Các dân tộc thiểu số (DTTS) có truyền thống văn hóa phong phú, độc đáo, đa dạng đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Trong đó, các nghề thủ công truyền thống là một thành tố văn hóa chứa đựng nhiều giá trị, thể hiện nét riêng có của tộc người. Nhiều năm qua, chính quyền các cấp, các ngành chức năng đã có nhiều chủ trương, kế hoạch nhằm lưu giữ, khôi phục và bảo tồn những nghề thủ công truyền thống gắn với lịch sử phát triển của các DTTS. Tuy nhiên, đây là công cuộc khó khăn, cần nhiều thời gian và sự chung lòng của chính đồng bào nên hiệu quả chưa được như mong muốn. Các nghề truyền thống của người M’nông như đan lát, dệt thổ cẩm, điêu khắc gỗ, rượu cần… cũng nằm trong xu thế ấy. Chính vì vậy, thật đáng quý biết bao khi ngày nay, vẫn còn những con người tâm huyết, một lòng muốn gìn giữ vẻ đẹp văn hóa của dân tộc mình.
Cũng giống như các DTTS khác, đời sống của người M’nông gắn chặt với thiên nhiên. Chính mẹ thiên nhiên đã che chở, ban cho họ nguồn lương thực, thực phẩm và cả những chất liệu làm nên những nông cụ phục vụ cuộc sống hay tạo ra những sản phẩm văn hóa thể hiện bản sắc riêng, độc đáo của đồng bào mình. Các nghề thủ công truyền thống chính là một minh chứng cho sức sáng tạo, tư duy thẩm mỹ và đời sống tinh thần phong phú của đồng bào M’nông. Hiện nay, ở tỉnh Bình Phước có khoảng trên 10.000 người M’nông sinh sống, thế nhưng không còn nhiều người biết dệt thổ cẩm hay đan lát, lớp trẻ có nhiều cơ hội học tập và tìm kiếm cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn ở các thành phố lớn. Vì vậy, những sản phẩm có chất lượng tốt, tính thẩm mĩ cao chủ yếu do những người lớn tuổi có kinh nghiệm và mong muốn giữ gìn được bản sắc của các nghề thủ công truyền thống làm ra.
Ngày 4-8-2022, Bộ VHTTDL đã có quyết định số 1838/QĐ- BVHTTDL đưa nghề dệt thổ cẩm của người M’nông tỉnh Bình Phước (xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập và các xã Đồng Nai, Thọ Sơn, Phú Sơn, Đắk Nhau (huyện Bù Đăng)) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, khẳng định những giá trị văn hóa tiêu biểu của nghề thủ công truyền thống, đóng góp cho sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Chị Thị Êng quyết tâm giữ gìn nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình
Chị Thị Êng (xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) năm nay đã hơn 50 tuổi, cho biết: chị đến với dệt thổ cẩm từ khi còn ít tuổi, lúc đó khoảng 12-13 tuổi, chị thấy mẹ mình ngồi dệt nên tò mò đến ngắm nghía và tập dệt theo. Vừa dệt mẹ vừa kể cho chị nghe những câu chuyện vui về cuộc sống, dạy chị trở thành một cô gái M’nông vừa đảm đang, chịu khó, vừa khéo léo, tỉ mỉ qua cách bà dệt mỗi tấm thổ cẩm. Cứ thế, đôi tay Thị Êng ngày càng thoăn thoắt vắt những sợi len, những tấm vải dệt ra ngày càng tinh xảo, có thẩm mĩ cao nên được mẹ “đặt hàng” mang ra chợ bán cho những người có nhu cầu mua về may áo, làm quà hoặc du khách làm kỷ niệm.
