Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và tầm nhìn thời đại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Vừa qua, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản cuốn sách: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tập hợp 29 bài viết nghiên cứu, bài phát biểu sâu sắc, thể hiện tầm cao của tư duy lý luận cách mạng, chắt lọc và tổng kết thực tiễn với những minh chứng thuyết phục về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và tầm nhìn thời đại, góp phần quan trọng trong quá trình tiếp tục xây dựng, củng cố, bổ sung và phát triển vững chắc nền tảng lý luận cách mạng Việt Nam của Đảng ta hiện nay.

Trình diễn nghệ thuật tại Festival Hoa Đà Lạt - Ảnh: Hà Hữu Nết

1. Đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn của cách mạng Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử, thực hiện khát vọng của nhân dân ta

Thắng lợi vĩ đại và ý nghĩa lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Tám 1945 với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã nâng cao tầm vóc và tư thế chính nghĩa của dân tộc ta trên trường quốc tế, mở ra một thời đại cách mạng hào hùng: Thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.

Vận dụng sáng tạo tinh hoa lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lê nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân cả nước anh dũng tiến hành kháng chiến, lần lượt đánh đuổi các thế lực giặc ngoại xâm hung hãn, bảo vệ độc lập tự do của dân tộc và chủ quyền lãnh thổ, thống nhất Tổ quốc, đồng thời luôn kiên định, kiên trì mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, xóa bỏ mọi áp bức bất công, xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, đem hạnh phúc đến cho nhân dân, quyết tâm thực hiện “không để ai bị bỏ lại phía sau”, hướng tới phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa thịnh vượng và hùng cường trong niềm tin yêu mến phục của bạn bè quốc tế và nhân dân tiến bộ thế giới.

Trong tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nhìn lại chặng đường cách mạng Việt Nam từ khi thành lập Đảng cho đến nay, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Năm 1930, trong Cương lĩnh chính trị của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo, bỏ qua thời kỳ tư bổn chủ nghĩa mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa”. Vào những năm cuối TK XX, mặc dù trên thế giới, chủ nghĩa xã hội hiện thực đã bị đổ vỡ một mảng lớn, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa không còn, phong trào xã hội chủ nghĩa lâm vào giai đoạn khủng hoảng, thoái trào, gặp rất nhiều khó khăn, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định: “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (tháng 1-2011), trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), chúng ta một lần nữa khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử…” (1).

Tổng Bí thư tiếp tục khái quát về đường lối cách mạng của Đảng và mơ ước, khát vọng của nhân dân ta như sau: “Nhân dân Việt Nam đã trải qua một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, khó khăn, đầy gian khổ, hy sinh để chống lại ách đô hộ và sự xâm lược của thực dân, đế quốc để bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền thiêng liêng của đất nước, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân với tinh thần Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh…” (2). Tuy nhiên, trong bối cảnh TK XXI đang diễn ra sôi động, đa chiều về tư tưởng chính trị, một vấn đề lý luận và thực tiễn cực kỳ quan trọng, cấp bách đang đặt ra có tính thời sự nóng bỏng, có ý nghĩa lịch sử và tầm nhìn thời đại đã được Tổng Bí thư nêu ra như sau: “Chủ nghĩa xã hội là gì và đi lên chủ nghĩa xã hội bằng cách nào? Đó là điều mà chúng ta luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, lựa chọn để từng bước hoàn thiện đường lối quan điểm và tổ chức thực hiện, làm sao để vừa theo đúng quy luật chung, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam” (3).

Đây chính là định hướng sáng tạo, phát triển tư duy lý luận và nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta sẽ được trình bày và luận giải một cách khoa học, thuyết phục trong tác phẩm của Tổng Bí thư, góp phần hoàn thiện lý luận cách mạng của Đảng ta, có ý nghĩa soi đường cho những lộ trình tiếp theo của sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, góp phần gợi dẫn kinh nghiệm cho các tiến trình cách mạng thế giới với khát vọng đem lại tự do, hạnh phúc, ấm no cho con người của các quốc gia, dân tộc trên toàn cầu.

