Danh thắng Tràng An - ảnh: Nguyên Trường
1. Dẫn đề
Ngày 12-11-2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1909/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (gọi tắt là Chiến lược). Để triển khai hiệu quả mục tiêu, trong nội dung Chiến lược có đề xuất hệ thống 12 nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có nhiệm vụ: Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc; Phát huy vai trò của truyền thông đại chúng, truyền thông mới và văn hóa số; Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa. Đối với nhiều nhiệm vụ, giải pháp, việc chọn đúng các thủ pháp - con đường văn hóa để thực hiện ngoại giao văn hóa góp phần phát huy hiệu quả Chiến lược là rất quan trọng. Bởi, “Thủ pháp ngoại giao văn hóa là công cụ quyết định hàng đầu do mỗi quốc gia hay vùng lãnh thổ trên thế giới lựa chọn trong việc tiến hành ngoại giao văn hóa. Các thủ pháp đó có thể sẽ tương ứng với những đặc điểm dựa trên thế mạnh về các lĩnh vực như: Lịch sử, di sản văn hóa, kinh tế, xã hội, hay con người của chính quốc gia, khu vực đó” (1). Sau mấy năm thực hiện Chiến lược, đã nảy sinh một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn và một trong số vấn đề liên quan đến di sản được quốc tế vinh danh. Trên thực tế, các di sản thế giới được UNESCO ghi danh chính là những di chỉ, di tích hay danh thắng của một quốc gia có giá trị nhiều mặt, không những có tính đại diện cho quốc gia mà có tính tiêu biểu của nhân loại. Những di sản quý giá đó được UNESCO ghi danh và quản lý theo quyền hạn, chức năng mà Liên hợp quốc và các nước đã ủy quyền. Đối với nước ta, các Di sản thế giới tại Việt Nam đã được UNESCO ghi danh có đầy đủ cả ba loại hình: di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa thế giới và di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới. Trong hệ thống các danh hiệu của UNESCO, di sản thế giới là danh hiệu danh giá nhất, lâu đời nhất, có tính biểu tượng cao, đáng tự hào nhất. Tại một số địa phương của Việt Nam có khá nhiều di sản thế giới, trong đó Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) là di sản hỗn hợp (cả văn hóa và thiên nhiên) duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á. Đó là một trong số ít 38 di sản hỗn hợp được UNESCO ghi danh. Tuy nhiên, di sản một quốc gia được ghi danh chỉ là bước quan trọng nhất có tính mở đầu, khai sáng, tiền đề, nền tảng; phải có các hoạt động kèm theo về chính sách quản lý nhà nước, truyền thông quảng bá di sản, xã hội hóa việc bảo tồn phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO, gắn với các mục tiêu định hướng mang tầm vóc quốc tế, tính phổ quát của nhân loại như: phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, hội nhập, tiến bộ, hiện đại, nhân văn, hữu nghị hợp tác, hòa bình…
2. Kinh nghiệm nước ngoài
Khái quát kinh nghiệm nước ngoài trong truyền thông quảng bá văn hóa và việc số hóa hoạt động truyền thông
Trước hết, trong chính sách lớn, chiến lược dài hơi về văn hóa của nhiều nước phát triển, họ luôn có những phần lồng ghép với truyền thông quảng bá và không đơn giản truyền thông (nội dung, hình thức, cách thông điệp) mà đi liền với marketing (gọi tắt là MarCom) để làm rõ mục tiêu, hiệu quả truyền thông ngay từ bước cơ bản. Ví dụ Thụy Điển chỉ rõ: Chính sách văn hóa cần tạo cơ hội cho mọi người có thể trải nghiệm văn hóa, giáo dục và phát triển khả năng sáng tạo của bản thân…; Luôn tiếp tục bảo tồn, lưu giữ những di sản văn hóa, thúc đẩy trao đổi và hợp tác quốc tế giữa các nền văn hóa bằng nhiều phương thức truyền thông, giao lưu hợp tác (qua truyền thông đại chúng, phim ảnh, các chương trình hợp tác quốc tế…). Và “Chiến lược ngoại giao văn hóa của Thụy Điển được xây dựng dựa trên định hướng quảng bá hình ảnh đất nước Thụy Điển tới công chúng nước ngoài qua 5 khía cạnh giữa các bên: Chương trình nghị sự chính phủ Thụy Điển đến 2030; Hợp tác EU; Hợp tác đa phương; Hợp tác Bắc Âu với nhóm Thụy Điển” (2). Trong đó, phân luồng tài trợ chính của các tổ chức phi chính phủ NGOs từ EU mà Thụy Điển nhận được sẽ giao cho các địa phương tiếp nhận để sử dụng cho các dự án văn hóa, kể cả di sản.
