Tôn vinh danh nhân Chu Văn An qua hoạt động giáo dục tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Là một trong những hiệu trưởng đầu tiên, thày Chu Văn An đã có nhiều đóng góp cho việc gây dựng, mở mang và phát triển Trường Quốc Tử Giám, đồng thời còn trực tiếp đào tạo, giảng dạy cho hai vị vua tương lai là Thái tử Trần Vượng (vua Trần Hiến Tông) và Thái tử Trần Hạo (vua Trần Dụ Tông). Trải qua gần 30 năm làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, thày Chu Văn An luôn nêu cao gương sáng mẫu mực, nghiêm túc, chỉn chu từ việc dạy dỗ các thái tử đến biên soạn Tứ thư thuyết ước (sách giáo khoa dạy ở Quốc Tử Giám), đề xuất các tiêu chí chọn người vào học, lập chương trình giảng dạy, thi cử để đào tạo và tuyển chọn nhân tài cho đất nước.

Hình tượng thày Chu Văn An qua vở kịch của học sinh

Qua chương trình giáo dục di sản, các em học sinh được hiểu về tấm gương của thày giáo Chu Văn An - là một nhà Nho nổi tiếng tiết tháo, cương trực thời Trần. Thày Chu Văn An đỗ đạt cao nhưng không ra làm quan mà về quê mở trường dạy học. Cả cuộc đời thày từ lúc làm thày giáo trường làng ở Thanh Trì (Hà Nội ngày nay) đến khi làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, rồi làm thày giáo của nhà vua hay lúc từ quan về ở ẩn ở Chí Linh (Hải Dương) đều luôn nêu cao tấm gương một người thày mẫu mực, hết lòng vì học sinh, vì đất nước. Không chỉ truyền dạy kiến thức, thày Chu Văn An còn chú trọng đến giáo dục đạo đức cho các học trò bằng chính tấm gương mẫu mực của mình.

Quan điểm giáo dục của thày cốt yếu nhấn mạnh đến giáo dục đạo đức, nhằm dạy cho tất cả mọi tầng lớp học trò (không phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo) biết cách đối nhân xử thế, biết cách sống phù hợp với mọi hoàn cảnh và hòa hợp với đồng loại, “làm cho cuộc sống của chính họ và những người xung quanh trở nên tốt đẹp hơn”. Tiếp đó, thày chủ trương kết hợp học với hành, chú trọng giáo dục kỹ năng, tri thức, khuyến khích học trò “tự suy nghĩ, khơi dậy, phát hiện chân lý cũng như khả năng ẩn giấu trong từng con người” để có thể hoàn thành tốt trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội.

Với chủ đề “Tìm hiểu lớp học xưa” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các em học sinh được tìm hiểu về cách dạy và học của cha ông ta xưa kia. Các em không chỉ được tìm hiểu về sách học, chữ viết mà còn được thực hành cách mài mực, cầm bút lông và đặc biệt tìm hiểu về tấm gương của thày giáo Chu Văn An. Vở kịch nhỏ “Nghĩa thầy trò” do các bạn nhóm 3 lớp 4A3 trường Tiểu học Lý Thường Kiệt chọn để biểu diễn là một hoạt động được khuyến khích tại bước thứ 3 - bước “sau tham quan” trong chương trình giáo dục di sản tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Cô Toàn giáo viên chủ nhiệm lớp 4A3 cho biết: “Trong những hoạt động sau tham quan, lớp được chia làm 3 nhóm, mỗi nhóm tự chọn những hoạt động của mình. Nhóm 1 chọn làm báo tường, nhóm 2 chọn vẽ tranh giới thiệu về lớp học xưa còn nhóm 3 chọn vở kịch nói về thày giáo Chu Văn An”.