2. Những thách thức của thế giới đương đại và mơ ước của nhân loại về một thời đại mới với xã hội tốt đẹp hơn

Với cái nhìn khoa học và biện chứng, tổng hợp và khái quát về tình hình thế giới hiện nay, Tổng Bí thư đã có những phân tích sinh động về những biến động phức tạp, chứa đựng nhiều thách thức của lịch sử loài người những năm cuối TK XX và đầu TK XXI, trong đó có sự thay đổi mô hình và sự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản hiện đại: “Chúng ta thừa nhận rằng, chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đạt nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học và công nghệ...” (4). Tuy nhiên, cho dù chủ nghĩa tư bản đã có “những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước...” (5), nhưng thực tiễn những năm gần đây lại cho thấy: “...chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó. Các cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục diễn ra. Đặc biệt, năm 2008-2009, chúng ta đã chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế bắt đầu từ nước Mỹ, nhanh chóng lan rộng ra các trung tâm tư bản chủ nghĩa khác và tác động đến hầu hết các nước trên thế giới. Các nhà nước, các chính phủ tư sản ở phương Tây đã bơm những lượng tiền khổng lồ để cứu các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia, các tổ hợp công nghiệp, tài chính, ngân hàng, thị trường chứng khoán, nhưng không mấy thành công. Và hôm nay, chúng ta lại chứng kiến cuộc khủng hoảng nhiều mặt, cả về y tế, xã hội lẫn chính trị, kinh tế đang diễn ra dưới tác động của đại dịch COVID-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kinh tế suy thoái đã làm phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong các xã hội tư bản chủ nghĩa: Đời sống của đa số dân cư lao động bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc…” (6).

Có thể nói, đây là những thách thức cực kỳ nan giải với những hệ lụy khó lường đã và đang không ngừng bùng phát, lan tràn trong các nước tư bản, từ đó ảnh hưởng nặng nề đến bức tranh toàn cảnh của kinh tế thế giới và các vấn đề an ninh toàn cầu: “Các phong trào phản kháng xã hội bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều nước tư bản phát triển trong thời gian qua càng làm bộc lộ rõ sự thật về bản chất của các thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa. Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do” mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân - yếu tố bản chất nhất của dân chủ” (7).

Tại các nước tư bản, hệ thống quyền lực của nhà nước đang tồn tại những mâu thuẫn, nghịch lý gây ra những rào cản và xung đột khi thực thi công lý, bởi lẽ hệ thống quyền lực đó lại: “…chủ yếu thuộc về thiểu số giàu có và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn. Một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội…” (8). Theo Tổng Bí thư thì: “Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến phong trào 99 chống lại 1 diễn ra ở Mỹ đầu năm 2011 và nhanh chóng lan rộng ở nhiều nước tư bản. Sự rêu rao bình đẳng về quyền, nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện các quyền đó đã dẫn đến dân chủ vẫn chỉ là hình thức, trống rỗng mà không thực chất. Trong đời sống chính trị, một khi quyền lực của đồng tiền chi phối thì quyền lực của nhân dân sẽ bị lấn át. Vì vậy, tại các nước tư bản phát triển, các cuộc bầu cử được gọi là tự do, dân chủ, dù có thể thay đổi chính phủ, nhưng không thể thay đổi được các thế lực thống trị; đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản” (9).

Có thể nói rằng, trên đây là những mâu thuẫn, xung đột chưa thể hóa giải trong lòng chế độ tư bản hiện nay. Mô hình kinh tế, xã hội của các nước tư bản lại đang ngày càng bộc lộ nhiều nhược điểm nan giải, phức tạp, khiến cho chính phủ các nước này lúng túng, chưa tìm được lối ra. Tổng Bí thư phân tích về vấn đề này như sau: “Bản thân thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản không thể giúp giải quyết được những khó khăn, và trong nhiều trường hợp còn gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho các nước nghèo; làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa lao động và tư bản toàn cầu. Sự thật đó cũng làm phá sản những lý thuyết kinh tế hay mô hình phát triển vốn xưa nay được coi là thời thượng, được không ít các chính khách tư sản ca ngợi, được các chuyên gia của họ coi là tối ưu, hợp lý. Cùng với khủng hoảng kinh tế - tài chính là khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái... đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại” (10).

