Diễn ngôn về giới trên truyền thông từ đầu TK XX tới trước năm 1945, chịu ảnh hưởng bởi hoàn cảnh lịch sử xã hội. Đó là thời kỳ đất nước ta từ chỗ là một đất nước phong kiến chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa Trung Hoa sang giai đoạn chịu sự đô hộ của thực dân Pháp. Đây là một giai đoạn có nhiều sự xung đột về văn hóa nên khi nghiên cứu bộc lộ những yếu tố vô cùng đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Hệ tư tưởng, trường tri thức và quyền lực chi phối diễn ngôn về giới, mà ở đây là về người phụ nữ được vận hành là một nguồn dữ kiện đáng quý để quan sát và tìm hiểu về những vấn đề của xã hội thời kỳ này. Bài viết nghiên cứu vấn đề diễn ngôn về giới nữ đăng trên hai tờ báo Nữ Giới Chung và Phụ nữ Tân văn.
Nữ Giới Chung được ra đời ngày 1-2-1918. Đây là tờ báo đầu tiên dành riêng cho phụ nữ mới chính thức được ra đời. Tổng lý là Trần Văn Chim. Chủ bút là bà Sương Nguyệt Anh, chịu trách nhiệm về bài vở. Chủ bút Sương Nguyệt Anh đã biết dùng tờ báo như một phương tiện phục vụ chủ đích của mình: Thức tỉnh người phụ nữ. Tờ báo tồn tại khoảng hơn 5 tháng, tất cả được 22 số, có 94 tác giả tham gia viết bài.
Phụ nữ Tân văn lưu hành từ tháng 5-1929 đến tháng 4-1935, được phát hành rộng rãi khắp cả ba kỳ. Quản lý mọi việc của tờ báo là ông bà Nguyễn Đức Nhuận, người được đánh giá là những nhà yêu nước tiến bộ, muốn góp sức cho đất nước, giúp ích cho đồng bào, đặc biệt là phụ nữ và mong muốn tiếp nối cái tinh thần duy tân, cải cách đất nước hồi đầu TK XX.
1. Xu hướng diễn ngôn Nam nữ bình quyền trên Nữ Giới Chung và Phụ nữ Tân văn
Báo Nữ Giới Chung là tờ báo đầu tiên dành cho phụ nữ, xuất hiện buổi giao thời, khi ảnh hưởng nho giáo của một xã hội trọng nam vẫn còn đậm nét trong tâm thức, nhưng ý thức về sự bất bình đẳng về nam nữ bình quyền lại rất rõ ràng. Trên 20 số Nữ Giới Chung, có 42 bài đề cập đến vấn đề phụ nữ, thì có tới 16 bài nói về vấn đề nữ quyền, nam nữ bình quyền, chiếm 40% tổng số bài viết (địa vị, vai trò của người phụ nữ có 20 bài chiếm 49% và vấn đề phụ nữ chức nghiệp, phê phán hủ tục chiếm số bài còn lại gồm 6 bài, chiếm 12%).
Nữ Giới Chung đã coi phụ nữ như gốc rễ của sự phát triển xã hội, là “nhân” để có “quả” núi sông bền vững, giống nòi dài lâu (1). Địa vị như vậy, không thể thua kém nam giới để phải chịu kìm kẹp, áp bức. Tờ báo này cũng như một số báo khác đều đăng bài diễn ngôn ủng hộ “nam nữ bình quyền”, nhưng thảo luận về vấn đề nữ quyền một cách khá sắc bén và triệt để nhất chính là Nữ Giới Chung. Ngay từ số đầu tiên (2-5-1929) đã mở một cuộc trưng cầu ý kiến “Các danh nhơn trong nước đối với vấn đề phụ nữ”, gây nên cuộc tranh luận và bày tỏ ý kiến về vấn đề nữ quyền ở Việt Nam. Nhiều tác giả cho rằng, vị trí của phụ nữ không chỉ trong gia đình mà phụ nữ cần tham gia các công việc xã hội. Những người này đưa ra chủ trương nên giáo dục cho phụ nữ và phát động phong trào phụ nữ thực nghiệp. Theo quan niệm của họ, đó mới là điều kiện để thực hiện nữ quyền và giải phóng phụ nữ.
