Xây dựng cẩm nang hướng dẫn - giải pháp nâng cao vai trò cộng đồng trong bảo vệ, chăm sóc và phát huy giá trị của di tích

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích một cách bền vững đòi hỏi sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cấp ngành, trong đó bắt đầu từ cơ sở mà lực lượng cốt yếu là cộng đồng sở tại với các hoạt động bảo vệ, chăm sóc thường xuyên tại di tích. Việc nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc và phát huy giá trị di tích và trang bị các kỹ năng thực hiện một cách bài bản cho đội ngũ này là một việc làm cần thiết. Xây dựng cẩm nang hướng dẫn cộng đồng bảo vệ, chăm sóc, phát huy giá trị di tích sẽ là một trong những giải pháp phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng, góp phần giải quyết các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn bảo tồn và phát huy giá trị di tích hiện nay.

Với khoảng 4 vạn di tích trên cả nước, hệ thống di tích ở nước ta đa dạng về loại hình, trong đó, phần lớn các di tích được xây dựng từ các vật liệu truyền thống như gỗ, gạch, có nhiều di tích tính đến nay đã hàng trăm năm tuổi. Trải qua thời gian, trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, các di tích phải đối mặt với nguy cơ xuống cấp từ chính bản thân vật liệu cấu thành nên di tích cũng như từ các tác động bởi hoạt động của con người. Theo quy trình thông thường, cứ 10 năm tu bổ nhỏ ít nhất 1 lần, 20 năm tu bổ vừa và 40 năm tu bổ tổng thể. Trong hơn hai thập niên qua, từ khi Luật Di sản văn hóa (2001) được ban hành, tiếp nối là hàng loạt các văn bản hướng dẫn thực hiện, nghị định, thông tư... được điều chỉnh, bổ sung đã giúp hệ thống văn bản pháp luật về di sản không ngừng được kiện toàn, đáp ứng các đòi hỏi của thực tế. Hệ thống phân cấp quản lý di tích từng bước được xây dựng và vận hành, đến nay, về cơ bản đã cho thấy tính hiệu quả và phù hợp với thực tiễn. Chương trình mục tiêu quốc gia (qua 4 giai đoạn từ 2001 đến năm 2020) cùng với nguồn kinh phí xã hội hóa không ngừng tăng lên trong những năm gần đây đã giúp cứu vãn hàng ngàn di tích khỏi tình trạng sập đổ, hư hại nghiêm trọng. Sự chung tay vào cuộc và những nỗ lực không chỉ của Nhà nước, giới chuyên môn mà của cả xã hội đã khẳng định tầm quan trọng, ý nghĩa của hệ thống di sản này đối với sự phát triển của đất nước. Đồng thời, kết quả này cũng khẳng định những đóng góp của cộng đồng là rất to lớn.

Trong lịch sử, công tác bảo tồn di tích trước khi được thực hiện bởi các chuyên gia, cộng đồng đã xác lập được vai trò quan trọng. Các cộng đồng làng xã không chỉ tự nguyện, sẵn sàng đóng góp công sức và vật chất cho việc xây dựng, tu sửa di tích, mà trực tiếp tham gia chăm sóc, trông coi, bảo vệ an ninh, bảo quản di tích, tham gia vào tổ chức các lễ hội và trực tiếp thực hành nghi lễ… Có thể thấy, họ là những người gắn bó nhất với di tích, hơn ai hết, họ chính là những người chăm sóc di tích thường xuyên nhất, trao truyền tốt nhất các ý nghĩa văn hóa gắn liền với di tích cho các thế hệ sau. Tinh thần tự nguyện, mối quan tâm và trân trọng di tích đã trở thành một truyền thống, được cụ thể hóa qua các hương ước của làng xã và được lưu truyền qua nhiều thế hệ tiếp tục thực hiện.

 Trong hệ thống phân cấp quản lý di tích hiện nay, mối quan hệ gắn bó giữa cộng đồng và Nhà nước tiếp tục được phát huy. Cộng đồng được khuyến khích tham gia vào các ban quản lý di tích cơ sở. Chủ trương xã hội hóa công cuộc bảo tồn và phát huy các tài sản văn hóa mà cha ông để lại tiếp tục được đẩy mạnh.

