Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt địa điểm chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh - Ảnh: kontum.gov.vn
“Cộng đồng” là một khái niệm được sử dụng rộng rãi trong nhiều nghiên cứu cũng như trong các từ điển. Theo Từ điển Oxford, cộng đồng (community) “là một nhóm người cùng sinh sống trong một khu vực nhất định hoặc có chung một đặc điểm đặc trưng”. Khái niệm cộng đồng theo Đại từ điển tiếng Việt, là “tập hợp của những người có những điểm giống nhau làm thành một khối như một xã hội”… Đối với lĩnh vực di tích, cộng đồng được hiểu là tập hợp những nhóm người có chung đặc trưng về văn hóa, đó là cùng theo/ thờ phụng một tôn giáo hoặc tín ngưỡng nào đó như Phật giáo, Đạo giáo, tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Thành hoàng, thờ tổ tiên… Cộng đồng này có thể trùng khớp với cộng đồng cư trú (làng xã, khu phố) nhưng cũng có thể không, thậm chí còn rộng hơn trên phạm vi cả nước, thậm chí là ngoài nước… cộng đồng là những người cùng hoặc khác địa bàn sinh sống, chung các yếu tố về văn hóa và có sự quan tâm, đóng góp đối với việc trùng tu, tu bổ các di tích lịch sử văn hóa (1).
Khi nói tới khái niệm “cộng đồng”, người ta cũng thường liên hệ tới các nhóm cư dân đông đảo trong xã hội, thường dùng để chỉ những nhóm cư dân nằm ngoài các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà chuyên môn. Có nhiều cách hiểu và cách diễn đạt khác nhau về khái niệm “cộng đồng”, song, hai đặc điểm chính của khái niệm này chính là tính “tập thể” và có đặc điểm “chung” về giá trị, niềm tin, lợi ích, khu vực địa lý, vai trò trách nhiệm... Xuất phát từ những tính chất đặc trưng đó người ta có thể xây dựng nên nhiều cộng đồng khác nhau trong từng lĩnh vực, theo từng khu vực địa lý.
Trong phạm vi bài viết này, khái niệm “cộng đồng sở tại” được sử dụng theo nội hàm như sau: “Cộng đồng sở tại” là các nhóm cư dân sinh sống tại địa phương nơi có di tích, có cùng mối quan tâm đến di tích, có quyền thụ hưởng, có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc và phát huy giá trị di tích theo các quy định tại Luật Di sản văn hóa (DSVH). Cộng đồng sở tại bao gồm các nhóm thành phần: cộng đồng thanh niên, cộng đồng học sinh, cộng đồng dân cư thôn xóm, cộng đồng doanh nhân, cộng đồng chức sắc tôn giáo… Trong đó, có thể chia thành 2 nhóm lớn:
Nhóm 1: cộng đồng sở tại sống tại khu vực có di tích, cùng có mối quan tâm đến di tích, có quyền thụ hưởng và nghĩa vụ bảo vệ, phát huy giá trị di tích theo Luật DSVH, nhưng không chịu trách nhiệm trực tiếp trong hoạt động quản lý, bảo vệ, chăm sóc và phát huy giá trị di tích.
Nhóm 2: cộng đồng sở tại sống tại địa phương có di tích, cùng có mối quan tâm đến di tích, có quyền và nghĩa vụ bảo vệ, phát huy giá trị di tích theo Luật DSVH và là những người được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, bảo vệ, chăm sóc và phát huy giá trị di tích. Ở nước ta, nhóm cộng đồng sở tại này là một lực lượng đông đảo, thường xuyên tiếp cận và tác động đến di tích. Thành phần rất đa dạng, bao gồm: sư trụ trì, thủ từ, thủ nhang, thành viên các ban/ tổ bảo vệ, ban khánh tiết, những người có hiểu biết về di tích và có uy tín được cộng đồng dân cư địa phương bầu làm đại diện trong các Ban Quản lý di tích (QLDT) mang tính chất kiêm nhiệm.
Trong lĩnh vực bảo tồn DSVH, việc xác định các nhóm cộng đồng không những “thể hiện sự gắn kết những người dân, tầng lớp dân cư bởi truyền thống, bởi địa bàn cư trú, đặc biệt hơn, sự gắn kết chung bởi những mối quan tâm, bởi nhu cầu chung về đời sống tâm linh, những gì hợp thành cộng đồng” (2). Hơn thế nữa, việc phân loại và xác định rõ nhóm cộng đồng sở tại then chốt sẽ là cơ sở cho việc xác định vai trò, trách nhiệm của họ trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích hiện nay. Từ đó có thể xây dựng các giải pháp phù hợp trong việc phát huy mạnh mẽ vai trò, sức mạnh của cộng đồng sở tại trong công tác này.
