LTS: Như thông tin Tạp chí điện tử Văn hóa Nghệ thuật và kỳ 3 “Thế giới nghệ thuật” đã đưa, ngày 26-8-2022, tại Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật phối hợp với Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hóa doanh nghiệp - điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch”. Trong số này và số tháng 10 kỳ 1 “Nghiên cứu, thông tin lý luận”, chúng tôi sẽ lựa chọn, đăng tải một số tham luận, giới thiệu cùng bạn đọc.
Hơn 35 năm qua, kể từ sau Đại hội VI của Đảng (năm 1986), tiến trình đổi mới toàn diện đất nước ngày càng đi vào chiều sâu. Trước những vấn đề mới nảy sinh từ cuộc sống, Đảng ta đã rất coi trọng phát triển tư duy lý luận trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong nước, đồng thời mở rộng tầm nhìn ra bên ngoài, chú ý tham khảo kinh nghiệm của thế giới. Từ Đại hội VII và nhiều Hội nghị Trung ương thuộc các nhiệm kỳ đại hội đảng đến nay, Đảng ngày càng xác định rõ hơn mô hình kinh tế tổng quát, mục tiêu chung, cùng với hệ thống các chủ trương và quan điểm có ý nghĩa chỉ đạo việc giải quyết hàng loạt mối quan hệ cơ bản về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… bảo đảm cho sự thành công của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay, việc phát triển bền vững đất nước phụ thuộc rất nhiều vào việc giải quyết hài hòa và hợp lý các mối quan hệ lớn mà Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung và phát triển năm 2011) đã xác định. Trong đó, mối quan hệ giữa phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế là một trong những mối quan hệ rất cơ bản, phản ánh trình độ và chất lượng của sự phát triển bền vững đất nước. Cương lĩnh nêu rõ: “Giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội” (1). Quan điểm này tiếp tục được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII xác định là một trong chín mối quan hệ lớn cần giải quyết: “Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân” (2). Tiếp tục ở Đại hội lần thứ XIII, quan điểm của Đảng đã đưa văn hóa trở thành một khâu đột phá: “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập quốc tế; đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật” (3).
Như vậy, riêng về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, Đảng ta khẳng định nhất quán quan điểm phát triển văn hóa phải gắn bó chặt chẽ và đồng bộ với tăng trưởng kinh tế trong từng bước phát triển; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Quan điểm đó vừa là sự kế thừa các tư tưởng về văn hóa của cha ông, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự tiếp thu các thành tựu mới của tư duy nhân loại về văn hóa cuối TK XX, đồng thời cũng xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong thời kỳ lịch sử mới. Vì vậy, giải quyết hài hòa mối quan hệ này trong xây dựng và phát triển đất nước hiện nay luôn là vấn đề cấp bách, vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn, hướng tới mục tiêu của phát triển toàn diện, hướng tới con người và vì con người.
Tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, trên cơ sở tổng kết, đánh giá 15 năm nỗ lực thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; trong đó vị trí, vai trò của văn hóa ngày càng được nâng cao, “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” (4). Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI tiếp tục khẳng định sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, đồng thời nhấn mạnh cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế nhằm khắc phục tình trạng chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế, chạy theo lợi ích vật chất trước mắt, coi nhẹ hoặc bỏ qua các yếu tố văn hóa và con người. Như vậy, thực chất của mối quan hệ giữa phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế là đảm bảo mục tiêu gắn kết một cách hài hòa, cân đối giữa phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế, nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện xã hội. Đó cũng chính là một trong những tiêu chí để đánh giá sự phát triển bền vững của một quốc gia.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa đã có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, làm thay đổi diện mạo đất nước; uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao; thời cơ, vận hội phát triển mở ra rộng lớn. Thế nhưng, trước những biến đổi nhanh chóng, đa dạng, phức tạp của đời sống trong nền kinh tế thị trường và bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, hoạt động văn hóa còn bộc lộ sự bất cập, hạn chế; phương thức lãnh đạo còn chậm được đổi mới; chúng ta chưa lường hết tính phức tạp và những tác động của mặt trái kinh tế thị trường đối với đời sống văn hóa. Tuy Đảng ta đã xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế, xã hội, nhưng thực tế trong suy nghĩ, hành động, việc làm của các cấp đều quá coi trọng kinh tế. Hầu hết các chủ trương, giải pháp đưa ra đều tập trung cho phát triển kinh tế mà xem nhẹ văn hóa. Như thế, văn hóa vô hình trung bị thu hẹp phạm vi và trở nên “hành chính hóa”, không còn là một phạm trù tổng thể các giá trị vật chất, tinh thần.
