Sức sống của con tem

Xuất phát từ chức năng là phương tiện thanh toán cước phí, phục vụ nhu cầu trao đổi thông tin và giao lưu tình cảm của con người, từ rất lâu đời, đã có hoạt động tem Bưu chính. Tem cũng như tiền, luôn mang trên mình hình ảnh của mỗi quốc gia với những đặc trưng văn hóa và bản sắc đậm nét. Tem thư còn là một tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ, một tấm bưu thiếp để quảng bá hình ảnh đất nước và con người của mỗi quốc gia.

Ngày nay, trong thời đại của công nghệ số, với điện thoại, thư điện tử, Facebook…, nhiều người không còn viết thư tay nữa, nhưng không phải vì thế mà chúng ta quên đi một ấn phẩm nhỏ bé mang trên mình nhiều ý nghĩa và giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật: những con tem bưu chính.

Trên thế giới có hơn 300 triệu người yêu thích và sưu tập tem, một đội ngũ đông đảo nhất trong tất cả các loại hình sưu tập phổ thông, đồng thời có tổ chức chặt chẽ (Hiệp hội chơi tem thế giới, Hiệp hội chơi tem các châu lục, Hội tem quốc gia ở các nước). Trong lĩnh vực đối ngoại, tem bưu chính đóng vai trò quan trọng: khẳng định chủ quyền quốc gia, là đại sứ thể hiện vai trò và vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hơn nửa thế kỷ qua, với nhiều chuyên đề khác nhau, tem Bưu chính Việt Nam đã tồn tại và phát triển không ngừng, giới thiệu được đất nước và con người Việt Nam. Trong con tem, ẩn chứa nhiều tri thức văn hóa, khoa học. Đề tài tem vô cùng phong phú và đa dạng. Thưởng thức, nghiên cứu tem, người ta thu được kiến thức về nhiều phương diện… Mỗi một con tem đều chứa đụng tư tưởng nhất định. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều quốc gia trên thế giới đã thể hiện trên con tem những thành tựu khoa học, văn hóa của đất nước mình.

Xây dựng đề tài về nội dung tem hằng năm và thiết kế mẫu tem là khởi đầu quan trọng của việc phát hành tem, mang ý nghĩa quyết định. Nhiều năm trước, thực hiện chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông, chương trình đề tài đi trước đón đầu đã thỏa mãn nhu cầu nội dung, hình thức, có mặt trên mạng quốc nội và quốc ngoại, xứng đáng là tấm danh thiếp quốc gia.

Để có những bộ tem đẹp, mang giá trị nghệ thuật cao, Công ty tem Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông và Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam, đã đề ra những yêu cầu khắt khe, định lượng số phác thảo, khuôn khổ, kết hợp giữa tài năng sáng tạo của họa sĩ trong Tổng Công ty với sự tham gia của họa sĩ cộng tác, từ các trường đại học chuyên ngành như: Mỹ thuật công nghiệp, Mỹ thuật Việt Nam; Công ty in tem Bưu điện và một số họa sĩ chuyên nghiệp khác… nhằm tạo nên những thiết kế mới đa dạng, phong phú.

Nội dung của một đề tài tem luôn được cân nhắc sao cho cân đối với số lượng đã được phát hành, phù hợp với tình hình văn hóa, chính trị, xã hội hiện thời… Đó là sự kết hợp giữa công ty tem và các nhà nghiên cứu tự nhiên, xã hội, văn hóa, những chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, nhằm tạo nên nội dung đặc sắc, có tính chính xác và khoa học. Quy trình phát hành tem luôn được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, biểu thị ý thức không ngừng tôn vinh giá trị văn hóa, tinh thần của mỗi áng tem thư, tấm danh thiếp quốc gia.

Hiện nay, xu thế toàn cầu hóa là tất yếu, tác động mạnh đến mọi đối tượng và mọi mặt của đời sống xã hội. Vì vậy, giao lưu văn hóa trở thành điều kiện sống còn của mỗi dân tộc. Sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc là điều kiện hết sức cần thiết, quan trọng bậc nhất để tạo nên một sự hợp tác công bằng, sáng tạo, đem lại lợi ích thiết thực và to lớn cho cả cộng đồng và cho mỗi quốc gia.

