Bàn thêm về văn hóa cộng đồng

Văn hóa cộng đồng là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học. Đến nay, nhiều công trình bàn về vấn đề này đã được xã hội hóa. Tuy nhiên, trước sự biến đổi không ngừng của văn hóa cộng đồng, việc tiếp tục nghiên cứu để làm rõ những nội dung của văn hóa cộng đồng luôn là vấn đề được mọi người quan tâm. Bài viết này góp phần làm rõ thêm một số khía cạnh về văn hóa cộng đồng như: khái niệm văn hóa cộng đồng, nội dung nghiên cứu văn hóa cộng đồng.

Hoạt động của cộng đồng các dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - Ảnh: toquoc.vn

1. Quan niệm về văn hóa cộng đồng

Cộng đồng (có nguồn gốc từ tiếng Latinh: cummunitas) là khái niệm được sử dụng trong nhiều ngành khoa học. Tùy mục đích nghiên cứu, các nhà khoa học có cách tiếp cận khác nhau. Song, điểm chung của các quan niệm về cộng đồng là khẳng định tính cố kết chặt chẽ thông qua nhiều yếu tố. “Cộng đồng là tập hợp người có sức bền cố kết nội tại cao, với những tiêu chí nhận biết và quy tắc hoạt động, ứng xử chung dựa trên sự đồng thuận về ý chí, tình cảm, niềm tin và ý thức cộng đồng, nhờ đó các thành viên của cộng đồng cảm thấy có sự gắn kết họ với cộng đồng và với các thành viên khác của cộng đồng” (1). Quan niệm này cho chúng ta thấy các yếu tố văn hóa có vai trò quan trọng trong việc hình thành, duy trì và phát triển cộng đồng.

Văn hóa cộng đồng (community culture) phản ánh bản chất ý thức cộng đồng, là cốt lõi tạo nên sự cố kết, tính bền vững và sức mạnh của cộng đồng. Nó định hướng hành động của các thành viên và toàn thể cộng đồng. Văn hóa cộng đồng là kết quả của những trải nghiệm, mang tính kết nối, hướng tới của các thành viên. Trên thực tế, đã có những tiếp cận về văn hóa cộng đồng khác nhau:

Từ góc nhìn giá trị, “văn hóa cộng đồng cơ sở là những giá trị tiến bộ trong lối sống, đạo đức, hành vi ứng xử trong đời sống hằng ngày của mỗi cá nhân” (2). Như vậy, văn hóa cộng đồng là hệ giá trị của cộng đồng, nhưng được thể hiện trong đời sống của mỗi cá nhân thuộc cộng đồng. Hệ giá trị đó “bao trùm” tác động và tạo nên môi trường sống của mọi thành viên trong cộng đồng. Tuy nhiên, cách hiểu văn hóa cộng đồng này đang dừng lại ở văn hóa tinh thần của cộng đồng.

Tiếp cận từ góc độ xã hội học, khái niệm này được nhận thức: “Văn hóa cộng đồng là văn hóa ứng xử của cộng đồng, tức là phương thức và nguyên tắc ứng xử của một cộng đồng trong những môi trường, không gian và thời gian xác định” (3). Theo quan niệm này, văn hóa cộng đồng bao gồm các thành tố: mô thức ứng xử, tiêu chí/ chuẩn mực, hệ thống quy tắc ứng xử quy định, điều tiết phương thức ứng xử của cộng đồng trong quan hệ với môi trường, bối cảnh, thời gian cụ thể. Đây là quan niệm nhấn mạnh vào yếu tố cơ bản của văn hóa, thuận tiện cho việc áp dụng vào nghiên cứu thực tiễn. Tuy nhiên, quan niệm này cũng chưa phản ánh hết các thành tố của văn hóa cộng đồng.

Tiếp cận từ góc độ lịch sử, văn hóa cộng đồng được nhận thức là văn hóa của cộng đồng dân tộc Việt Nam, được hình thành và phát triển qua các giai đoạn lịch sử. Trong trường hợp này, tiếp cận văn hóa cộng đồng giống như văn hóa của dân tộc (4).

