Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Mông để phát triển du lịch ở Hà Giang

Tiết mục tại Hội thi Thổi và Múa khèn Mông tỉnh Hà Giang- nguồn ảnh: Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang cung cấp

 

Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, có 19 dân tộc, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 87,2% trong đó dân tộc Mông chiếm 32,9%; Tày 23,2%; Dao 14,9%; Kinh 12,8%; Nùng 9%. Có 5 dân tộc thiểu số ít người (dân số dưới 10.000 người) gồm: Pà Thẻn, Lô Lô, Bố Y, Pu Péo, Cờ Lao... mỗi dân tộc có nét văn hóa truyền thống riêng biệt, đã tạo cho Hà Giang một nền văn hóa độc đáo, phong phú. Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế, xã hội đối với các tỉnh miền núi, Hà Giang đã đạt được những thành tựu to lớn, từng bước ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, tình trạng kém phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần được nâng lên; nhiều giá trị văn hóa truyền thống và một số phong tục tập quán tốt đẹp được phục dựng, bảo tồn, các thiết chế văn hóa ngày càng được hoàn thiện, trở thành điểm nhấn mang đậm bản sắc văn hóa tộc người, góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Hà Giang, phục vụ phát triển du lịch.

Trong thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa được tỉnh quan tâm, chú trọng. Tính đến nay, Hà Giang đã tổ chức bảo tồn được 34 di sản văn hóa phi vật thể, có 28 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tỉnh đã tổ chức kiểm kê di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh, kết quả đã nhận diện được 446 di sản văn hóa phi vật thể với 7 loại hình của 14 dân tộc cư trú lâu năm và sinh sống tập trung thành làng (bản). Trong đó có 17 di sản loại hình tiếng nói, chữ viết; 47 di sản ngữ văn dân gian; 12 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian; 259 di sản tập quán xã hội và tín ngưỡng; 13 di sản lễ hội truyền thống; 41 di sản nghề thủ công truyền thống và 57 di sản tri thức dân gian. Trong các di sản được bảo tồn và được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, có 7 di sản của dân tộc Mông.

Bên cạnh đó, Hà Giang đã triển khai Đề án số 09-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017-2020”, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, thông qua việc triển khai một số đề án, dự án trên địa bàn tỉnh về bảo tồn văn hóa, trong đó đều quan tâm chú trọng đến văn hóa dân tộc Mông, như: xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông; mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống… đưa văn hóa dân tộc Mông vào truyền dạy trong các trường học; tham mưu cho tỉnh ban hành Nghị quyết 15-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch 302/KH-UBND của UBND tỉnh về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Giang, giai đoạn 2021-2025; tham mưu xây dựng ban hành Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh về Quy định hỗ trợ đối với người trực tiếp trông coi di tích và nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mông trong phát triển du lịch, trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Song, việc bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mông trong phát triển du lịch cũng gây không ít tác động tiêu cực. Do đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn giá trị văn hóa với phát triển du lịch là vấn đề cấp bách trong điều kiện hiện nay.

Du lịch trải nghiệm và nghiên cứu văn hóa truyền thống văn hóa đáp ứng nhu cầu khám phá văn hóa của du khách, nhất là giới trẻ, cư dân ở các đô thị và đang trở thành một xu hướng của du lịch hiện nay. Nhiều du khách trong nước và quốc tế muốn được trải nghiệm nền văn hóa nông nghiệp, khám phá kỹ thuật canh tác, tri thức bản địa, như: tri thức thổ canh trên hốc đá của cư dân cao nguyên đá Hà Giang (canh tác hốc đá của người Mông), nghề chạm khắc bạc; kỹ thuật dệt thêu lanh thổ cẩm; nghề chế tác khèn, làm quẩy tấu, rèn đúc lưỡi cày... Thông qua việc thực hiện bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc Mông và tạo ra những sản phẩm phát triển du lịch trong chính cộng đồng dân tộc địa phương, làm sao để văn hóa dân tộc không chỉ có chức năng khám phá, nâng cao hiểu biết, mà còn có chức năng giáo dục truyền thống văn hóa đối với các thế hệ, giáo dục ý thức dân tộc trong mỗi người dân...

