Được biết đến và xuất hiện ở Việt Nam từ nửa đầu những năm 1990, các hình thức nghệ thuật đương đại (1) ở Việt Nam đã từng bước phát triển trong cộng đồng nghệ sĩ cũng như nhận được sự quan tâm của ngày càng đông đảo công chúng. Nhìn lại hai thập kỷ tiến triển của nghệ thuật đương đại ở Việt Nam là dịp để nhận diện rõ nét hơn nhiệt huyết sáng tạo của nghệ sĩ trong nước dành để cống hiến cho công chúng, xã hội, cũng như mong ước của họ về một sự đồng hành mạnh mẽ hơn từ phía các cơ quan quản lý và sự hỗ trợ cho văn hóa nghệ thuật của toàn xã hội, nhằm thúc đẩy một sự phát triển sáng tạo, tiến bộ, tương ứng với vị thế mới của đất nước trên trường quốc tế trong thời kỳ hội nhập thực sự sâu rộng hiện nay.
Nghệ thuật đương đại thúc đẩy mở rộng biên độ sáng tác
Không chỉ gói gọn với thể nghiệm ở trong nhà, các nghệ sĩ đã mạnh dạn và hào hứng mang những ý tưởng mới mẻ trong cách sáng tác và thưởng thức nghệ thuật đến với cộng đồng.
Điển hình là chuyến đi thực tế ở Mỏ than Mạo Khê và sáng tác tại chỗ các tác phẩm sắp đặt, trình diễn, tranh tường của một nhóm nghệ sĩ Hà Nội vào cuối năm 2001. Ở đó, nghệ sĩ Trần Lương đã thực hành tác phẩm trình diễn Người cơm, một trong những tác phẩm điển hình trong sự nghiệp của anh (2). Tác phẩm video art của Nguyễn Trí Mạnh và Lê Vũ về cảnh công nhân mỏ tắm, gột rửa bụi than đen lấm láp để trở về vẻ đẹp của da thịt người tự nhiên đã làm rung động người xem. Tháng 3-2002, sự kiện triển lãm giới thiệu lại các sáng tác trong chuỗi ngày thực tế mỏ than Mạo Khê tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Hà Nội, thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam, với sự tham dự của đại diện quản lý và công nhân mỏ than, đã làm thay đổi theo hướng tích cực cách nghĩ của nghệ sĩ về khả năng tương tác của những hình thức nghệ thuật được coi là tiền phong nhất với các tầng lớp người lao động trong xã hội, cũng như về khả năng mở rộng chiều kích của việc sáng tác ra các không gian thực trong cuộc sống, thay vì chỉ có trong các khán phòng triển lãm, studio, gallery... Theo hướng này, từng có một nhóm các nghệ sĩ trẻ thực hiện một triển lãm ở một khu nhà đất ngoại vi Hà Nội, lấy tên sự kiện là Không ở trong nhà (năm 2001). Năm 2003, trong triển lãm nghệ thuật đương đại nhân ra mắt trụ sở mới của Viện Goethe Hà Nội, tiêu đề Xanh - Đỏ - Vàng, nghệ sĩ Nguyễn Minh Phước thực hiện một tác phẩm trình diễn với những người lao động ngoại tỉnh phải bỏ đất, bỏ biển ra Hà Nội làm thuê kiếm sống; nghệ sĩ Nguyễn Quang Huy thực hiện một video art về người lao động ngủ tạm bợ ở vỉa hè thị thành, chờ đêm qua để tới một ngày kiếm sống mới.
Một số nghệ sĩ trẻ khác cũng nhanh chóng mở rộng biên độ sáng tác của mình, dù họ làm trình diễn, sắp đặt hay những tác phẩm tổng hợp. Họ để chính bản thân mình và quá trình sáng tác tác phẩm có sự tương tác mạnh mẽ với đời sống bên ngoài nghệ thuật, có thể chỉ là một sự tương tác giả tưởng, một sự hòa lẫn nghệ sĩ và nghệ thuật vào trong đời sống để trải nghiệm và cân nhắc lại tư duy của mình cũng như của công chúng về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời. Có thể kể đến Nguyễn Huy An với tác phẩm đo chiều dài các con phố trong khu phố cổ Hà Nội rồi cuộn lại nhỏ xíu thành cuộn chỉ, như muốn thu lại cả Hà Nội 36 phố phường vào trong một ô trưng bày hình tam giác treo trên góc tường khiêm nhường, muốn người xem phải nhíu mày tò mò. Huy An cũng là thành viên của nhóm Phụ Lục, một nhóm nghệ sĩ trình diễn bền bỉ với triết lý riêng về mối tương quan hay sự mất thăng bằng giữa cá nhân con người và không - thời gian nơi họ sinh sống. Nhóm đôi khi có những tác phẩm trình diễn kéo dài nhiều ngày giờ, lẫn trong dòng người hối hả trên đường phố, hoặc chen chúc trong các đoàn tàu khách Bắc Nam.
