Nghề dệt thổ cẩm - nét đẹp văn hóa mang đậm dấu ấn của người Tà Ôi

Em ngồi bên khung cửi/ Tay luồn từng sợi tơ/ Nhịp thoi đưa thoăn thoắt/ Dệt bao nỗi mong chờ. Đó những câu thơ chị A Viết Thị Tâm (dân tộc Tà Ôi - Thừa Thiên Huế) ngân nga cho chúng tôi nghe vào một buổi sáng đẹp trời khi những ngón tay đang thoăn thoắt se những sợi len nhiều màu bên khung cửi trong không gian của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Những câu thơ chị được một người bạn dân tộc khác đọc cho nghe từ lâu nhưng chị vẫn nhớ, và thi thoảng vẫn ngâm mỗi khi ngồi dệt. Biết đến dệt thổ cẩm khi mới 4-5 tuổi, chỉ qua những lần “học mót” của bà và mẹ, vậy mà chị kể, không biết đến giờ đã tự tay dệt được bao nhiêu tấm vải, chị không nhớ, nhưng chắc chắn một điều rằng, chị sẽ không để nghề dệt thổ cẩm thất truyền trong gia đình mình, con gái chị sẽ là thế hệ sau, kể tiếp “câu chuyện thổ cẩm” - nét đẹp văn hóa mang đậm dấu ấn của người Tà Ôi.

Chị A Viết Thị Tâm (Sinh năm 1966, dân tộc Tà Ôi) đang sinh hoạt tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Cũng giống như những dân tộc thiểu số khác, trang phục của người Tà Ôi mang những đặc trưng văn hóa hết sức độc đáo, riêng có. Chính những thước vải thổ cẩm được dệt thủ công tỉ mỉ, tâm huyết đã cho ra những bộ trang phục truyền thống và những sản phẩm rất đặc sắc. Những nét hoa văn thêu thùa trên tấm vải không chỉ thể hiện sự tinh tế, đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Tà Ôi mà còn chứa đựng cả nhân sinh quan, thế giới quan và quá trình lịch sử tộc người.

Chị A Viết Thị Tâm nói vui với chúng tôi rằng, ở huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) chị, nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng lắm, chị cũng rất tự hào vì các tấm vải dệt ra của người Tà Ôi được anh em dân tộc Cơ Tu dưới Quảng Nam mua về để may mặc rất nhiều, vì họ không tự dệt được. Chị cười tươi và nói “con gái được gả cho con rể người Cơ Tu, nó học dệt từ mẹ nhưng nhanh nhẹn và khéo hơn mẹ nên nhà chồng không phải đi mua vải như trước nữa”. Cũng bên khung cửi đơn sơ, chị đã kể cho con cái mình nghe biết bao câu chuyện về nghề dệt thổ cẩm, cũng như những bài học về làm người. Tuổi thơ của chị và các con đều có hình ảnh những “an tao” (tiếng Tà ôi, có nghĩa là các thanh gỗ dùng khi dệt vải).

Để cho ra một tấm vải dệt thổ cẩm hoàn chỉnh có đính cườm tinh tế của người Tà Ôi mất khoảng 1 tháng

Giống như hầu hết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, nguyên liệu để làm ra một tấm vải thổ cẩm là từ sợi bông. Thông thường từ 3 tháng là thu hoạch được. Quả bông được hái đem về phơi nắng, phơi sương cho bông nở hết và tơi xốp. Tiếp đó, quấn bông đã bật thành những con bông nhỏ, rồi từ những con bông nhỏ kéo tành sợi. Kế đến là công đoạn giặt sạch sợi, hồ sợ. Sợi sau khi hồ được đem phơi khô rồi mới đem dệt vải. Chị Tâm chia sẻ, các dân tộc khác thường dệt xong mới nhuộm vải nhưng người Tà Ôi chị ngược lại, “chúng tôi nhuộm sợi vải trước rồi mới dệt thành tấm. Để cho ra một tấm vải hoàn chỉnh thường dài 3m, rộng 78cm với nhiều màu sắc và có đính hạt cườm đẹp đẽ như thế này, phải trải qua công đoạn nhuộm màu rất công phu và tốn thời gian”. Màu đen nhuộm bằng lá tà răm, củ a chất cho ra màu đỏ rất đẹp, còn màu vàng có thể lấy màu từ rễ cây prak… Trên các tấm vải dệt thổ cẩm càng đính nhiều cườm với các họa tiết cầu kỳ, sinh động, những tấm vải ấy càng có giá trị cao và nhận được sự yêu thích, rất phù hợp để làm kỷ niệm, mang tặng hay may quần áo cưới hỏi, các ngày lễ long trọng. Đây cũng thể hiện sự độc đáo, khác biệt với hình thức dệt thổ cẩm của những dân tộc ít người khác. Phải có nhiều kinh nghiệm và sự khéo léo mới có thể vừa dệt vừa đính các hạt cườm sao cho không bị rối và ra được họa tiết như ý. Thế mới thấy, người phụ nữ Tà Ôi sáng tạo nghệ thuật và kiên nhẫn, chịu khó biết bao.

Bàn tay thoăn thoắt mà cực kì tỉ mỉ, cẩn thận khi dệt những sợi len nhiều màu

Nhìn vào tấm vải dệt thổ cẩm đang cầm trên tay và thông tin từ chị Tâm, có thể thấy hoa văn vải của người Tà Ôi có thể chia thành ba dòng chính. Đầu tiên là hoa văn thực vật, như lá đoắc, hình búp măng, cây giang, tre hoặc nứa. Sau đó là hoa văn động vật, tạo hình con dơi, xương cá, con chim trĩ… những loài động vật rất thân thuộc nơi vùng núi tỉnh Thừa Thiên Huế. Cuối cùng là hoa văn đồ vật, như hàng rào, nhà cửa hoặc cây chông.

