Vấn đề xây dựng, bồi dưỡng, phát huy các nguồn lực cho sự phát triển là nhiệm vụ quan trọng của mọi quốc gia, nhất là nguồn lực con người. Một trong các yếu tố làm nên những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong hơn 30 năm đổi mới ở Việt Nam là đã biết khai thác, phát huy các nguồn lực, đặc biệt nguồn lực con người. Tuy nhiên, để phát triển nhanh và bền vững hơn nữa, Việt Nam cần tiếp tục khắc phục những hạn chế của mình trong quá trình phát huy nguồn lực quan trọng này.
Tình bạn - Ảnh: Thanh Hà
1. Thực trạng phát huy nguồn lực con người ở nước ta hiện nay
Một số thành tựu trong việc phát huy nguồn lực con người ở Việt Nam
Tiêu chí đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn lực con người thể hiện ở mặt số lượng (biểu hiện qua các chỉ số tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm) và năng suất lao động bình quân. Nguồn lực con người ở nước ta được đánh giá là đông đảo, dồi dào và trẻ, mỗi năm ở nước ta có khoảng trên 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động, nếu có khả năng thu hút hết nguồn nhân lực này sẽ tạo ra sức mạnh to lớn cho nền kinh tế. Việc sử dụng tốt hơn nguồn lực con người về mặt số lượng thể hiện ở chỗ tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm ở nước ta liên tục giảm qua các năm. Tỷ lệ thất nghiệp trên tổng số lao động ở mức trên 12% vào năm 1990, giảm xuống 6% vào năm 1995, đến năm 2014 còn khoảng trên 2% (1) và tỷ lệ thất nghiệp chung của các nước năm 2018 là 2% (2). Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm về mặt tỷ trọng, năm 2009 có 5,41% số người thiếu việc làm trên tổng lao động thì đến năm 2014 giảm xuống 2,45%, tỷ lệ thất nghiệp năm 2009 là 2,9% thì đến năm 2014 là 2,08% (3).
Hiệu quả sử dụng nguồn lực con người còn thể hiện ở chất lượng việc làm. Chúng ta có nhiều cố gắng để giảm việc làm ở những khu vực phi chính thức, bấp bênh, việc làm sử dụng sức cơ bắp, tăng việc làm ở khu vực chính thức, việc làm sử dụng kỹ năng, kỹ xảo trí tuệ của con người, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực. Chất lượng việc làm tăng lên, năm 2007 cả nước có 28.112 lao động làm nghề giản đơn, chiếm 61,7%, năm 2010 giảm xuống 19.444 lao động, chiếm 39,5% tổng số lao động (4); quý I năm 2019, lao động giản đơn chiếm 35% số lao động có việc làm trên toàn quốc (5).
Hiệu quả sử dụng nguồn lực con người về mặt chất lượng còn thể hiện ở năng suất lao động. Năng suất lao động càng cao chứng tỏ việc sử dụng nguồn lực lao động có hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế lớn. Để nâng cao năng suất lao động phải nâng cao trình độ của người lao động, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, quy trình sản xuất hiện đại, có biện pháp quản lý lao động một cách khoa học, chặt chẽ. Chính vì vậy, năng suất lao động của Việt Nam có tăng nhưng chưa thực sự ổn định qua các thời kỳ, giai đoạn 1986 - 1990, năng suất lao động tăng 1,9% /năm, giai đoạn 1991 - 1997 là 5,92%/ năm nhưng giai đoạn 2001 - 2007 là 4,38%/năm và giai đoạn 2008 - 2014 là 3,52%/năm (6).
