kinh tế tư nhân ở Việt Nam chủ yếu vẫn là kinh tế hộ gia đình, cá thể, chưa đáp ứng được vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp tư nhân trong sự o ép của thị trường phải đối mặt với những thử thách sống còn: kỹ năng lãnh đạo yếu và thiếu dẫn tới vận hành lủng củng, không rõ mô hình quản trị, nhân sự chắp vá, biến động thường xuyên; không dự báo nguồn tài chính tương ứng dẫn tới thiếu vốn trong quá trình vận hành… Hậu quả là nhiều doanh nghiệp bị đẩy vào tình trạng kinh doanh thua lỗ hoặc lợi nhuận thấp dẫn tới tạm ngưng hoạt động, hoặc phá sản; hàng trăm doanh nghiệp ở dạng treo, không thể giải thể do không đủ khả năng hoàn thành thủ tục thanh toán hết các khoản nợ, lương lao động, bảo hiểm xã hội, nợ thuế...
Tham vọng quyền lực, lợi nhuận kinh tế khiến cho đạo đức trong hoạt động kinh tế trở nên xa xỉ, thường bị bỏ qua một cách nghiễm nhiên. Tình trang vi phạm đạo đức trong kinh tế trở thành một vấn đề bao trùm lên toàn bộ đời sống xã hội. Chưa bao giờ trường từ ngữ có sắc thái tiêu cực kiểu như: hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, thực phẩm bẩn… lại có tần suất tham gia mô tả đời sống kinh tế nhiều đến thế. Không chỉ các doanh nghiệp, nhiều cơ quan nhà nước cũng vi phạm nguyên tắc cạnh tranh. Một thực tế thao túng quản lý kinh tế phổ biến là dùng quan hệ, tiền bạc để chạy các dự án, điều hành của các cấp vẫn còn tồn tại cơ chế xin - cho ngầm và cục bộ địa phương khi công tác chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, triển khai thiếu đồng bộ, kiểm tra, đánh giá không thường xuyên.
Những thói quen, tập tính sản xuất tiểu nông ở nước ta là vấn đề văn hóa được hình thành một cách tự nhiên dựa trên các mối liên kết thân thuộc, lối giải quyết các vấn đề kinh tế chịu sự ràng buộc, chi phối bởi các quan hệ họ hàng, làng xã… Cần thấy rõ tính chất gia công của kinh tế Việt Nam không chỉ trong công nghiệp với việc lắp ghép mà cả trong nông nghiệp với việc nhập khẩu hầu hết nguyên liệu đầu vào (phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng, vật nuôi…) và phụ thuộc đầu ra vào các thị trường tiềm năng. Hầu hết nông sản của Việt Nam đều được bán dưới dạng thương phẩm thô, với giá thường thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh do thua kém về chất lượng và các nguyên nhân khác. Tăng trưởng nông nghiệp ở Việt Nam chủ yếu vẫn dựa trên quảng canh hoặc đẩy mạnh thâm dụng đất và các tài nguyên khác, khó tiếp cận tới tư duy và quy mô sản xuất hàng hóa. Điều này khiến cho kinh tế Việt Nam luôn nằm ở đoạn cuối chuỗi giá trị nền kinh tế toàn cầu với nhiều rủi ro và chịu sự phụ thuộc lớn ở các khâu trong chuỗi giá trị này. Trong thực tiễn phát triển kinh tế Việt Nam, tâm lý tiểu nông được cho là nét tâm lý xã hội phổ biến với nhiều mức độ đậm nhạt chi phối trực tiếp trong sản xuất, cũng có thể dẫn tới nhiều hệ lụy về tư duy kinh tế.
2. Khắc phục những tập tính tiểu nông trong phát triển kinh tế nước ta
Nhận thức vấn đề
Việt Nam là điển hình cho một xã hội đang chuyển đổi: nếp sống văn hóa nông nghiệp truyền thống đã bị phá vỡ trong khi nếp sống văn hóa đô thị và công nghiệp dựa trên pháp luật lại chưa hình thành một cách rõ nét. Kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, bất cập khi sức ép lạm phát và tiềm ẩn bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn lớn. Nợ xấu tuy được kiểm soát nhưng vẫn còn cao. Cân đối ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, việc tiến độ thu ngân sách chậm và đạt thấp. Chủ trương, cơ chế chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh tuy được ban hành nhưng hiệu quả mang lại chưa tương xứng. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm làm ra còn thấp. Các khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp - xây dựng tăng trưởng thấp trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt, hạn hán, dịch bệnh diễn biến phức tạp...
Hiện nước ta vẫn còn nhiều rào cản về thể chế đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, xuất phát từ hệ thống luật, bộ máy hành chính và các chế tài. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất vẫn là vấn đề nhận thức và hành động nhằm thay đổi thói quen, nếp nghĩ và tiếp nhận tri thức trong phát triển kinh tế.
Vấn đề thực tiễn lớn hơn cần thấy là sự đan xen và tác động nhiều chiều, tạo nên tính phức tạp từ tổ hợp các vấn đề rào cản dưới góc độ văn hóa cũng như những biểu hiện cụ thể, phát sinh đa dạng trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội. Mấu chốt gốc rễ của hệ vấn đề tập tính văn hóa tạo rào cản này chính là lợi ích gắn với tâm lý sản xuất mang tính tư lợi cá thể. Điều này dẫn tới những cát cứ trong tư duy và hành động của các chủ thể khi tham gia quá trình kinh tế, làm thiếu đi sự kết dính cần thiết để tập hợp sức mạnh cộng đồng.
