Bàn nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các Hội VHNT

Sáng 25-4, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban sơ kết quý I/2022 với các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, trong đó nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các Hội VHNT được đề cập, nhất là vấn đề tài chính, kinh phí hoạt động.

Đoàn chủ tịch chủ trì Hội nghị có: Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam - NSND Vương Duy Biên; Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Minh Nhựt. Dự hội nghị có: Chủ tịch, Phó Chủ tịch các Hội VHNT chuyên ngành trung ương; đại diện các Ban, Bộ, ngành trung ương.

Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Minh Nhựt báo cáo công tác của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương quý I/2022

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ Nguyễn Minh Nhựt đã báo cáo những vấn đề chính về hoạt động của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương. Đó là, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Quý I/2022 trên cả nước diễn ra nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật hưởng ứng, tuyên truyền các sự kiện chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, mừng Đảng, mừng Xuân. Các chương trình, hoạt động đều được cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các ban, ngành đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai, tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức, đạt chất lượng về nội dung tư tưởng và nghệ thuật. Một số chương trình nổi bật như: "Mùa xuân và khát vọng", “Mừng xuân Nhâm Dần - Mừng Đảng quang vinh” (TP.HCM); "Niềm tin sáng mãi", "Mặt trời chân lý", "Đảng cho ta mùa Xuân", "Đất nước mùa Xuân", "Đảng - Mùa xuân - Dân tộc", "Ánh sáng niềm tin" (Hà Nội); “Mừng Đảng, đón xuân” (Đà Nẵng)…

Bầu không khí phấn khởi sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục được truyền thông, báo chí lan tỏa với nhiều phóng sự, bài viết sinh động. Thành công của Hội nghị văn hóa toàn quốc đã tạo bước ngoặt, đem lại luồng sinh khí mới thúc đẩy lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật phát triển. Trong Quý I/2022, nhiều chương trình, sự kiện, chính sách mới cho văn hóa, văn học nghệ thuật, chăm lo đời sống cho văn nghệ sĩ đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện để triển khai. Đại bộ phận văn nghệ sĩ tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới và những quyết sách của Đảng, kiên trì, tâm huyết với công việc sáng tạo, gắn bó với các giá trị truyền thống yêu nước và cách mạng, khẳng định các giá trị đạo đức, nhân văn của dân tộc.

Các đại biểu dự Hội nghị

Về đánh giá chung, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và Hội VHNT chuyên ngành Trung ương đã thực hiện chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Chính phủ. Dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn do bộ máy tổ chức đang được kiện toàn, kinh phí hỗ trợ sáng tạo của Chính phủ vẫn chưa được giải ngân, văn phòng, trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và nhiều Hội VHNT chuyên ngành Trung ương phải di dời để xây dựng, sửa chữa… Nhưng Liên hiệp và các Hội vẫn chỉ đạo và triển khai hiệu quả nhiều nội dung công việc theo kế hoạch đề ra.

Bộ VHTTDL dành nhiều sự quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho văn học, nghệ thuật: lãnh đạo Bộ tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, chúc Tết văn nghệ sĩ nhân dịp xuân Nhâm Dần 2022; ban hành Quyết định số 37/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật; phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030"; tổ chức Hội nghị nâng cao công tác quản lý Nhà nước, phát triển Văn học; Hội thảo đổi mới và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong công tác phát hành, phổ biến phim; Hội thảo Tổng kết 7 năm thực hiện Chiến lược phát triển Điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng Đề án nâng cao năng lực sáng tác và lý luận phê bình văn học, nghệ thuật; tổ chức nghiên cứu xây dựng Nghị định của Chính phủ về quản lý văn học, quy định về chế độ, chính sách cho văn nghệ sĩ…

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn Nghệ Nguyễn Minh Nhựt cũng nêu ra một số hạn chế như: việc học tập, quán triệt Nghị quyết, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước chưa được các hội quan tâm đúng mức, thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng. Nhiều hội có biểu hiện khoán “trắng” cho bộ phận thường trực ở văn phòng hội, công tác phối hợp tổ chức, thông tin tuyên truyền giữa hội trung ương với cơ sở, các chi hội chưa chặt chẽ, thiếu đôn đốc, kiểm tra nên việc học tập còn hình thức, chất lượng, hiệu quả chưa cao.

