Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) sinh vào cuối thế kỷ XV, là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất với lịch sử - văn hóa Việt Nam thế kỷ XVI. Ông được biết đến là một nhà chính trị có tư cách đạo đức, một nhà khoa bảng có tài văn chương, một nhà giáo có tiếng tăm lừng lẫy, mang cốt cách của bậc phu tử. Nguyễn Bỉnh Khiêm sống gần trọn thế kỷ XVI - thế kỷ của những biến động “ghê gớm” trong lịch sử dân tộc: nhà Lê suy thoái, nhà Mạc thoán đoạt giành ngôi; sau cục diện Lê - Mạc phân tranh thì quyền lực của họ Trịnh được thiết lập, rồi Nguyễn Hoàng mở đường Nam tiến trước khi đất nước bị chia thành Đàng Trong - Đàng Ngoài đầy máu và nước mắt... Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc số rất ít người đứng trên đỉnh cao danh vọng của thời đại, được tất cả các thế lực chính trị đương thời kính nể nhưng ông không lấy đó làm mục tiêu, lý tưởng của cuộc đời mình. Trái lại, ông sống thanh liêm, có trái tim thương dân, thân dân của một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn!
Là người có chân tài, thực tài nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm bước chân vào con đường khoa cử muộn. Khi đã qua tuổi 40 được mấy năm, nghe bạn bè khuyên giải, ông mới lều chõng đi thi. Kỳ thi hương năm 1534, ông đỗ Giải nguyên. Một năm sau đó (1535), tại kỳ thi Hội, ông lại đứng đầu (Hội nguyên) trước khi tiếp tục đỗ Trạng nguyên ở kỳ thi Đình.
Đường quan lộ của ông phải nói là rất hanh thông và vinh quang tột đỉnh. Từ chân Hiệu thư ban đầu, Nguyễn Bỉnh Khiêm dần được thăng lên Lại bộ Thượng thư kiêm đông các Đại học sĩ, tước Trình tuyên hầu rồi Trình quốc công trước khi ông mất hơn 20 năm (vì vậy, dân gian quen gọi ông là Trạng Trình). Cần nói thêm là, trong hệ thống tước bậc thời quân chủ, những tước hiệu hàng đầu như tước Công thường có yêu cầu, quy chế rất khắt khe trước khi được vua xem xét ban tặng và nó càng khắt khe hơn nữa nếu dành cho người không phải hoàng thân quốc thích hay quan văn không phải cầm quân ra trận.
Sau những năm thái bình thịnh trị nhất dưới thời Mạc Đăng Doanh, nhà Mạc cũng dần đi vào suy thoái, rối ren, đầy ung nhọt, nhiễu nhương khi Mạc Đăng Doanh mất (1540), Mạc Phúc Hải được đưa lên thay nhưng không đủ năng lực điều hành chính sự. Trước tình hình ấy, không còn cách nào khác, Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ xin vua Mạc chém 18 tên lộng thần, trong đó có cả… con rể ông là Phạm Dao. Mạc Phúc Hải không nghe, Nguyễn Bỉnh Khiêm đành cáo bệnh từ quan, trả lại áo mũ sau 8 năm làm đại thần nhà Mạc, về quê dạy học (1542).
Ngoài dạy học, Nguyễn Bỉnh Khiêm cho dựng am Bạch Vân (mây trắng), lấy hiệu Bạch Vân am cư sĩ; dựng quán Trung Tân (làm chỗ ngồi chơi hóng gió và để khách đi đường có chỗ nghỉ chân) bên dòng Tuyết Giang cùng danh xưng Tuyết Giang phu tử. Trong “Bài bia ở quán Trung Tân". Nguyễn Bỉnh Khiêm nói rõ: Có người hỏi ta: “Quán ấy đặt tên Trung Tân có nghĩa là gì?", ta trả lời rằng: “Trung có nghĩa là đứng giữa không chênh lệch, giữ vẹn được điều thiện là trung, không giữ được điều thiện thời không phải là trung vậy; Tân có nghĩa là cái bến, biết chỗ đáng đậu là bến chính, không biết chỗ đáng đậu là bến mê vậy...”.
Nói về tấm lòng thương dân, thân dân đồng thời chán ghét chốn quan trường nhiễu nhương, sâu mọt của ông, không thể không nhắc đến thi phẩm “Tăng thử” (Ghét chuột) mấy trăm năm sau còn lay động lòng người (bản dịch thơ): Này chuột lớn bất nhân/ Sao ngươi ăn, ngươi phá?/ Lúa đồng thân xác xơ/ Trong kho không hạt thóc/ Người nông dân kêu than/ Vợ gầy ngồi khóc lóc/ Mạng người là quan trọng/ Ngươi làm hại quá rồi/ Mưu gian phá xã tắc/ Thần và dân đều ghét/ Lòng người chẳng được yên”…
Trước khi qua đời (1585), Nguyễn Bỉnh Khiêm còn dâng lên vua Mạc những lời tâm huyết rằng: “Thần tính độ số thấy vận nước nhà đã suy, vận nhà Lê đến hồi tái tạo, ý trời đã định, sức người khó theo. Song nhân giả có thể hồi thiên ý, xin nhà vua hết lòng tu nhân phát chính, lấy dân làm gốc, lấy nước làm trọng, trong sửa sang văn trị, ngoài chuyên cần võ công, may ra giữ được cơ nghiệp tổ tiên thì thần chết cũng được thỏa lòng".
Quả là tâm nguyện của một bậc phu tử thanh cao, liêm chính, có thừa chữ Trung cùng nỗi lo vận nước!
THANH HÀ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 534, tháng 5-2023