Tạo lập văn hóa xem tranh trong cộng đồng

Xem tranh và nhu cầu thưởng thức tác phẩm mỹ thuật ở bảo tàng, gallery... không chỉ là món ăn tinh thần, giải trí hiệu quả mà còn là tìm kiếm những cơ hội học tập, khám phá hoặc trải nghiệm những điều bổ ích và thú vị. Hoạt động xem tranh có thể được coi là kết quả của một chuỗi hoạt động của nhiều chủ thể và khách thể khác nhau. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết, tôi xin được luận bàn đôi điều về văn hóa xem tranh nhìn từ giác độ nhu cầu thưởng thức tác phẩm mỹ thuật, một yếu tố quan trọng trong việc góp phần xây dựng thị trường nghệ thuật này.

Văn hóa xem tranh

Như chúng ta đã biết, văn hóa là cái gốc của một xã hội văn minh. Khái niệm văn hóa xem tranh đối với những người làm văn hóa trong những năm gần đây cũng không quá xa lạ, trong khi đối với phần đông công chúng thì dường như còn khá mới mẻ. Có thể hiểu, văn hóa xem tranh là sự thể hiện nội dung văn hóa được tích lũy và sáng tạo trong hoạt động thưởng thức tác phẩm mỹ thuật. Nó được tạo ra bởi ba chủ thể tham gia vào hoạt động này là công chúng (người thưởng thức), tác phẩm nghệ thuật (nghệ sĩ - người sáng tạo) và chủ sở hữu tác phẩm (bảo tàng, nhà sưu tập…).

Như vậy, văn hóa xem tranh được hình thành, phát triển cùng sự thay đổi tích cực của xã hội và nhu cầu con người. Đây là một phạm trù lớn, thể hiện những giá trị văn hóa của hoạt động quản lý, nghiên cứu, giáo dục, trải nghiệm cảm xúc thẩm mỹ và thực hành sáng tạo nghệ thuật…

Vai trò của văn hóa xem tranh trong phát triển bảo tàng

Trên thế giới, bảo tàng được quan niệm như một tổ hợp, nơi người ta có thể tìm đến với nhiều mục đích khác nhau như: vui chơi - giải trí - thưởng ngoạn - học tập và ở diện nào đó, có yếu tố đầu tư. Trong tổ hợp ấy, ngoài các phòng trưng bày của bảo tàng, thường có những loại hình văn hóa khác như: thư viện, gallery, phòng chiếu phim, nhà hàng... Nhờ vậy, các bảo tàng có thể đa dạng hóa hoạt động để tạo ra nguồn thu nhập đáng kể.

Mục đích tối thượng của bảo tàng là “đem di sản đến với cộng đồng”. Việc làm thế nào để thu hút được nhiều công chúng đến bảo tàng thưởng ngoạn, từ đó phát huy giá trị di sản nhưng vẫn phải đảm bảo hài hòa tính khoa học của bảo tàng với chất lượng phục vụ tốt nhất luôn là bài toán khó. Bên cạnh đó, bảo tàng còn đảm nhiệm chức năng là một cơ quan giáo dục thẩm mỹ cho công chúng. Tại đây, công chúng có thể khám phá, học tập và trải nghiệm những kiến thức bổ ích khác ngoài kiến thức về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, địa lý… Vì vậy, bảo tàng không chỉ là nơi đến để giải trí, vui chơi mà còn là nơi đến để thu nạp kiến thức, lưu giữ và trải nghiệm cảm xúc của du khách.

Ngày nay, khái niệm văn hóa xem tranh đã được nhắc đến khá nhiều, nó gắn liền với hoạt động của bảo tàng mỹ thuật và hoạt động của giới mỹ thuật. Công chúng là một trong những chủ thể quan trọng trong văn hóa xem tranh. Vì vậy, việc làm thế nào để thu hút công chúng đến với bảo tàng là nhiệm vụ không dễ và là yếu tố sống còn đối với hầu hết các thiết chế văn hóa này, không chỉ ở Việt Nam mà ở các quốc gia khác trên thế giới cũng vậy. Từ đó, có thể thấy rằng, văn hóa xem tranh có vai trò quan trọng đáng kể trong sự phát triển của bảo tàng mỹ thuật, góp phần tạo mối gắn kết giữa bảo tàng với cộng đồng và phát huy giá trị di sản trong việc đưa bảo tàng ngày càng đến gần hơn với công chúng.

