“Ngày hội Di sản văn hóa năm 2023” diễn ra tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai - Ảnh: baodantoc.vn
1. Khái quát về hệ thống di sản văn hóa Việt Nam
Luật Di sản văn hóa được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khóa X kỳ họp thứ 9 thông qua, đã khẳng định: “Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của Di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta”. Nghị quyết Hội nghị 5, khóa VIII đã xác định 10 nhiệm vụ về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, nhiệm vụ thứ tư là bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, đồng thời, Nghị quyết đã chỉ rõ nội dung của nhiệm vụ này như sau: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Nghiên cứu và giáo dục sâu rộng những đạo lý dân tộc tốt đẹp do cha ông để lại”.
Tổng hợp từ kết quả kiểm kê di tích của các địa phương cho thấy, trên cả nước hiện có khoảng 4 vạn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh phân bố trên khắp các vùng miền trong cả nước, đã được kiểm kê, lập danh mục theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Trong đó, có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, 128 di tích quốc gia đặc biệt, 3.614 di tích quốc gia, hơn 10.000 di tích cấp tỉnh.
Từ các bảo tàng đầu tiên ra đời vào đầu TK XX, đến nay, ở Việt Nam đã hình thành một hệ thống với 194 bảo tàng (gồm 128 bảo tàng công lập và 66 bảo tàng ngoài công lập), lưu giữ và trưng bày gần 3 triệu tài liệu, hiện vật, trong đó có 265 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Bảo tàng đã thực hiện tốt chức năng giáo dục khoa học, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện những nhiệm vụ chiến lược của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể và đã cung cấp những tri thức khoa học, góp phần nâng cao dân trí. Trong số bảo tàng hiện có, nhiều bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng cấp tỉnh mới được xây dựng trong những năm gần đây đã làm thay đổi diện mạo thiết chế văn hóa ở địa phương và đang dần trở thành trung tâm văn hóa - du lịch có sức hấp dẫn.
Cùng với kho tàng di sản văn hóa vật thể, đất nước ta còn có một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng về loại hình, phong phú về trữ lượng, đặc sắc về lịch sử, văn hóa, khoa học. Đến nay, đã có khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê trên địa bàn cả nước, trong đó có 498 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại các Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. UNESCO cũng đã ghi danh 9 di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới.
2. Về hoạt động quản lý và nguồn lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam
Về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật
Hiện nay, hệ thống pháp luật về di sản văn hóa ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, bao gồm: 1 Luật; 1 Luật sửa đổi, bổ sung; 8 Nghị định của Chính phủ; 3 Quyết định và 1 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bộ VHTTDL đã ban hành 17 Thông tư, 8 Quyết định, 3 Chỉ thị theo thẩm quyền; đồng thời, Bộ VHTTDL cũng đã phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ để ban hành 2 Thông tư liên tịch.
Có thể khẳng định, di sản văn hóa là lĩnh vực chuyên ngành có hệ thống văn bản pháp lý hoàn chỉnh sớm nhất trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL. Trong đó, có những văn bản như Nghị định số 109/2017/NĐ/CP ngày 21-9-2017 quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam được Chính phủ ban hành là ví dụ điển hình về bảo vệ, quản lý các di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO ghi danh theo hướng ngày càng tiệm cận với Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (UNESCO, 1972) và mục tiêu phát triển bền vững của UNESCO, trở thành bài học kinh nghiệm cho nhiều quốc gia trên thế giới tham khảo, áp dụng; góp phần tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi hơn nữa để hoạt động của các tổ chức, cá nhân được điều chỉnh bởi một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh, hiện đại, phù hợp thực tiễn; tăng cường năng lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý di sản thế giới. Đây cũng là cơ sở để chúng ta tiếp tục nghiên cứu đưa vào các quy định của pháp luật về di sản văn hóa việc bảo vệ và quản lý hệ thống di tích ở Việt Nam thời gian tới.
Theo thống kê từ Báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, đã có tổng cộng 300 văn bản liên quan được ban hành nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hầu hết đã ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn, như: Hà Nội, Lạng Sơn, Yên Bái, Bắc Kạn, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Sơn La, Kiên Giang, Đà Nẵng, Gia Lai, Kon Tum, Cao Bằng, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Đồng Tháp... 8 di sản thế giới đã ban hành kế hoạch quản lý, quy chế bảo vệ của từng khu di sản. Nhiều địa phương đã ban hành quy chế quản lý và bảo vệ di sản văn hóa, quy chế phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành ở địa phương trong việc phối hợp thực hiện các nội dung quy định của pháp luật về di sản văn hóa và tôn giáo, tín ngưỡng.
