Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật - Những hoài niệm

50 năm trong quá trình hình thành và phát triển, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật là một trong những địa chỉ đáng tin cậy, nơi ghé thăm, hội tụ, đàm đạo, đăng đàn bài viết khoa học của các nhà nghiên cứu có uy tín trong và ngoài nước về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Bên cạnh đó, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật còn có một sứ mệnh không nhỏ góp phần vào việc tuyên truyền, định hướng đường lối của Đảng về bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa nghệ thuật nước nhà trong bối cảnh mới. Có thời gian công tác khá dài tại Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, nay nhìn lại xin có mấy dòng tâm sự dưới đây.

Sách chuyên khảo Âm nhạc của PGS, TS Nguyễn Đăng Nghị

1. Lựa chọn công việc

Những năm 70 đến 90 của TK XX, trong tâm thức của nhiều người, các trường nghệ thuật được coi như “tháp ngà” cao xa vời vợi. Những học sinh, sinh viên học ở đó được cho và tự cho như là “báu vật”, họ có chút hơi khác biệt, thậm chí thích tạo ra sự khác biệt với người khác. Điều này có nguyên do, bởi năm tháng đó, hàng trăm người tham gia tuyển chọn, chỉ số ít được bước vào những ngôi trường “cao xa” ấy. Tôi là một trong những người theo học chuyên ngành Sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) trong quá trình học tập cũng có đôi chút thành tích. Trong môi trường học tập có phần phóng khoáng hơn các trường đại học khác, đặc biệt là học chuyên ngành này luôn được giới âm nhạc đánh giá cao, bạn bè nể trọng, kết hợp với sự ảnh hưởng của một số nhạc sĩ nổi tiếng, ít nhiều đã hình thành trong tôi tính tự kiêu ngầm.

Tháng 3-1994, khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy (gọi tắt là khoa Lý - Sáng - Chỉ) tổ chức cho học sinh, sinh viên đi thực tế lễ hội cồng chiêng tại Mường Khến, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Chuyến đi này có PGS, TS Nguyễn Thụy Loan - nhà nghiên cứu âm nhạc có uy tín, nguyên là biên tập viên của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, cô bảo: “Tạp chí đang cần người, em về đấy mà làm việc. Môi trường đó phù hợp với em, bởi hai tháng mới ra một số, em sẽ có nhiều thời gian để sáng tác”. Thời gian đó, để có một công việc trong các cơ quan nhà nước, đối với nhiều sinh viên mới ra trường đó là cơ hội “ngàn năm có một”, nhưng với tôi lại không quan trọng, vì tôi được một số cơ quan như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Hà Nội, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội… sẵn sàng tiếp nhận vào làm việc. Thế rồi, duyên trời đã định, sau những lần trò chuyện, PGS, TS Dương Viết Á, lúc đó đang kiêm nhiệm biên tập mảng âm nhạc thay PGS, TS Nguyễn Thụy Loan, bảo tôi, muốn đi xa hơn thì nên về Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, bởi ở đó sẽ có cơ hội bổ sung những kiến thức liên quan đến văn hóa âm nhạc.

2. Bến đỗ đầu tiên

Sau khi cân nhắc lời khuyên của hai PGS, tôi quyết định về làm việc tại Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật vào tháng 6-1994, lúc đó Tổng Biên tập là bác Hồ Sĩ Vịnh. Những ngày đầu đến làm việc, do hạn hẹp và cực hữu về nhận thức, nên có phần tôi bị sốc tinh thần. Bởi, giữa Nhạc viện Hà Nội và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật chỉ cách nhau hơn trăm bước, mà hai không gian hoàn toàn khác nhau: một bên phóng khoáng, âm thanh vang vọng; một bên là tĩnh mịch, trầm lắng. Tôi như con “thú hoang”, dần được chinh phục bởi tấm lòng nhân ái, nghĩa hiệp và khả năng nghiên cứu của cán bộ, nhân viên Tạp chí.

Bắt đầu thử sức ở lĩnh vực mới với công việc là biên tập mảng âm nhạc và tham gia viết bài, tôi thực sự gặp khó khăn trong câu chữ, cũng như cách trình bày vấn đề. Chính lúc đó, tôi bắt đầu được khai giác và nhận ra rằng: công việc nào cũng có đặc thù và vinh quang riêng, nhất là lĩnh vực nghiên cứu không phải ai cũng làm được. Để phục vụ cho công việc, tôi bắt đầu có ý thức đọc lại một số công trình, bài viết của các nhà nghiên cứu liên quan lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đăng trên Tạp chí. Đọc các công trình, bài viết ấy, tôi thấy mình như đứa trẻ ngu ngơ đang chập chững tập những bước đi đầu tiên trong không gian mênh mông của miền tri thức.