Đồng bào dân tộc Mông có hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Đây là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, là tiềm năng, lợi thế phát triển mạnh mẽ và tạo kế sinh nhai cho người dân.

Bên cạnh đó, văn hóa dân tộc Mông đa dạng với nhiều sắc thái văn hóa đặc sắc, hấp dẫn. Đây là nguồn lực văn hóa giàu giá trị, trực tiếp tạo nên các sản phẩm du lịch di sản mang tính đặc thù, như sản phẩm du lịch mang dấu ấn người Mông, Festival khèn Mông, nghệ thuật thổi và múa khèn Mông, ngày hội văn hóa dân tộc Mông, các làm điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc…

Là tỉnh đông dân tộc Mông nhất nước, tỉnh Hà Giang đã vinh dự đăng cai tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ II toàn quốc, với nhiều hoạt động hấp dẫn, phong phú như: Không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch; Thi ẩm thực; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa dân tộc Mông; Liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc Mông; Trưng bày, triển lãm đặc trưng văn hóa dân tộc Mông. Tổ chức các trò chơi, môn thể thao dân gian: tù lu, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, xđi cà kheo... Tổ chức đoàn Famtrips khảo sát du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại tỉnh Hà Giang; Tọa đàm: Đánh giá các sản phẩm du lịch của Hà Giang gắn với liên kết phát triển vùng và trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường du lịch, thu hút các doanh nghiệp lữ hành đưa du khách đến Hà Giang, góp phần phát triển du lịch Hà Giang theo hướng bền vững; Trải nghiệm festival các hoạt động tại các làng VHDL cộng đồng dân tộc...

Các giá trị văn hóa phi vật thể, loại hình thổ canh trên hốc đá, trên ruộng bậc thang đều tạo ra vẻ đẹp hấp dẫn của du lịch trải nghiệm... Như vậy, tính đa dạng, phong phú của các giá trị văn hóa tộc Mông đã tạo nên sức hút cho phát triển du lịch. Đến nay, Hà Giang đã có 2 làng văn hóa du lịch, 7 làng nghề truyền thống dân tộc Mông được tỉnh công nhận, bên cạnh đó còn rất nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, đồ thủ công mỹ nghệ, các khu điểm du lịch mang phong cách văn hóa kiến trúc đặc trưng dân tộc Mông, tiêu biểu là điểm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái H’Mong village (được chứng nhận đạt chuẩn Khách sạn xanh - ASEAN 2021). Điểm du lịch cộng đồng dân tộc Mông Pả Vi Hạ Mèo Vạc, trung bình mỗi năm đón hàng trăm lượt khách du lịch đến tham quan và lưu trú, doanh thu ước đạt hàng trục tỷ đồng, thôn Lũng Cẩm thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Dịch vụ ẩm thực cũng trở thành một lĩnh vực có nhiều sáng tạo phát huy giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống. Đến với các làng người Mông, du khách còn được thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng của từng tộc người. Không chỉ được thưởng thức mà du khách còn được tham gia trải nghiệm, làm bếp với các món thắng cố, mèn mén, ủ rượu men lá của người Mông, trải nghiệm việc ngủ trong những căn nhà truyền thống, một số điểm du lịch còn có sáng tạo nên những căn biệt thự mang dáng vóc truyền thống như nhà Quẩy Tấu, nhà truyền thống dân tộc Mông... Có thể thấy, trong tất cả các khâu kinh doanh du lịch, văn hóa đều đóng vai trò quan trọng, góp phần tăng sức hút du khách, tạo nên nét đặc thù, bản sắc riêng trong phát triển du lịch.

