Vai trò quản lý của nhà nước và cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản – trường hợp lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương

Từ năm 2009 đến 2016, chúng tôi có cơ hội điền dã nghiên cứu về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và tham gia lễ hội giỗ tổ Hùng Vương hằng năm. Qua tham dự, quan sát và phỏng vấn thủ từ, cộng đồng người dân địa phương, cán bộ quản lý văn hóa, chúng tôi hiểu hơn câu chuyện tổ chức lễ hội và giỗ Tổ Hùng Vương tại địa phương. Trong bài viết, qua thực trạng quản lý, tổ chức lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương hiện nay, chúng tôi tìm hiểu vai trò của các bên tham gia: vấn đề quản lý nhà nước, vai trò của cộng đồng và đề xuất một số giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội đền Hùng cũng như tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ trong đời sống hiện nay.

 

     Công ước 2003 của UNESCO và Luật Di sản văn hóa đều nhấn mạnh vai trò của cộng đồng chủ nhân trong việc “sáng tạo, duy trì và chuyển giao” di sản văn hóa. Ở đây, cộng đồng được hiểu là tập thể người dân của một làng, một xã hoặc liên xã, chủ nhân của di sản, tham gia vào thực hành, phát huy giá trị của di sản trong đời sống tinh thần của họ, cũng như duy trì những thực hành có ý nghĩa trong đời sống cộng đồng. Trong những nghiên cứu, các tác giả đều đã nhận thức rõ vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là trách nhiệm trước hết của cộng đồng. Ngô Đức Thịnh cho rằng: “Hàng ngàn năm nay người dân đã sáng tạo và duy trì lễ hội. Không ai hiểu lễ nghi bằng chính họ, cũng không ai hiểu lễ nghi bằng chính những người sáng tạo ra nghi lễ đó” (1). Nguyễn Văn Huy cho rằng hiện nay “Nhà nước thường làm thay cộng đồng, hay can thiệp quá sâu vào các công việc của lễ hội mà đáng ra phải là công việc thực sự của cộng đồng” (2). Salemink cho rằng biện pháp bảo tồn tốt nhất là trao cho các dân tộc quyền trao truyền di sản văn hóa của họ từ thế hệ này sang thế hệ khác (3). Theo đó, “chỉ bản thân cộng đồng mới có thể quyết định cái gì là (hoặc không là) một phần trong di sản của họ” (4). Trên thực tế, vai trò quản lý của nhà nước và vai trò của cộng đồng có mối quan hệ chặt chẽ, tuy mức độ quyền lực và sự can thiệp của nhà nước, của các cấp chính quyền từng địa phương có sự thể hiện khác nhau.

     1. Thực trạng công tác quản lý, tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội đền Hùng

     Ban quản lý Khu di tích lịch sử đền Hùng, thành lập năm 1962, là cơ quan tham mưu, quản lý, bảo vệ, tu sửa, tôn tạo và phát huy tác dụng của khu di tích, đồng thời giúp cho tỉnh, nhà nước tổ chức lễ hội giỗ Tổ hằng năm. Từ thời điểm đó, các hoạt động liên quan đến lễ hội, trông coi di tích không thực sự là của cộng đồng làng Cổ Tích và một số làng xung quanh núi Nghĩa Lĩnh. Với sự quản lý của Nhà nước, vai trò của cộng đồng, với tư cách chủ nhân vốn có của di sản, bị mờ nhạt. Ngày nay, giỗ Tổ Hùng Vương đã được chính thể hóa với các quy định về tế lễ, dâng hương, cơ quan nhà nước chủ trì với nghi thức quốc lễ, nên thay vì lễ dâng hương theo truyền thống của cư dân thờ cúng Hùng Vương, nghi thức dâng hương của các đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ được tổ chức long trọng ở đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh. Việc làng nào được phép rước kiệu và chuẩn bị lễ vật không còn là tập tục nữa mà là một kịch bản của ban tổ chức lễ hội. Cộng đồng không còn giữ vai trò chủ trì lễ dâng hương chính thức mà Nhà nước có kịch bản được phê duyệt hằng năm (5).