Những năm tháng trước 2010, màu sắc kinh tế chưa phả nhiều vào cuộc sống thường nhật của giới nghiên cứu. Do đó không khí học thuật trong nước còn sôi nổi lắm, mà ở Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cũng chẳng phải trường hợp ngoại lệ. Nơi đây là địa điểm thân thiện để các nhà nghiên cứu ghé thăm, trao đổi hoặc nói chuyện chuyên đề, biên tập viên có cơ hội tiếp xúc và mở mang kiến thức. Thời đó, có cơ hội được tiếp xúc với các GS, TS, nhà nghiên cứu có tiếng như: Trần Quốc Vượng, Tô Ngọc Thanh, Phạm Đức Dương, Lê Phổ, Vũ Nhật Thăng, Nguyễn Đỗ Bảo, Lê Ngọc Canh, Bành Châu, Ngô Đức Thịnh, Nguyễn Thụy Loan, Nguyễn Hải Kế, Trần Ngọc Thêm, Trần Ngọc Vương, Nguyễn Xuân Kính, và sau này là Nguyễn Trọng Ánh, Bùi Trọng Hiền… đó là một sự may mắn trong cuộc đời làm biên tập cũng như công việc dạy học sau này của tôi. Qua những lần tiếp xúc, trong tôi chỉ có sự kính nể, khâm phục sức lao động cống hiến của các nhà nghiên cứu cho sự nghiệp khoa học nước nhà.

Thời đó, tại Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật có đội ngũ biên tập giỏi cho từng lĩnh vực: văn hóa, mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh, như PGS, TS Trần Lâm Biền, PGS, TS Đỗ Lai Thúy, Phạm Vũ Dũng, Phạm Lự, Trần Quang Vinh, Phạm Lan Oanh, Võ Hoàng Lan, Đinh Đức Tiến, Đào Mai Trang… Bên cạnh đó, là sự hỗ trợ nhiệt tình của các nhân viên phòng Hành chính, mà đứng đầu là Trưởng phòng Nguyễn Văn Nhượng, đã tạo nên một không khí làm việc vui vẻ, có trách nhiệm. Nhiều biên tập viên có ảnh hưởng nhất định, không chỉ ở lĩnh vực phục trách, mà còn cả ở lĩnh vực giảng dạy tại một số cơ sở đào tạo đại học và sau đại học trên toàn quốc. Với nội lực mạnh, trên nền tảng là bề dày truyền thống nghiên cứu do các bậc tiền bối xây dựng để lại, kết hợp với một đội ngũ cộng tác viên đông đảo, đã tạo nên một Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật mang bản sắc riêng, có uy tín, tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với giới học thuật trong nước và quốc tế.

Hoài niệm đôi dòng như vậy, để thấy được bầu không khí của những năm tháng tôi từng được làm việc tại Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Những năm tháng đó, có buồn, có vui, nhưng tôi đã nhìn thấy và hiểu ra được nhiều vấn đề liên quan đến nhân sinh và chuyên môn.

Tôi đã nhìn thấy sự cố gắng chèo lái của các Tổng Biên tập, trong việc giữ vững tên và uy tín của Tạp chí. Suốt hành trình phát triển của Tạp chí, có lẽ cái khó khăn lớn nhất luôn phải giải quyết khéo léo hai vấn đề song song, đó là chủ trương, đường lối văn hóa của Đảng và vấn đề về học thuật. Những năm tháng đó số lượng bài gửi về tạp chí khá nhiều và vô cùng phong phú ở các dạng: nghị quyết, thông tin văn hóa nghệ thuật, chân dung tác giả, các bài chuyên sâu về chuyên ngành... Khó khăn thứ hai thuộc về vấn đề nhận thức của toàn thể đội ngũ biên tập viên, một câu hỏi luôn được đặt ra: đây là báo, hay là chí; tất nhiên khẳng định phải là chí. Khi đã xác định là tạp chí, thì bài viết của cộng tác viên dù ở dạng nào, lĩnh vực nào cũng phải mang/ có tính khoa học. Từ đây lại phát sinh ra một vấn đề mới thuộc về cách ứng xử, đó là giữ ngôn ngữ, hình ảnh của tạp chí để phục vụ một lượng độc giả có tri thức; hay chỉ soát lỗi vi tính và giữ nguyên cách viết của các cộng tác viên. Nhiều cuộc họp đã đưa ra bàn luận, cuối cùng thống nhất bằng cách dung hòa vừa giữ ngôn ngữ của tạp chí, vừa tôn trọng cách viết của các tác giả.

