Lịch sử mỹ thuật cổ Việt Nam ghi nhận, từ thời Trần đã hình thành kiến trúc lăng mộ qua hệ thống lăng mộ các vua Trần ở An Sinh, Đông Triều (Quảng Ninh). Đến thời Lê sơ, tại lăng mộ các vua Lê ở Lam Kinh (Thanh Hóa), bước đầu hình thành xu hướng tạo tượng mộc mạc, giản đơn bởi các diện khối bẹt và trên đó thường không có nhiều dấu ấn trang trí. Đến TK XIX, ở những lăng mộ các vua, chúa thời Nguyễn ở Huế, hệ thống tượng lăng mộ bằng đá được đánh giá đã đạt tới trình độ kỹ thuật và tay nghề tạo tượng cao bởi bố cục tượng không còn khép chặt khối hình cơ bản, như tượng lăng mộ ở những thế kỷ trước, mà chiếm lĩnh không gian bên ngoài, tạo nên cho hệ thống tượng lăng mộ có bố cục hình dáng sinh động, đặc biệt là mật độ trang trí với nhiều họa tiết, hoa văn, môtip trang trí mang tính thiêng. Nhưng trước TK XIX, nghệ thuật tượng lăng mộ Quận công, quan tướng ở đồng bằng Bắc Bộ trong TK XVII - XVIII có diện mạo đặc thù. Đây được cho là thời kỳ mà nghệ thuật tạo tượng có kế thừa nghệ thuật tượng lăng mộ giai đoạn trước và là nhân tố quan trọng tạo nên tính quy chuẩn tượng lăng mộ ở giai đoạn sau.
Nghệ thuật tưởng niệm ngoài trời đã có một quá trình hình thành, phát triển dài lâu cùng với bối cảnh lịch sử, kinh tế, văn hóa xã hội và thẩm mỹ thời đại. Theo đó những giá trị nghệ thuật của loại hình di tích này đã góp phần vào thành tựu chung của mỹ thuật truyền thống dân tộc. Trong giai đoạn TK XVII - XVIII, nghệ thuật lăng mộ, tượng lăng mộ các Quận công, quan tướng được hình thành, phát triển mạnh mẽ, phản ánh nhiều khía cạnh trong quan niệm của người xưa về sự sống và cái chết.
Hướng tới sự trường tồn trong một thế giới siêu hình đầy quyền năng và có thể quay trở lại thế giới của người sống là ý tưởng được nung nấu của người đời khi nghĩ hoặc đến và đối diện với quy luật sinh - tử. Do đó, nghệ thuật lăng mộ nói chung, tượng lăng mộ nói riêng không chỉ mang giá trị đặc thù về một giai đoạn tạo hình điêu khắc dân gian đặc sắc, mà còn là biểu hiện của giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử phù hợp của con người trong mối giao hòa của tâm thức con người với tự nhiên, vũ trụ.
Kiến trúc lăng mộ Quận công, quan tướng TK XVII - VIII ở đồng bằng Bắc Bộ vẫn tuân thủ nguyên tắc xây cất lăng mộ của thế kỷ trước, việc đặt tượng trong lăng mộ thời kỳ chuyên chế phong kiến có chức năng đặc biệt so với các loại hình di tích khác, không phải bất cứ lăng mộ nào cũng được đặt tượng. Về cơ bản, việc xây cất lăng mộ ít nhiều cũng phải tuân theo quy định của triều đình và một phần theo hương ước của làng xã đương thời. Trong đó, việc xây cất lăng mộ chủ yếu là dành cho tầng lớp trên, từ thân vương hoàng tộc đến quan lại cấp cao mới được đặc ân này đồng thời có điều kiện để xây cất lăng mộ cho mình.