Nước Ý, một quốc gia Nam Âu có rất nhiều di sản được UNESCO ghi danh và quan hệ hợp tác gần gũi với Việt Nam (từ 1-2013 là đối tác chiến lược và có quan hệ ngoại giao từ 3-1973) tập trung bảo tồn, quảng bá bản sắc của nền văn hóa lâu đời, nhiều điểm nhấn nổi bật nhằm truyền thông quảng bá sức hấp dẫn của nền văn hóa với việc hướng đến những giá trị chân, thiện, mỹ đã được công nhận như những chuẩn mực Classic (cổ điển). Họ rất “chú ý văn hóa tinh hoa (nhạc kịch opera, giao hưởng, nhạc không lời, hội họa, điêu khắc xuất sắc…); đầu tư cho công nghiệp văn hóa có hiệu quả kinh tế cao. Họ không chỉ truyền thông quảng bá các di sản lớn đã quá nổi tiếng, quen thuộc với công chúng quốc tế mà còn “chú ý xây dựng chương trình quảng bá du lịch làng mạc ở các địa phương, nhất là tu sửa, thiết kế chuẩn mực nhiều làng nhỏ đẹp, có đặc điểm lịch sử, văn hóa du lịch để vừa giới thiệu truyền thống như di sản lâu đời, sự nên thơ của các “cổ trấn” này, vừa thúc đẩy đối ngoại nhân dân, ngoại giao công chúng. Nước Ý đã có nhiều giải pháp để đảm bảo hoạt động du lịch, tham quan di sản tại thực địa đúng mức; sử dụng công nghệ số hóa, truyền hình, các phương tiện truyền thông mới, truyền thông đa phương tiện để giới thiệu văn hóa Ý ra nước ngoài” (3). Trong khu vực châu Á, có thể tham chiếu thêm kinh nghiệm Nhật, “Nhật Bản đưa ra chính sách mới về giao lưu với nước ngoài là nhấn mạnh tầm quan trọng của di sản văn hóa của mỗi quốc gia, khuyến khích các hoạt động mang tính đa dân tộc, liên văn hóa (Ví dụ sản xuất phim liên quan di sản văn hóa Nhật nhưng người làm phim, diễn viên không chỉ có người Nhật mà còn có diên viên nước ngoài cùng tham gia)” (4).
