Từ thích ứng, linh hoạt trong văn hóa Việt truyền thống, nghĩ về văn hóa doanh nghiệp ở nước ta trước bối cảnh đại dịch hiện nay

Ảnh minh họa - nguồn: chinhphu.vn

1. Tính linh hoạt, thích ứng - một đặc trưng tiêu biểu của văn hóa Việt truyền thống

Do vị trí địa lý nằm trên giao lộ của các dòng chảy đa dạng, đa chiều của văn hóa nhân loại, văn hóa Việt Nam sớm có xu thế giao lưu, hội nhập, tiếp biến để trỗi dậy và phát triển. Dường như các nhà nghiên cứu đều cho rằng, bản sắc văn hóa Việt Nam được tạo ra ở vùng lúa nước sông Hồng cách đây hơn 4.000 năm. Theo đó, văn hóa Việt được hun đúc, tôi luyện và khẳng định trong khoảng 1.117 năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc. Từ sau năm 938, với chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng, đánh tan quân Nam Hán, dân tộc ta bắt đầu bước vào thời kỳ độc lập tự chủ, văn hóa Việt lại vận động trong những thăng trầm lịch sử: lúc thì đối đầu, khi lại đối thoại với các triều đại phong kiến Trung Quốc và đã thực hiện tiếp biến văn hóa thành công, làm giàu cho văn hóa dân tộc, làm thất bại mọi âm mưu đồng hóa của các thế lực ngoại bang. Tiếp theo là quá trình tiếp biến văn hóa phương Tây dưới nhiều hình thức, vừa có cưỡng bức, vừa có đối thoại, có thời điểm vừa chống lại quyết liệt, lại vừa tiếp nhận một cách ung dung, tự tại, nhưng quan trọng nhất là vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời sẵn sàng hiện đại hóa, tiến triển theo các trào lưu văn hóa nhân loại. Cho đến nay, về cơ bản, dường như các học giả đều thống nhất đưa ra nhận định khái quát về các đặc trưng văn hóa Việt Nam, thể hiện như sau:

 Một là, tính cộng đồng làng xã, có các phẩm chất tốt sau: đoàn kết, giúp đỡ; thương người; dân chủ; trọng thể diện; yêu quê hương, làng xóm; lòng biết ơn. Mặt trái của tính cộng đồng làng xã là: thói cục bộ địa phương; hay kéo bè, kéo cánh để xung đột, “cua cậy càng, cá cậy vây” trong ứng xử.

 Hai là, tính trọng âm, có các phẩm chất tốt được biểu hiện là: ưa ổn định; hiền hòa, bao dung; trọng tình; trọng nữ; thiên hướng thơ ca; sức chịu đựng, nhẫn nhịn. Mặt trái của tính trọng âm là: đa sầu, đa cảm, thụ động, khép kín; an phận, thủ thường; lề mề, chậm chạp; sùng ngoại…

 Ba là, tính ưa hài hòa, có bốn phẩm chất tốt là: mực thước; ung dung; vui vẻ, lạc quan; thích thực tế. Mặt trái của tính hài hòa là đại khái, xuề xòa, qua loa; thích dĩ hòa vi quý; thói trung bình chủ nghĩa; đòn xóc hai đầu, nước đôi, do dự, thiếu quyết đoán.

 Bốn là, tính kết hợp, có những biểu hiện tốt là: khả năng bao quát tốt; khả năng quan hệ tốt, dễ dung nạp yếu tố khác. Mặt trái của tính kết hợp là: thói quen sống bằng quan hệ, dựa dẫm, ỷ lại, hời hợt, thiếu sâu sắc.

 Năm là, tính linh hoạt, có hai biểu hiện tốt là: khả năng thích nghi cao; ham sáng tạo. Mặt trái: thói tùy tiện, cẩu thả; thiếu ý thức pháp luật; khôn vặt, láu cá, ham lợi nhỏ: “tham bát, bỏ mâm”.

