Nhắc đến nghề đan nón lá, nhiều người đều liên tưởng ngay đến nón làng Chuông nổi tiếng, thế nhưng, hình ảnh chiếc nón lá độc đáo mà mộc mạc, bình dị vẫn được người Nùng sử dụng và giữ gìn đến ngày nay. Nó không chỉ là vật dụng che mưa che nắng đơn thuần mà còn thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ và chứa đựng những nét văn hóa riêng có của đồng bào.
Ngày nay, với sự ra đời của nhiều loại nón, mũ với đủ hình dạng, màu sắc bắt mắt trên thị trường, không gian để sử dụng chiếc nón lá làm bằng tre, trúc… ngày càng trở nên bị thu hẹp. Nhưng không vì thế mà nghề đan nón lá của dân tộc Nùng bị mai một, biến mất. Đây vẫn được coi là một nghề thủ công truyền thống, cho thấy đức tính chăm chỉ, cẩn thận cùng đôi bàn tay tài hoa của những người nghệ nhân đan nón. Nhiều dân tộc cũng có nghề đan lát truyền thống, trong đó có đan nón, nhưng chiếc nón của người Nùng vẫn rất đặc biệt và dễ nhận biết. Nguyên liệu chủ yếu làm nón của người Nùng bằng tre, trúc… và cũng có thể sử dụng lá cây chít hoặc lá mai.
Chiếc nón lá độc đáo nguyên bản của người Nùng
Để làm ra một chiếc nón hoàn chỉnh cần trải qua nhiều công đoạn và mất khá nhiều thời gian. Khung nón đan bằng tre và có hai lớp, một lớp ngoài và một lớp trong. Lớp bên ngoài được đan cẩn thận, không để lộ một mấu nối nào ra ngoài. Sau đó trải đều lá mai, lá chuối bên trong lớp khung ngoài đó, ép chặt rồi cố định lớp khung thứ hai lên. Một chiếc nón đẹp là có khung ngoài được tạo dáng tròn, bè, các mắt đan đều nhau, lớp lá bên trong dàn đầy đặn, chắc chắn. Vì lá mai không có sẵn như lá tre hay lá chuối, nên người thợ làm nón phải đi hái lá mai trong rừng hoặc tìm những bản làng xung quanh có trồng cây mai. Lá mai, lá chuối lấy về đều được bó thành từng bó nhỏ rồi xếp trên gác bếp hong khô cho đến khi lá ngả màu nâu, không còn giữ nước và có độ dai nhất định. Những chiếc nón lá sau khi hoàn thành công đoạn cuối cùng tiếp tục được hong khô trên gác bếp, điều này để tránh chiếc nón không bị mối, mọt, có độ bền lâu, trời nắng không bị cong vênh, trời mưa không bị thấm nước.
Chiếc nón của người Nùng được chế tác tùy theo nhu cầu và mục đích sử dụng. Muốn đan loại nón nào, người thợ đan sẽ chẻ lạt, chọn lá cho phù hợp với kiểu dáng đó. Họ sử dụng những chiếc nón được đan nguyên bản bằng tre, trúc và giữ đúng màu tự nhiên của nguyên liệu trong các công việc hằng ngày như che mưa, che nắng hay đi làm đồng. Xưa kia, ban đầu, nón chỉ được người Nùng làm ra để phục vụ sinh hoạt cho những thành viên trong gia đình, nhưng dần dần, nón trở thành mặt hàng hữu dụng được họ đem ra trao đổi, buôn bán với các tộc người khác trong vùng, trở thành sản phẩm có giá trị trong đời sống sinh kế của đồng bào Nùng. Chính những nhu cầu này đã thúc đẩy người phụ nữ Nùng có sự sáng tạo, tăng tính thẩm mĩ cho chiếc nón lá ngày càng độc đáo, đặc sắc hơn. Từ đó, nón lá không chỉ mang dáng dấp, màu sắc đơn thuần của tre nứa, mà bằng sự khéo léo của mình, những người phụ nữ đã khoác lên chúng những “chiếc áo” nhiều màu, sử dụng được trong nhiều dịp khác nhau. Chẳng hạn, những chiếc nón dành cho thanh niên dùng để đội khi đi chợ hội, đi hát giao duyên hay nón của cô dâu đội trong ngày cưới thì trang trí cầu kỳ, được đan hoa văn xung quanh vành nón.