Tiếp cận từ quan niệm văn hóa của UNESCO năm 2022: Văn hóa được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội; văn hóa gồm văn chương, nghệ thuật, cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin… Quan niệm này khẳng định văn hóa là văn hóa của một xã hội hay nhóm người trong xã hội (văn hóa cộng đồng), chứ không phải là của cá nhân.

Từ góc nhìn văn hóa học, văn hóa cộng đồng là các hoạt động sáng tạo chung của một cộng đồng, được hình thành trong quá trình tương tác giữa con người với con người, con người với tự nhiên, con người với xã hội (tại một không gian nhất định), được các thành viên trong cộng đồng chọn lựa, thừa nhận, chấp nhận và chia sẻ trong quá trình chung sống lâu dài cùng nhau. Như vậy, văn hóa cộng đồng là văn hóa của nhóm xã hội nhất định, không phải là số cộng đơn giản của những yếu tố văn hóa cá nhân thuộc về cộng đồng mà là tổng thể sống động các sinh hoạt văn hóa chung của cả cộng đồng. Ở đó, chúng ta thấy được sự bảo tồn, phát huy, sáng tạo các giá trị văn hóa. Mặt khác, các hoạt động sáng tạo đó phải được cộng đồng lựa chọn những yếu tố phù hợp, thừa nhận, chia sẻ và thực hành một cách tự nguyện. Các hoạt động sáng tạo chung của cộng đồng cũng không tự nhiên mà có. Nó hình thành trong quá trình quần cư lâu dài của những cá nhân cùng chịu tác động của môi trường tự nhiên, xã hội nhất định. Trong một môi trường đó có sự cân bằng tương đối giữa giá trị văn hóa cá nhân, giá trị văn hóa chung của cộng đồng và giá trị văn hóa của cộng đồng lớn hơn (mà cộng đồng này là một bộ phận).

2. Nghiên cứu văn hóa cộng đồng

Nghiên cứu văn hóa cộng đồng nội tại

Hiện nay, nhiều nghiên cứu văn hóa cộng đồng tập trung tìm hiểu những yếu tố bên trong địa phận của cộng đồng đó (nội tại). Tác giả Lương Hồng Quang (1997) tập trung nghiên cứu văn hóa cộng đồng trên các phương diện hôn nhân, tang ma, thờ cúng. Tác giả Nguyễn Thị Phương Châm (2012 và 2016) đã nghiên cứu văn hóa cộng đồng trên các khía cạnh văn hóa vật chất, văn hóa xã hội, văn hóa tinh thần. Những khía cạnh này được thể hiện trong văn hóa thường ngày, tín ngưỡng, lễ nghi từ truyền thống đến hiện đại. Đặc biệt, những nghiên cứu về một nội dung của văn hóa cộng đồng thường làm rõ sự biến đổi của yếu tố đó trong cộng đồng hoặc thực trạng của nó như thế nào. Mỗi nghiên cứu sẽ có những đóng góp nhất định cho nghiên cứu chung.

Một là các quan hệ xã hội - văn hóa. Các thành viên của cộng đồng có thể khác nhau về nghề nghiệp, quan hệ xã hội, lối sống, nếp sống, cách cảm, cách nghĩ… Trong quá trình sinh sống với cộng đồng, các quan hệ xã hội - văn hóa chung của cộng đồng dần được hình thành và khẳng định. Các sinh hoạt văn hóa chung là một phần quan trọng trong việc củng cố, điều chỉnh các quan hệ xã hội - văn hóa của cộng đồng. Vì vậy, việc tổ chức các sinh hoạt văn hóa chung kích thích mỗi cá nhân tạo dựng và phát triển những mối liên kết trong cộng đồng. Điều này được thực hiện bằng phương thức truyền thống và hiện đại.