Tiêu biểu như thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam trong nhiều năm qua đã ban hành hàng chục quy chế bảo vệ và phát huy giá trị Khu phố cổ Hội An, là căn cứ quan trọng để các cơ quan liên quan của địa phương trong quá trình quản lý, bảo vệ các yếu tố gốc cấu thành giá trị di tích, cấp phép các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, cấp phép xây dựng, hướng dẫn người dân thực hiện các quy định, ngăn chặn nguy cơ ảnh hưởng tới di tích. Cụ thể, gần đây nhất UBND tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định số 19/2020/QĐ-UBND ngày 18-12-2020 ban hành Quy chế Bảo vệ di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An, trong đó, có những quy định chặt chẽ việc tu bổ di tích trong khu vực I: “Di tích loại đặc biệt và loại I: Khi tu bổ cần đảm bảo giữ công năng (chức năng) vốn có của từng bộ phận và toàn bộ công trình, bảo tồn nguyên trạng các yếu tố gốc, không gian thờ tự” (Điểm a Khoản 1 Điều 9), đồng thời, Quy chế cũng quy định việc hỗ trợ tu bổ di tích trong khu vực I: “Loại đặc biệt, loại I: hỗ trợ đối với tất cả các hạng mục được tu bổ” với tỷ lệ Nhà nước hỗ trợ 60-75% khi tu bổ những ngôi nhà loại đặc biệt (Khoản 2 Điều 10). Những quy định này đã giúp Hội An vừa bảo vệ được tính xác thực của di sản thế giới, vừa để người dân được hưởng lợi từ các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước, bên cạnh đó, người dân cũng được tham gia hầu hết vào các hoạt động văn hóa, trình diễn, lễ hội, nghi thức dân gian… là những chính sách kịp thời của Nhà nước khuyến khích cộng đồng cùng chung tay bảo vệ di sản. Nhiều văn bản liên quan trực tiếp tới các lĩnh vực chủ đạo của di sản văn hóa phi vật thể như: quản lý, kiểm kê, lập hồ sơ, truyền dạy, liên hoan, phong tặng và các chính sách đối với nghệ nhân, người thực hành, các biện pháp quản lý, phối hợp quản lý và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Một số địa phương như: Phú Thọ, Bắc Ninh… đã ban hành các chính sách cụ thể đối với nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể và đang triển khai hiệu quả. Hầu hết di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh đều có các chương trình, dự án cấp tỉnh hoặc Trung ương được phê duyệt và triển khai.
Về bộ máy và nguồn nhân lực quản lý di sản văn hóa
Ngày 27-8-2014, Bộ VHTTDL đã có Công văn số 2946/BVHTTDL-DSVH gửi các Bộ, ngành, địa phương yêu cầu kiện toàn bộ máy quản lý di tích đảm bảo tinh gọn, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ di tích, chấm dứt tình trạng không có hoặc không rõ người chịu trách nhiệm bảo vệ, trông nom di tích. Ngày 21-9-2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2017/NĐ-CP quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam, trong đó, tại Điều 15 và 16 quy định về bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của tổ chức được giao trực tiếp quản lý, sử dụng di sản thế giới (với đầy đủ nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản) là cơ sở quan trọng để các Ban Quản lý di sản thế giới kiện toàn bộ máy tổ chức theo quy định, đồng thời, cũng là cơ sở để nghiên cứu, bổ sung trong quy định của văn bản pháp luật di sản văn hóa về chức năng, nhiệm vụ đối với các Ban Quản lý di tích trên cả nước trong thời gian tới.
Để thống nhất quản lý di sản văn hóa nói chung và di tích nói riêng, Bộ VHTTDL đã ban hành Thông tư số 08/2021/TT-BVHTTDL ngày 8-9-2021 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở VHTT, Sở DL thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng Văn hóa - Thông tin thuộc UBND cấp huyện. Thực hiện quy định tại các văn bản nêu trên, đã có 34/63 Sở VHTTDL thành lập Phòng Quản lý Di sản văn hóa/ Phòng Quản lý Di sản/ Phòng Di sản văn hóa, bố trí biên chế công chức chuyên trách, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước tại cơ sở.