Ý thức được vai trò và ý nghĩa quan trọng của việc giao lưu văn hóa, ngành Bưu chính Việt Nam đã phát hành nhiều mẫu tem có liên quan đến giá trị văn hóa nhân loại. Bên cạnh những con tem có tính thời sự, chính trị, những sự kiện quan trọng trên thế giới như Năm quốc tế hòa bình, Ngày môi trường thế giới, Kỷ niệm Quốc khánh các nước bạn, Hội nghị các nước ASEAN, Thế vận hội, SEAGAMES..., còn có nhiều bộ tem về đề tài mỹ thuật thế giới, cũng như nhiều bộ tem về đề tài hội họa, đề cập đến sáng tác của các danh họa nổi tiếng như Picasso, Từ Bi Hồng, Tề Bạch Thạch, hoặc giới thiệu với thế giới những di sản văn hóa mỹ thuật của Việt Nam, như Kiến trúc Kinh thành Huế, Di sản Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An, Vịnh Hạ Long, Động Phong Nha, Nhã Nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng.

Tem Bưu chính Việt Nam cũng chú trọng nội dung phát triển tình đoàn kết hữu nghị giữa các nước, kỷ niệm quan hệ ngoại giao tốt đẹp. Những mẫu tem này đều mang biểu tượng tiêu biểu cho văn hóa của mỗi quốc gia. Bưu chính nước ta quan tâm và cho ra đời nhiều bộ tem chung (liên kết phát hành) giữa hai quốc gia nhân những ngày kỷ niệm ngoại giao. Khởi đầu là bộ tem Kỷ niệm 10 năm hai nước Việt - Hàn thiết lập mối quan hệ ngoại giao (22/12/1992- 22/12/2002), gồm 2 mẫu thể hiện công trình kiến trúc cổ, biểu trưng cho mỗi quốc gia: hình ảnh Chùa Một Cột, kiến trúc lịch sử lâu đời của Việt Nam và hình ảnh chùa Dabo, ngôi chùa tiêu biểu nổi tiếng của Hàn Quốc. Sau đó là những bộ tem phát hành chung như bộ tem Việt Nam - Pháp (tháng 10 - 2008) vẽ cảnh vịnh Hạ Long (Việt Nam) và cảnh biển Bonifacio (Pháp), bộ tem phát hành chung Việt Nam - Argentina (tháng 10 - 2008) giới thiệu hai loài hoa đẹp được coi là loài hoa đại diện của hai nước, bộ tem Việt Nam - Singapore (tháng 11 - 2008), với hai loại trái cây tiêu biểu là thanh long (Việt Nam) và sầu riêng (Singapore)…

Ngoài ra cũng phải nói đến sự xuất hiện của những danh nhân trong nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh, xuất hiện khá nhiều trên tem Bưu chính các nước như Lào, Cuba, Nga, Ấn Độ, CHLB Đức, Hàn Quốc,... Năm 1972, con tem do Cuba phát hành mang hình ảnh Jose Marti, người anh hùng dân tộc của Cách mạng Cuba, cạnh hình ảnh Bác Hồ thân yêu của chúng ta, cùng ngôi sao trắng trên quốc kỳ Cuba và ngôi sao vàng trên quốc kỳ Việt Nam.

Mẫu tem Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt tay Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản
của Bưu điện Lào

 

