Bắc Giang là tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử và là nơi giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc cùng sinh sống. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, vùng đất nơi đây còn lưu giữ được nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian vô cùng độc đáo. Tiêu biểu trong số đó là nghệ thuật dân ca quan họ, hát ca trù đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Xác định tầm quan trọng của di sản trong phát triển kinh tế, xã hội, Bắc Giang đã triển khai nhiều chương trình, đề án, cùng với các giải pháp quản lý nhà nước.
1. Đặc điểm một số loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang
Bắc Giang có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó đông nhất là dân tộc Kinh chiếm 88,1%, tiếp đến là dân tộc Nùng 4,5%, Tày 2,6%, Sán Chay và Sán Dìu mỗi dân tộc 1,6%, Hoa 1,2%, Dao 0,5% (1). Với những đặc điểm như trên, tỉnh Bắc Giang còn lưu giữ được kho tàng di sản nghệ thuật trình diễn dân gian vô cùng phong phú và đa dạng, tiêu biểu như:
Nghệ thuật trình diễn dân ca quan họ, ca trù
Dân ca quan họ được hình thành ở vùng Kinh Bắc, bao gồm hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Nơi bờ Bắc sông Cầu với không gian văn hóa đậm đặc trên đất Bắc Giang, nhiều thế hệ liền anh, liền chị đã và đang lưu giữ kho tàng quan họ cổ, bảo tồn bền vững di sản trong đời sống hiện đại. Năm 2009, dân ca quan họ đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Loại hình nghệ thuật ca trù được hình thành, phát triển vào TK XV. Có nhiều tên gọi về ca trù như hát ả đào, hát cửa đình, hát cô đầu, hát nhà tơ, hát nhà trò. Đây là một loại hình nghệ thuật có từ lâu đời, độc đáo đầy ý nghĩa gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, âm nhạc, tư tưởng cũng như triết lý sống của người Việt. Năm 2009, ca trù đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Nghệ thuật trình diễn hát ống - hát ví
Hát ống - hát ví là một loại hình nghệ thuật dân gian ra đời và tồn tại hàng trăm năm trong cộng đồng làng Việt (2). Về bản chất hát ống vẫn là hát ví, có giai điệu và ca từ mộc mạc, giọng hát như giọng thơ, thường là thể thơ lục bát dễ nhẩm, dễ thuộc. Nhưng điểm khác biệt và độc đáo ở chỗ người ta sử dụng những chiếc ống hát được nối với nhau vừa để truyền âm, vừa để động tác khi hát trở nên duyên dáng hơn, cuốn hút hơn.
Nét độc đáo của hát ví còn thể hiện ở sự phong phú về ngôn từ, khả năng ứng biến linh hoạt trong từng hoàn cảnh của đôi bên khi đối đáp. Trong cuộc hát ống, hát ví đôi khi còn là những sự so tài cao thấp giữa các đội hát (phường hát). Nếu đối đáp được thì đó là một sự thỏa đáng, còn nếu không thì bên thua coi đó là một món nợ hẹn lần sau đáp lại. Đây cũng là nét đặc trưng rất riêng biệt của nghệ thuật hát ví, hát ống so với các lối hát khác.
Nghệ thuật trình diễn hát cnắng coộ
Hát cnắng coộ có lịch sử lâu đời của đồng bào dân tộc Sán Chí ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang (3). Loại hình nghệ thuật này thường được trình diễn dưới nhiều hình thức, bối cảnh và không gian khác nhau. Chẳng hạn: hát ban ngày (chục cọô) còn được gọi là hát giao duyên hay hát ghẹo trong các lễ hội hoặc trong cuộc sống lao động thường nhật trên một không gian rộng, như làm nương, đi chợ, làm đồng, đi đường…; hát ban đêm (cnắng coộ) là loại hình phong phú nhất và tổng quát nhất của hát dân ca Sán Chí. Người hát phải hát một số bài nhất định theo quy ước: đêm hôm sau không được hát lại bài của đêm hôm trước. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch mà người hát phải tuân theo. Hát đám cưới (chắu cọô) còn gọi là tửu ca chỉ dành riêng cho đám cưới, với thang âm cao và vui nhộn. Hát đối trong đám cưới là nghi lễ hết sức quan trọng nên đòi hỏi cả hai họ (nhà trai và nhà gái) phải cử những người giỏi hát và ứng tác tham gia trình diễn. Hát đổi danh (zoóng hòô cọô) là thể loại chỉ có nam giới mới được hát. Lối hát này thường được thể hiện với giọng trầm, ấm, ngân nga như thể ngâm thơ. Theo phong tục, khi người con trai đủ 18 tuổi thì phải làm lễ đổi danh/ tên. Sau khi đổi tên mới, người con trai đó sẽ trở thành người lớn và được tham gia mọi công việc của gia đình và cộng đồng. Hát cáp chay cọô (hát về lục giáp) là thể loại hát bói toán về vận mệnh của con người - để xem tuổi hợp, tuổi khắc hay buồn vui, sướng khổ của người muốn xem, giúp cho người xem tránh được rủi ro theo định mệnh.