Từ năm 2018 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, một số Sở VHTTDL đã sáp nhập Phòng Quản lý Di sản văn hóa/ Phòng Quản lý Di sản/ Phòng Di sản văn hóa vào Phòng Quản lý văn hóa. Phòng Văn hóa - Thông tin cấp huyện trong nhiệm vụ và quyền hạn được giao có việc “tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật” và “bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh”. Tuy nhiên, trên thực tế, do thiếu biên chế chuyên trách nên chưa bảo đảm được chất lượng thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn nêu trên.
Cả nước hiện có khoảng 280 đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực di sản văn hóa (bảo tàng, ban quản lý di tích) với trên 7.000 viên chức, người lao động. Hiện tại, một tỷ lệ khá lớn nguồn nhân lực ngành Di sản văn hóa được đào tạo từ hai trường đại học thuộc Bộ VHTTDL là Đại học Văn hóa Hà Nội và Đại học Văn hóa TP.HCM. Nguồn nhân lực có chuyên môn khác nhau (lịch sử, văn hóa, khảo cổ, hán nôm...) nhưng nhìn chung đều phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của các đơn vị trong ngành. Tuy nhiên, ở lĩnh vực chuyên môn tu bổ, tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh, di sản thế giới, lực lượng cán bộ có chuyên môn là kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng… còn tương đối mỏng, nên khó có khả năng tham gia góp ý, thẩm định hồ sơ dự án tu bổ di tích.
Hệ thống bảo tàng đã hình thành một đội ngũ cán bộ chuyên môn đông đảo, được đào tạo có bài bản, với hơn 3.000 công chức, viên chức và người lao động, trong đó, cơ bản có trình độ đại học, hơn 500 người đạt trình độ trên đại học; một số cán bộ quản lý và chuyên môn bảo tàng có học hàm, học vị cao (PGS, TS) góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bảo tàng và hòa nhập với các bảo tàng trên thế giới và khu vực.
Về kinh phí cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
Những năm qua, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, ngân sách nhà nước hằng năm đều quan tâm, cấp cho mục tiêu bảo tồn chống xuống cấp di tích, kết quả như sau:
Giai đoạn 2001-2005: 533 di tích, kinh phí 518,35 tỷ đồng.
Giai đoạn 2006-2010: 1.218 di tích, kinh phí 1.510,47 tỷ đồng.
Giai đoạn 2011-2015: 1.302 di tích, kinh phí 1.436,844 tỷ đồng.
Giai đoạn 2016-2020: 471 di tích, kinh phí 245 tỷ đồng (chưa bao gồm một số di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới được hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công).
So với nhu cầu thực tế, nguồn vốn nêu trên còn hạn chế, nhưng bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình từ Trung ương, chính quyền địa phương các cấp đã chủ động trích lại một phần nguồn thu từ bán vé tham quan di tích và cân đối ngân sách địa phương, có những cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực hợp pháp khác để phục vụ việc tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích trên địa bàn. Nhiều di tích sau khi được chống xuống cấp và tu bổ, tôn tạo đã được chính quyền các cấp cùng với cộng đồng quản lý và phát huy giá trị có hiệu quả, phục vụ thiết thực nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng địa phương. Tuy nhiên trên thực tế, nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích còn rất thấp so với nhu cầu thực tế. Kinh phí dành cho hoạt động bảo tàng, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể rất hạn chế. Nhiều bảo tàng không được bố trí nguồn kinh phí cho công tác sưu tầm. Hiện vật chủ yếu chỉ được bổ sung qua hình thức phát động hiến tặng hoặc nhận chuyển giao tang vật tịch thu được từ các cơ quan Công an, Hải quan...
