Nước Anh từ lâu đã được coi là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về giáo dục nghệ thuật (GDNT), nó trở thành một phần không thể thiếu trong chính sách và chiến lược quốc gia. Có nhiều cách lý giải về sự thành công này, trước tiên phải kể đến sự tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động GDNT của các tổ chức, nghệ sĩ.
1. Các tổ chức nghệ thuật, nghệ sĩ tích cực tham gia hoạt động GDNT
Sức ép từ chính sách
Chính phủ Anh hiểu rằng, GDNT đóng vai trò quyết định trong việc tăng cường, thúc đẩy người dân tham gia, trải nghiệm, thưởng thức nghệ thuật. Người dân càng có cơ hội tiếp cận nhiều với nghệ thuật, khả năng sáng tạo của họ sẽ càng được mở rộng, đặc biệt đối với trẻ em, người trẻ tuổi. Vì vậy, một loạt các chính sách đã được Chính phủ nước này áp dụng, nhằm gia tăng cơ hội tiếp cận, tham gia vào các hoạt động nghệ thuật, đồng thời khuyến khích tính sáng tạo của người dân. Chính phủ Anh đã thực hiện một loạt các biện pháp như miễn phí vé vào cửa cho tất cả bảo tàng quốc gia, trợ giá cho vé sân khấu rẻ, trợ giúp tài chính cho các công ty, dự án nghệ thuật phục vụ cộng đồng... Chính phủ cũng nhấn mạnh vai trò của nghệ thuật trong việc góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.
Tuy nhiên, không phải tất cả người dân Anh đều sẵn sàng tham gia các hoạt động nghệ thuật. Những người bị cô lập khỏi xã hội thường từ chối hoặc không đủ điều kiện tiếp cận với nghệ thuật. Bên cạnh đó, những người bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ nghệ thuật không dành cho tôi, cũng thường bỏ qua cơ hội tiếp cận với nghệ thuật. Chính phủ Anh luôn nỗ lực mở rộng khả năng tiếp cận, tham gia vào các hoạt động nghệ thuật cho mọi đối tượng. Chiến lược quốc gia PAT 10 chỉ rõ: “Tham gia nghệ thuật, thể thao mang lại lợi ích xã hội thiết thực… Những hoạt động này có thể xây dựng sự tự tin, khuyến khích các nhóm cộng đồng phát triển mạnh mẽ” (1).
Năm 1999, Hội đồng Nghệ thuật Anh (ACE) đã đưa ra văn bản Vấn đề bị xã hội cô lập: khung hoạt động, giới thiệu 10 cách ACE tiếp cận những vấn đề nổi cộm trong xã hội thông qua nghệ thuật. ACE tài trợ cho những chương trình được thiết kế nhằm thực hiện các mục tiêu loại bỏ sự xa lánh trong xã hội: tài trợ 720 nghìn bảng cho dự án của chương trình Phát triển khán giả mới, 40 triệu bảng cho dự án tại các trường học thuộc những khu vực khó khăn thông qua chương trình Đối tác sáng tạo…
Nỗ lực phá vỡ rào cản nghệ thuật không dành cho tôi đi liền với quá trình “trang bị thông tin, kiến thức, sự tự tin để tìm kiếm các trải nghiệm nghệ thuật có giá trị cho chính bản thân họ; đồng thời giúp họ xây dựng một cuộc sống sáng tạo hơn” (2). Để thực hiện điều này, Chính phủ Anh đã xác định GDNT là biện pháp tốt nhất, “yếu tố chủ đạo để mở ra lối tiếp cận rộng rãi hơn với nghệ thuật” (3).
Nghệ sĩ được xem là người kết nối có hiệu quả nhất với khán giả. Vì vậy, thông qua việc tích cực tham gia vào các hoạt động GDNT, Chính phủ Anh mong muốn nghệ sĩ tìm ra những phương thức giao tiếp khác nhau với khán giả. Vai trò của các tổ chức nghệ thuật, nghệ sĩ trong việc thúc đẩy sáng tạo được nhấn mạnh thông qua các chương trình hợp tác với trường học.
Trong Nghệ thuật cho tất cả mọi người, ACE một lần nữa khẳng định cam kết của Chính phủ Anh trong nỗ lực phát triển nền kinh tế sáng tạo, đặt ra các hoạt động ưu tiên: “Tương lai của nền kinh tế sáng tạo phụ thuộc vào những cơ hội được tham gia hoạt động nghệ thuật và sáng tạo mà chúng ta đem đến cho trẻ em và người trẻ tuổi ngày hôm nay” (4).