Ngày bé, chị Tâm bắt đầu việc học dệt thổ cẩm với những nguyên liệu dễ kiếm, có sẵn trong nhà như các sợi dây chuối tước nhỏ thay cho sợi bông và những khúc tre, nứa bẻ được trong rừng làm khung cửi. Lúc đi chăn trâu hoặc rảnh rỗi là lúc chị trau dồi kỹ năng dệt của mình. Không cần khung cửi cầu kỳ và cồng kềnh như của người Thái hay người Ba Na, khung cửi dệt thổ cẩm của người Tà Ôi đơn giản và gọn nhẹ hơn rất nhiều. Kể cả lúc đồng áng hay đi rừng hoặc bất kể nơi đâu, chiếc khung cửi cũng dễ dàng đi theo bên mình người phụ nữ, vì vậy mà họ rèn luyện và học hỏi kinh nghiệm thêu dệt từ nhau rất nhanh.

2 cô cháu gái của chị A Viết Thị Tâm cũng biết dệt thổ cẩm từ khi còn nhỏ

Từ một huyện miền núi xa xôi của tỉnh Thừa Thiên Huế, vợ chồng chị A Viết Thị Tâm và hai cháu gái đã sinh hoạt tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được 4 năm. Trong suốt 4 năm, anh chị chỉ về thăm nhà mỗi năm 1 lần. Chị Tâm xúc động chia sẻ về những kỷ niệm cũng như sự quan tâm của Ban Quản lý Làng và Nhà nước khiến chị vơi bớt cảm giác nhớ nhà, và thấy mình đóng góp được chút tâm huyết trong công cuộc giữ gìn các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Cuối năm 2016, nghề dệt thổ cẩm của người Tà Ôi đã được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Chị Tâm và đồng bào tự hào lắm, quyết tâm gìn giữ và truyền lại nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình không để mai một, biến mất.

Chị Tâm còn nhớ như in, cái ngày con gái chị đi lấy chồng, gia đình chị đã nhận được gần 200 tấm vải thổ cẩm quý giá từ bạn bè và người thân tặng làm quà. Chị bảo: “Chúng tôi trân quý món quà và tấm lòng của mọi người rất nhiều. Trong làng mà có gia đình nào có hỉ sự, chúng tôi ít tặng tiền lắm, toàn tự tay dệt ra những tấm vải và gửi gắm tình cảm trong đó để đem đi tặng. Của hồi môn cho con gái năm đó tôi cho nó cũng là hơn 100 tấm vải rất đẹp. Con gái mang về nhà chồng có thể tặng lại mọi người trong gia đình rất ý nghĩa”. Không những thế, những tấm vải sau khi dệt xong còn có thể mang ra chợ bán hoặc chờ các đại lý đến thu mua rồi bán lại cho các tụ điểm du lịch, từ đó tăng thu nhập cho người dân. Mỗi tấm giao động từ 1 - 3 triệu đồng. Ngoài quần áo, vải thổ cẩm còn được may thành túi xách, mũ, giày dép và phụ kiện khuyên tai, lắc tay… rất đa dạng, nhận được sự yêu thích của du khách.

Những sản phẩm từ vải thổ cẩm của người Tà Ôi

Tuy vậy, chị Tâm cũng có những trăn trở về tương lai của nghề dệt thổ cẩm nói chung và của người Tà Ôi nói riêng. Ngày nay, với tốc độ phát triển của thị trường may mặc trong nước, các sản phẩm dệt thổ cẩm không còn được làm từ sợi bông như truyền thống mà thay vào đó là các sợi len công nghiệp, giá thành rẻ (chỉ từ 10 nghìn đồng/cuộn) và rút ngắn được thời gian, công sức của bà con rất nhiều. Các công đoạn để cho ra một tấm vải thổ cẩm truyền thống mất khoảng 4-5 tháng thậm chí 8-10 tháng như trước đây, thì bây giờ chỉ mất khoảng 20 ngày đến 1 tháng là có thể có một tấm vải hoàn thiện. Như cháu chị Tâm là bạn Viên Thị Hồng (20 tuổi) cũng có thể dệt ra một tấm vải thổ cẩm không đính cườm chỉ mất 2 tuần mà thôi. Chị Tâm cũng thẳng thắn chia sẻ, hiện nay ở làng chị chỉ có người cao tuổi còn mặc các trang phục truyền thống từ vải thổ cẩm trong sinh hoạt hàng ngày, còn lớp trẻ thích mặc đồ giống người Kinh hơn, bởi sự tiện lợi, nhẹ và thời trang. Dù đều biết dệt nhưng các cô gái trẻ không “mặn mà” lắm với nghề dệt thổ cẩm truyền thống, thời gian ra bên ngoài học hỏi và làm những công việc khác vẫn hấp dẫn hơn.

Những cuộn len (hay còn gọi là con thoi) được thay thế từ vải sợi bông bằng sợi công nghiệp

Buổi sáng mát mẻ và trong lành đã giúp chúng tôi và chị A Viết Thị Tâm cùng nhau chia sẻ những câu chuyện hay về nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Tà Ôi. Nhìn ánh mắt sáng và nụ cười luôn thường trực trên môi chị mỗi khi nói về công việc đang làm, tôi biết chị yêu những tấm vải nhiều màu sắc mà tinh tế đến nhường nào, tất cả đều là tâm huyết, tâm tư chị gửi gắm qua những thước vải. Chị khẳng định, sẽ vẫn tiếp tục giữ gìn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống đáng tự hào của dân tộc mình, để bảo tồn và làm giàu hơn nữa các di sản mà ông cha để lại.

Bài, ảnh: NGÔ HUYỀN

 

 

 

 

;