Phương thức truyền thống là những mối quan hệ đã được hình thành từ trong văn hóa truyền thống của dân tộc, đó là những quan hệ nảy sinh giữa cá nhân - cá nhân, cá nhân - cộng đồng. Nó có thể hình thành một cách tự nhiên, thân thiện trong những giao tiếp hằng ngày như: chào hỏi; giúp đỡ nhau trong chuyện thường ngày hay khi gia đình có việc lớn, gắn với chu kỳ vòng đời của con người; cùng tham gia các hoạt động chung với cộng đồng, tham gia đóng góp cho cộng đồng…

Phương thức hiện đại là cách thức tạo dựng, phát triển các mối liên hệ với cộng đồng thông qua ứng dụng khoa học công nghệ. Phổ biến nhất hiện nay là tham gia mạng xã hội để củng cố và phát triển các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng. Trong xã hội hiện đại, mặc dù cách thức này ngày càng trở nên phổ biến, nhưng nó không thể thay thế phương thức truyền thống.

Hai là lối sống, nếp sống. Lối sống, nếp sống là hành vi ứng xử của con người đã trở thành thói quen, được cộng đồng thừa nhận. Lối sống, nếp sống trong văn hóa cộng đồng thể hiện chuẩn mực, giá trị của văn hóa, đáp ứng yêu cầu tổ chức cuộc sống của cộng đồng trong môi trường tự nhiên và xã hội nhất định. Mỗi cộng đồng đều hình thành lối sống, nếp sống riêng, phù hợp với cộng đồng đó, tạo nên những đặc trưng của văn hóa cộng đồng. Lối sống, nếp sống không chỉ góp phần hình thành nên môi trường văn hóa, bộ mặt văn hóa của văn hóa cộng đồng mà còn góp phần xây dựng con người mới với tác phong và tư duy phù hợp với những đòi hỏi của xã hội mới. Đặc biệt ở Việt Nam, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đòi hỏi cần phát triển lối sống, nếp sống văn minh, hiện đại. Đây cũng là nhu cầu của người dân nhằm hướng đến nâng cao chất lượng sống.

Lối sống, nếp sống văn minh, hiện đại trong văn hóa cộng đồng là phong cách sống theo các chuẩn mực giá trị của văn hóa, đáp ứng yêu cầu tổ chức cuộc sống của cộng đồng trong môi trường tự nhiên - xã hội. Lối sống, nếp sống văn minh, hiện đại tự nó không hình thành mà cộng đồng phải nỗ lực tạo dựng. Đó cũng không phải là chuyện một sớm một chiều, làm theo phong trào hay tập trung đẩy mạnh mang tính chiến dịch mà cần được thực hiện mang tính lâu dài, liên tục, đi vào thực chất. Mặt khác, nếu không có lối sống, nếp sống văn minh, hiện đại sẽ không có những con người văn minh, hiện đại và cũng sẽ không có một xã hội trật tự, văn minh, hiện đại... Phát triển lối sống, nếp sống văn minh, hiện đại trong văn hóa cộng đồng cũng là khẳng định tư duy trọng lý, coi trọng tri thức khoa học, công nghệ; tuân thủ pháp luật, quy định chung của cộng đồng; sử dụng hệ thống dịch vụ đa dạng, tiện ích; các thành viên trong cộng đồng bình đẳng, cùng chia sẻ trách nhiệm…

Ba là cảnh quan văn hóa. Quá trình sinh tồn của cộng đồng cũng thể hiện những nỗ lực của con người xây dựng môi trường sống, cấu thành môi trường văn hóa của cộng đồng. Khi người dân hình thành nên một đơn vị quần cư cũng là lúc các thành viên lựa chọn môi trường sống thích hợp cho mình. Trong quá trình sinh sống, người dân không ngừng tác động đến môi trường sống, biến đổi môi trường sống cho phù hợp với nhu cầu của cộng đồng. Quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa là quá trình giải phóng con người khỏi lệ thuộc quá nhiều vào tự nhiên. Điều đó cũng có nghĩa là cảnh quan văn hóa chuyển dần từ đậm tính tự nhiên sang yếu tố nhân tạo ngày càng nhiều hơn. Vì vậy, trong cộng đồng ở xã hội hiện đại, không gian văn hóa gồm tổng hòa ba yếu tố tự nhiên, kỹ thuật và nhân văn. Yếu tố tự nhiên bao gồm phức hợp hệ sinh thái tự nhiên; yếu tố kỹ thuật là các trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật và xã hội, dịch vụ tiện ích, quy hoạch phân khu chức năng; yếu tố nhân văn gắn liền với môi trường xã hội. Nhưng yếu tố nhân tạo cũng phải tuân thủ quy luật vận động và phát triển của tự nhiên. Tự nhiên vẫn luôn là bộ phận khăng khít, không thể thiếu trong cảnh quan văn hóa của cộng đồng.