Để làm ra một chiếc nón hoàn chỉnh cần trải qua nhiều công đoạn và mất khá nhiều thời gian, cũng như cần đến đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân
Để làm ra những chiếc nón bắt mắt, người Nùng dùng củ nâu (cho màu nâu đỏ), lá dứa dại (cho màu xanh), vỏ cây vang (cho màu hồng, màu đỏ)… nhuộm lạt rồi mới đan. Công việc đan nón được tiến hành quanh năm, nhưng phổ biến nhất là vào các dịp nông nhàn, hầu như gia đình nào cũng biết đan nón, kể cả trẻ em 7-8 tuổi. Thế nhưng, chiếc nón lá có chất lượng tốt, tính thẩm mĩ cao phải được làm nên từ đôi bàn tay có nhiều kinh nghiệm của những người nghệ nhân lớn tuổi.
Ngoài chất liệu và màu sắc, nón lá của người Nùng cũng được chia thành nhiều loại: Chúp chọp (nón chóp), Chúp slâng (nón bè như cái sàng), Chúp Vja (nón đan có hoa văn, hoặc nón kết hoa), Chúp tha bẻ (nón có hoa văn tròn như mắt con dê)…
Chị Chu Thị Minh đồng bào dân tộc Nùng (Thái Nguyên) đang sinh sống và hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây) chia sẻ về quá trình để tạo nên một chiếc nón chất lượng cao… thường phải trải qua nhiều bước. Ngay từ khâu chọn nguyên liệu phải cẩn thận, chọn cây tre thẳng, không quá già và không được quá non, mà nên chọn cây bánh tẻ sẽ không bị mọt. Khi mang về nhà không được để các nguyên liệu quá lâu sẽ bị khô, khó chẻ nan và không giữ được độ dẻo thích hợp. Sau bước chọn nguyên liệu, khi đan cần phải khéo léo chẻ nan, chuốt nan đòi hỏi làm sao cho mềm, nhẵn, đều để khi đan sẽ không bị kẽ hở, như vậy sản phẩm mới chắc, bền, đẹp.
Ngày nay, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi so với trước kia. Trẻ em và thanh niên có điều kiện được học tập, tiếp cận với nền giáo dục từ sớm nên đã mở ra nhiều cơ hội việc làm mang lại thu nhập tốt. Bên cạnh đó, việc làm sản phẩm thủ công truyền thống cần đến sự cẩn thận, tỉ mỉ, kỳ công nên người Nùng ngày càng ít người biết làm nón, chỉ có các cụ cao tuổi, còn yêu nghề và muốn gìn giữ nét văn hóa của dân tộc, nên họ cố bám trụ với nghề và mong muốn truyền lại cho con cháu kỹ thuật đan nón của tổ tiên.
Chị Minh cũng chia sẻ, hầu hết người trẻ tuổi ở quê chị ra ngoài đi học, đi làm việc khác, vẫn có những bạn biết đan nón, kế tục nghề của gia đình nhưng rất ít. Chính vì vậy mà chị rất trăn trở, lo rằng nét đẹp văn hóa của dân tộc mình trong tương lai sẽ không còn người kế thừa, giữ gìn. May mắn là Ban Quản lý Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam nhiều năm nay đã có chính sách đưa đồng bào dân tộc thiểu ở các địa phương về sinh hoạt, từ đó họ có cơ hội giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước biết nhiều hơn về nghề và sản phẩm thủ công truyền thống. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đã có nhiều kế hoạch đưa nón lá của người Nùng vào danh mục các sản phẩm du lịch đặc trưng, từ đó tạo thu nhập cho người dân, đồng thời quảng bá rộng rãi hơn nữa nét đẹp văn hóa lâu đời của đồng bào.
Bài, ảnh: NGÔ HUYỀN