 Tuy nhiên, trên thực tế, không ít trường hợp đáng tiếc đã xảy ra trong bảo tồn di tích như trường hợp chùa Bổ Đà (Bắc Giang, 2018), đình Lương Xá (Hà Nội, 2018), chùa Bối Khê (Hà Nội, 2019)…; những sai phạm thường thấy như tùy tiện sơn vẽ lên các cấu kiện gỗ bằng sơn công nghiệp, màu sắc lòe loẹt, tiếp nhận đồ cúng tiến tượng thờ, linh vật không phù hợp, khiến di tích bị xáo trộn, các cấu kiện bị thay mới khi chưa được sự cho phép của các cơ quan quản lý. Có thể nêu ra một số ví dụ như: đền Phù Đổng (Hà Nội, 2017), đình Phù Lưu (Bắc Ninh, 2019), đình Văn Xá (Hà Nam, 2019), gần đây nhất là trường hợp cánh cổng đình Tây Đằng (Hà Nội). Cùng với đó là các sai phạm trong lấn chiếm di tích, các biến tướng trong tổ chức lễ hội tại di tích... Một số ít những trường hợp may mắn phát hiện kịp thời và khắc phục nhanh chóng, thì di tích chưa phải gánh chịu các hậu quả nặng nề. Còn lại hầu hết là khi các sai phạm được phát hiện thì di tích đã bị sai lệch, ảnh hưởng đến tính toàn vẹn, tính xác thực, yếu tố gốc cấu thành di tích. Các can thiệp vào di tích lúc đó không thể đảo ngược.

Có thể thấy, các sai phạm nêu trên không chỉ xảy ra trong tổ chức thực hiện dự án tu bổ di tích, mà trong hoạt động bảo vệ, chăm sóc thường xuyên ở cấp cơ sở cũng có nhiều tồn tại. Việc kiểm tra tình trạng di tích chưa được thực hiện thường xuyên, nhất là ở các di tích mà việc hành lễ của người dân địa phương chủ yếu diễn ra vào tuần tiết hoặc vào kỳ lễ hội như ở các ngôi đình. Khi đó, ở các di tích có độ ẩm lớn, lại không được quét dọn, kiểm tra định kỳ sẽ dẫn đến tình trạng hư hỏng nặng hơn ở các cấu kiện gỗ, lúc phát hiện đã khó khắc phục. Đối với một số di tích xuống cấp nghiêm trọng, trong khi chờ phê duyệt dự án, địa phương tự khắc phục, gia cố tạm thời nhưng không có sự hướng dẫn về chuyên môn, cũng có thể dẫn đến hư hỏng nặng hơn, nhiều mảng chạm, cấu kiện bị gãy, bị mất. Một số nơi, những người trông nom có ý thức giữ lại những thành phần bị đứt gãy này nhưng lại bảo quản không đúng cách, đến khi có các dự án tu bổ được thực hiện thì cũng không sử dụng lại được.

Di sản Hội An được quan tâm bảo tồn, phát huy - Ảnh: Nguyên Trường

Một thực tế khác, ở những di tích huy động được nguồn xã hội hóa lớn thì lại bị sai lệch trong tu bổ nhiều hơn. Điều này xuất phát từ ý muốn chủ quan của chính các nhà hảo tâm hoặc của một số vị sư trụ trì và những người trông coi di tích. Nhiều nơi có hiện tượng “tư nhân hóa di tích”, biến thành di tích của các sư trụ trì, họ tự ý thay đổi, thậm chí ngăn cản các nhà nghiên cứu, báo chí và cả phật tử tiếp cận. Việc quản lý nguồn công đức ở những nơi này cũng gặp khó khăn. Trong khi có những nơi, người dân lại coi di tích là của Nhà nước nên xuất hiện tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước thực hiện các dự án tu bổ. Một số nơi khi chủ động khắc phục các hư hỏng tại di tích lại thực hiện quá tùy tiện.

