Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, phát huy vai trò của nó trong phát triển kinh tế đang trở thành một vấn đề nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Ở góc độ liên văn hóa - kinh tế, tìm hiểu, nhận thức rõ hơn về văn hóa doanh nghiệp trên một số bình diện như: văn hóa doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế thị trường; vai trò của văn hóa doanh nghiệp với sự phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay; nguồn lực đảm bảo cho văn hóa doanh nghiệp phát huy được vai trò đó; những thuận lợi và khó khăn khi phát huy vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong phát triển kinh tế... Góp phần vào mục đích đó, trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến một số vấn đề cần chú ý, khả dĩ tạo tiền đề giúp VHDN thực sự là điểm tựa phục hồi, phát triển, kinh tế sau đại dịch, và sau cả những biến động khác nữa.
1. Khái niệm văn hóa doanh nghiệp
Để Văn hóa doanh nghiệp thực sự trở thành nhân tố quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay và trả lời tương đối rõ ràng một số câu hỏi như: thế nào là văn hóa doanh nghiệp; doanh nghiệp có văn hóa là gì; nội hàm và nội dung của văn hóa doanh nghiệp, doanh nghiệp văn hóa gồm những gì; văn hóa doanh nhân ra sao; doanh nhân văn hóa là người thế nào; văn hóa kinh doanh và kinh doanh có văn hóa được hiểu ra sao... thiết nghĩ, không thể không tìm hiểu về khái niệm văn hóa doanh nghiệp như một chủ thể, đồng thời là một đối tượng nghiên cứu.
Ở mức độ nhất định, có thể cho rằng nội hàm văn hóa doanh nghiệp được cấu thành một cách hòa quyện, nhuần nhuyễn 3 yếu tố: văn hóa doanh nhân, văn hóa kinh doanh và văn hóa quản lý của một doanh nghiệp nhất định. Nói cách khác, đó là một giá trị tổng hòa về lượng và chất của đội ngũ con người, thiết chế tổ chức doanh nghiệp và môi trường kinh doanh... của một doanh nghiệp. Vì thế, văn hóa doanh nghiệp, ngoài những giá trị kinh tế, xã hội, đạo đức, ứng xử... còn bao chứa, ở mức độ nhất định, những giá trị tinh thần, tâm linh. Do đó, một cách khái quát, có thể coi văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ những giá trị, những tài sản vật chất và tinh thần được tạo ra trong suốt quá trình hình thành, phát triển của doanh nghiệp, tác động và chi phối lý trí, tình cảm, hành vi... của các thành viên trong doanh nghiệp, tạo nên đặc trưng, thương hiệu và sự khác biệt giữa các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong khi nhấn mạnh cái riêng, cái đặc trưng giữa các doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp cũng hàm trong nó những đặc điểm chung, doanh nghiệp nào cũng phải có hoặc phải dựa vào như một cơ sở quan trọng. Đó là định hướng văn hóa, truyền thống văn hóa dân tộc, là đạo lý kinh doanh người Việt, là đạo đức và ứng xử văn hóa Việt Nam, là sự gắn kết với văn hóa xã hội, văn hóa cộng đồng, văn hóa gia đình... Có thể dẫn ra nhiều điều kiện cơ bản khác nữa, nhưng nhìn chung, đó là những điều doanh nghiệp cần chú trọng khi xây dựng Văn hóa doanh nghiệp nhằm đạt tới mục tiêu của mình. Để nhận chân được văn hóa doanh nghiệp, cần chú ý tới một số giá trị định hình sau: những giá trị được thể hiện ở bề nổi, hữu hình (thiết chế, phương tiện, công nghệ, sản phẩm, kế hoạch, chương trình...); những giá trị được thể hiện ở truyền thống phát triển doanh nghiệp, (bao gồm các giá trị từng tồn tại và các giá trị mới); những giá trị ngầm định được thể hiện như một nền tảng của doanh nghiệp (niềm tin, nhận thức, suy nghĩ, xúc