Tìm hiểu, nghiên cứu loại hình di sản lăng mộ, đặc biệt là tượng lăng mộ TK XVII - XVIII, cho thấy hai khía cạnh điển hình:
Ở giá trị vật thể, điêu khắc tượng lăng mộ đều được chế tác từ chất liệu đá, thể hiện tính vĩnh cửu, trường tồn, phản ánh quan niệm, cách nhìn, cách nghĩ của người xưa về việc lựa chọn phương tiện, chất liệu nhằm nói lên tầm quan trọng của việc tạo dựng không gian tưởng niệm người đã khuất.
Nghệ thuật điêu khắc tượng lăng mộ thể hiện mối quan hệ đa chiều giữa con người với con người, con người với những tác động của xã hội, lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị, đặc biệt là biểu hiện về giá trị đạo đức thông qua ứng xử của người sống đối với người đã khuất. Do đó, nghệ thuật tượng lăng mộ Quận công, quan tướng TK XVII - XVIII vùng đồng bằng Bắc Bộ đã tiếp nối nghệ thuật truyền thống, đáp ứng nhu cầu tạo tượng đá đặt trong lăng mộ của các quan tướng giàu có đương thời. Thông qua quy mô mặt bằng, không gian kiến trúc, hệ thống tượng tròn ở hai thế kỷ này đã minh chứng chức năng giống như một cây cầu truyền tải những thông điệp, triết lý... từ quá khứ cho hậu thế.
Tượng người trong lăng mộ Quận công, quan tướng TK XVII - XVIII đã định hình phong cách thông qua những đặc điểm tạo hình. Về bố cục, các dáng tượng đều trong tư thế đứng thẳng nghiêm trang, phong cách diễn đạt có tính ước lệ nhiều hơn tả thực. Thông qua tượng người ở lăng Tướng công Vũ Hồng Lượng (xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, Hưng Yên), lăng Họ Ngọ (làng Thái Thọ, xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang), lăng Dinh Hương (làng Dinh Hương, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang), lăng Phạm Huy Đĩnh (xã Chương Dương, huyện Đông Hưng, Thái Bình) cho thấy rõ việc xây dựng hình tượng nhân vật cũng như miêu tả chân dung còn mang tính khái quát cao, phù hợp với từng không gian lăng mộ. Cách bài trí tượng cân bằng, đăng đối, thể hiện tinh thần cung kính tưởng niệm người đã khuất.
Về mặt nghệ thuật, hệ thống tượng tròn bằng đá đặt trong không gian lăng mộ đã góp phần tạo nên một tổ hợp nghệ thuật tượng trong bố cục chặt chẽ, hài hòa, trang nghiêm đồng thời thống nhất giữa kiến trúc, điêu khắc, cảnh quan tự nhiên... Tượng người ở lăng mộ cũng đa dạng về thể loại, tương ứng với thực tế sắp xếp vị thế trong quan trường đương thời: có quan văn, quan võ, lính hầu, người hầu… Bên cạnh đó là hệ thống đồ thờ. Tất cả đều mang tính đồng bộ về chất liệu và phong cách nghệ thuật. Thông qua các hiện vật điêu khắc, phù điêu, trang trí gắn với nhà bia, tháp, cổng, trên đồ thờ... hệ thống tượng tròn nói chung, tượng người nói riêng trong mỗi lăng mộ là điểm nhấn mỹ thuật, được cho là hoàn chỉnh dưới dạng từng bức tượng đơn lẻ có cấu trúc liền khối, đi theo từng cặp đôi đăng đối nhau qua đường linh đạo/ thần đạo. Cách sắp xếp này còn được con người/ chủ nhân coi như một gạch nối giữa hai tầng thế giới trong mối quan hệ tiếp xúc giữa người sống với người đã khuất, trong ý niệm tưởng nhớ và cầu chứng giám lòng thành, mong bình an cho cả hai thế giới. Điều đó được thể hiện khá rõ thông qua trạng thái tinh thần được biểu cảm trên gương mặt, cử chỉ của bàn tay tượng.