Như vậy, nói đến cảnh quan văn hóa của cộng đồng, chúng ta không thể không nói đến các thiết chế văn hóa. Các thiết chế văn hóa của cộng đồng không chỉ là kiến trúc mà còn là không gian thuộc thiết chế văn hóa đó, tạo nên những điểm nhấn trong không gian văn hóa của cộng đồng. Hệ thống thiết chế văn hóa là nơi để cộng đồng tổ chức các hoạt động văn hóa, các sinh hoạt văn hóa. Do đó, nó sẽ thổi hồn cho những sinh hoạt cộng đồng. Các thiết chế văn hóa tạo cơ sở quan trọng để văn hóa cộng đồng được bảo tồn và phát triển trong thời gian và không gian.

Ngày nay, cảnh quan văn hóa được xây dựng theo tiêu chí chung là xanh, sạch, đẹp, tiện ích. Đây là xu hướng chung của nhân loại, cũng là đòi hỏi cấp thiết đối các cộng đồng ở Việt Nam. Cảnh quan văn hóa góp phần hình thành môi trường sống tốt cho cư dân.

Nghiên cứu văn hóa cộng đồng ngoại tại

Thực tế cho thấy sự phát triển văn hóa cộng đồng không chỉ diễn ra bên trong mà còn diễn ra bên ngoài của cộng đồng. Các nghiên cứu cho thấy có nhiều loại hình cộng đồng khác nhau cùng tồn tại trong xã hội. Trong đó, không có bất kỳ loại hình cộng đồng nào thuần khiết, nó thường có sự đan xen, hòa trộn các loại hình cộng đồng khác nhau.

C.Mác đã khẳng định: “Bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội” (5). Như vậy, mỗi con người đều có nhiều mối quan hệ khác nhau trong cộng đồng nhỏ và cộng đồng lớn, cộng đồng truyền thống và cộng đồng hiện đại. Mỗi cá nhân không chỉ thuộc về một loại hình cộng đồng nhất định, mà là thành viên của những loại hình cộng đồng khác nhau, với những quy mô và tính chất không đồng nhất. Mặt khác, trong mỗi mối quan hệ, các chủ thể sẽ có các hoạt động văn hóa thích hợp.

Ngoài ra, “thực tế cho thấy các khu đô thị có hình thức khép kín sẽ ngày càng trở nên không phù hợp. Một mô hình mở, kết nối thuận tiện với xung quanh về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hình ảnh không gian liên tục và thân thiện, tăng cường các diện tích cây xanh và không gian giao tiếp cho cư dân - đây là mô hình lý tưởng cho sự lựa chọn của những người dân về cuộc sống trong tương lai” (6). Như vậy, “mô hình mở” của cộng đồng cũng cho thấy nếu nghiên cứu văn hóa cộng đồng chỉ đóng khung trong các yếu tố nội tại thì đã làm mất đi tính đa dạng của nó, mất đi tính lan tỏa vốn có của văn hóa. Tác giả Erik Harms (2011) thông qua hình ảnh “Vân đi xe máy giữa bên trong và bên ngoài thành phố” đã nói về sự “dao động không gian” và “giao thoa không gian” (7). Điều này cũng cho thấy không gian sống của người dân có sự giao thoa thì tất yếu văn hóa cộng đồng cũng có sự lan tỏa ra bên ngoài không gian mà cộng đồng đó tồn tại.

