Từ nghề chạm khắc gỗ ở Việt Nam, tìm hiểu về sự giao lưu và tiếp biến văn hóa

Nghề thủ công xuất hiện và phát triển trong các làng quê Việt Nam từ rất sớm, trong đó có nghề mộc. Sản phẩm của làng nghề mộc khá đa dạng về mẫu mã, kích thước, phong phú chủng loại và đạt đến trình độ thẩm mỹ cao, tập trung chủ yếu vào đồ gia dụng, đồ thờ cúng và đồ mỹ nghệ cao cấp. Những sản phẩm này đã đáp ứng được thị hiếu của khách hàng trong nước và quốc tế, trong đó có Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản... Bên cạnh đó là tín ngưỡng thờ Tổ nghề mộc (Lỗ Ban, người Trung Quốc), một thành tố quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa của các làng nghề mộc ở Việt Nam.

Nghề gỗ ở Việt Nam

Trong tiến trình lịch sử ở Việt Nam, nghề mộc là một trong các nghề xuất hiện sớm. Sau khi con người chuyển đổi môi trường sinh sống từ trong hang động ra không gian ngoài trời xuống vùng trung du, đồng bằng, việc tạo dựng nơi ở đã bắt đầu hình thành, họ phải lấy gỗ, tre, nứa và các vật liệu tự nhiên để làm nhà ở… Lúc này cũng xuất hiện các nghề khác như đan dệt, chế tác công cụ lao động…

Nghề mộc đã tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng. Trong truyền thống, từ những bàn tay vàng, người thợ mộc đã tạo ra nhiều loại sản phẩm khác nhau: đồ gia dụng (bàn, ghế, tủ, giường…); đồ thờ cúng (bàn thờ, tượng thờ, họa tiết trang trí trên kiến trúc, hoành phi câu đối…); đồ trang trí. Đặc biệt, từ nhiều thế kỷ trước, một số phường thợ đã tạo dựng những công trình kiến trúc bằng gỗ mà tiêu biểu là đình làng, chùa, nhà cổ: đình Tây Đằng, đình Thụy Phiêu, đình Chu Quyến (huyện Ba Vì, Hà Nội); đình Thổ Hà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), chùa Mía (thị xã Sơn Tây, Hà Nội); đình Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc); đình Hùng Lô (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ)... Các di tích này có niên đại từ TK XVI đến TK XVIII.

Kế thừa từ truyền thống đến nay, sản phẩm của nghề mộc lại càng phong phú. Các dòng sản phẩm từ đồ gia dụng cao cấp đến sản phẩm mỹ nghệ, công trình kiến trúc (di tích, nhà ở dân gian) ngày một phát triển ở các vùng, miền tại Việt Nam. Các sản phẩm của nghề mộc không chỉ phục vụ khách hàng trong nước mà đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế và khu vực, nhiều sản phẩm được xuất khẩu theo các đơn đặt hàng từ phía nước bạn. Theo khảo sát tại các làng có nghề mộc, như làng Thiết Úng (huyện Đông Anh), làng Dư Dụ (huyện Thanh Oai), làng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) đều thuộc Thủ đô Hà Nội; làng La Xuyên (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), làng Phù Khê, Đồng Kỵ, Hương Mạc (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh); làng Đông Giao (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương)… cho thấy, các sản phẩm từ nghề mộc đã được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước trên thế giới và khu vực, tiêu biểu như thị trường Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản… Một số thương nhân nước ngoài đã sang tận làng nghề đặt hàng theo mẫu mã riêng của họ. Làng nghề Phù Khê có những khách sạn, nhà nghỉ mà bảng hiệu ở bên ngoài cửa đều có ghi hai ngôn ngữ (Việt và Trung), dành riêng phục vụ khách hàng từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) sang đặt và chuyển hàng về nước.