Ở Việt Nam, khi xã hội phát triển, văn hóa xem tranh ngày càng nhận sự quan tâm hơn của các cấp quản lý, từ trung ương đến địa phương, của các doanh nghiệp và những tổ chức, cá nhân. Đội ngũ các nghệ sĩ, cán bộ bảo tàng, người thưởng thức, sưu tầm tác phẩm nghệ thuật… trong những năm gần đây tăng mạnh cả về lượng lẫn về chất. Từ đó, dẫn đến gia tăng các nhu cầu về hoạt động mỹ thuật khác như đào tạo, truyền thông… Vì vậy, để xây dựng, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật trong công chúng, cần phải có nhiều hoạt động mỹ thuật, trong đó, hoạt động bảo tàng phải thực sự được đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Thực trạng và giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa xem tranh tại Việt Nam

Thực trạng

Trên thế giới, các bảo tàng mỹ thuật luôn là một địa chỉ tin cậy, điểm đến hấp dẫn của những người yêu nghệ thuật, cộng đồng cư dân địa phương và khách tham quan trong nước cũng như quốc tế. Theo thống kê, năm 2018, ước tính lượng khách đến Bảo tàng Louvre, Pháp là 10,2 triệu lượt; Bảo tàng Metropolitan, Mỹ, là 7,4 triệu lượt; Bảo tàng Vương quốc Anh có khoảng 5,9 triệu lượt. Một số bảo tàng khác như Hermitage (CHLB Nga), Prado (Tây Ban Nha) đón khoảng 3 triệu lượt khách mỗi năm.

Ở Việt Nam, hệ thống bảo tàng nói chung khá phong phú, về số lượng có 166 bảo tàng. Tuy nhiên, số lượng các bảo tàng mỹ thuật lại khá ít. Bốn bảo tàng được quan tâm nhiều nhất trong số các bảo tàng mỹ thuật gồm: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (BTMTVN, Hà Nội), Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế (Huế), Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng). Dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, và đạt được những kết quả nhất định nhưng số lượng khách tham quan đến các bảo tàng này còn khá khiêm tốn so với các bảo tàng trong khu vực và thế giới. Trong năm 2019, lượng khách tham quan BTMTVN khoảng hơn 50.000 lượt; Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM có 31.600 lượt; Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế đón 148.962 lượt, Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm là 290.000 lượt (1).

Một góc phòng trưng bày của Bảo tàng Tretyakov (Nga)

Cùng với sự phát triển của kinh tế, văn hóa và xã hội, vị trí, vai trò của các bảo tàng đã và đang tiếp tục được thay đổi, điều chỉnh để đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi đa dạng và ngày càng cao của công chúng. Các bảo tàng mỹ thuật ở nước ta là nơi lưu giữ, bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị các hiện vật mỹ thuật tiêu biểu - tinh hoa nghệ thuật mỗi dân tộc, địa phương vùng, miền… đồng thời là tài sản quý giá của kho tàng di sản quốc gia, ghi dấu cùng dòng chảy lịch sử đất nước. Hiện vật mỹ thuật ở những bảo tàng này khá phong phú, đa dạng nhưng do tính chất đặc thù, phần lớn diện tích không gian trưng bày được dành cho các tác phẩm hội họa, đồ họa (tranh) và điêu khắc (tượng). Trong số đó, có bảo tàng đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, từng được một số trang web nổi tiếng thế giới như TripAdvisor xếp vào danh sách bảo tàng hấp dẫn của khu vực. Tuy nhiên, hoạt động bảo tàng mỹ thuật ở Việt Nam nói chung vẫn còn một số tồn tại, bất cập về chất lượng nghệ thuật (có thể được hiểu là chất lượng các bộ sưu tập, nội dung trưng bày, hình thức trưng bày chưa thực sự cao).