Trong đề tài cấp Nhà nước KX.04-15/11-15 “Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” thuộc chương trình KH&CN trọng điểm KX-04/11-15 “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2011-2015” do GS,TSKH Trần Ngọc Thêm làm chủ nhiệm, khi luận giải về đặc trưng văn hóa Việt Nam, nhóm nghiên cứu đề xuất chuyển đổi đặc trưng văn hóa Việt Nam đến năm 2030 theo các đặc trưng sau: Tính cộng đồng làng xã nên chuyển thành Tính cộng đồng xã hội; Tính trọng âm; Tính ưa hài hòa nên chuyển thành Tính hài hòa thiên về dương tính; Tính kết hợp nên chuyển thành Tác phong công nghiệp; Tính linh hoạt nên chuyển thành Tính linh hoạt trong nguyên tắc (1).

Thiết nghĩ, những đề xuất này vẫn cần phải được trao đổi để tiếp tục hoàn thiện văn hóa Việt. Tuy nhiên, đặc trưng thứ 5 là tính linh hoạt với sức mạnh ưu trội là khả năng thích nghi cao,ham sáng tạo đã quyết định đến nhiều thành công của người Việt trước những thách thức của lịch sử.

Do điều kiện địa lý tự nhiên và sinh sống tại khu vực được cho là giao lộ của các luồng văn hóa, văn minh của nhân loại cho nên, để sinh tồn và phát triển, người Việt xưa buộc phải linh hoạt và thích nghi với nhiều nghịch cảnh khách quan và chủ quan. Tục ngữ Việt Nam xưa đã đúc kết: Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc; Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài (thích nghi thì tồn tại); Lành làm gáo, vỡ làm môi (ý đầu tiên là tận dụng khéo léo mọi thứ, không làm việc này thì làm việc khác, về sau câu tục ngữ này chuyển nghĩa là quyết sống mái đến cùng trong quan hệ giữa người với người); Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy; Bấc đến đâu, dầu đến đấy (tùy cơ ứng biến); Đất có lề, quê có thói; Đất có thổ công, sông có hà bá (để sinh tồn thì phải tôn trọng, thích ứng với văn hóa vùng miền); Xanh nhà còn hơn già đồng (vì nguy cơ lũ lụt nên cần gặt lúa sớm, lúa non một chút cũng được); Dĩ nhu khắc cương (đem cái mềm dẻo để thắng cái cương cường, hung hãn), bây giờ chính là “Trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam” mềm dẻo mà kiên quyết, bền vững.

Văn hóa Việt truyền thống với những đặc trưng cơ bản trên đây không hề bất biến, mà luôn luôn vận động, phát triển cùng với sự biến đổi của điều kiện tự nhiên và điều kiện lịch sử xã hội. Trong thời kỳ hội nhập khu vực và toàn cầu hóa, sự thay đổi về bối cảnh xã hội bên trong và bên ngoài, sự xung đột về hệ giá trị giữa văn hóa nông nghiệp - nông thôn truyền thống với văn hóa công nghiệp - đô thị hiện đại, cùng với sự không ngừng đổi mới về năng lực tổ chức, quản lý xã hội, có thể nói, 5 đặc trưng cơ bản của văn hóa Việt Nam trên đây sẽ được bảo tồn và dịch chuyển theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn.

2. Những khó khăn, thách thức từ đại dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp nước ta

Đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra thảm họa toàn cầu chưa từng thấy bao giờ: Nền kinh tế thế giới bị đình trệ, nhiều quốc gia lâm vào khủng hoảng trầm trọng về an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh quốc gia. Mọi giao tiếp, giao thương xã hội bị phong tỏa, sản xuất lưu thông phân phối bị ngăn cản, các doanh nghiệp trên toàn thế giới rơi vào tình trạng bế tắc, hoang mang, theo đó là sự phá sản hàng loạt của nhiều ngành sản xuất kinh doanh như hàng không, du lịch, xuất khẩu…

Khi dịch dã bùng phát, nhiều doanh nghiệp không thể tiến hành sản xuất, kinh doanh; hàng triệu lao động không thể đến công ty do lo nguy cơ lây bệnh hàng loạt. Rất nhiều chủ doanh nghiệp không thể hoàn thành được các hợp đồng kinh tế dẫn đến nợ xấu, nợ đọng kéo dài, không chi trả được lương tháng cho người lao động. Thêm nữa, kinh phí để chi cho nhiệm vụ chống dịch đã bị đẩy lên mức khổng lồ, có nguy cơ làm cạn kiện ngân sách nhà nước, cũng từ đó mà ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc dân.