Một đặc điểm nổi bật để nhận dạng tượng trong lăng mộ Quận công, quan tướng TK XVII - XVIII là tượng người, dù đứng cạnh tượng ngựa, nhưng vẫn là hai khối đá độc lập, tách bạch về cấu trúc (lăng Họ Ngọ). Tượng người với hai bàn tay có biểu hiện đan vào nhau và thủ trong ống tay áo hoặc kèm theo bài vị để trước ngực/ bụng trong tư thế nghiêm trang cung kính, ánh mắt hơi nhìn xuống phía dưới, thể hiện sự quy phụng chủ nhân (lăng Vũ Hồng Lượng). Về tinh thần của tượng quan văn có phần khiêm nhường hơn tượng quan võ/ võ tướng. Phong cách tạo tượng người trong lăng Quận công, quan tướng TK XVII vốn mộc mạc, đơn giản, được biến đổi dần đến cầu kỳ, phức tạp song lại chân thực hơn khi sang nửa sau của TK XVIII, khi mà bước đi nghệ thuật tạo tượng phản ánh sự phát triển và thay đổi về nhận thức của con người. Đặc biệt là trình độ tay nghề tạo tượng đã đạt đến tính chân thực cao được thể hiện rõ nét qua việc tạo nên những bức tượng người có trạng thái biểu cảm sâu sắc.
Có thể phân chia hệ thống tượng người trong lăng mộ TK XVII - XVIII ở đồng bằng Bắc Bộ thành ba hạng mục, gắn với các vai trò, chức năng trong lăng mộ, cụ thể như sau:
Thứ nhất, là tượng quan hầu (quan văn, quan võ), đương thời được cho là những người thân cận, cố vấn chiến lược... là cách tay đắc lực cho việc cai trị của các quan tướng cấp cao. Hệ thống tượng này thường được đặt ở những vị trí sát/ liền kề với khu mộ, hoặc trong khu vực thờ thuộc lăng mộ. Trên trang phục tượng thường có gắn nhiều biểu tượng trang trí thiêng, đặc biệt là ở những tượng quan hầu có niên đại TK XVIII, như ở lăng mộ Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh lăng Quận Mãn (tức Quận công Lê Trung Nghĩa, thành phố Thanh Hóa, Thanh Hóa).
Thứ hai, là tượng lính hầu. Đây là loại tượng được cho là có vai trò bảo vệ, canh gác, là những binh lính trung thành với Quận công, quan tướng. Vì vậy, trang phục và một số đặc điểm chi tiết đươc chạm khắc đơn giản, khái quát hơn so với trang phục trên tượng quan hầu. Hệ thống tượng lính hầu trong lăng mộ thường được đặt ở những khu vực bên ngoài cổng hoặc phía trong cổng chứ ít khi gắn với khu thờ phụng, như tượng quan văn hay quan võ.
Thứ ba, là tượng người hầu, xuất hiện không nhiều trong hệ thống tượng ở lăng mộ Quận công, quan tướng thời kỳ này. Loại tượng này có bố cục hình dáng khá nhỏ bé, đặc biệt là trang phục và các đặc điểm tạo hình cho thấy sự giản dị của những người phục vụ trong các phủ quan xưa kia. Hình tượng người hầu tuy chỉ xuất hiện trong một số ít lăng mộ song đã đem đến những giá trị chân thực, phản ánh đúng thân phận của những người có vị trí thấp trong xã hội, điều này đối ngược lại với quyền lực tập trung trong tay các vua, chúa và quan lại đương thời.