Có thể thấy, trong hệ thống phân cấp quản lý di tích hiện nay, một bộ phận trọng yếu trong hệ thống này chính là cấp cơ sở, nơi mà vai trò của các cộng đồng sở tại chưa được phát huy đúng mức và còn tồn tại nhiều hạn chế. Hầu hết, các xã hiện nay đều đã thành lập các Ban Quản lý di tích chung hoặc từng di tích, có thể chia nhỏ thành các Ban Khánh tiết, Ban Bảo vệ… Các ban này chịu trách nhiệm và trực tiếp thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Bên cạnh đại diện chính quyền địa phương, cán bộ chuyên trách về văn hóa; sư sãi, thủ từ, thủ nhang; thành phần các ban này có sự tham gia của những người dân địa phương có uy tín, hiểu biết về di tích được giao trực tiếp tham gia chăm sóc, bảo vệ di tích; cùng với đó là đại diện các tổ chức tại địa phương, khu dân cư... Đây là lực lượng trực tiếp nhất trong việc trông coi, chăm sóc, quản lý bảo vệ di tích hằng ngày.

Tuy nhiên, không nhiều người trong số họ có hiểu biết về di tích mà phần lớn từ truyền miệng trong dân gian. Nhận thức về giá trị di tích (đặc biệt đối với một số sư trụ trì), đôi khi khác với quan điểm của các cơ quan quản lý, nhà chuyên môn. Ngoài ra, họ thiếu các kỹ năng trong thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình, ngay từ những công việc hằng ngày tại di tích và trong xử lý các tình huống phát sinh.

Điều này xuất phát từ thực tế là cán bộ cơ sở còn mỏng, thường không được quy hoạch đào tạo từ trước nên kiến thức, kỹ năng về quản lý, bảo vệ, chăm sóc di tích rất hạn chế. Ngoại trừ một số các di tích trọng điểm, một số di tích quốc gia đặc biệt có ban quản lý riêng với lực lượng cán bộ có chuyên môn về quản lý văn hóa, bảo tồn bảo tàng. Còn lại, đa phần đội ngũ công chức văn hóa xã trong các ban quản lý di tích cơ sở hiện nay phải kiêm nhiệm nhiều mảng công việc. Nhận thức về di tích, các giá trị tiêu biểu, các yếu tố gốc cấu thành di tích của họ còn hạn chế. Do đó, họ gặp khó khăn trong việc giám sát và hướng dẫn việc thực hiện cho những người trực tiếp chăm sóc di tích tại địa phương. Trong khi đa phần những người trực tiếp chăm sóc di tích là người cao tuổi, hiểu biết về di tích và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc di tích chủ yếu qua kinh nghiệm dân gian, theo quan niệm hỏng đâu sửa đấy, di tích càng mới càng đẹp...

Một nguyên nhân quan trọng khác là vai trò của công tác bảo vệ, chăm sóc thường xuyên tại di tích còn bị xem nhẹ. Tầm quan trọng của hoạt động này đã được nêu rất rõ tại điều 4 Hiến chương Venice (1964): “Điều cốt yếu để bảo tồn một di tích là chúng được duy trì một cách thường xuyên”, Hiến chương Burra cũng khẳng định việc chăm sóc bảo vệ liên tục một di sản là “cơ sở để bảo tồn”. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản pháp quy hiện hành ở nước ta đang thể hiện một sự mất cân đối khi hoạt động này ít được chú ý. Các quy định đều tập trung vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích nói chung, đặc biệt là các quy định về dự án bảo quản, tu bổ di tích.

Cùng với đó, các quy định trong Luật Di sản văn hóa về trách nhiệm của UBND các cấp trong thực hiện việc quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở địa phương, chức năng nhiệm vụ của các tổ chức được giao quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa ở địa phương còn chưa cụ thể. Từ điều 16 của Luật Di sản văn hóa, các địa phương đã cụ thể hóa nội dung hoạt động này trong các quy chế quản lý, phân cấp quản lý di tích cho phù hợp. Hiện nay, hầu hết các xã đều thành lập Ban quản lý di tích cấp xã. Một số ít nơi có mật độ di tích lớn thì thành lập Ban quản lý riêng cho từng di tích. Ở các quy chế nói trên cũng như các quyết định thành lập các Ban quản lý di tích, trách nhiệm của các Ban quản lý di tích cơ sở tuy có sự khác nhau ít nhiều về mức độ trao quyền, song, không đáng kể. Hầu hết các quy định về chức năng nhiệm vụ còn chung chung.