Những việc làm cần thiết
Có tính quyết định sự thành bại trong xử lý các rào cản từ góc độ văn hóa trong kinh tế là phải tạo lập cho được quyết tâm chính trị của cả cộng đồng. Trước hết phải bắt đầu từ bộ máy chính trị, quan trọng là sự làm gương và quyết tâm thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, cơ quan, đoàn thể để thuyết phục và tập hợp nhân dân, tạo sự chuyển biến trên phạm vi toàn xã hội trong việc thực hiện Nghị quyết số 05 Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Tăng cường khả năng điều tiết, giám sát, kiểm tra và thanh tra theo mức độ rủi ro, có biện pháp kiểm soát thực thi trên toàn quốc 3 mục tiêu cốt lõi là nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam trong môi trường cạnh tranh quốc gia và quốc tế.
Đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong hoạt động kinh tế. Có sự hòa mạng thông tin và thực thi cơ chế phản biện, giám sát dân chủ vì lợi ích chung của quốc gia nhằm có các quyết định phù hợp, đúng đắn nhất trong phát triển kinh tế. Minh bạch hóa các nguồn thu chi bằng thanh toán điện tử, áp dụng công nghệ ngăn ngừa gian lận tài chính.
Khắc phục triệt để sự trì trệ trong đổi mới tư duy kinh tế để hội nhập và phát triển. Phân biệt rõ về địa giới hành chính và không gian kinh tế, lợi thế và điều kiện hội đủ, cách tính tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) của từng tỉnh nhằm điều chỉnh tư duy cát cứ, giải quyết triệt để hiện tượng tỉnh nào cũng chạy đua để trở thành một thực thể kinh tế hoàn chỉnh dù không đủ điều kiện hay việc các lãnh đạo tỉnh bằng mọi giá để có thành tích nổi trội trong nhiệm kỳ.
Thay đổi cơ chế đánh giá và xét duyệt các dự án kinh tế. Làm rõ trách nhiệm, sự phân cấp quyền và trách nhiệm trong việc cấp phép đầu tư, phân bổ vốn đầu tư từ Trung ương đến địa phương. Có cơ chế khắc phục mối quan hệ chồng chéo giữa ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan chủ quản, làm rõ việc thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ về ngân sách của các tỉnh, thành phố, nhằm xóa bỏ cơ chế tập trung hóa, quan liêu bao cấp và tư duy nhiệm kỳ, chạy theo thành tích...
Thúc đẩy nhận thức về thực thi đạo đức kinh doanh ở Việt Nam như một đòi hỏi văn hóa của cộng đồng xã hội nhằm đạt được môi trường minh bạch và cạnh tranh lành mạnh để kinh tế Việt Nam trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thay đổi phương thức sản xuất, tích cực ứng dụng công nghệ hướng tới việc sản xuất chuỗi sản phẩm chất lượng made in Viet Nam đảm bảo ngang giá và giàu tính nhân văn. Các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, các hộ kinh doanh cần tái cấu trúc, khởi nghiệp theo một thiên hướng mới, tạo ra một phong trào xã hội chống lại thói làm ăn chộp giật để có thể làm chủ sân chơi kinh tế một cách đúng nghĩa với một bước thay đổi về chất, thực sự trở thành động lực lớn cho nền kinh tế nước nhà. Doanh nhân Việt Nam với vai trò là tầng lớp tiên tiến trong xã hội, là người tiếp xúc, vật lộn với những cái mới nhất cần chung sức để tạo nên sự đột phá đổi mới tư duy kinh tế, xóa bỏ tập tính xã hội trở thành rào cản trong kinh tế của người Việt ngày nay.
Cải thiện nguồn nhân lực thông qua đào tạo và sử dụng người hiệu quả. Thu hút nguồn nhân lực có khả năng sáng tạo và cống hiến, tạo sự đồng thuận, cách nhìn mới, cảm nhận mới về ý nghĩa và cơ hội lao động cống hiến, khẳng định mình và có thu nhập cao. Phân công, bố trí lao động hợp lý, đúng người, đúng việc, đảm bảo có sự dẫn dắt, kèm cặp và hỗ trợ lẫn nhau giữa các thế hệ người lao động để người có trình độ cao hơn có trách nhiệm đào tạo với đội ngũ đi sau, tạo môi trường đào tạo trong thực tiễn lao động sản xuất cũng như sự gắn kết giữa các thành viên, các thế hệ người lao động.
Xây dựng môi trường làm việc có quy trình, quy định cụ thể và thống nhất trong thực thi; đảm bảo sự thân thiện, hợp tác và tin tưởng lẫn nhau nhưng cũng tạo sự cạnh tranh lành mạnh, thử thách trong công việc để người lao động có cơ hội sáng tạo và được ghi nhận một cách công khai, minh bạch, được hưởng mức lương và những phần thưởng, các điều kiện khác cũng như được thăng tiến một cách công bằng, xứng đáng với kết quả mà họ đạt được.
Những yếu tố đặc tính xã hội như tâm lý, tư duy nhận thức, xu hướng hành xử mang tính hiện tượng của cộng đồng, quốc gia, tạo sức ì, làm chậm hoặc cản trở quá trình phát triển kinh tế là thực tiễn tổ hợp những mặt trái của nhiều vấn đề, gây cản trở trong phát triển kinh tế. Sự đan xen và tác động nhiều chiều, tạo nên tính phức tạp từ tổ hợp các vấn đề rào cản dưới góc độ văn hóa cũng như những biểu hiện cụ thể, phát sinh hết sức đa dạng trong thực tiễn đòi hỏi phải giải quyết.
_______________
1. Ý kiến đánh giá của Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam - Trần Đình Thiên cùng các nhà quản lý trong Hội thảo quốc tế Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam.
Tác giả: Nguyễn Thị Tuyến
Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 - 2019