Bảo tồn giá trị văn hóa trong phát triển du lịch ở vùng đồng bào dân tộc Mông tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế, xã hội của người dân. Du lịch văn hóa góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân tộc tham gia vào các chuỗi du lịch, chuyển đổi hình thức kinh tế từ độc canh cây ngô, lúa sang làm du lịch, sen canh tăng vụ trồng các loài hoa tam giác mach, hoa cải, hoa hướng dương, hoa cúc thạch để phục vụ nhu cầu khách đến thăm quan chụp ảnh lưu niệm…

Để đạt được những kết quả như trên, bên cạnh sự quan tâm và những cơ chế chính sách kịp thời của Trung ương và của tỉnh trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc Mông, ngành VHTTDL Hà Giang đã chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực hằng năm thông qua các lớp tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng trong vận hành khai thác du lịch đã nâng cao một bước hiệu quả công tác bảo tồn gắn với phát triển du lịch trong đó có đồng bào dân tộc Mông (riêng các làng văn hóa du lịch dân tộc Mông đã triển khai hơn 10 lớp truyền dạy, tập huấn du lịch).

Bên cạnh đó, nhờ phát triển du lịch, nhiều giá trị văn hóa có nguy cơ bị mai một nay đã được phục hồi, như nghề chế tác Khèn (Đồng Văn), dệt lanh (Hợp tác xã Lùng Tám, Cán Tỷ huyện Quản Bạ, Hợp tác xã Lanh Sủng Là, Đồng Văn) và các loại hình văn hóa dân gian. Du lịch đã khơi dậy niềm tự hào của người dân về văn hóa truyền thống dân tộc, quảng bá hình ảnh của quê hương, đất nước và con người nơi đây đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, bảo tồn giá trị văn hóa trong phát triển du lịch cũng còn có một số tác động tiêu cực đến hệ thống các giá trị văn hóa. Các giá trị văn hóa khi trở thành sản phẩm du lịch đều trải qua quá trình tiếp biến, giao thoa văn hóa. Nhiều nơi nhập các sản phẩm của người Mông Trung Quốc về bán, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch…

Từ thực tiễn trên cho thấy, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong phát triển du lịch là vấn đề quan trọng, đồng thời cũng là yêu cầu cấp bách trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Hà Giang. Để thực hiện được “mục tiêu kép”, vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, trước tiên cần xác định rõ quan điểm phát triển du lịch theo hướng bền vững, đó là đáp ứng đồng thời yêu cầu về kinh tế, xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai”. Du lịch phát triển bền vững cần phải dựa theo 4 trụ cột: văn hóa - môi trường - xã hội - kinh tế. Cần thống nhất quan điểm bảo tồn văn hóa là nguyên tắc hàng đầu, không “hy sinh” văn hóa truyền thống để phát triển du lịch bằng mọi giá, đặc biệt chú ý đến phát triển bền vững và của điểm và khu du lịch, chống sự quá tải trong việc đón khách. Cần xây dựng một chiến lược sử dụng tốt nhất các tài nguyên môi trường, xác định môi trường tự nhiên và cảnh quan sinh thái là điều kiện tiên quyết trong phát triển du lịch tương lai; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích của các bên tham gia hoạt động du lịch, trong đó phải đề cao vai trò chủ nhân của cộng đồng dân tộc tại địa phương trong hưởng lợi. Mặt khác, du lịch bền vững cũng phải chú ý vấn đề giới, tỷ lệ thất nghiệp theo mùa, xóa bỏ các tệ nạn chèo kéo khách. Cần bảo đảm hoạt động kinh tế tồn tại lâu dài, định hướng cộng đồng cư dân địa phương vừa thực hành kinh tế truyền thống, vừa tham gia kinh doanh du lịch. Lợi nhuận của du lịch cần phải được phân bổ công bằng, đóng góp cho việc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, cân bằng giữa phát triển kinh tế truyền thống với phát triển du lịch.

Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tiêu biểu của dân tộc Mông nói riêng, các dân tộc thiểu số nói chung, cần có những giải pháp cấp thiết và lâu dài như sau:

Một là: Hằng năm cấp hỗ trợ kinh phí tiếp tục được thực hiện công tác nghiên cứu, sưu tầm các chuyên đề, chuyên sâu về văn hóa dân tộc Mông để xây dựng thành sản phẩm VHDL đặc trưng. Tổ chức mở các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, hỗ trợ kinh phí để phục dựng, bảo tồn và phát huy một số lễ hội đang có nguy cơ mai một. Nghiên cứu, đề xuất ban hành, điều chỉnh chế độ chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân dân gian đang thực hành di sản; tôn vinh, phong tặng nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong quá trình bảo vệ di sản.