Qua khảo sát tại các làng nghề, chúng tôi nhận thấy, sản phẩm được xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) tập trung chính vào đồ gia dụng và mỹ nghệ cao cấp. Đồ gia dụng chủ yếu là bàn ghế, sập, tủ, giường, trường kỷ, cá biệt có bộ giường, tủ mà trị giá lên tới gần một tỷ đồng. Đồ mỹ nghệ thường bao gồm tượng nhân vật lịch sử và tôn giáo (Phật giáo), điển hình như tượng Quan Văn Trường (Quan Công), tượng Gia Cát Khổng Minh, tượng Bồ Đề Đạt Ma… Từ năm 2015 đến 2019, tại làng Phù Khê và làng Đồng Kỵ (tỉnh Bắc Ninh), đã xuất 60 đơn hàng với khoảng 1.200 sản phẩm là tủ, bàn, tượng, phù điêu chất liệu gỗ sang thị trường Trung Quốc; cũng thời điểm này, tại làng Thiết úng (Hà Nội) đã xuất 30 đơn đặt hàng sang hai thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc) với khoảng 300 sản phẩm là bàn, ghế được làm bằng gỗ tứ thiết và một số tượng mỹ nghệ như Quan Công, Gia Cát Khổng Minh, Bồ Đề Đạt Ma… Các sản phẩm tượng này đều có kích thước lớn và vừa (cao từ 0,7m đến trên 2m) được làm bằng các loại gỗ đặc biệt, được tính bằng trọng lượng (kg), như gỗ mun đen, ngọc am, sưa đỏ… Trong năm 2018 - 2019, tại làng Dư Dụ (Hà Nội) đã xuất sang thị trường nội địa Trung Quốc 25 đơn đặt hàng với khoảng 500 sản phẩm gỗ là bàn, ghế và tượng mỹ nghệ cao cấp (1).

Từ những thông tin trên, có thể nói, sản phẩm được sản xuất từ các làng nghề thủ công truyền thống tại Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu và sở thích của khách hàng trong khu vực, tiêu biểu là Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… Những sản phẩm được tạo ra từ làng nghề ở Việt Nam và nhu cầu của thị trường ở Trung Quốc, Đài Loan có thể xuất phát từ sự tương đồng về tính thẩm mỹ trong văn hóa truyền thống.

Những nét khái quát về nghề mộc tại các làng quê truyền thống ở Việt Nam và sản phẩm tạo ra từ chất liệu gỗ với các đề tài phong phú, trong đó có các đề tài có nguồn gốc từ Trung Quốc đã thể hiện mối liên hệ tương đồng trong tính thẩm mỹ về văn hóa truyền thống. Điều đó thể hiện nhu cầu thưởng ngoạn văn hóa tinh thần của khách hàng trong nước và các nước trong khu vực, trong đó có các khách hàng đến từ phía Trung Quốc. Điều cần quan tâm là ngay trong sản phẩm của nghề mộc ở các làng quê Việt Nam, ở một góc độ nào đó tuy không nhiều, song đã thể hiện được quá trình/sự giao lưu, tiếp biến văn hóa với các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc.

Tín ngưỡng thờ Tổ nghề ở các làng nghề mộc tại Việt Nam

Một nội dung tiếp theo, tác giả bài viết muốn bàn về các thành tố văn hóa, bao hàm di sản văn hóa của làng nghề mộc Việt Nam, từ di sản văn hóa vật thể như di tích lịch sử - văn hóa, nhà ở dân gian, cấu trúc đường làng, ngõ xóm, sản phẩm làng nghề đến di sản văn hóa phi vật thể như phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo; lễ hội truyền thống, nghi lễ giỗ Tổ nghề, tri thức, bí quyết nghề nghiệp…

Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả muốn tập trung vào tín ngưỡng thờ Tổ nghề tại một số làng nghề mộc ở Việt Nam. Thực tế, một số làng nghề mộc ở Việt Nam tôn thờ ngài Lỗ Ban với tư cách là vị Tổ khai sinh ra nghề mộc. Về lịch sử, nhân vật Lỗ Ban là một vị tổ nghề có nguồn gốc Trung Hoa. Theo tác giả Tân Địch, “Lỗ Ban sinh ra ở nước Lỗ, tên thật là Công Du Ban, còn gọi là Công Du Tử. Tên cách điệu (đồng âm) là Ban Ban, nhưng ông được nhắc thường nhất (như) là Lỗ Ban. Phương truyền, ông là một thợ thủ công nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Lỗ Ban sinh vào buổi chiều ngày 7-5-507 trước CN” (2).

