Lễ hội truyền thống nữ tướng Lê Chân (lễ hội nữ tướng Lê Chân) ở Hải Phòng được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2016. Thông qua lễ hội, người dân Hải Phòng bày tỏ lòng biết ơn, tôn kính đến nữ tướng Lê Chân, người có công khai phá vùng đất ven sông xưa có tên làng Vẻn, nay là thành phố Hải Phòng. Bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và đạo lý uống nước nhớ nguồn, đồng thời giúp cho các thế hệ mai sau hiểu thêm về một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, sự tác động của kinh tế, xã hội đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, cần phải có giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn lễ hội.
Tiết mục văn nghệ biểu diễn khai mạc tại Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2023 - Nguồn: An ninh Hải Phòng
1. Sơ lược về lễ hội
Nữ tướng Lê Chân là người gốc ở làng Vẻn, trang An Biên, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương xưa, nay thuộc xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Người là nữ tướng trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, có công khai khẩn vùng đất ven sông và lấy tên quê nhà để đặt tên cho vùng đất mới là Trang An Biên, tiền thân của Hải Phòng ngày nay. Nữ tướng Lê Chân được người Hải Phòng thờ phụng tại đền Nghè, đình An Biên, đình Vẻn.
Lễ hội Lê Chân được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày mồng 7 đến ngày mồng 9 tháng 2 (âm lịch), lễ chính vào ngày mồng 8 tháng 2 tại đền Nghè, đình An Biên và quảng trường tượng đài Nữ tướng, là dịp để người Hải Phòng thể hiện lòng tôn kính, ghi nhớ công lao to lớn của Nữ tướng. Lễ hội còn là nơi lưu giữ những sử liệu quý giá để các nhà nghiên cứu có thêm những cứ liệu lịch sử về một nhân vật có thật trong lịch sử chống giặc ngoại xâm và về lịch sử hình thành của vùng đất Hải Phòng. Lễ hội có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển du lịch lễ hội của thành phố. Lễ hội, cụm di tích đền Nghè, đình An Biên, tượng đài nữ tướng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn cao, mang đặc trưng của Hải Phòng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Các di tích lịch sử - văn hóa gắn với lễ hội
Đền Nghè
Đền Nghè thuộc phường An Biên, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Trước đây, đền Nghè có tên gọi là An Biên cổ miếu. Vào thời Trần, nữ tướng Lê Chân được Vua Trần Nhân Tông sắc phong là “Nam Hải uy linh” và miếu An Biên được cấp tiền tu sửa, mở rộng. Công trình kiến trúc đền Nghè hiện nay được người dân trùng tu trong khoảng thời gian từ năm 1924 đến năm 1927, triều Vua Khải Định. Từ năm 2007 đến năm 2009, đền Nghè được Nhà nước đầu tư, cấp kinh phi tu bổ, tôn tạo như hiện nay.
Đình An Biên
Đình An Biên thờ Đương cảnh Thành hoàng Nam hải Uy linh Thượng đẳng tôn thần Thánh Chân Công chúa, nằm tại phố Hai Bà Trưng, quận Lê Chân. Đình được bố trí theo lối chữ công, gồm 5 gian đại đình (tiền đường), ba gian nhà cầu (ống muống) và 3 gian hậu cung (cung cấm). Điểm nổi bật ở công trình kiến trúc đình An Biên chính là các thành phần trong đình như câu đầu, xà nách, ván lá giong đến rường, bẩy… đều được trang trí, chạm khắc theo nguyên tắc đăng đối, kỹ thuật chạm khắc tinh xảo tiêu biểu cho nghệ thuật đình làng TK XIX.
Khu vực tượng đài nữ tướng Lê Chân
Tượng đài nữ tướng Lê Chân nằm gần các kiến trúc như Nhà hát thành phố, Quán Hoa, hồ Tam Bạc. Tượng nữ tướng Lê Chân được đúc bằng đồng nguyên khối, có chiều cao 10.09m, nặng 19 tấn, được khởi công xây dựng vào ngày 30-11-1999, khánh thành ngày 31-12-2000.