Tiếp theo, Tổng Bí thư tiếp tục chỉ ra các nhóm nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng bi đát này tại các nước tư bản: “Đó là hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế - xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội. Đó cũng chính là những đặc trưng cốt yếu của phương thức sản xuất và tiêu dùng tư bản chủ nghĩa. Các cuộc khủng hoảng đang diễn ra một lần nữa chứng minh tính không bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái của nó” (11). Thực tế ngày nay cho thấy, trong xã hội tư bản, hàng loạt vấn đề bức xúc, đang diễn ra dữ dội như: cạnh tranh khốc liệt theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé” dẫn đến tình trạng phá sản, đổ vỡ khó kiểm soát, giá cả leo thang, khủng hoảng kinh tế - tài chính, an ninh năng lượng, lương thực không được đảm bảo, tài nguyên ngày càng cạn kiện, ô nhiễm môi trường trầm trọng, tình trạng đói nghèo, dịch bệnh, bất công, bạo lực, bạo động, bất ổn chính trị, ám sát nguyên thủ quốc gia, xung đột vũ trang, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo… Tất cả những vấn đề này đang hằng ngày, hằng giờ đe dọa cuộc sống của con người và các cộng đồng xã hội và tại nơi đây - nơi được cho là “thế giới tự do”(?!), thì hạnh phúc của con người vẫn chỉ là giấc mơ xa vời và ảo ảnh. Từ những phân tích, lập luận sắc bén về chính trị và xã hội của thế giới đương đại, đồng chí Tổng Bí thư đã nghiêm khắc phê phán và bác bỏ một số quan điểm phiến diện sai lầm từng: “bài bác chủ nghĩa xã hội, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản. Thậm chí có người còn sám hối về một thời đã tin theo chủ nghĩa Mác - Lê nin và con đường xã hội chủ nghĩa” (12).

Thực tế cho thấy rằng, hiện nay, mô hình xã hội tư bản chủ nghĩa dù đã có một số sự thay đổi, điều chỉnh, nhưng cũng chưa vượt qua được những khó khăn, thách thức của lịch sử, vẫn chưa đem lại hạnh phúc và sự bình yên cho con người, cho đại đa số nhân dân lao động. Vấn đề đặt ra cấp thiết đối với nhân loại hiện nay là vẫn phải tiếp tục nghiên cứu thiết kế một mô hình xã hội ưu việt hơn, có thể giải quyết được triệt để những mâu thuẫn, xung đột, khó khăn, thách thức đang diễn ra trong lòng xã hội tư bản cũng như trên phạm vi toàn cầu, đồng thời cũng phải thật sự đem lại tự do, hạnh phúc đến cho con người và xã hội. Theo Tổng Bí thư, mô hình xã hội ưu việt để con người có được tự do, hạnh phúc, ấm no ấy, chính là chủ nghĩa xã hội: “Xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, do đó cần và có điều kiện để xây dựng sự đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng xã hội” (13).

Nghiên cứu sâu sắc về tình hình thực tiễn đời sống chính trị đa dạng và phức tạp hiện nay của nhân loại, đồng thời tiếp tục vận dụng tinh hoa lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trong tiến trình cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn kiên định con đường đã chọn là quyết tâm chiến đấu vì độc lập dân tộc, phấn đấu xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến lên chủ nghĩa cộng sản, đem hạnh phúc đến cho quảng đại quần chúng nhân dân. Khẳng định quan điểm này của Đảng, Tổng Bí thư nêu rõ: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc” (14).

3. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: vẻ đẹp ưu việt của một chế độ xã hội tốt đẹp, đem hạnh phúc đến cho nhân dân

Trải qua các tiến trình cách mạng, Đảng ta đã vận dụng nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin để phát triển tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội. Nhìn lại chặng đường hơn 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư kết luận: “Mặc dù vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nhưng chúng ta đã hình thành nhận thức tổng quát: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Để thực hiện được mục tiêu đó, chúng ta phải: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” (15).

Như vậy, với cách lập luận giản dị và hết sức uyên bác, sâu sắc, Tổng Bí thư đã nêu lên diện mạo và đặc trưng của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã và đang hướng tới xây dựng, phát triển. Theo Tổng Bí thư, chủ nghĩa xã hội chính là những mơ ước, khát vọng giản dị, thiết thực, cụ thể, sinh động trong cuộc sống hằng ngày của nhân dân: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, cá lớn nuốt cá bé, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và, chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có” (16).