Công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích đã đạt được những hiệu quả tích cực, đã huy động được nguồn vốn không nhỏ từ các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng và nguồn vốn viện trợ của UNESCO, các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ cho bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích. Theo số liệu thống kê từ các địa phương, giai đoạn 2010 đến nay, nguồn xã hội hóa cho tu bổ, tôn tạo di tích lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Về hợp tác quốc tế và huy động các nguồn lực quốc tế
Trong thời gian qua, Việt Nam đã tham gia tích cực quá trình xây dựng, thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia, tổ chức quốc tế về văn hóa và di sản văn hóa. Theo đó, nhiều dự án hợp tác về bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa đã được thực hiện, như: Chương trình hợp tác với Nhật Bản về điều tra nhà ở truyền thống đã giúp chúng ta điều tra trên 4.000 ngôi nhà ở các tỉnh Bắc Ninh, Nam Định, Nghệ An, Lạng Sơn, Hà Tây, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Đồng Nai và Tiền Giang; Dự án bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long do Quỹ Tín thác (Nhật Bản) tài trợ; Dự án tu bổ nhóm tháp G giai đoạn 2003-2013 do Chính phủ Italia tài trợ thông qua UNESCO; Dự án tu bổ các nhóm tháp K, H, A giai đoạn 2016-2020 do Chính phủ Ấn Độ tài trợ; Dự án tăng cường hợp tác liên biên giới về bảo tồn đa dạng sinh học giữa Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Khu bảo tồn Hin Nậm Nô (CHDCND Lào) do Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tài trợ; Một số dự án phối hợp nghiên cứu, đào tạo và bảo tồn tại Huế được Chính phủ Nhật Bản, Ba Lan và Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ; Dự án Bảo vệ Nhã nhạc, Âm nhạc cung đình Việt Nam do Quỹ Tín thác Nhật Bản tài trợ thông qua UNESCO giai đoạn 2005-2009; Dự án Bảo vệ và phát huy tri thức bản địa gắn với môi trường sinh thái của người Hà Nhì đen ở Lào Cai do Quỹ Di sản văn hóa phi vật thể UNESCO tài trợ; Dự án Bảo vệ các truyền thống truyền khẩu và biểu đạt của người Dao ở tỉnh Lào Cai và Lai Châu do Quỹ Di sản văn hóa phi vật thể UNESCO tài trợ; Dự án Bảo vệ Không gian văn hóa cồng chiêng ở tỉnh Đắk Nông do Quỹ Tín thác Na Uy tài trợ thông qua UNESCO (2007-2009)...
Trong nhiều năm, Cục Di sản văn hóa mời các chuyên gia quốc tế có nhiều kinh nghiệm về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa giảng dạy tại các lớp Tập huấn Ngành Di sản văn hóa: chuyên gia UNESCO về quá trình chuẩn bị, ý tưởng và phương án thiết kế Trưng bày Bảo tàng Hà Nội; chuyên gia Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa Nhật Bản giảng dạy về bảo tồn các làng cổ truyền thống, chuyên gia bảo tàng Anh giảng dạy về Marketing truyền thông - thương hiệu và bảo tàng; chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO tại Nhật Bản về di sản văn hóa phi vật thể; chuyên gia Bảo tàng Wang Ye, Thẩm Quyến, Trung Quốc giảng dạy về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống; chuyên gia Đại học Quốc gia Úc giảng dạy về Tổ tiên với trí tuệ nhân tạo, tác nhân, nhạy bén và khả năng tiếp cận cộng đồng văn hóa đương đại…
Một số dự án hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực di sản văn hóa đã được thực hiện như: Dự án Bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn - thuyết minh và đào tạo trong ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn di sản thế giới nhóm tháp G, tỉnh Quảng Nam; Dự án Đào tạo giảng viên quốc gia về kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể dựa vào cộng đồng do UNESCO tài trợ tổ chức; Dự án Xây dựng năng lực trong thiết kế, thực hiện và đánh giá các dự án di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam do Quỹ Di sản văn hóa phi vật thể tài trợ…
Về phát huy giá trị di sản văn hóa
Các di tích, danh lam thắng cảnh sau khi được xếp hạng, ghi danh và được tu bổ, tôn tạo đã trở thành địa chỉ đỏ trong việc thu hút ngày càng đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan, nghiên cứu. Như Quần thể di tích Cố đô Huế (năm 1993) và Vịnh Hạ Long (năm 1994) từ khi mới được ghi danh là Di sản văn hóa và Thiên nhiên Thế giới chỉ có vài chục nghìn khách du lịch, đến nay đã thu hút tới hàng triệu khách tới tham quan, nghiên cứu. Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An, thời điểm lập hồ sơ đề cử năm 2012 chỉ có trên 1 triệu lượt khách, đến năm 2019 (sau 5 năm được UNESCO ghi danh) đã thu hút hơn 6,3 triệu lượt khách. Năm 2019, riêng 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã đón khoảng 21.336.148 khách du lịch (trong đó có 10.656.114 khách quốc tế), với doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng 3.123 tỷ đồng. Các số liệu thống kê đã cho thấy sự đóng góp to lớn của di sản thế giới trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và địa phương kể từ khi được UNESCO ghi danh. Nguồn thu từ ngành Du lịch và Dịch vụ thương mại nói chung, từ các di sản thế giới nói riêng đã đóng góp đáng kể vào tổng GDP của các địa phương có di sản thế giới. Có thể minh chứng điều này qua trường hợp Khu phố cổ Hội An, với việc chính quyền và nhân dân thành phố Hội An đã đẩy mạnh hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới và đã đạt được những kết quả nổi bật, đặc biệt là việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển du lịch - dịch vụ và thương mại trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với số lượng khách tham quan Khu phố cổ Hội An ngày càng tăng, từ gần 879 nghìn khách năm 2006 đến năm 2019 đã tăng lên gần 2,5 triệu lượt. 20 năm qua (từ khi trở thành di sản thế giới), ngành kinh tế này đã tăng vượt bậc và hiện chiếm tỷ trọng hơn 70% so với GDP toàn thành phố. Các nguồn thu này đã giúp bổ sung phần đáng kể vào nguồn tài chính dành cho các chi phí địa phương trong việc cải thiện cơ cở hạ tầng, giáo dục, y tế, an ninh và cho chính việc bảo tồn di sản thế giới Khu phố cổ Hội An.
Cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật và các dịch vụ phục vụ du khách tại các khu di sản thế giới ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng. Điều đó được thể hiện qua sự gia tăng về cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà trọ), nhà hàng kinh doanh ăn uống, các dịch vụ vận chuyển (bến đỗ xe, thuyền...), dịch vụ thông tin (bản đồ hoặc bảng hướng dẫn, quầy thông tin...), nhà biểu diễn nghệ thuật truyền thống, quầy hàng lưu niệm và đồ thủ công mỹ nghệ, cửa hàng quần áo, giầy dép, hướng dẫn tham quan, dịch vụ internet. Từ việc gia tăng các dịch vụ trên đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng sống của cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó, tại các khu di sản thế giới ở Việt Nam hình thành các tuyến, điểm du lịch (cả vùng đệm và xung quanh khu vực di sản thế giới) với các hình thức du lịch có trách nhiệm, bền vững như du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, du lịch làng vườn, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch biển..., vừa tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa mới, vừa góp phần giảm tải cho các khu vực vùng lõi của di sản, góp phần giải quyết việc làm và cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương. Ngoài ra, các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tại khu di sản thế giới, nhất là làng nghề truyền thống, nghệ thuật biểu diễn truyền thống được khôi phục, phát huy, ngày càng thu hút lượng lớn khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.
Các bảo tàng tiếp tục được đổi mới về phương thức hoạt động, theo hướng tăng cường hiện vật gốc và ứng dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật để làm phong phú và hấp dẫn nội dung trưng bày, đổi mới hình thức phục vụ công chúng; xây dựng các phòng giáo dục và chương trình giáo dục dành riêng cho học sinh phổ thông; chủ động kết hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức thường xuyên các cuộc trưng bày chuyên đề; kết hợp với việc trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể tại bảo tàng, nhằm thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống nâng cao văn hóa, khoa học cho công chúng, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước Việt Nam trên trường quốc tế. Một số bảo tàng ngoài công lập có mô hình hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều đối tượng công chúng tham quan, góp phần phát triển du lịch, như: Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày (Hà Nội), Bảo tàng Đồng Quê (Nam Định), Bảo tàng Nước mắm Làng chài xưa (Bình Thuận), Bảo tàng Thế giới Cà phê (Đắk Lắk)...
Di sản văn hóa phi vật thể được sưu tầm nghiên cứu, phục dựng, trao truyền và tổ chức trình diễn đã trực tiếp nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế, xã hội cộng đồng cư dân tại địa phương. Các di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục quốc gia, quốc tế; các nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa được phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” đã khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản, các cấp chính quyền địa phương, toàn xã hội quan tâm, tự nguyện và chủ động tham gia bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đẩy mạnh giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của địa phương mình, tạo thêm động lực trong quá trình xã hội hóa các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa. Tại một số địa phương, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành những điểm đến thu hút khách trong và ngoài nước, tạo nên thương hiệu/ dấu ấn riêng của địa phương có di sản (lễ hội đền Sóc, chùa Hương ở Hà Nội, lễ hội đền Hùng Phú Thọ, lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc ở Hải Dương, lễ hội Yên Tử ở Quảng Ninh, ca Huế, đua ghe ngo Sóc Trăng, lễ hội Bà Chúa Xứ An Giang, lễ hội Ook om bok Trà Vinh, lễ hội Kate hay gốm Chăm ở Bàu Trúc, Ninh Thuận...).
