Hà Tĩnh có kho tàng di sản văn hóa phi vật thể với nhiều loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc như: Diễn xướng trò Kiều, hát Ca trù, hát Sắc bùa, hò Chèo cạn, dân ca Ví, Giặm… trong đó nổi bật và phổ biến nhất là dân ca Ví, Giặm. Đây là một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã được ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” tại kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (ngày 27/11/2014 tại Paris, Pháp).
Hà Tĩnh hiện có 124 CLB dân ca Ví, giặm (tính đến hết năm 2019) rải đều khắp 13 huyện, thị
Từ sau ngày được UNESCO vinh danh, tỉnh Hà Tĩnh đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm trên địa bàn. Tỉnh giao Sở VHTTDL xây dựng đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO vinh danh: Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và Ca trù, giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động như đưa dân ca Ví, Giặm vào trường học; tổ chức dạy dân ca Ví, Giặm trên truyền hình; tập huấn nghiệp vụ; biên tập đĩa CD các làn điệu chính của dân ca Ví, Giặm; khai thác dân ca cho hoạt động du lịch; tổ chức Liên hoan CLB dân ca Nghệ Tĩnh cấp tỉnh và cấp liên tỉnh (phối hợp tỉnh Nghệ An) định kỳ 2 năm/lần. Đặc biệt là xây dựng các câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm trên địa bàn và trong trường học.
Câu lạc bộ (CLB) là đội, là nhóm của những người có cùng sở thích, có cùng nhu cầu và nguyện vọng được thành lập theo quyết định của cơ quan Nhà nước, hoặc cơ quan chuyên môn của Nhà nước. Hoạt động của CLB mang tính xã hội, theo nguyên tắc tự nguyện, tự giác, tự đầu tư kinh phí, tự chủ về điều kiện hoạt động, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động của mình, chịu sự hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn nhà nước.
Cũng có thể nói, CLB là tổ chức của những cộng tác viên thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn và cơ quan quản lý để cùng hoạt động vừa để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ, giải trí sáng tạo, vừa để truyền dạy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Do vậy, CLB vừa là một hình thức tổ chức, vừa là một phương thức hoạt động được áp dụng trong các thiết chế văn hóa nghệ thuật.
Từ khi Ví, Giặm trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, công tác bảo tồn và phát huy Ví, Giặm càng được đẩy mạnh trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Nhằm đưa dân ca về với cộng đồng, sống lại trong dân gian, bên cạnh việc đưa dân ca vào trường học, dạy hát dân ca trên sóng phát thanh truyền hình, tổ chức các hội thi hội diễn, liên hoan dân ca hằng năm… thì nội dung xây dựng mạng lưới câu lạc bộ dân ca trên địa bàn dân cư ở các địa phương là việc làm hết sức thiết thực. Nhờ đó, hoạt động CLB dân ca đã được nâng lên một bước, trở nên bài bản, có tổ chức và chọn lọc hơn, trở thành hoạt động có tính chuyên nghiệp hơn và không ngừng được nhân rộng trên khắp các địa bàn dân cư. Và nghệ nhân là những người đóng vai trò nòng cốt trong việc phát huy và nhân rộng mạng lưới dân ca trong cộng đồng.
Đến hôm nay, sinh hoạt dân ca đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp, thực sự đi vào đời sống hàng ngày của người dân xứ Nghệ, như một bộ phận không thể tách rời từ liên hoan, hội diễn, văn nghệ chào mừng, cưới hỏi, lễ Tết, đình đền cho đến các hoạt động xã hội, các chương trình sự kiện.
Hà Tĩnh hiện có 124 CLB dân ca Ví, Giặm (tính đến hết năm 2019) rải đều khắp 13 huyện, thành, thị với hàng nghìn người tham gia sinh hoạt, trong đó có 1 Nghệ nhân Nhân dân, 18 Nghệ nhân Ưu tú cùng hàng chục Nghệ nhân Dân gian. Ngoài ra, Hà Tĩnh còn có hàng trăm CLB dân ca thuộc hệ thống trường học của ngành giáo dục.
Hệ thống các CLB chính là những nơi lưu giữ hồn dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ. Dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh cùng hệ thống Trung tâm Văn hóa – Truyền thông cấp huyện, các CLB dân ca sinh hoạt nhiệt tình, say mê, tự nguyện vào các hoạt động văn hóa cộng đồng dân cư của địa phương, tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn dân ca,... Nhiều nghệ nhân đã tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn tham gia sinh hoạt CLB, nhiệt tình truyền dạy dân ca cho thế hệ trẻ.
Đây thực sự là mô hình sinh hoạt tập thể, hướng tới việc lưu giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; đồng thời nuôi dưỡng, ươm mầm những tài năng cho nghệ thuật truyền thống, nhất là thế hệ trẻ.
Hệ thống các CLB được thành lập đã tạo nên một mạng lưới hát dân ca rộng khắp từ tỉnh đến các cơ sở. Hầu hết các CLB sinh hoạt đều đặn, nhiệt tình, say mê. Nhiều nghệ nhân đã tuổi cao sức yếu vẫn tham gia biểu diễn phục vụ dân ca cho các hoạt động văn hóa văn nghệ trên địa bàn dân cư. Các nghệ nhân dân gian, hạt nhân của các câu lạc bộ, thực sự là những “báu vật nhân văn sống”. Ngày nay, các nghệ nhân dân gian giữ vai trò chủ chốt trong việc truyền dạy và diễn xướng tại các CLB và trong cộng đồng, gia đình. Có những gia đình hiện nay có bốn hoặc ba thế hệ đều biết hát Ví, Giặm.
Hệ thống các CLB chính là nơi lưu giữ hồn dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ
Không chỉ viết những làn điệu dân ca, nét đẹp văn hóa, các thành viên trong CLB còn tự sáng tác những tiểu phẩm phản ánh các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, ma túy; các ca cảnh, hoạt cảnh về chủ đề quê hương đất nước, biển đảo thân yêu… Từ môi trường này, đã phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng được nhiều hạt nhân cho phong trào nghệ thuật quần chúng ở cơ sở.
Qua các hoạt động đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho các thành viên. Đây cũng chính là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần các thành viên trong CLB và nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, học tập, công tác đạt hiệu quả, góp phần cùng với cấp ủy chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chung tay xây dựng nông thôn mới.
Có thể khẳng định, hệ thống CLB đóng vai trò then chốt trong việc giữ gìn và phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm nói riêng, các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh nói chung.
Tác giả: Mai Quyền
Nguồn: Tạp chí VHNT số 447, tháng 12-2020