 Khi dịch COVID-19 “hạ nhiệt” thì sức khỏe của người lao động cũng bị suy yếu rất nhiều (hội chứng “hậu COVID”), ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp không còn nguồn nhân lực lao động (do trước đó có những cuộc “di cư” khổng lồ để chạy dịch của hàng vạn người từ các thành phố về nông thôn). Đặc biệt, tại thời điểm làn sóng dịch “vãn” đi hẳn và cuộc sống trong “trạng thái bình thường mới” thì bắt đầu một giai đoạn nhiều thách thức chưa có tiền lệ bao giờ:

Thứ nhất, doanh nghiệp thiếu nhân lực, thậm chí không có người lao động chuyên nghiệp và rất khó khăn để bắt đầu một chu kỳ kế hoạch sản xuất kinh doanh mới.

Thứ hai, do các hợp đồng cũ bị phá vỡ, các đối tác quen thuộc bị phá sản khủng hoảng, thị trường cũ bị đổ vỡ, nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu đầu vào bị đình trệ, bế tắc hoặc bị “đội giá” lên ngất ngưởng, nhất là nguồn nhập khẩu từ bên ngoài, cho nên rất khó ký kết hợp đồng và triển khai lao động, sản xuất, kinh doanh mới cho doanh nghiệp.

Thứ ba, doanh nghiệp khó huy động vốn, thiếu nguồn đầu tư do sự khủng hoảng kinh tế kéo dài trên phạm vi cả xã hội rộng lớn trong nước và quốc tế.

Thứ tư, nhu cầu từ khách hàng suy giảm do suy thoái kinh tế, con người cắt giảm nhiều khoản chi tiêu quen thuộc trước đây, mà chỉ tập trung vào một số nhu cầu thiết yếu. Điều đó đã làm cho các doanh nghiệp lúng túng trong bối cảnh thị trường ảm đạm, đìu hiu, thiếu vắng khách hàng.

Thứ năm, do phương thức kinh doanh online - một hình thức giao dịch mới ngày càng phổ biến, cho nên các doanh nghiệp đang thuê mặt bằng để kinh doanh rơi vào tình trạng thất thu, thậm chí rất khó khăn, không thể trả tiền thuê đúng kỳ hạn, rơi vào nợ đọng, nợ xấu.

Thứ sáu, mặc dù dịch bệnh COVID-19 ở nước ta đã được kiểm soát, tuy nhiên trên phạm vi toàn cầu, đại dịch này vẫn lan tràn với những biến thể phức tạp, theo đó còn là các dịch bệnh khác cũng đang xuất hiện. Đây là những nguy cơ tiềm ẩn, có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào, được cho vẫn là thách thức lớn đến kinh tế toàn cầu mà giờ đây, Việt Nam đã hội nhập quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì không thể không bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức từ điều kiện mới của kinh tế thế giới. Đây là những khó khăn, thách thức sẽ tiếp tục diễn ra sau đại dịch, không dễ gì một sớm một chiều mà vượt qua được.

3. Khả năng linh hoạt, thích ứng của văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong đại dịch: khắc phục khó khăn, tìm cơ hội để vượt qua và phát triển

Trong lịch sử, người Việt bao giờ cũng có sự linh hoạt và thích nghi rất nhanh chóng để vượt qua khó khăn, sáng tạo nên những giá trị mới. Đó là khả năng phát hiện ra các quy luật chưa có tiền lệ bao giờ. Trong chiến tranh giữ nước, ông cha ta đã chuyển yếu thành mạnh, dùng cái thô sơ, giản dị đánh bại cái tối tân hiện đại. Trong Đại cáo bình Ngô (1428), Nguyễn Trãi viết:

“Thế trận xuất kỳ, lấy yếu thắng mạnh

Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều”.

Và bao giờ cũng biết đánh vào lòng người, chinh phục nhân tâm:

“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn

 Lấy chí nhân để thay cường bạo”.

