Đưa mỹ thuật đến gần hơn với công chúng: Truyền thông và sự thích ứng với chuyển đổi số tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

 

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là nơi lưu giữ, bảo quản, trưng bày, phát huy giá trị các tác phẩm nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam từ thời Tiền-Sơ sử cho đến ngày nay. Hệ thống trưng bày thường xuyên giới thiệu hơn 2.000 hiện vật, trong tổng số gần 20.000 hiện vật của Bảo tàng. Trưng bày được thực hiện theo tiến trình lịch sử và theo sưu tập/chất liệu. Ngoài ra, Bảo tàng còn có không gian trưng bày chuyên đề, không gian sáng tạo, cửa hàng lưu niệm và café.

Nắm giữ những kiệt tác nghệ thuật của đất nước, lại toạ lạc tại một vị trí trung tâm của thành phố, nhưng khoảng 5-7 năm trước đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn là cái tên ít được biết đến so với các bảo tàng khác ở thủ đô. Lượng khách tham quan đến Bảo tàng còn khá khiêm tốn (chỉ bằng 15% lượng khách đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cùng kỳ tại thời điểm năm 2016), lại đa phần là khách lẻ, khách đoàn chiếm tỉ lệ rất nhỏ, và trong số đó, khách nước ngoài chiếm đến 90% tổng lượng khách tham quan Bảo tàng (thời điểm trước COVID-19). Hướng dẫn viên du lịch e ngại không muốn đưa các đoàn khách đến với Bảo tàng vì bản thân họ thấy khó khăn khi tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật bởi hệ thống trưng bày của Bảo tàng chỉ cung cấp những thông tin tối thiểu và không có nhiều phương tiện hỗ trợ khác. Du khách muốn thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật không có cách nào khác là phải trực tiếp đến Bảo tàng. Mức độ xuất hiện của Bảo tàng trên nền tảng internet còn rất khiêm tốn. Không những thế, người qua đường cũng không nhận biết được đó là một bảo tàng nghệ thuật quốc gia mà vẫn lầm tưởng là một tòa nhà hành chính nào đó…

Thế nhưng bức tranh tại thời điểm năm 2023 thì khác. Chỉ cần một click trên trang tìm kiếm Google, có thể dễ dàng tìm thấy khoảng 255.000 kết quả cụm từ chính xác “Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” cùng vô số hình ảnh liên quan chỉ với chưa đầy 1 giây. Cái tên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã không còn xa lạ với công chúng. Đặc biệt, lượng khách tham quan Bảo tàng gia tăng đáng kể, nhất là giới trẻ. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bảo tàng đón lượng khách nhiều hơn con số cả năm 2017, với tỉ lệ khách Việt Nam chiếm khoảng 80% (1). Đó là kết quả của những nỗ lực không ngừng trong những năm qua của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhằm đa dạng hóa các hoạt động, nâng cao chất lượng chuyên môn, chất lượng phục vụ, nâng cấp cơ sở vật chất, ứng dụng chuyển đổi số, nhất là trong lĩnh vực truyền thông, quảng bá nhằm thu hút khách tham quan và mang đến những trải nghiệm mới mẻ, đa dạng cho người thưởng lãm nghệ thuật.  

Công tác truyền thông bảo tàng

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, vai trò của bảo tàng trong những thập kỷ gần đây đã chuyển dần từ một nơi chủ yếu dành cho việc bảo quản, lưu giữ sưu tập sang một thiết chế văn hóa tập trung nhiều hơn vào công chúng, phản ánh vai trò của bảo tàng trong xã hội. Truyền thông bảo tàng là một trong những nhiệm vụ đặc trưng cho chức năng văn hóa và xã hội của bảo tàng; mục tiêu chủ yếu của truyền thông bảo tàng là cung cấp thông tin, làm tăng sự hiểu biết về bảo tàng và tăng cường sự quan tâm và tham gia của công chúng đối với bảo tàng.