Diện tích trưng bày của các bảo tàng mỹ thuật ở Việt Nam nhìn chung còn hạn chế, hẹp về chiều ngang, nông về chiều sâu, thấp về chiều cao, khiến cho khách tham quan hầu như không đủ không gian thích hợp để trải nghiệm cảm xúc theo nội dung chủ đề của mỗi bộ sưu tập trong bảo tàng. Ngoài ra, cách thức trưng bày ở nhiều bảo tàng còn đơn giản, ít có sự đổi mới sáng tạo và công nghệ... Nhiệt độ, ánh sáng thiếu đồng bộ, chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế. Có thể nói, hình thức trưng bày của các bảo tàng còn ít hấp dẫn và chưa mang lại hiệu quả cao như mong muốn trong việc phát huy giá trị của nội dung trưng bày.

Bên cạnh cơ sở vật chất, hoạt động dịch vụ thiết yếu mà bảo tàng cung cấp cho khách tham quan cũng góp phần quan trọng cho thành công của bảo tàng. Ví dụ, nơi đỗ phương tiện giao thông, nhà vệ sinh, tủ gửi đồ... của đa số các bảo tàng mỹ thuật ở Việt Nam còn hạn chế, chưa đủ đáp ứng chuẩn mực phục vụ công chúng. Các sản phẩm cung cấp thông tin, tuyến tham quan các sưu tập, hiện vật… trong bảo tàng còn thiếu khoa học, chưa hấp dẫn trong cách trình bày và chuyển tải nội dung. Hệ thống các cửa hàng ẩm thực, giải khát, giải trí… chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của khách tham quan. Các thương phẩm văn hóa trong cửa hàng lưu niệm của bảo tàng chưa phong phú, thiếu sự độc đáo. Chất lượng phục vụ của nhân viên, hướng dẫn viên của bảo tàng như trình độ ngoại ngữ, khả năng giao tiếp và trình độ chuyên môn… còn hạn chế, phần nhiều chưa làm khách tham quan thực sự hài lòng.

Trong số các bảo tàng mỹ thuật ở Việt Nam, phần nhiều đều sử dụng các tòa nhà cổ được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Không gian kiến trúc kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc phương Tây và phương Đông, nên được đánh giá là đẹp, đặc sắc, khá phù hợp để trưng bày các tác phẩm mỹ thuật. Các bảo tàng đều có cảnh quan khá đẹp, nhưng không gian bên ngoài bảo tàng như sân vườn thường không đủ lớn để có thể tổ chức sự kiện cũng như tạo ra những không gian trưng bày ngoài trời - một hình thức trưng bày mang tính kết nối hấp dẫn, để tạo cảm giác thoải mái, mới mẻ cho khách tham quan. Bên cạnh đó, do không gian trưng bày các tác phẩm nghệ thuật bên trong bảo tàng là không gian đã được chuyển đổi công năng nên sẽ rất khó để triển khai các ý tưởng trưng bày hiện đại, vì không gian hạn hẹp, tuyến tham quan không thuận lợi cho việc kết nối nội dung chủ đề của các sưu tập trong bảo tàng.

Nhiều trong số các bảo tàng mỹ thuật ở Việt Nam tọa lạc tại trung tâm thành phố nên việc di chuyển của khách tham quan bằng phương tiện giao thông khá thuận lợi. Nhưng các phương tiện giao thông công cộng chưa thực sự hoàn thiện trong khi đó phương tiện vận tải khác như ô tô du lịch cũng chưa thuận lợi do các bảo tàng này thường thiếu chỗ đỗ xe. Đây là hạn chế không nhỏ ảnh hưởng trực tiếp tới bảo tàng khi tiếp đón những đoàn khách có số lượng lớn.

