Thành cổ Hà Nội - Ảnh: Phạm Công Thắng
Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (HTTL) được UNESCO ghi danh là di sản thế giới (2010) với những giá trị nổi bật toàn cầu, xứng tầm nhân loại. Theo suốt chiều dài lịch sử, đây là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng bậc nhất của đất nước từ TK VI (thành Vạn Xuân), tới phủ thành Tống Bình - An Nam TK VII-IX, sau đó là kinh đô của Đại Việt qua các triều đại phong kiến Lý, Trần, Lê trong suốt 8 thế kỷ từ XI tới XVIII (1). Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản thế giới này không còn là việc riêng của Hà Nội mà còn là của cả hệ thống chính trị, của cả cộng đồng dân cư. Thông qua bài viết, tác giả mong muốn điểm lại những thành tựu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản cũng như đề xuất một số phương hướng hoạt động trong thời gian tới, đặc biệt liên quan tới việc khai thác và phát huy giá trị của di sản theo hướng bền vững và có hiệu quả, đúng với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của UNESCO.
1. Giới thiệu khái quát về Khu trung tâm HTTL
Phải khẳng định rằng, Khu trung tâm HTTL đóng vai trò là một khu di chỉ khảo cổ học tầm cỡ quốc tế. Từ tháng 12-2002, tại khu vực 18 Hoàng Diệu, cuộc khai quật rất lớn thậm chí được coi là lớn nhất trong lịch sử ngành khảo cổ học Việt Nam đã được triển khai. Kết quả khai quật đã phát lộ ra những dấu tích của kinh thành cổ trong một giai đoạn lịch sử kéo dài 13 thế kỷ với nhiều di tích, di vật và nhiều tầng văn hóa xếp chất chồng lên nhau. Không phải Thủ đô của nước nào trên thế giới cũng có thể có những giá trị lịch sử, văn hóa lớn như vậy, những di sản trong lòng đất còn bảo tồn được một quần thể di tích, di vật với bề dày lịch sử văn hóa nối tiếp nhau một cách khá liên tục.
Tại kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản thế giới, Khu trung tâm HTTL với tư cách là di sản thế giới được xác định giới hạn phạm vi phía Tây là đường Hoàng Diệu - đường Độc Lập và Nhà Quốc hội, phía Nam là đường Bắc Sơn và Nhà Quốc hội, phía Tây Nam là đường Điện Biên Phủ và phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương, vùng lõi của di sản rộng 18,395ha, vùng đệm có diện tích 108ha, thuộc quận Ba Đình. Hiện tại, các hoạt động du lịch đang được triển khai tại hai khu vực: Khu trung tâm HTTL và Khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Khu trung tâm đang được bảo tồn ở tình trạng khá tốt và được coi là bộ phận đóng vai trò quan trọng nhất trong toàn bộ Khu di sản. Những dấu tích khảo cổ học từ các chuyên gia đã thể hiện Khu trung tâm được xây dựng vào thời nhà Lý ở TK XI, việc dời đô và định đô tại đất Thăng Long khẳng định chủ quyền độc lập của Đại Việt thời đó. Tiếp theo nhà Lý là các triều đại Trần, Hồ, Lê sơ và các triều đại sau này, Thăng Long - Hà Nội luôn đóng vai trò là một trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội quan trọng không chỉ ở tầm quốc gia mà còn ở tầm khu vực trong suốt gần 13 thế kỷ (2).
Trong 10 năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội (gọi tắt là Trung tâm) đã và đang thực hiện các công tác liên quan tới quản lý di sản, quy hoạch, thực hiện các cam kết của Thủ tướng Chính phủ với Ủy ban Di sản thế giới. Trung tâm đã công bố kết quả công tác từ năm 2010 đến nay trong các ấn phẩm khoa học như Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế 10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, năm 2020 (3), Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế 20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long, năm 2022 (4), Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội 20 năm một chặng đường với những nội dung rất cụ thể, chi tiết về những thành tựu cũng như những việc còn đang thực hiện, chưa hoàn thành, thậm chí những vướng mắc, rào cản nhất định (5).
Hơn nữa, UBND thành phố Hà Nội cũng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội năm 2018 với những đóng góp của các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, nhằm đưa ra những quan điểm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng như những kiến nghị, giải pháp được tập hợp nhằm tăng cường hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị cho các di sản trên địa bàn Thủ đô Hà Nội trong đó có Khu trung tâm HTTL (6).