Việc triển khai các nội dung chuyên môn tại một số hội phần lớn vẫn nương theo cách làm truyền thống, còn nặng về phong trào, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa thực sự nhạy bén, sáng tạo, phù hợp, thích ứng… để đáp ứng những yêu cầu và đòi hỏi mới từ thực tiễn, việc tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào, các cuộc vận động xã hội, bám sát hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan cấp trên, chế độ thông tin, báo cáo còn nhiều hạn chế.

Công tác tổ chức, hoạt động của nhiều hội còn khó khăn, chưa thu hút được đông đảo các văn nghệ sĩ tham gia nhất là các văn nghệ sĩ trẻ. Một số hội thiếu hụt cán bộ đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm lãnh đạo quản lý các đơn vị trực thuộc, tình trạng khuyết thiếu, lãnh đạo hội phải kiêm nhiệm nhiều chức danh làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động. Việc tăng cường giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, giữa các hội còn nhiều hạn chế...

Các đại biểu dự Hội nghị

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đó là, do một số cấp ủy đảng, ban lãnh đạo các hội chưa nhận thức đầy đủ, chưa quan tâm lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên việc học tập, quán triệt Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng. Việc bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để thể chế thành chương trình hành động, kế hoạch công tác ở các hội còn chậm; Cần phát huy cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Ban chấp hành, Ban Thường vụ, các Hội đồng, ban chuyên môn, nhất là người đứng đầu trong các hoạt động chung của hội, nhất là trong xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy định làm việc, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch công tác bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, năng động, sáng tạo, phù hợp với phạm vi, khả năng, điều kiện của từng hội. Một số Hội VHNT chưa thực sự chủ động, đổi mới trong hoạt động. Các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý và Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam chưa ban hành được quy chế phối hợp trong việc chỉ đạo, định hướng, quản lý và xử lý các vấn đề nhạy cảm, quan trọng, phức tạp trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Nhiệm vụ công tác Quý II năm 2022 của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và các cơ quan có liên quan cần tiếp tục nâng cao nhận thức, quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ; các ý kiến kết luận, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; trọng tâm là bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị; các nội dung Kết luận, Quy định tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII).

Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước, hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu để Đề án hỗ trợ sáng tạo VHNT giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực thi hành, sớm giải ngân được kinh phí; đôn đốc, chỉ đạo, tổ chức, triển khai xây dựng và cải tạo Trụ sở làm việc của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tại 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội (giai đoạn 1) theo đúng tiến độ; có biện pháp khắc phục hiệu quả tình trạng đơn thư, mất đoàn kết còn diễn ra tại một số hội.

Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng về văn hóa, văn học nghệ thuật, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương tiếp tục rà soát lại nội dung hoạt động, bổ sung, hoàn thiện chương trình công tác, kiện toàn tổ chức, nhân sự các đơn vị trực thuộc; xây dựng, hoàn thiện quy chế làm việc, quy chế phối hợp trong hoạt động, quan tâm công tác bồi dưỡng cán bộ, có đề án cụ thể để chuẩn bị tốt công tác quy hoạch cán bộ chủ chốt của hội (giai đoạn 2025-2030), từng bước đổi mới mô hình, phương thức hoạt động của các hội, khơi dậy mọi tiềm năng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả.

Ths Phạm Thị Kim Oanh – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả trình bày chuyên đề về “Bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường kỹ thuật số và hội nhập quốc tế”

Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ văn nghệ sĩ, tăng cường tiếng nói phản biện xã hội của các hội, tham gia tích cực cùng các Bộ, ngành liên quan từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo hành lang pháp lý cho văn hóa, văn học, nghệ thuật phát triển. Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương cần quan tâm, đầu tư chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm cho hoạt động tuyên truyền, cho công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật.

Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL và điều kiện thực tiễn, Liên hiệp và các hội tập trung xây dựng kế hoạch vận động hội viên hưởng ứng, tham gia tích cực cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm về đề tài thông tin đối ngoại, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng, tuyên truyền các ngày lễ lớn của đất nước, trước mắt là kỷ niệm 47 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022) và quốc tế lao động 1-5, 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022), chào mừng SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam...