Vở kịch do chính các bạn học sinh soạn và biểu diễn trước các bạn cùng lớp của mình. Để trình diễn vở kịch, các bạn trong nhóm đã dành ra bốn buổi tập luyện. Tự các bạn soạn nội dung rồi phân vai cho nhau phù hợp với tính cách nhân vật. Bạn Hải có tác phong đĩnh đạc hơn thì đóng vai thày của thày Chu Văn An. Bạn Duy có khả năng vẽ và điềm tĩnh nên được phân công đóng vai thày giáo Chu Văn An. Một số bạn khác đóng vai các thế hệ học trò thày Chu.

Bạn Duy người đóng vai thày giáo Chu Văn An, hào hứng kể tóm tắt về nội dung vở kịch: “Câu chuyện kể về buổi mừng thọ thày Chu. Các môn sinh từ sáng sớm đã tề tựu trước sân nhà thày Chu để mừng thọ thày, bày tỏ lòng yêu quý kính trọng người thày đã hết lòng dạy dỗ dìu dắt họ trưởng thành. Bất ngờ, thày Chu Văn An mời tất cả học trò của mình tới thăm người thày đã dạy mình từ thuở vỡ lòng mà thày rất mực tôn kính. Ngày mừng thọ thày Chu năm ấy, họ được thêm một bài học thấm thía về nghĩa thày trò. Một bạn khác trong nhóm kịch giải thích thêm: Qua tình cảm và việc làm của thày Chu trong câu chuyện, các em đã hiểu thêm về truyền thống tôn sự trọng đạo, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam”.

Chương trình giáo dục di sản theo phương pháp mới tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Trong những năm gần đây, công tác phát huy giá trị khu di tích, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã rất chú trọng tới các hoạt động gắn kết di sản với nhà trường như: hướng dẫn tham quan; tổ chức và đón tiếp các đoàn khuyến học; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Văn Miếu - Quốc Tử Giám… Đặc biệt, trong bối cảnh đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá về di sản của du khách, nhất là của các em học sinh, sinh viên ngày càng cao và đa dạng, từ năm 2016, Trung tâm đã đi tiên phong trong công tác triển khai một số hoạt động giáo dục di sản tại di tích theo cách tiếp cận mới.

Để chương trình giáo dục có hiệu quả, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có sự phối hợp chặt chẽ với các trường và giáo viên trong việc xây dựng các chương trình giáo dục cũng như phối hợp đổi mới tổ chức tham quan theo lớp chứ không theo khối, trường. Đặc biệt, đội ngũ thuyết minh của di tích đã từng bước nghiên cứu và nắm được chương trình học tập, các chuẩn kiến thức với từng lớp, từng môn học, cũng như cần cập nhật những thay đổi về phương pháp dạy và học của nhà trường để gắn với các chương trình giáo dục của di tích.

Tham gia chương trình giáo dục di sản, các em học sinh không chỉ chủ động học tập, bồi dưỡng kỹ năng mà còn được sáng tạo nghệ thuật và khám phá năng lực bản thân. Các hoạt động giáo dục tại di tích khuyến khích các em được thể hiện năng lực, sở thích của từng cá nhân, từng nhóm thông qua những kiến thức mình thu nạp được như: thuyết trình, diễn kịch, trưng bày, lập các sưu tập…

Phương pháp giáo dục di sản mới lấy học sinh, trẻ em làm trung tâm. Mỗi em học sinh tham gia trải nghiệm luôn được khuyến khích sáng tạo, thoát khỏi cách học thuộc lòng và trả lời thụ động. Các em được trực tiếp thấy, được làm, được thể hiện và được cảm nhận. Với phương pháp mới, mỗi em học sinh đều chủ động tìm tòi, khám phá và thu nhận kiến thức cho mình và chia sẻ kiến thức cho bạn. Qua đó, các em còn được rèn luyện kỹ năng giao tiếp, chia sẻ với nhau một cách thân ái, học cách đưa ra ý kiến, bảo vệ ý kiến của mình và tôn trọng ý kiến của bạn… Mỗi lớp được chia thành các nhóm nhỏ để các em hoạt động theo nhóm với sự hướng dẫn của đội ngũ thuyết minh. Mỗi chủ đề là một bài học về di sản sinh động và mang nhiều ý nghĩa. Học sinh không chỉ chủ động học tập, bồi dưỡng kỹ năng mà còn được sáng tạo nghệ thuật và khám phá năng lực bản thân.