Nghiên cứu văn hóa cộng đồng ngoại tại trên các nội dung cơ bản sau:

Một là kết nối với các cộng đồng bên ngoài đô thị để tạo nên mạng lưới xã hội. Mạng lưới xã hội sẽ được hình thành bởi sự kết nối giữa các cá nhân, nhóm, cộng đồng với các cá nhân, nhóm, cộng đồng bên ngoài cộng đồng. Con người luôn có xu hướng đa dạng hóa các mối quan hệ xã hội. Do đó, một cộng đồng không thể tồn tại tách rời khỏi các cá nhân, nhóm, cộng đồng khác, đặc biệt là cộng đồng mang yếu tố vùng, láng giềng và các cộng đồng khác trên cả nước. Các nhóm, thành viên trong cộng đồng luôn giữ gìn và không ngừng mở rộng sự kết nối với nhiều cộng đồng khác thông qua các mối dây liên kết như đồng môn, đồng hương, đồng nghiệp, đồng sở thích... Điều đó nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững của cộng đồng, hình thành mạng lưới xã hội. Đó là một mạng lưới các mối quan hệ ảnh hưởng và củng cố lẫn nhau giữa các thành viên, nhóm trong cộng đồng với các thành viên, nhóm, cộng đồng khác hơn là các mối quan hệ đơn lẻ giữa các cá nhân với cá nhân đơn thuần.

Mặt khác, cộng đồng đề cao lợi ích chung, lợi ích tập thể và quyền tập thể, nhấn mạnh tính đồng thuận cộng đồng. Vì vậy, hình thành mạng lưới xã hội cũng hỗ trợ, khuyến khích mọi thành viên tham gia vào các hoạt động cộng đồng, điều hòa vì lợi ích chung.

Hai là kết nối với cộng đồng mạng xã hội. Với sự phát triển của công nghệ và các phương tiện truyền thông xã hội, mạng xã hội đã quá quen thuộc với người dân nói chung và các thành viên trong cộng đồng nói riêng. Mạng xã hội bao gồm những nền tảng trực tuyến nhằm xây dựng, kết nối và chia sẻ các thông tin, gắn kết mọi người có chung nghề nghiệp, công việc, quan niệm, sở thích… hay có mối quan hệ ngoài đời thực, không phân biệt đối tượng sử dụng và có thể kết nối ở bất kỳ không gian, thời gian nào. Với sự phổ biến và tiện ích của nó, mạng xã hội đã trở thành một phần quan trọng của đời sống xã hội.

Người dùng tạo ra hồ sơ cá nhân phù hợp cho từng ứng dụng của mạng xã hội. Mạng xã hội tạo điều kiện cho sự phát triển của cộng đồng xã hội trên mạng bằng cách kết nối tài khoản của người dùng với tài khoản của các cá nhân, tổ chức khác. Điều đó đã làm thay đổi cách thức và mở rộng quan hệ của mỗi người, mỗi nhóm, mỗi cộng đồng.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và sự lên ngôi của mạng thông tin toàn cầu, mỗi cá nhân, nhóm đều thành lập tài khoản riêng của mình trên mạng thông tin toàn cầu thông qua các nền tảng như Facebook, Zalo, Viber, Instagram, Twitter, Lotus, Mocha, Gapo, Tiktok, Spoon, YouTube... Mỗi người không chỉ tham gia vào một nền tảng mà có thể tham gia vào nhiều nền tảng khác nhau. Thậm chí, tại mỗi nền tảng không chỉ có một tài khoản mà có thể mở nhiều tài khoản khác nhau.

Thông qua tài khoản đó, các cá nhân, nhóm tham gia vào các nhóm, cộng đồng trên mạng xã hội. Đây là xu hướng phổ biến trong xã hội hiện đại. Cộng đồng mạng xã hội góp phần kết nối các thành viên trong nhóm, cộng đồng một cách thường xuyên hơn, với nhiều hình thức tương tác hơn. Mặt khác, kết nối với cộng đồng mạng xã hội cũng làm cho đời sống văn hóa của mỗi thành viên và cộng đồng thêm phong phú, đa dạng hơn, góp phần mở rộng sự kết nối của cộng đồng này với các cộng đồng khác trên phạm vi toàn cầu.

