Rực rỡ sắc màu “thổ cẩm” của đồng bào Pà Thẻn (Tuyên Quang)

Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I được tổ chức tại tỉnh Lai Châu, đồng bào dân tộc Pà Thẻn đến từ Tuyên Quang đã góp phần làm tăng thêm vẻ sinh động, rực rỡ cho toàn bộ không gian Quảng trường Nhân dân tỉnh Lai Châu bằng những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc và độc đáo. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử và sự giao thoa, tiếp biến văn hóa, nhưng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Pà Thẻn vẫn giữ được nguyên giá trị nhân văn sâu sắc, đồng thời phản ánh đậm nét đời sống tinh thần cũng như niềm tự hào của người dân tộc Pà Thẻn.

Đến với Ngày hội lần này, chắc chắn những tấm vải hay những bộ trang phục mang sắc đỏ cầu kỳ, bắt mắt của đồng bào Pà Thẻn sẽ là điểm dễ dàng thu hút du khách đến tìm hiểu, khám phá. Theo quan niệm của người Pà Thẻn, màu đỏ tượng trưng cho màu của con chim lửa, cũng có thể là màu của ánh sáng, của sức sống manh liệt, màu của tình yêu… Giữa không gian rộng lớn, các cô gái Pà Thẻn trông thật nổi bật và duyên dáng, những bước đi đều như mang cả mùa xuân, tràn đầy nhựa sống, khiến mọi người không thể rời mắt.

Chị Phù Thị Xẽ biết dệt thổ cẩm từ năm 17 tuổi, đến nay chị vẫn làm công việc này hằng ngày

Để làm nên những bộ váy áo độc đáo, mang đậm dấu ấn của người Pà Thẻn, trước tiên phải kể đến những đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của các cô gái chịu thương chịu khó đã dày công dệt ra những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Qua những tấm vải, người phụ nữ có thể khoe khéo  sự sáng tạo, khiếu thẩm mĩ cũng như thể hiện được sự trưởng thành của mình. Hầu như cô gái Pà Thẻn nào cũng được bà và mẹ mình truyền dạy nghề dệt thổ cẩm từ thủa còn thiếu niên, đến khi trở thành một thiếu nữ thì tay nghề dệt vải đã khá thành thục, để có thể dệt ra những tấm thổ cẩm có chất lượng tốt, hoa văn tinh xảo, bắt mắt. Nhìn ngắm bộ trang phục truyền thống, thật ấn tượng với những chi tiết, hoa văn cầu kỳ được những cô gái dệt nên hoàn toàn bằng phương pháp thủ công.

Chị Phù Thị Xẽ (xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) chia sẻ: “Tôi năm nay đã gần 50 tuổi, biết dệt thổ cẩm từ khi 17, nhưng tôi học được nghề dệt là do mẹ chồng dạy. Hồi đó, vì hoàn cảnh gia đình nên sau khi lấy chồng tôi mới biết dệt. Dệt thổ cẩm vất vả lắm, mỗi tấm vải dài 3m, tôi phải mất 5 tháng nếu dệt liên tục, nhưng khi có công việc khác, có thể phải mất 7 tháng. Thế nhưng khi ngồi dệt, tôi thấy mình rất vui, có thể tự tay dệt nên những tấm vải để may quần áo cho chồng con”.

Để tạo nên những tấm vải thổ cẩm nhiều họa tiết, đòi hỏi đôi tay người dệt phải dẻo dai, tỉ mỉ ở các khâu dệt

Chị Xẽ cũng cho biết, để có được một bộ trang phục cầu kỳ thì các công đoạn dệt, thêu hoa văn, ghép vải của người Pà Thẻn hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống. Trước kia, nguyên liệu dệt vải là kéo từ sợi cây bông, cây đay, nhưng hiện nay, có thể thay thế bằng chỉ và len công nghiệp dễ dàng mua được ở các phiên chợ. Sau khi nhuộm màu là mắc sợi, sang chỉ dệt thành những mảnh vải thổ cẩm hình vuông hay dải vải khổ nhỏ hoặc rộng đắp trực tiếp lên vải áo, khăn hoặc váy.

