Tìm hiểu một số phương thức sưu tầm tài liệu văn chương của Lê Quý Đôn

Lê Quý Đôn, tên thuở nhỏ là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, sinh ngày 5-7 năm Bính Ngọ, niên hiệu Bảo Thái thứ 7 (tức ngày 2-8-1726) trong một gia đình khoa bảng thời Lê-Trịnh. Thân phụ là Tiến sĩ Lê Phú Thứ (1691-1781), sau đổi là Lê Trọng Thứ, hiệu Trúc Am, quê làng Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ (nay thuộc thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Thân mẫu là bà Trương Thị Ích, con gái của Tiến sĩ, Hoằng Phái hầu Trương Minh Lượng (1636-1712), người xã Nguyễn Xá, huyện Duy Tiên, trấn Sơn Nam (nay thuộc xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam).

Vốn bản tính thông minh từ nhỏ, lại được cha đích thân rèn cặp, nên trong khoảng thời gian học ở nhà, ông đã có thể nắm được những kiến thức cơ bản đối với sĩ tử thời đó. Đến khi trưởng thành, Lê Quý Đôn có quan lộ tương đối thuận lợi và bằng phẳng. Hành trang của Lê Quý Đôn cho thấy, ông là người đặc biệt năng động, đi nhiều, đọc nhiều và viết nhiều. Chính sự năng động đó đã giúp ông tiếp cận được nhiều kiến thức mới, qua đó tích lũy và sáng tạo. Tri thức trong sách vở và kinh nghiệm phong phú của cuộc sống mà ông tích lũy được trong 58 năm cuộc đời, học tập và làm việc đã giúp ông trở thành “nhà bác học lỗi lạc của Việt Nam thời phong kiến”. Có thể nói, toàn bộ những tri thức cao nhất ở TK XVIII đều được bao quát vào trong các tác phẩm của Lê Quý Đôn. Tác phẩm của ông như tấm bia lớn đánh dấu thành tựu văn hóa của cả một thời đại với tất cả những ưu, nhược điểm của nó.

Một số phương thức sưu tầm tài liệu văn chương của Lê Quý Đôn:

Phương thức điền dã, phát hiện và lựa chọn tư liệu điền dã

Phương pháp sưu tầm tư liệu của Lê Quý Đôn có hai phương diện: Phương pháp phát hiện tư liệu và phương pháp thu thập tư liệu. Điền dã chính là một trong những phương pháp phát hiện tư liệu của ông. Bản thân ông là người đi nhiều, giao du rộng lại ham hiểu biết nên đi đến đâu ông cũng quan sát tỉ mỉ và thận trọng ghi chép lại tất cả những điều mắt thấy tai nghe, chính vì vậy mà trong những công trình của ông, người đọc thật sự nể phục vốn hiểu biết phong phú, đa dạng mà ông có.

Trong Quế Đường thi tập, Lê Quý Đôn đã tả cảnh một buổi sớm đi thuyền từ Lãnh Trì tắt xuống sông Thiện Mạc rồi vào sông con, đỗ ở xã Ô Mễ..., điều này chứng tỏ ông đã từng đi lại nhiều lần nơi sông nước quê mình. Ngay cả khi việc bộn bề, ông vẫn tận dụng thời gian tiến hành những cuộc tham quan, du ngoạn. Khi đi tham quan, du ngoạn hay đi công cán, ông vẫn không ngừng quan sát và ghi chép.

Vào năm 1768, niên hiệu Cảnh Hưng, Trịnh Sâm cử Đoàn Nguyễn Thục làm thống lĩnh, hợp quân các đạo tiến đánh Mường Thanh, Lê Quý Đôn đi theo quân. Việc quân bề bộn, đường xá xa xôi hiểm trở. Nhưng trong thời gian này, những tư liệu quý từ lịch sử, địa lý tới quân sự đều được ông tìm ra và ghi lại trong Kiến văn tiểu lục.

