Độc đáo nghi thức Lễ cúng máng nước của đồng bào Ca Dong

Lễ cúng máng nước (Tết máng nước) thường được người Ca Dong tổ chức vào những ngày đầu năm mới, sau khi kết thúc lễ hội ăn trâu, vì theo quan niệm của đồng bào thì vào mùa này, nguồn nước trong rừng sẽ trong lành, mát mẻ. Phong tục này xưa kia được tổ chức thường niên ở tất cả các làng, nóc. Xuyên suốt lễ hội là nghi lễ cúng đất trời, thần linh tại đầu nguồn nước, chân cây nêu và nhà già làng. Đây là một trong những lễ hội quan trọng nhất của người Ca Dong, bởi đồng bào rất coi trọng nguồn nước, xem nước là mạch nguồn của sự sống.

Cây nêu là biểu tượng quan trọng đời sống tâm linh của đồng bào Ca Dong

Đối với người Ca Dong, cây nêu là biểu tượng cho những bông lúa, hạt ngô được mùa nặng trĩu, cho sự ấm no của dân làng và đồng thời để cúng thần linh, núi rừng đã yêu thương, che chở giúp đỡ cho dân làng có mùa vụ tốt tươi và bội thu, lúa thóc đầy kho, có nhiều sức khỏe, bình an trong cuộc sống. Cây nêu có màu sắc sặc sỡ, biểu hiện khát vọng vươn lên trong cuộc sống của đồng bảo nơi đây. Cây nếu được xem là cây vũ trụ, trục nối liền đất với trời, là một biểu tượng kết nối vô hình giữa con người với thế lục siêu nhiên và là sự kết nối thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc thông qua những lễ hội truyền thống.

Giả làng sẽ triệu tập những thanh niên trai tráng trong làng giao nhiệm vụ làm cây nêu

Để chuẩn bị cho Tết cúng máng nước, già làng sẽ triệu tập những thanh niên trai tráng trong làng giao nhiệm vụ làm cây nêu, phát dọn lối đi sạch sẽ vào khu vực dòng suối lấy nước, tất cả đàn ông trong làng sẽ mang lễ vật vào địa điểm lấy nước trên dòng suối. Vợ chồng gia làng sẽ đại diện cho bà con trong làng đến tại cây nêu để xin thần linh cho phép dân làng được tổ chức cúng mừng Tết máng nước. Lễ vật cúng gồm rượu, trầu cau thuốc re, con gà.

Già làng sẽ chuẩn bị một bài cúng: “Hỡi các vị thần linh, thần sông, thần suối, thần núi, thần khe, các vị thần linh bảo vệ nguồn nước sinh hoạt của dân làng chúng con, hôm nay bà con trong làng thành tâm dâng lễ vật để biết ơn đến các vị thần đã che chở và bảo vệ nguồn nước sinh hoạt của dân làng, lễ vật dâng tế của làng hôm nay gồm có trầu cau, lúa gạo, rượu và một con gà trống. Là một già làng trong làng, nay tôi thay mặt cho làng xin được cắt cổ gà lấy tiết đổ vào nguồn nước để tẩy rửa những thứ nhớp nhúa, ô uế trong năm qua, mong các vị thần chứng giám, chở che, xua đuổi những con ma xấu, ma nhớp, ma bệnh tật, đừng cho nó vào làng để dân làng được yên vui, mạnh khỏe người già, trẻ nhỏ không bị bệnh tật, cầu cho mưa thuận, gió hòa để dân làng có được mùa màng no ấm, hạnh phúc”.

Các cô gái đại diện cho dân làng hứng nước từ máng về để nấu ăn mừng ngày hội

Sau khi già làng thực hiện xong nghi lễ tế thần, tiếp tục đến đầu nguồn máng nước, lấy tiết gả vừa cắt xong đồ vào máng nước, để hòa cùng dòng nước. Lúc này, vợ già làng sẽ cùng 12 cô gái thiếu nữ đại diện cho dân làng hứng nước đó về để phụ nữ nấu ăn mừng ngày hội. Già làng sẽ lấy nước chấm lên đầu của các cô gái như là sự cho phép của thần linh, để chúng  đem nguồn nước trong mát về căn nhà.

Thanh niên trong làng tiếp tục ngồi nghe già làng cúng, sau đó già làng sẽ rót rượu mời các thanh niên trong làng uống phép mỗi người một ly, như cảm ơn thần linh đã che chở, giúp đỡ dân làng trong một năm qua và cầu mong một năm mới mùa màng bội thu, con cái chăm ngoan, người dân hăng say lao động phát triển kinh tế, gia đình âm no hạnh phúc. Nguồn nước mà dân làng lấy về sử dụng thường ở trong khu rừng già và cách biệt những khu rừng ma (theo quan niệm của dân gian). Khi cúng xong, người dân trong làng phải hứa với thần linh luôn sống thẳng thắn, trung thực, không được làm chuyện xấu. Nếu vi phạm lệ làng sẽ bị phạt nộp heo, gà… Nhờ đó mà Tết máng nước là một trong những phong tục giúp cho dân láng sống đoàn kết, hòa thuân, luôn hướng đến những việc tốt đẹp.

Sau khi thực hiện xong các nghi lễ cúng máng nước, cả làng sẽ mở hội ăn mừng nguồn nước mới. Tất cả các hộ dân trong làng đều nấu rượu cần, cơm lam để đãi khách. Nhà này sẽ đến thăm nhà khác,  cùng uống rượu cần, ăn thịt và chúc phúc cho nhau. Nhiều nhà còn tưng bừng tổ chức đánh cồng chiêng, hát dân ca suốt thời gian diễn ra phần hội để tăng thêm không khi rộn ràng của Tết máng nước. Những hộ gia đình khá giả còn dự trữ thịt sấy giàn bếp hoặc mổ gà, heo để ăn mừng Tết máng nước, tùy vào hoàn cảnh và chất lượng sản phẩm mà mỗi gia đình làm ra trong một năm đó lựa chọn cách tiếp đãi khách đến thăm nhà theo mỗi cách khác nhau. Ngày hôm đó, bà con trong làng cùng nhau múa cồng chiêng, hát đối đáp, cùng nhau ăn uống và chúc cho nhau những điều tốt đẹp bên bếp lửa nhà sàn.

Bài, ảnh: NGÔ HUYỀN

 

 

;