2. Một số vấn đề đặt ra đối với bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể lễ hội nữ tướng Lê Chân phải phù hợp với quan điểm của Đảng về văn hóa và pháp luật của Nhà nước. Bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội là trách nhiệm của chính quyền địa phương, các ngành và của cộng đồng gắn với phát triển kinh tế, xã hội, góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển VHTTDL thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: “Xây dựng lễ hội trở thành sự kiện có sức hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế”.
Cùng với sự phát triển của đô thị, không gian tổ chức lễ hội khó mở rộng, nhất là khu vực tượng đài nữ tướng, khuôn viên đền Nghè và đình An Biên. Hơn nữa, địa điểm lễ hội nằm trên tuyến đường một chiều, mật độ giao thông đông đúc, gần nhiều trường học, điều này đã ảnh hưởng đến không gian tổ chức lễ hội. Vấn đề đặt ra đối với công tác tổ chức lễ hội là vừa đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị, môi trường, vừa phải đảm bảo sự thuận lợi cho người dân, du khách tham gia các hoạt động của lễ hội.
Công tác nghiên cứu về lễ hội tuy đã có một số kết quả bước đầu, song, cần phải nghiên cứu sâu, trong đó làm rõ hơn nội dung, ý nghĩa của các nghi lễ, tế, rước và các hoạt động hội gắn với thân thế, sự nghiệp của nữ tướng Lê Chân. Về di tích đền Nghè và đình An Biên - nơi diễn ra lễ hội, đảm bảo có một bộ tư liệu toàn diện, sâu sắc hơn. Cần phải đa dạng hóa các tư liệu như: bản in, điện tử, ghi âm, ghi hình, mô hình mô phỏng, đặc biệt là số hóa các thông tin về lễ hội. Việc tổ chức lễ hội đảm bảo tính dân gian, nguyên gốc là cấp thiết. Bảo tồn và phát huy giá trị gắn với phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, xã hội hóa nguồn lực bảo tồn lễ hội, song, cần tránh tình trạng thương mại hóa phải xây dựng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
3. Một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội
Cần hoạch định, hoàn thiện các quy định về đầu tư nguồn lực của Nhà nước đối với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trong đó có các di sản văn hóa phi vật thể là các lễ hội truyền thống. Thành phố cần ban hành cơ chế hỗ trợ nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa, phục dựng các nghi lễ, các hoạt động trong lễ hội. Đây là hoạt động đặc thù với tính chuyên môn cao, hơn nữa hoạt động này không trực tiếp tạo ra lợi nhuận về kinh tế, thậm chí cần đầu tư lớn về thời gian và kinh phí nhưng ít có cơ hội thu hút đầu tư từ nguồn kinh phí ngoài nhà nước. Do đó, cần phải có hỗ trợ kinh phí từ ngân sách thành phố, quận Lê Chân cho công tác bảo tồn di tích. Trong giai đoạn hiện nay, Hải Phòng cần ban hành chương trình đề án hỗ trợ việc nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa và phục dựng lễ hội nữ tướng Lê Chân theo nguyên gốc bằng nguồn ngân sách của thành phố. Ngoài nguồn hỗ trợ từ Trung ương, thành phố cần chủ động tăng cường bố trí ngân sách cho hoạt động trùng tu, tôn tạo và gìn giữ di tích là nơi diễn ra các lễ hội. Bên cạnh đó, thành phố Hải Phòng cần có cơ chế huy động nguồn lực ngoài nhà nước để phát huy giá trị di sản văn hóa trong đó có lễ hội nữ tướng Lê Chân thông qua chính sách miễn, giảm thuế có liên quan đến kinh phí dành cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di sản lễ hội. Thành phố cần thành lập “Quỹ di sản văn hóa” nhằm hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội nhằm đảm bảo giá trị nguyên gốc của lễ hội, phát hiện kịp thời những vấn đề phát sinh để có phương án xử lý phù hợp. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ VHTTDL, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ chuyên môn thực hiện thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội. Nội dung thanh tra, kiểm tra, giám sát trọng tâm vào hoạt động tổ chức lễ hội, phục dựng các nghi lễ, tôn tạo các di tích gắn với quá trình tổ chức lễ hội. Trên cơ sở các tư liệu đã được nghiên cứu, công bố, hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát phục dựng các nghi lễ, các hoạt động trong lễ hội đảm bảo tính nguyên gốc, hạn chế tạo dị bản. Đồng thời, tập trung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ VHTTDL về công tác tổ chức lễ hội từ việc thực hành các nghi lễ, các hoạt động hội, công tác quảng bá, tuyên truyền cho lễ hội, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường đến công tác xã hội hóa lễ hội.