Tác phẩm sắp đặt của Tiffany Chung
sáng tác riêng cho Singapore Biennale 2011
(Ảnh do Galerie Quỳnh cung cấp)
Các hình thức nghệ thuật đương đại cũng chính là vùng màu mỡ để những tiếng nói mới trong nghệ thuật của phái nữ được bày tỏ một cách rõ ràng và chủ động hơn. Không còn phải tuân thủ những nguyên tắc trường quy của hội họa hay điêu khắc hiện đại, nhiều nữ nghệ sĩ cảm thấy tự tin hơn với các ý niệm và nguyên tắc thẩm mỹ mới của mình, khi tham dự vào địa hạt của nghệ thuật trình diễn và nghệ thuật sắp đặt. Có thể kể đến Ly Hoàng Ly với tác phẩm Tháp mâm (năm 2001), một câu chuyện lấp lánh ẩn dụ về các gánh nặng truyền thống và khát vọng tự do cá nhân của phái nữ. Nguyễn Phương Linh với Thuyền muối, Hoa (năm 2009), những sắp đặt thơ mộng nhưng cũng rất mạnh mẽ trong ý niệm, khởi nguồn từ trải nghiệm riêng của chị với cuộc sống của người làm muối (diêm dân) ven biển Việt Nam. Lại Thị Diệu Hà với những trình diễn gợi nhắc tới phần bản năng yếu mềm, đơn độc của phái nữ. Bên cạnh đó lại có những câu chuyện thân phận giới khác được trình hiện một cách ấn tượng, thẳng thắn mà không kém phần tinh tế trong các tác phẩm của Lý Trần Quỳnh Giang, Nguyễn Thúy Hằng… Nghệ thuật cũng có thể được hiện ra thật khác biệt, dưới con mắt thong dong, nữ tính và nhẹ nhõm như những sáng tác với giấy và ánh sáng của Vũ Kim Thư; những sáng tác của chị tựa bài thơ haiku bằng hình ảnh, duyên dáng mà hàm súc.
Có thể nói, một phần nào tương tự như thời Mỹ thuật Đông Dương, các họa sĩ Việt Nam tiếp nhận những nguyên tắc tạo hình phương Tây và nhanh chóng phả vào đó tinh thần cá nhân rõ ràng mà tinh tế, thời nay, nhiều nghệ sĩ Việt Nam khi chủ động đến với các hình thức nghệ thuật mới, cũng đã sớm vượt qua giai đoạn bỡ ngỡ dò tìm, họ nhanh chóng nhập cuộc với ý thức cá nhân mạnh mẽ, thực hành nghệ thuật đương đại với một niềm vui thú và sự tự do nội tâm. Đến giai đoạn này, nghệ thuật đã không còn đơn thuần với vai trò dẫn dắt thẩm mỹ xã hội hay là công cụ tuyên truyền cho chính thể, nghệ thuật đã có thêm vai trò dẫn dắt sự phản biện xã hội và hướng đến sự tự do tinh thần.
Nghệ thuật đương đại góp phần kết nối người Việt năm châu
Nghệ thuật đương đại Việt Nam tiếp tục được làm giàu có hơn với sự tham gia ngày càng đông đảo của các nghệ sĩ gốc Việt, chủ yếu từ Pháp và Mỹ, trở về quê hương tìm kiếm các cơ hội mới. Đối với họ, sự cởi mở và tràn đầy sinh khí ở một đô thị đang phát triển như TP.HCM quả là một hấp lực.