     Hiện nay, các làng xã vùng ven đền Hùng đều dựa vào “Kế hoạch tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương, chờ ban tổ chức lịch ngày nào dâng hương, có quyết định của UBND tỉnh rồi xã mới thành lập Ban tổ chức giỗ Tổ của xã” và “chủ yếu là lãnh đạo xã, cán bộ công chức văn hóa” (6). Việc tham gia lễ hội vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ vừa là niềm vinh dự của các làng xã “làm sao mà có chuyện không tham gia được, các ông già làng trưởng bản được rước kiệu là niềm vinh dự, xong Nhà nước lại hỗ trợ một phần” (7). Công tác tổ chức quản lý tổ chức lễ hội bao nhiêu năm nay đã trở thành nề nếp và theo kế hoạch hằng năm của tỉnh cho nên “cái này nó là lệ của ngày xưa đến bây giờ rồi, hằng năm huy động về phục vụ lễ hội Hùng Vương rất dễ dàng, không có vấn đề gì” (8). Hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội đền Hùng “từ khi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì càng ngày càng chặt hơn, mấy năm nay quá vào nề nếp. Nhà nước và nhân dân cùng làm. Xã có vai trò trong việc gìn giữ phát huy di tích ở đây, cái đấy càng ngày càng quy củ hơn. Sự kết hợp ở đây quá tuyệt vời, không có gì bàn cãi cả” (9).

     Đơn cử như Lễ giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Ất Mùi 2015 do UBND tỉnh chủ trì, tổ chức theo đề án tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ ra Quyết định số 3013/QĐ-UBND ngày 3-12-2014 về việc thành lập Ban tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Ất Mùi - 2015, giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, hai Phó trưởng ban là Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Giám đốc Sở VHTTDL, các ủy viên là lãnh đạo các ban ngành trong tỉnh. Ban tổ chức có con dấu riêng để điều hành các hoạt động của lễ hội. Việc thành lập Ban tổ chức lễ hội do tỉnh chỉ đạo mang tính khoa học, “vai trò của Nhà nước mới làm được chứ dân không làm được” (10). Ngày 15-1-2015 UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Kế hoạch số 142/KH-UBND về việc tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Ất Mùi 2015, phân công nhiệm vụ đến các thành viên để tập trung chỉ đạo công tác chuẩn bị. “Trên tinh thần văn bản đó, cộng đồng cũng tích cực tham gia, Nhà nước chỉ giữ vai trò quản lý để duy trì, còn cộng đồng mới là những người thực hiện, không có sự quản lý của Nhà nước, tổ chức hoạt động phần hội không được quy củ. Nhưng Nhà nước cũng tạo điều kiện hỗ trợ và giao trọn cho cộng đồng được tham gia vào các hoạt động tự nguyện, đặc biệt là hỗ trợ về công tác an ninh trật tự, có sự tích cực hỗ trợ từ Nhà nước” (11). Trong “chương trình lễ hội đền Hùng, nghi thức tổ chức là của Nhà nước, cái này là trách nhiệm Ủy ban (xã) là người đứng ra tổ chức, các cụ tham gia phối hợp… Về công tác quản lý lễ hội truyền thống, chính quyền chỉ giám sát và định hướng, nhưng có những cái giao cho các cụ, lễ hội càng lớn thì trách nhiệm của chính quyền địa phương càng phải làm tốt” (12). Việc tổ chức lễ hội Đền Hùng có chương trình, kịch bản do UBND tỉnh xây dựng, “khi bắt đầu xây dựng kịch bản thì họ cũng tham khảo ý kiến của các cụ nhưng bây giờ nó thành lệ rồi” (13).

