Bà Lả phát biểu tại Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú năm 2022
Trong thời gian giải lao của buổi luyện tập những điệu múa Thái cổ tại Nhà văn hóa phường Đoàn Kết, Nghệ nhân Ưu tú Lý thị Lả ở tổ 7, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu chia sẻ cho chúng tôi biết về động lực để bà lưu giữ và trao truyền những điệu múa Thái đến thế hệ trẻ ngày hôm nay: “Ngày còn học ở trường Sư phạm, trong một lần đi tìm tư liệu ở thư viện tôi đã đọc được bài báo với tiêu đề “Việc nhỏ, ý nghĩa to” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng Báo Nhân dân năm 1954 với bút danh “C.B”. Bài báo có rất nhiều nội dung, ý nghĩa sâu sắc, giờ tôi không còn nhớ kỹ, nhưng tựu chung lại “muốn làm được việc lớn thì chúng ta phải làm tốt ngay từ những việc nhỏ”. Chính tiêu đề bài báo của Bác đã trở thành nguồn động lực vô hạn để tôi không ngừng học tập và sau này là nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và trao truyền những bài múa của người Thái đến thế hệ trẻ”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, bà Lả xuất thân trong gia đình người Thái trắng ở xã Mường So huyện Phong Thổ. Mẹ bà Lả xưa kia cũng nổi tiếng khắp vùng bởi hát hay, múa giỏi. Có lẽ vì vậy mà những điệu múa của người Thái như mạch nguồn tuôn chảy trong dòng máu của Lý Thị Lả. Ngay từ học vỡ lòng, rồi đến học Trường Sư phạm và năm 1973, khi ra trường làm cô giáo hay lúc nghỉ hưu ,bà Lả vẫn luôn có mặt trong các Đội văn nghệ.
Năm 1997, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương, bà Lả đã tập hợp các chị em là người dân tộc Thái đang sinh sống trên địa bàn tham gia đội múa với 12 chị em do bà làm Đội trưởng với mục đích bảo tồn và lưu truyền những điệu múa cổ của người Thái. Buổi đầu thành lập, Đội gặp rất nhiều khó khăn như: không có trang phục, đạo cụ; nhạc để luyện tập và biểu diễn... Nhưng rồi với lòng kiên trì và nhiệt huyết của các thành viên, các tiết mục múa lần lượt ra đời dưới sự biên đạo, hướng dẫn tận tình của bà Lả.
Chỉ tính từ năm 2004 đến nay, bà Lả đã thực hiện trên 500 buổi biên đạo, truyền dạy nghệ thuật múa của người Thái đến cán bộ, công chức, viên chức và các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... trên địa bàn. Đồng thời, bà Lả có đóng góp không nhỏ trong việc thành lập Câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thái tại phường Đoàn Kết, cũng như thành lập đội nhạc Tính tẩu với 12 thành viên, thường xuyên tham gia đệm nhạc cho đội múa cũng như tập luyện và gìn giữ các bài nhạc dân gian của người Thái như: hát Then, hát Mời rượu, múa Nón...
Thưởng thức những tiết mục múa uyển chuyển, lay động động lòng người, do chính tay bà Lả dàn dựng, biểu diễn tại Chợ đêm San Thàng, thành phố Lai Châu, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin Lê Xuân Dũng cho biết: “Nghệ nhân Ưu tú Lý Thị Lả là một trong những tấm gương sáng về làm theo lời Bác, cũng như thực hiện chủ trương - đường lối của Đảng, chính sách - pháp luật của Nhà nước về bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch. Ngoài việc truyền dạy tại địa phương, đội văn nghệ của bà Lả còn thường xuyên đi giao lưu, biểu diễn văn nghệ ở nhiều nơi như: Hà Nội, Điện Biên, Quỳnh Nhai, Sơn La, Quế Phong, Nghệ An...”.
Cho đến nay, bà Lả đã dàn dựng, phát triển được hơn 100 bài múa khác nhau trên nền tảng 6 điệu xòe cổ xưa của người Thái như: múa xòe, múa quạt, múa khăn... và đối tượng được trao truyền không chỉ là thanh niên, phụ nữ, nông dân mà bà còn được cấp ủy, chính quyền địa phương mời đến trao truyền các điệu múa ở cả học sinh cấp 1 và cấp 2 trên địa bàn. Từ quá trình trao truyền, bà Lả đã có nhiều học trò xuất sắc như: Hoàng Thị Duyên, Hoàng Thị Lả...
Chính các học trò này đã theo gương bà, trực tiếp đi hướng dẫn dàn dựng, trao truyền nghệ thuật múa đến với nhân dân và đồng bào các dân tộc trên địa bàn. “Việc nhỏ, ý nghĩa to” - chính tiêu đề bài báo của Bác đã trở thành nguồn động lực vô hạn để bà Lả cống hiến cho nghệ thuật múa. Ghi nhận và đánh giá cao những thành quả ấy, bà đã được các cấp, các ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen về nhiều thành tích khác nhau như: Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc về thành tích thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu vì có thành tích xuất sắc, điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mới đây, bà đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Dù đã gần 70 tuổi nhưng tâm huyết của bà với những điệu múa nói riêng và bản sắc văn hóa của dân tộc nói chung vẫn như ngọn lửa hồng rực cháy. Vì vậy, ngoài nghệ thuật múa, bà còn dành nhiều thời gian trực tiếp thêu may những bộ trang phục của người Thái cũng như hướng dẫn thế hệ trẻ lưu giữ nghề truyền thống này. Nói về định hướng của mình, bà cho biết, trong thời gian tới, bà sẽ dành thêm thời gian để viết nên những cuốn sách về các bài múa nói riêng và nghệ thuật múa của người Thái nói chung để lưu truyền cho con cháu mai sau. Những việc làm tưởng như nhỏ bé ấy lại có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong quá trình hội nhập, phát triển.
NHẬT MINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 534, tháng 5-2023