2. Một số thành tựu và kết quả hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản Khu trung tâm HTTL từ năm 2010 đến nay
Công tác quy hoạch
Thành tựu trong công tác quy hoạch chính là Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (tỷ lệ 1/500) đã được phê duyệt (Quyết định số 975/QĐ-BXD ngày 21-8-2015) (7). Đây chính là một dấu mốc đặc biệt quan trọng trong công tác quản lý của Trung tâm. Việc phê duyệt quy hoạch giúp ích rất nhiều cho công tác xác định ranh giới, phạm vi khu vực của di sản, đồng thời, quy hoạch chi tiết góp phần không nhỏ trong công tác bảo tồn và quản lý di sản. Chúng ta cần làm rõ khu vực nào là khu vực có thể phát triển du lịch và khách tham quan có thể ra vào, khu vực nào chưa được phép khai thác dịch vụ, thêm vào đó, việc xác định quy hoạch tổng thể đã tạo thuận lợi rất lớn cho công tác quản lý.
Quy hoạch đã được phê duyệt với 3 sản phẩm đó là Đề án Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (tỷ lệ 1/500); Đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (tỷ lệ 1/500) và Quy chế quản lý quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (tỷ lệ 1/500).
Đề án Quy hoạch chi tiết đã xác định quy mô tổng thể của di tích là 18,353ha gồm 2 khu: Khu thành cổ Hà Nội và Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Việc xây dựng không gian văn hóa cộng đồng phải hài hòa về cảnh quan kiến trúc cũng như đảm bảo về hạ tầng, cơ sở kỹ thuật trong tổng thể Khu trung tâm chính trị Ba Đình.
Đề án Bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (tỷ lệ 1/500) đưa ra kế hoạch bảo tồn, tôn tạo các hạng mục di sản, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể hơn nữa các hoạt động quảng bá, giới thiệu, lựa chọn và trưng bày hiện vật phải được đưa vào chương trình, được triển khai theo lộ trình với các mốc thời gian, giai đoạn hợp lý và sắp xếp khoa học.
Trong Quy chế quản lý quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (tỷ lệ 1/500), các công tác quản lý, đầu tư xây dựng hay tu bổ tôn tạo, phát huy giá trị, cho đến truyền thông quảng bá hay các hoạt động liên quan đều cần có quy định rõ ràng, cần được hướng dẫn cụ thể với những chế tài kèm theo. Điều này thực sự cần thiết, đặc biệt là cho các nhà quản lý vì đặc thù của Khu di sản vẫn là dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước, không có yếu tố tư nhân, đương nhiên công tác quản lý cần dựa vào tính pháp lý của các văn bản quy định.
Công tác bảo tồn, tôn tạo
Đây là một trong những hoạt động mang tính trọng tâm của Trung tâm. Công tác bảo tồn, tôn tạo được đưa vào kế hoạch quản lý di sản của toàn Trung tâm (8), cũng là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng gắn liền với việc bảo tồn sự nguyên vẹn của di sản, bảo tồn các yếu tố gốc của di sản, trong trường hợp cần thiết phải có biện pháp tu bổ, tôn tạo nhằm bảo vệ di sản, Trung tâm cần nghiên cứu kỹ lưỡng và lựa chọn được phương án tối ưu nhất. Các công tác liên quan tới bảo tồn tôn tạo đáng chú ý phải kể đến như việc bảo tồn thường xuyên các di tích khảo cổ học trong khu vực di sản thế giới. Ví dụ, tại Khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, trên phạm vi các hố khảo cổ bảo tồn nguyên trạng, công tác bảo tồn tiến hành thường niên với các công việc chuyên môn như chống rêu mốc, tiêu thoát nước và hạn chế tới mức thấp nhất các tác nhân gây hại đến di tích, đồng thời tiến hành phân tích các điều kiện về môi trường tự nhiên xã hội, tính chất cơ học vật lý và thành phần hóa học nhằm xác định các phương pháp bảo tồn phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu tại khu vực…
Với đặc thù là một di sản thế giới có nhiều di tích và hệ thống di sản văn hóa chồng chéo, đối với các di tích cách mạng, Trung tâm đã và đang thực hiện dự án bảo tồn Hầm chỉ huy tác chiến (hầm T1), nghiên cứu bổ sung tư liệu Nhà và Hầm D67 và cho đến nay đây cũng là một trong những điểm nhấn trong tuyến tham quan của du khách khi đến nơi đây. Thêm vào đó, Trung tâm cũng chú trọng tới việc đầu tư bài bản cho cảnh quan xung quanh, đặc biệt là hệ thống cây xanh, hoa cỏ theo mùa, tạo ra một không gian thoáng đãng, mát mẻ, hấp dẫn đối với du khách, hơn thế nữa các bảng biển chỉ dẫn cũng được đầu tư đồng bộ, phục vụ hữu hiệu cho các hoạt động du lịch, hệ thống công trình phụ, nhà vệ sinh cũng được nâng cấp tốt hơn, làm tăng giá trị và sức thu hút của khu di sản, phục vụ tốt hơn cho du khách khi đặt chân tới đây. Ngoài ra, để đảm bảo cho an ninh, an toàn trong khu di sản thế giới, hệ thống camera hiện đại cùng với hệ thống thông tin liên lạc kỹ thuật số đảm bảo cho việc thông tin nhanh, kịp thời giữa các chốt trực bảo vệ để xử lý các tình huống phát sinh nhanh và hiệu quả nhất, điều này cũng góp phần làm tăng giá trị và sức hấp dẫn của khu di sản đối với khách du lịch.