Với ưu thế được đào tạo bài bản hơn ở các trường học chuyên ngành về nghệ thuật hoặc các bộ môn liên quan, cùng sự linh hoạt và năng động trong cách thức tiếp cận đời sống ở một nơi chốn vừa quen vừa lạ, lại trong tâm thế của một kẻ vừa đứng trong vừa đứng ngoài, các nghệ sĩ Việt kiều có rất nhiều lợi thế trong việc thực hành nghệ thuật đương đại ở Việt Nam. Và từ đây, họ lại nhanh chóng đến với những diễn đàn nghệ thuật quốc tế. Jun Nguyễn Hatsushiba, Đỉnh QLê, Tiffany Chung, Rich - Streitmatter Trần, Tuấn Andrew Nguyễn đã là những cái tên quan trọng mỗi khi nghệ thuật đương đại Việt Nam được nhắc đến.
Không những vậy, họ còn đóng góp rất nhiều cho cộng đồng thông qua việc thành lập những nhóm sinh hoạt chung, hoặc gây dựng những không gian nghệ thuật đương đại thuần chất, phi lợi nhuận, khuyến khích và thúc đẩy sự sáng tạo trong các thế hệ nghệ sĩ địa phương. Không thể không nhắc đến Wonderful District của Sandrine Llouquet và bạn hữu, Nhóm Little Bla Bla của Sue Haju và bạn hữu, giai đoạn 2001 - 2006, tiếp sau là Sàn Art của nhóm sáng lập gồm các nghệ sĩ Đỉnh Q Lê, Tuấn Andrew Nguyễn, Hà Thúc Phù Nam, Tiffany Chung, từ năm 2006 (3).
Ở một góc tiếp cận khác, Galerie Quỳnh tại TP.HCM của chị Quỳnh Phạm, một người Mỹ gốc Việt, tuy phải cân nhắc đến kinh doanh và lợi nhuận nhưng trong khả năng có thể, địa chỉ này vẫn dành một sự hỗ trợ nhất định cho một số tác giả và tác phẩm nghệ thuật đương đại Việt Nam theo một cách thức chuyên nghiệp, bền bỉ và linh hoạt.
Trong khoảng 2000 - 2010, bên cạnh ba trung tâm văn hóa nước ngoài là Viện Goethe Hà Nội, Trung tâm văn hóa Pháp và Hội đồng Anh, Quỹ Ford (Ford Foundation), Quỹ trao đổi và phát triển văn hóa – CDEF của ĐSQ Đan Mạch, Quỹ Đông Sơn Today (4) đã dành cho nghệ thuật đương đại Việt Nam rất nhiều sự hỗ trợ về tài chính và tinh thần sáng tạo. Nhiều cách thức hỗ trợ được áp dụng linh hoạt như tài trợ tổ chức triển lãm, workshop, giải thưởng, đặc biệt là hàng loạt sự kiện giới thiệu nghệ sĩ và sự kiện nghệ thuật nổi tiếng đương thời của đất nước họ ở Việt Nam (5).
Một số cá nhân người Việt cũng dành cho những hình thức nghệ thuật mới này một sự ủng hộ thực tâm, như mô hình Ryllega gallery của hai họa sĩ Nguyễn Minh Phước và Vũ Thụy. Thành lập từ đầu năm 2004, Ryllega được vận hành nhờ kinh phí của hai họa sĩ cùng sự đóng góp tùy điều kiện của một số nghệ sĩ khác. Từ năm 2005, Ryllega được Quỹ Đông Sơn Today tài trợ chi phí thuê địa điểm, các chi phí lớn nhỏ cho vận hành gallery và tổ chức triển lãm vẫn do cá nhân chủ gallery chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, đây còn là một địa chỉ học tiếng Anh miễn phí, cập nhật thông tin tài trợ và hỗ trợ nghệ sĩ trẻ làm hồ sơ xin tài trợ hoặc ứng tuyển vào các chương trình nghệ sĩ lưu trú quốc tế (6)… Tất cả các triển lãm ở Ryllega đều thuộc về những hình thức nghệ thuật đương đại và ở thời điểm đó, không thể bán để gallery có tiền hoa hồng bù trừ cho các chi phí lớn nhỏ không tên.
