Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803), còn được gọi là Ngô Thời Nhiệm (1), tự Hy Doãn, hiệu Đạt Hiên, là danh sĩ, nhà văn đời hậu Lê - Tây Sơn, khi nghiên cứu thiền học lại có đạo hiệu là Hải Lượng, sinh tại làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, cách kinh đô Thăng Long hơn mười cây số. Ông xuất thân trong gia đình vọng tộc chốn Bắc Hà, là con trai cả của Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780), một nhà sử học, nhà thơ nổi tiếng lúc bấy giờ.
Ngô Thì Nhậm sống thời thơ ấu trong gia cảnh bần hàn, thanh đạm. Ông rất thông minh, bước vào con đường trước thuật rất sớm. Năm 16 tuổi (1761), dưới sự hướng dẫn của cha, ông đã viết công trình sử học đầu tiên, cuốn Nhị thập tứ sử toát yếu. Năm 20 tuổi, ông soạn cuốn Tứ gia thuyết phả. Năm 1769, Ngô Thì Nhậm đỗ khoa sĩ vọng. Năm 1772, ông dự khảo thí ở Quốc Tử Giám đỗ hạng ưu, trong năm này, ông đã hoàn thành tác phẩm Hải Đông chí lược. Theo lời của Phan Huy Chú, tác phẩm chép khá rõ ràng đầy đủ về nhân vật, núi sông, số dân, thuế lệ của Hải Dương. Khoa thi năm Ất Mùi (1775), ông đỗ thứ năm hạng tiến sĩ tam giáp.
Ngô Thì Nhậm để lại một số lượng thơ tương đối lớn gồm hai phần: thơ làm ở trong nước (06 tập gồm: Bút hải tùng đàm, Thủy vân nhàm đàm, Ngọc đường xuân khiếu, Cúc hoa thi trận, Thu cận dương ngôn, Cầm đường nhàn thoại), được làm trong chuyến đi sứ nhà Thanh. Cũng như thơ, phú của Ngô Thì Nhậm vừa đậm đà trữ tình, vừa mang tính triết lý. Phú của Ngô Thì Nhậm gồm 17 bài chép ở tập Kim mã hành lư trong bộ Ngô gia văn phái.
Trong nhiều bài văn, thơ, từ, phú, Ngô Thì Nhậm nhắc nhiều đến thiền. Từ sớm, Ngô Thì Nhậm đã nghiên cứu nhiều về Phật học nhưng phải đến cuối đời Tây Sơn, khi được Quang Toản cho về quê trí sĩ, ông tập trung nghiên cứu và viết sách về Phật học, không phải là đạo Phật tiêu cực, lánh đời mà là Phật học nhập thế thể hiện qua tinh thần yêu nước là chủ đạo.
Trong gia đình họ Ngô của ông, có nhiều người nghiên cứu về đạo Thiền như: Ngô Thì Sĩ có thiện cảm với đạo Phật; Ngô Thì Hoành, em thứ tư của ông cũng là người hiểu sâu về Phật học (Ngô Thì Hoành: còn được gọi là ông Tú Chúa vì Ngô Thì Hoành đã đi tu tại Thiền viện Trúc Lâm); Ngô Thì Chi, em trai thứ hai của ông là người viết bảy hồi đầu của tập Hoàng Lê nhất thống chí, cũng là tác giả của bộ Tân đàm tâm kinh, nghiên cứu về Phật học.
Ngô Thì Nhậm, nhà Nho nhưng lại đi tìm hiểu, nghiên cứu về Phật học trong đó nổi bật lên vấn đề về thiền. Bản thân ông là người yêu nước, yêu đời, tích cực hành động vì đời, chính vì vậy, thiền Phật giáo của Ngô Thì Nhậm là thiền nhập thế, thiền mang tính thời đại. Thiền học, với những thuyết bí ẩn giải thích mối quan hệ giữa bản thể và hiện tượng, giữa siêu phàm với thế tục… có sự lôi cuốn đối với ông, tuy nhiên ông vẫn thể hiện, có những lý giải riêng của mình về thiền học.
Trong bài Vãn thu tham thiền, những câu thơ đã nói lên tâm trạng của nhà Nho yêu nước Ngô Thì Nhậm với một tâm hồn khát khao sự tĩnh lặng qua bao ngày chìm nổi gian truân, đã tham thiền (2):
Khuất chỉ phiêu bồng ký ngũ niên,
Kim thu thôn tự, nhất tham Thiền.
Cúc hoa sơ quải hoàng kim giáp,
Bối diệp trùng niên bạch ngọc thuyên.
Vãng sự kỷ hồi Hòe quốc mộng,
Cố ngô y cựu Trúc lâu duyên.
Linh am tự tại linh quang tĩnh,
Sảng nhập Ngân câu tú thủy liên.