Nghệ thuật trình diễn hát sịnh ca
Nghệ thuật hát sịnh ca của đồng bào dân tộc Cao Lan (4) thường được trình diễn vào dịp lễ hội, ngày xuân năm mới, hoặc trong các đám cưới. Về cơ bản, loại hình nghệ thuật này bao gồm nhiều thể loại khác nhau: sịnh ca thsăn lèn (mừng năm mới) là những bài hát để mừng năm mới, chúc tụng nhau đủ đầy, hạnh phúc, nhà nhà vui vẻ; sịnh ca thsao bạo (đối giao duyên), lời ca thường là mượn cảnh thiên nhiên để trao đổi, tâm tình, mượn lời hát để gửi gắm yêu thương, nhớ nhung hay trách móc, giận hờn để sau cuộc hát lại gần nhau hơn; sịnh ca kên láu (hát đám cưới) là thể loại hát vui nhộn, phong phú về số lượng bài, thường được hát trong ngày cưới. Khi đến nhà gái, đoàn đón dâu của nhà trai phải hát nhà gái mới cho vào nhà, từ khi đi đón dâu đến lúc đưa dâu về nhà chồng, phải trải qua ít nhất hai đêm hát; sịnh ca tò tan (hát đố) gồm những bài hát được truyền lại và một số bài mới được sáng tạo ra hằng ngày để đố nhau rồi tự giải nghĩa. Đây cũng thuộc loại hát vui, đầy tính sáng tạo ngẫu hứng, đòi hỏi người hát phải thuộc những bài cổ để trên cơ sở đó sáng tạo những bài mới.
Nghệ thuật trình diễn hát then - đàn tính
Hát then - đàn tính (5) là loại hình nghệ thuật dân gian gắn liền với cuộc sống thường nhật của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Then có nhiều loại hình khác nhau, tiêu biểu là lễ then cầu yên (pèng ến) là nghi lễ được tổ chức vào dịp đầu xuân, cầu cho mọi người được yên lành, làm ăn may mắn trong năm mới. Với loại then tiểu lễ này, nghệ nhân trình diễn rất điêu luyện, kết hợp đủ loại hình nghệ thuật: hát, đàn, xóc nhạc và múa.
Lễ then hắt khoăn (xem vận hạn) kéo dài tới ba ngày, ba đêm. Nghi lễ này chứa đựng nhiều tín ngưỡng truyền thống như tín ngưỡng thờ Thành hoàng, thần tự nhiên, tổ tiên và bậc tiền bối của đồng bào… Nổi bật nhất là tín ngưỡng thờ Mẻ Shinh, Mẻ Bióoc (Mẹ Sinh, Mẹ Hóa).
