Nghệ thuật sắp đặt, trưng bày trong bảo tàng là những yếu tố được hình thành và phát triển dựa trên nền tảng mỹ thuật và sự sáng tạo trong không gian biểu hiện. Các yếu tố đó có mối liên hệ mật thiết và mang đặc trưng riêng biệt, có giá trị và ý nghĩa thiết thực trong đời sống hiện đại mà trong đó, bảo tàng khu vực Nam Bộ là một trong những công trình giáo dục cộng đồng xã hội với mục đích truyền đạt ý nghĩa lịch sử, duy trì phát triển kiến thức nghệ thuật và gìn giữ bản sắc dân tộc mang đậm giá trị văn hóa giao thoa vùng miền thuộc phía Nam - Việt Nam
Theo định nghĩa từ Luật Di sản văn hóa: “Bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày sưu tập về lịch sử tự nhiên, xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân” (1), cho thấy vấn đề nghệ thuật sắp đặt và trưng bày bảo tàng ở Việt Nam đã được các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu… đề cập rất nhiều qua các hội thảo, trên các tạp chí khoa học với nhiều khía cạnh khác nhau. Theo nhận định của GS, TS Nguyễn Xuân Tiên, cũng là nhà điêu khắc, cho rằng: “Bản sắc dân tộc trong nghệ thuật sắp đặt là sự tổng hòa các khuynh hướng cơ bản trong sáng tạo nghệ thuật (ý tưởng, nội dung, ngôn ngữ thể hiện, chất liệu, không gian…), sự tổng hòa đó được thể hiện trong suốt quá trình vận động và phát triển tiếp biến không ngừng của một dân tộc, một đất nước. Nó bị chi phối bởi tộc người, điều kiện kinh tế, môi trường tự nhiên, các thể chế, các hệ tư tưởng…” (2). Đây là một trong những nhận xét, đánh giá đề cao tầm quan trọng việc giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc trong nghệ thuật sắp đặt và trưng bày tại các bảo tàng.
1. Vai trò của nghệ thuật sắp đặt, trưng bày ở bảo tàng Nam Bộ
Bảo tàng có vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn và truyền tải các giá trị văn hóa, lịch sử với nhiều nét đặc trưng từng khu vực, vùng miền khác nhau; là nơi gìn giữ và trưng bày các tài liệu, hiện vật, di sản, đồ vật, tác phẩm nghệ thuật và các vật phẩm khác có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học hoặc nghệ thuật với sự đa dạng về chủ đề như dân tộc học, nghệ thuật, mỹ thuật, khoa học và công nghệ. Mỗi bảo tàng đều có những đặc điểm, nội dung và giá trị riêng, cùng với sự kết hợp giữa các tài liệu, hiện vật, đồ vật, tác phẩm nghệ thuật đó tạo nên nét đặc trưng của nền di sản văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, bảo tàng còn đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục cộng đồng, giữ gìn bản sắc truyền thống dân tộc chuyển tiếp qua nhiều thế hệ. Với các chương trình giáo dục cộng đồng nhằm tăng cường nhận thức về văn hóa và lịch sử đất nước; đồng thời, giúp nhiều thế hệ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo tồn, tôn vinh và phát triển di sản văn hóa của Việt Nam, góp phần giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa, lịch sử và khoa học của đất nước.
Tại khu vực Nam Bộ Việt Nam, nơi đây là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, có nhiều nét đặc trưng riêng biệt và đa dạng về vùng miền văn hóa tại phía Nam Việt Nam với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang nét đặc trưng vùng miền. Vì vậy, các nhà quản lý, chức trách luôn quan tâm đầu tư và phát triển các hệ thống bảo tàng nhằm thúc đẩy và nâng cao tầm nhận thức cộng đồng về giá trị văn hóa di sản quốc gia của các bảo tàng khu vực Nam Bộ; đồng thời là yếu tố phát triển song hành cho việc kích cầu du lịch và phát triển kinh tế trong nước.
