Họa sĩ Việt kiều Lê Bá Đảng (1) một họa sĩ nổi danh khắp châu Âu trong nửa sau của TK XX. Nghệ thuật của Lê Bá Đảng thể hiện thân phận bi hùng của ông gắn liền với dân tộc, quê hương Việt Nam. Mặc dù phải mưu sinh bằng chính các tác phẩm của mình nhưng ông luôn giành một khoảng thời gian không nhỏ để sáng tạo các tác phẩm về chủ đề Tổ quốc, dân tộc.
Ngay trong những năm tháng năm chiến tranh (1969-1973) tại Việt Nam, họa sĩ Lê Bá Đảng đã sáng tác một loạt các tác phẩm mang tên Phong cảnh bất khuất và triển lãm các tác phẩm này tại nhiều quốc gia thuộc châu Âu. Với phong cách trữ tình lãng mạn, bút pháp khoáng đạt thể hiện rõ tình cảm của mình với đất nước dân tộc. Sau đó, ông tiếp tục sáng tạo các tác phẩm mang tên Từ thời đại Hùng Vương đến Hồ Chí minh vào năm 1976. Tác phẩm Châu chấu đá voi được Lê Bá Đảng sáng tác năm 1974 và nhóm tác phẩm Cọc chông Bạch Đằng (gồm 3 tác phẩm) được họa sĩ sáng tác năm 1996.
Cọc chông Bạch Đằng 1, gỗ, 127x35,5x36cm - Ảnh: Công Tuyên
Nhóm tác phẩm Cọc chông Bạch Đằng được họa sĩ sáng tạo bằng chất liệu gỗ với chiều cao hơn 100cm. Tác phẩm Cọc chông Bạch Đằng 1 là một hình trụ có hướng thẳng đứng, thon nhỏ dần lên phía trên. Trên thân cọc, họa sĩ chạm khắc nổi những hình thể người có kích thước, hình dáng khác nhau. Trong đó, có một nhóm người gồm ba hình thể, tượng trưng cho một gia đình và năm hình thể đơn lẻ khác. Hình chạm nhóm người và các hình thể khác được họa sĩ bố cục trong khuôn hình vuông và các hình tròn. Các nhóm hình thể này được sắp xếp theo đường cong lượn song, tịnh tiến ngược dần lên phía trên. Nhóm ba người được đặt phía dưới. Có một hình thể không nằm trong khuôn hình, có kích thước nhỏ hơn các hình thể khác. Ngoại trừ ba hình thể trong khuôn hình vuông, các hình thể khác chính là các hình tượng đại diện cho đội quân thủy chiến của Tướng quân Ngô Quyền trong trận Bạch Đằng chống quân Hán, năm 938. Để kết nối các nhóm hình thể, họa sĩ còn chạm nổi vô số những hình tròn, hình thoi, hình bầu dục, kích thước to, nhỏ xen lẫn nhau tạo, nên một tổ hợp bố cục có nhịp điệu sinh động. Ở các phía và vị trí khác trên bề mặt tác phẩm, họa sĩ khắc những hình quả trám nhằm tạo mảng và sự sinh động cho không gian, bố cục chung. Nếu nhìn thoáng qua, tác phẩm như một hình trụ tròn nhưng nếu nhìn kỹ, sẽ thấy họa sĩ còn tạo các đường gờ nổi chạy dọc từ dưới lên để hình thành nên bình diện, các hướng và khối hình. Rất nhiều các hình khuyết lõm dài, chạy theo nhiều chiều hướng. Tổ hợp các môtip, hình thể trên bề mặt tác phẩm Cọc chông Bạch Đằng 1 đã tạo nên một không gian tạo hình đẹp, cô đọng, giàu sức biểu cảm.
Cọc chông Bạch Đằng 2, gỗ, 123x35x36cm - Ảnh: Công Tuyên
Với Cọc chông Bạch Đằng 2, họa sĩ tạo rất nhiều đường thẳng, đường cong nhỏ chạy theo chiều thẳng đứng, nhằm gợi hình sóng nước. Các hình thể người vẫn được họa sĩ sử dụng để làm hình tượng trang trí chính. Trong Cọc chông Bạch Đằng 2, chỉ có tổ hợp nhóm 3 người phía dưới thân cọc và một hình thể người ở phía trên. Các hình thể này được chạm nổi và sắp xếp trong hình vuông và hình tròn, được họa sĩ khoét lõm xuống khoảng 1cm, tính từ bề mặt vào trong lòng tác phẩm. Các hình sóng nước được họa sĩ nghiên cứu kỹ lưỡng và thể hiện bằng những nét chạm khắc dứt khoát, mạch lạc. Độ nông sâu, kích thước, tỷ lệ của những nét chạm hàm chứa sự tinh tế trong biểu đạt cảm xúc và các hình tượng tạo hình. Các đường rãnh sâu chạy dài theo chiều thẳng đứng, vừa có nhiệm vụ tạo nét trên bề mặt vừa tạo sự kết nối giữa các tổ hợp hình thể.