Trải qua lịch sử hàng ngàn năm, trong lao động sản xuất, người Việt luôn quyết tâm “vượt nắng, thắng mưa”, chế ngự thiên nhiên, bồi đắp những con đê cao và dài theo hai bên bờ sông để phòng lụt bảo vệ mùa màng cây cối; trồng nhiều lũy tre xung quanh làng để vừa có bóng mát, vừa có vật dụng cho cuộc sống hằng ngày, đồng thời, lũy tre còn là phên dậu chắc chắn xung quanh làng phòng ngừa trộm cướp và bảo vệ sự sống cho con người. Để sinh tồn, chủ thể của văn hóa Việt luôn luôn có sự thích ứng, linh hoạt bằng trí thông minh và lòng quả cảm. Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của ông cha ta đã chứng minh thuyết phục về điều đó. Dưới chế độ thực dân phong kiến những năm đầu TK XX, Bạch Thái Bưởi là một doanh nhân người Việt đã có những thành công vang dội. Ông từng được mệnh danh là “Chúa sông Bắc Kỳ” bởi tính linh hoạt, sáng tạo kỳ diệu khi cạnh tranh khốc liệt với bọn tư bản ngoại bang. Bạch Thái Bưởi đã thức tỉnh tinh thần dân tộc của nhân dân ta, quyết chỉ mua vé đi tàu thủy của người Việt, không thèm đi tàu của bọn tư bản người Pháp. Vì uy tín và tấm lòng đức độ cao cả, Bạch Thái Bưởi đã xây dựng và phát triển được một đội tàu hùng mạnh mở rộng thị phần trong nước và quốc tế. Đây chính là vẻ đẹp của văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trên nền tảng văn hóa dân tộc.

Trong hai năm 2020, 2021 và đầu năm 2022, kế thừa và phát huy văn hóa dân tộc truyền thống, các doanh nghiệp nước ta vẫn tiếp tục khẳng định bản sắc văn hóa doanh nghiệp bằng hàng loạt cách ứng xử vượt qua khó khăn đại dịch, đồng thời lại nhanh chóng tìm ra những cơ hội mới từ thực tiễn, hành động mạnh mẽ nhanh chóng để phục hồi kinh tế. Cụ thể như sau:

Với tinh thần nhân văn, nhân đạo cao cả, tinh thần tương thân, tương ái và tri ân người lao động, lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp, công ty đã quyết không bỏ rơi người lao động, đã thật lòng quan tâm chi một phần lương đảm bảo sinh hoạt tối thiểu hàng tháng, tổ chức bữa ăn chính cho người lao động tại xưởng làm việc, hạn chế việc đi về nhà giữa ca.

 Nhiều doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho người lao động đến làm việc với sự bảo hộ phòng dịch rất cao từ công ty: đo thân nhiệt hằng ngày, cấp miễn phí khẩu trang, khử khuẩn chu đáo nhà xưởng, nơi sản xuất, tổ chức tiêm vắc-xin đầy đủ, cung cấp thuốc men khi cần thiết, đưa đi điều trị những trường hợp F0 bị nặng, tổ chức cho những lao động F1 cùng làm việc một khu vực, F2 làm việc ở khu vực riêng để tránh lây lan, nghiêm túc thực hiện 5K theo yêu cầu của Bộ Y tế.

Khi đại dịch diễn biến phức tạp, một số doanh nghiệp chuyển đổi rất nhanh mục tiêu kinh doanh sản xuất đáp ứng nhu cầu mới từ cuộc sống: có những doanh nghiệp may mặc chuyển sang may khẩu trang để cung cấp cho thị trường trong nước và ngoài nước; một số hãng taxi chuyển sang vận chuyển khách hàng quen trong khu vực được cho phép di chuyển, khử khuẩn phòng dịch cẩn thận trên xe. Một số hãng xe vận tải vừa và nhỏ lập tức chuyển sang vận chuyển nhu yếu phẩm và cứu trợ cho nhân dân vùng dịch theo yêu cầu của các cấp chính quyền, phối hợp với ngành Y tế vận chuyển thuốc men, thiết bị y tế để cứu chữa người bệnh. Có những lái xe đã dũng cảm tình nguyện chuyên chở người bệnh, thực hiện những “chuyến xe 0 đồng” giữa tâm dịch. Nhiều doanh nghiệp đã thu mua lương thực, thực phẩm, rau xanh để cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày ở vùng dịch đang phải giãn cách xã hội lâu dài.