Tem về Chủ tịch Hồ Chí Minh do Rwanda (châu Phi) phát hành năm 2001, thuộc bộ tem Le Maillenaire (Những nhân vật của thế kỷ). Hình ảnh chính trên tem là hình Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ 18 - Đảng xã hội Pháp, họp ở Tours năm 1920 và hình ảnh đội quân lính lê dương sau khi đầu hàng ở trận Điện Biên Phủ, năm 1954. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn xuất hiện trong bộ tem của Cộng hòa Dominica, phát hành năm 2000, gồm 17 mẫu, ghi lại những sự kiện trọng đại trong TK XX. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bưu điện Lào phát hành một số bộ tem khá đặc sắc về Việt Nam với hình ảnh của Người, gồm 3 mẫu tem: Bác Hồ dưới cờ Việt Nam; Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt tay Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản; Bác Hồ nói chuyện với với chiến sĩ Việt Nam - Lào. Nhân kỷ niệm 25 năm - Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Lào - Việt Nam (18-7-1977 - 18-7-2002), Bưu điện nước bạn cũng phát hành 2 mẫu tem Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản. Đó là những cánh tem thắm tình hữu nghị Việt - Lào.

Bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, hình ảnh một số nhân vật chính trị khác của nước ta cũng xuất hiện trên tem bưu chính của thế giới như tem tôn vinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Uruguay phát hành ngày 12-10-2013, chào mừng kỷ niệm 20 năm - ngày thiết lập ngoại giao Uruguay - Việt Nam năm (1993-2013). Micronesia, một nước liên hiệp, lãnh thổ tự trị (quần đảo Caroline - Thái Bình Dương) phát hành tem tôn vinh nhà kiến tạo hòa bình Lê Đức Thọ, gồm 2 mẫu: Chân dung ông Lê Đức Thọ và hình ảnh ông Lê Đức Thọ bắt tay ông Henry Kissinger, hai nhân vật cố vấn của Việt Nam và Hoa Kỳ góp phần lập lại hòa bình ở Việt Nam, tại Hiệp định Paris - 1973.

Ngoài ra, hình ảnh quốc kỳ Việt Nam cũng được bưu chính Liên hiệp quốc phát hành, ngày 26-9-1980 với ý nghĩa Việt Nam là thành viên của Liên hiệp quốc. Mali cũng là quốc gia phát hành tem có quốc kỳ Việt Nam (năm 2000) để biểu thị tình đoàn kết giữa hai nước.

Ngày 29-3-2001, kỷ niệm Năm quốc tế những người tình nguyện, Nguyễn Thành Chương là họa sĩ Việt Nam đầu tiên có bức tranh được Liên hiệp quốc chọn để thiết kế thành con tem phát hành trên toàn thế giới. Tác phẩm của ông cùng với tác phẩm của 5 họa sĩ khác, đến từ Brazil, Australia, Nhật Bản và Pháp, đã được thiết kế thành bộ tem sáu mẫu, với 2.310.000 bản in, cùng 45.000 tờ kỷ niệm thiết kế từ bộ tem trên. Đó là niềm tự hào của hội họa Việt Nam đã có đóng góp vào quá trình hội nhập của hội họa thế giới nói chung và tem thư của thế giới nói riêng.

Mẫu tem Việt - Pháp vẽ cảnh Vịnh Hạ Long (Việt Nam)
và cảnh biển Bonifacio (Pháp), 2008

 

Để góp phần chắp cánh cho những cánh tem thư bay xa, các họa sĩ vẽ tem đã đóng góp công sức quan trọng. Hầu hết tác giả của các tác phẩm tem bưu chính đều có một tay nghề vững chắc và yêu thích nghệ thuật thiết kế tem. Họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bộ tem đầu tiên của Nhà nước cách mạng, ban hành trong nước và trên toàn thế giới (ngày 2-9-1946), đã thể hiện sự nghiên cứu chín chắn một đề tài có tính lịch sử, toát lên thần thái của Bác trong những năm đầu kháng chiến. Bộ tem còn có ý nghĩa lịch sử gắn với thành tựu và phát triển của cách mạng Việt Nam. Những con tem này đã và sẽ mãi mãi là những nhân chứng lịch sử, ghi nhận thắng lợi vẻ vang của cách mạng, góp phần xác lập chủ quyền của Tổ quốc.