Lễ hội Đền Hùng - Ảnh: Phạm Lự

 

     2. Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý, tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội đền Hùng

     Một vấn đề đặt ra là “khi Nhà nước can thiệp, phần nghi thức rất trang trọng nhưng nó mất đi tính tâm linh của họ (người dân)... Nghi thức từ quân đội rước cờ... cũng nghiêm túc trang trọng, nhưng cũng đến lúc phải nhìn lại việc đó... Nhà nước sẽ hỗ trợ an ninh, hỗ trợ điện, vị trí, còn lại họ sẽ dàn dựng, mình sắp xếp chương trình, càng ngày càng mới chỗ đó để cho dân được đắm vào những văn hóa” (14). Quản lý tổ chức ngày giỗ Tổ và lễ hội đền Hùng phải do nhà nước tổ chức quản lý về mặt vĩ mô “trao cho dân thì vấn đề an ninh, những cái mang tính dịch vụ thì anh (cộng đồng) không thể làm được... Có những việc giao cho dân không được, nhưng có những cái phải giao cho dân như tổ chức tế, một đội tế đi tế đền Hùng, là phải dân… Hoạt động dịch vụ là dân nhưng mình có điều tiết, điều tiết đó là cung là cầu, đó là sản phẩm du lịch, đó là nhu cầu của khách đến dâng hương, hay là chỗ ăn nghỉ, những việc ấy Nhà nước phải điều tiết, nhưng khuyến khích cho dân” (15). Bây giờ “giao cho cộng đồng, cộng đồng không tổ chức nổi đâu” (16). “Nhiều năm qua lễ hội đền Hùng được tổ chức rất tốt rồi. Lễ hội tháng 3 chính quyền phải làm, không giao cho các cụ làm được, quy mô lớn hơn, huy động nhiều con người, các cụ không huy động được” (17). “Nhà nước không đứng ra cầm tay chỉ việc được, làm như thế mất hết cả cái hay đi, truyền thống dân gian mà, Nhà nước đứng đằng sau chỉ đạo chứ không đứng đằng trước, để chủ động, dân làm sai gì Nhà nước đứng đằng sau uốn nắn” (18).

     Như vậy, việc chuyển giao điều hành cơ sở vật chất và tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương sang quyền lực nhà nước bằng các văn bản pháp quy đưa đến nhiều ưu thế trong quản lý lễ hội quốc gia để đảm bảo mục tiêu đề ra, nhưng đồng thời cũng có một số vấn đề bất cập, đặc biệt cho cộng đồng sở tại, vốn là chủ nhân của di sản nếu chúng ta xem xét từ góc độ cộng đồng. Trước đây, người dân ở các làng Cổ Tích, Vi, Trẹo, được coi là “trưởng tạo lệ” đứng ra tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương với sự tham gia của các làng xung quanh núi Nghĩa Lĩnh. Từ khi được nâng thành quốc lễ và đặc biệt từ khi có Ban Quản lý di tích (1962), đại diện làng Cổ Tích không còn được đóng vai trò chủ lễ và các làng không còn tuân thủ các quy định truyền thống về tế lễ, tổ chức các sinh hoạt văn hóa dân gian, rước theo truyền thống nữa. Việc tổ chức lễ hội phục vụ vua không còn là lệ của làng mà theo tập tục mọi người dân phải có nghĩa vụ đóng góp công sức, thời gian và tiền của. Thay vào đó, việc tham gia các hoạt động tại các đền ở khu đền Hùng chuyển sang những hình thức mới, mang tính quốc gia với sự chỉ đạo trực tiếp từ UBND tỉnh. Trước khi tổ chức ngày giỗ Tổ, chính quyền cấp tỉnh chuẩn bị toàn bộ chương trình, kịch bản, kinh phí và giao đầu việc cho các sở, phòng ban, địa phương. Người dân các làng Tiên Kiên, Vi, Trẹo, Cổ Tích tham gia vào các hoạt động chuẩn bị và cúng tế. Khi nhận được kế hoạch, mỗi xã xây dựng kế hoạch triển khai phân bổ số người từng khu dân cư, mỗi khu 5-6 người, “giao chỉ tiêu cho khu và khu nhặt con người” (19). Ông Trưởng ban Khánh tiết đình Cả xã Tiên Kiên cho rằng: “Các văn bản chỉ quy định những định hướng lớn, còn đi vào phong tục tập quán của từng địa phương thì cũng không nên tách bạch ra quá vì làm như vậy nó sẽ mất tự do tín ngưỡng” (20). Theo một cán bộ từng công tác tại Khu di tích lịch sử đền Hùng: “Ngày xưa người ta tự giác làm vì đó là phong trào... Bây giờ mỗi xã đòi 5 triệu thì mới tham gia” (21). Còn những người tham gia được huy động trong cộng đồng và trả một phần thù lao chứ không phải tham gia một cách tự nguyện, “đi bán hàng thì ngày được vài ba trăm, nhưng nếu đi dâng hương có khi chỉ được độ 50.000 đến 70.000 một ngày, rước kiệu cũng nặng nhọc thật nhưng có đáng bao nhiêu đâu” (22). “Người ta kinh doanh ngày được 200 nghìn mà mình chi được 50 nghìn người ta cũng nói đấy” (23). “Trong lễ hội người ta phải nghỉ mất mấy buổi, người ta nghỉ một ngày đương nhiên mất rất nhiều tiền, mình bồi dưỡng cho họ 100 đến 200 nghìn là rất ít” (24). “Giờ thông báo cho xã này xã kia rước kiệu phải có tiền hết... lúc đầu hỗ trợ cho 10 đến 15 triệu, bây giờ bình thường 1 làng rước 1 kiệu là 10 triệu. Nếu xã hội hóa chỗ đó chưa chắc nó đã làm vì đi không được gì” (25). Vì thế, mỗi mùa lễ hội cán bộ các xã trong khu di tích phải làm công tác tư tưởng “là trách nhiệm, là vinh dự của địa phương, thôi sớm thì đi rước, chiều vẫn kinh doanh nên họ rất là ủng hộ, chứ bảo hỗ trợ thì nó không đáng gì” (26).