Như vậy, mặc dù trong những năm gần đây, sự cần thiết phải phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn di tích nói chung đã được chỉ ra, tuy nhiên, trên thực tế chưa được phát huy một cách hiệu quả.

Thực tế, hầu hết các di tích ở nước ta đều được xây dựng từ vật liệu gỗ, gạch và đang từng ngày, từng giờ đối mặt với nguy cơ xuống cấp, nên công tác bảo vệ, chăm sóc thường xuyên đối với di tích càng trở nên ý nghĩa. Trong thời gian qua, mục tiêu chống xuống cấp đã đạt được các kết quả quan trọng, hàng loạt các dự án trùng tu được thực hiện đã giúp hàng ngàn di tích được cứu vãn. Vậy thời gian tới đây, mục tiêu tiếp theo của công tác bảo tồn ở các di tích đó là gì nếu không là duy tu bảo dưỡng thường xuyên? Song song với các kế hoạch bảo quản dài hạn, cần quan tâm đến chất lượng hoạt động bảo vệ, chăm sóc thường xuyên tại di tích. Và công việc này sẽ không thể có lực lượng nào đảm nhiệm thay cho cộng đồng sở tại. “Nếu không có những hiểu biết và sự ủng hộ của công chúng nói chung, không có sự trân trọng và chăm sóc hằng ngày của cộng đồng địa phương - những người giám sát thực sự của các di sản… thì sẽ không có bất cứ lượng ngân quỹ hay đội ngũ chuyên gia nào đủ để bảo vệ các di sản đó” (1). Tuy nhiên, không thể phó mặc cho cộng đồng tự bảo vệ, chăm sóc di tích theo cách họ vẫn thực hiện trước đây, với quan niệm đơn thuần đó chỉ là công việc quét dọn trông nom hằng ngày, bảo vệ an ninh, di vật cho di tích và sự tùy tiện vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

 Vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng cao nhận thức, cải thiện kỹ năng cho cộng đồng sở tại, nâng cao vai trò, trách nhiệm của họ trong thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy giá trị di tích? Đây không phải là vấn đề mới được đặt ra. Đã có nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này, chúng ta đã có hệ thống văn bản pháp quy về di sản quy định vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan, có tập huấn hằng năm cho cán bộ chuyên trách, có tuyên truyền cho cộng đồng trên nhiều kênh thông tin… Song, phải khẳng định, đây là vấn đề không thể giải quyết một sớm một chiều mà là một mục tiêu lâu dài và cần có những giải pháp đồng bộ. Vì “ngay cả khi hiểu được quá trình hình thành vấn đề, có tầm nhìn tổng quát về cách thức các sự việc gắn kết với nhau, thì sẽ dễ cho ta lướt qua các chi tiết mang tính kỹ thuật, vốn là những yếu tố chủ chốt của nhiều lĩnh vực hiện đại nhất” (2). Do đó, không chỉ tuyên truyền, phổ biến về các văn bản pháp luật, các mục tiêu định hướng, mà ngay từ các hoạt động thường ngày tại di tích, cộng đồng cũng cần được hướng dẫn cụ thể trong quá trình thực hiện.

 Vì vậy, rất cần có các nghiên cứu xây dựng tài liệu hướng dẫn các kỹ năng cho cộng đồng sở tại trong bảo vệ, chăm sóc và phát huy giá trị di tích. Trên cơ sở đó, việc phối hợp thực hiện và giám sát thực hiện giữa các nhóm thành phần tham gia sẽ trở nên hiệu quả hơn. Xa hơn nữa, trong phạm vi cho phép, khi thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ, chăm sóc mang tính định kỳ nhằm duy trì tốt hiện trạng di tích, có báo cáo đề xuất kịp thời khi phát hiện các hư hỏng, giúp hạn chế để các hư hỏng tiến triển nặng hơn, sẽ góp phần tiết kiệm kinh phí, hạn chế phải tiến hành các hoạt động tu bổ di tích với quy mô lớn hơn. Từ đó góp phần bảo vệ tính xác thực của di tích.