Xây dựng: nội dung tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú để nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, đoàn thể và cộng đồng các dân tộc về việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản trên địa bàn toàn tỉnh; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho các nghệ nhân dân gian, giáo viên, cộng tác viên có khả năng truyền dạy để không ngừng nâng cao về số lượng và chất lượng phổ biến, truyền dạy di sản, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Tổ chức điều tra, khảo sát, kiểm kê, đánh giá kết quả hoạt động bảo vệ di sản trong tỉnh. Kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp đối với công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể.

Phối hợp tham mưu xây dựng “Quỹ phát triển di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Hà Giang” nhằm phát huy công tác xã hội hóa.

Hai là: Hằng năm, tổ chức các hội nghị, hội thảo về di sản văn hóa các dân tộc, trong đó có dân tộc Mông. Tổ chức Ngày hội Văn hóa Mông nhằm tôn vinh các nghệ nhân, hạt nhân văn hóa dân gian để khích lệ những người có tinh thần nhiệt huyết đối với công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Hình thành các câu lạc bộ dân ca, truyền dạy cho thế hệ trẻ về nghệ thuật múa, hát dân ca. Qua đó đưa các chương trình dạy hát dân ca vào hoạt động ngoại khóa của các trường học tại các địa phương có con em đồng bào các dân tộc, nhất là dân tộc Mông.

Ba là: Triển khai cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, tôn vinh các nghệ nhân, người có uy tín, tâm huyết lưu giữ, truyền dạy văn hóa truyền thống dân tộc Mông. Không chỉ có sự quan tâm, động viên về mặt tinh thần thiết thực, cụ thể như: dành một phần kinh phí thỏa đáng hỗ trợ hoạt động của các nghệ nhân để họ truyền dạy làn điệu dân ca dân tộc Mông, truyền dạy các nghi lễ cúng... cho thế hệ trẻ và đào tạo người kế nghiệp.

Bốn là: Sở VHTTDL định hướng cho Đoàn Nghệ thuật tỉnh nghiên cứu, sưu tầm chất liệu văn hóa dân gian các dân tộc, trong đó sưu tầm các điệu múa cổ, các bài hát dân ca dân tộc Mông để xây dựng chương trình, tiết mục biểu diễn phục vụ nhân dân trong tỉnh và biểu diễn giao lưu với các tỉnh khác trong khu vực.

Năm là: UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các Đoàn nghệ thuật bán chuyên nghiệp, Đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở cần dàn dựng ít nhất từ 2-3 tiết mục khai thác từ những làn điệu dân ca, múa truyền thống của dân tộc Mông để biểu diễn phục vụ đồng bào các dân tộc ở cơ sở và tổ chức biểu diễn giao lưu với các huyện, xã quanh vùng.

Sáu là: Đối với các huyện, thành phố theo định kỳ 3 năm một lần (cấp tỉnh 5 năm một lần) tổ chức ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc, cần khuyến khích nghệ nhân các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Mông tham gia biểu diễn trích đoạn các nghi lễ trong lễ hội, biểu diễn các bài hát dân ca, các điệu múa truyền thống...

Bảy là: Lựa chọn, đề cử các nghệ nhân, già làng trưởng bản, người có uy tín đi tham quan, học tập ở các tỉnh để về cơ sở tổ chức, xây dựng các mô hình hoạt động văn hóa được hiệu quả hơn.

Tám là: Tổ chức Hội nghị tuyên dương các nghệ nhân xuất sắc, người có uy tín để động viên khuyến khích các nghệ nhân nhiệt tình trong hoạt động văn hóa dân gian và lưu truyền các di sản văn hóa cho thế hệ trẻ.

 

Ths TRIỆU THỊ TÌNH

Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang

__________________

 

*Tham luận tại Hội thảo khoa học “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức (9/2023)

;