Lễ then mừng sinh nhật (pú sảng lường) thường làm lễ khi con người đã ngoài 60 tuổi. Lễ sinh nhật được tổ chức khá trang trọng, như một sự kiện lớn của gia đình và mang màu sắc tín ngưỡng. Lễ mừng sinh nhật thường có sự tham gia đông đủ của họ hàng, con cái và có thể diễn ra thâu đêm…
Với những giá trị tiêu biểu như đã trình bày ở trên, có thể rút ra một số đặc điểm chung về các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian ở tỉnh Bắc Giang như sau: Nghệ thuật trình diễn dân gian được hình thành, phát triển bởi yếu tố tự nhiên (sông suối, núi non, đồng ruộng) kết hợp với những yếu tố liên quan: con người, chủ thể sáng tạo thưởng thức nghệ thuật; phương tiện lao động, trực tiếp ảnh hưởng đến cảm xúc con người để sản sinh ca từ; không gian lao động tác động đến nhận thức, sáng tạo của chủ thể văn hóa. Giá trị chân - thiện - mỹ của loại hình nghệ thuật này không chỉ thể hiện ở kỹ thuật diễn tấu phù hợp với nhiều ngữ cảnh sinh hoạt khác nhau, nhiều cung bậc tình cảm, tâm trạng mà còn phản ánh từng giai đoạn lịch sử, văn hóa, vùng đất, con người Bắc Giang trong từng lời ca, điệu hát. Do được hình thành và phát triển trong dân gian, các loại hình nghệ thuật này không chỉ phản ánh được trí tuệ, tài năng sáng tạo nghệ thuật âm nhạc độc đáo của người lao động mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa cộng đồng các dân tộc ở tỉnh Bắc Giang.
2. Vấn đề bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian của tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua
Xác định di sản văn hóa là thành tố quan trọng, không thể thiếu gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai nhiều chương trình, đề án như: Quy hoạch phát triển ngành VHTTDL tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 44-NQ/TU ngày 30-3-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 30-5-2016 của UBND tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020; Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2020”. Mục tiêu của đề án nhằm nâng cao nhận thức các cấp chính quyền và cộng đồng trong việc bảo tồn, lưu giữ những giá trị của di sản văn hóa dân tộc.
Nhìn chung, công tác quản lý di sản của tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua đã gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận. Tiêu biểu là hoạt động của Nhà hát Chèo, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, Trường Trung cấp VHTTDL đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy hát quan họ, ca trù, chèo, dân ca các dân tộc thiểu số. Sở VHTTDL đã thực hiện công tác tổng điều tra về phong tục tập quán, tín ngưỡng, truyện kể, số hóa các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của đồng bào dân tộc Dao, Tày, Nùng, Sán Chí, Cao Lan; ban hành chính sách đãi ngộ, khen thưởng những nghệ nhân dân gian có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc bảo vệ, gìn giữ những giá trị di sản văn hóa dân tộc; khuyến khích duy trì, thành lập mới các câu lạc bộ nghệ thuật dân ca tại cơ sở nhằm thu hút các đối tượng trong cộng đồng tham gia.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác quản lý di sản ở tỉnh Bắc Giang đang gặp không ít khó khăn, thách thức như:
Vấn đề biến đổi tập quán cư trú, đời sống tín ngưỡng văn hóa, nhân tố thương mại hóa đã tác động đến nhận thức của người dân, dẫn đến không ít loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đang bị mai một, thất truyền.
Cơ chế, chính sách thành lập quỹ bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hỗ trợ truyền dạy trong cộng đồng, trợ cấp cho nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú, thu hút nhà đầu tư, cơ chế tài trợ... chưa tạo được động lực, thu hút toàn xã hội tham gia. Lực lượng nghệ nhân am hiểu về nghệ thuật trình diễn dân gian đang giảm mạnh do tuổi cao sức yếu, trong khi công tác đào tạo lớp nghệ nhân trẻ, kế cận chưa được quan tâm và chưa có kế hoạch thực hiện bài bản, khoa học.
Hoạt động tại các câu lạc bộ cơ sở còn cầm chừng, chưa có chương trình và kế hoạch hoạt động cụ thể, nguồn kinh phí tối thiểu để duy trì hoạt động còn gặp rất nhiều khó khăn. Công tác xã hội hóa chưa có sự lồng ghép với các chương trình kinh tế, xã hội, cũng như khai thác có hiệu quả để xóa đói giảm nghèo ở vùng có thực hành di sản.
3. Quản lý, quảng bá nghệ thuật trình diễn dân gian gắn với phát huy các giá trị di sản, từ những vấn đề đặt ra trong thực tiễn
Để bảo tồn, quảng bá các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian trong phát huy các giá trị di sản theo hướng bền vững, tỉnh Bắc Giang cần xây dựng định hướng quản lý như sau:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước đối với các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian trên cơ sở ứng dụng công nghệ 4.0.