Cần phải kể đến kinh nghiệm các nước dùng công nghệ số hóa trong bảo tồn, bảo quản di sản, di tích phòng tránh, hạn chế bớt ảnh hưởng bị thời gian, môi trường tự nhiên bào mòn, phá hủy hay do các vụ tai nạn, thảm họa do con người gây ra như hỏa hoạn, phá hoại, trộm cắp cổ vật, phục dựng sai với kiến trúc ban đầu, lợi dụng niềm tin để kinh doanh di sản văn hóa trái phép… Việc số hóa cũng tạo điều kiện lưu giữ, quảng bá nhanh, sâu rộng nhiều khía cạnh của di sản, các tạo tác, thắng cảnh, lễ hội, sinh hoạt cộng đồng và các thông tin toàn diện khác. Tại Mỹ, Thư viện Quốc hội Mỹ đã tiến hành số hóa các bộ sưu tập mang tính di sản bằng hình ảnh, âm thanh ngay từ đầu TK XX. Từ năm 2013, viện bảo tàng tư nhân nổi tiếng Smithsunian đã tiến hành số hóa những tác phẩm trưng bày giá trị cao thành sản phẩm số mang tên “Smithsunian X3D Explorer” cho phép công chúng thưởng thức bản số của 137 triệu tạo tác của bảo tàng này” (5). Tại Đức, công nghệ “CultLab3D” đã thay đổi quá trình số hóa thông qua việc phân tích nhiều chiều một cách tự động với tốc độ nhanh, sử dụng đa camera cùng lúc trong quá trình quét hình vật thể của di sản, di tích đa dạng. Theo nghiên cứu của Narbona và Arasa (2016) cho thấy rằng, trong một sự kiện quy tụ khoảng 250.000 người từ hơn 70 quốc gia khác nhau, họ đã dùng smartphone và dịch vụ nhắn tin tức thời để nhận tin tức và thông tin thực tế, cải thiện trải nghiệm du lịch của họ tại thành phố đăng cai sự kiện đó. Tại Trung Quốc, công nghệ số được áp dụng tại các bảo tàng lưu trữ di sản văn hóa phong phú của quốc gia, nhằm nghiên cứu hành vi, thói quen công chúng thăm bảo tàng, mua sắm, tiêu dùng các đồ lưu niệm. Nhờ đó, họ đáp ứng các dịch vụ khách du lịch, người tham quan, các bảo tàng và quần thể danh thắng di sản có thể thu về doanh thu rất lớn từ việc kinh doanh không gian uống cà phê, trà; dịch vụ chụp ảnh, làm video clip, khắc dấu tên du khách, bán đồ lưu niệm mà khách yêu thích…”. Trung Quốc còn dùng AI (trí tuệ nhân tạo, người máy) để khảo sát, kiểm tra đoạn Jiankou - một trong những đoạn có cảnh quan đẹp nhất nhưng nguy hiểm nhất trên Vạn Lý Trường Thành (nơi có độ dốc lớn, cây cối rậm rạp) để chụp ảnh, quy phim, đo đạc lưu giữ các dữ liệu cần số hóa, để lưu trữ hoặc sử dụng trong truyền thông” (6).
Bức tranh chung về di sản văn hóa và quảng bá di sản địa phương Ninh Bình
Năm 2020, tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt “Danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh” với 1.821 di tích được kiểm kê, thuộc nhiều loại hình khác nhau. Trong đó, 395 di tích đã được xếp hạng (314 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 1 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới). Các di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh đều được khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích theo quy định. Công tác trùng tu, tôn tạo di tích được tỉnh Ninh Bình triển khai cẩn trọng, nghiêm túc theo quy định; có sự theo dõi, giám sát quá trình tu bổ, tôn tạo của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư; nguồn kinh phí đầu tư được công khai, minh bạch. Từ năm 2005-2023, toàn tỉnh đã có hơn 40 di tích được lập dự án sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện tu bổ, tôn tạo với tổng số vốn đầu tư 1.154 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có hàng trăm tỷ đồng do nhân dân đóng góp tu bổ, sửa chữa di tích (7).