Đối với việc sử dụng, phát huy nguồn lực con người, Đảng và Nhà nước đặc biệt chú ý đến việc phát huy nguồn lực trí tuệ. Cùng với đó, trong những năm đổi mới vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có chính sách để thu hút và sử dụng hiệu quả đội ngũ trí thức Việt kiều và khai thác tiềm năng trí tuệ của đội ngũ này. Do đó, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách để thu hút, phát huy nguồn lực trí tuệ của người Việt Nam ở nước ngoài. Trí thức Việt kiều đã có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển đất nước thông qua các hình thức đa dạng như: trực tiếp tham gia hoặc hỗ trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao tri thức, chuyển giao công nghệ; tham gia hoạt động giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, tư vấn hoạch định chính sách phát triển đất nước, làm cầu nối cho các hoạt động hợp tác về khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo; nhiều trí thức về nước làm việc cố định, thường xuyên trong các tổ chức khoa học, giáo dục. Mỗi năm có khoảng 300 lượt trí thức Việt kiều về nước trực tiếp tham gia đóng góp cho quá trình phát triển đất nước.
Việc khai thác trí tuệ, đặc biệt là sức sáng tạo của người dân để tạo ra giá trị có vai trò quan trọng đối với sự phát triển. Chính vì vậy, trong những năm đổi mới vừa qua, Đảng ta rất chú ý đến việc khai thác, phát huy sức sáng tạo của nhân dân, đặc biệt là khả năng sáng tạo thông qua việc nghiên cứu và sáng chế khoa học, công nghệ. Để phát huy khả năng sáng tạo của quần chúng trong hoạt động khoa học và công nghệ, Đảng và Nhà nước đã tổ chức nhiều diễn đàn, cuộc thi để mọi người có môi trường, điều kiện thuận lợi thể hiện, phát huy đầy đủ năng lực sáng tạo của mình. Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam hằng năm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức nhiều giải thưởng như: giải thưởng khoa học công nghệ Việt Nam, Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc… mở ra sân chơi cho mọi công dân, kể cả thiếu niên từ 6 tuổi tham gia.
Một số tồn tại, hạn chế trong sử dụng, phát huy nguồn lực con người ở nước ta
Những hạn chế trong sử dụng nguồn vốn con người ở Việt Nam hiện nay thể hiện cả về mặt số lượng và chất lượng. Về mặt số lượng, do nền kinh tế chưa phát triển, nhu cầu về việc làm lớn, trong khi những người trong độ tuổi lao động không ngừng được bổ sung qua từng năm, dẫn tới tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm ở nước ta còn cao và ngày một tăng.
Về mặt chất lượng, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Năng suất lao động của Việt Nam tương đương 14,9% của Singapore, 9% của Mỹ, 40% của Thái Lan và 52,6 % của Trung Quốc (7). Năng suất lao động của Việt Nam thấp do trình độ của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu cũng như trình độ công nghệ của nền kinh tế nói chung còn thấp. Theo Tổng cục thống kê, năm 2014 Việt Nam có 7.007 doanh nghiệp công nghệ cao đã tạo ra doanh thu trên 1,8 triệu tỷ đồng, trong khi các doanh nghiệp có công nghệ trung bình gấp 4 lần về số lượng nhưng chỉ tạo ra doanh thu 1,4 triệu tỷ đồng.
Đặc biệt, cơ cấu đào tạo của Việt Nam bất hợp lý dẫn tới tình trạng mất cân đối cung cầu lao động: thiếu lao động có kỹ năng, thừa lao động có trình độ đại học và trên đại học. Tỷ lệ công nhân kỹ thuật/ trung cấp/ cao đẳng, đại học là 1/1,8/2,3 (8), trong khi tỷ lệ hợp lý là 10/4/1. Vì vậy, nhiều người có trình độ đại học hoặc trên đại học phải làm những công việc giản đơn hoặc thất nghiệp.
2. Bài học thành công và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong phát huy nguồn lực con người ở Việt Nam
Bài học thành công
Vấn đề thu hút và sử dụng nguồn lực con người ở Việt Nam còn nhiều hạn chế do chính sách tiền lương và thu nhập bất hợp lý, cơ chế sử dụng không tạo được động lực cho người lao động. Việc trả lương theo thang bậc lương, hay năm công tác nhưng không gắn với thành tích và trách nhiệm công việc mà họ đảm nhận dẫn tới không tạo ra động lực để người lao động phát huy hết năng lực, sở trường của mình vào phát triển đất nước.