Những mâu thuẫn của mối quan hệ giữa phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế biểu hiện ngày càng gay gắt, phức tạp, khó lường. Do sức ép về tăng trưởng kinh tế nên nhiều ngành, nhiều địa phương ít quan tâm đến phát triển văn hóa, chưa đầu tư đúng mức cho văn hóa. Trong khi xây dựng các chương trình, dự án phát triển kinh tế, quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị, các nhà quản lý thường tập trung vào mục tiêu lợi ích kinh tế, chưa chú ý tới điều kiện sống, môi trường lao động và đời sống văn hóa tinh thần của người lao động. Doanh nghiệp thường chạy theo lợi ích kinh tế, ít quan tâm đến các giá trị văn hóa và chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Xu hướng gạt bỏ các giá trị văn hóa và nhân văn ra khỏi hoạt động kinh tế ngày càng thể hiện rõ nét trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó, việc phát triển văn hóa chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Đầu tư cho phát triển văn hóa ít hiệu quả. Một số chính sách chưa phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi; hệ thống thiết chế văn hóa chưa đồng bộ, chưa hoàn chỉnh, dẫn đến nhiều di sản văn hóa, cả vật thể và phi vật thể không được giữ gìn, tôn tạo. Tình trạng mất dân chủ, cửa quyền, quan liêu, xuống cấp về tư tưởng, đạo đức, lối sống chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tệ nạn xã hội và tội phạm (nhất là trong lớp trẻ) gia tăng đáng lo ngại. Chưa khắc phục được sự yếu kém trong quản lý nhà nước về văn hóa. Cuộc đấu tranh ngăn ngừa văn hóa phẩm độc hại (nhất là trên mạng internet) còn bất cập. Văn học, nghệ thuật còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật. Một số cơ quan báo chí chưa thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích… Đó là nghịch lý diễn ra trong quá trình phát triển đất nước, tăng trưởng nhanh nhưng tính ổn định chưa cao; tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững; tăng trưởng càng cao thì càng xuất hiện nhiều hiện tượng đi xuống của văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống.
Như vậy, có thể thấy, giải quyết mối quan hệ giữa phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế vẫn luôn là vấn đề cấp thiết nhất hiện nay, không chỉ đòi hỏi cần tiếp tục có sự nghiên cứu sâu sắc về mặt lý luận và thực tiễn của mối quan hệ này, mà quan trọng hơn là phải nghiên cứu để đưa ra những gợi ý, giải pháp nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ đó trên cơ sở phát huy tối đa mặt tích cực và hạn chế các tác động tiêu cực; đặc biệt là chú trọng vai trò của các chủ thể có trách nhiệm trong việc giải quyết mối quan hệ này ở nước ta hiện nay.
Mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, kinh tế và văn hóa là mối quan hệ biện chứng trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Nó thể hiện ở chỗ: Thành tựu phát triển văn hóa làm nền tảng tinh thần của tăng trưởng kinh tế, còn thành tựu tăng trưởng kinh tế làm nền tảng, cơ sở vật chất cho phát triển văn hóa; Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế, xã hội, còn quá trình phát triển kinh tế cũng là quá trình phát triển văn hóa; Phát triển kinh tế phải tính đến mục tiêu phát triển bền vững, mọi sự phát triển không gắn với văn hóa đều là sự phát triển què quặt, mang nặng tính kỹ thuật và tất yếu dẫn đến bất công, phân hóa xã hội, phân hóa giàu - nghèo…
Bởi vậy, việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế và phát triển văn hóa là nhằm phát triển bền vững đất nước, trở thành yêu cầu có tính tất yếu. Tuy nhiên, việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam chịu sự tác động của nhiều yếu tố. Trước hết là các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề này; đồng thời chịu sự tác động từ quá trình hội nhập quốc tế cũng như quá trình xã hội hóa các hoạt động văn hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, nó còn chịu tác động bởi trình độ nhận thức, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế... Thực tế thời gian qua, việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam tuy đạt được kết quả nhất định; song, vẫn còn hạn chế, bất cập, đang còn những vấn đề đặt ra, đòi hỏi có nhận thức đầy đủ và giải pháp hiệu quả.