Kể từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào năm 2014, Ninh Bình đã đặt ra chiến lược rõ ràng để phát huy danh hiệu di sản được UNESCO ghi danh, trước hết phục vụ mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Sau mấy năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, với các giải pháp đồng bộ, du lịch Ninh Bình đã phục hồi mạnh mẽ. Trong năm 2022, toàn tỉnh đã đón hơn 3,7 triệu lượt khách tham quan, trong đó có 101.000 khách quốc tế.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng khách đến Ninh Bình đã đạt 4,53 triệu lượt, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 224 nghìn khách quốc tế. Năm 2023, Lễ hội Tràng An được tổ chức với chủ đề “Tràng An kết nối di sản”, mang đến nhiều hoạt động đặc sắc và hấp dẫn có tác dụng quảng bá văn hóa mạnh mẽ như rước nước, rước rồng, biểu diễn nghệ thuật truyền thống trên sông Sào Khê... Lễ hội còn đem đến sự giao thoa giữa Hát Xẩm - một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo và các tiết mục văn nghệ, dân ca 3 miền. Trong hành trình khám phá di sản, du khách còn có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư. Ninh Bình tiếp tục được nhiều chuyên trang báo mạng truyền thông du lịch uy tín như TripAdvisor, Telegraph, Business Insider, The Travel và tạp chí Forbes đánh giá là một điểm đến an toàn và hấp dẫn. Gần đây, Ninh Bình còn được vinh danh trong giải thưởng thường niên do Booking.com tổ chức nhằm tôn vinh các điểm đến và cơ sở lưu trú trên toàn thế giới, khi lọt vào top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới, đóng góp vào việc thúc đẩy du lịch bền vững (8). Có thể thấy, những thành tựu bước đầu của Ninh Bình rất khả quan, nếu tiếp tục có chính sách, chiến lược khả thi, vận dụng được kinh nghiệm quốc tế (kể cả kinh nghiệm truyền thông) vào điều kiện của mình thì tỉnh sẽ phát huy được danh hiệu di sản UNESCO để phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện, gắn với phát triển bền vững, hội nhập của quốc gia.
3. Các khuyến nghị
Như vậy, mọi hoạt động của đời sống kể cả phát huy danh hiệu di sản được UNESCO tôn vinh, dù tiếp cận ở góc nhìn nào thì đều “hướng đến mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals- SDG) do Liên hợp quốc đề xướng, đó là mục tiêu phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và bảo đảm rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng ở mỗi quốc gia thành viên Liên hợp quốc” (9).
Với góc nhìn của người nghiên cứu truyền thông quốc tế và ngoại giao văn hóa, xin được đề xuất một số khuyến nghị sau:
Về tầm quốc gia:
Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Liên hợp quốc, có nhiều sáng kiến tại các Diễn đàn đa phương như UNESCO, ASEAN và hợp tác song phương, nhưng trước hết trong khu vực Việt Nam là thành viên khối ASEAN, vì thế cần bám sát chương trình của khối nhất là đối với lĩnh vực truyền thông quốc tế về văn hóa - xã hội trong Cộng đồng ASEAN. Theo đó, Việt Nam phải gắn hoạt động truyền thông quốc tế khối, truyền thông đối ngoại của mình với “các chương trình, kế hoạch phát triển văn hóa - xã hội 5 năm của mỗi nước ASEAN, lồng ghép truyền thông với quá trình triển khai các chiến lược phát triển văn hóa (gồm cả phát huy giá trị di sản, du lịch…), chiến lược phòng ngừa tác hại biến đổi khí hậu, phát triển nguồn lực con người, phòng chống dịch bệnh” (10). ASEAN có kế hoạch xây dựng những tầm nhìn chung thông qua một tiến trình đa đối tượng tham gia vì du lịch bền vững. Điều này thực sự phản ánh các giá trị di sản của các khu vực đa dạng ở mức độ địa phương, đồng thời sử dụng các văn bản tầm nhìn này để dẫn dắt, thông báo quy hoạch du lịch và ra quyết định phát triển cũng như các thực hành khác đối với các khu di sản thế giới và các vùng đệm một cách tương thích. Các nước ASEAN cần giúp đỡ tương trợ lẫn nhau hơn nữa trong việc truyền thông nâng cao hiểu biết, thu hút du khách, cùng nhau giải quyết trả lời những thắc mắc của du khách trong các vấn đề quan tâm (Ví dụ các nước gần gũi như Lào và Việt Nam; các địa phương Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Ninh Bình… của Việt Nam giao lưu hợp tác truyền thông với các địa phương các nước khác trong khối ASEAN).