Khác với giáo dục theo kiểu hướng dẫn tham quan, chương trình này gồm ba bước: học ở lớp trước khi đến di tích, trải nghiệm tại di tích và học ở lớp sau khi chuyến thăm di tích. Trước khi tiến hành trải nghiệm giáo dục tại di tích, Trung tâm luôn cung cấp tài liệu và khung chương trình của chủ đề đó cho nhà trường và giáo viên để hướng dẫn cho học sinh tại lớp.

Trước tham quan là hoạt động do giáo viên tổ chức tại lớp học, giúp học sinh chuẩn bị trước chuyến tham quan, trải nghiệm tại di tích; gắn kết di sản với chương trình của học sinh. Trong tham quan là hoạt động tại di tích: đội ngũ thuyết minh hướng dẫn học sinh thực hiện các hoạt động trải nghiệm đã được thiết kế theo chủ đề. Sau tham quan là hoạt động được chú trọng, trong đó đòi hỏi sự sáng tạo của học sinh và thày cô giáo. Việc giáo viên định hướng đúng và khéo léo, linh hoạt bố trí, sắp xếp đủ thời gian sẽ giúp học sinh có được những sản phẩm sáng tạo hiệu quả sau một chuyến thăm quan trải nghiệm trực tiếp tại di tích.

Việc thực hiện các bước trên có tác động rất tốt đối với học sinh, giúp các em có sự chuẩn bị trước ở nhà và có sự gắn kết, phát huy các ý tưởng sáng tạo sau chuyến tham quan. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, không phải trường nào, giáo viên nào cũng thực hiện hai bước này ở trường. Mặc dù vậy, Trung tâm vẫn luôn khuyến khích các trường cùng thực hiện để đạt hiệu quả giáo dục di sản tốt nhất cho các em. Từ những hoạt động đó, mang lại cho các em những cảm xúc tích cực: tự hào vì bản thân đã chinh phục được những thử thách tri thức mới, thân ái, hòa đồng với bạn bè…

Từ khi thực hiện giáo dục di sản theo phương pháp mới (năm 2016) đến nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có hàng chục chủ đề, chương trình giáo dục di sản cho học sinh từ cấp mẫu giáo đến cấp trung học phổ thông. Trong đó nhiều chương trình áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn như: Ô kìa con Nghê, Lớp học xưa, Bức tranh Mãnh hổ hạ sơn, Khuê Văn Các, Đi tìm linh vật trên kiến trúc cổ, Khoa cử và học tập, Tìm hiểu Sách cổ và mộc bản, Bia Tiến sĩ, Kiến trúc Văn Miếu xưa qua ảnh, Trường Quốc Tử Giám, Môi trường và cảnh quan...

Vở kịch về tấm gương đạo đức của thày Chu Văn An kết thúc trong tiếng vỗ tay không ngớt của các bạn học sinh đến xem. Hoạt động càng có ý nghĩa hơn khi ngày 16-4-2019, tại khóa họp Hội đồng của UNESCO lần thứ 206 tại Paris, Pháp, hồ sơ kỷ niệm 650 năm ngày mất của nhà giáo Chu Văn An (1370-2020) được thông qua.

Nhìn những ánh mắt xúc động trên gương mặt các cô cậu học trò, một chút tiếc nuối vì vở kịch đã hết có thể cảm nhận rằng: chương trình giáo dục di sản đã chạm tới trái tim của các em đang được triển khai tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Tác giả: Đường Ngọc Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020

 

;