Theo hệ thống phân cấp quản lý di tích hiện nay, ngoài các di tích trọng điểm, đối với hàng chục ngàn di tích nằm dưới sự quản lý của các xã/ phường thông qua việc thành lập các Ban QLDT hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Thành phần của các Ban QLDT này thường bao gồm Phó Chủ tịch UBND xã/ phường (làm Trưởng ban), cán bộ văn hóa xã / phường và đại diện các tổ chức ở địa phương, thủ từ, thủ nhang, sư trụ trì… số lượng có thể từ 10-20 thành viên tùy theo quy mô di tích. Trên thực tế, để bảo vệ và chăm sóc di tích, các địa phương có thể huy động thêm các thành viên từ cộng đồng sở tại, tham gia vào các ban khánh tiết, ban/ tiểu ban/ tổ bảo vệ… Đây chính là lực lượng trực tiếp, thường xuyên thực hiện các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và phát huy giá trị di tích trên khắp cả nước. Tính riêng số lượng di tích được xếp hạng trên cả nước hiện nay, có thể thấy lực lượng này rất đông đảo, lên tới hàng trăm ngàn người.
Cộng đồng sở tại đã có nhiều đóng góp trong việc chăm sóc, bảo vệ và duy trì hệ thống di tích đến ngày nay. Mô hình quản lý di tích ở cấp cơ sở hiện tại cho thấy tính phù hợp với lịch sử, kế thừa và tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, tranh thủ các nguồn lực từ cộng đồng sở tại vào công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Mô hình này không chỉ giảm gánh nặng cho Nhà nước mà còn đặt di sản vào đúng vị trí vốn có trong các cộng đồng sở tại. Phát huy vai trò của các cộng đồng sở tại cũng là xu thế tất yếu, phù hợp với thực tiễn hiện nay ở nhiều khu di sản, nhiều nước trên thế giới. Cộng đồng sở tại có rất nhiều thế mạnh cần được khai thác, huy động sử dụng hiệu quả:
Về tính lịch sử và tinh thần tự nguyện, ở nước ta, công tác bảo tồn di tích trước khi được thực hiện bởi các chuyên gia, cộng đồng sở tại đã xác lập được vai trò hết sức quan trọng. Các cộng đồng làng xã không chỉ tự nguyện, sẵn sàng đóng góp công sức và vật chất và cho việc xây dựng, tu sửa di tích, mà trực tiếp tham gia chăm sóc, trông coi, bảo vệ an ninh, bảo quản di tích, tham gia vào tổ chức các lễ hội và trực tiếp thực hành nghi lễ… Có thể thấy, đây là một lực lượng đông đảo nhất, là những người gắn bó nhất với di tích, hơn ai hết, họ chính là những người chăm sóc di tích thường xuyên nhất, trao truyền tốt nhất các ý nghĩa văn hóa gắn liền với di tích cho các thế hệ sau. Tinh thần tự nguyện, mối quan tâm và trân trọng di tích đã trở thành một truyền thống, được cụ thể hóa qua các hương ước của làng xã và được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Về nguồn lực, xuất phát từ niềm tin tôn giáo về những ý nghĩa của việc phát tâm công đức, tùy vào khả năng mức độ của mình, họ sẵn sàng góp công, góp sức, vật chất cho việc xây dựng, tu sửa các công trình tôn giáo, tín ngưỡng ở địa phương. Từ việc đóng góp tiền giọt dầu, công đức thường xuyên đến những đóng góp lớn hơn trong các đợt kêu gọi tu sửa. Từ góp tiền đến hiến đất, hiện vật, công sức đóng góp khi công trình được xây dựng, tu sửa cho đến việc đảm nhận công việc trông coi chăm sóc di tích, dù không có kinh phí hỗ trợ. Ngày nay, khi đời sống kinh tế được nâng cao, mức độ quan tâm đến các di sản của làng xã quê hương cũng ngày càng lớn, nhất là đối với bộ phận những mạnh thường quân sẵn sàng đóng góp lớn cho công cuộc bảo tồn di sản ở quê hương. Đây là một trong những điểm sáng của công tác xã hội hóa bảo tồn di tích. Không chỉ có những đóng góp về công sức, vật chất mà còn là cả nguồn lực trí tuệ. Sáng tạo dân gian là một trong những nguồn gốc căn bản của hệ thống di tích Việt Nam. Từ đó, các giá trị di tích tiếp tục được bồi đắp theo thời gian. Cộng đồng sở tại tích cực tham gia vào ban quản lý di tích, các ban bảo vệ, ban khánh tiết... thực hiện rất tốt công tác gìn giữ, bảo vệ di tích. Dù không có bằng cấp hoặc được đào tạo bài bản nhưng nhiều kiến thức, kinh nghiệm; chịu khó tích lũy tri thức qua sách vở, chủ động sáng tạo trong công việc nên đã có những đóng góp lớn trong công tác này.