Các di sản văn hóa giá trị là tài sản quý báu được quan tâm, bảo tồn và phát huy, đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục lịch sử - văn hóa, vun đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc; góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia tốt đẹp, truyền bá các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ quan trọng của di sản văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua hoạt động truyền thông, du lịch, giao lưu văn hóa, hội thảo nghiên cứu, du học và hợp tác phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Do vậy Nhà nước cần luôn quan tâm, có chính sách, chiến lược thích hợp đầu tư đúng, đủ, kịp thời; đào tạo được nhân lực chuyên môn giỏi (kể cả cán bộ truyền thông), bố trí người quản lý đủ tầm, tâm, tài, nhiệt huyết; cung cấp tài chính đúng công việc, theo kết quả đầu ra; thưởng phạt đúng, để các di sản nhất là di sản được UNESCO ghi danh ngày càng phát huy vai trò trong văn hóa, kinh tế, xã hội, phát triển bền vững nói chung và đóng góp cho chiến lược văn hóa.
Tại Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới, UNESCO cũng xác định: Di sản văn hóa và thiên nhiên là những tài sản vô giá và không thể thay thế được, không chỉ của một dân tộc, mà còn là của nhân loại nói chung. Bất kỳ di sản nào trong số đó nếu biến mất, do xuống cấp hoặc bị hủy hoại, cũng sẽ làm nghèo đi kho tàng di sản của tất cả các dân tộc trên thế giới. Vì thế, các đài, báo tầm quốc gia cần tích cực truyền thông để mọi người thống nhất nhận thức về vai trò di sản, từ đó không chỉ nhà nước mà doanh nghiệp, mọi công dân tăng cường ý thức cùng nhau tham gia vào việc đầu tư (có thể xã hội hóa một số việc hoặc toàn thể cụm di tích như tại một số công trình mang tính danh thắng ở Ninh Bình và các địa phương khác). Trong chiến dịch truyền thông toàn cầu beIT của Ý, theo kinh nghiệm nước này chỉ tập trung mũi nhọn vào những lợi thế vượt trội và chọn đó làm mũi nhọn để truyền thông. Việt Nam có thể học tập để xây dựng chiến dịch truyền thông toàn cầu để quảng bá một hay vài lĩnh vực như di sản UNESCO, thời trang, ẩm thực… trong từng thời gian nhất định.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, ngày 5-6-2023, tại Paris, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã thăm Trụ sở UNESCO; gặp và làm việc với Tổng Giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay. Bộ trưởng cho biết: Việt Nam sẽ ứng cử vào Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 để cùng các quốc gia khác hoàn thiện các chính sách và thúc đẩy các biện pháp nhằm bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới và mong muốn nhận được sự ủng hộ từ phía UNESCO. Bộ trưởng đề nghị bà Audrey Azoulay và UNESCO tiếp tục tích cực ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam hiệu quả hơn trong quá trình hội nhập, phát triển thông qua các hoạt động cụ thể như: dành thêm nguồn lực triển khai MOU hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2021-2025; giúp tư vấn chính sách (chủ yếu là chính sách thuộc phạm vi UNESCO như: Văn hóa, giáo dục, khoa học, truyền thông), chia sẻ các kinh nghiệm và bài học thực tiễn cho Việt Nam nhằm phục hồi phát triển kinh tế, xã hội, trong đó, quan tâm xử lý các vấn đề xã hội, văn hóa, giáo dục; xem xét hỗ trợ tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, thúc đẩy hợp tác về phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, hợp tác về khoa học cơ bản, quản lý bền vững nguồn nước, nghiên cứu khoa học biển, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản... Để chắc chắn trúng cử, chúng ta nên sớm tổ chức truyền thông tốt cho hoạt động ứng cử này.