Sau này, Phủ biên tạp lục cũng là một công trình được ông hoàn thiện dựa vào những tư liệu thu thập được trong quá trình công cán phương Nam. Công việc bận rộn, không phải lúc nào ông cũng có thời gian đi tìm kiếm tư liệu cho công việc trước thuật của mình, ông tìm tư liệu ngay trong những việc thường ngày, đặc biệt là những việc phải động đến các tài liệu sẵn có ở các nha môn hành chính thuộc quyền tiếp quản của ông khi Nguyễn Hoàng tháo chạy để lại. Ngô Thời Sĩ trong lời “Bạt” Phủ biên tạp lục đã viết: “Một phen sắp đặt cũng cần những điều khảo chứng…, đại ý đều là những điều quan yếu để thi hành chính trị, những điều trù hoạch ở triều đình để thi hành ngoài nghìn dặm…” (1). Những “khảo chứng”, “quan yếu”, “trù hoạch” đó đều là những điều cô đọng trong Phủ biên tạp lục. Nó đã thể hiện một trong những cách làm việc của Lê Quý Đôn, đó là ông luôn làm đồng thời nhiều việc cùng lúc, sưu tầm tư liệu trong lúc làm công vụ và làm công vụ khi sưu tầm tư liệu, làm một việc lại hóa hai. Đó là nguyên nhân giải thích tại sao chỉ trong vòng sáu tháng ông đã hoàn thành Phủ biên tạp lục.

Khai thác nguồn tư liệu từ thư tịch trong và ngoài nước

Thời đại Lê Quý Đôn sống là thời đại mà xã hội phong kiến Việt Nam đang trên đà suy vong, tồn tại nhiều rối loạn và bất ổn. Bản thân lại là một đại quan của triều đình, hơn ai hết, Lê Quý Đôn là người thấy rõ nhất những mặt đen tối của xã hội đó. Bẩm sinh thông minh và ham hiểu biết, ông mong muốn có thể cống hiến hết mình cho đất nước, nhưng con đường quan lộ của ông cũng lắm thăng trầm, nhiều điều bất đắc chí. Chỉ biết rằng, bên cạnh sự nghiệp chính trị thì sự nghiệp trước thuật của ông lại là điều ghi dấu ấn hơn cả. Vốn từ nhỏ đã nổi tiếng là thần đồng, tư chất thông minh, trí nhớ siêu việt, lại cộng thêm với sự cần cù, siêng năng và nhẫn nại ham học hỏi, nhà bác học họ Lê đã đóng góp thật nhiều cho nền văn hóa, văn học nước nhà.

Đầu tiên Lê Quý Đôn quan tâm đến những kinh sách được coi là chính sử như: Thượng Thư, Xuân Thu, Tả Truyện, Quốc Ngữ, Hán Thư, Tư trị thông giám của Tư Mã Quang hay Cương mục của Chu Tử, Thục chí của Trần Thọ hay các pho chính sử trong Nhị thập nhất sử như Hậu Hán thư, Tam quốc chí, Tấn thư, Tống thư, Nam Tề thư, Lương thư, Trần thư, Tùy Thư, Bắc sử, Đường thư, Ngũ đại sử

Bên cạnh những bộ sách chính, ông còn quan tâm tới những tư liệu mà chính sử Bắc quốc bỏ quên được lưu truyền trong dân gian, do dân gian tự viết mà ông gom nhặt được trên đường đi sứ.