Về yếu tố địa lý, di tích được hình thành và “sống” trong các cộng đồng sở tại. Đó là một môi trường gắn bó mật thiết hữu cơ. Do đó, cộng đồng sở tại chính là lực lượng đông đảo, không thể thay thế trong bảo vệ, chăm sóc và phát huy giá trị di tích.
Việc phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng sở tại, đặc biệt là trong các hoạt động chăm sóc, bảo vệ di tích chính là phát huy thế mạnh và vai trò lịch sử của nhóm cộng đồng này. Khi cộng đồng sở tại thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, bảo vệ mang tính định kỳ nhằm duy trì tốt hiện trạng di tích, có báo cáo đề xuất kịp thời khi phát hiện các hư hỏng, giúp hạn chế để các hư hỏng tiến triển nặng hơn, sẽ góp phần tiết kiệm kinh phí, hạn chế phải tiến hành các hoạt động tu bổ di tích với quy mô lớn hơn. Từ đó góp phần bảo vệ tính xác thực của di tích.
Thêm vào đó, khi tiến hành các hoạt động kiểm tra định kỳ di tích và có lưu lại các kết quả kiểm tra một cách bài bản, sẽ là một hoạt động có ý nghĩa hết sức thiết thực trong việc xây dựng hồ sơ di tích. Các kết quả kiểm tra định kỳ ghi nhận những biến đổi tại di tích sẽ là cơ sở quan trọng cho hoạt động tu bổ về sau. Đối với những người làm công tác quản lý di tích, việc có được các thông tin hệ thống, đầy đủ, cập nhật thường xuyên và đáng tin cậy từ chính lực lượng sát sườn với di tích sẽ giúp quá trình ra quyết định được chính xác và đúng hướng hơn. Trong bối cảnh hiện nay, công tác quy hoạch di tích đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của các địa phương, hoạt động này nếu được thực hiện đồng bộ tại các di tích sẽ rất hữu ích không chỉ đối với bản thân từng di tích đơn lẻ mà với cả hệ thống di tích của địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh vai trò không thể thay thế, thực trạng công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích được thực hiện bởi cộng đồng sở tại cũng cho thấy những hạn chế nhất định. Cụ thể, nhận thức về di tích và công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy giá trị di tích ở các thành viên ban/ tiểu ban QLDT, ban/ tổ bảo vệ, ban khánh tiết… chưa đồng đều, hiểu biết về Luật DSVH cũng như các chức năng nhiệm vụ mà mình phải thực hiện chưa thực sự rõ ràng, do đó, hiệu quả hoạt động chưa cao. Nhiều di tích cắt cử người trông coi chưa thường xuyên; bài trí đồ đạc lộn xộn gây ẩm thấp, mất mỹ quan; hoạt động bảo quản các hiện vật của di tích chưa đúng cách; tùy tiện sơn quét lòe loẹt lên các thành phần của di tích như các cấu kiện, đồ thờ; tùy tiện tiếp nhận các hiện vật cung tiến, lắp đặt các hiện vật, cấu kiện vào di tích; chưa chú trọng đúng mức đến phòng ngừa rủi ro đặc biệt là nguy cơ cháy nổ; bảo vệ an ninh cho di tích, an toàn cho các hiện vật chưa hiệu quả… Bên cạnh đó, chưa thực hiện được việc phát hiện và báo cáo kịp thời các sai phạm tại di tích như: tự ý phá dỡ công trình di tích, xây dựng trái phép các công trình trong khu vực bảo vệ di tích…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên, có thể đưa ra một số nguyên nhân chủ yếu sau:
1. Về nguồn nhân lực: những người trực tiếp bảo vệ, chăm sóc di tích có độ tuổi cao, thường là những cán bộ nghỉ hưu, quân nhân xuất ngũ, giáo viên, cựu chiến binh… Có nhiều người tâm huyết, yêu di tích, có điều kiện thời gian tìm hiểu di tích từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng phần lớn trong đó vẫn thực hiện nhiệm vụ theo kinh nghiệm, chưa được tiếp nhận một cách hệ thống các vấn đề căn bản về quản lý bảo vệ di sản, xử lý vấn đề phát sinh còn theo cảm tính. Hầu hết tham gia vào bảo vệ, chăm sóc di tích trên tinh thần tự nguyện, không có chế độ hỗ trợ. Nhận thức của một bộ phận cư dân làng xã và những người được giao bảo vệ, chăm sóc các di tích: họ quan niệm rằng các di tích gắn với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo (thờ Thần, Phật, Thánh và Mẫu) cũng như các lễ hội văn hóa truyền thống cần được làm mới, thật khang trang và sang trọng. Do đó, có xu hướng muốn thay thế các cấu kiện kiến trúc, thậm chí cả đồ thờ tự trong di tích hoặc hiện tượng sân khấu hóa và thương mại hóa hoạt động lễ hội… Việc bảo vệ, chăm sóc, sử dụng và tác động đến di tích của cộng đồng được dẫn dắt bởi những suy nghĩ vốn có trong tâm thức của họ và điều đó, nói chung lại không trùng hợp với các yêu cầu về bảo tồn và phát huy giá trị của di tích một cách khoa học (3).
2. Về các quy định pháp lý hiện hành: hệ thống văn bản pháp luật về DSVH vẫn còn thiếu đồng bộ, một số nội dung vẫn bị chồng chéo bởi các luật khác, nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Phạm vi giới hạn các hoạt động bảo vệ, chăm sóc di tích được thực hiện bởi các cộng đồng sở tại chưa được quy định rõ. Một thực tế khi rà soát các quy định trong hệ thống pháp luật về di sản hiện nay là sự thiếu hụt các quy định về công tác chăm sóc bảo vệ di tích ở cấp cơ sở. Nếu coi tu bổ di tích là một hoạt động quan trọng nhằm cứu vãn tình trạng xuống cấp của di tích, một trong những vấn đề bức thiết trước mắt và mang tính thời điểm của hệ thống di tích nước ta, thì chăm sóc bảo vệ di tích là một hoạt động mang tính chất thường xuyên và có ý nghĩa lâu dài. Đây là hai nhóm hoạt động cốt yếu và hỗ trợ lẫn nhau trong bảo tồn di tích nói chung. Hầu hết các quy định trong Luật DSVH, trong các Nghị định, Thông tư, Quy chế ở địa phương đều tập trung vào hoạt động tu bổ di tích. Các nội dung cụ thể của hoạt động chăm sóc bảo vệ di tích ít được chú ý.
Bên cạnh đó, các quy định trong Luật DSVH và các văn bản dưới luật chưa nhấn mạnh về vai trò của cộng đồng sở tại, đặc biệt là quyền được hưởng thụ, bảo vệ di tích và các giá trị đi kèm. Các quy định chủ yếu nêu bật trách nhiệm của cộng đồng sở tại với tư cách là công dân Việt Nam nói chung hoặc là thành phần trong các Ban QLDT kiêm nhiệm, trực tiếp thực hiện việc bảo vệ, chăm sóc và phát huy giá trị di tích. Các quy định về trách nhiệm của cộng đồng sở tại được cụ thể hóa qua các quy chế, hướng dẫn của địa phương, tuy nhiên, mức độ chi tiết khác nhau giữa các địa phương. Đặc biệt, chưa có hướng dẫn nào mang tính chất “chuyển hóa” các quy định từ Luật DSVH vào thực tiễn, các hướng dẫn đầy đủ và chi tiết, gần gũi và dễ hiểu cho cộng đồng sở tại trong việc thực hiện các trách nhiệm theo quy định tại Luật DSVH.