Tổng Bí thư tiếp tục phân tích về bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa đang được xây dựng ở nước ta: “Xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, do đó cần và có điều kiện để xây dựng sự đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng xã hội. Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam” (17).

Vượt qua những thách thức, khó khăn trên chặng đường đổi mới, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã luôn luôn kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa, thực hiện đẩy mạnh công cuộc đổi mới nhưng không “đổi màu”, “hội nhập” mà không “hòa tan”, phát triển mạnh mẽ, đưa vị thế đất nước lên trên những tầm cao mới của lịch sử. Con đường cách mạng nước ta là bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đi thẳng lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện Việt Nam, nhưng đó là quan điểm phủ định biện chứng khoa học đúng đắn: “Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Đương nhiên, việc kế thừa những thành tựu này phải có chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát triển” (18). Đây chính là quan điểm lý luận sáng tạo của Đảng ta trong sự nghiệp chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vừa vượt qua sóng gió phức tạp và khó lường của thời đại ngày nay, lại vừa tiếp nhận được những thành tựu quý giá của văn minh nhân loại, đồng thời gìn giữ, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị, thoái hóa biến chất, đảm bảo giữ gìn hòa bình của đất nước và khu vực, đảm bảo được sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, quyết tâm chấn hưng và phát triển đất nước, vượt qua, chế ngự và xử lý được những nguy cơ, thách thức và thường xuyên bắt nhịp được với xu thế phát triển tiến bộ chung của nhân loại. Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh về một trong những sáng tạo rất độc đáo của Đảng ta trong phát triển kinh tế thời đại ngày nay như sau: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta” (19). Trên thực tế, quan điểm xây dựng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đã và đang được hiện thực hóa ở Việt Nam và thể hiện rõ bản chất ưu việt của kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của chế độ ta, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế quốc dân, góp phần tạo nên “sức mạnh cứng”, gia tăng tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước trong các tiến trình vận động, phát triển.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã được Tổng Bí thư phân tích hết sức cụ thể, đó là: “…nền kinh tế thị trường hiện đại vận hành theo quy luật của kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý, điều tiết kịp thời, phù hợp của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, luôn đảm bảo “gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế với đi đôi thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển” (20). Từ hệ thống điểm nhìn bao quát, tổng hợp về thực tiễn sự nghiệp đổi mới mấy chục năm qua trên đất nước ta, Tổng Bí thư đã tổng kết và khẳng định thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam như sau: “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại” (21).

 Thành quả của sự nghiệp đổi mới trên đất nước ta về các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội suốt mấy chục năm qua là minh chứng thuyết phục về sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng: “Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỷ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới” (22). Từ những thống kê thuyết phục về tình hình kinh tế, xã hội của đất nước trên đây, Tổng Bí thư khẳng định: “Những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế. Những kết quả, thành tích đặc biệt đạt được của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu từ đầu năm 2020 được nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta” (23). Tuy nhiên, xây dựng chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp cách mạng vĩ đại hướng tới kiến tạo một xã hội mới về chất trong lịch sử nhân loại. Từ những cơ sở lý luận khoa học, thuyết phục, Tổng Bí thư khẳng định về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam như sau: “Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội. Vì vậy, bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Nhân dân tiếp nhận, ủng hộ và nhiệt tình tham gia thực hiện đường lối của Đảng vì thấy đường lối đó đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của mình. Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển” (24).

4. Kết luận

Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là hệ thống quan điểm lý luận và thực tiễn rất cơ bản của Đảng ta trong các tiến trình cách mạng Việt Nam. Tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện sự phát triển sáng tạo, hoàn thiện tư duy lý luận, nhận thức về chủ nghĩa xã hội, đồng thời thể hiện tầm nhìn thời đại về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Đây là cơ sở nền tảng lý luận cực kỳ quan trọng, tạo ra niềm tin vững chắc về tương lai của cách mạng, giúp cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đem hạnh phúc đến cho nhân dân.

_______________

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.22-23, 22, 23, 18, 19, 19, 20, 21, 21, 20, 20, 18, 28, 22, 24, 21-22, 28, 25, 25, 27, 34, 31, 33, 36-37.

PGS, TS NGUYỄN TOÀN THẮNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 506, tháng 8-2022

;