Đặc biệt hơn, trong những lần đi sứ phương Bắc ông dành sự quan tâm và hứng thú với sách vở, giấy tờ lưu hành ở Trung Hoa phản ánh những vấn đề lịch sử khu vực và Tây Phương. Ông chú ý sưu tập các thư tịch nói về vùng Đông Nam Á như Sứ Cao Ly lục trong sách Vân lộc mạn sao của người đời Tống nói về Triều Tiên, Phật quốc ký của sư Pháp Hiển đời Tống ghi nhận nhiều sự kiện của hơn 30 nước ở Ấn Độ hồi TK X, sách Đại Đường Tây Vực ký của nhà sư Huyền Trang thuật chuyện sang Tây Vực thỉnh kinh, trong đó có nhiều tư liệu quan trọng về Ấn Độ, sách Chân Lạp phong thổ ký của Chu Đạt Quan đời Nguyên thuật lại những điều tai nghe mắt thấy ở nước Chân Lạp thời cổ, sách Hạ Tây Dương ký của Trịnh Hòa đời Minh làm trong khi phụng mệnh vua Minh sang buôn bán với Nam Dương, Ấn Độ, Ba Tư…, gồm 30 nước bằng đường biển suốt 28 năm (1405-1433), sách Nhật Bản ký ghi chép về nước Nhật Bản thời xưa…

Như vậy, bằng việc tiếp cận và tìm hiểu thư tịch nước ngoài, tầm hiểu biết vốn đã rộng rãi của Lê Quý Đôn lại càng trở nên sâu sắc hơn, nó đã không chỉ còn giới hạn trong khuôn khổ của Việt Nam hay Trung Hoa mà đã vươn thêm lên tầm cao mới. Khiến cho những công trình trước thuật của nhà bác học càng trở nên có giá trị hơn, vượt khỏi khuôn khổ chật hẹp của xã hội Việt Nam lúc đó, là cơ sở cho những công trình trước thuật của những tác gia sau này.

Tài liệu chữ viết trong thư tịch của Lê Quý Đôn là những tài liệu thành văn bao gồm cả những tài liệu ở các địa phương mới chép phác thảo từ truyền khẩu dân gian. Về nguồn thư tịch này, ông chú ý tới thư tịch của Việt Nam và Trung Quốc.

Truyện và ký: Cũng là nguồn tư liệu mà ông không coi nhẹ. Trong Kiến văn tiểu lục, mục Thiên chương, ông đã nhắc tới ba tác phẩm thuộc thể loại này. Đầu tiên là Truyền kỳ mạn lục - “tuy là ngụ ngôn nên ít người tin” nhưng vẫn có yếu tố thực như: Kim hoa thi thoại nói là của Phù phu nhân thì có người thực…

Tư liệu từ thơ ca: Có thể kể đến việc nhờ đọc Hà Tiên thập vịnh khi vào công cán ở đó, Lê Quý Đôn được biết một số mặt về lịch sử và văn hóa của vùng đất này. Trong Kiến văn tiểu lục, mục Thiên chương, Lê Quý Đôn cho biết: “Tập thơ này không những tô điểm bộ mặt dân quê nơi bãi biển, mà cũng có thể thay vào sử kỹ của Hà Tiên”. Trong Phủ biên tạp lục mục Nhân tài thơ văn, ông cũng dẫn vào đó một loạt bài sưu tầm được từ tập thơ đó để phán ánh tình hình nhiều mặt của vùng đất cực Nam Tổ quốc.

Từ chiếu, sớ, tấu, biểu, công văn: Với cách làm việc nghiêm túc, khách quan không quá phân biệt chính thống hay ngụy triều trong việc sưu tầm tư liệu, Lê Quý Đôn đã chú ý đúng mức và sưu tầm được nhiều nguồn tư liệu này. Trong Lê triều thông sử, ông đã tìm được khá phong phú sớ, tấu, chiếu, biểu. Phần Nghịch thần truyện là phần nói về các nhân vật đối đầu với nhà nước chính thống - bản triều của chính Lê Quý Đôn. Cho nên, nhiều bài văn hiếm có của nghịch thần đã được ông phát hiện ra toàn văn và đưa vào tác phẩm.

Bên cạnh đó, Tự điển ở các địa phương cũng là nguồn tư liệu được ông khai thác. Tự điển là một loại tài liệu thành văn ghi lại truyện ký hay các chứng tích khác tổng hợp từ các tài liệu không thành văn trong dân gian. Những truyện ấy, nhiều khi vốn là văn xuôi dài, tình tiết chồng chất ly kỳ nên không dễ nhớ, dễ truyền như ca dao, tục ngữ, dân ca.