Một số doanh nghiệp đã nhanh chóng tổ chức lao động sản xuất kinh doanh ngay sau khi ngớt một đợt sóng dịch. Các hình thức bán hàng online phát triển phổ biến. Đội ngũ giao hàng có tới cả chục ngàn người đã được hình thành nhanh chóng, rầm rộ, hằng ngày len lỏi trong xã hội đem hàng đến cho người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của hàng triệu người.

Mạng xã hội trên nền tảng internet giờ đây đã trở thành chợ thông tin đa dạng: thông tin, quảng cáo, rao vặt và thu hút hàng triệu hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa, đáp ứng nhu cầu mua sắm, sinh hoạt, góp phần làm cho nền kinh tế nước ta phục hồi nhanh chóng.

Các siêu thị không mở cửa rộng rãi đông người ra vào như trước đại dịch, nhưng đa số hàng hóa vẫn đến tay người tiêu dùng (từ lương thực, thực phẩm, thuốc men, đến hàng hóa gia dụng rất phong phú).

Nhiều ngành nghề kinh doanh mới xuất hiện trên mạng internet, đã kích cầu, gợi dẫn và thúc đẩy cho kinh tế phát triển.

Trường học nước ta trong mùa đại dịch đã chủ động biến “nguy” thành “cơ”, có nghĩa là nhân dịp này bổ sung, nâng cấp thiết bị vi tính, thiết lập đường truyền internet tốc độ, nâng cao và hoàn thiện trình độ tin học cho cả thầy và trò khi tổ chức học online rộng rãi trên phạm vi toàn quốc, không để gián đoạn việc học tập của học sinh, sinh viên cả nước.

Mặc dù dịch bệnh vẫn còn lan rộng, ngành Du lịch Việt Nam đã nhanh chóng tổ chức du lịch trong nội bộ vùng xanh, du lịch trong nội bộ vùng vàng, giúp cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Khi vùng xanh mở rộng đến đâu, lập tức các công ty lữ hành du lịch thiết kế các tour mới với giá cả ưu đãi và phát triển thị phần ngay lập tức đến đó, và như vậy du lịch tăng tốc rất nhanh sau đại dịch, luôn luôn đảm bảo sự an toàn cho du khách trên phạm vi cả nước.

Khi đại dịch có xu hướng giảm cục bộ, ngành Hàng không nước ta đã tổ chức nhiều chuyến bay giá cực rẻ để hồi phục kinh tế, chống đỡ lại sự khủng hoảng. Trong 2 năm 2020, 2021, ngành Hàng không gần như bị tê liệt (thậm chí nhân viên hàng không đã phải làm nhiều dịch vụ khác để sinh sống).

Tháng 11-2021, khi đại dịch “ngớt sóng” hẳn, lập tức các hãng hàng không đã kích cầu và phục hồi thị trường bị “đóng băng” lâu nay một cách nhanh chóng, thần kỳ. Cho đến thời điểm hiện tại, hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất và một số sân bay khác như Đà Nẵng, Cam Ranh đã thường xuyên quá tải như trước đại dịch. Chỉ trong hai tháng cuối năm 2021, hàng không và du lịch nước ta đã phục hồi thần kỳ. Tuy nhiên, hàng vạn du khách được yêu cầu là vẫn phải 5K, bắt buộc đeo khẩu trang đã đến các điểm du lịch an toàn và không để lây lan dịch bệnh, tạo ra thu nhập cho các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí. Đó là kỳ tích phục hồi kinh tế Việt Nam cuối 2021 và đầu 2022 khiến cho bạn bè quốc tế nể phục và xếp Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế mới nổi phát triển nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu. Cho đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt và chúng ta đã có nhiều chuyến bay quốc tế đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước. Đường bay trong nước đã được khôi phục hoàn toàn. Giao thông trên phạm vi cả nước thông thương và nền kinh tế đã tăng tốc theo nhu cầu của thị trường sôi động.