Về văn học và các phương tiện truyền thông hiện đại: Văn học và các phương tiện truyền thông khác có khả năng riêng để khắc họa hình ảnh đất nước, văn hóa, con người khi giao lưu. Thông qua các Hội và cơ quan chuyên môn như Hội Nhà văn, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật, Hội Điện ảnh, báo Văn nghệ, Nhà xuất bản Văn học... của Việt Nam và các cơ quan tương nhiệm của các nước nói trên cần tăng cường phối hợp các hoạt động chuyên môn nhằm quảng hình ảnh đất nước, con người, văn hóa (kể cả văn học) mỗi nước. Các cơ quan kể trên và Đại sứ quán các nước tại Hà Nội có thể làm cầu nối tổ chức các dự án dịch thơ của các nhà thơ danh tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và dịch một số tác phẩm nhà thơ xuất sắc của Việt Nam ra tiếng các nước, ưu tiên các tiếng phổ biến như Anh, Pháp, Tây Ban Nha... Về góc nhìn quản lý di sản, sử dụng thủ pháp văn học, truyền thông và các cách thức, con đường sáng tạo, văn hóa là giải pháp rất hiệu quả, có khả năng thẩm thấu, lan tỏa sâu xa, lâu bền các giá trị nổi bật của di sản mỗi nước.
Về chính sách quản lý di sản và các hoạt động liên quan truyền thông (truyền thông chính sách, thiết kế dự án liên ngành truyền thông, quản lý di sản): các cấp quản lý vĩ mô, các địa phương Việt Nam và các nước khác đang hợp tác có thể thông qua cơ quan đại diện song phương, Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ VHTTDL..., đẩy mạnh việc học hỏi kinh nghiệm, cử các đoàn cán bộ, chuyên gia tiến hành đa dạng các hình thức: trao đổi hội thảo, study tour, họp Tổ chức Liên chính phủ, lập các Dự án thí điểm... để tranh thủ kinh nghiệm của mỗi nước trong các hoạt động quản lý di sản thời kỳ mới khi có sự tương tác, giao lưu mạnh mẽ giữa các nước.
Các tập đoàn, công ty kiến trúc - xây dựng có tay nghề cao và kinh nghiệp trong lĩnh vực phục chế, trùng tu của Việt Nam nên chủ động khảo sát, lập hồ sơ đấu thầu gửi tổ chức phụ trách trùng tu của các nước có nhu cầu (có thể ở ASEAN, châu Phi, Trung Đông...). Nếu trúng thầu được thực hiện mảng cụ thể sẽ là một cơ hội tốt để nâng cao chuyên môn, kinh nghiệm đấu thầu quốc tế và từ một địa bàn mà công ty Việt Nam nhận được hợp đồng, có thể mở rộng ra các địa bàn khác.
Về đào tạo văn hóa nghệ thuật: Việt Nam và các nước khác cần tăng cường hơn nữa việc trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp văn hóa, bảo tồn di sản, Marketing truyền thông di sản... Các trường đại học đào tạo liên quan đến chuyên ngành Văn hóa nghệ thuật, ngoại giao văn hóa của Việt Nam và nước có quan hệ tốt với Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh giao lưu, trao đổi chương trình đào tạo cho giảng viên, sinh viên Việt Nam nước, kể cả việc cấp học bổng cho lưu học sinh du học những lĩnh vực mà mỗi quốc gia có thế mạnh và có nhu cầu. Riêng lĩnh vực quản lý di sản, Marketing truyền thông sản phẩm văn hóa, phía Việt Nam và các nước đối tác có thể hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn, xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam và quốc gia đối tác trong thời gian tới.
Khuyến nghị đối với địa phương Ninh Bình
Ninh Bình được ví như một Việt Nam thu nhỏ với cảnh quan đa dạng về rừng, núi, sông, biển, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển thế giới, khu du lịch quốc gia và di sản văn hóa thế giới. Nơi đây nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh và di sản, bao gồm Quần thể di sản thế giới Tràng An, Khu dự trữ sinh quyển và biển Kim Sơn - Cồn Nổi, khu Ramsar thế giới - đầm Vân Long... Quần thể danh thắng Tràng An gồm 3 bộ phận hợp thành giá trị nổi bật toàn cầu là giá trị về địa chất địa mạo - cảnh quan, giá trị rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư và giá trị lịch sử - văn hóa. Tỉnh nên có chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh, lịch sử - văn hóa địa phương (gồm cả di sản, danh thắng, du lịch…) tầm lâu dài, gắn với chiến lược tổng thể phát triển bền vững địa phương để điều phối thích hợp, kịp thời.