Để thu hút nguồn lực trí tuệ của người Việt Nam ở ngước ngoài, Nghị quyết 08/NQ - TW ngày 29-11-1993 của Bộ Chính trị khẳng định cần khuyến khích và tạo điều kiện dễ dàng cho người Việt Nam ở nước ngoài chuyển giao tri thức, công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến; mời giáo sư và chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy trong nước, ưu tiên mời chuyên gia là người Việt Nam trong các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút, phát huy nguồn lực trí tuệ to lớn này như Quyết định số 567/QĐ - TTg ngày 18-11-1994 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế sử dụng chuyên gia, trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia tư vấn cho các cơ quan Chính phủ trong một số lĩnh vực công tác; Nghị định 40/2014/NĐ - CP về việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ, trong đó, quy định thu hút cá nhân hoạt động khoa học công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động khoa học công nghệ tại Việt Nam. Chính phủ đã có những hành động cụ thể để thu hút nguồn lực trí tuệ của người Việt Nam ở nước ngoài, mời trí thức Việt kiều về nước làm việc tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị để thu hút ý kiến đóng góp của Việt kiều.
Bắt đầu công cuộc đổi mới, Đảng ta rút ra một bài học quan trọng là phải lấy dân làm gốc. Nhân dân có sức mạnh vô cùng to lớn, phải phát huy nguồn lực của nhân dân, như Hồ Chí Minh đã từng khẳng định “lấy sức dân, tài dân, của dân để làm lợi cho dân”. Đường lối đổi mới là dựa trên những sáng kiến, kinh nghiệm, sáng tạo của quần chúng nhân dân ở cơ sở mà khái quát thành. Vì vậy, Đảng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi để phát huy nguồn lực con người, sức sáng tạo của nhân dân. Đảng cũng thường xuyên đổi mới chương trình, phương pháp giáo dục, đào tạo phù hợp với đòi hỏi thực tế của thời đại và đất nước, phát huy hết tiềm năng, sức sáng tạo của người học. Trong đó, đặc biệt là chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế nhiều thành phần, thừa nhận quyền tự do sản xuất kinh doanh của người dân, mọi người làm giàu hợp pháp, chính sách phân phối, đãi ngộ đúng với giá trị lao động. Nhà nước cũng ban hành nhiều chương trình, chính sách ưu đãi tín dụng nhằm tạo thêm nhiều việc làm mới, qua đó sử dụng lao động hiệu quả hơn, đồng thời cung cấp các khoản vay với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp và hộ gia đình tạo việc làm, xuất khẩu lao động. Cùng với đó, để giúp người lao động tiếp cận được với việc làm nhằm phát huy nguồn lực lao động của mình, Nhà nước còn phát triển thị trường lao động với các dịch vụ kết nối cung cầu. Các trung tâm giới thiệu việc làm công lập, các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cũng được tham gia giới thiệu việc làm nhằm giúp người lao động có thể tiếp cận dễ dàng, thuận lợi, bình đẳng hơn với thị trường lao động.
Để phát huy nguồn lực con người Việt Nam, Chính phủ còn có nhiều cơ chế, chính sách khác như: chăm lo phát triển nguồn nhân lực nữ, tạo điều kiện để phụ nữ tiếp cận đầy đủ và bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khoẻ, phát triển xã hội, khoa học công nghệ, tạo việc làm, tăng thu nhập… Qua đó, giải phóng và phát huy tiềm năng nguồn nhân lực nữ, vốn chiếm tới ½ số lượng nguồn lực con người Việt Nam.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
Trong việc thu hút, phát huy nguồn lực con người, đặc biệt là trí tuệ, sức sáng tạo của nhân dân cũng tồn tại nhiều cơ chế, chính sách bất cập. Trong vấn đề thu hút, phát huy nguồn lực trí tuệ, các cơ quan chức năng chưa xác định các lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên, trọng điểm cần thu hút người Việt Nam ở nước ngoài.