Gia phả cũng là một nguồn tài liệu mà ông chú tâm bởi bên cạnh quốc sử còn có gia sử, một bộ phận góp phần cho việc hình thành quốc sử, vẫn thường ghi chép một số sự kiện mà vì lẽ này hay lẽ khác quốc sử lại bỏ qua. Trong Kiến văn tiểu lục, mục Tài phẩm, Lê Quý Đôn nói tới văn thần đời trung hưng như Nguyễn Văn Giai, Nguyễn Danh Thế… bị quốc sử bỏ sót.

Bên cạnh tài liệu chữ viết, tài liệu truyền miệng không thành văn tồn tại trong dân gian được Lê Quý Đôn đánh giá rất cao và dụng công tìm kiếm, ghi chép. Có thể nói thời đại mà Quế Đường tiên sinh sống là thời đại phát triển rực rỡ vào bậc nhất của văn học dân gian, do việc sưu tầm những tư liệu trong dân gian đặc biệt là thần thoại, truyện cổ tích với những truyền thuyết giai thoại dã sử, các nhà nho thời kỳ này đã đủ điều kiện để cho ra đời hàng loạt tác phẩm nổi tiếng như: Lan trì kiến văn lục của Vũ Trinh, Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án…, các tác phẩm khuyết danh với những tên lạ từ đấy về sau cũng lần lượt xuất hiện như: Nam thiên trân dị tập, Nam Hải dị văn… đó là còn chưa kể đến những tác phẩm thành văn đã sưu tầm thành công những tư liệu không thành văn trong dân gian.

Để sưu tầm những truyền thuyết dân gian, Lê Quý Đôn đã trực tiếp tìm đến nơi có sự tích, chỗ xuất phát của những truyền thuyết ấy. Ví như truyền thuyết Pháp Loa tôn giả trong Kiến văn tiểu lục mục Thiền dật, ông nêu rõ: “Nay ở chùa Hương Mai còn phảng phất dấu vết có thể nhận thức được... những nơi đã được nhà sư mang tích trượng vân du đều là danh lam cả. Còn chùa Hương Mai của bản xã từ trước vẫn là linh ứng” (2). Ông không chỉ dựa vào những điều mắt thấy mà ông còn dựa vào những điều tai nghe, đó là những câu chuyện ông được nghe từ dân gian. Xã hội mà Lê Quý Đôn sống là xã hội biến đổi bất thường, chiến tranh, đói khát…, con người chán đời loạn muốn tìm đến một tương lai dễ chịu hơn nên họ muốn thấy những dự đoán về sau. Sấm là một hình thức văn học lưu truyền trên cửa miệng dân gian thể hiện những dự đoán ấy nên ra đời, đáp ứng với mọi yêu cầu xã hội. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi mà từ TK XVI trở đi, lúc chế độ phong kiến bắt đầu đi xuống lại xuất hiện những nhà tiên tri như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan..., mà dân gian còn truyền tụng những lời đoán cho là của các ông.

Ngoài tư liệu chữ viết và tư liệu truyền khẩu thì tư liệu vật chất cũng được Lê Quý Đôn chú ý sưu tầm và ghi chép lại. Đây là quá trình ông tìm kiếm những văn bia, kim thạch ở khắp mọi miền đất nước thậm chí là cả trong quá trình đi sứ.