3. Về công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cộng đồng sở tại: do số lượng di tích lớn, các vấn đề liên quan đến quản lý bảo vệ di tích rất rộng và thực tiễn luôn đặt ra những yêu cầu mới, nên hoạt động tập huấn bồi dưỡng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là đối với những người làm nhiệm vụ trực tiếp quản lý, chăm sóc bảo vệ di tích tại cơ sở. Mặc dù những năm qua, các địa phương đều mở rộng đối tượng bồi dưỡng đến cán bộ văn hóa xã phường và những người trực tiếp trông coi từ các Ban QLDT cơ sở. Tuy nhiên, đối với cán bộ văn hóa xã, do kiêm nhiệm quá nhiều công việc, họ buộc phải trở thành “con dao pha”, khi bản thân chưa được đào tạo đầy đủ, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn chồng chéo không bố trí tham gia được, hoặc do mới nhận nhiệm vụ… dẫn đến việc không có đủ kiến thức và kỹ năng, gặp khó khăn trong thực hiện chức trách của mình. Thực trạng này cho thấy một “khoảng trống” về năng lực ở cấp cơ sở. Với đội ngũ những người trông coi, hầu hết tham gia tập huấn đều là đại diện, thường là trưởng ban bảo vệ, ban khánh tiết, việc tuyên truyền phổ biến lại các nội dung tập huấn cho các thành viên còn lại rất hạn chế.
4. Công tác lưu trữ hồ sơ lý lịch di tích chưa đồng đều giữa các địa phương. Nhiều nơi tại di tích không lưu hồ sơ lý lịch, căn cứ quan trọng để những người làm nhiệm vụ khai thác thông tin nhận diện các giá trị di tích. Kỹ năng khai thác thông tin từ hồ sơ di tích chưa được trang bị.
5. Cơ chế phân cấp quản lý: xu hướng hiện nay là trao quyền cho địa phương trong quản lý bảo vệ di tích, kèm theo đó là chịu trách nhiệm trực tiếp khi có vấn đề liên quan xảy ra. Xu thế này là hoàn toàn phù hợp với lịch sử, thực tiễn và đặc điểm hệ thống di tích nước ta. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, khi quy trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý bảo vệ di tích, cần trang bị cho họ đầy đủ năng lực thực hiện, tạo cho họ động lực để phát huy tinh thần trách nhiệm với công việc, chức trách được giao. Đối với các cán bộ văn hóa xã phường, hiện đang xuất hiện một sự “quá tải” nhất định trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình. Trong thành phần đông đảo theo quy định của các Ban QLDT khi thành lập, thực tế công tác bảo vệ chăm sóc thường xuyên tại di tích tập trung chủ yếu do nhóm những thành viên ban/ tổ bảo vệ, ban khánh tiết, tiểu ban QLDT… đảm nhận thực hiện. Họ phần lớn là người cao tuổi, tự nguyện phát tâm công đức lo việc chăm sóc bảo vệ di tích, nên khó có thể gắn một trách nhiệm bắt buộc cho họ khi chưa có quy định nào rõ ràng của pháp luật, cũng chưa có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho những sự tình nguyện đó. Đây chính là lực lượng hết sức đông đảo cần được tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc và phát huy giá trị di tích trong bối cảnh hiện nay.
Rõ ràng, việc khẳng định vai trò then chốt và không thể thay thế của cộng đồng sở tại trong hoạt động chăm sóc, bảo vệ di tích là rất cần thiết. Theo đó, nâng cao nhận thức cho cộng đồng sở tại là một trong những giải pháp cấp bách nhằm nâng cao hiệu quả thực thi Luật DSVH, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa của dân tộc.
_________________
1. Trần Đức Nguyên, Vai trò của cộng đồng trong bảo vệ di tích lịch sử văn hóa (Qua nghiên cứu trường hợp tỉnh Bắc Ninh), Tạp chí Nghiên cứu văn hóa, 12-2013, tr.55-61.
2. Hoàng Đạo Cương, Vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích và di sản văn hóa, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 427, 1-2020.
3. Lê Thành Vinh, Xây dựng cẩm nang hướng dẫn cộng đồng bảo vệ, chăm sóc và phát huy giá trị di tích - những vấn đề cần lưu ý, tham luận Hội thảo “Xây dựng cẩm nang hướng dẫn cộng đồng bảo vệ, chăm sóc và phát huy giá trị di tích”, Viện Bảo tồn di tích, 8-2023.
Ths NGUYỄN THỊ HƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 557, tháng 1-2024