Tuy nhiên, để tìm được tiếng nói chung, quả thật không phải công việc dễ dàng. Thời gian đó, nguồn từ các nơi gửi về khá nhiều, nhưng để tìm được bài viết có chất lượng học thuật quả là điều không dễ, nhất là những bài viết về chuyên ngành sâu như âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật, sân khấu, múa. Vì thế, nhiệm vụ của biên tập viên vô cùng vất vả, vừa phải liên hệ với các nhà khoa học đầu ngành để đặt bài, vừa phải đọc và lọc ra những bài có ý tưởng về nội dung rồi gia công biên tập, thậm chí phải chỉnh sửa lại câu văn, viết lại nhiều đoạn (được ví vui như người vạch lá, tìm sâu, dọn cỏ) để bài đăng đảm bảo được chất lượng…

Thông qua công việc biên tập, tôi đã hiểu ra vấn đề: để viết được một bài khoa học, quả thật không phải đơn giản chút nào. Ngoài vấn đề về kiến thức chuyên môn sâu, người viết phải có một phông văn hóa rộng và phải biểu đạt được những kiến thức đó thông qua cách hành văn để người đọc hiểu được nội dung cần viết. Thực tế cho thấy, không phải người nào có học hàm, học vị, quyền cao, chức trọng, thì khi viết, bài của họ sẽ có chất lượng, và ngược lại. Qua nhiều bài viết của các tác giả, tôi cũng hiểu ra rằng, với khoa học dù đối tượng nghiên cứu là cái gì, ở chuyên ngành nào (đặc biệt là lĩnh vực khoa học nhân văn), thì vẫn được một số người nhìn nhận dưới hai cấp độ/ dạng gắn liền với vị thế của từng người trong xã hội, đó là: khoa học mang tính “quyền lực” (nghiên cứu của những người có địa vị trong xã hội, cơ quan, luôn có chất lượng hơn) và khoa học nhân viên (chỉ ở mức độ bình thường). Nếu biên tập viên có cách nhìn nhận như vậy, thì nghiên cứu khoa học nói chung và các bài đăng trên tạp chí sẽ có chiều hướng suy giảm về chất lượng.

Tôi cũng hiểu ra rằng, nhiều năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, số lượng người học thạc sĩ, tiến sĩ tăng vọt, theo đó nhiều tạp chí khác cũng ra đời. Như vậy, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã và đang phải đối mặt với những khó khăn về bài vở kể cả số lượng và chất lượng. Số lượng bài bị phân tán, thậm chí bị hút về những tạp chí có khả năng đăng bài dễ hơn; nếu có nhận được bài từ nguồn này, thì chất lượng cũng khó được như xưa. Cho dù Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật có bề dày về lịch sử, có uy tín và tạo được sự ảnh hưởng lớn trong giới khoa học, nhưng trước thực tế như vậy, thì bài toán về vấn đề tồn tại, phát triển luôn chờ một lời giải thỏa đáng, hợp lý từ phía lãnh đạo và toàn thể cán bộ, biên tập viên, nhân viên của tạp chí.

3. Đến bến mới, nhưng vẫn hoài niệm

Tháng 8-2014, do nhu cầu đòi hỏi của cuộc sống, tôi chia tay công việc biên tập tại Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, chuyển về Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương làm công tác giảng dạy. 20 năm gắn bó với những con người thân thiện, nhiệt tình trong công việc, đã để lại trong tôi nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Sự trân trọng/ quý trọng đồng nghiệp ở Tạp chí vẫn được tôi thể hiện ở những lúc/ những nơi có thể. Chuyển sang việc giảng dạy đã gần chục năm, nhưng trên Facebook của tôi vẫn để nơi công tác là Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Đó là một trong nhiều minh chứng cụ thể, về cách thể hiện sự kính trọng và hoài niệm của tôi với cơ quan mà mình từng công tác trong thời gian qua.

Phải thừa nhận rằng, những kiến thức, tác phong làm việc, cách thức tư duy mà tôi thu lượm được phần nào từ anh em đồng nghiệp và các nhà khoa học, vẫn có thể đem ra áp dụng tốt trong môi trường công tác mới. Ở đây, tôi may mắn lại có cơ hội được gặp, kết giao, học hỏi thêm nhiều vấn đề từ các nhà nghiên cứu giáo dục. Bức tranh hiện thực về nguồn lực trí thức, được coi là nguyên khí của quốc gia, tôi cũng dần nhận ra. Do đặc thù, tính chất của công việc, lúc vui hay buồn, thật ít có cơ hội chia sẻ với những đồng nghiệp tâm đầu, ý hợp. Những lúc như vậy, tôi thường nhớ về quãng thời gian làm việc tại Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.

Tôi không thuộc tuýp người ủy mỵ hay sến súa, mà sống mạnh mẽ, nội tâm. Việc thường nhớ và nhắc về một đơn vị mà mình đã có thời gian công tác là một biểu hiện của một trạng thái tình cảm tích cực. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu, bởi chỉ có những kỷ niệm đẹp, ấn tượng mới phát sinh ra tình cảm chân thành. Trong thời buổi khó khăn như hiện nay, với tôi, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật vẫn luôn là địa chỉ đáng tin cậy, nơi để gặp gỡ, trao đổi và truyền tải nhiều giá trị khoa học về đường lối văn hóa, về nghệ thuật… của các nhà nghiên cứu đến với độc giả trong và ngoài nước.

PGS, TS NGUYỄN ĐĂNG NGHỊ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 548, tháng 10-2023

;