Thứ hai, xây dựng chương trình đề tài, dự án nghiên cứu phục hồi một số các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đang có nguy cơ mai một, biến mất trong đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Thứ ba, xây dựng các sản phẩm du lịch dựa trên những giá trị đặc trưng của di sản để quảng bá, giới thiệu các loại hình nghệ thuật trình iễn dân gian của tỉnh Bắc Giang đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Xây dựng phần mềm quản lý di sản
Đó là xây dựng các phần mềm quản lý văn bản luật: Luật Di sản văn hóa; Pháp lệnh tín ngưỡng; các loại văn bản, tài liệu của tỉnh liên quan đến hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Bắc Giang. Trong nội dung này, người quản trị có thể dễ dàng cập nhật thêm các văn bản luật, hoặc tải các mẫu văn bản quản lý nhà nước về di sản văn hóa.
Phần mềm quản lý hồ sơ các nghệ nhân dân gian, những người am hiểu và thường xuyên thực hành nghệ thuật trình diễn dân gian của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Nội dung này, người quản trị có thể cập nhật, bổ sung thông tin lý lịch theo mẫu.
Quản lý hồ sơ: Hồ sơ giám định kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc; Hồ sơ thiết chế văn hóa gắn với sinh hoạt nghệ thuật trình diễn dân gian; Danh mục các điểm di sản, các thiết chế văn hóa cộng đồng là nơi tổ chức sinh hoạt nghệ thuật trình diễn dân gian gắn với điểm du lịch.
Xây dựng phần mềm quảng bá di sản
Quảng bá di sản bằng hình thức Google Display Network của Google: Các banner có hình ảnh về các hoạt động nghệ thuật dân gian của đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Giang trên các trang web có lượng người truy cập nhiều để tăng sự tương tác, quảng bá di sản đến với du khách trong nước và quốc tế.
Quảng bá di sản trên Google: Du khách trong nước và quốc tế có nhu cầu du lịch bằng công cụ Google, trang web của tỉnh Bắc Giang sẽ xuất hiện ở các vị trí cao nhất để du khách tìm hiểu về đời sống văn hóa, tín ngưỡng gắn với loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian cũng như xác định thông tin về cung đường, tuyến đường, các dịch vụ du lịch.
Khởi tạo, cài đặt Fanpage Facebook riêng của tỉnh Bắc Giang: tối ưu kỹ thuật, hiển thị, đăng bài thường xuyên về hoạt động tổ chức sự kiện, hội thi cấp tỉnh, cấp vùng nhằm nâng cao vị thế và tầm vóc của nghệ thuật trình diễn dân gian.
Phát triển hệ thống Media AR-LBS cung cấp thông tin đa phương tiện hỗ trợ khách du lịch sử dụng thiết bị di động (gồm GIS/ cơ sở dữ liệu không gian, internet và thiết bị di động/ định vị toàn cầu) để tìm hiểu về không gian văn hóa và nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc ở tỉnh Bắc Giang.
Một số giải pháp quản lý nhà nước
Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và nêu cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở dữ liệu, tư liệu hóa, số hóa các bài bản, làn điệu, nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Có chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành Văn hóa Nghệ thuật; thu hút tài năng trẻ được đào tạo bài bản, am hiểu về di sản vào làm việc trong ngành Văn hóa, hoặc trong lĩnh vực hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân gian của tỉnh Bắc Giang; phục dựng không gian và hình thức trình diễn một số loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian tiêu biểu gắn với hoạt động phát triển du lịch cộng đồng.
Tổ chức đánh giá tổng kết chương trình bảo tồn, phát huy nghệ thuật dân ca quan họ, hát ca trù từ khi được UNESCO ghi danh đến nay, nhằm đánh giá toàn diện thực trạng của di sản, cũng như đề xuất các giải pháp về cơ chế chính sách, đầu tư nguồn lực để bảo tồn di sản văn hóa.
______________________
1. vi.wikipedia.org/wiki/Bac Giang.
2, 3, 4, 5. Viện Văn hóa, Thông tin, Văn hóa phi vật thể huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang, Hà Nội, 2005.
Ths PHẠM THỊ LAN THẮM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 515, tháng 11-2022