Chị vẫn nhớ, ngày xưa, khi chưa trồng thêm cao su, điều, cà phê… như bây giờ, chính những tấm vải được dệt bằng đôi tay khéo léo, tỉ mỉ của mình đã giúp gia đình có thu nhập, nuôi dưỡng từng người con trưởng thành, khôn lớn. Vì vậy mà nghề dệt thổ cẩm không còn ở thời kỳ đỉnh cao như ngày trước nhưng chị chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ hẳn nghề dệt. Vào những lúc nông nhàn, Thị Êng vẫn không quên ra chợ lựa những cuộn len nhiều màu sắc, dệt lên những tấm thổ cẩm vừa bắt mắt vừa chan chứa biết bao tình cảm dành tặng cho con gái làm của hồi môn.
Để làm ra một tấm thổ cẩm hoàn chỉnh phải cần đến đôi bàn tay tài hoa, tỉ mỉ và kiên nhẫn của người phụ nữ M’nông. Ngày xưa, khi chưa có các loại sợi công nghiệp, mà chỉ có sợi bông tự trồng, để cho ra những tấm vải cần rất nhiều công sức và công đoạn. Chiếc khung dệt thổ cẩm của đồng bào M’nông được chế tác từ những nguyên liệu dễ tìm trong tự nhiên như tre, nứa, gỗ…
Những tấm vải thổ cẩm mang lại nguồn thu nhập cho người dân
Màu sắc trên thổ cẩm thường được nhuộm bằng các chất liệu thiên nhiên. Màu đen được tạo ra bằng cách ngâm lá chùm bầu, hay lá trám với bùn non. Màu nâu hoặc đỏ sẫm được lấy từ các loại vỏ cây. Màu xanh được lấy bằng cách nung vỏ ốc suối thật khô, ngâm thành vôi rồi trộn với nước lá krum. Màu vàng được tạo ra từ củ nghệ. Màu nâu đỏ được chế biến khá phức tạp, phải ngâm vỏ cây sủi, đun sôi khoảng 3 giờ đồng hồ và làm mát qua đêm, pha thêm phèn sau đó ngâm sợi vải ở nhiệt độ 800C mới cho được màu như ý. Mỗi màu sắc cũng thể hiện nhiều ý nghĩa mà người phụ nữ muốn gửi gắm. Chẳng hạn, màu vàng tượng trưng cho ánh sáng mặt trời; màu đen tượng trưng cho màu của đất đai; màu đỏ thể hiện sức sống mãnh liệt, ý chí vươn lên trong cuộc sống, cũng đôi khi là màu của tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình; màu xanh là màu của rừng, của bầu trời.
Mỗi tấm thổ cẩm hoàn chỉnh dài 1m, được dệt trong vòng 2 tuần liên tục, nhưng nếu vào vụ mùa, thời gian có thể kéo dài đến 1 tháng. Chị Thị Êng cho biết, giá trị một tấm vải thổ cẩm dao động từ 1,5 đến 2 triệu đồng, những tấm được dệt cầu kỳ, tỉ mỉ, có thần sắc đẹp sẽ có giá cao hơn nữa. Ngoài lựa chọn màu sắc bắt mắt, người phụ nữ M’nông còn cho thấy đôi bàn tay tài hoa, khéo léo và sức sáng tạo của mình qua việc lựa chọn những họa tiết được dệt trên tấm vải. Đó đều là những hình ảnh quen thuộc, gắn liền với cuộc sống thường ngày của đồng bào như: con sông, dãy núi, con cá, hình chiêng, ché… Điểm đặc biệt là những chi tiết này được bố trí xen kẽ, trông mắt thường cũng có thể thấy chúng nổi trên bề mặt tấm thổ cẩm như được thêu rất bắt mắt và tinh xảo.
