Thời Lê Trung hưng (1533-1789), hai thế lực song hành là vua Lê, chúa Trịnh một lòng hướng Phật. Theo đó, nhiều công trình mỹ thuật Phật giáo ra đời. Đây được coi là thời kỳ phục hưng của nghệ thuật dân tộc lần thứ hai, sau thời Lý (1009-1225). Giai đoạn này cũng đánh dấu thời kỳ phát triển huy hoàng của loại hình điêu khắc chân dung nhân vật, những người có công đóng góp tiền của xây dựng đền, chùa, làm việc phúc đức, được ghi nhận, tạc tượng thờ. Tượng Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (1) là đại diện xuất sắc cho nghệ thuật tạo tượng chân dung Việt Nam TK XVII.
Bà Trịnh Thị Ngọc Trúc được thể hiện trong trang phục hoàng gia, đang ngồi thiền định. Bà đội Bảo quan (mũ báu), trước trán có hình tượng Phật, là loại mũ dành cho tượng Quan Âm Bồ tát. Trên cổ bà, có đeo chuỗi tràng hạt. Gương mặt bà tròn đầy, phúc hậu, mang nét quý tướng theo quan niệm Phật giáo, thể hiện lòng từ bi, trí tuệ, sự kiên định. Bộ lễ phục mà Hoàng Thái hậu mặc được mô tả cặn kẽ, tỉ mỉ, chân thực. Nhìn từ phía trước, tỷ lệ tạo tượng hài hòa, gần với người thực. Tượng được làm bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng, hoa văn trang trí trang phục cầu kỳ, chạm khắc tinh xảo.
Tượng Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, Chùa Mật, tỉnh Thanh Hóa
Nguyên pho tượng Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc cùng với các pho tượng vua Lê Thần Tông và năm bà vợ khác của ông được thờ tại chùa Đại Bi (còn gọi là chùa Mật Sơn/ chùa Mật), ở núi Ngọc Nữ, thôn Mật Sơn, xã Bố Vệ, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Theo tư liệu ghi chép ở chùa Mật, chùa do vua Lê Huyền Tông (1663-1671) cho dựng vào năm Tân Hợi, Cảnh Trị 9 (1671) để thờ vua cha là Lê Thần Tông (1649-1662) cùng các bà vợ của cha (2).
Tượng Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc cùng với vua Lê Thần Tông và 5 bà vợ khác của ông được xếp vào dạng tượng Hậu Phật (3) trong điêu khắc truyền thống Việt Nam. Hiện nay, tượng vua Lê Thần Tông và 5 bà vợ còn được thờ phụng tại chùa (4), riêng tượng Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc đã được dời về Bảo Mỹ thuật Việt Nam (BTMTVN).
Nghệ thuật tạo hình
Ngôn ngữ tạo hình tượng Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc là sự kết hợp hài hòa của nghệ thuật Phật giáo mang tính tượng trưng với điêu khắc chân dung tả thực. Nhìn tổng thể, pho tượng mang vẻ đẹp quý phái. Nét mặt nhân vật thông tuệ, đôn hậu, trang phục lộng lẫy, lộ vẻ cao sang, quyền quý.
Tượng cao 111cm (bao gồm cả bệ). Nếu lấy diện mặt làm quy chuẩn thì tỷ lệ tạo tượng phù hợp với công thức “tứ tọa lập thất, trường diện tam trùng, nhất diện phân lưỡng kiên” (5). Tỉ lệ tạo tượng này gần gũi với tỉ lệ cơ thể của người hiện đại. Pho tượng thể hiện một người phụ nữ có dáng người cân đối, gương mặt tròn đẹp, đôi mắt hơi nhìn xuống. Nhân vật ngồi tọa thiền ngay ngắn, hai chân khoanh tròn, đôi bàn chân được giấu dưới lớp áo dài. Bàn tay phải giơ lên, lòng bàn tay hướng về phía trước, các ngón tay thả lỏng tự nhiên, ngón vô danh (6) cong lại, ngón cái có xu hướng bắt vào ngón vô danh (7). Tay trái để ngang hông, bàn tay duỗi thẳng, lòng bàn tay hướng lên trên. Nếu so sánh với tượng các bà vợ khác của vua Lê Thần Tông ở chùa Mật, từ gương mặt, dáng người tới trang phục, thì tượng chân dung bà Ngọc Trúc là pho tượng đẹp, có tỉ lệ cân đối, hài hòa hơn cả.