Trong Kiến văn tiểu lục, mục Linh tích cho biết khá tường tận việc ông lưu ý tới các lăng mộ còn lại của Trần Thủ Độ ở xã Phù Ngự, huyện Ngự Thiên (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay) hoặc mộ tang Trần Nhật Hiệu, lăng các vua Trần cũng ở huyện này. Ở mục Thiên chương, phần nói về văn ở chuông của bia tạc có thể thấy, Lê Quý Đôn đã từ chùa Thiên Phúc núi Phật Tích gần Thăng Long đi tới những vùng xa xôi, thậm chí rất xa như tới chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh ở Ái Châu (Thanh Hóa) để tìm những sử liệu kim thạch. Cũng trong mục này ta còn được biết ông rất chú ý đến những tài liệu kim thạch thời Lý Trần, thể hiện ở việc ông đã tìm ra và có thể ghi lại đến mức tỉ mỉ, cụ thể họ tên, chức danh, tác giả, thời gian, địa điểm khắc in, thể loại văn học của các di văn trên đồng đá với nhiều loại hình kim thạch khác nhau như chuông chùa, bia chùa, bia tháp, bia Di Đà bảo khám, bia Viện Báo ấy Ân… Có thể kể đến một số văn bia chuông tháp thời Lý Trần như:

Năm Long Phù Nguyên Hòa thứ 9 (1109) tại chùa Thiên Phúc núi Phật Tích phát hiện một bài Minh khắc trên chuông chùa của thày chùa Huệ Hưng.

Năm Hội Tường Đại Khánh thứ (1118) tại chùa Sùng Nghiêm Diên Khánh ở Ái Châu, phát hiện một bài Minh khắc trên bia chùa của thày chùa Pháp Bảo.

Năm Hội Phong thứ 1 (1092) tại tháp Hội Khánh núi Lăng Già phát hiện một bài Minh khắc trên bia tháp của pháp sư Lê Kim.

Năm Duệ Vũ thứ 3 (1122) tại chùa Viên Quang Đề phát hiện một bài Minh khắc trên chuông và bia chùa của Dĩnh Đạt…

Sau bia Lý Trần, Lê Quý Đôn còn chú ý sưu tầm các loại bia đời Lê, gồm:

Bia miếu: Ở Phủ biên tạp lục, trong mục Sự khai thiết khôi phục hai xứ Thuận Hóa - Quảng Nam và ở Kiến văn tiểu lục, mục Tài phẩm đều cho thấy việc Lê Quý Đôn tìm thấy văn bia của Nguyễn Như Đỗ ở miếu thờ Lê Khôi mà biết thêm cái uy dũng đặc biệt của nhân vật họ Lê này đã trấn giữ Hóa Châu, yên phương Nam.

Bia mộ: Trong Kiến văn tiểu lục, mục Tài phẩm cho thấy Lê Quý Đôn tìm thấy bia mộ (bia thần đạo) bài văn bia của Trình Thuấn Du nói về Lê Chích, một nhân vật góp phần quan trọng nhất cho thắng lợi của Lam Sơn khởi nghĩa mà chính sử bỏ sót không chép.

Bia Tiến sĩ: Với loại bia này ông chú ý điều tra, khảo sát cẩn thận nội dung cũng như hình thức của nó. Ông đặc biệt chú ý tới phần lạc khoản tức là chỗ đề ngày tháng, họ tên, quan chức tác giả, nên phát hiện ra nhiều vấn đề. Đây là loại bia khởi đầu từ thời Lê - bản triều của Lê Quý Đôn, giúp ông nghiên cứu lịch sử, chế độ thi cử đủ hơn.

Bia Ma phai: Đây là loại bia lớn, khắc đá núi. Trong Phủ biên tạp lục, phần Hình thể, núi sông, thành lũy... cho thấy Lê Quý Đôn đã tìm tới “núi Thạch Bi ở phủ Phú Yên” nơi “Thánh Tông đánh Chiêm Thành”, tạc đỉnh núi, “lập bia làm địa giới” và ông đã đưa bia này vào bộ địa phương chí phương Nam của mình.