Có thể nói, bắt đầu từ những năm 2000 đến nay, công việc cải thiện chất lượng trưng bày, tái thiết và chỉnh lý là một trong những mục tiêu mà các nhà quản lý, các cấp bộ ngành đã không ngừng nỗ lực để phát triển, tạo diện mạo mới cho bảo tàng khu vực Nam Bộ. Điều này là cả một quá trình nỗ lực bao gồm việc cập nhật các thông tin mới nhất về lịch sử, văn hóa và địa lý; việc bảo tồn các di sản văn hóa cũng là một trong những mục tiêu được đặt ra, với nhiều di sản văn hóa đáng giá từ kiến trúc cổ đại đến các trang phục truyền thống và các nghệ thuật dân gian; việc bảo tồn và trưng bày các di sản này trong bảo tàng sẽ giúp bảo vệ và tôn vinh văn hóa của khu vực. Thông qua các chuyên đề tại bảo tàng khu vực Nam Bộ sẽ giới thiệu cho du khách về văn hóa và nét lịch sử đặc sắc của văn hóa khu vực phía Nam của Việt Nam. Bởi vậy, công tác tôn tạo và bảo tồn di sản cần có những chính sách phù hợp cho việc phát triển nghệ thuật sắp đặt, trưng bày ở bảo tàng Nam Bộ cùng với mục đích tìm ra phương án cải thiện, phát triển văn hóa đặc trưng vùng miền, qua đó tôn vinh các giá trị và bản sắc di sản trong bối cảnh giao lưu hội nhập văn hóa, nghệ thuật của khu vực Nam Bộ ở nước ta.
2. Hệ thống trưng bày bảo tàng ở Nam Bộ hiện nay
Cho đến năm 2021, hệ thống các bảo tàng của Việt Nam gồm 187 bảo tàng, với 128 bảo tàng công lập và 59 bảo tàng ngoài công lập. “Các bảo tàng ngoài công lập đã góp phần lưu trữ, bảo tồn hiện vật (đặc biệt là mảng cổ vật) và giới thiệu với công chúng. Sự góp mặt của các bảo tàng ngoài công lập đang làm thay đổi nhận thức về loại hình bảo tàng đồng thời mở ra xu thế mới, tạo nên sự đa dạng cho hoạt động giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa” (3). Khu vực bảo tàng Nam Bộ, hiện chưa có thống kê cụ thể chính xác, nhưng số lượng bảo tàng hiện nay chiếm tỉ lệ đến 1/3 số lượng trên toàn quốc cùng với các loại hình bảo tàng đa dạng và phong phú, bao gồm: bảo tàng lịch sử, bảo tàng văn hóa - nghệ thuật, mỹ thuật, bảo tàng khoa học - y học - sinh học... Cùng nhiều loại hình đa dạng khác, trong đó có rất nhiều hiện vật, di sản văn hóa lịch sử đang được lưu giữ và bảo tồn tại các bảo tàng khu vực này với các bảo tàng tiêu biểu được đề cập như:
Bảo tàng Lịch sử TP.HCM
Bảo tàng Lịch sử TP.HCM được hình thành năm 1956, mang tên Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn, nơi trưng bày về mỹ thuật cổ một số nước châu Á. Tòa nhà Bảo tàng Lịch sử - một kiến trúc cổ do người Pháp xây dựng gần một thế kỷ (1929) mang đặc trưng phong cách “Đông Dương cách tân”. Với bộ sưu tập chọn lọc lưu trữ hiện nay từ trên 43.000 tư liệu, hiện vật, trong đó có 12 bảo vật quốc gia (4). Với kiến trúc đặc trưng và các chuyên đề thường xuyên được trưng bày mang tính nghệ thuật và tạo nội dung xuyên suốt, yếu tố lịch sử qua các thời kỳ hình thành và phát triển đất nước, mang lại trải nghiệm thú vị cho nhiều khách đến tham quan và thu hút rất nhiều thế hệ trẻ học tập, nghiên cứu về lịch sử Việt Nam.
Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM
Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM được thành lập năm 1987, “Bảo tàng đang bảo quản hơn 22.000 hiện vật được phân chia thành nhiều bộ sưu tập. Hiện vật của Bảo tàng chia thành 2 mảng chính: mỹ thuật cổ - cận đại và mỹ thuật hiện đại với những sưu tập các tác phẩm các họa sĩ trường Đông Dương, Gia Định, hay của các tác giả Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Diệp Minh Châu, Kim Bạch, Đinh Rú, Quách Phong…” (5), những nét đặc trưng cơ bản của mỹ thuật khu vực TP.HCM nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung. Tòa nhà này được xây dựng trong khuôn viên có diện tích lên tới 3.514m² theo phong cách kiến trúc Art-deco (một kiểu kiến trúc kết hợp hài hòa giữa hai trường phái mỹ thuật Á và Âu). Cùng với nét đặt trưng của kiến trúc bên ngoài và bố trí nội thất bên trong, không gian trưng bày đã phần nào tôn vinh lên các giá trị của tác phẩm mỹ thuật được lưu giữ và trưng bày tại bảo tàng, nhiều không gian và hệ thống chiếu sáng tạo điểm nhấn, nâng cao giá trị của các tác phẩm mỹ thuật mang tính nghệ thuật đặc trưng.
Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ được khánh thành vào năm 1990 với diện tích sử dụng 5.410m², một hội trường có sức chứa gần 1.000 người, hệ thống kho bảo quản trên 700m². Bảo tàng luôn tổ chức với nhiều chuyên đề thực tế về trưng bày kết hợp công nghệ. Khách tham quan được tương tác và trải nghiệm mô hình bảo tàng 3D nhờ thiết bị trình diễn Hologram kết hợp ứng dụng phần mềm bảo tàng tương tác thông minh 360º trong trưng bày bảo tàng số. Du khách không cần đeo bất cứ thiết bị hỗ trợ hiển thị nào mà vẫn xem được các hiện vật treo lơ lửng trên không trung ở các góc độ nhờ công nghệ thực tế ảo (6). Phòng trưng bày ứng dụng công nghệ là sự kết hợp giữa truyền thống và công nghệ hiện đại. Những câu chuyện kể bằng hiện vật, các bài học lịch sử dưới sự hỗ trợ của các trang thiết bị trình chiếu sẽ được tái hiện sinh động hơn. Đây là một trong những công nghệ hiện đại và là xu hướng tương lai, mở đầu cho sự phát triển công nghệ tương tác đa chiều trong nghệ thuật trưng bày tại bảo tàng ở Việt Nam hiện nay.
Bên trong bảo tàng với gian trưng bày áo dài truyền thống - Nguồn: baotangphunu.com
Ngoài ra, khu vực Nam Bộ còn có rất nhiều các bảo tàng khác như: Bảo tàng Áo dài, Bảo tàng Văn hóa Dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh, Bảo tàng Cà Mau, Bảo tàng Khmer Sóc Trăng, Bảo tàng An Giang, Bảo tàng Kiên Giang, Bảo tàng Cần Thơ, Bảo tàng Đồng Tháp, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bảo tàng tỉnh Long An, Bảo tàng tỉnh Bình Dương, Bảo tàng tỉnh Đồng Nai… với nhiều hiện vật đang được lưu giữ, bảo quản và trưng bày về đất nước và con người qua từng thời kỳ lịch sử; giới thiệu các thành tựu kinh tế, văn hóa xã hội của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm, Raglai… Khu vực Nam Bộ với vùng địa lý bao gồm 19 tỉnh thành phố, chia thành 2 tiểu vùng bao gồm: Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ (đồng bằng sông Cửu Long) rất đa dạng về văn hóa qua các thời kỳ lịch sử hình thành. Ngoài ra, khu vực Nam Bộ còn được hưởng lợi từ điều kiện địa lý và khí hậu thuận lợi, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch.