Việc bài trí tượng người trong lăng mộ Quận công, quan tướng TK XVII - XVIII được tiếp thu từ hệ thống thời Lê sơ, rõ ràng, mang tính thống nhất của các hình thức hạng mục cũng như loại tượng. Bố cục tượng quan hầu, lính hầu và tượng người hầu ở dạng đơn chiếc, độc lập nhưng có đặc điểm hình dáng mô phỏng chân dung toàn thân của một con người cụ thể, tương ứng với vai trò, chức năng cụ thể. Vị trí đặt tượng cũng tiếp thu quy cách từ thời Lê sơ, tức là chia từng cặp tượng đứng ở hai bên đường linh/ thần đạo, dẫn tới mộ phần, như thấy ở lăng Vũ Hồng Lượng, Họ Ngọ, Dinh Hương, Phạm Huy Đĩnh...
Mặc dù tượng người trong lăng mộ Quận công, quan tướng TK XVII - XVIII đã mang đặc điểm to lớn hơn về kích thước, hình dáng như đang đến gần với diện mạo con người hiện thực, nhưng vẫn không thể chối từ những tiếp thu từ nghệ thuật tượng lăng mộ thời Lê sơ. Nếu như tượng thời Lê sơ có kích thước bé nhỏ bởi chịu sự chi phối chặt chẽ của triều đình, quan niệm vùng, miền thì sang TK XVII - XVIII, sự phóng khoáng và dân dã lại bắt đầu xuất hiện trên nhiều loại hình điêu khắc tâm linh, đặc biệt là tượng người trong hệ thống lăng mộ Quận công, quan tướng.
Góp phần chung vào nghệ thuật tượng lăng mộ, tượng người trong lăng mộ Quận công, quan tướng TK XVII - XVIII đã định vị những giá trị có tính biểu tượng cao, gắn với vai trò, chức năng tưởng niệm, tưởng nhớ người đã khuất.
Về mặt đạo đức, những biểu tượng điêu khắc, tượng tròn đặt trong mỗi lăng mộ được cho là sự kết đọng của nhiều mối quan hệ giữa con người với con người, con người với tự nhiên vạn vật và con người với thế giới thực tại, với thế giới tâm linh. Theo đó, những bức tượng đá đặt trong lăng mộ ở TK XVII - XVIII tiềm ẩn một đời sống tinh thần riêng biệt và thiêng liêng của các quan tướng đương thời.
Trong quá trình tiếp cận, nghiên cứu tượng người ở lăng mộ thời kỳ này, nhiều trường hợp còn khiến chúng tôi liên tưởng tới chính chân dung của chủ nhân lăng mộ... Đây là một giả thiết đặt ra, có thể khiến nhiều người khó chấp nhận, nhưng chúng tôi cho rằng: khi những bằng chứng lịch sử cụ thể về diện mạo chủ nhân không còn, việc mở ra một hướng để tìm hiểu chân dung, tướng mạo, diện mạo thật của chủ nhân dựa trên hệ thống thư tịch còn lại, đặc biệt là ở tượng người trong chính không gian lăng mộ của vị chủ nhân ấy là cần thiết, là vấn đề mà người làm mỹ thuật nên quan tâm một cách chuyên biệt, nghiêm túc.
Tài liệu tham khảo
1. Nghệ thuật Việt Nam, bản dịch tiếng Việt của Viện Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, từ L’Art Vienamien của L. Bezacier (1955), tư liệu Viện Mỹ thuật.
2. Trần Lâm Biền, Hình tượng con người trong nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt (Tượng Phật - Tượng Mồ - Phù điêu), Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 1993.
3. Những tượng đá trong các lăng tẩm của người An Nam, bản dịch tiếng Việt của Viện Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, từ Sculptures en pierre des sites funeraires Annamites của E.M. Castagnol (1940), Tư liệu Viện Mỹ thuật.
4. Nguyễn Du Chi, Trên đường tìm về cái đẹp của cha ông, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2000.
5. Phan Cẩm Thượng, Điêu khắc cổ Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 1997.
6. Chu Quang Trứ, Tượng cổ Việt Nam với truyền thống điêu khắc dân tộc, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2002.
Tác giả: TS Nguyễn Văn Hùng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 464, tháng 6-2021