Chức năng truyền thông xuất hiện lần đầu trong định nghĩa bảo tàng của Hội đồng Bảo tàng quốc tế ICOM năm 1974. Tuy nhiên, theo André Desvallées và François Mairesse: “Việc áp dụng thuật ngữ truyền thông trong thực hành bảo tàng hiện vẫn chưa rõ ràng, bất chấp những nỗ lực của ICOM trong việc định nghĩa về bảo tàng năm 2007” (2): “Bảo tàng là một tổ chức phi lợi nhuận, phục vụ xã hội và sự phát triển của xã hội đó, mở cửa cho công chúng; bảo tàng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, truyền thông và trưng bày các di sản vật thể và phi vật thể của nhân loại và môi trường vì mục đích giáo dục, học tập và hưởng thụ”. Truyền thông trong định nghĩa này nhấn mạnh tới việc bảo tàng chia sẻ với nhiều nhóm công chúng khác nhau về những hiện vật trong các bộ sưu tập cũng như những thông tin liên quan đến công tác nghiên cứu những hiện vật đó theo những phương pháp và kỹ thuật giao tiếp khác nhau.

Ở Việt Nam, truyền thông đã chính thức được quy định là một trong những hoạt động thiết yếu của bảo tàng tại Điều 11, Thông tư 18/2010/TT-BVHTTDL ngày 31-12-2010 quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng. Điều này đã tạo cơ sở giúp các bảo tàng chuẩn bị về nhận thức và nguồn lực để tổ chức công tác truyền thông, quảng bá di sản mà bảo tàng nắm giữ tới đông đảo công chúng. Tuy nhiên, truyền thông bảo tàng vẫn là khái niệm mới và các bảo tàng còn gặp rất nhiều khó khăn và lúng túng khi triển khai thực hiện. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Mặc dù vậy, Bảo tàng đã không ngừng tìm tòi, đổi mới và từng bước tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, nâng cao vị thế của Bảo tàng trong xã hội.

Truyền thông tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Ngay sau khi Thông tư 18/2010/TT-BVHTTDL có hiệu lực, năm 2011, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lập website vnfam.vn là kênh thông tin chính thức và giao cho Phòng Trưng bày - Giáo dục kiêm nhiệm quản lý. Đây được coi là bước khởi đầu của hoạt động truyền thông bảo tàng, cùng với đó là thiết lập quan hệ với báo chí, truyền hình. Tháng 3-2015, lần đầu tiên nhiệm vụ truyền thông được Bảo tàng đặt ra và cử 1 cán bộ chuyên trách thực hiện (3). Tháng 9-2018, công tác truyền thông mới chính thức được xuất hiện trong Quyết định của Bộ VHTTDL quy định chức năng, nhiệm vụ của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (4). Đây là quyết định mang tính bước ngoặt, tạo hành lang pháp lý để Bảo tàng đầu tư triển khai thử nghiệm các hoạt động truyền thông, và dần chuẩn bị cho sự thành lập của phòng chuyên môn về công tác truyền thông vào tháng 8-2021 (5). Sự ra đời của Phòng Truyền thông - Đối ngoại khẳng định vai trò quan trọng của công tác truyền thông, thể hiện tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo Bảo tàng, đồng thời cho thấy sự phát triển của hoạt động này tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Đã có rất nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đối với hoạt động nghiệp vụ mới mẻ và nền tảng truyền thông còn rất sơ khai tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam như: nhận thức về vai trò của truyền thông chưa đầy đủ, còn thiếu một chiến lược truyền thông bài bản, đội ngũ nhân lực vừa thiếu về số lượng, vừa không được đào tạo về chuyên ngành Truyền thông, kinh phí đầu tư cho hoạt động truyền thông còn eo hẹp, trang thiết bị truyền thông còn thiếu thốn… Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 bùng nổ đã làm thay đổi nhiều hoạt động thông thường của Bảo tàng cũng như thói quen tham quan Bảo tàng của du khách, làm đứt gãy mối liên hệ thường xuyên của Bảo tàng với công chúng. Tuy nhiên, cũng như các bảo tàng khác trong nước và trên thế giới, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không thụ động mà chủ động và nỗ lực tìm cách thích ứng và phát triển các hoạt động khác nhau nhằm thực hiện chức năng của mình. Các kết quả nghiên cứu về tác động của COVID-19 đối với bảo tàng của ICOM (6) và UNESCO (7) cho thấy sự thay đổi quan trọng nhất gây ra bởi COVID-19 là các bảo tàng đã chuyển từ trải nghiệm tại bảo tàng sang trải nghiệm trên nền tảng số bằng cách đầu tư để các sưu tập, trưng bày cũng như các sự kiện khác có thể tiếp cận được với công chúng, mặc dù trải nghiệm trực tuyến đó không thay thế được trải nghiệm độc đáo và chiêm ngưỡng hiện vật thật tại bảo tàng. Đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như vậy, nhưng nhận thức được vai trò của truyền thông trong việc đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, trong những năm gần đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã coi truyền thông là một trong những ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển truyền thông số và ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông.