Nhằm thúc đẩy hơn sự phát triển nghệ thuật trưng bày, sắp đặt tại các bảo tàng khu vực Nam Bộ, các bảo tàng có thể trưng bày, sắp đặt theo một số phong cách và kỹ thuật như sau:
Thứ nhất, trưng bày theo chủ đề: Bảo tàng có thể sắp xếp các tác phẩm theo các chủ đề như: lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đương đại, hoặc theo một chủ đề đặc biệt khác... Việc trưng bày theo chủ đề giúp người xem có cái nhìn tổng quan về một khía cạnh cụ thể và tạo ra trải nghiệm thú vị.
Thứ hai, trưng bày theo thời gian: Trưng bày, sắp đặt theo thứ tự thời gian, giúp người xem có cái nhìn trực quan về sự phát triển và tuyến tính trong quá trình lịch sử. Trưng bày theo thời gian thường được sử dụng trong các triển lãm về lịch sử hoặc nghệ thuật đương đại…
Thứ ba, trưng bày theo không gian: Bố trí không gian và tạo ra một môi trường trưng bày độc đáo và tương tác giữa tác phẩm, hiện vật và không gian xung quanh. Có thể tạo ấn tượng từ các không gian riêng biệt hoặc trên các hệ thống kệ, bục trưng bày. Điều này giúp người xem có một trải nghiệm thú vị và ấn tượng trong quá trình tham quan.
Thứ tư, trưng bày tương tác: Với sự phát triển của công nghệ hiện nay việc trưng bày đã được tiếp cận với các công nghệ số như công nghệ trưng bày thực tế ảo 360 VR, 3D Tour và công nghệ màn hình cảm ứng tương tác đa chiều giúp các người xem có thể dễ dàng trải nghiệm và tìm hiểu về thông tin chi tiết một cách trực quan.
Thứ năm, trưng bày kết hợp công nghệ đa phương tiện: Việc kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ hình ảnh, âm thanh, chuyển đổi đa ngôn ngữ đã giúp cho người xem tiếp cận dễ dàng và hiểu rõ thông tin.
3. Một số yếu tố cho việc phát triển nghệ thuật trưng bày, sắp đặt bảo tàng ở Nam Bộ
Nghệ thuật trưng bày, sắp đặt tại các bảo tàng Nam Bộ hiện nay là một trong những yếu tố cốt lõi, việc phát triển bảo tàng giúp tôn vinh các giá trị văn hóa di sản và thể hiện nét đặc trưng vùng miền phía Nam Việt Nam. Đặc biệt, đối với khu vực Nam Bộ, nơi bao gồm các vùng di sản đặc biệt như: cao nguyên Nam Trung Bộ, đồng bằng Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long với đa dạng nền văn hóa cũng đã được truyền tải thường xuyên thông qua các chuyên đề triển lãm trưng bày tại các bảo tàng trong khu vực. Mục đích việc phát triển nghệ thuật trưng bày, sắp đặt bảo tàng là chia sẻ trực quan, tạo điều kiện cho cộng đồng bản địa và du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan có những trải nghiệm thật thú vị. Đây cũng là một trong những yếu tố song hành cho việc kích cầu phát triển ngành Du lịch ở khu vực Nam Bộ nói riêng và trên toàn quốc nói chung, thông qua đó giới thiệu giá trị di sản văn hóa, lịch sử quốc gia.
Các yếu tố trong nghệ thuật trưng bày, sắp đặt tại bảo tàng khu vực Nam Bộ được đề xuất nhằm đưa ra những trải nghiệm thú vị nhất cho người đến tham quan tại bảo tàng như:
Một là, hệ thống chiếu sáng: Việc phát triển hệ thống chiếu sáng trong bảo tàng có thể làm tăng khả năng nhìn rõ các hiện vật và các tài liệu trưng bày, đồng thời cải thiện không gian và tạo ra môi trường hấp dẫn cho khách tham quan. Kết hợp hệ thống âm thanh: giúp nâng cao trải nghiệm của khách tham quan và cho phép họ nghe rõ hơn các thông tin, chú thích và nhiều ngôn ngữ phổ. Việc này giúp cho khách tham quan có thể có trải nghiệm thật tốt và tương tác trực quan với các tác phẩm, hiện vật được trưng bày tại bảo tàng ở Nam Bộ.