Đội ngũ làm công tác trực tiếp liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, lễ hội nữ tướng Lê Chân (gồm cán bộ, chuyên viên phòng Quản lý di sản thuộc Sở Văn hóa và Thể thao, các chuyên viên phòng Văn hóa và Thông tin thuộc UBND quận Lê Chân), cơ bản đã đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội. Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực di sản và có kiến thức về phát huy giá trị của di sản gắn với phát triển kinh tế, xã hội; đủ năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện và quản lý hiệu quả quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đảm bảo tính nguyên gốc của di sản song vẫn đáp ứng yêu cầu giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế; có năng lực tham gia nghiên cứu, tư liệu hóa lễ hội, công tác phục dựng các nghi lễ... công tác tổ chức lễ hội, tham mưu các cơ chế, chính sách, các quy định để vừa bảo tồn và phát huy giá trị di sản, vừa góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Lễ hội nữ tướng Lê Chân được tổ chức tại khu vực tượng đài nữ tướng, di tích đền Nghè và đình An Biên. Tuy nhiên, hiện tại các địa điểm trên thuộc sự quản lý của các cơ quan khác nhau. Đền Nghè chịu sự quản lý của Ban Quản lý di tích thuộc Bảo tàng Hải Phòng. Đình An Biên chịu sự quản lý của Ban quản lý di tích thuộc phường An Biên, quận Lê Chân. Để thuận lợi trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với nữ tướng Lê Chân tại thành phố Hải Phòng, cụ thể là cụm di tích tượng đài Nữ tướng, đền Nghè và đình An Biên nên được quản lý thống nhất bởi một ban quản lý di tích thuộc UBND quận Lê Chân.
Hiện tại, lễ hội được tổ chức ở quy mô cấp quận, song để phát huy giá trị lễ hội, thành phố cần xem xét tổ chức lễ hội ở quy mô cấp thành phố. Việc tổ chức một số lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở cấp thành phố sẽ huy động sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp. Công tác tổ chức lễ hội sẽ trở thành sự kiện của thành phố, không dừng lại ở phạm vi một địa phương cấp quận/ huyện. Với quy mô đó, công tác tuyên truyền về lễ hội sẽ được quan tâm hơn bởi các cơ quan báo, đài của Trung ương, thành phố, các địa phương lân cận và việc huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính sẽ thuận lợi hơn. Đặc biệt, việc tổ chức lễ hội ở quy mô cấp thành phố sẽ thu hút được nhiều hơn sự quan tâm của người dân trong toàn thành phố và các địa phương khác, qua đó thu hút nhiều du khách, doanh nghiệp du lịch về dự lễ hội.