Có vài thuyết khác về lai lịch của ông: Lỗ Ban là thợ mộc giỏi của nước Lỗ (nay là tỉnh Sơn Đông), thời Xuân Thu (770 - 476 trước CN). Tên ông là Ban, họ là Công Thâu (cũng đọc Công Du). Lỗ Ban nghĩa là “ông Ban, người nước Lỗ”. Theo tác giả E.T.C. Werner, “Lỗ Ban sinh năm 506 trước CN. Cha là Công Thâu Hiền. Công Thâu Ban thuở trẻ là thợ giỏi về các loại vật liệu như gỗ, đá, kim loại… Một thuyết khác lại cho rằng, Lỗ Ban là người Đôn Hoàng, Túc Châu (nay là huyện Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc), thời Chiến Quốc (475 - 221 trước CN). Ông có tài nghệ tinh xảo, chế tạo diều gỗ cho người ngồi trên đó bay đi do thám thành trì nước Tống. Một thuyết khác lại cho rằng, ông tên là Công Thâu Ban, thường gọi là Công Thâu Tử, vốn là con của Lỗ Mục Công (có sách chép là Lỗ Chiêu Công). Trong dân gian thường truyền tụng về sự linh nghiệm của bùa Lỗ Ban, thước Lỗ Ban... Thợ mộc và thợ xây dựng thờ Lỗ Ban làm tổ sư, hằng năm họ đều lấy ngày 13-6 Âm lịch để tổ chức lễ tưởng niệm Ngài” (3).

Làng nghề Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội - Ảnh: Công Tuấn

Tại Việt Nam đã hình thành hai dạng thức phụng thờ Lỗ Ban ở một số làng nghề mộc. Dạng thức thứ nhất là các làng nghề thờ vọng duy nhất Tổ nghề mộc tại di tích. Theo khảo sát của chúng tôi, ở Việt Nam, có một số làng nghề thờ Tổ nghề mộc theo dạng này, như các làng Dư Dụ (huyện Thanh Oai, Hà Nội), Minh Tân (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc), Thanh Lãng (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc)… “Tuy không phải là người trực tiếp truyền dạy nghề mộc, song trong tâm thức của người Việt, cộng đồng không phân biệt rõ về lai lịch nhân vật được phụng thờ đó là người Trung Quốc hay người Việt Nam, miễn sao họ là người có công đối với cộng đồng, đối với phát triển nghề nghiệp trong nhiều thế kỷ đã qua” (4). Những phát kiến có giá trị của vị Tổ nghề này đã được truyền bá qua nhiều con đường khác nhau và chúng được cộng đồng ở nhiều nơi lĩnh hội, thực hành nghề nghiệp. Nhiều người thợ thủ công giỏi của nước ta, trong tiến trình lịch sử, đã kế thừa, thực hành, trao truyền cho thế hệ sau những giá trị tinh hoa của nghề mộc. “Trong quá trình tạo lập nghề mộc, các làng quê có nghề này đều đã có ý thức trong việc xây dựng ngôi đền thờ chính vị Tổ nghề được cộng đồng trong làng suy tôn” (5). Bên cạnh việc xây dựng công trình thờ tự, từng làng nghề đã ghi chép lại lai lịch cùng hành trạng về Tổ nghề (hay còn gọi là thần tích), từ đó cộng đồng cư dân làng nghề cùng nhau thống nhất lựa chọn ngày sinh và ngày mất là dịp để tổ chức lễ giỗ Tổ nghề theo tinh thần bản sắc văn hóa dân tộc.