Các họa sĩ Bùi Trang Chước, Lê Phả, Nguyễn Văn Khanh… cũng đã dành nhiều tâm huyết cho nghệ thuật vẽ tem. Trên các tuyển tập về hội họa, ít thấy tác phẩm của họ, song nếu có điều kiện tìm hiểu riêng về các “bưu họa”, chúng ta cũng nhận thấy những đóng góp không nhỏ của các ông dành cho lĩnh vực này. Vì ở đó, các họa sĩ đã thể hiện một cá tính nghệ sĩ trọn vẹn, đầy tinh thần sáng tạo. Tâm sự của các họa sĩ vẽ tem đều giống nhau ở một điều, vẽ tem cũng khó như sáng tác bức tranh, đòi hỏi phải nhiệt huyết và nhiều cảm hứng. Tem Bưu chính có khổ thông thường từ 2-3,7cm mỗi chiều. Bởi vậy, họa sĩ phải tính tỉ lệ cho một bức vẽ khổ lớn nhưng khi thu nhỏ lại, nhìn vẫn nhận ra nét, có sự hài hòa, cân đối thị giác và đảm bảo thông tin. Tất cả mọi yếu tố đều được thể hiện một cách tinh tế trên con tem.

Hình ảnh trên tem cho đến nay cũng rất đa dạng trong cách thức thể hiện, từ hình ảnh đồ họa mảng nét, đến hình ảnh nhiếp ảnh, nghệ thuật đồ họa với chữ (typography), pop-art… đôi khi là sự kết hợp giữa hai hay nhiều kỹ thuật, hoặc sử dụng tài tình các tác phẩm hội họa nổi tiếng của các danh họa trong và ngoài nước.

Trong thiết kế tem Bưu chính, nội dung chủ đề phong phú bao nhiêu thì thủ pháp nghệ thuật để thể hiện nội dung cũng đa dạng như vậy. Từ các kỹ thuật in ấn tinh xảo như in khắc kim loại, in khắc gỗ, in lưới, từ việc vẽ tay và in trên giấy tàu bạch, nghệ thuật trổ giấy và các loại kỹ thuật khác, cho đến ngày nay, tem Bưu chính được vẽ trên máy tính, in bằng kỹ thuật in hiện đại. Với sự trợ giúp của công nghệ, người ta có thể chế tạo ra những con tem với nhiều hiệu ứng về thị giác, xúc giác, khứu giác và kể cả vị giác. Các con tem này đã mang lại những cảm xúc rất phong phú cho người xem. Ví dụ, những con tem với loại mực in đặc biệt, tự phát sáng trong bóng tối hoặc đổi màu theo nhiệt độ môi trường; tem thay đổi hình ảnh hoặc chuyển động từ các góc nhìn khác nhau; tem có thể gắn một nhúm hạt giống để có thể tách ra gieo trồng; những viên ngọc hoặc những vì sao trên tem có thể ánh lên lấp lánh trong bóng tối; kết hợp với công nghệ holographic, 3D, người ta đưa ra các hình ảnh về các loài hoa qua bốn mùa trong năm trên tem; tem được mạ đồng, thúc nổi, ép nhũ, trổ thủng, thêu ren, ép nhung, ép lụa, vỏ cây… Nhiều công ty tem còn kết hợp với nhà sản xuất khác để tạo ra các con tem có mùi cà phê, nước hoa, hoặc sô-cô-la, vừa để quảng bá sản phẩm đồng thời thu hút công chúng qua những tác động gây ấn tượng mạnh đến xúc giác của họ. Như vậy, tem thư không đơn thuần thể hiện trị giá cước phí bưu chính, mà còn trở thành một loại hình nghệ thuật đầy sáng tạo, có sức sống thực tế. Nó là một văn hóa phẩm đặc biệt, phản ảnh mọi mặt của thiên nhiên, xã hội, đất nước và cuộc sống của con người.

Tem thư là một sứ giả không phân biệt biên giới, có tiếng nói riêng. Tiếng nói theo từng thổ ngữ mang nặng dấu ấn tập tục của một nền văn minh, với tất cả những gì có liên hệ với quá khứ, hiện tại và tương lai, tem thư là một bằng chứng về trình độ văn hóa của một quốc gia. Bằng chứng ấy được thể hiện qua các hình thức đăng tải nội dung và hình thức của kỹ thuật in tem. Khi phát hành tem, các nước đều tranh thủ thể hiện trên tem chọn lọc những thành tựu về văn hóa, khoa học tiêu biểu để giới thiệu với thế giới.