Hai là, hệ thống màn hình hiển thị, thông tin trưng bày: Màn hình hiển thị và thông tin chi tiết luôn được nâng cấp để tăng khả năng hiển thị đa ngôn ngữ, chi tiết và rõ ràng, giúp khách tham quan có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và dễ dàng. Các hiện vật và tài liệu trưng bày có thể được sắp xếp một cách logic, giúp khách tham quan có thể tiếp cận thông tin đơn giản.
Ba là, phát triển đầu tư và quản lý cơ sở vật chất: Việc duy trì và phát triển bảo tàng luôn quan tâm thường xuyên giúp cải thiện và nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất tối ưu; nhờ có sự quan tâm kịp thời của ban điều hành quản lý từ các cấp chính quyền địa phương và trung ương, cũng như sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ và tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức cá nhân… giúp nâng cao chất lượng cơ sở vật chất và tăng cường nguồn lực quản lý và bảo tồn.
Thực tế tại các bảo tàng Nam Bộ đã có nhiều chương trình được tổ chức thường xuyên phối hợp với nhiều nghiên cứu, chuyên đề, hội thảo và công trình khoa học hoặc công trình thực nghiệm về bảo tàng ở Nam Bộ hiện nay với các yêu cầu như: công năng, bố trí, chủ đề, nội dung, tư tưởng, ngôn ngữ, vật liệu, hệ thống chiếu sáng, yếu tố đặc trưng, thẩm mỹ và quan niệm về nghệ thuật.
4. Kết luận
Nghệ thuật sắp đặt, trưng bày ở bảo tàng khu vực Nam Bộ giai đoạn từ năm 2000 đến nay đã và đang hình thành sự giao thoa giữa phát triển nghệ thuật dựa trên nền tảng mỹ thuật đương đại theo xu hướng công nghệ hiện đại với nhiều giai đoạn lịch sử của nước ta. Bảo tàng khu vực Nam Bộ là một trong những hình thái công trình có tính giáo dục xã hội, là nơi lưu trữ phát huy các giá trị lịch sử; nơi giao thoa nhiều thế hệ, nhiều minh chứng lịch sử, di tích, di sản văn hóa đặc trưng vùng miền. Thông qua việc sắp đặt, trưng bày tại bảo tàng, mang đến cho chúng ta một cái nhìn xuyên suốt qua các thời kỳ lịch sử, những dấu ấn đặc trưng mà được thể hiện qua các tác phẩm nghệ thuật hoặc những di tích khảo cổ, chiến tích chiến tranh. Nơi lưu trữ và phác họa các hình thái xã hội đa chiều không gian từ quá khứ đến thực tại... Các công trình bảo tàng ở Việt Nam nói chung và các công trình bảo tàng khu vực Nam Bộ nói riêng luôn đa đạng, phong phú với nhiều đề tài và chất liệu lịch sử cùng theo sự phát triển và hội nhập của đất nước, sự đổi mới, phát triển kinh tế và văn hóa xã hội… Mặc dù vậy, với việc phát triển tốc độ của thời đại công nghệ hóa, toàn cầu hóa ngày nay và phát triển công nghệ thông tin luôn cần có nhiều công trình nghiên cứu, hội thảo, chuyên đề để tiếp tục tìm ra xu hướng mới cho việc phát triển nghệ thuật trưng bày, sắp đặt ở bảo tàng Nam Bộ. Hiện nay, với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, trước những yêu cầu khắt khe của xã hội về: thẩm mỹ, công năng, nội dung, chủ đề luôn là một sự thách thức lớn cho nghệ thuật trưng bày, sắp đặt nội thất bảo tàng, việc kết hợp tạo ra nhiều loại không gian trưng bày thực sự sinh động, luôn cuốn hút và tương tác với khách tham quan. Thiết kế trưng bày, sắp đặt nội thất bảo tàng ở Nam Bộ cần được xây dựng trên cơ sở lý luận nghiên cứu phù hợp và tương tác với nghệ thuật trưng bày mỹ thuật đương đại theo xu hướng hiện đại công nghệ. Bên cạnh đó, với các nghiên cứu công trình thiết kế sẽ có nhiều hướng giải pháp giúp việc cải tạo và chỉnh lý bảo tồn các bảo tàng có tình trạng xuống cấp, hư hỏng, mà vẫn giữ nguyên cấu trúc nội dung trưng bày, kiến trúc công trình… Vì vậy, việc duy trì nghiên cứu phát triển nghệ thuật trưng bày, sắp đặt là yếu tố điều cần thiết trong quá trình xây dựng và thiết kế nội thất bảo tàng ở Nam Bộ.