Văn hóa doanh nghiệp được coi là nguồn tài sản quý báu, là nền tảng để xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, khi nghiên cứu về các tác nhân chủ yếu dẫn đến sự thành công của các doanh nghiệp Nhật Bản trên khắp thế giới, các chuyên gia kinh tế Mỹ đã phát hiện ra rằng: Chính sự đồng thuận trong các quan niệm về giá trị, triết lý, nguyên tắc kinh doanh, cách nhận thức và phương pháp tư duy của từng cá nhân và tập thể trong nội bộ doanh nghiệp đã tạo nên bản sắc và sức mạnh toàn diện của mỗi doanh nghiệp Nhật Bản. Trong những năm gần đây, khái niệm Văn hóa doanh nghiệp ngày càng được sử dụng phổ biến, các vấn đề của văn hóa doanh nghiệp bắt đầu được nhắc đến như một tiêu chí tất yếu khi bàn về doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp ngày càng trở thành một tất yếu, một xu thế khách quan của xã hội hiện đại. Bài học về sự phát triển của các nước công nghiệp mới và sự thất bại của một số nước tư bản phát triển trong lĩnh vực kinh tế đã khẳng định một cách sâu sắc vai trò của nhân tố văn hóa trong điều hành doanh nghiệp. Sự cạnh tranh gay gắt trên quy mô toàn cầu đang đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước những đòi hỏi mới về sự năng động, linh hoạt, đổi mới phương thức quản lý kinh doanh để tồn tại và phát triển bền vững. Bên cạnh các yếu tố như sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, năng lực kinh doanh... Văn hóa doanh nghiệp được coi là một nguồn lực vàng quyết định sự thành công của các doanh nghiệp.
Tầm quan trọng của xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam đã được đề cập trong các văn kiện của Đảng qua các kỳ đại hội, Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã chỉ rõ: “Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế. Con người thực sự là trung tâm trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc”.
Gần đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 16-5-2016 về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2010, trong đó khẳng định: “Doanh nghiệp phải nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác; đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh”.
Đặc biệt, ngày 7-11-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Lễ công bố Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam 10-11 và Phát động Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng khẳng định: “Xây dựng và phát triển nền tảng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam gắn với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Coi phát triển văn hóa doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản và cấp thiết để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp... văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh lành mạnh, tiên tiến, phù hợp với các xu thế của thời đại chính là chiếc cầu nối hữu hiệu nhất để chúng ta hòa nhập, hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới”.
Như vậy, việc quan tâm xây dựng, quản lý và phát huy văn hóa doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác yếu tố văn hóa trong kinh tế để phát triển bền vững, đồng thời thể hiện sự quán triệt và thực thi nghị quyết, chủ trương của Đảng và Chính phủ vào thực tiễn.
Văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp. “Văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị do doanh nghiệp sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động kinh doanh, là tổng thể các truyền thống, cấu trúc, phương thức kinh doanh, quản lý điều hành nhằm xác lập quy tắc ứng xử của một doanh nghiệp, từ đó chi phối hoạt động của mọi thành viên và tạo ra bản sắc kinh doanh riêng có của doanh nghiệp” (5). Theo Từ Thị Loan, văn hóa doanh nghiệp có 5 chức năng chính như sau: Thứ nhất, tạo ra sự phát triển ổn định, bền vững cho doanh nghiệp. Theo đó, các yếu tố như sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, tác phong làm việc, cách ứng xử... của văn hóa doanh nghiệp sẽ tạo dựng và củng cố hình ảnh và uy tín cho doanh nghiệp; Thứ hai, xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp, ở đó, thương hiệu doanh nghiệp được định hình và củng cố trong tâm trí công chúng nhờ việc thực hành các yếu tố nêu trên của văn hóa doanh nghiệp; Thứ ba, tạo động lực làm việc, thúc đẩy tính sáng tạo của các thành viên, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; Thứ tư, thu hút nhân tài, tạo sự gắn bó giữa nhân viên với doanh nghiệp, qua việc tạo ra môi trường làm việc tốt, cơ hội thăng tiến và hoàn thiện bản thân, tác phong làm việc tích cực, giúp gia tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả công việc; Thứ năm, tạo dựng lòng tin và thu hút khách hàng, đối tác nhờ tinh thần trách nhiệm, ý thức giữ chữ tín, tôn trọng đối tác sẽ đem lại sự hài lòng, tin tưởng và dẫn đến sự hợp tác lâu dài, gắn bó của đối tác và khách hàng với doanh nghiệp (6).