Trước năm 2010, Hà Nội có khá nhiều không gian ủng hộ, ưu tiên các sự kiện nghệ thuật đương đại như Salon Natasha, Nhà sàn Studio, Trung tâm Nghệ thuật đương đại của Hội Mỹ thuật Việt Nam (giai đoạn 2001 - 2003), Art Vietnam, Ryllega, Gallery Việt Nam, Viet Art Centre... TP.HCM có Blue Space Gallery, Galerie Quỳnh, Sàn Art, chưa kể đến các không gian riêng tư - những tụ điểm nhỏ lẻ kết nối với nhau tạo nên một mạng lưới các không gian, nơi nghệ sĩ có cơ hội bày tỏ khát vọng nghệ thuật cũng như thiết kế nên những mối quan hệ mới rộng mở với thế giới…
Nghệ thuật đương đại và màng lọc thời gian
Tuy nhiên, không phải là không có những nỗi buồn, sự bừng nở của các hình thức nghệ thuật đương đại cũng gây ra xáo trộn không nhỏ trong đời sống nghệ thuật Việt Nam.
Không ít nghệ sĩ đã có ý định lợi dụng sự tự do biểu đạt và sự phá vỡ đường biên giữa các bộ môn nghệ thuật để thực hành những sáng tác đương đại mà quên mất một điều: càng tự do biểu đạt thì càng khó che giấu được sự giả tạo của tâm hồn và trí tuệ người sáng tạo. Nghệ thuật đương đại chú trọng vào ba điểm: ý niệm, tiến trình sáng tác và khả năng tương tác với công chúng. Vì vậy, nghệ thuật đương đại đôi khi còn chứa đựng sự cực đoan, bất chấp hoặc bỏ qua tính thẩm mỹ và vì thế, nhiều nghệ sĩ nghĩ rằng họ có thể làm cái gì cũng thành “nghệ thuật đương đại”, miễn là không vẽ tranh hay nặn tượng. Nhưng họ thật chủ quan và đơn giản. Nghệ thuật đương đại chú trọng vào ý niệm nên nghệ sĩ phải luôn rèn giũa trí tuệ của mình. Tính thẩm mỹ của nghệ thuật đương đại không có nghĩa là vẻ đẹp bề ngoài của tác phẩm mà còn bao gồm sức sống của nó với chính cuộc sống đương đại gấp gáp và hào nhoáng, là khả năng đánh thức nhiều giác quan của người thưởng ngoạn. Chính vì thế, sức đào thải của nghệ thuật đương đại còn lớn hơn rất nhiều lần so với của hội họa hay điêu khắc. Một khi nghệ thuật đương đại không chọn nghệ sĩ nữa, anh ta sẽ chỉ còn cách đi làm những công việc khác hoàn toàn chứ không thể có cơ hội tiếp tục loay hoay với các vật phẩm thứ cấp như một anh họa sĩ hết thời mà vẫn có thể vẽ tranh làng nhàng để giết thời gian (7).
Thời gian chính là màng lọc tự nhiên và chuẩn mực, đồng thời minh chứng cho sức sống của nghệ thuật đương đại ở Việt Nam. Cho đến nay, đã có ít nhất ba thế hệ cùng làm nghệ thuật đương đại ở Việt Nam (8) và may mắn là cả ba thế hệ này đều cùng tiếp tục thực hành nghệ thuật đương đại. Thế hệ thứ ba, thú vị thay, lại có những thành viên đi học ở nước ngoài về, hoặc là học bậc đại học ngay sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông ở Việt Nam hoặc là học bậc cao học, sau khi có bằng đại học mỹ thuật ở trong nước. Lựa chọn đi du học về nghệ thuật là một lựa chọn quyết liệt và dũng cảm của các cá nhân, bởi lẽ đây vẫn là lĩnh vực không thể đem lại thu nhập cao cũng như danh tiếng nhanh chóng như các ngành kinh tế và giải trí đại chúng khác.
Một minh chứng quan trọng khác là sức sống của nghệ thuật đương đại ở Việt Nam cứ âm thầm, phi chính thống nhưng mạnh mẽ, đã được chính thức công nhận trong các văn bản pháp lý của Chính phủ, từ cuối năm 2013 (9). Việc chính thức hóa sự hiện diện của các hính thức nghệ thuật đương đại ở Việt Nam là một động thái quan trọng, hợp pháp hóa các hình thức nghệ thuật mà trước đây vẫn bị coi là “không biết thuộc dạng gì”, nên chứa đựng nhiều rủi ro về kiểm duyệt và sự tôn trọng tự do sáng tạo (10).