Công tác truyền thông quảng bá
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần làm tăng giá trị của chính di sản văn hóa đó, đồng thời cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm của cộng đồng dân cư đối với di sản, củng cố thêm tinh thần yêu nước thông qua các hoạt động giữ gìn và bảo vệ tài sản quốc gia là các di sản. Tuy nhiên, nếu chỉ khư khư giữ gìn những di vật, cổ vật, những di tích, di sản mà cha ông ta để lại, đóng khóa vào và cấm không được đụng đến, chắc đó không phải là một việc làm đúng đắn cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn. Các di sản văn hóa nói chung và di sản thế giới như HTTL nói riêng phải được “sống”, được hòa mình cùng với dòng chảy của thời gian, dòng chảy của phát triển xã hội, quốc gia, dân tộc.
Chính vì vậy, di sản cần phải được tuyên truyền, quảng bá tới mọi người, cụ thể thông qua những hoạt động như: tối ưu hóa việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội để đưa hình ảnh HTTL lên các phương tiện thông tin đại chúng. Trung tâm cũng có Kế hoạch truyền thông, quảng bá di sản HTTL tới mọi người, trang web của HTTL cũng dùng 2 ngôn ngữ phổ thông nhất là tiếng Anh (cho khách nước ngoài) và tiếng Việt (dành cho khách nội địa), bên cạnh đó, Trung tâm triển khai xây dựng, sáng tạo, biên tập nội dung cho các ấn phẩm truyền thông, các tài liệu tuyên truyền giới thiệu di sản bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, các ấn phẩm truyền thông có thể là bưu thiếp, đĩa VCD, brochure, tờ gấp, poster…
Bên cạnh công việc truyền thông, quảng bá trên các nền tảng, các phương tiện thông tin đại chúng, Trung tâm cũng phối hợp với các đối tác tổ chức nhiều sự kiện lớn, gây được tiếng vang và nâng cao độ nhận diện thương hiệu như: Chương trình Xuân quê hương, Festival Âm nhạc Gió mùa, Lễ hội Hoa anh đào Nhật Bản… trở thành những điểm nhấn, dần khẳng định không gian văn hóa tổ chức sự kiện đáng tin cậy của nhiều đơn vị tổ chức. Trung tâm và Khu di sản cũng có vinh dự đón tiếp các đoàn khách cấp cao trong nước và quốc tế đến làm việc, tham quan như: Tổng thư ký Liên Hợp quốc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Tổng thống và Thủ tướng Singapore, Hoàng thân Vương quốc Đan Mạch… Những vị khách vô cùng đặc biệt này cũng góp phần rất lớn vào nâng cao vị thế, hình ảnh của di sản trên trường quốc tế, đồng thời cũng khẳng định một lần nữa đây chính là một điểm đến mà các đơn vị khai thác du lịch không thể bỏ lỡ khi đón khách du lịch vào Việt Nam.
Công tác nghiên cứu - sưu tầm
Công tác sưu tầm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoạt động quản lý cũng như các hoạt động của Trung tâm, tạo tiền đề cơ sở vật chất là những cổ vật, hiện vật có giá trị, là những nguồn tư liệu rất quý giá mang tính biểu trưng, biểu tượng cho văn hóa thời đại đó. Chính vì thế, công tác nghiên cứu, sưu tầm có thể xem như hoạt động “xương sống” của Trung tâm, là nền tảng vững chãi cho các hoạt động tiếp theo như kiểm kê, bảo quản, trưng bày, triển lãm hay những hoạt động liên quan tới truyền thông, quảng bá di sản, giáo dục di sản, phát triển du lịch đều phải dựa trên các bộ sưu tập, các hiện vật chính là kết quả của công tác nghiên cứu - sưu tầm.