     3. Một số giải pháp

     Từ thực trạng trên, chúng tôi đưa ra 3 giải pháp và nhiệm vụ cụ thể để bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội đền Hùng, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói riêng, di sản văn hóa phi vật thể nói chung.

     Một là, cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phân cấp rõ ràng giữa các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan từ trung ương đến địa phương để tránh chồng chéo trong công tác quản lý. Các cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp trực tiếp vào công tác thực hành di sản của cộng đồng, không làm thay mà cần lãnh đạo, định hướng, hỗ trợ, giám sát theo đúng chức năng và nhiệm vụ đã được chế định theo luật pháp. Bên cạnh đó, cần bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn và rèn luyện kỹ năng phối hợp, làm việc với cộng đồng của đội ngũ trực tiếp làm công tác quản lý di sản.

     Hai là, phát huy vai trò chủ động, tích cực của cộng đồng, những người có quyền quyết định, tự chủ về các biện pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa với sự chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ của Nhà nước, mỗi thành viên cộng đồng đều có trách nhiệm tham gia một cách tự nguyện, sáng tạo trong bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Khuyến khích cộng đồng tham gia tích cực trong việc trao truyền các kỹ năng năng thực hành di sản cho thế hệ trẻ tại cộng đồng.

     Ba là, cần xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa quản lý nhà nước và vai trò của cộng đồng trong bảo vệ, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Đảm bảo sự phân cấp, phân quyền và ranh giới giữa các cơ quan quản lý nhà nước và vai trò của cộng đồng địa phương. Nhà nước không làm thay công việc của cộng đồng, cộng đồng tham gia rộng rãi, tích cực, chủ động. Các cơ quan chức năng chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ trong các nội dung quản lý nhà nước theo Luật Di sản văn hóa nhằm tạo mọi điều kiện để cộng đồng được hưởng lợi từ các chiến lược, chính sách, chương trình, dự án bảo vệ và phát huy di sản văn hóa.