Cùng thời kỳ này, trên Báo Phụ nữ Tân văn xuất hiện nhiều bài viết bàn về vấn đề nghề nghiệp của phụ nữ, như: Chị em ta nên học những nghề để mưu tự lập thân của Huỳnh Lan số 10, ra ngày 4-7-1929; Nghĩa vụ của chị em ta là phải lo cho có nghề nghiệp của Việt An Thôn Nữ, số 44, 20-3-1930; Chị em ta đừng ăn bám chồng con nữa của Phương Lan, số 64, 7-8-1930... Phải đến cuối năm 1934 đầu năm 1935, do ảnh hưởng của Đảng Cộng sản và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân do Đảng lãnh đạo, trên tờ báo này bắt đầu xuất hiện những bài vạch rõ những thiếu sót, sự phiến diện trong việc đánh giá địa vị của phụ nữ cũng như nhận thức về nữ quyền và giải phóng phụ nữ. Đồng thời, nó còn chỉ ra được mối quan hệ giữa phong trào giải phóng dân tộc và phụ nữ, bản chất của vấn đề phụ nữ trong chế độ thuộc địa: đó là điều kiện sống, điều kiện làm việc, chế độ tiền lương, chế độ bảo hiểm, vấn đề nhân phẩm… của phần lớn phụ nữ đang làm việc trong guồng máy kinh tế của chủ nghĩa tư bản Pháp.
Trên Phụ nữ Tân văn trong những năm 1930, hình ảnh về người phụ nữ lý tưởng dưới ảnh hưởng của phong trào đòi nữ quyền và giải phóng phụ nữ là người biết kết hợp hài hòa giữa những yêu cầu đạo đức truyền thống “mẹ hiền vợ đảm” với những đòi hỏi của xã hội hiện đại văn minh, của phong trào nữ quyền. Đó là người phụ nữ có: nghề nghiệp để có thể tự lập; có học vấn để dạy con theo khoa học; bình đẳng với chồng và tham gia vào các hoạt động xã hội; biết đứng ra bênh vực quyền lợi cho phụ nữ, dìu dắt, khuyên nhủ, cổ động họ cho được bình đẳng với nam giới, cũng như can thiệp vào việc bất bình đẳng trong xã hội.
Nhìn chung, một số bài báo đăng trên Nữ Giới Chung và Phụ nữ Tân văn đều ủng hộ phong trào nữ quyền, bình đẳng nam nữ. Họ cho rằng nguyên nhân gây ra sự bất bình đẳng nam nữ của nước ta chính là sự bất bình đẳng trong giáo dục. Phụ nữ Việt Nam trong quá khứ không được hưởng chế độ giáo dục như nam giới nên sinh ra kém học thức và sống lệ thuộc. Đầu TK XX, khi văn hóa phương Tây ảnh hưởng vào các tầng lớp tư sản, tiểu tư sản thành thị và trí thức Tây học, tư tưởng nữ quyền phương Tây với những diễn ngôn về quyền cho người phụ nữ được những người ủng hộ trào lưu mới hưởng ứng mạnh mẽ. Mặc dù thời gian chịu ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa Pháp chưa đầy một thế kỷ nhưng có thể nói văn hóa Việt Nam đã biến đổi rõ rệt hơn.
Diễn ngôn về nam nữ bình quyền, về vấn đề quyền lợi phụ nữ cũng được tới trường được củng cố bằng những chính sách của Pháp trong quá trình muốn bài trừ ảnh hưởng của Trung Hoa ở Việt Nam. Trong bối cảnh vận động nữ quyền trên thế giới những năm đầu TK XX, vấn đề phụ nữ ở Việt Nam không chỉ mang yếu tố nội tại mà còn là vấn đề mang tính thời đại. Vấn đề phụ nữ ngày càng thu hút sự quan tâm của giới trí thức cũng như dư luận toàn xã hội, do đó giải pháp cho vấn đề phụ nữ là điểm then chốt để nhận rõ sự khác biệt cũng như tính ưu việt trong các cương lĩnh chính trị của các tổ chức và khuynh hướng chính trị đương thời.
2. Diễn ngôn “công, dung, ngôn, hạnh” trên Nữ Giới Chung và Phụ nữ Tân văn
Quả thực, diễn ngôn về người phụ nữ truyền thống hội đủ yếu tố “tam tòng, tứ đức” là phổ biến và có sức sống bền bỉ. Trên Nữ Giới Chung và Phụ nữ Tân văn thấy được sự giao thoa, kháng cự và dung nạp giữa cái cũ và cái mới của diễn ngôn về giới. Trong phẩm chất của người phụ nữ, “công, dung, ngôn, hạnh” là một trong những diễn ngôn mạnh mẽ và có sức sống lâu bền nhất.
