Trong thế giới toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, cùng với sự phát triển và đi lên của đất nước, công tác đối ngoại đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức, đối tượng và địa bàn hoạt động, góp phần quan trọng chuyển tải đến thế giới thông tin, hình ảnh đất nước Việt Nam đổi mới, hội nhập thành công và giàu tiềm năng hợp tác. Trong thông tin giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, tiềm năng hợp tác phát triển của Việt Nam, yếu tố văn hóa đóng vai trò đậm nét. Các quốc gia trên thế giới, dù đang phát triển hay là một nước phát triển, đều coi trọng các hoạt động thông tin đối ngoại về văn hóa, coi đây như sức mạnh mềm nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Văn hóa càng tỏ rõ ưu thế trong công tác thông tin đối ngoại.
Vai trò của văn hóa trong hoạt động đối ngoại
Văn hóa được coi như sức mạnh mềm của mỗi quốc gia, trải qua những biến thiên của lịch sử, văn hóa đã khẳng định vị trí then chốt, đóng vai trò quyết định đối với sự hưng thịnh hoặc suy vong của một đất nước. Trong thời đại ngày nay, văn hóa ngày càng phát huy sức mạnh vai trò cầu nối giữa các dân tộc, nâng cao hiểu biết lẫn nhau, góp phần hòa giải các xung đột, mâu thuẫn, tạo tiền đề thúc đẩy hợp tác phát triển.
Từ việc xác định được vai trò của văn hóa trong tiến trình phát triển đất nước nói chung cũng như các mối liên hệ quốc tế nói riêng, Đảng và Nhà nước ta đã xác định người làm công tác thông tin đối ngoại phải biết làm văn hóa, phải nâng hàm lượng văn hóa lên. “Gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển văn hóa, văn nghệ, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa với phát triển du lịch và hoạt động thông tin đối ngoại nhằm truyền bá sâu rộng các giá trị văn hóa trong công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ và người nước ngoài. Xây dựng và thực hiện các chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số. Xây dựng và thực hiện các chính sách, chế độ đào tạo, bồi dưỡng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để đội ngũ những người hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật” (1).
Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa đối ngoại đang trở thành nhu cầu tất yếu đối với Việt Nam. Để tăng cường hiệu quả công tác đối ngoại trong tình hình mới, việc sử dụng văn hóa và các sản phẩm văn hóa cho mục đích thông tin đối ngoại là cần thiết. Tháng 9-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2022-2026, mục đích nâng cao nhận thức của các bộ ngành, địa phương về vai trò và sự cần thiết của văn hóa đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, an toàn, với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, người dân thân thiện, yêu chuộng hòa bình và mến khách thông qua nhiều sự kiện đối ngoại lớn tổ chức tại Việt Nam, các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến các quốc gia, những sự kiện giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới. Các hoạt động văn hóa đối ngoại được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, với hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo và nhận được sự ủng hộ, phối hợp tích cực của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các đối tác trong và ngoài nước. Bộ VHTTDL đã có quyết định nhằm thực hiện Chỉ thị này trong thời gian tới, cụ thể: Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác văn hóa đối ngoại của Việt Nam, nhằm phát triển toàn diện văn hóa, con người Việt Nam, đưa văn hóa thành sức mạnh nội sinh, thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tăng cường giao lưu, sự hiểu biết, tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và các nước, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 76-KL/TW ngày 4-6-2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (2).