Trên cơ sở kiến nghị của các đại biểu tại Hội nghị giao ban lần trước, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Kế hoạch 131-KH/BTGTW ngày 30-3-2022 để tăng cường và từng bước đổi mới công tác giao ban, bổ sung các nội dung chuyên môn để báo cáo, cung cấp thông tin tại Hội nghị. Đối với một số kiến nghị của các hội về: cải tiến quy trình, thủ tục xin cấp kinh phí hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội VHNT địa phương; xem xét giải thưởng chuyên ngành như một căn cứ để xét giải thưởng Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú… Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cần có báo cáo và ý kiến chính thức, trên cơ sở đó, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ có văn bản đề nghị các cơ quan có liên quan, xem xét trả lời, với tinh thần tháo gỡ, tạo điều kiện tối đa để Liên hiệp và các Hội chủ động trong hoạt động.

Cũng trong Hội nghị chuyên đề về “Bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường kỹ thuật số và hội nhập quốc tế” do Ths Phạm Thị Kim Oanh – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả trình bày đã được gửi đến các đại biểu.

 

TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam phát biểu ý kiến

Tiếp theo là phát biểu, thảo luận, đóng góp ý kiến về báo cáo sơ kết quý I và nhiệm vụ công tác quý II năm 2022 của Chủ tịch các Hội chuyên ngành và đại diện các cơ quan quản lý nhà nước.

TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết: Hội đang tiến hành các chương trình hoạt động hướng tới kỷ niệm ngày Kiến trúc sư Việt Nam 27-4; đã triển khai tổ chức Hội thảo “Đô thị biển phát triển xanh bền vững tại TP Tuy Hòa, Phú Yên và được đánh giá cao; Hội KTS Việt Nam đang tổ chức thực hiện 5 nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao để triển khai “Định hướng Kiến trúc Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2050”…

Bà Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Bà Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho biết, năm 2021 trong khi hoạt động văn hóa nghệ thuật bị ảnh hưởng do bệnh dịch COVID-19 thì các cuộc thi của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam vẫn được duy trì, tổ chức không bị gián đoạn. Vấn đề được nhiều nghệ sĩ quan tâm là đến thời điểm tháng 4-2022, các Hội ở địa phương vẫn chưa được cấp kinh phí hoạt động của năm 2021 và năm 2022 cũng vẫn chưa có tín hiệu về việc cấp kinh phí. Nguồn kinh phí của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phần lớn là để hỗ trợ cho hoạt động của đội ngũ nghệ sĩ, kinh phí cấp chậm, dẫn đến tình trạng hoạt động sẽ rất khó khăn. Nhiệm vụ trong quý II/2022, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc thi khu vực trong cả nước; triển khai kế hoạch tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2023)…

NSND Phạm Anh Phương - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đưa ra ý kiến đóng góp

NSND Phạm Anh Phương - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam nêu ý kiến : sau thời gian giãn cách, các nghệ sĩ của Hội đã hoạt động trở lại. Các nghệ sĩ đã tham gia nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội, đóng góp nhiều sản phẩm mới trong văn hóa, góp phần nâng cao tinh thần cũng như thu nhập cho các nghệ sĩ. Hiện nay các nghệ sĩ múa ở Hà Nội cũng như các tỉnh đang luyện tập để phục vụ cho Lễ Khai mạc và Bế mạc của SEA Games 31. Bên cạch công tác chuyên môn, tôi thấy nổi lên hiện nay là vấn đề kinh phí hỗ trợ cho hoạt động văn hóa nghệ thuật. Vậy, chúng ta phải làm cách nào để tháo gỡ khó khăn trong việc cấp kinh phí hoạt động, trong khi Thủ tướng Chính phủ đã ký. Tôi thấy thật sự khó khăn với vấn đề đơn giá, đặt hàng. Chúng tôi rất mong Vụ Tài chính của Bộ VHTTDL cùng với các đơn vị liên quan tìm cách tháo gỡ, vì không có kinh phí thì rất khó hoạt động. Một vấn đề nữa là giải thưởng của các hội chuyên ngành, đề nghị với Liên hiệp các Hội VHNT cần có văn bản kiến nghị với Bộ VHTTDL để sửa đổi luật nhằm tạo sự đồng bộ và thống nhất.