Để đạt được mục tiêu đề cao nhận thức cho nhiều thế hệ về việc bảo tồn di sản văn hóa tại bảo tàng Việt Nam nói chung và khu vực Nam Bộ nói riêng, cùng với nghệ thuật trưng bày, sắp đặt ở bảo tàng Nam Bộ dưới sự kết hợp nghệ thuật và xu hướng đương đại, công nghệ hiện đại đã và đang tạo ra một môi trường tương tác, gần gũi và tạo nhiều tương tác cảm xúc, từ đó khơi dậy sự quan tâm của khách tham quan. Cuối cùng, việc tổ chức các hoạt động tương tác và giáo dục thường xuyên bổ sung kiến thức lịch sử, thông tin di sản văn hóa tại bảo tàng ở Nam Bộ cũng giúp xây dựng nền tảng kiến thức cho cộng đồng địa phương và khách du lịch trong và ngoài nước. Những hoạt động như hội thảo, xem phim, workshop và các sự kiện khác sẽ tạo điều kiện cho người tham quan thảo luận, trao đổi ý kiến và chia sẻ những nhận xét trực quan.
Ngoài ra, với sự phát triển văn minh xã hội hiện nay nhằm đáp ứng xu hướng ngày một tăng cao về vật chất, tinh thần của xã hội cũng như nhu cầu về mặt hưởng thụ văn hóa nghệ thuật, du lịch và nhu cầu tìm hiểu học tập trau dồi lịch sử, tôn vinh di sản văn hóa... chúng ta sẽ luôn cần có nhiều biện pháp vĩ mô và vi mô để nâng cao chất lượng việc sắp đặt, trưng bày để bảo tàng khu vực Nam Bộ được phát triển tối ưu hơn và hòa nhập với nền văn hóa mới hiện đại, hội nhập với quốc tế.
________________
1. Luật Di sản văn hóa, Mục 3, Điều 47-53, Luật đã được ban hành do Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29-6-2001, Số 28/2001/QH10, 2001, tr.35.
2. Nguyễn Xuân Tiên, Nghệ thuật sắp đặt - Bản sắc và xu hướng phát triển, Tạp chí Văn hóa học, số 6 (40), 2018, tr.15.
3. Hoàng Mai, Khơi dậy sức mạnh văn hóa, nhandan.vn, 19-1-2023.
4. Hoàng Anh Tuấn, Lịch sử hình thành Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, baotanglichsutphcm.com.vn, 8-2022.
5. Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, svhtt.hochiminhcity.gov.vn, 17-01-2016.
6. Phạm Thương, Người xem ngỡ ngàng khi thấy hiện vật lơ lửng trên không trung tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, phunuvietnam.vn, 9-10-2020.
Ths HOÀNG LÊ DUY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 539, tháng 7-2023