Sức ép từ bên trong
Bên cạnh những sức ép từ phía chính phủ, bản thân các tổ chức nghệ thuật và nghệ sĩ cũng phải chịu những áp lực khác đến từ bên trong, đặc biệt là việc tìm kiếm, xây dựng, phát triển lực lượng khán giả.
Rick Roger cho rằng, giáo dục và marketing nghệ thuật có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, hoạt động trên các lĩnh vực chung như thấu hiểu, tiếp cận, tham gia, học tập, thành công, hài lòng. “Giáo dục và marketing trong nghệ thuật có thể tăng cường khả năng thành công của hoạt động phát triển khán giả - duy trì và mở rộng các khán giả đã có sẵn, tạo ra các khán giả mới, và gia tăng sự hài lòng, thấu hiếu, kỹ năng, sự tự tin của họ với các loại hình nghệ thuật” (5).
Bên cạnh đó, GDNT giúp phát triển hình ảnh, gia tăng danh tiếng cho tổ chức nghệ thuật trong cộng đồng và giới nghệ thuật chuyên nghiệp. Đối với nhiều tổ chức, giáo dục còn đóng vai trò quan trọng trong việc tìm nguồn tài chính hoạt động, bởi Chính phủ Anh có chính sách ưu tiên GDNT.
Đối với nghệ sĩ, giáo dục là phương thức hoàn hảo để thu hẹp khoảng cách giữa khán giả và bản thân họ. Hơn nữa, thông qua các chương trình giáo dục, nghệ sĩ có cơ hội nâng cao kỹ năng sáng tạo, nảy sinh nguồn cảm hứng mới, phát triển các mối quan hệ mới.
2. Vai trò của tổ chức nghệ thuật và nghệ sĩ trong GDNT
Các hoạt động GDNT trong trường học
Sự tham gia của các nghệ sĩ vào GDNT trong trường học từ lâu đã là một phần không thể thiếu của nền giáo dục Anh quốc. Trong quá khứ, nghệ sĩ và tổ chức nghệ thuật tại Anh thường kết nối với trường học thông qua các buổi giới thiệu, hội thảo đơn lẻ, không có các hoạt động tiếp nối, hỗ trợ sau đó. Điều này khiến việc đánh giá kết quả các hoạt động giáo dục này trở nên khó khăn, trên thực tế, chúng không có ảnh hưởng rõ rệt lên hoạt động dạy và học tại trường. Theo Christopher Frayling, đầu những năm 80 TK XX, các tổ chức nghệ thuật nước Anh mới bắt đầu phát triển các chương trình gắn kết nhằm hỗ trợ cho mục tiêu GDNT tại trường học (6).
Việc thu hẹp khoảng cách giữa nghệ thuật chuyên nghiệp và cuộc sống thực tế giúp các em học sinh hiểu biết hơn về quá trình sáng tạo, cũng như khả năng cảm thụ nghệ thuật; đồng thời, giúp các em phát triển các kỹ năng, nuôi dưỡng niềm say mê, sự tự tin và động cơ sáng tạo. Đối với giáo viên, hợp tác với nghệ sĩ giúp họ tự tin hơn trong GDNT, mở rộng kiến thức về nghệ thuật chuyên nghiệp, củng cố mối quan hệ với đồng nghiệp và với học sinh. Còn với nghệ sĩ, khi tham gia chương trình Nghệ sĩ thường trú tại trường, họ có cơ hội tiếp cận, giao lưu, tương tác với lượng khán giả vô cùng đa dạng.
Đề cập đến việc một nghệ sĩ chuyên nghiệp có thể tham gia hoạt động GDNT tại trường học như thế nào, tác giả Caroline Sharp chỉ ra ba phương thức chính:
Người sáng tạo: Nghệ sĩ tập trung vào việc tạo ra tác phẩm tại trường học. Dự án dạng này cho phép học sinh trực tiếp quan sát quá trình sáng tạo nghệ thuật, thích hợp nhất với nghệ thuật thị giác.
Người giới thiệu: Nghệ sĩ tập trung vào việc giới thiệu, phân tích về một tác phẩm nghệ thuật đã hoàn thành với khán giả. Điều này cho phép giáo viên, học sinh được tiếp cận nhiều hơn với các tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Phương thức này thích hợp nhất với nghệ sĩ biểu diễn, nhà văn, nhà thơ.