4. Một số gợi dẫn về phát huy tính linh hoạt và thích ứng của văn hóa doanh nghiệp ở nước ta hiện nay

Văn hóa doanh nghiệp là sức mạnh nội sinh của doanh nghiệp. Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 16-5-2016 cũng tiếp tục khẳng định: “Doanh nghiệp phải nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác; đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh” (2).

Ngày 7-11-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Lễ công bố Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam 10-11 và phát động Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nêu rõ tầm quan trọng của xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở nước ta trong thời kỳ hội nhập quốc tế: “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc Việt Nam trên sân chơi của nền kinh tế toàn cầu hóa ở TK XXI. Đó phải là một phần nhiệm vụ của Chính phủ kiến tạo, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đó phải là một phần không thể tách rời trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp” (3).

Gần đây, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vấn đề “xây dựng Văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh” (4) nhằm hướng tới “Đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế; bảo đảm doanh nghiệp nhà nước là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước… Hình thành đội ngũ quản lý doanh nghiệp nhà nước chuyên nghiệp, có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt” (5). Cần phải “Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực trong phát triển kinh tế… Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65% ...” (6).

Bối cảnh hội nhập quốc tế trong thời đại dịch đang đặt ra khá nhiều thách thức và cơ hội trong phát triển kinh tế. Xét đến cùng, kinh tế thị trường luôn vận động theo những quy luật riêng của nó. Văn hóa doanh nghiệp được coi là sức sống mãnh liệt của doanh nghiệp, là tiêu chí để phân biệt doanh nghiệp này so với các doanh nghiệp khác. Hiện nay, văn hóa doanh nghiệp không chỉ là tài sản quý giá của doanh nghiệp mà còn là tài sản quốc gia, là hình ảnh quan trọng của đất nước trên thương trường quốc tế. Dưới đây là một số gợi dẫn về nguyên tắc phát huy tính linh hoạt, thích ứng của doanh nghiệp ở nước ta hiện nay:

Thứ nhất, phát huy tính linh hoạt, thích ứng nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc: kinh doanh, sản xuất tuân thủ pháp luật, không thể vượt qua giới hạn cho phép.

Thứ hai, phát huy tính linh hoạt thích ứng nhưng không chệch hướng, không vi phạm sứ mệnh cao cả và tầm nhìn tốt đẹp của doanh nghiệp.

Thứ ba, phát huy tính linh hoạt, thích ứng, nhưng phải phòng ngừa thói tùy tiện, cẩu thả; khôn vặt, láu cá, “tham bát, bỏ mâm”, ham lợi nhỏ, bỏ mất lợi lớn trong kinh doanh, sản xuất.

Thứ tư, trên cơ sở cập nhật thực tiễn hằng ngày của thị trường trong nước và quốc tế, cần thường xuyên đề xuất, xây dựng các định hướng kinh doanh, sản xuất có sự kết hợp hài hòa giữa kế hoạch trước mắt và lâu dài, không nên đi vào những sở đoản, mà cần phải phát huy sở trường của doanh nghiệp, ưu tiên thị trường “nóng”, quan tâm đến thị trường cơ bản, thị trường chính của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch COVID-19 hiện nay, văn hóa doanh nghiệp là tài sản văn hóa quan trọng của doanh nghiệp, sẽ tạo ra niềm tin dẫn đạo và quy tắc ứng xử đạt chuẩn Chân, Thiện, Mỹ do con người trong doanh nghiệp thừa nhận, vận thông và được cộng đồng xã hội tin yêu, quý trọng tôn vinh, hướng tới, từ đó sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.

______________

1. Trần Ngọc Thêm (chủ biên), Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện tại, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2015, tr.198.

2. Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, thuvienphapluat.vn.

3. Toàn văn Bài phát biểu của Thủ tướng tại Lễ công bố ngày văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam, vpcp.chinhphu.vn, 7-11-2016.

4, 5, 6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.144, 239, 240.

PGS, TS NGUYỄN TOÀN THẮNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 509, tháng 9-2022

;