Đông Anh là một huyện ngoại thành của Hà Nội, đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Trong quá trình đô thị hóa, có nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập nảy sinh trong quản lý di tích lịch sử - văn hóa (DTLSVH), tạo nên những áp lực mới đối với công tác quản lý cũng như việc bảo vệ và phát huy các giá trị DTLSVH tại vùng đất đang chuyển mình thành khu đô thị trung tâm của Thủ đô. Bài viết đề cập tới những giải pháp dành cho cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý DTLSVH dưới tác động của quá trình đô thị hóa.
Đền Sái (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh) được xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật Quốc gia - Nguồn: https://thuylam.donganh.hanoi.gov.vn/
1. Cần xây dựng và ban hành những quy định, cơ chế, chính sách trong quản lý DTLSVH
Để đáp ứng yêu cầu quản lý DTLSVH trong quá trình đô thị hóa, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quản lý DTLSVH như Luật Di sản văn hóa, các Nghị định, Thông tư. Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến di tích như: Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; Luật Xây dựng; Luật Đầu tư công; Luật Đất đai, cùng các Nghị định, Thông tư liên quan cần phải được sửa đổi, bổ sung, tạo sự thống nhất trong quy định hiện hành. Cùng một số nội dung về quản lý DTLSVH thì các văn bản quy phạm pháp luật dù khác nhau nhưng phải thống nhất với Luật Di sản văn hóa, phù hợp với Hiến pháp và chuẩn mực quốc tế, phù hợp với tính đặc thù trong quản lý DTLSVH.
Cần thiết phải ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị DTLSVH thống nhất trong toàn quốc, tránh chồng chéo, mỗi nơi ban hành và thực hiện một kiểu khác nhau. Quy chế cần làm rõ cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong thực hiện nhiệm vụ, về phân cấp quản lý di tích trong thực tiễn. Các hoạt động quản lý di tích theo chuyên ngành và các hoạt động quản lý khác có liên quan cần được quy định cụ thể, rõ nội dung, trách nhiệm, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, đơn vị thực hiện; các căn cứ áp dụng trong giải quyết các vấn đề về DTLSVH trong liên ngành phải thống nhất, đồng bộ với nhau, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan để tạo sự thống nhất, phù hợp và đạt kết quả trong quá trình giải quyết. Ngoài ra, Bộ VHTTDL cũng cần phải ban hành Quy chế về quản lý, sử dụng nguồn công đức tại di tích và nguồn xã hội hóa trong quản lý DTLSVH. Trong đó, Quy chế cần làm rõ sự phối hợp giữa các bên có liên quan trong quản lý, sử dụng nguồn xã hội hóa; làm rõ các nguồn thu, nguồn tài trợ, đóng góp cho di tích; quá trình tiếp nhận, quá trình sử dụng nguồn kinh phí công đức, xã hội hóa cho di tích; các nội dung được chi, đặc biệt là quy trình thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích từ nguồn công đức, nguồn xã hội hóa.
Các văn bản khi điều chỉnh, bổ sung, các bên liên quan cần phải trao đổi, thống nhất với nhau, tìm ra hướng tháo gỡ cho vấn đề cũ và hạn chế các phát sinh tương tự trong giai đoạn tiếp theo, trong đó, tập trung vào các nội dung chịu tác động rõ nhất từ quá trình đô thị hóa như: vấn đề ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phân cấp quản lý; quản lý đất đai, trật tự xây dựng; bảo tồn, phát huy giá trị DTLSVH; đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích; quản lý, sử dụng nguồn công đức tại di tích; xử lý vi phạm tại di tích. Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế, chính sách liên quan đến di tích; ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan Nhà nước với nhau, cần phải chú trọng đến sự phối hợp của cộng đồng và doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước cần lắng nghe ý kiến của cộng đồng, doanh nghiệp về những vấn đề còn tồn tại, những vấn đề phát sinh, những bất cập còn đang diễn ra, để có cái nhìn tổng quan, nhiều chiều và khách quan trước khi tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, phù hợp với lòng dân.
2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với DTLSVH
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với DTLSVH, cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Văn hóa cũng như các ngành có liên quan trong thực hiện quản lý di tích.
Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và cần thực hiện thường xuyên. Đội ngũ cán bộ chuyên môn trong ngành hay cán bộ chuyên môn ngoài ngành khi thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quản lý DTLSVH đều phải am hiểu chuyên sâu hoặc có kiến thức nền cơ bản về di sản văn hóa. Đội ngũ cán bộ quản lý di tích phải hiểu rõ về chuyên môn nghiệp vụ và những cơ chế, chính sách liên quan đến di tích mới đem lại hiệu lực, hiệu quả trong quản lý. Để công tác đào tạo nguồn nhân lực gắn với thực tế, đáp ứng nhu cầu công việc, cần có kế hoạch khảo sát, đánh giá thực trạng, phân loại trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di tích. Từ đó tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ; tuyển dụng nguồn nhân lực, bố trí nhân sự vào giữ các vị trí công tác quản lý. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cần phải thực hiện các giải pháp mang tính đồng bộ trên cả hai phương diện: đào tạo nguồn nhân lực trong hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về DTLSVH; đào tạo nguồn nhân lực tại cộng đồng địa phương. Bổ sung cán bộ quản lý di tích đối với những địa phương còn thiếu; đào tạo dài hạn, ngắn hạn đối với những người đang thực hiện công tác quản lý mà chưa được trang bị kiến thức chuyên sâu về di sản văn hóa; cán bộ khi được tuyển dụng trái chuyên ngành cần được bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý nhà nước và các lĩnh vực có liên quan. Đối với lãnh đạo huyện, xã: phải được trang bị kiến thức cơ bản về công tác bảo tồn di sản văn hóa. Đối với công chức văn hóa xã hội: ngoài chứng chỉ bồi dưỡng chuyên ngành, phải thường xuyên được bồi dưỡng, tập huấn nhằm cập nhật, bổ sung kịp thời những văn bản hướng dẫn của Nhà nước liên quan đến quản lý DTLSVH; giúp họ có đủ kiến thức cơ bản để tiếp cận với di tích trong quá trình quản lý.
Cần hoàn thiện việc phân cấp quản lý DTLSVH, tạo sự đồng bộ, thống nhất, giảm áp lực cho các cơ quan quản lý ở từng cấp. Cơ quan quản lý ngành Văn hóa thực hiện quản lý về chuyên môn, chịu trách nhiệm về chuyên môn, cộng đồng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, phát huy giá trị DTLSVH. Di tích ở địa phương nào thì chính quyền địa phương đó thực hiện việc quản lý trực tiếp, toàn diện về di tích theo quy định. Các di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử cách mạng kháng chiến cấp quốc gia sẽ do UBND thành phố quản lý; di tích xếp hạng cấp quốc gia, cấp thành phố giao UBND cấp huyện quản lý; di tích nằm trong danh mục kiểm kê của thành phố, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng giao UBND cấp xã quản lý. Cấp nào quản lý trực tiếp thì tiến hành thành lập ban quản lý di tích, ban hành quy chế hoạt động ban quản lý di tích. Việc phân cấp quản lý cần nêu rõ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đối với từng cơ quan chức năng trong thực hiện quản lý di tích, các nội dung phân cấp phải có sự đồng thuận, thống nhất của các ngành, ban, đơn vị có liên quan, tránh chồng chéo, trùng lặp, đùn đẩy trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.
Trong quản lý, cấp trên có trách nhiệm triển khai, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ cho cấp dưới, trao đổi, xin ý kiến từ dưới lên trên; các đơn vị cấp dưới có trách nhiệm báo cáo, trao đổi với cấp trên, góp ý với cấp trên; giữa các đơn vị có liên quan ngang nhau trong cùng cấp, cùng một đơn vị cần có sự trao đổi thông tin, thống nhất nội dung, phương án giải quyết khi cùng thực hiện nhiệm vụ. Cấp ủy Đảng cần đưa ra chủ trương, quan điểm, định hướng về bảo tồn và phát huy giá trị di tích; tiếp tục xây dựng các chương trình, đề án liên quan đến quản lý di tích gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương với tầm nhìn chiến lược, giải quyết triệt để các vấn đề tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý. Chính quyền các cấp cần chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể, tăng cường quản lý di tích ở tất cả các khía cạnh liên quan. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, công chức chuyên môn đều phải được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về quản lý di tích nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và công tác tham mưu, thực hiện nhiệm vụ quản lý. Đối với đơn vị chuyên môn trực tiếp tham mưu về quản lý nhà nước lĩnh vực di tích, nhất thiết trong cơ cấu lãnh đạo phòng và chuyên viên phụ trách phải được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực di sản văn hóa. Với công chức chuyên môn phải được đào tạo hệ đại học chuyên ngành Văn hóa hoặc tương đương, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ về di sản văn hóa.
3. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý trong quản lý DTLSVH
Để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý trong quản lý DTLSVH cần đưa ra giải pháp khả thi, phù hợp với thực tiễn, cụ thể:
Xác định rõ các đơn vị liên quan trực tiếp và gián tiếp trong quản lý DTLSVH, tiến hành rà soát và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, vai trò, trách nhiệm của từng bên liên quan trong công tác quản lý.
UBND huyện Đông Anh cần ban hành Quy chế phối hợp giữa các bên liên quan trong quản lý DTLSVH. Quy chế cần làm rõ phạm vi điều chỉnh trong công tác phối hợp giữa các bên liên quan là quy định hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích bao gồm cả di tích xếp hạng, chưa xếp hạng nhưng nằm trong danh mục kiểm kê của thành phố và cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Xác định đối tượng áp dụng quy chế phối hợp gồm tất cả các phòng, ban, đơn vị liên quan trực tiếp, gián tiếp đến công tác quản lý di tích. Xác định nguyên tắc chung, nguyên tắc cơ bản trong quy chế phối hợp là tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước và Thành phố có liên quan; quy chế phải bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Xác định rõ, toàn diện, bao quát tất cả các nội dung cần phối hợp giữa các bên liên quan trong quản lý DTLSVH, các nội dung phối hợp phải cụ thể, chi tiết, rõ đơn vị, rõ trách nhiệm, rõ thời gian.
Đối với những tồn tại, hạn chế do lịch sử để lại, còn nhiều vướng mắc, khó khăn, để giải quyết triệt để, các đơn vị liên quan trực tiếp và gián tiếp cần phải phối hợp chặt chẽ, đưa ra đề xuất phương án giải quyết dựa trên cơ sở, căn cứ pháp lý phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình, qua đó lựa chọn giải pháp phù hợp nhất. Những vấn đề liên quan đến đất đai tại di tích, giải pháp hiệu quả và đáp ứng nhu cầu hiện tại, lâu dài, hạn chế tối đa những phát sinh vi phạm đó là: tiến hành lập đồ án quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quy hoạch rõ từng vị trí đất, loại đất phù hợp với thực tiễn và đáp ừng nhu cầu, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân. Lập kế hoạch đăng ký sử dụng đất, phân rõ đất dành cho các di tích, đất dành cho các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, thực hiện quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các vị trí đất có quy hoạch là đất dành cho công trình tôn giáo, tín ngưỡng.
Liên quan đến DTLSVH, không phải chỉ riêng ngành Văn hóa tham gia quản lý, chịu trách nhiệm mà còn liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, chi phối và tác động lẫn nhau trong thực hiện các hoạt động quản lý. Quản lý DTLSVH trong quá trình đô thị hóa đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, giải pháp đưa ra không chỉ mỗi cơ quan Nhà nước mà cần có giải pháp dành cho các bên liên quan là cộng đồng, doanh nghiệp nhằm đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý di tích giữa các bên liên quan.
______________
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. UBND huyện Đông Anh, Báo cáo kết quả đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành Quận, tài liệu lưu hành nội bộ, 2022.
3. Huyện ủy Đông Anh, Văn kiện đại hội đại biểu đảng bộ huyện Đông Anh lần thứ XXVIII, XXIX, tài liệu lưu hành nội bộ, 2015, 2020.
4. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh, Đề án phát triển văn hóa - thể thao trên địa bàn huyện Đông Anh giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.
5. Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 30-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020.
6. Khảo sát điền dã thực tế trên địa bàn 23 xã thuộc huyện.
Ths NGUYỄN THỊ MỸ LINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 539, tháng 7-2023