Khi tạm thời vượt qua những khó khăn, căng thẳng giai đoạn giãn cách xã hội, cũng là lúc chúng ta đánh giá, nhận ra những giá trị cốt lõi của cuộc sống. Giờ đây, xã hội đã nhận thấy giá trị của sức khỏe, sự cao đẹp của tình đoàn kết, chia sẻ, đức tính hy sinh vì cộng đồng, lá lành đùm lá rách... Và chúng ta cảm nhận rõ hơn rằng, trong gian khổ, khó khăn, những đức tính quý giá của người Việt - vốn đã giúp dân tộc vượt qua muôn vàn gian khó để trường tồn và phát triển như ngày nay - thực sự vẫn đang tồn tại, trở thành động lực phát triển của đất nước.
Đất nước chúng ta đã thành công trong cuộc chiến chống dịch bệnh, và bây giờ là lúc chúng ta tính toán đến mục tiêu thứ hai: phát triển kinh tế cho đất nước. Xét ở một góc độ nhất định, trước, trong và cả sau khi kết thúc bệnh dịch, văn hóa đóng vai trò quan trọng để chúng ta thành công trong mục tiêu thứ hai này. Ở đây, chúng ta đang nói đến bài học về xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Đối phó với dịch bệnh ở quy mô lớn như vừa qua là lần đầu tiên chúng ta có một trải nghiệm khắc nghiệt đến thế! Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, văn hóa doanh nghiệp góp phần giảm thiểu thiệt hại cho mỗi doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Văn hóa doanh nghiệp gồm nhiều yếu tố trong đó có những yếu tố liên quan đến đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và được coi là nguồn tài sản quý báu, là nền tảng để xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Một doanh nghiệp hình thành được văn hóa tốt sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn, đồng thời, có thể gây dựng thương hiệu từ chính dịch bệnh. Bà Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã từng phát biểu: Văn hóa là tài sản lớn nhất, là sức mạnh cho Vingroup thành công! Bà Nguyễn Hà Thành, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Viettel cũng nhận định tương tự khi khẳng định: Văn hóa Viettel là sức mạnh! Sự giúp đỡ người nghèo, những người đang ở tuyến đầu chống dịch của các tổ chức, doanh nghiệp, hy sinh vì lợi ích quốc gia của các doanh nghiệp đã để lại ấn tượng tốt, từ đó trở thành cơ sở để xây dựng thương hiệu cho chính các doanh nghiệp. Những ví dụ như Công ty Metran, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cung cấp máy thở, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) ủng hộ các sản phẩm sữa cho các bệnh viện, Công ty Vũ Trụ Xanh sáng chế ra ATM gạo, Công ty ABC Bakery sản xuất bánh mỳ thanh long để giải cứu cho nông sản này... chính là những ví dụ cụ thể, gần gũi nhất để chứng minh cho sức mạnh của văn hóa doanh nghiệp trong thời buổi dịch bệnh hoành hành vừa qua.
Để Văn hóa doanh nghiệp thể hiện tốt hơn sức mạnh của mình, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn như dịch bệnh COVID-19 hiện nay, chúng ta cần làm tốt hơn nữa việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là chủ doanh nghiệp về tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp; nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, đặc biệt là Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (VNABC) từ đó lan tỏa những chương trình về văn hóa doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch qua việc hoàn thiện thể chế, pháp luật; xây dựng và lan tỏa những tấm gương văn hóa doanh nghiệp tiêu biểu, lan tỏa những hành động đẹp, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, đồng thời phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật của một số doanh nghiệp, góp phần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh.
Tóm lại, văn hóa doanh nghiệp chính là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp. Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế sâu rộng, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp thực chất chính là sự cạnh tranh của văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp ngày càng trở thành một xu thế tất yếu, khách quan trong xã hội hiện đại. Vượt qua dịch bệnh bằng văn hóa doanh nghiệp, chúng ta càng tin tưởng rằng, văn hóa doanh nghiệp sẽ tiếp tục giúp chúng ta chiến thắng trong nỗ lực đưa đất nước phát triển, đúng theo tinh thần của Thủ tướng trong Quyết định 1846/QĐ-TTg về Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, để văn hóa doanh nghiệp “góp phần tạo môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế”.
_______________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.73.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.271.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014, tr.48.
5. Dương Xuân Thao (chủ biên), Giáo trình Văn hóa doanh nghiệp, Nxb Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2015, tr.10.
6. Từ Thị Loan, Văn hóa doanh nghiệp vớisự phát triển bền vững của đất nước, tapchicongsan.org.vn, 10-5-2022.
PGS, TS BÙI HOÀI SƠN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 509, tháng 9-2022