Tăng cường công tác nghiên cứu, tư liệu hóa và phục dựng các nghi lễ, hoạt động hội tiêu biểu
Thứ nhất, cần thành lập Ban nghiên cứu lễ hội nữ tướng Lê Chân gồm chuyên gia, các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ tư vấn, nghiên cứu chuyên sâu về các nghi thức, nghi lễ, các hoạt động hội. UBND quận Lê Chân giao phòng Văn hóa và Thông tin đề xuất phương án tư liệu hóa, trong đó chú trọng áp dụng công nghệ 4.0. Việc tư liệu hóa được thực hiện bằng việc công bố chính thức kết quả nghiên cứu, xuất bản sách về lễ hội, trong đó trọng tâm là các nghi lễ như lễ mộc dục, lễ cả yết, lễ vào đám, lễ rước tượng và bát nhang, lễ tạ, lễ dâng hương, hội thi hoa thủy tiên, hội thi bơi chải, hát văn, thi pháo đất…
Bên cạnh đó, cần khuyến khích các chuyên gia, các nhà nghiên cứu thường xuyên viết bài chuyên đề về lễ hội trên báo, đài, tạp chí chuyên ngành có uy tín. Ngoài ra, việc tư liệu hóa cần được mô phỏng bằng các video ghi hình các nghi lễ, các hoạt động hội nhằm lưu giữ một cách sống động về lễ hội và cần được lưu trữ trên nhiều nền tảng khác nhau.
Thứ hai, UBND quận Lê Chân cần tập trung chỉ đạo tổ chức phục dựng theo nguyên gốc các nghi lễ và hoạt động hội tiêu biểu. Hiện nay, lễ mộc dục, lễ cáo yết, lễ tạ, lễ dâng hương cơ bản đã được phục dựng, tuy nhiên một số nghi lễ khác chưa được phục dựng theo đúng nguyên gốc như lễ rước Thánh, hội thi hoa thủy tiên, hội bơi chải, thi hát văn...
Tăng cường công tác tuyên truyền về lễ hội
Thứ nhất, tăng cường ngân sách của quận Lê Chân và tăng nguồn kinh phí xã hội hóa cho hoạt động tuyên truyền. Cụ thể, hằng năm, ngân sách bố trí cho hoạt động sự nghiệp văn hóa và thông tin của quận, ngân sách dành cho quảng bá, tuyên truyền về lễ hội cần phải được tổng hợp trong dự toán kế hoạch. Bên cạnh đó, tăng cường huy động các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân để bổ sung cho nguồn lực thực hiện hoạt động quảng bá, tuyên truyền về lễ hội.
Thứ hai, quận Lê Chân cần đa dạng hóa phương thức tuyên truyền về lễ hội trên các đài truyền hình Trung ương, Hải Phòng và các tỉnh lân cận. UBND quận tăng cường phối hợp với các báo, tạp chí, tạp chí chuyên ngành thực hiện các bài viết chuyên đề về lễ hội nữ tướng Lê Chân, xây dựng các bản tin về lễ hội, các phóng sự, các phim tài liệu về lễ hội, về di tích gắn với lễ hội, về nữ tướng Lê Chân. Đẩy mạnh tuyên truyền về lễ hội trên các nền tảng mạng xã hội như: YouTube, Facebook, Tiktok… Thiết lập một số trạm thông tin điện tử giới thiệu về lễ hội tại khu vực tổ chức lễ hội. Thường xuyên thực hiện hoạt động tuyên truyền, giáo dục tại các nhà trường trên địa bàn quận về thân thế, sự nghiệp của nữ tướng, để thế hệ trẻ hiểu biết về lịch sử truyền thống của địa phương, nâng cao ý thức và lòng biết ơn với các thế hệ tiền bối đã có công khai phá, xây dựng và phát triển quê hương.
Thứ ba, việc tuyên truyền về lễ hội không chỉ được thực hiện trước, trong lễ hội mà cần phải được thực hiện thường xuyên liên tục, trong đó tập trung nhiều hơn vào thời điểm trước và trong lễ hội...
Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp, địa phương trong phát triển sản phẩm du lịch lễ hội
Di tích lịch sử văn hóa đền Nghè và đình An Biên cùng với lễ hội nữ tướng Lê Chân là điều kiện quan trọng để hình thành sản phẩm du lịch văn hóa nói chung, sản phẩm du lịch lễ hội nói riêng. Thành phố Hải Phòng cần phê duyệt đề án về phát triển sản phẩm du lịch lễ hội trên địa bàn. Quận Lê Chân và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nghiên cứu, xây dựng điểm đến là nơi tổ chức lễ hội, chương trình lễ hội là thành phần cấu thành chương trình du lịch lễ hội tại Hải Phòng. UBND quận Lê Chân cần tổ chức các đoàn famtrips nghiên cứu thực tế hoạt động của lễ hội, các di tích lịch sử gắn với lễ hội. Chính quyền địa phương cần chú trọng xây dựng, sửa chữa đường giao thông, tạo thuận lợi cho du khách khi tiếp cận điểm đến an toàn; đa dạng hóa một số dịch vụ như hàng lưu niệm, tặng phẩm, sách về lễ hội, sách về nữ tướng Lê Chân...
Tăng cường hợp tác giữa các ban ngành của thành phố và quận Lê Chân để đưa nội dung lễ hội vào giáo dục phổ thông
Một trong những ý nghĩa quan trọng của việc phát huy giá trị lễ hội nữ tướng Lê Chân là giáo dục cho các thế hệ trẻ và quá trình xây dựng và phát triển của thành phố Hải Phòng. Do đó, cần sự vào cuộc tích cực của Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giáo dục và Đào tạo và quận Lê Chân trong việc xây dựng đề án, kế hoạch tuyên truyền giáo dục về nữ tướng Lê Chân, về lễ hội tôn vinh nữ tướng trên địa bàn. Một trong những hoạt động hướng tới là Sở Giáo dục và Đào tạo đưa các chương trình trải nghiệm, tham quan thực tế các điểm di tích gắn với lễ hội truyền thống nữ tướng Lê Chân vào trong các trường học trên địa bàn thành phố Hải Phòng, nhất là trên địa bàn quận Lê Chân. Đặc biệt, đưa nội dung về lễ hội nữ tướng Lê Chân, về di tích gắn với lễ hội và về thân thế, sự nghiệp của nữ tướng vào chương trình giáo dục phổ thông.
Tóm lại, từ chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, từ thực tiễn về bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội nữ tướng Lê Chân ở thành phố Hải Phòng, việc thúc đẩy một số nhóm giải pháp căn bản được đề xuất, là cơ sở để các cấp, ngành tham khảo trong quá trình thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội.
_____________
Tài liệu tham khảo
1. Bảo tàng Hải Phòng, Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể lễ hội tưởng niệm nữ tướng Lê Chân tại di tích đền Nghè, đình An Biên, Báo cáo nghiên cứu khoa học, 2009.
2. Bảo tàng Hải Phòng, Nữ tướng Lê Chân trong tâm thức người dân Hải Phòng, Nxb Hải Phòng, Hải Phòng, 2018.
3. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 26-8-2018 của Chính phủ Quy định quản lý và tổ chức lễ hội, 2018.
4. Trịnh Minh Hiên, Lễ hội truyền thống tiêu biểu ở Hải Phòng, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2006.
5. UBND thành phố Hải Phòng, Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, thể thao và du lịch thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hải Phòng.
6. UBND thành phố Hải Phòng, Quyết định số 288/QĐ-UBND ngày 29-2-2016 của UBND thành phố Hải Phòng về việc công nhận một số tuyến điểm du lịch, Hải Phòng, 2016.
7. UBND quận Lê Chân, Báo cáo tổng kết công tác tổ chức lễ hội truyền thống nữ tướng Lê Chân các năm 2018, 2019, 2022, 2023.
PHẠM VĂN LONG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 542, tháng 8-2023