Học tập Ý và các nước khác, Ninh Bình có thể chọn một số làng đẹp, có lịch sử văn hóa hấp dẫn, có đặc sản ẩm thực, thể thao - võ thuật… để xây dựng thành kiểu “cổ trấn” từ đó thu hút khách du lịch thập phương.
Ninh Bình nên tìm hiểu kinh nghiệm các địa phương, các nước đi trước để áp dụng công nghệ truyền thông hiện đại, số hóa một số công đoạn, công việc, ví dụ tăng cường báo mạng, liên kết với các đơn vị truyền thông trong, ngoài nước để quảng bá di sản văn hóa địa phương, nhất là di sản được UNESCO ghi danh, di sản cấp quốc gia... bằng các nền tảng công nghệ mới, phong phú, hấp dẫn.
Ninh Bình có thể học hỏi để giao cho Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Tạp chí Non Nước tổ chức Quán văn - thơ ở địa điểm phù hợp ngay tại di sản hay gần đó, theo mô hình “Ngôi nhà thơ hồ Como” (La Casa dell poesia di Como) của Ý, hay liên hoan hát dân ca không chỉ bó hẹp một loại hình mà nên mời đại diện các vùng Bắc Ninh, Nghệ Tĩnh, Quảng Trị, Huế... có Đoàn Ngoại giao, tổ chức truyền thông trong nước, quốc tế tham dự để giao lưu, quảng bá nét đẹp của quê hương.
Mô hình tổ chức Ngày thơ gắn với danh nhân văn hóa của nhiều quốc gia là gợi mở cho sự giao lưu, hợp tác giữa các thành phố Việt Nam như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Ninh Bình… với địa phương và các thành phố khác của các nước, nhất là các nước có các địa phương, thành phố kết nghĩa với Ninh Bình. Tỉnh có thể cùng với địa phương và thành phố nước bạn (nơi có kinh nghiệm tổ chức Ngày thơ danh nhân), tổ chức luân phiên ở mỗi địa phương. Ngày thơ mang tên thi sĩ - danh nhân nước đối tác và Ngày thơ mang tên thi sĩ nổi tiếng (có thể của Việt Nam như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu... nếu Ninh Bình chọn được thi sĩ của địa phương càng tốt) hoặc đồng tổ chức tôn vinh Ngày thơ thi sĩ Việt Nam và nước đối tác tại nơi phong cảnh hữu tình, di sản được UNESCO ghi danh thì càng ý nghĩa.
_____________________
1. Lê Thanh Bình, Giáo trình ứng dụng ngoại giao văn hóa trong thực tiễn một số nước, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2023, tr.18.
2. Lê Thanh Bình, Khánh Linh, Ngoại giao văn hóa của Thụy Điển và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, tháng 6, 2022.
3. Lê Thanh Bình, Bảo Trâm, Nước Ý đa dạng ngoại giao văn hóa và những gợi mở cho Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, tháng 1, 2023.
4. Lê Thanh Bình, Giáo trình ứng dụng ngoại giao văn hóa trong thực tiễn một số nước, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2023, tr.57-58.
5, 6. Châu Phan, Chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng: Kinh nghiệm quốc tế, Tạp chí Thông tin và truyền thông, tháng 7, 2021.
7. Thu Lan, Ninh Bình xác định bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản làm nguồn lực và động lực phát triển, baovanhoa.vn, 12-6-2023.
8. Minh Đức, Ninh Bình: Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản để phát triển du lịch bền vững, tamviet.tienphong.vn, 28-6-2023.
9. Lê Thanh Bình, Truyền thông phát triển xã hội, văn hóa, ngoại giao văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.535.
10. Lê Thanh Bình, Truyền thông phát triển xã hội, văn hóa, ngoại giao văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.321.
PGS, TS. LÊ THANH BÌNH
Nguyên Tham tán công sứ Bộ Ngoại giao; Cố vấn, GVCC Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng
--------------------
Tham luận tại Hội thảo “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 –Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức (9/2023)