Các tranh, tượng chân dung của người Việt thời trung đại thường được vẽ, tạc cho mục đích thờ phụng. Với quan niệm tranh, tượng là xác thân thứ hai, nơi gửi gắm linh hồn của con người sau khi qua đời nên khi vẽ tranh, tạc tượng nhân vật, người ta đã lựa chọn cách truyền thần nhân vật ở những chi tiết nhất định. Gương mặt, trang phục nhân vật luôn được chú trọng gợi tả một cách trau chuốt. Riêng phần lưng tượng thường được tạo dáng có phần sơ sài và thẳng sừng sững. Một số pho tượng có phần đầu to, chân ngắn, gây cảm giác thiếu cân đối. Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung cho rằng, chính không gian thờ tự với khói hương nghi ngút, đèn nến lung linh cùng với những đồ thờ bày la liệt che lấp pho tượng đi một phần đã hóa giải cho những điểm hạn chế của lối tạo hình tưởng như thiếu mất tỉ lệ cân đối về con người. Ông đã mô tả lại ấn tượng của mình về những pho tượng tạc vua Lê Thần Tông và 6 bà vợ, sau khi đến chùa Mật vào một ngày rằm, năm 1932: “...giữa những đám ánh sáng lửa vàng của đèn nến và màu lam của khói hương từ từ bốc lên, tôi thấy những tượng yên lặng đó bỗng nhiên nhúc nhích. Thật là kỳ diệu: những nếp áo của tượng có đường cong nhỏ với những nếp cong của khói, có thể nói là “hòa âm” với nhau mà cùng bốc lên. Những nét môi ngang của các pho tượng tuy sơ sài nhưng mỗi nét một vẻ, cùng tươi tỉnh mỉm cười. Hai má phinh phính, ánh lửa vờn vào trong thật là kỳ diệu” (8). Cũng nhờ những ghi chép của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung mà ta biết được, đến năm 1963, “mặt phấn của tượng đã bị tô lại một cách tai hại” (9). May mắn là kể từ khi pho tượng Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc được đưa về bảo quản, lưu giữ tại BTMTVN cho đến nay, màu sắc trang phục của tượng vẫn được giữ vẹn nguyên. Còn theo thời gian, tính đến hiện tại, các pho tượng còn lại ở chùa Mật đều đã bị sơn thếp lại nhiều lần.
Một tư liệu quý về trang phục Hậu cung triều Lê Trung hưng
Sử sách có ghi chép về những lần định mẫu y phục của triều đình, giai đoạn từ 1653 đến 1664, tuy nhiên không thấy ghi chép cụ thể về trang phục của Hậu cung (10). Dựa trên trang phục của Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc và trang phục của các bà Hoàng, được thể hiện trên nhiều bức điêu khắc Hậu Phật, chúng ta phần nào hiểu rõ hơn về trang phục của Hậu cung vua Lê TK XVII. Trang phục Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc mặc có lẽ là một dạng lễ phục (11).
Tượng Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc được thể hiện có mái tóc dài rất đẹp. Ngoài kim cài tóc và Bảo quan (12) đội đầu được trang trí hết sức cầu kỳ, tinh xảo, có thể nhận thấy tạo hình búi tóc cũng là dạng thức thường gặp trên các tượng, phù điêu thể hiện nhân vật nữ trong không gian tín ngưỡng của người Việt TK XVII. Tóc được vén gọn trên đỉnh đầu, tạo kiểu búi tóc có dáng như tai thỏ rồi được buộc gọn bằng một dải lụa. Phần tóc ôm sát đầu được chia thành nhiều lọn nhỏ và tạo các múi đều nhau. Tóc ở sau gáy được cố định bằng một tấm vải đỏ (13), đuôi tóc buông dài. Phần tóc từ vai trở xuống đươc buộc hờ bằng sợi dây đỏ và bôi dầu/sáp rất mượt.