Dạng thức thứ hai là phụng thờ ngài Lỗ Ban với tư cách là Tiền tiên sư và về sau, cộng đồng đã lập thêm những người kế nghiệp tài giỏi là Hậu tiên sư. Có thể dẫn ra trường hợp các làng nghề mộc truyền thống như Thiết Úng (huyện Đông Anh, Hà Nội), làng Phù Khê, Hương Mạc, Đồng Kỵ (Thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh)... Theo quan điểm của một số bậc cao niên là nghệ nhân mộc dân gian tại các làng nghề này, khi mới tạo lập nghề, họ đã suy tôn ngài Lỗ Ban với tư cách là Tổ nghề mộc, sau đó lập đền thờ, tổ chức các ngày lễ nhân ngày sinh, ngày hóa của Tổ nghề. “Khi nghề phát triển mạnh vào các thế kỷ sau này, đặc biệt là sau khi những người có công gây dựng nghề cho cộng đồng cư dân ở các làng nêu trên, người dân đã lập ban thờ, đúc tượng, tổ chức nghi lễ, ghi chép thần tích… và suy tôn họ là các vị Hậu tiên sư của làng nghề” (6). Làng Thiết Úng, trước đó đã tôn thờ ngài Lỗ Ban là Tiền tiên sư và đến TK XVII, cộng đồng đã tôn thờ thêm ngài Nguyễn Công Truyền, Nguyễn Công Nghệ là các vị Hậu tiên sư của làng nghề. “ở làng Phù Khê, Hương Mạc, Đồng Kỵ, ngoài việc tôn thờ ngài Lỗ Ban, cộng đồng cũng tôn thờ ngài Nguyễn Công Nghệ, cụ Phó Sần làm Hậu tiên sư” (7). Việc thờ phụng trên thể hiện sự ngưỡng vọng của cộng đồng đối với các vị Tổ nghề đã có công sáng tạo, truyền bá cũng như phát triển nghề mộc trong tiến trình lịch sử nghề mộc ở Việt Nam.

Việc nghiên cứu về nghề mộc ở các làng quê tại Việt Nam, từ vấn đề lịch sử đến sản phẩm và tín ngưỡng thờ Tổ nghề cho thấy, trong truyền thống và đương đại, nghề mộc đều thể hiện sự giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc. Điều đó được minh chứng thông qua chủ đề, tính thẩm mỹ trong sản phẩm, đến việc xác lập vị Tổ nghề có nguồn gốc từ Trung Quốc (Tiền tiên sư) và Việt Nam (Hậu tiên sư) cùng việc thực hiện các nghi lễ tôn vinh tưởng niệm, thể hiện lòng ngưỡng mộ của người làm nghề mộc ở Việt Nam từ trong truyền thống đến hiện đại. Sự giao lưu, tiếp biến này đã tạo ra các yếu tố gắn kết về văn hóa giữa hai dân tộc Việt - Trung.

______________

1. Tư liệu khảo sát của tác giả bài viết tại các làng nghề mộc vào tháng 12 - 2019 và tháng 1, 2 - 2020.

 2. Tân Địch, Ngô Dung: Những nghiên cứu của Lỗ Ban (triều đại Minh), tái bản lần 6, Nxb Bắc Kinh, Trung Quốc, 1999, tr.327.

3. E.T.C. Werner, A Dictionary of Chinese Mythology (Một từ điển về thần thoại Trung Hoa), tái bản lần thứ 9, Oxford University Press (Nxb Đại học Oxford), Luân Đôn, Vương quốc Anh, 2014, tr.328.

4. Trương Hải Minh, Làng nghề chạm khắc gỗ Dư Dụ (xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội), Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, Đại học Văn hóa Hà Nội, Việt Nam, 2013, tr.27.

 5. Trần Quốc Vượng, Đỗ Thị Hảo, Làng nghề phố nghề Thăng Long, Nxb Hà Nội, Việt Nam, 2000, tr.47.

6. Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Làng nghề chạm khắc gỗ Thiết Úng (xã Vân Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội), Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, Đại học Văn hóa Hà Nội, Việt Nam, 2012, tr.23.

7. Đinh Công Tuấn, Biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống tỉnh Bắc Ninh, Luận án tiến sĩ Văn hóa học, Đại học Văn hóa Hà Nội, Việt Nam, 2015, tr.76.

Tác giả: Đinh Công Tuấn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 431, tháng 5-2020

;