Khác với Cọc chông Bạch Đằng 1 và 2 với hình tượng chính là các hình thể người, tác phẩm Cọc chông Bạch Đằng 3 là tổ hợp của các ngọn sóng lớn nhỏ nhấp nhô, chạy theo chiều dọc thân cọc. Lê Bá Đảng đã thiết kế những đường vòng cung với nhiều sắc thái, thể hiện qua các nét chạm khi trũng sâu quằn quại, lúc nhẹ nhàng chạy dài típ tắp, khi thong thả khoan thai tạo nhịp thời gian. Cường độ của những đợt sóng lớn nhỏ trong tác phẩm thể hiện khí chất, cảm xúc của họa sĩ khi biểu đạt hình tượng. Thủ pháp tạo hình đường cong, hình vòng cung đã tạo ra các khoảng không gian cho bề mặt và khí thế của cuộc chiến. Mỗi nét chạm khắc là một dấu tích minh chứng lịch sử oai hùng của dân tộc trên sông Bạch Đằng. Các hình thể người tiếp tục được Lê Bá Đảng thể hiện trong Cọc chông Bạch Đằng 3, tuy nhiên họa sĩ không bố cục trong các khuôn hình tròn, hình vuông mà ẩn hiện cùng những cột sóng. Những hố sâu trên bề mặt tác phẩm được coi như những tử huyệt dành cho quân giặc.
Bằng hình thức chạm khắc tinh tế, Lê Bá Đảng đã tạo nên các hình tượng nghệ thuật mang đậm hồn dân tộc. Họa sĩ đã chọn chất liệu gỗ, tạo cảm nhận về sự thô mộc, ấm áp, đơn giản và gần gũi. Với nhóm ba tác phẩm Cọc chông Bạch Đằng, bằng những nhát dao, nhát đục, nhát khắc trực tiếp, Lê Bá Đảng đã khoe dần những đường vân gỗ tuyệt đẹp, và đẹp hơn nữa khi chúng được tỏa ra từ cảm xúc và sức nặng đôi bàn tay nghệ sĩ. Người xem như muốn sờ lên mặt gỗ đề cảm nhận hết vẻ đẹp và sự quyến rũ trong từng tác phẩm. Cách sử dụng màu sắc của họa sĩ tuy đơn giản nhưng rất hiệu quả. Ông không sơn son thiếp vàng để tăng vẻ lộng lấy mà thay vào đó, họa sĩ sử dụng lối phủ màu đơn sắc. Với thủ pháp này, màu phủ lên không che lấp màu của chất liệu, đồng thời mở ra một vẻ đẹp khác về sự ấm áp, bền bỉ và trường tồn. Cái mộc mạc, thô ráp, nhẵn nhụi cùng với màu nâu vốn có của chất liệu gỗ hòa nhịp cùng nhau, tạo nên vẻ riêng có cho nghệ thuật của Lê Bá Đảng. Cả ba tác phẩm Cọc chông Bạch Đằng đều được tạo từ chất liệu gỗ, phủ sơn tạo sắc nâu đen. Màu đơn giản nhưng chứa đựng sâu đậm đậm tâm hồn và khí phách dân tộc. Việc khai thác và biểu đạt thành công vẻ đẹp màu sắc tự thân của chất liệu gỗ trong nhóm tác phẩm Cọc chông Bạc Đằng cũng là một thành công trong biểu đạt hình tượng của Lê Bá Đảng. Bằng tài năng, trí tuệ và đôi bàn tay khéo léo, họa sĩ đã thổi hồn vào một khúc cây thô mộc, giúp cho chất liệu thăng hoa. Không gian của một chiến tích được tái hiện qua những hình tượng tạo hình xuất sắc. Mỗi tác phẩm là một trạng thái cảm xúc của tác giả dành cho dân tộc. Quá khứ lịch sử được hiện hữu trở lại. Vẻ đẹp của con người, thiên nhiên Việt Nam hiện lên dung dị trong từng nét khắc. Cùng chung một phong cách tạo hình, một câu chuyện kể về lịch sử nhưng mỗi tác phẩm trong nhóm Cọc chông Bạch Đằng lại có những dạng thức bố cục, trạng thái cảm xúc riêng, thú vị, hấp dẫn qua từng chi tiết.
Với hình tượng con voi trong tác phẩm Châu chấu đá voi, họa sĩ đã biểu đạt thành công tinh thần, sức mạnh dân tộc trong cuộc chiến không cân sức. Một đất nước nhỏ bé nhưng vẫn gan dạ chống lại một đế quốc hùng mạnh.