Cũng như nhiều lĩnh vực sản xuất khác, sự phát triển của nền kinh tế thị trường hiện nay đã khiến cho việc sản xuất tem cũng có xu hướng toàn cầu hóa. Cartor là một trong những công ty in an toàn (Security Printer) thuộc loại có uy tín trên thế giới. Hiện nay, họ chuyên sản xuất tem cho 158 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việc kết hợp tem với công nghệ thông tin đã mở ra một khoảng ứng dụng vô cùng phong phú, mang lại một dáng vẻ hiện đại, phù hợp trong xã hội công nghệ hiện nay. Với sự hỗ trợ của điện thoại thông minh và các phần mềm phù hợp, qua con tem, người ta có thể truy cập vào những trang web để được những thông tin hoặc xem một đoạn phim cần thiết, nghe một đoạn nhạc, một câu nói, thậm chí nhận mã số quay thưởng. Những khả năng, sáng chế mới đã mang lại cho con tem năng lượng mới, tác động mạnh mẽ đến các giác quan, gợi nhớ hồi ức, hứa hẹn mang lại cho những người yêu thích, sưu tập nhiều điều hấp dẫn, kỳ thú song để có thể sản xuất các sản phẩm, loại tem này cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và có sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý, nhà sản xuất và các họa sĩ thiết kế. Đây là thách thức về tương lai cho các bộ tem của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập với thế giới hiện đại.

Tem thư trở thành một tư liệu đặc biệt của mỗi dân tộc, là những dấu mốc, các sự kiện quan trọng. Từ năm 1946 đến nay, với hơn 1.000 bộ tem được phát hành, Bưu điện Việt Nam đã khắc họa bức tranh nghệ thuật bằng tem giàu hình ảnh và đầy ý nghĩa biểu cảm. Con tem còn được gọi với cái tên rất thân thương “cánh tem”, những cánh chim xanh của Việt Nam - những sứ giả của văn hóa bay đi cùng trời cuối đất, giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới. Đứng trên bình diện quốc gia và quốc tế, việc tuyên truyền giới thiệu đất nước, văn hóa Việt Nam qua tem Bưu chính đã đạt được kết quả đáng khích lệ, nội dung tuyên truyền đi cả vào bề rộng lẫn chiều sâu.

Tem thư Việt Nam đã góp phần không nhỏ vào quá trình khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc. Vì thế, ngày nay, dù có nhiều phương tiện truyền thông, thông tin hiện đại nhưng những chiếc tem thư vẫn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống con người. Thời điểm phát hành là lúc con tem được khai sinh. Và cũng kể từ đó, nó mang sứ mệnh của tình yêu, hòa bình, tri thức của nhân loại… Có những con tem còn mạnh mẽ lên án chiến tranh, đưa ra quan điểm về bình đẳng giới, bạo hành, nhân quyền… Có nhiều con tem còn cảnh báo con người hãy điều chỉnh hành vi sống của mình nhằm bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống bền vững. Khác với quy luật tự nhiên, con tem sống từ lúc nó được phát hành và sau khi được sử dụng làm biên lai thu cước phí, bị đóng dấu bưu điện, người ta gọi nó là “con tem chết”. Nhưng cũng chính khi đó, nó lại bắt đầu một sự sống mới, mang trong mình một sứ mệnh mới, kết nối thông tin, tâm tư, tình cảm... Con tem lại tiếp tục được nâng niu trong tình yêu của những nhà sưu tầm tem trên khắp thế giới. Con tem thực sự sống khi nó được vận hành, làm tròn sứ mệnh cao cả của mình, được tung cánh đi muôn nơi. Đó có lẽ là sức sống mãnh liệt của mỗi con tem qua thời gian và không gian.

Tác giả: Trương Thị Thu Thủy

Nguồn: Tạp chí VHNT số 440, tháng 10-2020

;