Như vậy, có thể thấy, nguồn tư liệu mà ông thu thập được rất đa dạng và phong phú, ông đã quan tâm tới cả thư tịch trong nước và thư tịch nước ngoài, cả tài liệu chữ viết, tài liệu truyền khẩu và tài liệu vật chất. Cùng với đó là một phương pháp thu thập và phân loại khoa học khi những tài liệu khảo sát được ông đặt trong tọa độ thời gian và không gian vừa khảo sát, vừa so sánh đối chiếu với ghi chép của người khác. Không chỉ ghi chép lại một cách cẩn trọng những tư liệu thu thập được mà ông còn đề ra tiêu chí ghi chép những thư tịch tìm được. Ông đề ra bốn phương pháp đọc sau:

Thứ nhất: Đọc kỹ, việc Lê Quý Đôn ghi rất chi tiết tên, chức danh tác giả, địa điểm in khắc kim thạch ở các tài liệu trong mục Thiên chương của Kiến văn tiểu lục đã nói lên rằng ông đọc rất kỹ.

Thứ hai: Nghĩ kỹ, chỗ nào không hiểu được thì nên nghĩ cho kỹ, nghĩ kỹ không ra mới xem chú giải, như thế mới có ý vị.

Thứ ba: Không nên bị động máy móc, cũng không nên chủ quan. Ông phê phán: lúc mới xem, đã lấy ý mình đoán trước... ấy là cái bệnh của học giả ngày nay.

Thứ tư: Cần so sánh, phân biệt những chỗ giống và khác nhau chỗ mạnh yếu, đúng sai của sách. Điều này rất quan trọng vì đây chính là dấu ấn cá nhân của mỗi nhà trước thuật.

Được biết đến là một trong những người mở đường, người thực hiện những bước khai sơn phá thạch đầu tiên của học thuật văn chương trung đại, Lê Quý Đôn có ý thức sâu sắc về công việc làm học thuật của mình. Vì vậy, suốt cuộc đời mình, ông luôn ấp ủ hoài bão lớn và từng bước thực hiện nó thành công.

Đề cập về phương diện nhà trước thuật của Lê Quý Đôn tất cả người cùng thời cũng như thế hệ hậu sinh đều thống nhất chung nhận định rằng: Lê Quý Đôn là nhà trước thuật lỗi lạc với một khối lượng công trình đồ sộ vào bậc nhất của thời trung đại. Trong công việc của mình, ông luôn thể hiện sự chủ động và sáng tạo, vừa học tập tiền nhân lại vừa bổ sung, sửa chữa những thiếu sót mà tiền nhân chưa kịp hoàn thiện.

Về quy mô biên soạn của các công trình, ông đã hướng tới tính chất toàn tập chứ không còn là trích tuyển như những người đi trước.

Những công trình của ông mang tính khoa học rõ rệt. Ông trình bày tác phẩm, tác giả một cách minh bạch, chú ý tới giá trị nội dung và hình thức của bài được tuyển. Ông cũng mở rộng đối tượng tác giả trong việc tuyển chọn của mình. Không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ Nho giáo với các tác giả là những nhà nho thành danh, ông còn chú ý đến sáng tác của các thiền sư, của các tác giả khác dân tộc mình và đặc biệt là của các tác giả nữ.

Điều đặc biệt tiến bộ của Lê Quý Đôn trong phương thức trước thuật văn chương của ông nằm ở tiêu chí lựa chọn tác phẩm của ông. Ông đã quan tâm tới thị hiếu của độc giả khi lựa chọn những bài thơ văn theo ông là chưa hay nhưng được nhiều người thích. Ông cũng rút ra nhận định thật thấm thía rằng: Văn chương là của công thiên hạ, ý kiến mỗi người mỗi khác, phân tích thì được chứ chớ nên chê mắng. Đó là thái độ thường có của những người đọc nhiều, hiểu rộng.

_______________

1. Lê Quý Đôn, Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1 (Phủ biên tạp lục), Đỗ Mộng Khương dịch, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr.101.

2. Lê Quý Đôn, Quế Đường thi tập, Trần Thị Băng Thanh chủ biên, Nxb Đại học Sư phạm, 2019, tr.88.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Quý Đôn, Lê Quý Đôn toàn tập, tập 2 (Kiến văn tiểu lục), Phạm Trọng Điềm dịch, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977.

Ths VŨ THỊ THANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 515, tháng 11-2022

;