Thông qua các hoạt động văn hóa, chúng ta đã đấu tranh chủ động và hiệu quả với những luận điệu xuyên tạc về Việt Nam, nhất là trong những vấn đề như dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, biên giới lãnh thổ... Chúng ta đã tăng cường cung cấp thông tin chính thống, có định hướng về chính sách và những nỗ lực của Việt Nam trong việc phát huy dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền tự do tôn giáo, những thành tựu của đất nước ta trong phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Tuyên truyền về kết quả phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền cùng với việc ký và đưa vào thực hiện ba văn kiện pháp lý giữa Việt Nam - Trung Quốc, tiến trình phân giới cắm mốc với Lào và Campuchia, bảo vệ chủ quyền biển đảo đã được triển khai tích cực với tư liệu phù hợp đến nhiều đối tượng, góp phần tăng thêm nhận thức đúng đắn về chủ quyền biên giới lãnh thổ của đất nước, tạo được sự đồng thuận trong xã hội và sự tin tưởng của nhân dân đối với chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời cơ bản giải tỏa được một số băn khoăn, hoài nghi trong dư luận. Bên cạnh đó, trong quá trình quảng bá hình ảnh đất nước và giao lưu hợp tác văn hóa với các nước, Việt Nam đã tiếp nhận được nhiều giá trị tốt đẹp của tinh hoa văn hóa thế giới. Bước đầu, Việt Nam đã tiếp thu có chọn lọc tinh hoa các nền văn hóa thế giới cũng như đã học được kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam; kinh nghiệm trong việc tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan, quan chức chính phủ và công chúng thông qua việc sử dụng, ứng dụng giao tiếp và kỹ thuật số; nắm bắt và vận dụng có hiệu quả kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt thông qua UNESCO trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phục vụ phát triển đất nước.
Thực trạng hoạt động văn hóa đối ngoại trong bối cảnh hiện nay
Văn hóa đối ngoại đã khẳng định được vai trò trong việc tạo dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra khu vực và thế giới thông qua các hoạt động tại Đại hội đồng liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41) năm 2020... Trong đó, Bộ VHTTDL trực tiếp tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật với nhiều hình thức đa dạng, phong phú (biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, chiếu phim, trưng bày, trang phục, ẩm thực...); xây dựng bộ nhận diện hình ảnh, triển khai công tác quảng bá trực quan...; đóng góp xây dựng nội dung các văn kiện liên quan.
Nhiều chương trình văn hóa đối ngoại có quy mô lớn, lần đầu tiên được tổ chức và tạo sức lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng quốc tế như: Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ, kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần đầu tiên được tổ chức năm 2015 với 5 chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Washington DC và thành phố New York; Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2017 nhân kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 40 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào với các hoạt động văn hóa nghệ thuật được đồng thời tổ chức cùng thời điểm tại Việt Nam và Lào do lãnh đạo cấp cao hai nước chủ trì; Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2017 kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao; Năm chéo Việt Nam - Nga 2019-2020 nhân kỷ niệm 25 năm ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt - Nga và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga năm 2020 với nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật lớn do Thủ tướng Chính phủ hai nước chủ trì, khai mạc; Tuần lễ Văn hóa Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tại Canada năm 2018; Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Cuba năm 2019; Những Ngày Văn hóa Việt Nam tại Thụy Điển năm 2019… Đặc biệt, trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức hướng tới đông đảo công chúng, bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam tại các nước như: biểu diễn nghệ thuật (các loại hình ca múa nhạc dân tộc, truyền thống, cổ điển kết hợp đương đại), triển lãm tranh/ ảnh, trưng bày bảo tàng, trình chiếu phim Việt Nam, trình diễn thời trang, giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt… đã góp phần giới thiệu về đất nước, con người và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, truyền tải thông điệp về các định hướng phát triển, hội nhập quốc tế của Việt Nam, tăng cường gắn kết tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và bạn bè các nước, đưa quan hệ của Việt Nam và các nước đi vào chiều sâu, thực chất. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa đối ngoại cũng góp phần phản ánh kịp thời chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, những thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, hội nhập quốc tế của Việt Nam, thu hút sự quan tâm, gây ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế về Việt Nam.