Khung dệt thổ cẩm của người Pà Thẻn

Để ý trên trang phục truyền thống của người phụ nữ Pà Thẻn, có thể nhận thấy, các hoa văn chủ yếu là những hình ảnh cây cầu, ngôi nhà, con chó, hình quả trám… Tuy nhiên, những hình ảnh tưởng chừng đơn giản đó lại đều chứa đựng, gửi gắm những thông điệp rất ý nghĩa.

Truyền thuyết xa xưa kể lại rằng, có một cô gái người Pà Thẻn mồ côi đi hội chợ xuân, khi nhìn thấy các dân tộc khác có trang phục của riêng mình, cô gái đã rất tủi thân, cô độc và suy nghĩ mình cũng phải có bộ trang phục cho dân tộc mình, vô tình cô gái nhìn thấy đàn chim bay lượn trên cành cây với nhiều màu sắc, xanh, đỏ, tím… ngay lúc đó trong tâm trí cô gái đã hình thành màu sắc trang phục cho mình, khi cô ngồi thêu trang phục cô đã đưa ước mơ và suy nghĩ của mình vào bộ trang phục đó.

Vì mồ côi nên cô luôn ước có một người thương, một ngôi nhà và một con chó để bảo vệ mình, khu rừng cô ở có rất nhiều cây trám trắng nên cô đưa luôn hình quả trám vào trang phục để thêm sinh động, có động vật, có cây cối thì cuộc sống sẽ tích cực và trong lành hơn. Chính vì vậy mà các bộ trang phục của dân tộc Pà Thẻn sẽ có các hình cây cầu thể hiện cho tình yêu, ngôi nhà thể hiện niềm hạnh phúc và hy sinh, con chó là biểu tượng của sự tương trợ bảo vệ, hình quả trám thể hiện sự cầu mong cho cuộc sống tích cực và trong sạch.

Các sản phẩm từ vải thổ cẩm của người Pà Thẻn nhận được sự yêu thích của du khách

Với sự sáng tạo cùng tư duy thẩm mỹ cao, người phụ nữ Pà Thẻn không chỉ làm ra những bộ trang phục truyền thống bắt mắt mà họ còn dệt nên những sản phẩm khác như: khăn, túi, ví, chăn, vỏ gối… và nhận được sự yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Qua những vật dụng giản dị trong đời sống hằng ngày đó, vẻ đẹp và bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn cũng được quảng bá rộng rãi, góp phần vào công cuộc phát triển du lịch tại địa phương và tạo thêm thu nhập cho người dân.

Ngày nay, cuộc sống của đồng bào DTTS đã có nhiều cải thiện, nâng cao, do Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách quan tâm, tạo điều kiện cho con em vùng miền núi, dân tộc được tiếp cận với nền giáo dục hiện đại, từ đó mở ra nhiều cơ hội việc làm tốt với mức thu nhập ổn định. Nhưng chính vì vậy, số người trẻ tuổi dân tộc Pà Thẻn biết dệt ngày càng ít, khiến nghề dệt thổ cẩm truyền thống có nguy cơ bị mai một, biến mất một cách rõ ràng. Chị Phù Thị Xẽ cũng bày tỏ nỗi trăn trở khi các cô gái trẻ ở thôn mình không còn mặn mà với việc học dệt thổ cẩm như thế hệ chị trước kia, họ dành nhiều thời gian cho việc khám phá những thứ mới mẻ bên ngoài thôn bản, cũng như tìm kiếm những công việc mà xã hội ngày nay đang thịnh hành.

Với Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người được tổ chức tại Lai Châu lần này, không chỉ nghề dệt thổ cẩm của người Pà Thẻn tỉnh Tuyên Quang, mà các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người khác đã có cơ hội được lan tỏa, quảng bá tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ coi trọng ý thức dân tộc, có ý thức trong việc bảo vệ văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Đây cũng là dịp thúc đẩy, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ban, bộ, ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bài, ảnh: NGÔ HUYỀN

;