Thay lời kết
Từ sau năm 2010 cho đến nay, như một sự lan tỏa tự nhiên, nghệ thuật đương đại đã hiện diện ở nhiều thành phố lớn trong cả nước, trong các không gian công khai hoặc riêng tư, trong nhiều sự kiện nghệ thuật lớn ở khu vực và quốc tế, với rất nhiều sự tự hào, và hy vọng. Khi các trung tâm và quỹ văn hóa của nước ngoài đóng lại hoặc chuyển hướng tài trợ, đã kịp xuất hiện những nguồn lực hỗ trợ nội địa mới mà có thể, họ không hồn nhiên như các chủ nhân của Ryllega gallery ngày nào nhưng ít nhất, họ cũng góp phần quan trọng mở ra những cơ hội, tạo mới các điều kiện cho nghệ thuật đương đại Việt Nam phát triển (11). Ở Hà Nội, Huế, TP.HCM, liên tục xuất hiện các địa chỉ mới của nghệ thuật đương đại do tư nhân là người Việt Nam ở trong và ngoài nước đầu tư, hỗ trợ. Có nhiều nơi chỉ hoạt động trong một thời gian nhất định, nhưng cũng có những địa chỉ được đầu tư lớn với tham vọng tồn tại lâu dài. Có thể nhắc đến những cái tên Viet Art Centre, Bùi Gallery, Không gian Nghệ thuật Manzi, Module 7, Doclab, Nhansan Collective, Heritage Space, Cuc gallery, Six Space, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vingroup - VCCA (Hà Nội); New Space Art Foundation, Then CF (Huế); 3A Station, Zero Station, Địa Project, Cactus gallery, Salon Saigon, The Factory, Mot Plus (TP.HCM)…
Song song với đó là những bước trưởng thành của các thế hệ nghệ sĩ trẻ thể hiện qua sự độc lập làm việc của họ, sự tự tin của họ trước thế giới nghệ thuật rộng lớn. Ngôn ngữ nghệ thuật của họ cá nhân hơn và sâu sắc hơn trong khi các chủ đề nhân sinh bày tỏ trong nghệ thuật của họ được bồi đắp thêm nhiều lớp nghĩa rộng mở, chạm tới những vấn đề cốt lõi của nhân loại. Một số tên tuổi đang ngày càng nổi bật như Trinh Thi, Ưu Đàm Trần Nguyễn, Bùi Công Khánh, Hoàng Dương Cầm, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Phương Linh, Phan Thảo Nguyên, Oanh Phi Phi, Lê Hoàng Bích Phượng, Bàng Nhất Linh bên cạnh những tên tuổi gạo cội khác đã cho thấy dòng chảy nghệ thuật này ở Việt Nam luôn mạnh mẽ như khởi đầu. Điều đặc biệt là dù rất mạnh mẽ với các ý niệm nghệ thuật riêng, một số nghệ sĩ độc lập vẫn tìm về nhiều phương diện truyền thống, có thể chỉ là chất liệu quen thuộc như tranh lụa, sơn mài, gốm nhưng lại được tiếp biến và đối sánh bởi những điểm nhìn khác biệt. Và chưa có khi nào mà các nghệ sĩ đương đại sẵn sàng với mọi giao diện nghệ thuật và đề xuất công nghệ đến thế: không chỉ còn là nghệ thuật sắp đặt với các vật thể, nghệ thuật trình diễn với sức chịu đựng của cơ thể vật lý mà nghệ thuật đương đại đã sẵn sàng đồng hành cùng các giao diện ảo, với các ứng dụng trên điện thoại thông minh (12). Từ một dòng chảy ngầm cuốn hút nghệ sĩ tò mò với cái mới, cái họ không thể nắm bắt, nghệ thuật đương đại có vẻ như đang trở thành một thế lực mới, thu hút người giàu ở Việt Nam đầu tư, sưu tập và hỗ trợ…
Trong vòng xoay của cuộc sống ngày một gấp gáp này, trong xu thế không thể cưỡng lại của sự hội nhập hoàn toàn với thế giới, sức sống của nghệ thuật đương đại ở Việt Nam cho thấy khát vọng lớn của một dân tộc hướng đến sự văn minh chung của nhân loại, tôn trọng những giá trị căn bản của sự sáng tạo và sự tiến hóa về thẩm mỹ. Nghĩa là từ thượng cổ với trống đồng, cho đến hôm nay với nghệ thuật đương đại, những người Việt Nam sáng tạo đã liên tục gửi tới thế giới những đóng góp độc đáo và giàu sức mạnh nội tâm.
