Thành tựu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH)
DSVH vật thể
Công tác bảo tồn, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa được triển khai trong phạm vi cả nước với nhiều hình thức và cấp độ khác nhau. Tổng kết 15 năm thực hiện chương trình mục tiêu về văn hóa đã có thêm 978 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, đưa tổng số di tích quốc gia lên 3.174 và 7.484 di tích cấp tỉnh, thành phố. Nhưng, việc tu bổ, trùng tu cũng như xếp hạng các di tích trong giai đoạn hiện nay vẫn chỉ ưu tiên cho việc chống xuống cấp là chính, tu bổ, tôn tạo và xây mới đứng hàng thứ yếu. Trong số các di tích này, một số lượng nhỏ di tích được đại trùng tu, số còn lại chủ yếu được hỗ trợ để chống xuống cấp, tiến hành thực nghiệm chống mối mọt bằng phương pháp sinh học cho 94 di tích của 16 tỉnh, thành phố… Đặc biệt, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa còn bố trí số kinh phí hơn 16 tỷ đồng cho việc triển khai Dự án thực nghiệm tu bổ đình Chu Quyến (làng Châu Chàng, xã Chu Minh, Ba Vì, Hà Nội). Hiện nay, 65 di tích đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (1).
Các bảo tàng trực thuộc trung ương, tỉnh đã từng bước sưu tầm, lưu giữ được rất nhiều hiện vật, di tích, di vật góp phần không nhỏ vào việc phát huy giá trị các DSVH trong đời sống hiện tại. Hệ thống, bao gồm 135 bảo tàng, trong đó có 120 bảo tàng công lập (thuộc Bộ VHTTDL, một số tỉnh, thành và các bộ, ngành) và 15 bảo tàng ngoài công lập, đã sưu tầm được gần 3 triệu tài liệu, hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm và bảo vật quốc gia. Đã có 88 trong tổng số 120 bảo tàng công lập ở Việt Nam đã được xếp hạng, gồm 14 bảo tàng hạng I, 59 bảo tàng hạng II và 15 bảo tàng hạng III. Hệ thống bảo tàng đã có một đội ngũ cán bộ chuyên môn đông đảo, được đào tạo một cách hệ thống.
Từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã có 8 DSVH và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận là DSVH thế giới (2) và 3 di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. Nhà nước đã đầu tư tu bổ cho các di sản được thế giới công nhận thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa từ năm 2006 - 2012 là 211,3 tỷ đồng.
Những thành tựu đạt được của công tác bảo tồn di tích lịch sử văn hóa đã góp phần không nhỏ trong việc giáo dục cho thế hệ trẻ về bản sắc văn hóa dân tộc, về tính cố kết cộng đồng của cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam. Thông qua công tác sưu tầm, trưng bày, hệ thống các bảo tàng đã khẳng định được vị thế của mình trong toàn bộ hệ thống thiết chế văn hóa. Những thành tựu này còn giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức giữ gìn, tự hào và tôn vinh bản sắc văn hóa của dân tộc, đáp ứng nhu cầu và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân.
DSVH phi vật thể
Năm 1997, Bộ VHTT đã thực hiện thí điểm 13 dự án trên địa bàn của 11 tỉnh thành phố. Đến năm 2001, chương trình mục tiêu về văn hóa đã thực hiện 200 dự án bảo tồn DSVH trên địa bàn 52 tỉnh thành trong cả nước. Sau khi Luật được áp dụng vào thực tiễn, từ năm 2001 đến hết năm 2014, có 64 tỉnh thành trong cả nước đã thực hiện các dự án bảo tồn di sản. Năm 2015, sau khi tổng kết chương trình này, Trung tâm dữ liệu DSVH, Viện VHNTQG Việt Nam (3) đã thống kê được có 742 dự án được thực hiện, trong đó có 72 dự án văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số thực hiện ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Chương trình Bảo tồn DSVH phi vật thể trong gần 20 năm qua đã tích lũy được một khối lượng dữ liệu khổng lồ, lưu trữ được 3.656 băng tư liệu gốc các loại với tổng thời lượng lên đến 219.360 phút, gần 600 phim khoa học với thời lượng hơn 23.000 phút, 650 album ảnh với hơn 2.200 ảnh; 350 băng cassette, hơn 750 báo cáo điền dã về DSVH phi vật thể của các dân tộc ở Việt Nam. Các dữ liệu đã được lưu trữ, phân loại đúng quy chuẩn. Ngoài ra, chương trình này còn khôi phục, phục dựng được nhiều lễ hội, phong tục tập quán có nguy cơ mai một của 54 dân tộc Việt Nam.