Trong điều kiện nguồn lực tài chính trong nước dành cho hoạt động văn hóa đối ngoại còn hạn chế, Bộ VHTTDL đã chủ động triển khai công tác giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới trên cơ sở thu hút, kêu gọi công tác xã hội hóa, tranh thủ sự hỗ trợ tài chính từ nước ngoài để cử các đoàn nghệ thuật, triển lãm Việt Nam tham gia các chương trình, liên hoan văn hóa nghệ thuật tại khu vực ASEAN và các nước. Hằng năm, đoàn nghệ thuật Việt Nam tham gia Liên hoan Nghệ thuật ASEAN tại các nước thành viên ASEAN đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN; tham gia cùng Dàn nhạc Truyền thống châu Á (ASEAN - Hàn Quốc) biểu diễn tại Trung tâm Văn hóa châu Á, Gwangju, Hàn Quốc; năm 2017, tham gia Liên hoan Nghệ thuật ASEAN, triển lãm văn hóa Nghệ thuật ASEAN tại Philippines, Singapore, Thái Lan nhân kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN; năm 2019, tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, triển lãm ASEAN tại Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch và Hà Lan nhân dịp Năm Văn hóa ASEAN; năm 2016, tham gia Liên hoan Văn hóa dân gian thế giới tại thành phố Voiron và 9 tỉnh lân cận ở miền Nam nước Pháp, Bồ Đào Nha; năm 2017, tham gia Festival Văn hóa thế giới tại các nước Pháp, Italia, Rumani, Hy Lạp, Festival Nghệ thuật châu Á tại Ninh Ba, Trung Quốc; năm 2018, tham gia Festival Múa rối quốc tế tại Nga; năm 2019, tham gia Lễ hội Ẩm thực quốc tế Popayan lần thứ 17 tại Colombia với tư cách là khách mời danh dự. Năm 2019, lần đầu tiên tham gia Calabar Carnival tại Nigeria (lễ hội đường phố lớn nhất châu Phi); năm 2020, tham gia chương trình nghệ thuật trực tuyến ASEAN - Hàn Quốc do Ủy ban Âm nhạc ASEAN - Hàn Quốc và Đài Truyền hình Hàn Quốc KBS tổ chức…
Song song với hoạt động nghệ thuật, triển lãm, công tác văn hóa đối ngoại đã được triển khai thông qua việc thực hiện các dự án dịch các tác phẩm văn học Việt Nam ra nhiều thứ tiếng để giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam… Để đạt được những hiệu quả tích cực không thể không nhắc đến vai trò của các cơ quan báo chí truyền thông qua các hình thức truyền thống như sản xuất những ấn phẩm tuyên truyền, phim quảng bá đất nước, văn hóa và con người Việt Nam... Công tác truyền thông còn được chú trọng tăng cường trên cơ sở áp dụng nền tảng công nghệ số, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 thời gian qua. Việc truyền tải thông tin văn hóa đối ngoại không chỉ được triển khai trên các kênh truyền thống và phiên bản điện tử, mà còn được phát hành rộng rãi trên các trang mạng xã hội chính thức như Facebook, Twitter, Vimeo, Flickr, Instagram, Tiktok, trên các trang web, các ứng dụng công nghệ của các báo đài, các hãng truyền thông. Bên cạnh công tác truyền thông của các báo chí chuyên ngành, Bộ VHTTDL chủ động mời, đón các đoàn làm phim khu vực, quốc tế (trung bình 25-30 đoàn/ năm) đến Việt Nam, phối hợp với các địa phương đưa tin, viết bài giới thiệu về Việt Nam để quảng bá, giới thiệu văn hóa, đất nước, con người Việt Nam.
Kể từ khi phát sinh đại dịch COVID-19 không chỉ làm cho thế giới thiệt hại đáng kể về kinh tế, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và sức khỏe của con người. Trong bối cảnh đó, hoạt động đối ngoại nói chung đặc biệt là các hoạt động văn hóa đối ngoại gặp không ít những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19, công tác đối ngoại đã phát huy tính sáng tạo, đổi mới, chủ động triển khai thành công công tác quảng bá hình ảnh một Việt Nam độc lập, tự chủ, giàu bản sắc văn hóa, tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại các nước vẫn tổ chức các hoạt động văn hóa đối ngoại nhằm duy trì và gắn kết cộng đồng trong và ngoài nước như: tổ chức Tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi Việt kiều, Những ngày phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Paris, tổ chức đón Xuân Canh Tý 2020 cho cộng đồng Việt kiều tại Paris và một số địa phương, triển lãm Kim Vân Kiều và các bản dịch tại Paris… Bên cạnh đó còn có các hoạt động nhằm vận động các danh hiệu quốc tế, đặc biệt đối với các di sản văn hóa do UNESCO công nhận. Ngoài ra, các cơ quan thông tấn báo chí trong nước vẫn tham gia thường xuyên và liên tục vào hoạt động văn hóa đối ngoại thông qua các công việc chuyên môn như: Đài Tiếng nói Việt Nam sản xuất 13 chương trình phát thanh đối ngoại bằng các ngôn ngữ tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Lào, Thái Lan, Khmer và Indonesia; triển khai chuyên mục Văn hóa Việt Nam, Khám phá Việt Nam, Sắc màu 54 dân tộc Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam triển khai công tác truyền thông các hoạt động văn hóa đối ngoại, triển lãm ảnh, phóng sự về quan hệ Việt Nam với các nước…