Trong gần trọn vẹn TK XX, các thế hệ họa sĩ và nhà điêu khắc Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành công với những bước đi tiền phong trong tư duy sáng tạo và cả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Họ đã tạo nên một nền mỹ thuật hiện đại chứa đựng đa dạng những tiếng nói cá nhân và phong phú những đặc điểm gợi nhắc đến một truyền thống văn hóa và nghệ thuật giàu bản sắc. Được thừa hưởng nền tảng quan trọng ấy, các thế hệ trẻ tưởng là có đặc ân nhưng trong bối cảnh xã hội đổi thay, mở cửa và hội nhập với thế giới, nền tảng thành tựu truyền thống đôi khi trở thành áp lực, khiến cho những người có tuổi thì không dám vượt qua chính mình, người trẻ hơn lại lúng túng giữa thế giới nghệ thuật mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đó là chưa kể sức hấp dẫn đến ám ảnh của đồng tiền và thị trường do khách nước ngoài chi phối cũng khiến cho nhiều họa sĩ chấp nhận trở thành một người sản xuất trong hội họa thay vì là người sáng tạo. Giữa bối cảnh ấy, các nghệ sĩ của nghệ thuật đương đại Việt Nam trở thành những nhân tố nhanh chóng chiếm ưu thế. Từ thế hệ đầu tiên với ý thức đổi mới mạnh mẽ ngôn ngữ nghệ thuật của mình dù xuất thân là họa sĩ, nghệ sĩ gốm, nhà điêu khắc, các thế hệ tiếp theo đã quyết liệt hơn và kể những câu chuyện từ Việt Nam để trở thành một nghệ sĩ với tất cả ý nghĩa đẹp đẽ nhất của từ này. Họ tò mò với những ngôn ngữ nghệ thuật mới và tìm cách đi cùng chúng để chuyền tải tinh thần nhân bản, chạm tới nhiều hơn những góc khuất tâm lý, ký ức và cảm xúc của công chúng toàn cầu. Vị thế ngoại vi viễn đông của một điểm đến nghệ thuật Việt Nam đã không còn làm thế giới tò mò vì sự mới lạ của nó nữa. Khát vọng của nghệ sĩ đương đại Việt Nam là có sự tự tin để cùng mọi nghệ sĩ khác trên thế giới này kể những câu chuyện của chung nhân loại.
_______________
1, 9. Tháng 10 - 2013, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 113/2013/NĐ- CP Về hoạt động mỹ thuật, trong đó ghi rõ: “nghệ thuật sắp đặt và các hình thức nghệ thuật đương đại khác” được gọi là tác phẩm mỹ thuật”. Trong Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định này, có giải thích cụ thể: “Các hình thức nghệ thuật đương đại khác bao gồm: video art; sắp đặt video, sắp đặt ánh sáng; vẽ trên cơ thể người (body art); nghệ thuật trình diễn (performance art)”.
2. Tác phẩm này được chọn giới thiệu trong Triển lãm Sunshower: Contemporary Art from Southeast Asia 1980s to Now (Sunshower - Nghệ thuật đương đại Đông Nam Á từ thập niên 1980 đến nay) do Trung tâm châu Á của Quỹ văn hóa Nhật Bản (Japan Foundation), Bảo tàng Nghệ thuật Mori (Mori Art Museum) và Trung tâm Nghệ thuật quốc gia Tokyo (The National Art Center Tokyo) phối hợp tổ chức, trưng bày trong hai giai đoạn: tại Bảo tàng Nghệ thuật Mori và Trung tâm Nghệ thuật quốc gia Tokyo (từ ngày 5-7 đến 23-10 - 2017) và tại Bảo tàng Nghệ thuật Fukuoka (Fukuoka Art Museum), từ 3-11 đến 25-12-2017.
3. Từ năm 2018, Sàn Art trở thành một không gian độc lập của riêng nghệ sĩ Đỉnh QLê, các nghệ sĩ khác đã hoàn toàn rút khỏi vai trò sáng lập. Tác giả trò chuyện với nghệ sĩ Đỉnh QLê, TP.HCM, tháng 7 - 2018.