Dịch thơ:
Bấm đốt năm năm dạt khắp miền
Chùa quê thu lại bước tìm lên
Cánh vang vừa tách xòe hoa cúc
Lá bối lần xem bén vị thiền
Chuyện cũ giấc hòe bao ảo mộng
Thân xưa lầu trúc vẫn tiền duyên
Am thiêng còn đó, tòa sen lặng
Khi mát hồ trong mặt nước êm (3).
Có thể khẳng định tư tưởng, tâm hồn thiền của Ngô Thì Nhậm là tâm hồn của những người theo Thiền học Trúc Lâm, mà người sáng lập là vua Trần Nhân Tông. Trần Nhân Tông là một trong những ông vua thời Trần có công lớn trong việc lãnh đạo nhân dân Đại Việt hai lần đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông, đã kết hợp trong đời mình một người anh hùng võ công hiển hách với một đức phật từ bi, cốt cách thanh tao. Có thể nói, Trần Nhân Tông chịu ảnh hưởng triết lý nhà Phật, song đó không phải là tư tưởng, chủ trương xuất thế đi tìm sự giải thoát ở cõi hư không mà là tư tưởng Phật giáo trong sự thống nhất, dung hợp với Nho giáo, Lão giáo và truyền thống của dân tộc. Sự dung hợp đó tạo cho Phật giáo một dáng vẻ mới mang màu sắc Việt Nam với tinh thần nhập thế tích cực.
Cách nghĩ về Thiền học của Ngô Thì Nhậm được thể hiện với bản chất một con người hành động không mỏi mệt, Ngô Thì Nhậm đã có những suy nghĩ rõ ràng về mối quan hệ giữa Nho học và Thiền học. Đến thăm Vạn Niên am, ở đó có một chỗ gọi là: Yết tâm xứ, ông ghi lại cảm tưởng như sau: “Cái đức của tâm có lẽ là thịnh lắm vậy. Buông ra thì khắp sáu cõi, thu lại thì náu ở nơi sâu kín. Nhà nho chúng ta lấy chữ tồn tâm làm cái việc cần kíp nhất, chứ chưa từng biết đến cái gọi là yết tâm. Yết nghĩa là tức (dừng lại). Tác giả lấy yết tâm đặt tên cho Thiền viện thì có phải đã hiểu đạo Phật đó chăng? Tôi e rằng chữ yết chưa bao quát được chữ tồn vậy. Tâm yết ở chỗ này, mà tồn ở chỗ khác. Ở chốn sông hồ thì lo cho vua, ở chốn miếu đường thì lo cho dân. Bình tĩnh mà suy, thì không lúc nào là yết vậy…” (4).
Nổi bật trong cuộc đời, thơ văn Ngô Thì Nhậm chính là chất liệu thiền nhập thế. Thiền học từ TK XVII - XVIII đã được nhiều bậc vua chúa ngưỡng mộ, trợ giúp. Đồng thời nhiều thiền sư Trung Quốc đã có mặt ở Đàng Trong. Vua Lê Huyền Tông, Trịnh Tráng xem hòa thượng Chuyết Công (1590 - 1644) (phái Lâm Tế) là thày. Năm 1678, vua Lê Hy Tông sám hối với thiền sư Tông Diễn (1640 - 1711) (phái Lâm Tế). Năm 1696, Nguyễn Phúc Chu nhận thiền sư Thạch Liêm (phái Tào Động) làm sư phụ.
Ngoài ra, thời kỳ này còn có sự đóng góp của thiền sư Chân Nguyên (1646 - 1726) (phái Trúc Lâm) và thiền sư Hương Hải (1627 - 1715) (phái Trúc Lâm). Ngô Thì Nhậm sống trong không khí các tác phẩm của Thiền Trúc Lâm được sưu tập khá đầy đủ, thiền phái Trúc Lâm đã được phục hưng. Những kinh điển Đại thừa được du nhập khá nhiều bên cạnh sự sút giảm niềm tin vào lý học ở giới trí thức. Trong gia đình họ Ngô, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Ức rất mộ Phật như trên đã đề cập.
Tuy mến mộ đạo thiền nhưng nhìn chung, Ngô Thì Nhậm vẫn là một nhà nho. Một nhà nho hành đạo, sáng tác nhiều tác phẩm thơ nho giá trị, dù ông vẫn đánh giá cao tư tưởng thiền hơn nho.
_______________
1. Ngô Thì Nhậm trùng với tên húy vua Tự Đức (Hồng Nhậm, Nguyễn Phúc Thì) nên phải đọc và viết thành Ngô Thời Nhiệm.
2. Tham thiền: vào chùa ngồi tĩnh tọa để tham cứu chân lý, nhà chùa gọi là: tham thiền nhập định.
3, 4. Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, quyển I, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978, tr.127-128, 38.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016
Tác giả : LÊ THÙY DƯƠNG