Website

Website là một kênh giao tiếp trực tuyến có thể tiếp cận nhiều đối tượng khác nhau. Website tiếp cận khách hàng tiềm năng một cách hiệu quả và được cho là hình thức truyền thông có ảnh hưởng nhất.

Website phiên bản đầu tiên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lập năm 2011 mới dừng lại ở mức cơ bản và còn nhiều hạn chế như: thiết kế giao diện chưa thực sự thân thiện với người dùng, nhiều trường thông tin mới chỉ có tên mà chưa được lấp đầy, tin tức ít được cập nhật (giai đoạn 2011-2015 đăng khoảng 100 tin bài), do đó lượng truy cập không cao... Sở dĩ như vậy là do Bảo tàng chưa có kinh nghiệm, chưa chú trọng đầu tư đúng mức về nhân lực, kinh phí và nền tảng công nghệ; thêm vào đó là đội ngũ cán bộ truyền thông vừa thiếu, vừa không được đào tạo bài bản, kinh phí hoạt động còn eo hẹp nên trang web hoạt động không thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác quan hệ công chúng, quan hệ báo chí còn lỏng lẻo nên lượng tin bài viết về Bảo tàng còn rất ít (từ 2011 đến 2015 có 13 tin, bài trên internet).

Với quyết tâm đổi mới, tăng cường mức độ nhận diện và lan tỏa, tháng 8-2018, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã nâng cấp thành công trang web với những thay đổi căn bản về công nghệ, nội dung và giao diện so với trang web phiên bản trước. Trên nền tảng công nghệ hiện đại, các trường dữ liệu được tổ chức khoa học và dễ tiếp cận. Ngoài những thông tin cơ bản về Bảo tàng, người xem có thể chiêm ngưỡng hàng trăm hình ảnh tác phẩm, đọc bài viết về tác giả, tác phẩm, xem thông tin, video clip về các triển lãm, sự kiện, hoạt động chuyên môn và kết quả chuyển đổi số của Bảo tàng. Trang web thường xuyên được tích hợp những tính năng mới, cho phép người xem trải nghiệm nghệ thuật dưới các hình thức đa dạng như triển lãm online, 3D tour, video chất lượng cao, hay tham gia thi tìm hiểu mỹ thuật trực tuyến… Đặc biệt, hệ thống tra cứu thông minh cho phép du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin và tiết kiệm thời gian. Bên cạnh đó, giao diện của trang web cũng được thiết kế hiện đại, thân thiện, màu sắc tươi tắn, phông chữ rõ ràng, thể hiện sự chỉn chu và thái độ tôn trọng công chúng của Bảo tàng. Sau 5 năm kể từ khi được nâng cấp, trang web của Bảo tàng đã có hàng triệu lượt truy cập. Đó là kết quả của sự thay đổi tư duy trong định vị Bảo tàng, sự nghiên cứu, học hỏi nghiêm túc từ các trang web của các bảo tàng nghệ thuật trên thế giới và tinh thần làm việc khoa học, kỹ lưỡng của các cán bộ chuyên môn và công nghệ. Tại khóa tập huấn truyền thông bảo tàng do Đại học RMIT phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức tháng 10-2022, trang web của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được các chuyên gia truyền thông quốc tế đánh giá là trang web bảo tàng chuyên nghiệp và được lấy làm ví dụ điển hình về trang web bảo tàng tốt để phân tích. Sắp tới, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiếp tục nâng cấp một số tính năng, cải tiến giao diện nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và sự hấp dẫn của kênh truyền thông chính thức này của Bảo tàng.