Ba là các yếu tố văn hóa cộng đồng “mở”. Nằm trong không gian văn hóa chung của cộng đồng địa phương, vùng, văn hóa cộng đồng thường không khép kín trong “khuôn viên” của nó. Với đặc tính của văn hóa là có sức lan tỏa ra nhiều không gian khác nhau nên văn hóa cộng đồng thường vượt qua ranh giới vật chất của nó để mở rộng không gian, tác động đến, thu hút những chủ thể bên ngoài cộng đồng tham gia vào các hoạt động của cộng đồng đó. Vì vậy, những yếu tố văn hóa cộng đồng “mở” phản ánh sự tác động của văn hóa cộng đồng ra bên ngoài, thu hút các chủ thể bên ngoài đến với, hòa nhập với cộng đồng (nghĩa là mở rộng không gian văn hóa cộng đồng và mở cửa cho những nhân tố bên ngoài tham gia vào văn hóa cộng đồng). Từ đó, văn hóa cộng đồng tác động tới cộng đồng bên ngoài, đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương, khu vực, vùng. Đồng thời phản ánh sự giao lưu, tiếp cận những giá trị văn hóa mới của cộng đồng khác, của thế giới…

Điều này cho thấy mối liên kết không gian của các cộng đồng trên nhiều lĩnh vực khác nhau như không gian kinh tế, không gian sinh thái, không gian tâm linh… Hoạt động kinh tế không phải là hoạt động mang tính độc lập với các vùng, miền khác nhau. Có 3 yếu tố của hoạt động kinh tế là thị trường tiêu thụ, nguồn lao động và nguồn tài nguyên. Ba yếu tố này thường không khép kín trong một cộng đồng mà luôn có sự mở rộng, thu hút các thành viên ở cộng đồng khác. Không gian sinh thái và tâm linh cũng luôn có xu hướng mở rộng tầm ảnh hưởng và sự thu hút của nó đến các không gian của cộng đồng khác. Thậm chí, tầm ảnh hưởng và sức thu hút của các yếu tố này không dừng lại ở các cộng đồng trong nước mà còn vươn tới các cộng đồng trên thế giới. Như vậy, các yếu tố này đều tạo nên tính mở của văn hóa cộng đồng. Đây là yếu tố gắn bó mật thiết, góp phần tạo nên tính toàn diện của văn hóa cộng đồng ở đô thị.

Thực tế cho thấy văn hóa cộng đồng không chỉ được các chủ thể phát triển ở bên trong địa vực mà còn được phát triển ở bên ngoài địa vực của cộng đồng. Điều đó không chỉ đáp ứng tốt hơn những nhu cầu văn hóa của mỗi cá nhân, nhóm trong cộng đồng mà còn cho thấy sự phong phú, đa dạng trong quan hệ cộng đồng rộng lớn hơn. Để có cái nhìn toàn diện, văn hóa cộng đồng cần được nghiên cứu ở cả hai phương diện: văn hóa cộng đồng nội tại và văn hóa cộng đồng ngoại tại.

______________

1. Phạm Hồng Tung, Cộng đồng: Khái niệm, cách tiếp cận và phân loại trong nghiên cứu, Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 12, 2009, tr.24.

2. Trần Quang Nhiếp, Đôi điều về xây dựng văn hóa cộng đồng cơ sở, nhandan.com.vn, 29-6-2014.

3. Phạm Hồng Tung, Bàn về văn hóa cộng đồng, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 26, 2010, tr.124.

4. Trường Cao đẳng nghề Yên Bái, Giáo trình môn Văn hóa cộng đồng: Phần 1, tailieu.vn, 5-4-2016.

5. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.11.

6. Lương Tú Quyên, Đỗ Thị Kim Thành, Mô hình hợp lý cho các khu đô thị mới ở Hà Nội, ashui.com, 5-7-2009.

7. Erik Harms, Saigon’s Edge - on the Margins of Ho Chi Minh City (Sài Gòn ngoại vi - bên lề của Thành phố Hồ Chí Minh), University of Minnesota Press, London, 2011

TS BÙI THỊ KIM CHI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 509, tháng 9-2022

;