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động văn hóa đối ngoại còn tồn tại một số hạn chế. Cơ chế chỉ đạo, điều hành, thông tin, phối hợp có lúc còn bị động, lúng túng, nhất là trước những vấn đề phức tạp mới nảy sinh. Nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa đối ngoại tuy có chuyển biến, nhưng còn chậm và chưa đầy đủ. Nguồn nhân lực còn hạn chế, không có nguồn kinh phí riêng đủ cho các hoạt động văn hóa đối ngoại, thiếu những công cụ, chính sách đặc thù cho văn hóa đối ngoại. Tại nhiều địa phương, khi triển khai các hoạt động văn hóa đối ngoại tại địa bàn, cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ không đủ điều kiện hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thực tế cho thấy, các hoạt động văn hóa đối ngoại chưa có đột phá lớn và sáng tạo đạt đẳng cấp quốc tế. Hoạt động văn hóa đối ngoại tại các cơ quan đại diện chưa đồng đều, liên tục, thường chỉ tập trung ở một số địa bàn quen thuộc và vào một thời điểm hoặc một vài sự kiện trong năm. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào quảng bá, xúc tiến hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam còn hạn chế; chưa có nhiều sản phẩm, ấn phẩm được số hóa để phục vụ nhu cầu tìm hiểu của người dân thế giới, theo kịp cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Công tác nghiên cứu và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại chưa thực sự trở thành hoạt động thường xuyên và được triển khai đồng đều ở các cơ quan trong và ngoài nước; chưa tạo được cơ chế để thu hút, huy động được các nguồn lực cho văn hóa đối ngoại.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu sắc như ngày nay, hoạt động văn hóa đối ngoại giữ vị trí quan trọng bởi những thế mạnh riêng của văn hóa. Tuy nhiên, hoạt động này cũng đứng trước nhiều thách thức. Những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế và khó khăn nảy sinh trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh Việt Nam. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, nhiều trào lưu, khuynh hướng tư tưởng, thông tin sai trái dễ xâm nhập vào xã hội, tác động tới tư tưởng, tình cảm, lối sống của con người Việt Nam. Các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị trong và ngoài nước tiếp tục sử dụng những chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”, “bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ”… để xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, kích động nhằm làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Đối với vấn đề này, việc sử dụng văn hóa để thực hiện công tác đối ngoại là điều không dễ.
Phương hướng và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa đối ngoại trong thời gian tới
Những năm vừa qua, hoạt động văn hóa đối ngoại đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động văn hóa đối ngoại là vấn đề có tính khoa học, chiến lược, căn bản lâu dài, vừa có tính thực tiễn, khả thi rất cao, cần và có thể thực hiện ngay với những hình thức thiết thực, linh hoạt và cách tiếp cận nhất quán, đồng bộ.
Một là, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan và người dân về vai trò của Chiến lược văn hóa đối ngoại đối với sự phát triển đất nước trong xu thế hội nhập. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong quán triệt, triển khai thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển năng động, giàu tiềm năng hợp tác, một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế là giải pháp mang tính cấp thiết. Tăng cường thông tin về Việt Nam giúp nhân dân thế giới và người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, về đất nước, con người Việt Nam.
Hai là, thống nhất nhận thức, cơ chế quản lý, xây dựng một chiến lược lâu dài để đẩy mạnh các hoạt động và hình thức quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua các hoạt động văn hóa. Để quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua văn hóa và các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trước hết cần xây dựng được chiến lược trong ngành VHTTDL. Đây là một nhiệm vụ cần có sự hợp tác liên ngành của nhiều cơ quan hữu quan. Cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục và vận động nhằm nâng cao nhận thức về hình ảnh, bản sắc văn hóa dân tộc cho những người dân Việt Nam, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự tràn ngập, ảnh hưởng cái tốt, cái xấu của văn hóa thế giới vào Việt Nam.