Mạng xã hội

Mạng xã hội ngày càng trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hiện đại ngày nay và đang có sức mạnh định hướng dư luận. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng sử dụng mạng xã hội làm phương tiện truyền thông của mình. Tháng 4-2019, Fan Page chính thức của Bảo tàng được lập (8), làm cầu nối đưa Bảo tàng đến gần hơn với công chúng một cách trực tiếp và nhanh chóng. Sau một thời gian kiên trì với phong cách chỉn chu, thân thiện và đẹp mắt, với những nội dung đăng tải ngày càng đa dạng, phong phú, đặc biệt là những hình ảnh đẹp, video clip hay, lượng khách theo dõi và thích trang ngày càng tăng, nhất là giới trẻ, góp phần lan tỏa rộng rãi hình ảnh của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và thu hút khách đến với Bảo tàng. Bên cạnh Fan Page, Bảo tàng cũng thử nghiệm với Instagram và Tiktok. Tuy nhiên, do không có đủ nguồn nhân lực nên đến nay, Fan Page vẫn là trang mạng xã hội chủ yếu của Bảo tàng. Việc xây dựng nội dung đăng tải sao cho vừa tinh tế, thể hiện sự tôn trọng đối với tác phẩm nghệ thuật, lại vừa gần gũi, bắt kịp xu hướng của những người dùng, nhất là các bạn trẻ, là một thách thức lớn đối với các cán bộ truyền thông, nhất là khi các trưng bày của Bảo tàng vẫn thiên nhiều về tính hàn lâm. Mới đây, Fan Page của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã chính thức được Facebook cấp “tích xanh” xác định trang chính chủ và công nhận chủ sở hữu có sự ảnh hưởng nhất định tới cộng đồng. Đây cũng là động lực để các cán bộ Bảo tàng tiếp tục nỗ lực sáng tạo và kiên định xây dựng hình ảnh và bản sắc của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tinh tế, văn minh, thân thiện.

Thích ứng với chuyển đổi số

Trên thế giới, thuật ngữ “chuyển đổi số” (digital transformation) ban đầu được đặt ra bởi Trung tâm Kinh doanh Kỹ thuật số của Viện Công nghệ Massachusetts và Công ty Tư vấn Capgemini vào năm 2011 sau khi phân tích 50 tập đoàn doanh nghiệp truyền thống về quy trình chuyển đổi hiện đại của họ. Họ định nghĩa “chuyển đổi số là quá trình sử dụng công nghệ kỹ thuật số để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức một cách triệt để” (9). Cụm từ này dần được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2015 và phổ biến từ năm 2017.

“Việt Nam đang trên con đường chuyển đổi số” (10) là nhận định của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trong bài phát biểu chào mừng lễ khai mạc Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2023 diễn ra tại Hà Nội sáng 24-5-2023. Trên thực tế, chuyển đổi số với tư cách là “quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số” (11) bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2018. Theo đó, ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong lĩnh vực văn hóa, chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Bộ VHTTDL đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Là một bảo tàng quốc gia trực thuộc Bộ VHTTDL, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã và đang thực hiện quá trình chuyển đổi số, mà bắt đầu từ công tác số hóa và ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động chuyên môn, từ đó dẫn đến những thay đổi trong phương thức phục vụ khách tham quan. Mặc dù việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động của bảo tàng vẫn chưa được coi là nhiệm vụ cần thiết được quy định trong Luật Di sản văn hoá, nhưng do nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số nên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện công cuộc này. Đến nay, một số kết quả cụ thể của chuyển đổi số đã cho thấy hiệu quả thiết thực, nhất là trong lĩnh vực truyền thông, quảng bá hình ảnh của Bảo tàng đến với công chúng, điển hình là ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA và 3D tour.

Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA

Trưng bày là phương tiện truyền thông hình ảnh quan trọng, mạnh mẽ và trực diện nhất trong mỗi một bảo tàng. Thông thường, nhận thức của công chúng về bảo tàng thường dựa vào trải nghiệm tham quan trưng bày. Do đó, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chú trọng đẩy mạnh trải nghiệm tham quan trưng bày bằng cách cho ra mắt sản phẩm công nghệ hỗ trợ người dùng iMuseum VFA- kết quả của một dự án hợp tác công - tư giữa Bảo tàng và một đơn vị công nghệ. Đây là ứng dụng đa phương tiện (âm thanh, hình ảnh, bài viết), kết hợp sơ đồ chỉ dẫn trưng bày và hướng dẫn du khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thông qua thiết bị định vị iBeacon. Ứng dụng được tích hợp trên cả hai nền tảng Android và iOS, sử dụng công nghệ quét mã QR hoặc mã số định danh tác phẩm. iMuseum VFA còn cho phép xem hình ảnh chất lượng cao của tác phẩm; đọc nội dung bài giới thiệu; xác định vị trí hiện vật; xem sơ đồ hệ thống trưng bày; phân biệt các phòng đã, đang và chưa tham quan bằng màu sắc… Khách tham quan có thể tự do khám phá gần 200 tác phẩm tiêu biểu trên hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trực tiếp và trực tuyến ở bất cứ nơi đâu và vào bất cứ thời điểm nào, chỉ với thiết bị điện tử, internet và trả phí. Đặc biệt, thời lượng cho mỗi lần sử dụng iMuseum VFA lên đến 8 giờ, với 8 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Tây Ban Nha, Ý và Bảo tàng chuẩn bị cập nhật thêm phiên bản tiếng Đức. Với những tính năng vượt trội như vậy nên sau khi ra mắt tháng 4-2021 trong bối cảnh ngành Du lịch toàn cầu bị tê liệt thời gian dài do đại dịch COVID-19, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn duy trì đều đặn tương tác với khách tham quan, hỗ trợ du khách tìm hiểu về các hiện vật của Bảo tàng. Ứng dụng iMuseum VFA được tích hợp trên website và thông tin về ứng dụng và khách tham quan trải nghiệm ứng dụng thường xuyên được Bảo tàng chia sẻ trên Fan Page. Ngoài ra, Bảo tàng còn xây dựng các tour đặc biệt tham quan Bảo tàng theo chủ đề như: Tranh sơn mài hay Bảo vật quốc gia dựa trên nền tảng của ứng dụng này. Sau hơn hai năm, đã có hơn 20.000 khách trải nghiệm ứng dụng, chiếm tỉ lệ khoảng 10% lượng khách đến tham quan bảo tàng. Với ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã nhận được giải thưởng Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc do Bộ Thông tin, Truyền thông trao tặng năm 2021.

3D tour

Công nghệ đã được các bảo tàng Việt Nam ứng dụng vào công tác trưng bày từ những năm đầu của thế kỷ 21 dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong thời kỳ giãn cách xã hội khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, ứng dụng công nghệ đã giúp các bảo tàng giữ được sự kết nối với công chúng. Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, chương trình 3D tour ra mắt tháng 10-2021 cho phép khách tham quan có thể trải nghiệm 360o hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng trên nền tảng trực tuyến. Không dừng lại ở đó, tháng 12-2021, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) phối hợp thực hiện triển lãm trực tuyến 3D Tranh sơn mài Việt Nam, được tích hợp trên trang web của Bảo tàng. Triển lãm giới thiệu 50 tác phẩm sơn mài tiêu biểu của các danh họa Việt Nam qua nhiều thời kỳ, lựa chọn từ bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thể hiện vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên và tâm hồn người Việt. Triển lãm đặc biệt giới thiệu bức Bình phong của họa sĩ Nguyễn Gia Trí - một trong những tác phẩm xuất sắc được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Thêm vào đó, người xem còn có cơ hội khám phá lịch sử phát triển và các kỹ thuật chế tác tranh sơn mài thông qua những thước phim tư liệu bổ ích và lý thú. Triển lãm được giới thiệu bằng hai ngôn ngữ Việt, Anh, sau đó bổ sung thêm tiếng Hàn và tiếng Đức. Triển lãm đã được ra mắt tại các quốc gia Hoa Kỳ, Áo, Hàn Quốc và thu hút hàng trăm nghìn người tham gia trải nghiệm. Có thể nói, 3D tour cũng chính là một trong những phương tiện truyền thông ứng dụng chuyển đổi số mang lại hiệu quả cao của Bảo tàng.

Tóm lại, sau hơn một thập kỷ thử nghiệm và triển khai chính thức, truyền thông đã khẳng định là một trong những hoạt động nghiệp vụ chủ yếu và quan trọng nhất của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Từ những bước đi ban đầu còn lúng lúng và sơ khai, công tác truyền thông đã dần định hình rõ nét và phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa. Song song với các phương tiện truyền thông truyền thống như hệ thống báo chí, truyền hình, các bản in, các buổi nói chuyện chuyên đề…, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã chú trọng phát triển truyền thông số và tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong công tác truyền thông. Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra cho Phòng Truyền thông, Đối ngoại còn non trẻ nói riêng, cũng như công cuộc chuyển đổi số của Bảo tàng nói chung, nhưng từ những thành công bước đầu của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, có thể rút ra một số kinh nghiệm thực tiễn sau đây:

Trước hết, lãnh đạo Bảo tàng cần có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của truyền thông bảo tàng, từ đó tập trung nguồn lực để triển khai hoạt động này. Đồng thời, cũng cần nhận thức được rằng ứng dụng chuyển đổi số trong truyền thông không chỉ là xu hướng, mà đã trở thành điều kiện tiên quyết để thực hiện truyền thông hiệu quả.