Người hướng dẫn: Nghệ sĩ tập trung vào việc hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên, học sinh tự sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật. Ngoài ra, với những kỹ năng, kỹ thuật có được trong quá trình làm việc, học sinh, giáo viên có thể tự xây dựng các hoạt động liên quan tiếp nối sau khi dự án kết thúc. Phương thức này phổ biến nhất và thích hợp cho hầu hết các loại hình nghệ thuật.
Ở một góc nhìn khác, vai trò của nghệ sĩ trong GDNT tại nhà trường bao gồm: nhà giáo dục, người hợp tác và hình mẫu. Nghệ sĩ được kỳ vọng sẽ đưa GDNT đi theo con đường sáng tạo, khác với giáo viên - thường lựa chọn các phương pháp giảng dạy truyền thống, nhấn mạnh vào hướng dẫn, giảng dạy về một số kỹ năng, nội dung nhất định.
Giảng dạy sáng tạo có thể được hiểu theo hai cách: giảng dạy một cách sáng tạo và giảng dạy hướng đến sự sáng tạo. Đối với giảng dạy một cách sáng tạo, giáo viên sử dụng cách tiếp cận sáng tạo, giàu trí tưởng tượng, khiến việc học trở nên thú vị, hiệu quả hơn. Còn giảng dạy hướng đến sự sáng tạo khuyến khích học sinh tự tin vào tiềm năng sáng tạo của mình và tham gia vào nghệ thuật. Với sự sáng tạo sẵn có, quan niệm mới mẻ, lòng nhiệt huyết, nền tảng văn hóa phong phú…, các nghệ sĩ được kỳ vọng sẽ đem đến những kinh nghiệm, kỹ năng, cách tiếp cận, hỗ trợ cho công việc của giáo viên bằng những phương thức độc đáo nhất” (7). Tuy nhiên, nhiều nhà giáo dục e ngại rằng, sáng tạo có thể dẫn đến thiếu kỷ luật, lạm dụng “sự tự do” trong trường học.
Trong khi đó, nhiều nghệ sĩ muốn đóng vai trò hợp tác, hơn là một nhà giáo dục, kể cả khi họ đang tham gia trong các dự án GDNT tại trường học. Nghệ sĩ Kimberley Foster chia sẻ rằng: “Mối quan hệ của tôi với nhóm học sinh này được tạo ra từ những buổi thảo luận diễn ra trong suốt dự án, chứ không phải từ việc tôi là một nghệ sĩ và có quyền lãnh đạo toàn bộ quá trình… Dự án này cho phép tôi nhìn nhận lại những vai trò mà người nghệ sĩ có thể tham gia trong hoạt động GDNT như cố vấn, điều phối, hợp tác...” (8).
Có thể nhận thấy, sự bình đẳng, thảo luận mở là hai yếu tố sống còn trong mối quan hệ giữa nghệ sĩ và học sinh tại các dự án GDNT. Tuy nhiên, mối quan hệ này có thể được phân loại thành các mức độ khác nhau, dựa trên độ tuổi của học sinh. Đối với học sinh từ 11 tuổi trở lên (tương đương với mức độ Key Stage 3, trong hệ thống giáo dục Anh), nghệ sĩ có thể đóng vai trò người hợp tác, bởi học sinh đã được trang bị một số kỹ năng, kiến thức cơ bản nhất định, có đủ trách nhiệm để đảm đương nhiệm vụ trong dự án. Còn đối với học sinh ở độ tuổi nhỏ hơn, nghệ sĩ có thể tập trung nhiều hơn vào vai trò của nhà giáo dục, đồng thời có thể kết hợp với vai trò người hợp tác, nhưng không nên để vai trò này chiếm vị trí thượng phong.
Giao tiếp với nghệ sĩ, quan sát quá trình họ làm việc không chỉ giúp kết nối học sinh với nghệ thuật chuyên nghiệp, mà còn khơi dậy sự mong mỏi trở thành một phần thế giới đó với các em. Nghệ sĩ thường đảm nhận vai trò hình mẫu một cách vô thức, chia sẻ chân thực về cuộc sống nghề nghiệp của họ. Đối với những người mắc chứng trầm cảm, hoặc có hoàn cảnh phức tạp, cơ hội tham gia vào nghệ thuật có thể sẽ mang lại ảnh hưởng lớn. Bên cạnh đó, nghệ sĩ thành công có cùng hoàn cảnh xuất phát chắc chắn sẽ trở thành những hình mẫu tích cực cho các em.