     4. Tạm kết

     Qua thực tế nghiên cứu về tổ chức lễ hội đền Hùng và giỗ Tổ Hùng Vương của tỉnh Phú Thọ, chúng tôi nhận thấy rằng vấn đề quản lý nhà nước và vai trò của cộng đồng cần được xem xét, nghiên cứu một cách có hệ thống từ thực tế các mô hình tổ chức, quản lý của nhiều di sản khác nhau của các dân tộc tại các vùng miền trong cả nước để đưa ra một bức tranh tổng thể hơn. Vấn đề quản lý nhà nước đến đâu, vai trò của cộng đồng cụ thể ra sao rất phụ thuộc vào tính chất của từng di sản và phụ thuộc vào mô hình tổ chức đã tồn tại từ nhiều năm. Dựa vào các nguyên tắc, điều khoản của Công ước UNESCO 2003 và Luật Di sản văn hóa, bài viết đã nhấn mạnh vai trò của cộng đồng, chủ nhân của di sản văn hóa, để làm sao “tất cả hoạt động tâm linh là nhân dân, vẫn thuộc về nhân dân, Nhà nước chỉ đảm bảo vai trò về an ninh trật tự và chỉ đạo mang tính chủ trương chung… không có nhân dân nó không thành hội, nó không thành lễ” (27). Bài viết này chỉ là bước đầu đưa ra các vấn đề về thực trạng và vai trò quản lý của Nhà nước, cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị của di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói riêng và “nếu chúng ta giải quyết thỏa đáng mối tương quan Nhà nước và cộng đồng trong mô hình quản lý lễ hội ở đền Hùng thì sẽ là bài học tốt cho nhiều lễ hội khác” (28). Vấn đề quan trọng nhất là cần phải xây dựng được cơ chế và chính sách đảm bảo cho cộng đồng thực sự làm chủ di sản của mình. Điều này còn phụ thuộc nhiều vào những kết quả nghiên cứu tiếp theo của các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa và di sản văn hóa trong thời gian tới (29).

________________

     1. Hoàng Điệp, Nếu người dân hiểu rõ tín ngưỡng, Báo Tuổi trẻ, 1-2-2012.

     2, 28. Nguyễn Văn Huy, Vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị của lễ hội truyền thống: thảo luận về một số khái niệm cơ bản, Tạp chí Dân tộc học, số 4-2012, tr. 47,48.

     3. Salemink Oscar, Who decides who preserves what? Cultural preservation and cultural representation (Ai quyết định ai là người bảo vệ cái gì? Bảo vệ văn hóa và biểu trưng văn hóa), trong Viet Nam’s Cultural Diversity: Approaches to Preservation (Đa dạng Văn hóa Việt Nam: Những quan điểm bảo vệ), Paris: UNESCO, tr.211.

     4. Duvelle, Cécile, Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Tạp chí Xưa & Nay, số 381-2011, tr. 21.

     5. Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 15-01-2015 của UBND tỉnh Phú Thọ.

     6, 8, 22. Phỏng vấn tại xã Hy Cương, Việt Trì, Phú Thọ tháng 11-2015.

     7, 9. Phỏng vấn cán bộ Khu di tích lịch sử đền Hùng tháng 11-2015.

     10,14,15. Phỏng vấn Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ tháng 11-2015.

     11,16, 24. Phỏng vấn Phó Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng tháng 11-2015.

     12. Phỏng vấn Phó Bí thư Đảng ủy xã Tiên Kiên, Lâm Thao, Phú Thọ tháng 12-2015.

     13, 23. Phỏng vấn ông Từ đền Thượng, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, tháng 11-2015.

     17. Phỏng vấn Phó Chủ tịch xã Tiên Kiên, Lâm Thao, Phú Thọ tháng 11-2015.

     18. Phỏng vấn tại xã Tiên Kiên, Lâm Thao, Phú Thọ tháng 11-2015.

     19, 26. Phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ tháng 12-2015.

     20. Phỏng vấn Trưởng ban Khánh tiết đình Cả xã Tiên Kiên tháng 11-2015.

     21. Phỏng vấn tháng 6 - 2011.

     25. Phỏng vấn tháng 11-2015.

     27. Phỏng vấn Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn, Lâm Thao, Phú Thọ tháng 12-2015.

     29. Chân thành cảm ơn PGS,TS Nguyễn Thị Hiền và Viện VHNTQG Việt Nam đã cho phép sử dụng một số tư liệu điền dã và báo cáo chuyên đề của đề tài Giải pháp thực hiện mối quan hệ giữa quản lý Nhà nước và vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam năm 2015.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Hảo

Nguồn: Tạp chí VHNT số 418, tháng 4-2019

;