Từ các hoạt động thực tiễn, Bảo tàng phải rút kinh nghiệm và tiến tới nghiên cứu, xây dựng các chiến lược truyền thông dài hạn, phù hợp với chiến lược phát triển chung của Bảo tàng, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động truyền thông.

Trong công cuộc chuyển đổi số, cần tìm được đối tác công nghệ đủ năng lực và đáng tin cậy cùng đồng hành với Bảo tàng nhằm xây dựng những sản phẩm công nghệ có chất lượng, đạt hiệu quả truyền thông cao. Bên cạnh đó, cần có hành lang pháp lý và những chính sách cụ thể nhằm khuyến khích công tác xã hội hóa hợp tác công - tư trong lĩnh vực bảo tàng và truyền thông.

Trong thời đại số, cần có những quy định chặt chẽ về bản quyền công nghệ và bản quyền hình ảnh nhằm đảm bảo quyền lợi cho Bảo tàng và các đối tác.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - nơi hội tụ và tôn vinh các tác phẩm tiêu biểu của nền mỹ thuật Việt Nam, đã từng bước trở nên gần gũi, thân thiện và thực sự đẹp trong lòng công chúng nhờ những nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ bảo tàng trong các hoạt động chuyên môn, trong đó có truyền thông. Với phương châm đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng và lan tỏa tình yêu nghệ thuật tới khách tham quan, nhất là thế hệ trẻ, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiếp tục đổi mới, sáng tạo, khắc phục khó khăn, đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy hơn nữa công tác truyền thông, quảng bá, phát huy giá trị bộ sưu tập mỹ thuật mà Bảo tàng đang nắm giữ.

_________________

1. Theo Báo cáo thống kê số lượng khách tham quan của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam 2023.

2. André Desvallées và François Mairesse, Các khái niệm cơ bản về bảo tàng học, (Nguyễn Thị Thu Hương dịch), Nxb Văn học, Hà Nội, 2021, tr.23.

3. Quyết định số 10/QĐ-BTMTVN ngày 17-3-2015 của Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam về việc cử cán bộ chuyên trách công tác truyền thông.

4. Quyết định số 3400/QĐ-BVHTTDL ngày 12-9-2018 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

5. Quyết định số 2324/QĐ-BVHTTDL ngày 19-8-2021 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc sắp xếp, tổ chức lại các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và sửa đổi quy định về cơ cấu tổ chức của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

6. ICOM, REPORT Museums, museum professionals and COVID-19 (BÁO CÁO Bảo tàng, chuyên gia bảo tàng và COVID-19), icom.museum, 26-5-2020.

7. UNESCO, Museums around the world in the face of COVID-19 (Các bảo tàng trên thế giới đối mặt với COVID-19), unesdoc.unesco.org.

8. facebook.com/baotangmythuat.

9. Digital transformation: A Roadmap for Billion-dollar Organizations: Findings from Phase 1 of the Digital Transformation Study Conducted by the MIT Center for Digital Business and Capgemini Consulting (Chuyển đổi số: Lộ trình dành cho các tổ chức tỉ đô: Kết quả Giai đoạn 1 của Nghiên cứu về Chuyển đổi số do Trung tâm Kinh doanh Kỹ thuật số của Viện Công nghệ Massachusetts và Công ty Tư vấn Capgemini thực hiện), capgemini.com.

10. Minh Khôi, Việt Nam đang trên con đường chuyển đổi số, baochinhphu.vn, 24-5-2023.

11. Bộ Thông tin và Truyền thông, Cẩm nang chuyển đổi số, Tái bản có chỉnh sửa, cập nhật, bổ sung năm 2021, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2021, tr.21.

 

 

Ths. NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG

Trưởng phòng Truyền thông, Đối ngoại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam 

;