Ngày 19-3, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, Đoàn Thanh niên Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đoàn thanh niên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông tổ chức tọa đàm “Thanh niên sáng tạo, chủ động trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay”.
Đoàn chủ tịch điều hành Tọa đàm
Đoàn chủ tịch điều hành Tọa đàm có: Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Truyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Bí thư Đoàn Thanh niên cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Ngọc Long; Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện Bưu chính viễn thông Chung Hải Bằng.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Phát biểu mở đầu Tọa đàm, Bí thư Đoàn Thanh niên Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Ngọc Long chia sẻ: “Trên thực tế, việc triển khai chuyển đổi số trong tổ chức Đoàn hiện nay còn chậm, chưa đồng bộ nếu xét toàn diện trên phạm vi tổng thể cả nước. Một phần nguyên nhân trở ngại là do cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận đoàn viên, thanh niên còn tư duy ngại thay đổi trong việc tìm tòi, học hỏi, ứng dụng công nghệ, chưa mạnh dạn nhận nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó để thể hiện vai trò, năng lực của tuổi trẻ”.
Bí thư Đoàn Thanh niên Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Ngọc Long phát biểu mở đầu buổi Tọa đàm
Ông Nguyễn Ngọc Long cũng cho biết, mục đích của Tọa đàm “Thanh niên sáng tạo, chủ động trong công cuộc chuyển đổi số” là tạo ra cơ hội để đoàn viên, thanh niên được cung cấp thêm thông tin hữu ích về chuyển đổi số, từ đó có cách thức ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả. Đồng thời, giúp đoàn viên bày tỏ quan điểm, trao đổi, đề xuất các ý kiến, giải pháp nhằm góp phần phát huy vai trò của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong thực tiễn cuộc sống, công việc.
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Truyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh chia sẻ tại buổi Tọa đàm
Tại buổi Tọa đàm, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định: “Tương lai của báo chí phụ thuộc vào việc xây dựng mối quan hệ tương quan chặt chẽ hơn với độc giả”. “Chuyển đổi số là con đường khó khăn và liên tục. Chúng ta có thể tạo ra hàng trăm sản phẩm mới phát triển ứng dụng mới nhưng những sản phẩm đó chẳng giúp ích gì nếu chúng ta không có tư duy mới, nếu không giải quyết những vấn đền văn hóa cốt lõi, sự phối hợp, cách tương tác với độc giả và cả cách tương tác với nhau trong tòa soạn thì chuyển đổi số không có tác dụng gì hết.
Ông Lê Quốc Minh cho rằng: “Chuyển đổi số đến từ con người chứ không phải công nghệ. Nhiều cơ quan báo chí cho rằng chỉ cần mua một số máy móc, phần mềm là chúng ta chuyển đổi số xong. Một số cơ quan báo chí địa phương khi gửi đề án chuyển đổi số để tham vấn trước khi báo cáo lên Tỉnh ủy, chính quyền chỉ là kế hoạch mua thêm bao nhiêu máy tính, máy ảnh, máy quay, phần mềm - đó không phải chuyển đổi số. Mua sắm thiết bị hay công nghệ không phải chuyện khó, khả năng thích nghi với tương lai digital của mỗi cơ quan tùy thuộc vào việc phát triển kỹ năng mới, thu hẹp khoảng cách cung cầu nhân lực chất lượng cao, khai phá tiềm năng của chính mình và những người khác để vượt qua những thử thách”.
Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chuyển đổi số là tạo thêm giá trị tương tác với người dùng và khách hàng, chuyển đổi số là thay đổi cách vận hành của doanh nghiệp. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục viết bài như thế, chụp ảnh như thế, làm chương trình phát thanh truyền hình như thế thì không gọi là chuyển đổi số, phải tạo ra những sản phẩm mới, thậm chí là văn hóa mới trong tòa soạn. Tại các cơ quan báo chí, nếu không thay đổi quy trình làm việc, văn hóa công sở, cách trao đổi với nhau, cách xây dựng bộ máy, phân cấp trong tòa soạn, mọi thay đổi tạo ra cũng chỉ nằm bên rìa mà thôi.
TS Lê Vũ Điệp, giảng viên Học viện Bưu chính Viễn thông trình bày tham luận về công tác đào tạo sinh viên báo chí truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
Tham gia tham luận tại Tọa đàm, TS Lê Vũ Điệp, giảng viên Học viện Bưu chính Viễn thông đã chia sẻ về công tác đào tạo sinh viên báo chí truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Theo TS Lê Vũ Diệp, báo chí là ngành ứng dụng công nghệ ở nhiều khâu trong quy trình sản xuất - sáng tạo. Thời gian vừa qua, các cơ quan báo chí thông tấn đã đầu tư mạnh vào công nghệ, nhằm bổ sung các công cụ lao động cần thiết cho hoạt động nghiệp vụ, nâng cao chất lượng, tối ưu việc lan tỏa thông tin báo chí tới công chúng.
TS Lê Vũ Điệp cũng đưa ra khẳng định: báo chí định hướng công nghệ, chính là kết quả của quá trình chuyển đổi số đối với lĩnh vực báo chí thông tấn hiện nay, và đây sẽ là tương lai bền vững của báo chí thông tấn trong giai đoạn tới. Số hóa là xu thế tất yếu và báo chí số là hướng phát triển không thể đảo ngược, giúp quản trị hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin báo chí với sự đồng hành và hỗ trợ tích cực của công nghệ.
Các bạn sinh viên, đoàn viên thanh niên hăng hái đặt câu hỏi thảo luận tại Tọa đàm
Trước những chia sẻ giàu kinh nghiệm và cởi mở của các chuyên gia, nhiều đoàn viên, thanh niên có mặt tại Tọa đàm đã mạnh dạn đặt những câu hỏi, thắc mắc mong được giải đáp. Trong đó, có câu hỏi đến từ một bạn sinh viên Học viện Bưu chính Viễn thông: “làm sao để nâng cao nhận thức cho thanh niên về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số hiện nay?”, nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ: “Đây là một vấn đề lớn mang tầm quốc gia, vì vậy, trước hết sinh viên hãy cố gắng học tốt các môn trong trường đại học. Bên cạnh đó tìm hiểu các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Trong quá trình này, các bạn sẽ phát hiện ra mối quan tâm, năng lực của mình, từ đó phát triển lên. Còn trẻ nên còn nhiều cơ hội để trải nghiệm”.
Ông Lê Quốc Minh chụp ảnh lưu niệm cùng các đoàn viên, sinh viên tham dự tọa đàm
Tin, ảnh: NGÔ HUYỀN