Tính đến ngày 23 - 1 - 2017, cả nước đã có 202 DSVH phi vật thể được Bộ trưởng Bộ VHTTDL quyết định đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia (4). Việt Nam đã có 11 DSVH phi vật thể được UNESCO vinh danh là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại và cần thiết được bảo vệ khẩn cấp.
DSVH phi vật thể chủ yếu được lưu truyền cho đời sau bằng hình thức truyền khẩu, vì vậy, nghệ nhân dân gian - chủ thể nắm giữ DSVH - có một vai trò quan trọng trong sự hồi sinh, phát triển của loại hình văn hóa này. Vai trò của nghệ nhân dân gian còn được UNESCO khẳng định thông qua việc gọi họ là báu vật nhân văn sống. Chính vì vậy, họ cần được hưởng chế độ đãi ngộ và tôn vinh một cách xứng đáng.
Sau nhiều năm thực hiện công tác bảo tồn DSVH, Chính phủ đã ra Nghị định số 62/2014/NĐ-CP: quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực DSVH phi vật thể. Sau khi dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh năm 2009, tỉnh Bắc Ninh đã có 40 nghệ nhân được phong tặng nghệ nhân dân gian, hưởng mức lương cơ bản và có chế độ bảo hiểm y tế. Ngoài ra, tỉnh này còn đầu tư gần 65 tỷ đồng để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản ca trù, quan họ giai đoạn 2013 - 2016 và một phần không nhỏ trong số đó được dùng để đãi ngộ nghệ nhân, hỗ trợ truyền dạy, kiểm kê DSVH. Sau khi được UNESCO vinh danh, nghệ thuật hát xoan ở Phú Thọ không chỉ được hồi sinh ở những phường xoan gốc mà còn lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng cư dân. Để làm được điều này, có đóng góp không nhỏ của các nghệ nhân, những người tâm huyết với DSVH dân tộc.
Việc tư liệu hóa và phục dựng và lập hồ sơ cấp quốc gia, chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân dân gian trong lĩnh vực DSVH phi vật thể đã tác động không nhỏ vào quá trình nhận thức của những người làm công tác bảo vệ DSVH cũng như chủ nhân đích thực của DSVH, góp phần chuyển hóa về mặt nhận thức, tạo ra nhu cầu hưởng thụ chính những DSVH đó. Đồng thời, những DSVH phi vật thể đã mang lại nền tảng vững chắc về mặt tinh thần cho chính người dân bản địa, làm cho họ tin tưởng những gì thuộc về đời sống tinh thần của họ được Nhà nước bảo vệ. Điều này là vô cùng cần thiết và quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia.
Những hạn chế
Trong thời gian vừa qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH tuy đã từng bước được nâng cao, vai trò của nó trong xã hội ngày càng được người dân nhận thức đúng đắn nhưng sự nhận thức này chưa đồng đều, sâu sắc và chưa có những chương trình hành động cụ thể để bảo vệ DSVH. Người dân chưa tự chủ động bảo vệ di sản của chính họ mà có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào những chương trình bảo tồn của Nhà nước. Mặt khác, chúng ta luôn đưa ra khẩu hiệu tôn vinh nghệ nhân nhưng trên thực tế, chưa có chế độ hỗ trợ đối với những người bảo vệ DSVH (chủ nhân của nền văn hóa), chưa tạo cơ hội nghề nghiệp cho chủ nhân của DSVH, chưa kết nối được DSVH với du lịch để tạo thành động lực cho sự phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ.
Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đặt ra nhiệm vụ “nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành, huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia, đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn hóa (5). Nhưng sau khi tổng kết chương trình, 7 trong số 20 chỉ tiêu đã không hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Trong 15 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, đặc biệt là chương trình bảo tồn và phát huy giá trị DSVH phi vật thể, các nhà khoa học tuy đã nghiên cứu, bảo tồn di sản với số lượng lên đến 742 dự án nhưng chỉ có 72 trong số này là đi sâu nghiên cứu về từng dân tộc, một con số quá nhỏ trong khi đáng lẽ, việc nghiên cứu chuyên sâu này là mục tiêu và nhiệm vụ đầu tiên phải thực hiện xong trong vòng 5 năm đầu tiên của chương trình, song hành với công tác bảo tồn những giá trị văn hóa đã bị mai một mang tính khẩn cấp. Vì thế mà các nhà quản lý không thể có cái nhìn toàn diện về văn hóa 54 tộc người trên bình diện tổng thể cũng như chi tiết. Do vậy, để tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình này, chúng ta cần thiết phải đánh giá lại chương trình mục tiêu quốc gia, có những giải pháp, hoạch định đối với từng dự án cụ thể.
Do nhiều nguyên nhân nên công tác bảo tồn DSVH chưa được như mong muốn. Tình trạng di tích bị xuống cấp nghiêm trọng còn diễn ra ở nhiều địa phương. Việc tu bổ, tôn tạo tùy tiện làm biến dạng di tích thường xảy ra, nhất là các di tích có nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. Việc mất cắp di vật, cổ vật chưa được ngăn chặn kịp thời. Một số địa phương đã khai thác di tích một cách bừa bãi, dẫn tới việc di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, nghiên cứu giá trị di sản chưa được chú ý đúng mức, còn xuất hiện tình trạng đua nhau xây dựng hồ sơ xin xếp hạng di tích… dẫn tới những quan niệm chưa đúng về giá trị thực của DSVH dân tộc. Hệ lụy là ở nhiều nơi nhân dân còn thờ ơ với chính di sản của cha ông, quê hương, đất nước mình.
Các vấn đề đặt ra
Cần thiết phải tiếp tục nâng cao nhận thức cho cộng đồng và chính những người làm công tác quản lý văn hóa ở địa phương hiểu biết thêm về giá trị và bản chất của DSVH, về bản sắc văn hóa và sự đa dạng văn hóa, để họ có thể phát huy tốt nhất các nguồn lực cho công tác bảo vệ, bảo tồn DSVH. Đây chính là điều kiện tiên quyết để bảo đảm an ninh văn hóa trong bối cảnh hiện nay. Mặt khác, chúng ta phải xây dựng định hướng bảo tồn DSVH, đặc biệt phát huy vai trò của chủ thể văn hóa với mục tiêu chủ thể văn hóa tự thích ứng, tự lựa chọn phương thức sinh tồn để tái sản xuất và gìn giữ DSVH của chính họ. Văn hóa luôn vận động và phát triển, vì nó chính là cuộc sống hàng ngày với các mối quan hệ tác động qua lại giữa con người với con người, con người với môi trường sinh thái, môi trường xã hội. Đây chính là quá trình thích ứng, biến đổi không ngừng và là bản chất, động lực của sự phát triển.
Cần tôn trọng phương thức sản xuất bản địa cũng như sự lựa chọn tín ngưỡng và cách người dân đã và đang sinh tồn, không dẫn đến tình trạng gây căng thẳng trong quan hệ dân tộc, mâu thuẫn giữa chính quyền nhà nước và nhân dân để kẻ địch lợi dụng, gây bất ổn về chính trị xã hội. Tôn trọng sự đa dạng văn hóa chính là chìa khóa tạo sự bình ổn trong xã hội, giúp đất nước phát triển.