Giải pháp

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, hoạt động trưng bày thường xuyên của bảo tàng cần phải bắt kịp với xu thế chung của thế giới, áp dụng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong việc trưng bày, đáp ứng với nhu cầu và sự phát triển của xã hội. Trong cuốn Cẩm nang Bảo tàng, Gary Edson và David Dean cho rằng: “Một phần trưng bày là một phương tiện tuyên truyền nhằm vào đối tượng là công chúng đông đảo với mục đích trao đổi thông tin, ý tưởng và cảm xúc liên quan đến những bằng chứng vật chất của con người và môi trường xung quanh con người với sự trợ giúp đắc lực của các phương tiện nghe nhìn và phương pháp đa chiều” (2).

Để thu hút khách tham quan cần phải tăng cường các hoạt động, đa dạng hóa sản phẩm và các dịch vụ của bảo tàng nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của công chúng.

 Đổi mới từ hình thức đến nội dung các cửa hàng lưu niệm trong bảo tàng (museum shops) vì chúng đóng vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ nhiệm vụ tuyên truyền - giáo dục của bảo tàng bên cạnh việc cung cấp và phục vụ cho cho tham quan những sản phẩm văn hóa khác, tạo thêm nguồn thu cho bảo tàng.

Cửa hàng ẩm thực, giải khát giúp khách tham quan không chỉ được thưởng thức nghệ thuật, ẩm thực mà có thể thư giãn ngay tại bảo tàng. Điều đó đem lại những cảm giác trải nghiệm khác ngoài nghệ thuật cho khách tham quan.

Để có thể phục vụ nhu cầu của khách tham quan ngày một tốt hơn, bảo tàng nên có sảnh nghỉ, phòng chờ và nơi gửi hành lý, phòng vui chơi dành riêng cho trẻ nhỏ nhằm tạo cảm giác thoải mái, chu đáo, tin cậy cho khách trong hành trình tham quan.

Bổ sung những thiết bị công nghệ phục vụ khách tham quan như: hệ thống thuyết minh tự động (audio guide), màn hình truy cập thông tin chuyên khảo trực tuyến, phòng xem phim, thư viện…

 Xây dựng không gian cho khách thực hành trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật.

Bên cạnh đó, bảo tàng cần trang bị thêm các hệ thống chỉ dẫn chuyên dụng và thực hiện các hoạt động nhằm phục vụ những đối tượng khách tham quan đặc biệt như: người tàn tật, khiếm thính… Mặc dù, đối tượng này không chiếm thị phần đáng kể so với tổng số khách tham quan bảo tàng, nhưng đây là một bộ phận cần được xã hội quan tâm, thể hiện được tinh thần nhân văn, bình đẳng trong việc chia sẻ, thụ hưởng những giá trị di sản văn hóa - nghệ thuật đến mọi thành phần trong xã hội.

Các bảo tàng mỹ thuật cần tăng cường quảng bá, xây dựng hình ảnh của mình trên tất cả các phương tiện truyền thông, bao gồm cả truyền thông mạng xã hội trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay. Đặc biệt, mỗi bảo tàng cần có những chiến lược phù hợp nhằm tăng cường và đa dạng hóa phương tiện truyền thông, marketing để nó trở thành một công cụ hữu ích giúp bảo tàng có thể tồn tại và thích ứng với sự phát triển, đổi mới của xã hội. Các bảo tàng cần xác định được đối tượng khách hàng tiềm năng trước mắt và lâu dài để có giải pháp quảng bá và đầu tư phù hợp.

Bên cạnh đó, bảo tàng mỹ thuật cần phối hợp với cơ sở đào tạo chuyên ngành để cung cấp thông tin, nhu cầu hoạt động thực tiễn cũng như những yêu cầu trong công tác chuyên môn của bảo tàng, nhằm mang đến cho sinh viên cơ hội được học tập, thực hành có ích và thú vị cũng như giúp cho nhà trường kết hợp tốt giữa học tập và thực hành một cách sáng tạo mà không bị máy móc, xa rời thực tế.