Ba là, xây dựng và hoàn thiện cơ chế tài chính cho các hoạt động văn hóa đối ngoại. Để thực hiện có hiệu quả các hoạt động quảng bá, giới thiệu văn hóa nhằm thực hiện các mục tiêu của công tác đối ngoại, cần có nguồn ngân sách lớn. Tuy nhiên, ngân sách dành cho các hoạt động văn hóa của nước ta vẫn còn quá khiêm tốn. Để thúc đẩy công tác văn hóa đối ngoại trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, trước hết cần tiếp tục xây dựng hoàn thiện cơ chế tài chính phù hợp với thực tế, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động văn hóa. Đồng thời, cùng với việc nâng cao trình độ, cần xây dựng các chế độ, chính sách hợp lý dành cho cán bộ thực hiện, tổ chức để động viên, khuyến khích họ sáng tạo trong nội dung các hoạt động, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa, đất nước và con người Việt Nam ra thế giới.
Bốn là, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa đối ngoại. Đến nay, mặc dù hoạt động văn hóa đối ngoại đã thu được những kết quả nhất định, nhưng bản sắc hay thương hiệu trong các hoạt động đó vẫn chưa tạo được dấu ấn riêng, đây chính là hạn chế cần khắc phục. Để nâng cao chất lượng hoạt động cần thay đổi cách tiếp cận, lựa chọn và nhận thức rõ nội dung trưng bày.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ, tiến hành sơ kết, tổng kết, khen thưởng những điển hình trong việc thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại nhằm tạo động lực đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa đối ngoại. Chiến lược văn hóa đối ngoại cần được triển khai song hành, hiệu quả với chính sách đối ngoại, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Chính sách đối ngoại, phát triển kinh tế, xã hội được phát triển tốt sẽ nâng cao uy tín và vị thế đất nước, tạo tiền đề, điều kiện để hoạt động văn hóa đối ngoại được triển khai sâu rộng hơn. Đồng thời, nếu Chiến lược văn hóa đối ngoại được triển khai hiệu quả sẽ thu hút, phát huy mạnh mẽ nguồn lực trong và ngoài nước, đóng góp vào quan hệ đối ngoại, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Do đó, liên thông, phối hợp đồng bộ Chiến lược văn hóa đối ngoại với các chính sách khác là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng để đạt được thành công.
Kết luận
Trong thời gian qua, các hoạt động văn hóa đối ngoại với nhiều quy mô, hình thức khác nhau đã được tổ chức ở các quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp các châu lục trên thế giới, bao gồm những chương trình biểu diễn nghệ thuật, lễ hội, tuần phim, triển lãm, trưng bày… Văn hóa đối ngoại thực sự trở thành thành tố quan trọng trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, là cầu nối tăng cường giao lưu, sự hiểu biết lẫn nhau, hòa bình, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và các nước trên thế giới, góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.
Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, công tác đối ngoại cũng như hoạt động văn hóa đối ngoại có vai trò quan trọng trong việc huy động mọi nguồn lực để xây dựng và bảo vệ đất nước. Chúng ta tin tưởng rằng phát huy những thành tựu quan trọng đã đạt được trong thời gian qua, với tinh thần chủ động, sáng tạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, kết hợp sức mạnh trong nước và quốc tế, công tác thông tin đối ngoại tiếp tục có những bước phát triển mới, chất lượng và hiệu quả ngày càng được nâng cao, thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng, tích cực góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
_______________________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, 2016.
2. Bộ VHTTDL, Quyết định số 3586/QĐ-BVHTTDL Ban hành kế hoạch triển khai chỉ thị số 25/CT-TTG ngày 10-9-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2022-2026.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thị Thương Huyền, Quảng bá hình ảnh Việt Nam qua triển lãm văn hóa nghệ thuật, khóa luận tốt nghiệp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, 2010.
2. Phạm Gia Khiêm, Ngoại giao văn hóa là một bản sắc Việt Nam trên trường quốc tế phục vụ hòa bình, hội nhập và phát triển bền vững, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia, 2008.
3. Phạm Minh Sơn, Nguyễn Thị Quế (đồng chủ biên), Truyền thông đại chúng trong công tác thông tin đối ngoại Việt Nam, 2009.
4. Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 21/CT-TTg về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020, 2011.
5. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 208/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, 2011.
6. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 210/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, 2015.
7. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1909/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, 2021.
TS NGUYỄN THỊ THƯƠNG HUYỀN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 500, tháng 6-2022