Đối với công tác nghiên cứu khoa học, Trung tâm đã và đang thực hiện các chương trình hợp tác song phương, đa phương với nhiều chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế trong nghiên cứu khoa học ở các mảng, các lĩnh vực liên quan mật thiết tới di sản như: khảo cổ học, quản lý di sản, quản lý văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật, nghệ thuật, phát triển du lịch, ứng dụng công nghệ trong quản lý di sản… đặc biệt là việc hợp tác với các cơ quan nghiên cứu hàng đầu để tiếp tục phát triển các hoạt động khảo cổ học trong vùng lõi di sản và các cuộc nghiên cứu sâu hơn về các dấu tích thành Thăng Long xưa. Trong lộ trình kế hoạch hoạt động quản lý di sản thời gian tới, Trung tâm cũng triển khai thực hiện các đề án, dự án trọng điểm giai đoạn 2021-2025 như: nghiên cứu khôi phục không gian Điện Kính Thiên, nghiên cứu phục dựng lễ hội Đèn Quảng Chiếu… thu hút được đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia đóng góp ý kiến cũng như phản biện, hay đề xuất giải pháp.
Công tác nghiên cứu khoa học không chỉ gói gọn trong lãnh thổ quốc gia Việt Nam, Thủ đô Hà Nội mà Trung tâm còn phối hợp thực hiện các dự án liên kết với các nước phát triển trên thế giới ví dụ như Dự án Quỹ tín thác UNESCO - Nhật Bản đầu tư Bảo tồn khu di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội (2011-2013); hay Dự án Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long (2011-2012) (Chương trình hợp tác chuyên gia khảo cổ học vùng Wallonie - Bỉ)… Bên cạnh đó là các dự án trùng tu, bảo tồn, triển lãm trưng bày (hợp tác với chuyên gia Pháp), dự án lắp đặt hệ thống chỉ dẫn tại di sản thế giới (hợp tác với chuyên gia của Úc)…
Để có được những thành công của các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học bàn thảo về bảo tồn và phát huy giá trị của khu di sản cũng như khi làm việc với chuyên gia như vậy, Hội đồng tư vấn khoa học cũng đã thực hiện rất tốt chức năng tư vấn, tham mưu khoa học cho UBND Thành phố cũng như Trung tâm. Không chỉ tham mưu về mảng chuyên môn nghiên cứu, Hội đồng còn tham gia sâu sát vào công tác xây dựng kế hoạch tổng thể cho các hoạt động của Khu di sản HTTL, Khu di tích Cổ Loa; tư vấn tham mưu, thẩm định các hồ sơ dự án tu bổ, tôn tạo di tích và các công việc liên quan tới khu di sản.
Hoạt động giáo dục di sản
Các chương trình cộng đồng được tổ chức nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, kết nối người dân và khu di sản: chương trình Em tìm hiểu di sản, Em làm nhà khảo cổ, Photovoice…; các chương trình Tết Việt, Tết Đoan Ngọ xưa và nay, Vui Tết Trung Thu, Ký ức mùa Thu… Từ cuối năm 2016, khi các chương trình bắt đầu triển khai có hơn 1.000 học sinh tham gia hai chương trình giáo dục di sản. Bên cạnh đó, hơn 18.000 bạn nhỏ được trải nghiệm các hoạt động trong chương trình Vui Tết Trung Thu và Tết Việt tại đây, chưa kể các học sinh đến nơi này thông qua các tiết học ngoại khóa theo chương trình của trường.
Đây thực sự là những kết quả rất đáng khích lệ, cho thấy rằng, việc khai thác và phát huy giá trị di sản theo hướng như vậy là đúng hướng và có hiệu quả. Theo thống kê, đã có hơn 120.000 lượt học sinh tham quan học tập tại HTTL vào năm 2019, trong đó có gần 30.000 em tham gia chương trình giáo dục di sản theo phương pháp vừa học vừa trải nghiệm, sáng tạo. Mặc dù phải trải qua quãng thời gian COVID-19 với ảnh hưởng rất nghiêm trọng, các nhà trường bắt buộc phải cho học sinh học online tại nhà nhưng vào năm 2020 vẫn có hơn 14.000 học sinh tham gia chương trình giáo dục di sản (9).
Bên cạnh đó, Trung tâm phối hợp với Hội Lữ hành Hà Nội và Công ty Hà Nội Tourist xây dựng sản phẩm mới tour đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. HTTL đã bắt đầu khai thác sản phẩm này vào tháng 4-2023, tạo thành một điểm nhấn quan trọng trong hệ thống sản phẩm du lịch phục vụ cho du khách khi tới HTTL.