Nữ Giới Chung với diễn ngôn về tứ đức của người phụ nữ
Nữ Giới Chung coi “tam tòng, tứ đức” như thước đo, chuẩn mực của người phụ nữ trong xã hội. Đó chính là sự cụ thể hóa của “đạo đàn bà”. Để làm tròn “đạo” trong gia đình, người phụ nữ phải biết “bỏ mình đi mà giúp cha, mẹ, chồng, con”. Theo Nữ Giới Chung, những người đàn bà như thế là đã “vẹn được cái nghĩa vụ cao”, “trọn với đạo vợ chồng” (2). Về chữ “công”, Báo Nữ Giới Chung nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình, đức tính hiền dịu, đảm đang, tháo vát. Nói về chữ “hạnh”, trên Nữ Giới Chung phân tích chữ “hạnh” dựa trên sự trinh tiết và đạo vợ chồng. Theo đó, trọn “đạo đàn bà”, “đạo vợ chồng” chính là “cái khôn của người đàn bà”, “trong một nhà hòa thuận, thì trong một làng và một nước cũng được hòa thuận, đã được hòa thuận thì phong tục tốt, phong tục tốt thì bề chánh trị dễ xử đoán, chánh trị dễ xử đoán thì trong nước được bình an (3).
Nữ Giới Chung cũng quan niệm người phụ nữ trước hết phải tuân theo khuôn phép của giáo lý Khổng Mạnh. Với người phụ nữ, khi còn con gái “chữ trinh đáng giá ngàn vàng”, bởi “người đàn bà quý nhất là trinh tiết, không có trinh thì không có giá gì cả”. “Vàng tuy quý thật nhưng có giá, ai cũng thể mua đặng, tuy quý nhưng chưa lấy chi quý lắm. Chớ chữ “trinh” thì khắp cả vàng ngoài trái đất đã dễ mua à? Mua được quả không lấy làm quý, đánh giá được lại quả là không đáng quý lắm nữa! Vô giá thì mới thiệt là vật báu” (4).
Đề cao vai trò của người phụ nữ, nhưng cuối cùng Nữ Giới Chung cũng khẳng định mục đích chính “Nếu không học hỏi thì biết đâu mà dạy dỗ lại con, không coi sách thì biết đâu phần trách nhiệm của mình”. Tức là phụ nữ phải phát triển, phải trau dồi hơn nữa, để “làm tốt hơn” (5) những công việc mang tính “bổn phận” của họ. Như vậy, có thể thấy, mặc dù những người cầm bút của Nữ Giới Chung được sinh ra vào thời kỳ Tân học, Âu hóa và được hưởng nền giáo dục từ Pháp, thế nhưng tư tưởng vẫn theo Nho giáo.
Phụ nữ Tân văn với diễn ngôn về tứ đức của người phụ nữ
Nếu như diễn ngôn của Nữ Giới Chung chủ yếu là quan điểm thể hiện nhận thức về giới của những người phụ nữ có học thức, ở tầng lớp trên thì Phụ nữ Tân văn tạo ra một cuộc tranh luận vô cùng đa chiều của các danh nhân. Ra đời sau Nữ Giới Chung 11 năm, nhưng trong bài báo thể hiện “cái tinh thần” của Phụ nữ Tân văn vô tình lại thể hiện những định kiến cố hữu trong tiềm thức về người phụ nữ. Hình ảnh người phụ nữ lý tưởng theo quan niệm Nho giáo phải hội đủ các yếu tố “tam tòng, tứ đức” và diễn ngôn theo tư tưởng này vẫn chiếm ưu thế chủ đạo trong các bài viết của Phụ nữ Tân văn. Tuy nhiên, điểm khác biệt với Nữ Giới Chung chính là ở đây không quá đề cao chữ “trinh”, “chữ trinh không có gì cả”.
Sự “giới hạn” về quan điểm nữ quyền cũng là cách Phụ nữ Tân văn ủng hộ “Tứ đức: công, dung, ngôn, hạnh”. Trong mục “Trông người lại ngẫm đến ta”, bài viết Sóng gió Nam quyền ở Âu - Châu của Phạm Vân Anh đã nhắc tới vấn đề nữ quyền ở Âu châu: “có nhiều anh không dám lấy vợ, nói rằng lấy vợ chẳng khác nào tự mình giết lấy mình. Là sợ mấy bà đòi bình đẳng với mình, lại không chịu làm phận sự thì thật chết mình, sức đâu mà cõng cho nổi…” (6). Vấn đề giải phóng phụ nữ cũng được tác giả ủng hộ, nhưng giải phóng cỡ nào, muốn đòi quyền lợi gì, cũng phải nhớ rằng mình bổn phận: “Bỏ phận sự mà đòi lấy quyền lợi, lại có nhiều người tưởng lầm là những quyền ăn quyền chơi, thì thật là một sự đòi hỏi rất ngược” (7). Hay trong mục “Con gái đời nay” của Văn Hương Nữ sĩ nói về người mẹ chỉ dặn con một điều: “Bao giờ con cũng phải xử cho trọn cái bổn phận làm vợ, làm mẹ, làm người nội tướng giỏi giang của cái gia đình đã ủy thác cho con, thì con mới xứng đáng làm gái Nam Việt” (8).