Kim cài tóc được trang sức với châu báu, mặt trước có tạo dáng hình cánh sen nhiều lớp, mặt sau để trống, lộ rõ búi tóc phía dưới. Kim cài tóc được cố định trên búi tóc bằng một trâm cài (hướng cài trâm từ tay phải sang). Bảo quan có kết cấu dạng tam sơn (14), mở ở chỗ búi tóc. Đai mũ ôm sát đầu. Mặt trước Bảo quan được tạo tác như một chiếc vương miện chạm khắc tỉ mỉ, trên đó gắn nhiều trang sức, châu báu; điểm nhấn là hình tượng đức Phật ngồi tọa thiền trên đài sen. Hào quang của đức Phật tỏa ra trong bố cục hình lá đề với những hoa văn mây lửa, tạo thành một đỉnh của tam sơn. Hai đỉnh còn lại cũng có bố cục hình lá đề nổi lên từ trên đài sen ở phía trên hai tai. Mặt sau Bảo quan có cấu tạo đơn giản hơn so với mặt trước, chỉ trang trí hoa văn mây cuốn hai lớp, to bản.
Bảo quan dạng tam sơn có gắn tượng đức Phật ở trước trán này là bảo quan của Quan Âm Bồ tát. Qua hệ thống tượng chân dung các bà Hoàng, bà Chúa được làm vào TK XVII, có thể thấy, phần lớn trong đó đều được mang lễ phục hoàng gia và đội Bảo quan của đức Quan Âm Bồ tát. Tiêu biểu như tượng chân dung Hiền phi Trương Thị Ngọc Lãnh (15), tượng chân dung bà Vương phủ đệ nhị cung tần Trần Thị Ngọc Am (16), chân dung các bà Hoàng vợ vua Lê Thần Tông, chân dung một số công chúa, mệnh phụ trong TK XVII - XVIII ở chùa Bút Tháp (tỉnh Bắc Ninh)... Bởi đức tin rằng Đạo Phật phù trợ khiến vận nước vững bền nên tầng lớp quý tộc phong kiến ra sức xây dựng chùa, tháp. Mặt khác, cửa chùa cũng là nơi các bà Hoàng, bà Chúa gửi gắm ước vọng và tâm tư, là chỗ dựa tinh thần cho họ lúc tuổi già và ngay cả khi đã lìa xa cõi tạm. Họ là những người tích cực tham gia vào việc dựng chùa, tô tượng, làm việc phúc đức. Nhiều người là những bậc tu tập đã đạt đến quả vị vị lai Phật, có sắc phong hoặc thụy hiệu, được tôn xưng là những vị Phật, Bồ Tát cứu thế. Họ được bầu Hậu, tạc tượng thờ. Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc là người tu hành, có công dựng chùa tô tượng ở nhiều nơi; hệ thống văn bia ở chùa Bút Tháp ghi nhận bà là “hậu thân của Bồ tát giáng sinh”, “Thánh Thiện Hoàng hậu”, được tặng phong “Thánh Thiện Bồ tát”.
Mặc dù đội mũ mang dấu ấn Phật giáo rõ nét nhưng trang phục trên tượng Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc cho thấy xuất thân cao quý của một bậc mẫu nghi thiên hạ. Bên ngoài là một áo choàng vai, có ba lớp dải bí che kín ngực, bụng và lưng. Ngay sau áo choàng vai là lớp áo tay thụng có viền cổ và lớp lót bên trong màu xanh (thanh cát), mặt ngoài thân áo màu đỏ điều, có thêu/vẽ hoa văn mây và ngọc báu bằng vàng. Qua phần cổ áo phía trên, lộ ra sau áo choàng vai, có thể phỏng đoán: các lớp áo bên trong là dạng áo giao lĩnh (cổ vạt chéo), tay thụng. Tay áo rộng để lộ nhiều lớp áo lót phía trong có màu sắc trang nhã, đẹp mắt.