Bên cạnh vai trò chính yếu của nghệ sĩ, khi tham gia GDNT tại trường học, chúng ta không thể bỏ qua vai trò của giáo viên (9). Sự hòa hợp trong mối quan hệ giữa nghệ sĩ, giáo viên là điều kiện tiên quyết trong bất kỳ dự án hợp tác GDNT nào. Trong mọi hoàn cảnh, giáo viên phải cảm thấy mình là một thành phần quan trọng trong dự án, biết được nghệ sĩ đang làm gì và tại sao. Trong khi đó, nghệ sĩ phải khuấy động được sự tự tin và đảm bảo giáo viên tham gia dự án ở mức tối đa.
Các hoạt động GDNT ngoài trường học
Đối với các nghệ sĩ đến từ Anh quốc, tham gia các dự án GDNT bên ngoài trường học là việc làm rất phổ biến. Bối cảnh của các dự án như vậy rất đa dạng, có thể ở nhà tù, bệnh viện, trại tế bần, quán ăn, thậm chí trên đường phố. Khi tham gia vào các dự án này, nghệ sĩ không chỉ thực hiện các vai trò cơ bản như người hướng dẫn, hình mẫu, mà họ phải đảm đương vai trò của một nhà hoạt động xã hội, có trách nhiệm với các vấn đề xã hội liên quan đến dự án.
Trong tài liệu PAT10 của Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao (Anh) đã ghi rõ: “Nghệ thuật… không chỉ đóng góp đáng kể vào việc giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ tội phạm; nâng cao sức khỏe, tố chất, mà còn giúp phát triển sự tự tin, tinh thần cộng đồng và khả năng đảm đương trách nhiệm”.
Một bản báo cáo khác của chương trình Khán giả mới đã đưa ra ba hình thức hợp tác có thể hình thành giữa các tổ chức nghệ thuật và cơ quan khác trong xã hội:
Hợp tác với chính quyền địa phương: Mối quan hệ khăng khít giữa tổ chức nghệ thuật và chính quyền địa phương phản ánh sự cam kết giữa các bên, nhằm đạt được mục đích xã hội gần nhất của dự án. Điều này cũng ảnh hưởng đến khả năng gây quỹ hoạt động của các tổ chức nghệ thuật cho dự án. Ngoài ra, một dự án được phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và người khởi xướng sẽ dành được lòng tin của người tham gia nhiều hơn.
Hợp tác với các tổ chức phi nghệ thuật: Mối quan hệ này có thể giải quyết được một số vấn đề xã hội khó khăn mà tổ chức nghệ thuật không thể tự giải quyết.
Hợp tác giữa các tổ chức nghệ thuật với nhau: Tổ chức nghệ thuật khởi xướng sẽ được hưởng lợi ích từ những lĩnh vực không chuyên sâu trong quá trình cung cấp lợi ích về nguồn lực và kinh nghiệm nghệ thuật cho toàn bộ dự án.
Có thể nhận thấy, các tổ chức nghệ thuật và nghệ sĩ chính là hạt nhân thành công của GDNT tại Anh quốc. Sức ép bên ngoài đến từ Chính phủ, nội tại các tổ chức, cá nhân trong giới nghệ thuật đã khiến giới nghệ sĩ nước này tích cực tham gia hoạt động nghệ thuật. Trong khi đó, sự linh hoạt trong việc lựa chọn vai trò tham gia, hợp tác với nhiều thành phần xã hội khác nhau đã giúp các nghệ sĩ chủ động và được tạo điều kiện có thể thực hiện các hoạt động GDNT một cách thuận lợi, thành công nhất.
_______________
1. Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh, PAT 10, 1999.
2, 3. Roy Shaw, The Arts and the People, Nxb Jonathan Cape Ltd, 1987, tr.120, 142.
4. Hội đồng Nghệ thuật Anh, Great Arts for Everyone, 2008, tr.20.
5. Rick Rogers, Audience Development: Collaborations between Education and Marketing, Hội đồng Nghệ thuật Anh, 1998, tr.11.
6. Hội đồng Nghệ thuật Anh, Arts Organizations and their Educational Programs, 1997, tr.4.
7. Oddie D. & Allen G., Artists in Schools: A Review, The Stationery Office, London, 1998, tr.35
8, 9. RCMG, Evaluating Creativity, RCMG, 2000, tr.63, 68.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016
Tác giả : ĐỖ LAN PHƯƠNG