PGS,TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nêu một số  vấn đề nổi cộm, trong đó có việc Luật Thi đua khen thưởng không có phần truy tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho người đã mất đủ điều kiện và xứng đáng được nhận danh hiệu. Vì vậy, ông Tú đề nghị Lãnh đạo Bộ VHTTDL xem xét, đề nghị bổ sung, sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng trong thời gian tới cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn phát biểu tại Hội nghị

Ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết Cục hết sức phối hợp chuyên ngành, tổ chức nhiều hoạt động cũng như hỗ trợ cho các văn, nghệ sĩ. Cục sẽ cố gắng tạo ra các sân chơi để các nghệ sĩ thể hiện sức sáng tạo của mình. Đặc biệt, vừa qua Cục đã xây dựng các văn bản để tăng cường hỗ trợ cho các văn nghệ sĩ, trong đó có xây dựng hồ sơ cho Luật Văn học…

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh phát biểu ý kiến

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh  nêu vấn đề hiện nay  tình trạng có những nhà đầu tư sản xuất phim cho các nhà làm phim độc lập,  nhiều bộ phim được làm đã đưa vào phim nội dung không lành mạnh. Mà, các nhà làm phim độc lập đa số là nghệ sĩ trẻ không chịu sự quản lý của nhà nước cũng như của Hội chuyên ngành. Vì thế, để góp phần phát triển điện ảnh và có sự quản lý của nhà nước thì cần giữ được Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh như trong dự thảo Luật Điện ảnh sẽ được xem xét, thông qua trong thời gian tới.

NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đồng tình với việc truy tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ đã mất và nên duy trì, đó là sự ghi nhận những đóng góp, là sự an ủi rất lớn đối với gia đình, người thân nghệ sĩ. Về đề án hỗ trợ kinh phí đã được Thủ tướng Chính phủ ký, nhưng về đến đơn vị là khá lâu, đây là vướng mắc tồn tại từ lâu và cần phải tháo gỡ; chính sách của Đảng và Nhà nước tốt như vậy, các Bộ, ban, ngành nên có trách nhiệm phối hợp để tạo điều kiện đối với đội ngũ văn nghệ sĩ...

Phát biểu và kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh: Trong thời gian vừa qua, mặc dù bị ảnh hưởng của bệnh dịch COVID-19 nhưng các Liên hiệp và các Hội chuyên ngành đã làm được rất nhiều việc với các hoạt động sáng tác gắn liền với công tác phòng chống dịch. Đối với hoạt động của các Hội, nổi cộm là vấn đề tài chính, chúng ta thấy rằng về chính sách, Đảng và Nhà nước rất quan tâm nhưng việc triển khai giữa các bộ, ban, ngành còn có nhiều vướng mắc do thủ tục, nên vẫn còn chậm trễ. Về vấn đề kinh phí,  đề nghị Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ VHTTDL cố gắng làm việc trực tiếp với các Vụ chuyên ngành để giải quyết triệt để vấn đề này trong thời gian ngắn nhất.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu và kết luận Hội nghị

Về 6 nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2022 của Liên hiệp các Hội VHNT và các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị các Hội thực hiện nghiêm túc. Một số vấn đề cần lưu ý là:  Thứ nhất, để có sự liên kết chặt chẽ hơn, đề nghị các Hội gửi các thông tin, dữ liệu về các hoạt động hội thảo, hoạt động trại sáng tác… về Bộ VHTTDL. Thứ hai, về việc tổ chức trại sáng tác, đề nghị các Hội chuyên ngành đặc biệt lưu ý, thành phần tham gia cần có sự lựa chọn kỹ càng và cần nâng cao chất lượng trại sáng tác. Thứ ba, Bộ VHTTDL đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, đề nghị các Hội tiếp tục triển khai cho các hội viên. Thứ tư, đẩy mạnh công tác phê bình, lý luận văn học nghệ thuật. Thứ năm, đề nghị các Hội giúp các Bộ, Ban, ngành, các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác tham mưu, đề xuất nhằm tháo gỡ cơ chế, chính sách về lĩnh vực chuyên ngành do Hội phụ trách. Thứ sáu, về vấn đề giải thưởng và các danh hiệu, đề nghị các Hội cần lưu ý đến việc đánh giá chất lượng của từng giải, đề xuất tên gọi, xếp loại, phương thức trao giải… sao cho đồng nhất. 

Bài và ảnh: NGỌC BÍCH

 

 

;