Áo choàng vai của bà Ngọc Trúc là một trong những tấm áo choàng vai đẹp nhất trên thân tượng các bà Hoàng TK XVII còn thấy được. Mặt trước áo có chạm nổi môtip song long hí phượng (hai con rồng đang đùa nghịch, chầu vào con chim phượng ở giữa) trước ngực. Mặt sau áo bị tóc che đi một phần nhưng hai bên giáp cầu vai thể hiện đầy đủ mỗi bên một con chim phượng đang múa. Nghệ thuật chạm khắc nổi khối tinh tế, thể hiện sự xa hoa, lộng lẫy của đời sống cung đình đương thời. Áo choàng vai được sử dụng phổ biến trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Có thể thấy chiếc áo choàng vai trên thân các pho tượng Hậu, thể hiện chân dung nữ quý tộc (vợ vua chúa, quan lại), hay ở tạo hình các tiên nữ/ vũ nữ trên chạm khắc đình, chùa ở miền Bắc Việt Nam (TK XVII, XVIII). Đây là loại áo được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo hay lễ hội truyền thống của người Việt. Áo cũng được dành sử dụng nhân những nghi lễ quan trọng như lễ cưới. Ngày nay, áo choàng vai chủ yếu được sử dụng trong một số nghi lễ tôn giáo, hoặc các lễ hội truyền thống.
Tượng Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc là đại diện xuất sắc cho nghệ thuật điêu khắc tượng chân dung Hậu Phật Việt Nam. Bên cạnh giá trị nghệ thuật, tác phẩm cũng mang nhiều giá trị lịch sử khi thể hiện chân dung một con người có thật. Tác phẩm cũng mang giá trị văn hóa đặc sắc khi phản ánh tục thờ Hậu Phật, một phong tục cho thấy quan niệm của người Việt xưa về cuộc sống sau khi chết.
Với giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật và giá trị văn hóa đặc biệt, pho tượng Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc đã được công nhận là Bảo vật quốc gia theo quyết định số 2559/QĐ-TTg, ngày 30-12-2013 (17).
_______________
1. Theo sử sách ghi lại, Trịnh Thị Ngọc Trúc (có sách phiên âm là Ngọc Hành/Ngọc Hạnh) là con gái Thanh Đô vương Trịnh Tráng. Trước khi được gả cho vua Lê Thần Tông, Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Trúc là vợ của Cường Quận công Lê Trụ (1588-1639), họ có 4 người con. Quận công Lê Trụ lập mưu tạo phản nhưng bất thành, bị bắt giam. Năm 1630, Chúa Trịnh Tráng ép gả Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Trúc cho vua Lê Thần Tông, cháu họ của Lê Trụ - khi đó còn đang bị giam trong ngục. Vua Lê Thần Tông ở vào thế “trót đã xong việc, lấy gượng vậy” và lập bà làm Hoàng hậu. Ở thời điểm bị ép gả, bà hơn nhà vua 12 tuổi, thêm nữa, mối quan hệ giữa bà và vua Lê Thần Tông vô cùng đặc biệt: với tư cách là vợ Cường Quận công Lê Trụ, bà là bác dâu của vua; với tư cách là con gái chúa Trịnh Tráng, bà là chị họ của vua.
Bà Trịnh Thị Ngọc Trúc là chính cung Hoàng hậu của vua Lê Thần Tông nhưng hai người không có con chung. Năm 1643, khi vua Lê Thần Tông truyền ngôi cho con là Hoàng Thái tử Duy Hựu (vua Lê Chân Tông), Hoàng hậu Ngọc Trúc được tấn tôn làm Hoàng Thái hậu. Sau, bà theo Hòa thượng Chuyết Chuyết xuất gia tu hành tại chùa Phật Tích và Bút Tháp. Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc còn được biết đến là bà chúa Kim Cương. Vì cuối đời, bà xuất gia tu hành với đạo hiệu Pháp Tính nên một số nhà nghiên cứu cho rằng, bà chính là tác giả của bộ từ điển Chỉ Nam ngọc Âm giải nghĩa, bằng chữ Hán Nôm, một trong những cuốn từ điển Hán Nôm cổ nhất trong lịch sử tiếng Việt. Bà mất ngày 22-5, hiện vẫn chưa rõ năm mất.