cảm...), quy định giá trị và hành động của mỗi thành viên của doanh nghiệp, rất khó thấy, nhưng lại rất quan trọng; những giá trị được thể hiện thông qua hoạt động của doanh nghiệp (phong cách quản lý, phong cách làm việc, đạo đức, ứng xử, cách thức thông tin, sản phẩm và giá trị sản phẩm, thương hiệu...). Như thế, có thể thấy, văn hóa doanh nghiệp có tầm quan trọng và vị thế to lớn đối với doanh nghiệp, quyết định sự phát triển bền vững hay không của doanh nghiệp. Nó giúp cho doanh nghiệp, nếu xây dựng được văn hóa doanh nghiệp đặc thù, tạo được động lực làm việc, quản lý và tự quản lý con người, tránh được những bất đồng trong nội bộ doanh nghiệp và tạo lợi thế cạnh tranh, tạo thương hiệu thông qua hiệu quả lao động và tính đặc thù văn hóa của doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp và văn hóa tổ chức doanh nghiệp, nếu nhìn nhận ở một phạm vi nhỏ hơn, cuối cùng chỉ đơn giản là sự phối kết một cách hòa quyện thật sự giữa những yếu tố cơ bản: giá trị (sự lựa chọn định hướng giá trị, định hướng cách hành xử của doanh nghiệp); hệ thống chuẩn mực (tiêu chuẩn quy định và hướng dẫn đạo lý, ứng xử trong doanh nghiệp); thiết chế tổ chức (thương hiệu, logo, khẩu hiệu, trang phục, nghi lễ, nghi thức ứng xử, giao tiếp...); phong cách quản lý (dân chủ hay độc đoán, tôn trọng nhân cách hay phủ nhận nhân cách, lấy lợi nhuận làm trọng hay phát triển hài hòa làm trọng...); bầu không khí tinh thần của doanh nghiệp (lành mạnh hay không lành mạnh, có ý thức cộng đồng hay sự lấn lướt của cá nhân, tương kính tương thân hay ganh ghét tị nạnh...). Những yếu tố bộ phận ấy, khi kết hợp lại dưới dạng tổng thể bằng một phương thức nào đó, sẽ quyết định tính nổi trội hay nghèo nàn, lỏng lẻo hay bền vững của văn hóa doanh nghiệp. Như thế, vấn đề định danh, tìm nội hàm, xem xét nội dung, phân tích diễn trình, đề xuất giải pháp... đối với xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiện nay, đảm bảo nó thực sự là điểm tựa phục hồi và phát triển kinh tế, quả thực là điều nan giải. Tách bạch từ cái khối vấn đề rộng lớn và phức tạp ấy để xem xét một bộ phận nhỏ, chúng tôi quan tâm đến một vài vấn đề trọng yếu: trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng doanh nghiệp và Văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam đang có những thời cơ gì và đang gặp những thách thức ra sao.
2. Thời cơ xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong điều kiện cơ chế thị trường
Về cơ bản, hành lang pháp lý cho việc đổi mới và phát triển doanh nghiệp ở nước ta là đồng bộ và tương đối đầy đủ. Đường lối và thành tựu của đổi mới, mở cửa như một nền tảng, một động lực của sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, trong đó có phát triển những doanh nghiệp đa dạng, ở nước ta. Về mặt định hướng, các văn kiện của Đảng về kinh tế và văn hóa đều hết sức chú trọng đến việc “phát triển kinh tế nhanh, có hiệu quả và bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Trước mắt, tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước...” (1). Chúng ta chủ trương xây dựng và “thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp. Xây dựng một hệ thống doanh nghiệp Việt Nam có sức cạnh tranh cao, có thương hiệu uy tín, trong đó chủ lực là một số tập đoàn kinh tế lớn dựa trên hình thức cổ phần” (2). Rõ ràng, đường lối, định hướng đúng đã tạo nền cho những thành tựu phát triển kinh tế xã hội, mà hệ thống doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước đóng góp những hiệu quả không nhỏ.