Trong khi đó, chính sách việc làm là một yếu tố quan trọng để phát huy nguồn lực con người nhưng chủ yếu vẫn chú trọng đến tạo việc làm theo số lượng, chưa chú trọng đến chất lượng việc làm, vì vậy chưa khuyến khích người lao động nâng cao trình độ và tay nghề. Trong chính sách việc làm, còn nhiều văn bản gây chồng chéo, một số chính sách hỗ trợ chưa có hướng dẫn cụ thể, như chính sách miễn giảm thuế để khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức tạo nhiều việc làm cho người lao động. Sự phối hợp hoạt động giữa các trung tâm giới thiệu việc làm, giữa trung tâm với doanh nghiệp, người sử dụng lao động còn hạn chế, đặc biệt trong lĩnh vực cung cấp thông tin thị trường lao động, do vậy thông tin thị trường lao động chưa có sự kết nối giữa các vùng, các địa phương nhằm đảm bảo thị trường lao động minh bạch, thông suốt. Chính sách phân phối, tiền lương và tiền công mặc dù có nhiều điều chỉnh nhưng vẫn còn bất hợp lý, chưa tạo động lực cao, nhất là với nguồn nhân lực chất lượng cao, làm hạn chế khả năng sáng tạo, năng suất lao động.
Việc phát huy nguồn nhân lực ở nước ta còn nhiều hạn chế cũng một phần do công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục còn nhiều bất cập, hàng loạt trường đại học được thành lập nhưng chưa được giám sát chặt chẽ về chất lượng. Bên cạnh đó, chúng ta lại chưa thực sự quan tâm phát triển, mở rộng số lượng và nâng cao chất lượng các trường đào tạo nghề dẫn tới thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề. Hơn nữa, trong công tác quản lý nhà nước, việc dự báo đúng các ngành nghề thừa thiếu, thông tin nhu cầu về các ngành nghề trong tương lai, việc giao chỉ tiêu đào tạo không thực sự trên cơ sở nhu cầu thực tế… cũng là những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước, làm trầm trọng thêm tình trạng thừa thày, thiếu thợ. Trong phát triển thị trường lao động, chưa có sự quản lý chặt chẽ các trung tâm, cơ sở dịch vụ giới thiệu việc làm, dẫn tới, tình trạng nhiều cơ sở có tính chất lừa đảo, chẳng những không giải quyết được việc làm mà còn gây thiệt hại cho người lao động.
Đảng ta khẳng định “điều có ý nghĩa quyết định là phải có chính sách phù hợp để phát huy tối đa khả năng về vật chất, trí tuệ và tinh thần của mọi người dân, của các thành phần kinh tế” (9). Vì vậy, vấn đề quan trọng là phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách cũng như công tác quản lý nhà nước để sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực con người Việt Nam, từ đó thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.
_______________
1. Cao Thị Hồng Vinh, Mối quan hệ qua lại giữa nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và phát triển bền vững ở Việt Nam, luận án tiến sĩ, 2017.
2, 5. gso.gov.vn
3, 7. Phạm Tú Tài, Nguyễn Vĩnh Thanh, Sử dụng hiệu quả nguồn lực vật chất chủ yếu trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.77, 44.
4. Tổng cục Thống kê, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Các cuộc điều tra lao động và việc làm (2000-2009).
6. Lê Văn Hùng, Những yếu tố tác động đến năng suất lao động ở Việt Nam, luận án Tiến sĩ, 2016.
8. Vũ Thị Thanh Thùy, Giáo dục, chìa khóa của động lực phát triển, Tạp chí Thuế nhà nước, số 31, kỳ 3, tháng 8 - 2011.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.179 -180.
Tác giả: Nguyễn Tiến Thư - Hà Thị Thùy Dương
Nguồn: Tạp chí VHNT số 425, tháng 11 - 2019