Trà Vinh: Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở nông thôn

Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở tỉnh Trà Vinh ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng và đi vào chiều sâu. Cũng từ phong trào này, nhiều gương điển hình tiên tiến đã được nhân rộng và tạo được sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ; tạo động lực để phát huy tài năng, trí tuệ của các cá nhân, tập thể trong học tập, lao động sản xuất ở các cơ quan, đơn vị, xóm, ấp; giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới.

 

Lễ Kathina (lễ dâng y cà sa) của đồng bào Khmer Châu Thành

 

Xây dựng đời sống văn hóa cho người dân

Thời gian qua, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, phong trào đã khơi dậy truyền thống đoàn kết, tạo nên sức mạnh nội lực ngay trong mỗi người dân, mỗi gia đình, trong các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền dân chủ của nhân dân, gắn bó tình làng, nghĩa xóm; phát huy vai trò tự quản của người dân trong cộng đồng, chất lượng và đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng lên, nền tảng, giá trị đạo đức được quan tâm giữ gìn, quy tắc ứng xử văn hóa được hình thành, từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, toàn diện.

Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở VHTTDL Trà Vinh cho biết: Có thể nói, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhất là xây dựng Gia đình văn hóa là một trong những nội dung quan trọng. Tỉnh đã tập trung xây dựng môi trường văn hóa ở ấp, khóm, và các thiết chế văn hóa cơ sở ở cộng đồng dân cư và các yếu tố để phát triển môi trường văn hóa cơ sở được tỉnh phát huy rất tích cực.

“Đối với tỉnh Trà Vinh, công tác gia đình trong thời gian qua có chuyển biến tích cực. Nếu như năm 2000, cả tỉnh chỉ có 14,3% ấp đạt chuẩn văn hóa; 33,8% hộ gia đình đạt chuẩn Gia đình văn hóa thì đến cuối năm 2022, có 98% ấp đạt chuẩn ấp văn hóa, NTM (trong đó có 32 ấp NTM kiểu mẫu); có 93,4% hộ đạt chuẩn Gia đình văn hóa, NTM (trong đó 70% gia đình được cấp giấy công nhận liên tục 3 năm); 82/85 xã đạt 19 tiêu chí NTM (trong đó có 27 xã NTM nâng cao), 8/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ XDNTM”.

Điểm sáng Càng Long

Càng Long (tỉnh Trà Vinh) là huyện có đồng bào Khmer sinh sống. Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện đồng bộ, sâu rộng gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Nhờ đó, phong trào ngày càng phát triển mạnh mẽ, lan tỏa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Ông Huỳnh Công Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Càng Long, Trưởng Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện cho biết: Trong quá trình lãnh đạo tổ chức thực hiện, mỗi bộ phận, mỗi thành viên trong Ban Chỉ đạo ở các cấp có sự phân công rõ ràng, tránh chồng chéo. Sự phối hợp này thể hiện trong việc phát huy vai trò của từng thành viên trong Ban Vận động ở ấp, khóm chúng tôi đã biểu dương kịp thời từng đoàn thể ở các cấp, các ngành khi có những tấm gương điển hình từ nhiều phong trào như Cuộc vận động xây dựng các mô hình Dân vận khéo trong năm (có 689 mô hình đăng ký). Ban Chỉ đạo thực hiện các mô hình dân vận khéo đã đề nghị UBND huyện khen thưởng biểu dương 110 mô hình thực hiện có hiệu quả để nhân rộng; Cuộc vận động nhân dân thực hiện các tuyến đường “Hoa, sáng, xanh, sạch, đẹp”, được các cấp chính quyền và nhân dân ủng hộ...

“Đến nay, trên địa bàn huyện có tổng cộng 79 tuyến được công nhận xanh – sạch – đẹp, tổng chiều dài hơn 147km. Riêng trong năm 2022, huyện xây dựng được 13 tuyến với chiều dài 20,6km, vận động các Mạnh Thường Quân và nhân dân đóng góp trên 4,5 tỷ đồng để kéo  đèn thắp sáng đường quê...” – ông Tín nói.

Ngoài ra, các hội đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã thực hiện tốt phong trào “Chống rác thải nhựa”, hạn chế tối thiểu túi nilon trong sinh hoạt gia đình, dùng giỏ đi chợ để góp phần chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Hội Nông dân huyện thực hiện mô hình “Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn”. Hội Cựu chiến binh huyện xây dựng mô hình “Câu lạc bộ Môi trường” ở Chi hội Cựu chiến binh ấp, khóm. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện còn tổ chức được 23 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình có 3 thế hệ sinh sống cùng nhau (8.827 gia đình), qua đó giữ được truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt.

Tuyến đường “Hoa, sáng, xanh, sạch, đẹp” của Chi hội phụ nữ ấp Long Trị, xã Bình Phú, huyện Càng Long thực hiện

 

Nâng cao chất lượng phong trào

Để thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021 – 2026 của Chính phủ và Kế hoạch triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2023 của Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh, Trà Vinh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở nông thôn.

Ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, Trưởng Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cho biết: Để đạt được mục đích, yêu cầu Kế hoạch đề ra, Ban Chỉ đạo yêu cầu tập trung thực hiện tốt một số công việc sau: Lựa chọn các nội dung cụ thể của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” để tập trung chỉ đạo. Chú trọng công tác xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Kịp thời biểu dương, khen thưởng gương điển hình Người tốt, việc tốt; nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo. Nâng cao chất lượng phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa, hạnh phúc, tiêu biểu”, “Ấp, khóm văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa”, từng bước xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú.

“Đồng thời, gắn kết và phát huy vai trò của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với phát triển văn hóa nông thôn, nếp sống văn minh đô thị; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, chú trọng bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư” – vẫn lời ông Bình.

Có thể khẳng định, công tác xây dựng Gia đình văn hóa, ấp, khu dân cư văn hóa ở Trà Vinh đã từng bước nâng cao chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đề cao các giá trị đạo đức; phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, cộng đồng. Những tập quán lạc hậu như tảo hôn, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi, môi trường văn hóa lành mạnh, cảnh quan sạch, đẹp đang được người dân chung sức xây dựng.

 

PHƯƠNG NGHI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 534, tháng 5-2023

 

;