Để cộng đồng xã hội quan tâm và đến với bảo tàng không chỉ là nhiệm vụ từ chính các bảo tàng mà cần sự nỗ lực chung tay của toàn xã hội. Một mặt, bảo tàng cần có những chương trình giáo dục bổ ích và hấp dẫn được xây dựng trên cơ sở khai thác từ các sưu tập, hiện vật của bảo tàng nhằm thu hút công chúng đến tham gia khám phá và trải nghiệm các hoạt động của bảo tàng. Thông qua các chương trình giáo dục để định hướng thẩm mỹ và hình thành một thói quen thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật của mọi đối tượng, đặc biệt là thế hệ trẻ, tương lai của đất nước. Mặt khác bảo tàng cần chủ động tìm đến các trường học, tổ chức nhân sự… mang đến chương trình giáo dục với nội dung, chủ đề phù hợp, hấp dẫn, bổ ích để công chúng có cơ hội được khám phá, học tập, trải nghiệm cảm xúc và thực hành sáng tạo nghệ thuật ngay trong mỗi chương trình giáo dục.

Những đổi thay trong kinh tế, xã hội ngày nay cho thấy công chúng ngày càng có nhu cầu được tham gia vào các hoạt động của bảo tàng và bảo tàng chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu của công chúng thông qua các hoạt động, dịch vụ của mình. Vì vậy, một bảo tàng chuyên ngành như bảo tàng mỹ thuật càng cần đa dạng hóa hoạt động, sản phẩm và các dịch vụ để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của công chúng.

Bảo tàng (chủ sở hữu tác phẩm nghệ thuật) cần là nhịp cầu để công chúng (chủ thể thưởng thức nghệ thuật) có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu với nghệ sĩ (chủ thể sáng tạo nghệ thuật) để được chia sẻ và hiểu hơn về những tác phẩm và những câu chuyện đằng sau những tác phẩm. Chính những hoạt động này sẽ dần tạo ra thói quen đến bảo tàng, nhu cầu được xem tác phẩm và từ đó hình thành nên nhu cầu thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật dẫn đến sưu tập sở hữu tác phẩm nghệ thuật.

Riêng với BTMTVN, cần tái lập, vận hành Trung tâm tư vấn, giám định và phân tích dữ liệu mỹ thuật, tác phẩm nghệ thuật tạo hình Việt Nam, để nơi đây sớm trở thành điểm tựa vững chắc cho những vấn đề chuyên khảo cần có của công chúng khi tham quan học tập, nghiên cứu sưu tầm và đầu tư tác phẩm nghệ thuật.

Thực tế cho thấy, tham quan bảo tàng có thể được xem như con đường ngắn nhất dẫn công chúng hiểu biết nền văn hóa, lịch sử của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị, bản sắc, trí tuệ, hồn cốt văn hóa lâu đời của mỗi dân tộc mà nếu chúng ta biết trân trọng, khai thác, phát huy chúng một cách hiệu quả, khoa học và phù hợp, sẽ tạo ra những sản phẩm văn hóa phong phú, hấp dẫn thu hút ngày càng nhiều các đối tượng, không chỉ là khách tham quan đến thưởng ngoạn. Từ đó, đem lại hiệu quả, tạo nguồn kinh phí cho việc bảo tồn và sưu tập hiện vật của chính các bảo tàng, đồng thời phát huy di sản, góp phần phát triển kinh tế, tiếp tục thể hiện vai trò của văn hóa như “là nền tảng tinh thần là mục tiêu, động lực phát triển xã hội”. Từ đây, có thể khẳng định rằng văn hóa xem tranh có một vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động của bảo tàng, là thước đo cho trình độ phát triển của con người trong xã hội, đó cũng chính là động lực để góp phần phát triển một cách toàn diện và bền vững thị trường mỹ thuật Việt Nam.

__________________

1. Số liệu do các bảo tàng cung cấp.

2. Gary Edson - David Dean, The Hand Book for Museum, Taylor & Francis Ltd, 1997, p.203.

Tác giả: Đỗ Quốc Việt

Nguồn: Tạp chí VHNT số 435, tháng 8-2020

;