Các di sản tư liệu góp phần vào việc tuyên truyền văn hóa đọc, nâng cao tinh thần ham học, giáo dục truyền thống lịch sử, phát huy bản sắc dân tộc: Từ nội dung đơn giản giáo dục về lịch sử, địa lý, truyền thống hiếu học hay những câu chuyện về đạo làm người... cho các lứa tuổi học sinh trong sách giáo khoa của Mộc bản trường Phúc Giang; đến triết lý sử dụng nhân tài đất nước như “hiền tài là nguyên khí quốc gia” trên Bia Tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long; hay những chặng đường hình thành lịch sử của Phật giáo và những đúc kết từ hiện thực cuộc sống về các bài thuốc dân gian, đánh dấu sự phát triển của y học, khoa học… chứa đựng trong mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Ngoài ra, di sản tư liệu còn góp phần quan trọng trong việc xác định và bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc, nghiên cứu tổ chức, bộ máy điều hành của triều đại phong kiến (mộc bản triều Nguyễn, châu bản triều Nguyễn, Hoàng Hoa sứ trình đồ - hành trình đi sứ Trung Hoa).
Như vậy, có thể khẳng định về hiệu quả xã hội, những di tích, nhất là các di tích lịch sử gắn với cách mạng kháng chiến, được hỗ trợ đầu tư ở các mức độ khác nhau đã phát huy giá trị, góp phần không nhỏ trong việc giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, tinh thần yêu nước của dân tộc ta, về bản sắc văn hóa dân tộc, về tính cố kết cộng đồng và phát huy những truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Về hiệu quả kinh tế, nhiều di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã trở thành những sản phẩm du lịch - văn hóa hoàn chỉnh có tính đặc thù, tạo ra những điểm, tuyến du lịch hấp dẫn, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng vạn lao động tại địa phương có di sản, đóng góp vào phát triển bền vững.
3. Một số giải pháp nâng cao năng lực quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đã xác định rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung giữ vai trò thiết yếu trong việc thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, đặc biệt là nhiệm vụ thứ nhất - Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện: “Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc” và nhiệm vụ thứ tư - Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa: “Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch”, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội; là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Nhằm đẩy mạnh công tác phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa, trong thời gian tới cần triển khai, một số giải pháp trọng tâm sau đây:
Tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật về di sản văn hóa, tập trung vào việc xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành, theo định hướng: Hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể (di tích; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia), di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng; Nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương; Tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa...
Tiếp tục nghiên cứu, lập hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh các di tích, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam là di sản thế giới, trong đó, chú trọng đến những khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, giao thông chưa phát triển, nhưng lại có văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nên có sức thu hút lớn khách du lịch tới tham quan, nghiên cứu (như: Khu di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc, Địa đạo Củ Chi, Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thể…). Đồng thời, cần nghiên cứu, làm nổi bật các giá trị di sản, văn hóa, lịch sử của những khu vực này để tuyên truyền, quảng bá, thu hút khách du lịch tới tham quan, phát triển du lịch cộng đồng. Từ đó, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế vào hoạt động phát triển du lịch, dịch vụ, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, kinh tế, xã hội của cộng đồng nhân dân địa phương.
Đẩy mạnh hợp tác đầu tư của doanh nghiệp để hoàn thiện cơ sở hạ tầng dịch vụ, đón tiếp khách du lịch tại các di sản thế giới, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đón tiếp, thuyết minh đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi và sự thoải mái cho khách du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hoạt động trải nghiệm, vui chơi, giải trí… Đồng thời, hỗ trợ đầu tư, phát triển các loại hình du lịch cộng đồng tại các di tích trọng điểm, vừa thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế, xã hội, vừa bảo tồn văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc sinh sống tại các khu di sản, di tích.
Bộ VHTTDL xây dựng và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 để tạo cơ sở nền tảng cho các lĩnh vực của ngành Văn hóa, trong đó có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm thực hiện, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, để văn hóa phát huy sức mạnh mềm, thực sự trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững đất nước.
CỤC DI SẢN VĂN HÓA, BỘ VHTTDL
Nguồn: Tạp chí VHNT số 557, tháng 1-2024
____________________
Tham luận tại Hội thảo “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức (9-2023).