Đôi bàn tay vừa thoăn thoắt luồn những sợi chỉ, Thị Êng vừa kể với chúng tôi về những câu chuyện ở buôn làng chị. Những lúc chị em trong buôn không bận lên rẫy, mọi người đều rủ nhau vừa dệt thổ cẩm vừa trò chuyện về những sự việc xảy ra hàng ngày rất vui vẻ. Bên khung cửi mọi người như một gia đình, trở thành nơi chia sẻ, gắn bó và giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng có một điều khiến chị trăn trở, đó là các cô gái trẻ M’nông ngày nay có biết dệt thổ cẩm nhưng số lượng rất ít. Để nghề truyền thống của đồng bào mình không bị mai một, biến mất, Thị Êng và những người phụ nữ lớn tuổi trong buôn làng mình thường thủ thỉ những câu chuyện văn hóa xa xưa của dân tộc mình với con cháu, để những câu chuyện giản dị mà ý nghĩa ấy thấm dần vào tâm tưởng, giúp các bạn trẻ thêm yêu và tự hào về một nghề thủ công truyền thống lâu đời và chứa đựng bao giá trị văn hóa đẹp đẽ.
Thị Êng bộc bạch: “Ở xã Bù Gia Mập chúng tôi, nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng được nhiều người biết tới là nhờ Nhà nước có nhiều chính sách giúp đỡ, tạo điều kiện để những sản phẩm chúng tôi làm ra có chỗ được trưng bày, tiêu thụ, tạo thu nhập. Dù có ra sao thì tôi cũng không bao giờ bỏ nghề. Khi xưa đói nghèo, chính những tấm thổ cẩm đã nuôi sống gia đình tôi”.
Phong phú, đa dạng các mặt hàng được làm từ thổ cẩm, nhận được sự yêu thích của du khách
Các sản phẩm được làm ra từ thổ cẩm cũng rất đa dạng, từ quần áo, váy vóc, cho đến túi xách, mũ nón… nhận được sự yêu thích của nhiều người. Những sản phẩm này đã được chính quyền địa phương đưa đến các cuộc triển lãm, khu du lịch để quảng bá những nét đẹp văn hóa của dân tộc M’nông tới du khách trong và ngoài nước biết tới. Đây cũng là một trong những phương án thiết thực để lưu giữ, bảo tồn những nghề thủ công truyền thống của các DTTS một cách hiệu quả. Mặc dù, ngày nay đã có máy móc dệt thổ cẩm mang lại năng suất cao, nhưng chị Thị Êng vẫn tự hào về những tấm thổ cẩm do chính mình làm ra, luôn mang một vẻ đẹp mộc mạc rất riêng, mềm mại và tinh xảo hơn. Đặc biệt, mỗi tấm vải đều chứa đựng biết bao tâm tư, tình cảm của chị gửi gắm trong đó, điều mà những sản phẩm từ máy móc không thể mang lại.
Hình ảnh buôn làng khang trang, đời sống đồng bào DTTS được nâng cao, thế hệ trẻ được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện mở mang tri thức, từ đó có nhiều cơ hội việc làm tốt mang lại thu nhập cao và ổn định. Nhưng điều này cũng cho thấy, các nghề thủ công truyền thống có nguy cơ bị mai một ngày càng rõ ràng. Trong công cuộc giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa, đồng bào chính là nhân tố quan trọng nhất, những người nghệ nhân là cầu nối không thể thiếu giúp các thế hệ sau tiếp cận và kế thừa tinh hoa mà cha ông đã tạo dựng và gìn giữ đến ngày nay.
Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào M’nông không chỉ là một nghề sinh kế của đồng bào mà còn trở thành niềm tự hào, nét văn hóa độc đáo của cả dân tộc. Hiện nay, những người trẻ tuổi DTTS cũng đã thấy được lợi ích, cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể mang lại, đặc biệt trong công tác quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm, để từ đó đồng bào sẽ quan tâm, đầu tư hơn đến một kênh truyền thông bán hàng hiệu quả này. Ngoài ra, cũng có thể ứng dụng thành tựu của công nghệ in 3D trong việc thiết kế, cải tiến về chất liệu vải, mẫu mã, hoa văn cho các sản phẩm dệt thêu truyền thống. Có như thế, việc bảo tồn và nâng tầm giá trị cho các nghề thủ công truyền thống mới thực sự có hiệu quả và phát triển bền vững.
Bài, ảnh: NGÔ HUYỀN