4. Đông Sơn Today Foundation thành lập đầu năm 2005 bởi ông Frederick Harris, nghệ sĩ người Mỹ cư ngụ tại Nhật Bản. Ông vận động một số người bạn đóng góp để gây dựng quỹ, tài trợ cho nghệ sĩ trẻ làm nghệ thuật đương đại ở Hà Nội. Quỹ này đóng cửa trong năm 2010.
5. Tiêu biểu như Viện Goethe Hà Nội hỗ trợ đưa các triển lãm QUOBO - nghệ thuật đương đại Đức sau ngày nước Đức thống nhất, triển lãm tranh trừu tượng của nghệ sĩ Gerard Richter, triển lãm và workshop với Wolfgang Laib, đến Hà Nội; các cuộc thi Ánh mắt trẻ liên tục trong 5 năm 2001 - 2005 do Đại sứ quán Pháp tài trợ; Quỹ Trao đổi và Phát triển văn hóa (CDEF) - ĐSQ Đan Mạch tài trợ đều đặn hằng năm cho các dự án nghệ thuật đương đại, tổ chức cuộc thi tài năng trẻ trong Nghệ thuật trình diễn (2008), Hội họa (2010).
6. Sau một thời gian ngắn, họa sĩ Vũ Thụy rút lui khỏi công việc của Ryllega, một mình nghệ sĩ Nguyễn Minh Phước đảm trách. Ryllega đóng cửa năm 2009. Tác giả trao đổi với Nguyễn Minh Phước, Hà Nội, tháng 6-2006 và tháng 10 - 2018.
7. “Nghệ thuật đại sứ quán” - chữ dùng của họa sĩ Nguyễn Quân từ giữa những năm 2000, ngụ ý cho những xu hướng sáng tác “chiều” theo các tiêu chí tài trợ của những quỹ, tổ chức văn hóa nước ngoài hoạt động ở Việt Nam. Nhiều người nhận được tài trợ, làm triển lãm lớn nhỏ, nhưng sau đó không còn khả năng tiếp tục phát triển con đường nghệ thuật của mình bởi sự sáng tạo với nghệ thuật đương đại không phải là nhu cầu tự thân của họ.
8. Thế hệ đầu tiên thực hành từ đầu những năm 1990, thế hệ tiếp theo trở thành những nghệ sĩ có tên tuổi từ cuối những năm 2000 trở đi, thế hệ thứ ba là những bạn trẻ sinh ra trong thập niên 1990.
10. Theo nguyên tắc hành chính, các triển lãm mỹ thuật đều phải được cấp giấy phép triển lãm trước khi chính thức khai mạc, đảm bảo tác phẩm không đi ngược lại với các quy định của pháp luật và thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Tuy nhiên, trong một thời gian, các hình thức nghệ thuật đương đại, khi được thực hành ở Việt Nam, lại không phù hợp với bất cứ quy chế cấp phép triển lãm vốn chỉ dành cho các hình thức mỹ thuật hiện đại gồm hội họa, điêu khắc, đồ họa sáng tác. Chính vì thế, cho đến trước khi có Nghị định số 113/2013/NĐ- CP Về hoạt động mỹ thuật, các cơ quan quản lý văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam lúng túng trong việc xác định thể loại cũng như nội dung tư tưởng của các sáng tác nghệ thuật đương đại. Hệ quả là nhiều triển lãm đã bị hủy bỏ.
11. Từ năm 2010 đến nay, ở Hà Nội, Huế, TP.HCM, liên tục xuất hiện các địa chỉ nghệ thuật đương đại do tư nhân trong nước đầu tư, hỗ trợ. Có nhiều nơi chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn, nhưng cũng có những địa chỉ được đầu tư lớn với tham vọng tồn tại lâu dài.
12. Into the Thin Air 2, dự án nghệ thuật đương đại do Không gian nghệ thuật Manzi tổ chức tại Hà Nội, tháng 10- 2018, thậm chí đã xây dựng một ứng dụng (application) trên điện thoại thông minh để khán giả dò tìm và tương tác với các tác phẩm trong dự án, được rải rác ở nhiều địa điểm trong thủ đô Hà Nội. Khán giả buộc phải có điện thoại thông minh và tai nghe mới thưởng thức được chúng.
Tác giả: Đào Mai Trang
Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020