2. Tư liệu có tên Mật Sơn Đại Bi tự, hiện được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, ký hiệu AB.633.
Trong các tài liệu sử thời Nguyễn ghi chép về chùa Đại Bi, không có sự thống nhất về niên đại dựng chùa. Theo sách Đại Nam nhất thống chí tỉnh Thanh Hóa (tập hạ, tr.27, sách do Quốc sử Quán triều Nguyễn soạn thảo, Á Nam Trần Tuấn Khải phiên dịch, Nha Văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, năm 1960, Sài Gòn), chùa Mật được dựng vào thời vua Lê Thánh Tông (trị vì từ 1460 - 1497); sách Đại Nam nhất thống chí do Viện Sử học phiên dịch và chú giải lại cho biết: Vua Lê Thần Tông (trị vì từ 1619-1643,1649-1662) mới là người cho dựng chùa và tô tượng (tập 2, tr.243, Nxb Thuận Hóa, 2006)… Mặc dù vậy, căn cứ trên tạo hình tượng vua Lê Thần Tông và 6 bà vợ, chúng tôi nghiêng về tư liệu viết ở chùa Đại Bi, Mật Sơn Đại Bi tự. Theo tư liệu này, chùa Mật do vua Lê Huyền Tông (trị vì từ 1662-1671) xây dựng vào năm 1671 để thờ vua cha và các bà vợ của cha.
3. Hậu Phật là một thuật ngữ Phật giáo, chỉ Phật xuất hiện đời sau, tức vị lai Phật Di Lặc Bồ Tát. Ở Việt Nam, khái niệm Hậu Phật cũng dùng để chỉ những người có công đức dựng chùa, tô tượng, làm việc phúc, được nhân dân ghi nhận và bầu làm Hậu Phật, cũng có khi là những người được con/cháu mua Hậu cho, được thờ tự ở chùa. Nguồn tham khảo: Lao Tử - Thịnh Lê, Từ điển Nho - Phật - Đạo, Nxb Văn học, Hà Nội, 2001.
4. Hồi đầu Kháng chiến chống Mỹ, chùa bị bom tàn phá, các pho tượng được nhân dân đưa vào hang đá để bảo vệ. Sau đó, họ lại chuyển tượng về đền Lê (Bố Vệ, nay thuộc thành phố Thanh Hóa), một giai đoạn được chuyển giao cho Ty Văn hóa Thanh Hóa giữ. Khi chùa Mật (Đại Bi) được dựng lại, các pho tượng được đưa trở lại chùa để thờ. Riêng tượng bà Ngọc Trúc được chuyển giao cho BTMTVN lưu giữ.
5. Tứ tọa lập thất: có nghĩa là chiều cao của tượng ở thế ngồi gấp bốn lần chiều cao của riêng đầu tượng, chiều cao của tượng ở thế đứng gấp bảy lần chiều cao của riêng đầu tượng; nhất diện phân lưỡng kiên: chiều dài của mặt tượng bằng 1/2 chiều ngang nối hai đầu vai tượng; trường diện tam trùng: chiều dài gương mặt được chia đều thành ba phần: từ cằm đến chân mũi bằng từ chân mũi đến chân mày và bằng từ chân mày đến chân tóc.
6. Tức là ngón áp út, gọi cách khác là ngón tay đeo nhẫn.
7. Có nghĩa là ngón cái và ngón vô danh của tượng chưa chạm vào nhau (chưa kết ấn Tam muội). Hình thức để tay gần giống với cách bắt ấn Tam muội (cũng gọi là ấn Cát Tường, ấn Chính định). Ấn Tam muội làm cho lòng người lắng lại, chú tâm, không tán loạn, phóng ra sự an lành.