Bên cạnh các lớp tập huấn, bồi dưỡng định kỳ của các ban ngành chức năng liên quan, việc xây dựng và ban hành một cuốn cẩm nang hướng dẫn cộng đồng chăm sóc, bảo vệ và phát huy giá trị di tích với cách trình bày ngắn gọn, trực quan, dễ hiểu sẽ là một công cụ có thể dễ dàng được tiếp nhận bởi các cộng đồng sở tại, những người đang trực tiếp thực hiện công tác này ở các địa phương.

Đây sẽ là một trong số rất nhiều những giải pháp nhằm phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo vệ, chăm sóc di tích. Tài liệu này sẽ góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức về di tích và tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy giá trị di tích cho cộng đồng; nâng cao ý thức bảo vệ di tích, thận trọng hơn trong việc thực hiện các hoạt động có tác động đến tính xác thực của di tích, từ đó giảm nguy cơ rủi ro đối với di tích; đồng thời, trang bị một số kỹ năng thực hiện các hoạt động có liên quan trong công tác chăm sóc, bảo vệ di tích. Khi các nhận thức và kỹ năng căn bản được nâng cao, cộng đồng sẽ có cơ sở để thực hiện việc giám sát khi có các dự án tu bổ.

Để thực hiện được các mục tiêu này, cẩm nang hướng dẫn phải đảm bảo bám sát và giải quyết các vấn đề từ thực trạng và các quy định trong Luật Di sản văn hóa. Trên cơ sở đó, hướng đến việc thực hiện công tác chăm sóc và bảo vệ di tích một cách có hệ thống, mang tính định hướng và hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, bảo tồn di tích. Cấu trúc nội dung cần đảm bảo các vấn đề căn bản như: những vấn đề chung về di tích và công tác chăm sóc, bảo vệ di tích; các kỹ năng thực hiện hoạt động chăm sóc, bảo vệ di tích như nhận diện giá trị di tích, phát hiện hư hỏng, kiểm tra định kỳ, bảo vệ môi trường di tích, phòng ngừa và ngăn chặn rủi ro đối với di tích; lập báo cáo tình trạng và đề xuất kiến nghị. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích một cách bền vững đòi hỏi một quá trình tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cấp ngành, trước hết là ở cơ sở với lực lượng cốt yếu là cộng đồng sở tại với các hoạt động bảo vệ, chăm sóc thường xuyên tại di tích. Ngay từ cấp cơ sở này, phải nhận thức đúng về các mục đích, ý nghĩa cũng như các lợi ích to lớn từ hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích, thấy được vai trò và trách nhiệm của mình thì tiếp theo sẽ là làm thế nào để bảo vệ, chăm sóc di tích một cách tốt nhất. Việc sắp đặt những mục đích, mục tiêu, kỹ năng thực hiện ấy trong khuôn khổ những quy định pháp lý, thông qua các tài liệu dưới dạng cẩm nang hướng dẫn cho cộng đồng sở tại sẽ là một trong những giải pháp phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng, góp phần giải quyết các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích hiện nay.

______________________

1. UNESCO/ICCROM/ ICOMOS/IUCN, Managing Cultural World Heritage (Quản lý di sản văn hóa thế giới), whc.unesco.org, 2013, tr.51.

2. Arthur Pedersen, Managing Tourism at World Heritage Sites: A Practical Manual for World Heritage Site Managers (Quản lý du lịch tại các di sản thế giới: Hướng dẫn thực hành cho các nhà quản lý Di sản thế giới), UNESCO World Heritage Centre, 2002, tr.7.

Tài liệu tham khảo

1. Luật Di sản văn hóa, số 10/VBHN-VPQH, ngày 23-7-2013.

2. Australia ICOMOS, The Burra Charter (Hiến chương Burra), autralia.icoám.org, 2013.

NGUYỄN THỊ HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 539, tháng 7-2023

;