Quá trình phát triển, giao lưu, hội nhập kinh tế và văn hóa mạnh mẽ sau đổi mới đã tạo nên sức mạnh liên kết, đầu tư, phối hợp giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, tạo nên những biến đổi về chất trong hoạt động của các doanh nghiệp trong nước trên các mặt: đầu tư hoạt động, phong cách chỉ đạo, phong cách hoạt động, mở rộng môi trường và thị trường sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bối cảnh này thực sự tạo thuận lợi nếu các doanh nghiệp nắm bắt được thời cơ và tận dụng được điều kiện phát triển. Tinh thần kinh doanh được cởi mở, được khuyến khích trong tất cả các thành phần kinh tế. Đây thực sự là một thời cơ, thuận lợi to lớn nếu ta nhìn lại truyền thống kinh doanh, sắc thái kinh doanh trong nền kinh tế nông nghiệp lúa nước; trong nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp, kế hoạch hóa... thời kỳ trước đổi mới. Sự đói nghèo, khủng hoảng kinh tế những năm trước đổi mới là hệ quả, cũng như minh chứng cho sự thiếu cởi mở của tinh thần và môi trường kinh doanh thời đó. Sự cởi mở về tinh thần kinh doanh, môi trường kinh doanh thật sự là một thuận lợi lớn khi doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế được cởi trói khỏi tâm lý kỳ thị kinh doanh, coi thường thương nghiệp, ghét làm giàu công khai.
Nước ta có một đội ngũ lao động có tri thức, cần cù, sáng tạo, dễ thích ứng, sức lao động rẻ; có truyền thống kinh doanh, có đạo đức và văn hóa kinh doanh bắt nguồn từ bản sắc văn hóa của dân tộc... Nếu các doanh nghiệp biết tận dụng, phát huy, tập trung tiềm năng ấy cho hoạt động phát triển doanh nghiệp và nền kinh tế chung thì chắc chắn sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho sự tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa kinh doanh, văn hóa quản lý, văn hóa ứng xử, đạo đức con người của doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp ở Việt Nam đã có thời gian hoạt động khá lâu, đã xây dựng được triết lý và chiến lược kinh doanh mang đậm sắc thái văn hóa Việt Nam. Tính cộng đồng trong phát triển doanh nghiệp, ở một góc độ nhất định, được phát huy dưới nhiều hình thức, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong hệ thống các doanh nghiệp ở nước ta. Không ít doanh nghiệp đã phối hợp, liên doanh liên kết trong hoạt động sản xuất sản phẩm, hoặc chịu sự chi phối của các hội nghề nghiệp trong rất nhiều vấn đề, từ sản xuất đến xuất sản phẩm, nhập nguyên liệu... Đây là một yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp có cùng triết lý và mục tiêu kinh doanh hội tụ lại để tạo mô hình mạnh mẽ hơn, cạnh tranh tốt hơn với doanh nghiệp ngoài nước.
Đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam đề cao và tuân thủ một trong những tiêu chí quan trọng của kinh doanh: giữ chữ tín. Đây cũng là đặc trưng truyền thống trong kinh doanh nói chung và kinh doanh ở Việt Nam nói riêng. Đặc trưng này phù hợp và đáp ứng tốt đòi hỏi của việc phát triển doanh nghiệp và kinh doanh theo cơ chế thị trường. Ngoài triết lý kinh doanh và chiến lược phát triển doanh nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam đều có được văn hóa đạo đức và văn hóa ứng xử phù hợp trong phát triển doanh nghiệp và kinh doanh sản phẩm. Dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống, những phương diện đạo đức và ứng xử của doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn cơ bản dựa trên tính cộng đồng bền chặt, sự phối hợp và liên kết, sự chia sẻ của cộng đồng trong sản xuất và kinh doanh hàng hóa, thậm chí trong tìm tòi triết lý và chiến lược kinh doanh. Việt Nam, xưa nay, có không ít doanh nhân giỏi cả ở trong và ngoài nước. Nếu phát huy được tiềm năng và tố chất của người đứng đầu kết hợp với việc tập trung tiềm năng của đội ngũ con người, đồng thời có triết lý và chiến lược kinh doanh tốt, nhận được sự chia sẻ của cộng đồng... thì chắc chắn sẽ có nhiều thương hiệu đạt đến tầm khu vực và quốc tế. Doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam có khả năng dễ nắm bắt và tiếp thu cái mới, linh hoạt, thích ứng nhanh với sự biến đổi của tự nhiên, xã hội và những nhân tố bên ngoài. Đây là một tố chất cần thiết trong nắm bắt và giải quyết vấn đề trong kinh doanh thời kinh tế thị trường.