Vấn đề diễn ngôn về “giải phóng phụ nữ” tuy mới nhen nhóm trên truyền thông kể từ khi thực dân Pháp đô hộ Việt Nam. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của Nho giáo, nên một số nho sĩ vẫn bảo thủ, cho rằng truyền thông cần phải diễn ngôn về “phụ nữ truyền thống”, “công, dung, ngôn, hạnh”. Họ khó có thể chấp nhận thay đổi “phong tục”, truyền thống, thậm chí là “lẽ thường”, cũng giống như việc đàn bà phải hội đủ tứ đức, phải biết hy sinh, chịu thương chịu khó, là người chăm sóc con cái, lo toan nhà cửa, giữ lửa cho tổ ấm.
Vấn đề phụ nữ trên báo chí truyền thông đầu TK XX là một trong những chủ đề thú vị và thu hút rất nhiều bài viết và công trình nghiên cứu về nó. Diễn ngôn “nam nữ bình quyền” cũng như diễn ngôn “công, dung, ngôn, hạnh” không chỉ giữ vai trò là hai luồng diễn ngôn chính trên báo chí truyền thông đầu thế kỷ. Mặt khác, nó đại diện cho rất nhiều luống tư tưởng giao tranh. Ý thức hệ phong kiến vẫn đang tồn tại trong định kiến và tâm thức của người dân và qua diễn ngôn “công, dung, ngôn, hạnh” của người phụ nữ. Song song và cạnh tranh với nó là diễn ngôn “nam nữ bình quyền” đại diện cho ảnh hưởng của tư tưởng nữ quyền, vừa mang ý thức hệ tư sản theo chân bọn thực dân đô hộ của phương Tây vào Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự du nhập của ý thức hệ vô sản cũng góp phần củng cố diễn ngôn “nam nữ bình quyền” theo quan điểm giải phóng giai cấp gắn liền với giải phóng dân tộc. Sự du nhập của nhiều luồng tư tưởng, sự xuất hiện của nhiều luồng diễn ngôn, sự phân hóa nhiều giai cấp, tầng lớp đã tạo nên sự phong phú và sinh động trong văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ. Đây cũng được coi là bước chuyển mạnh mẽ, cho cuộc đấu tranh khỏi áp bức của người phụ nữ trong xã hội phong kiến “trọng nam khinh nữ”.
___________________
1. Nguyễn Song Kim, Cái trách nhiệm to tát của đờn bà nước ta, Báo Nữ Giới Chung, số 14, 17-5-1918, tr.1.
2. Mlle Bích Đào, Bàn thêm về chữ nữ quyền, báo Nữ Giới Chung, số 6, ra ngày 15-3-1918, tr.1-2.
3. Nguyễn Song Kim, Đạo đàn bà, Báo Nữ Giới Chung, số 18, 14-6-1918, tr.1-2.
4. Nguyễn Thị Tần, Chữ trinh đáng giá ngàn vàng, Báo Nữ Giới Chung, số 10, 12-4-1918, tr.14-15.
5. Sương Nguyệt Anh, Thế lực người đờn bà, Báo Nữ Giới Chung, số 1, 1-2-1918, tr.2.
6, 7. Phạm Vân Anh , Sóng gió Nam quyền ở Âu - Châu, Báo Phụ nữ Tân Văn, số 25, 17-10-1929, tr.1, 6.
8. Văn Hương Nữ sĩ, Con gái đời nay, Báo Phụ nữ Tân Văn, số 20, 12-12-1929, tr.10-12.
Tài liệu tham khảo
1. Đặng Thị Vân Chi, Vấn đề phụ nữ trên báo chí tiếng Việt trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007.
2. Nguyễn Thị Tường Khanh, Nữ Giới Chung - Tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam (1918), Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.
3. Thiện Mộc Lan, Phụ nữ Tân Văn, Phấn son tô điểm sơn hà, Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2010.
HỒ THỊ GIANG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 515, tháng 11-2022