Văn hóa mang tính chất đa nguyên, hưởng thụ, hòa nhập và biến đổi nên khi đối mặt với văn hóa ngoại lai thì công tác bảo vệ DSVH lại càng có thêm ý nghĩa và tính chất mới: tiếp thu văn hóa ngoại lai nhưng đồng thời vẫn phải bảo tồn DSVH. Trước mắt, chúng ta phải giải quyết những vấn đề căn bản sau:
Thứ nhất, tăng cường củng cố bản sắc văn hóa, nâng cao lòng tự hào dân tộc.
Thứ hai, cần phải xác định rõ mục tiêu, đối tượng và sự cần thiết phải bảo vệ DSVH.
Thứ ba, cần thiết phải tôn trọng quyền tự do kế thừa, hưởng thụ và phát triển văn hóa. Trước đây, các nhà quản lý văn hóa chỉ biết đưa ra những vấn đề mang tính lý thuyết về quan điểm bảo tồn mà không quan tâm tới đời sống mưu sinh, nhu cầu thực sự của chủ thể văn hóa. Vì thế, việc cần làm ngay là phải định hướng phát triển con người, bởi về cơ bản, bảo tồn hay bảo vệ DSVH trước hết là bảo vệ người sở hữu, người sáng tạo, người truyền bá và kế thừa di sản.
Thứ tư, thiết lập quy trình nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với công tác bảo vệ DSVH.
Thứ năm, thành lập các tổ chức đại diện cho cộng đồng để duy trì, bảo vệ DSVH.
Thứ sáu, thiết lập dự án, kế hoạch bảo vệ di sản bền vững.
Thứ bảy, xây dựng hệ thống để duy trì việc trao truyền DSVH cho các thế hệ sau.
Mặt khác, để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH trong điều kiện hiện nay, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, trong đó duy trì và mở rộng các mục tiêu về phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị DSVH. Đối với DSVH vật thể, cần phải đầu tư có chiều sâu vào công tác tu bổ di tích, tôn tạo cảnh quan, cải tạo cơ sở hạ tầng để phát huy tiềm năng du lịch. Đối với DSVH phi vật thể, cần phải đánh giá quá trình thực hiện để đầu tư một cách có hiệu quả, có trọng điểm, tránh dàn trải.
Bảo tồn DSVH là một công việc có tính hệ thống, là nhiệm vụ lâu dài và có tính xã hội hóa cao. Vì vậy, cho đến thời điểm hiện tại, không chỉ có Nhà nước đứng ra bảo tồn di sản mà nhiệm vụ này phải có sự tham gia của các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là sự tích cực của chính cộng đồng - chủ thể của văn hóa và các thành phần kinh tế khác. Cần thiết phải có những chính sách, chủ trương hợp lý để tạo điều kiện cho chủ thể văn hóa có thể khai thác DSVH thành động lực phát triển kinh tế. Đồng thời phải điều hòa nhu cầu và lợi ích của người dân, chính là người sáng tạo, sở hữu và bảo vệ DSVH.
Mô hình bảo tồn DSVH không nên dập khuôn, cứng nhắc mà cần thiết phải linh hoạt, thiết thực với đời sống không chỉ từng vùng miền mà còn từng tộc người, thậm chí từng làng bản.
Cần thiết phải có các chương trình hợp tác tư liệu hóa, phối hợp giữa các viện nghiên cứu, cơ quan làm công tác bảo tồn, mở các cuộc hội thảo về tư liệu hóa các DSVH nhất là các di sản có nguy cơ bị thất truyền và đẩy mạnh chương trình công bố các kiệt tác di sản. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác, giao lưu văn hóa, tranh thủ các nguồn lực nhằm giới thiệu, quảng bá và bảo vệ DSVH dân tộc.
____________
1, 2, 4. Nguồn: Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL.
3. Cơ quan quản lý sản phẩm các dự án Bảo tồn DSVH phi vật thể của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
5. Quyết định số 1211/QĐ-TTg, ngày 05-9-2015 về việc Phê duyết chương trình mục tiêu về văn hóa giai đoạn 2012 - 2015.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 397, tháng 7 - 2017
Tác giả : VŨ DIỆU TRUNG