3. Những thách thức trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi đó, quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp và phát triển bền vững doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới chắc chắn sẽ gặp những khó khăn, thách thức không nhỏ.
Dù rằng, ở nước ta, đường lối, hành lang pháp lý, chính sách phát triển doanh nghiệp đã rất rõ ràng, song, sự thiếu hụt và lỏng lẻo về thể chế là điều có thể nhận ra. Nhu cầu hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường theo hướng khuyến khích các loại hình doanh nghiệp là một nhu cầu cần thiết và cấp bách. Đặc biệt, việc chú trọng sao cho hệ thống thể chế này đáp ứng được không chỉ nhu cầu của các doanh nghiệp mà còn quy luật thị trường và các chuẩn mực quốc tế là vấn đề cần được cân nhắc để đạt độ hài hòa trong phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước, doanh nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp tư nhân... Tính đa dạng của cạnh tranh kinh doanh trong và ngoài nước, với những sắc thái nhiều khi mâu thuẫn và cực đoan (có loại kinh doanh tôn trọng giá trị văn hóa, môi trường và con người, có loại kinh doanh bất chấp thủ đoạn vì lợi nhuận...) đã và đang tạo những khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp trong việc lựa chọn triết lý, chiến lược, phong cách... kinh doanh và phát triển doanh nghiệp. Không lựa chọn đúng thì rất dễ dẫn tới không phát triển được, thậm chí phá sản. Sự đa dạng tới mức nhiễu loạn về tính chất, mục đích kinh doanh và tạo lập doanh nghiệp (kinh doanh nhằm kiếm tiền, kinh doanh mong để lại danh tiếng với đời, kinh doanh để củng cố uy tín, kinh doanh để khuếch trương địa vị, kinh doanh để nối dòng truyền thống, để thể hiện khát vọng vươn lên... là một vài ví dụ) đã khiến cho không ít khi tầm vóc, vị thế của doanh nghiệp tản mạn, không rõ ràng, không tạo được một triết lý kinh doanh thuyết phục. Có lẽ, đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm ra thể thức tập hợp và phát triển, tạo nên sự cất cánh không chỉ của doanh nghiệp Việt Nam mà còn của văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.
Về phía doanh nghiệp, nhìn chung, người đứng đầu doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp mà quá nghiêng về hoạt động kinh doanh và hiệu quả kinh doanh. Việc chưa nhận thức rõ hiệu quả kinh doanh chỉ có được khi doanh nghiệp có nền tảng văn hóa vững chắc là một khó khăn, đồng thời là một thiệt thòi cho doanh nghiệp. Như vậy, vấn đề của các doanh nghiệp hiện nay là phải đặt việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp lên hàng đầu, ít ra cũng phải ngang bằng với hiệu quả kinh doanh, để tạo tiền đề phát triển doanh nghiệp toàn diện, bền vững. Phần lớn doanh nghiệp chưa thực coi trọng khía cạnh tinh thần, tâm linh của văn hóa doanh nghiệp (chẳng hạn, niềm tin vào triết lý kinh doanh, vào chiến lược kinh doanh, vào thương hiệu; những quy tắc chuẩn mực ứng xử trong và ngoài doanh nghiệp; sự thành tâm, sự tự giác, sự linh hoạt trong quản lý và thực hành công việc...). Phần lớn doanh nghiệp cũng chưa thực sự chú trọng đến thương hiệu, tôn vinh thương hiệu của doanh nghiệp mình. Tầm quan trọng của thương hiệu, với tư cách một sản phẩm văn hóa, một biểu trưng văn hóa, vẫn bị coi nhẹ. Đây là một bất cập gây khó khăn không nhỏ trong xây dựng doanh nghiệp và văn hóa doanh nghiệp ở nước ta. Tiêu chuẩn xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở mỗi doanh nghiệp còn chung chung, thiếu