Hoạt động trưng bày triển lãm
Hoạt động trưng bày và triển lãm có ý nghĩa không chỉ về mặt khoa học mà còn cả ý nghĩa chính trị sâu sắc. Các hoạt động này minh chứng cho sự rộng lớn, đa dạng về quy mô, phong phú về chủng loại các di sản, di vật, cổ vật tại HTTL. Hơn thế, những hoạt động triển lãm trưng bày phục vụ hiệu quả, thiết thực cho công tác truyền thông, quảng bá di sản đến với đông đảo quần chúng nhân dân, và khách du lịch trong nước cũng như quốc tế.
Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong công tác triển lãm, trưng bày cũng đã và đang được triển khai, ví dụ các hình ảnh, đồ họa, các thông tin đã được truyền tải thông qua nền tảng trang web trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn. Hơn thế nữa, việc áp dụng công nghệ thực tế ảo (virtual reality), trình diễn và tương tác theo mô hình 3D, 360 độ camera, áp dụng mã QR code thông qua nền tảng app trên điện thoại thông minh, thông qua phần mềm để giới thiệu, truyền thông về các di vật, cổ vật, di sản tiêu biểu tại các khu trưng bày.
3. Kết luận
Những thành tựu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản thế giới Khu trung tâm HTTL rất đáng khích lệ, hơn nữa, Chính phủ, Bộ VHTTDL và Thành phố Hà Nội với những chủ trương, đường lối, chính sách cũng như các cơ chế phối hợp tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho di sản thế giới này được bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị của mình.
Tuy nhiên, các vấn đề tồn tại, những hạn chế cũng không hề nhỏ do những nguyên nhân chủ quan, khách quan mà Ban Quản lý Trung tâm (cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý trực tiếp) phải tháo gỡ, giải quyết. Trung tâm về cơ bản thực hiện được hết các cam kết của Thủ tướng Chính phủ với Ủy ban Di sản thế giới. Tuy nhiên, còn một số cam kết chưa thực hiện được trọn vẹn liên quan tới công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, trả lại sự nguyên vẹn cho di sản, công tác bàn giao và nhận mặt bằng cũng cần có thời gian để thực hiện triệt để, cũng như việc di dời các hộ sinh sống trên đất của di sản.
Những nỗ lực của Trung tâm nói riêng và cả hệ thống chính trị Thủ đô Hà Nội, các cơ quan, ban ngành đoàn thể cũng như cả các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư đã và đang chung tay góp sức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản thế giới này.
Nhiệm vụ cấp bách và quan trọng đặt ra đối với các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng như mọi người trong cộng đồng là bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của di sản thế giới nhằm giữ được tính xác thực, tính toàn vẹn cũng như sự an toàn, bền vững cho thế hệ mai sau, hơn thế nữa di sản thế giới HTTL cũng đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục di sản cho cộng đồng đặc biệt là các bạn học sinh tiểu học, các bạn học sinh phổ thông và giới trẻ, hoàn toàn phù hợp với thông điệp mà UNESCO muốn gửi gắm “di sản trong tay thế hệ trẻ”.
________________
1. UNESCO World Heritage Center, Central Sector of the Imperial Citadel of Thang Long - Hanoi (Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội), whc.unesco.org, 2011.
2. Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội, Hồ sơ đề cử tài sản ghi vào danh sách di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, 2009; và UNESCO World Heritage Center, Central Sector of the Imperial Citadel of Thang Long - Hanoi (Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội), whc.unesco.org, 2011.
3. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế 10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, 23-11-2020.
4. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế 20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội, Hà Nội, 8-9-2022.
5. UBND thành phố Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội - 20 năm một chặng đường, Nxb Hà Nội, Hà Nội, 2023.
6. UBND thành phố Hà Nội, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội, Hà Nội, 2018.
7. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1647/QĐ-TTg về việc phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết Bảo tồn, tôn tạo, và phát huy giá trị Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (tỷ lệ 1/500), Hà Nội, 2012.
8. UBND thành phố Hà Nội, Kế hoạch quản lý Di sản văn hóa thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, ban hành kèm theo Quyết định số 8038/QĐ-UBND ngày 31-12-2013.
9. Trần Việt Anh, Những thành tựu của Hoàng Thành Thăng Long sau 10 năm được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa thế giới (2010-2020), Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế 10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, 2020, tr.14-23.
Tài liệu tham khảo
1. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, nhìn từ Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, 23-11-2015.
2. UBND thành phố Hà Nội, Quyết định số 3855/QĐUBND ngày 1-9-2006 của UBND thành phố Hà Nội về việc thành lập Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, Hà Nội.
NGUYỄN ĐỨC TRỌNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 551, tháng 11-2023