Từ những mảnh máy bay Mỹ bị bộ đội pháo chủ lực Việt Nam bắn rơi trên bầu trời Hà Nội vào năm 1972 do đồng chí Xuân Thủy mang từ Việt Nam sang Paris trao cho ông, Lê Bá Đảng đã nảy ra ý tưởng sáng tạo nên tác phẩm nghệ thuật độc đáo trong lịch sử nghệ thuật tạo hình Việt Nam và thế giới. Châu chấu đá voi đã khẳng định: Một dân tộc dù nhỏ bé nhưng vẫn có thể chiến thắng bất cứ kẻ thù xâm lược lớn mạnh nào nếu dân tộc ấy thuộc về chính nghĩa. Trên mình con voi, họa sĩ tạo hình ảnh người chiến sĩ bộ đội Việt Nam bắt sống giặc lái Mỹ, bên cạnh có dòng chữ ghi lại câu thơ, mượn từ câu ca dao về châu chấu đá xe: Nực cười châu chấu đấu voi/ Tưởng rằng chấu ngã ai dè voi nghiêng. Những dòng chữ tượng hình trong tác phẩm vừa là thông điệp chuyển tải vừa là dấu tích, bằng chứng lịch sử tố cáo tội ác kẻ thù. Châu chấu đá voi của ông là kết quả hoàn hảo của việc kết hợp đa ngôn ngữ trong sáng tạo nghệ thuật. Với tác phẩm này, Lê Bá Đảng không chỉ là một họa sĩ mà còn thực sự là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ. Ông đã thể hiện rõ lập trường tư tưởng của một người nghệ sĩ - chiến sĩ. Mặc dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu và không được tận mắt chứng kiến những tội ác mà kẻ thù gây ra cho đồng bào mình nhưng họa sĩ đã có những cách thức, phương pháp riêng để bày tỏ chính kiến.
Nghệ thuật Lê Bá Đảng đã tạo ra những giá trị vô cùng lớn khi các tác phẩm nghệ thuật của ông còn có tác dụng trong việc quảng bá hình ảnh đất nước trên trường quốc tế… Nhờ có những tác phẩm như của Lê Bá Đảng cùng những lời hiệu triệu, kêu gọi của ông và những người tri thức yêu nước khác ở châu Âu, cuộc chiến của dân tộc Việt Nam đã được tăng thêm ngàn lần sức mạnh.
Châu chấu đá voi và Cọc chông Bạch Đằng là những biểu tượng về sức mạnh dân tộc trong hai thời điểm lịch sử. Việt Nam tuy chỉ là một quốc gia nhỏ bé, nhưng vẫn biết cách bảo toàn giang sơn gấm vóc của mình mỗi khi có giặc ngoại xâm. Lịch sử chứng minh Việt Nam đã từng chiến thắng kẻ thù phương Bắc lớn mạnh và hai đế quốc đứng đầu thế giới. Châu chấu đá voi, Cọc chông Bạch Đằng và những tác phẩm nghệ thuật khác của Lê Bá Đảng cũng chứng tỏ sức làm việc không mệt mỏi, ý chí bền bỉ để thực hiện những hoài bão lớn trong nghệ thuật và một tinh thần, tình cảm lớn của ông dành cho quê hương.
_______________
1. Cố họa sĩ Lê Bá Đảng (1921-2015) là một họa sĩ người Việt, sinh sống và sáng tạo nghệ thuật tại Pháp. Ông là một hoạ sĩ đương đại Việt Nam hàng đầu ở châu Âu. Nghệ thuật Lê Bá Đảng không thuộc về một trường phái đã có nào. Cái hồn của nghệ thuật Lê Bá Đảng là đất nước và con người Việt Nam. Sinh thời, ông từng được Viện quốc tế Saint - Louis (Hoa Kỳ) trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ có tái năng lớn và tư tưởng nhân đạo (năm 1989); Trung tâm tiểu sử Đại học Cambridge (Anh quốc) bầu chọn ông là 1 trong 10 nhân vật nổi tiếng nhất (các năm 1992-1993); năm 2005, ông được báo điện tử Vietnamnet phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao danh hiệu Vinh danh nước Việt.
Tài liệu tham khảo:
1. Nhiều tác giả, Tri ân họa sĩ Lê Bá Đảng, Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế, 2006.
2. Lê Bá Đảng, Mấy chặng đời nghệ sĩ, bản viết tay của họa sĩ, lưu giữ tại Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, thành phố Huế.
Tác giả: Lương Công Tuyên
Nguồn: Tạp chí VHNT số 455, tháng 3-2021