tính cụ thể và đồng bộ. Người tiêu dùng không chỉ quan tâm tới doanh nghiệp ở chất lượng sản phẩm, mẫu mã sản phẩm, sự quảng bá sản phẩm... mà nhiều khi còn tìm hiểu xem văn hóa ứng xử trong ngôn ngữ, đồng phục, lôgô, khẩu hiệu hoạt động, nghi lễ chào hỏi, bắt tay... của doanh nghiệp ra sao. Việc thiếu cụ thể, thiếu những chi tiết đặc trưng cho mỗi doanh nghiệp thực sự gây cản trở trong việc thể hiện cái riêng có của văn hóa mỗi doanh nghiệp. Hiện tượng doanh nghiệp tách khỏi cộng đồng, không thân thiện hay đối đầu với cộng đồng vẫn còn xảy ra nhiều. Văn hóa doanh nghiệp ấy, cũng vì thế mà tách khỏi văn hóa cộng đồng. Không ít ví dụ trong thực tiễn về việc doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, gây tiếng ồn, gây nên sự bức xúc của cộng đồng xung quanh. Làm cho doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp thân thiện và hòa nhập trong cộng đồng và văn hóa cộng đồng, là một nhu cầu bức hiết hiện nay.
Ngoài những thách thức tự thân của mỗi doanh nghiệp nói riêng và hệ thống doanh nghiệp Việt Nam nói chung, về cơ bản, Nhà nước và xã hội chưa thực sự quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Bản thân việc tìm hiểu những khái niệm văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nhân... từ truyền thống đến hiện đại mới đang ở bước khởi động, lại chưa thực sự thống nhất quan điểm. Việc ấn định chuẩn mực chung để áp dụng vào doanh nghiệp, do thế, vẫn chưa được thực hiện. Thực tiễn cho thấy, ở nước ta, mỗi doanh nghiệp đều đang mày mò tự xây dựng văn hóa của mình trên cơ sở triết lý, chiến lược, phong cách, thói quen, truyền thống chung và riêng, không tránh khỏi tản mạn, manh mún. Đây thực sự là một thách thức lớn. Do vậy, tổng kết thực tiễn phát triển văn hóa doanh nghiệp; phân tích, tìm hệ quy chuẩn chung để trên cơ sở đó, doanh nghiệp có thể xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tất nhiên với phương thức là kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn quy chuẩn chung với những nét riêng mà tự doanh nghiệp tìm thấy trong suốt quá trình phát triển của mình... là vấn đề cần chú trọng trong thực tiễn phát triển doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp ở Việt Nam đang ngày càng bộc lộ những mặt yếu trong văn hóa nhận thức về kinh tế, kinh doanh, trong văn hóa sản xuất, trong văn hóa tổ chức quản lý kinh tế, trong văn hóa ứng xử, giao tiếp cũng như trong đạo đức doanh nhân, đạo đức kinh doanh... Đặc biệt, những biểu hiện như: khinh miệt lao động chân tay, coi thường thương nghiệp, không coi trọng doanh nhân, dễ thỏa mãn, thói quen ỷ lại, thiếu ý thức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm, tùy tiện, dễ thất tín, thực hành chậm, thói quen nặng tình nhẹ luật, nặng bổng lẹ lương, bình quân chủ nghĩa... (3) đang còn hiện diện không ít trên thực tiễn. Đây thực sự là thách thức lớn, thậm chí là một rào cản, đối với sự phát triển văn hóa doanh nhân, văn hóa kinh doanh trong cơ chế thị trường.
Trong thực tiễn, việc tồn tại sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp phi nhà nước đã tạo ra thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp tư nhân không chỉ trong đầu tư vốn, sản xuất sản phẩm, tạo lập thị trường... mà còn trong cả kinh doanh, quan hệ với người tiêu dùng. Gỡ bỏ sự bất bình đẳng này phải là một vấn đề được quan tâm giải quyết nhanh chóng để tạo thế bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trong phát triển toàn bộ các doanh nghiệp ở Việt Nam.