8, 9. Nguồn: Nguyễn Đỗ Cung, Tìm hiểu và phát triển vốn cũ của nghệ thuật dân tộc, Báo Văn nghệ, số 68, tháng 1-1963.
Thời điểm cố họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung đến thăm chùa Mật năm 1932, tượng bà Ngọc Trúc, vua Lê Thần Tông và các phi tần vẫn còn được thờ tại đây.
10. Thần Tông năm thứ năm, niên hiệu Khánh Đức (1653), tháng 6, định mẫu y phục trong nước; Huyền Tông năm thứ hai, niên hiệu Cảnh Trị (1664), mùa thu tháng 7, định rõ lệnh về y phục quan chế nhưng đều không thấy ghi chép cụ thể về trang phục Hậu cung. Nguồn: Phan Huy Chú (bản dịch của Tố Nguyên Nguyễn Thọ Dực), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 4: Lễ nghi chí, Tủ sách cổ văn, Ủy ban dịch thuật, Bộ Văn hóa - Giáo dục và Thanh niên, xuất bản, Sài Gòn, 1974.
11. Chúng tôi căn cứ trên trang phục của vua Lê Thần Tông ở chùa Mật, vua đội mũ xung thiên, mặc áo hoàng bào, đai ngọc, đúng như lễ định là trang phục được sử dụng trong các lễ lớn như vua lên ngôi, tấn tôn, ban chiếu.
12. Bảo quan: Còn được gọi là Thiên quan, chỉ chiếc mũ được trang sức bằng ngọc báu. Đây còn là vật dùng để tạo vẻ trang nghiêm trên tượng Phật và Bồ tát.
13. Trong quan sát và suy luận của chúng tôi, có lẽ tấm vải này, ngoài khả năng giữ cho tóc gọn gàng, không bị rối, còn để giữ cho Bảo quan phía trên không bị xô lệch.
14. Tam sơn có nghĩa là ba tầng, ba đợt giống như ba ngọn núi. Nguồn: Nguyễn Quốc Hùng, Hán Việt tân từ điển, xuất bản bởi Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, trước 30-4-1975.
15. Bà Trương Thị Ngọc Lãnh (?-1646) là Hiền phi của Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm (1503-1570). Tượng bà được thờ tại chùa Trạch Lâm, tên khác là chùa Khánh Quang, nay thuộc địa phận thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
16. Bà Trần Thị Ngọc Am, tên gọi khác là Trần Thị Cư (1580-1648) là một cung tần của Thanh Đô vương Trịnh Tráng (1577-1657). Tượng bà được thờ tại đền Bà Chúa Mụa, nay thuộc địa phận huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
17. Nhóm 3 bài viết về các hiện vật mỹ thuật cổ thuộc danh mục Bảo vật quốc gia, trưng bày thường xuyên tại BTMTVN, của tác giả Vũ Thị Hằng được đăng tải trên Tạp chí VHNT kỳ 1, các số 449, 452 và 455, từ tháng 1 đến tháng 3-2021.
Tài liệu tham khảo
1. Đặng Xuân Bảng, Việt sử cương mục toát yếu, Nxb Khoa học xã hội, 2000.
2. Đoàn Trung Còn, Phật học từ điển (ba tập), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1997.
3. Nguyễn Quang Hà, Chùa Bút Tháp (Thuận Thành - Bắc Ninh) qua tư liệu Hán Nôm, Tạp chí Hán Nôm, số 4 (77), 2006.
4. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn hóa Thông tin, 2009.
5. Nguyễn Văn Nghi, Tượng Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, Tạp chí Thế giới di sản, tháng 9-2018.
6. Nguyễn Trọng Phấn (2016), Xã hội Việt Nam từ thế kỷ 17, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
7. Lê Quốc Việt - Phạm Văn Tuấn, Ninh Phúc thiền tự bi (tư liệu văn bia chùa Bút Tháp), tài liệu nội bộ.
8. Trịnh Quang Vũ, Trang phục triều Lê Trịnh, Nxb Từ điển Bách Khoa, 2008.
Tác giả: Vũ Thị Hằng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 455, tháng 3-2021