4. Giải pháp phát huy vai trò của văn hóa doanh nghiệp
Như vậy, làm gì để tận dụng được thời cơ, thuận lợi và làm sao giảm thiểu những khó khăn, thách thức đang thực sự là một câu hỏi lớn đặt ra trước mắt các doanh nghiệp Việt Nam. Để giải quyết thấu đáo vấn đề này, chắc chắn cần tới một hệ giải pháp nhằm phát huy vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay.
Theo chúng tôi, trước khi đi tìm giải pháp phát huy vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong phát triển kinh tế ở nước ta, phải nhận thức rất rõ: Văn hóa doanh nghiệp chính là điểm tựa, là nguồn lực, đồng thời là một giải pháp thiết yếu, cơ bản để phát triển kinh tế, xã hội ở nước ta trong bối cảnh mới. Vì thế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải được coi là vấn đề - giải pháp tiên quyết trong phát triển mỗi doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp văn hóa, xã hội. Do đó, mỗi doanh nghiệp cần đề cao trước hết mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và văn hóa thông qua nguyên lý: phát triển văn hóa trong kinh tế và phát triển kinh tế trong văn hóa; văn hóa trong phát triển kinh tế và kinh tế trong phát triển văn hóa...
Đã đến lúc mỗi doanh nghiệp cần “nâng cao được nhận thức của doanh nghiệp về văn hóa doanh nghiệp, trước hết và quan trọng nhất là từ người sáng lập, lãnh đạo doanh nghiệp đó, từ đó truyền đạt, lan tỏa xuống bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý và xuống tận các công nhân viên và đơn vị cơ sở” (4). Đồng thời, cần hết sức chú trọng sự kết hợp đồng bộ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội trong việc đề ra các giải pháp phát huy vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay. Nói cách khác, mỗi doanh nghiệp cần kết nối và tận dụng được các giải pháp từ phía Nhà nước, các giải pháp từ phía xã hội và các giải pháp từ phía doanh nghiệp trong việc phát huy nội lực của mình (5).
Mỗi doanh nghiệp cần tạo dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh hướng tới thị trường. “Theo đó, doanh nghiệp phải thấu hiểu nhu cầu nguyện vọng của khách hàng để khai thác sản phẩm mới và cung cấp dịch vụ chất lượng cao; xây dựng hệ thống tư vấn cho người tiêu dùng, cố gắng ở mức cao nhất để thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng, nâng cao chất lượng phục vụ để tăng cường sức mua của khách hàng; tiến hành khai thác văn hóa đối với môi trường sinh tồn của doanh nghiệp, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp thân thiện với khách hàng” (6)...
Và tất nhiên, còn rất nhiều giải pháp vi mô và vĩ mô khác cần được tìm ra để thúc đẩy việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đưa văn hóa doanh nghiệp trở thành động lực phát triển kinh doanh, kinh tế và xã hội. Đây là vấn đề đang trở thành mối quan tâm của không ít nhà quản lý, không ít doanh nghiệp và không ít nhà nghiên cứu khoa học. Do đó, chúng tôi không đề cập sâu, chỉ xin nêu vài khía cạnh như là phần kết luận của bài viết này.
______________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, tr.162.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.84.
3. Đỗ Minh Cương, Văn hóa kinh doanh và triết lý kinh doanh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, tr.183-191.
4. Văn hóa doanh nhân quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vietnamtourism.gov.vn, 15-5-2019.
5. Từ Thị Loan, Văn hóa doanh nghiệp vớisự phát triển bền vững của đất nước, tapchicongsan.org.vn, 10-5-2022.
6. Nguyễn Thị Việt Nga, Một số giải pháp đột phá để xây dựng Văn hóa doanh nghiệp, tapchitaichinh.vn, 14-12-2018.
PHẠM VŨ DŨNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 509, tháng 9-2022