Về cách viết chân dung các nhà văn hóa

PGS, TS, Đỗ Lai Thúy (phải) trò chuyện với PGS, TS Nguyễn Đăng Nghị - Ảnh: Tuấn Minh

Khi làm Phó Tổng Biên tập phụ trách nội dung Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, tôi cố gắng cải tiến tạp chí để có chất lượng học thuật nhằm khu biệt chí với báo, để khẳng định tiếng nói của Bộ, thậm chí ngành. Bởi thế, phần văn hóa tôi có đặt thêm mục Chân dung các nhà văn hóa nhằm giới thiệu những người có đóng góp cho văn hóa Việt Nam, nhất là ở khía cạnh học thuật. Chỉ là bấy giờ, nói đến văn hóa, người ta còn chú trọng nhiều đến khía cạnh hoạt động tuyên truyền cờ, đèn, kèn, trống, ít chú ý đến lý thuyết văn hóa. Hơn nữa, người ta cũng còn e ngại chưa dám nói đến những con người cụ thể, sợ bị đánh giá là đề cao cá nhân. Trong khi đó thì, theo lý thuyết văn hóa, con người là chủ/ khách thể của văn hóa, chính bản thân con người là kẻ mang vác các giá trị văn hóa.

Mục Chân dung các nhà văn hóa này chủ yếu là do tôi viết. Thỉnh thoảng, để đỡ nhàm chán, hoặc để khỏi bị người khác “ỉ eo” là độc quyền, độc chiếm chuyên mục, tôi có đặt bài cộng tác viên phù hợp. Trước hết, tôi tự lên một danh sách các học giả Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có những đóng góp về học thuật như sử học, văn học, triết học, xã hội học, dân tộc học, khảo cổ học, tư tưởng học… như Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Hãn, Trần Quốc Vượng… Có người bảo tôi, họ đâu phải là nhà văn hóa. Nhưng trước mắt, ta chưa có nhà văn hóa thuần túy, văn hóa một trăm phần trăm, thì cứ theo ý cụ Từ (Nguyễn Đức Từ Chi), một đàn anh ở Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, mỗi học giả từ lĩnh vực chuyên môn của mình, bước thêm một bước nữa thì trở thành nhà văn hóa.

Viết về họ, tôi chú ý nhiều đến cái bước thêm vượt ra khỏi lĩnh vực chuyên môn của họ, trước khi đã đào bới cái nền tảng chuyên môn ấy. Ví như Đào Duy Anh là người của rất nhiều những cái đầu tiên. Ông là người đầu tiên mang phương pháp nghiên cứu mác-xít, đôi khi là Mác học vào Việt Nam. Có lẽ nhờ vào đôi “mắt thần chủ nghĩa” này mà nhìn vào lĩnh vực nào ông cũng thấy có vấn đề để nghiên cứu, hoặc để làm mới. Ông là cha đẻ của cổ sử Việt Nam, của địa lý học lịch sử, mà sau này học trò của ông, Trần Quốc Vượng phát triển thành địa văn hóa. Trần Đức Thảo là người đầu tiên theo triết học duy niệm phương Tây, thoạt tiên là hiện tượng học, sau đó kết hợp hiện tượng học với chủ nghĩa duy vật biện chứng, rồi duy vật lịch sử. Từ Chi là một nhà Mường học nổi tiếng, rồi chuyển sang Việt học nhờ hai tộc người này có mối quan hệ cùng gốc xa xưa Mường - Việt. Từ nghiên cứu hoa văn cạp váy Mường, nhất là những con giống, cũng như cấu trúc xã hội Mường, ông đã tìm ra những đường dây nối liền văn hóa Đông Sơn, Nhà nước Văn Lang với văn hóa Đại Việt mà người ta tưởng đã mất qua một nghìn năm Bắc thuộc. Hầu hết các học giả Việt Nam đều là những người có tri thức liên ngành, học một biết mười rồi biết mười để nghiên cứu một, nên họ đều có tư duy liên - xuyên ngành. Các công trình của họ do vậy, đều chứa đựng những tư tưởng văn hóa đặc sắc.

Đảo ngược công thức của nhà thơ Trần Dần từ nhân cách đến văn cách, tôi thấy có thể từ thành tựu học thuật của các học giả Việt Nam ngược lên nhân cách của họ. Trong văn hóa học, nhân cách của con người cũng là một giá trị văn hóa, thậm chí giá trị cốt lõi. Bởi vậy, khi viết chân dung văn hóa, tôi rất chú ý đến nhân cách con người. Với các học giả, nhân cách thể hiện rõ nhất trong ứng xử: ứng xử với đời sống, nhất là trong những tình thế rơi vào hoạn nạn, và ứng xử học thuật, nhất là trong thời kỳ hệ giá trị cũ rơi vào khủng hoảng, còn hệ giá trị mới thì chưa hình thành.

Học giả Phan Ngọc, chẳng hạn, sau khi bị kỷ luật thôi giảng dạy xuống làm nhân viên ở Phòng Tư liệu, Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông vẫn chăm chỉ làm việc: dịch, lược thuật, tổng thuật tư liệu, đặc biệt nghiên cứu, tiếp thu phương pháp nghiên cứu mới, chủ nghĩa cấu trúc, để sau này viết nên những công trình có giá trị về văn học, văn hóa như Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Văn hóa Việt Nam cách tiếp cận mới... Cùng với Trần Quốc Vượng, ông là những người đầu tiên có ý thức xây dựng ngành Văn hóa học ở/ của Việt Nam. Hoặc trường hợp bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Ông tốt nghiệp bác sĩ nội trú ở Pháp, bị lao phải cắt bỏ một lá phổi và một phần lá phổi kia, nhờ tập thở bụng mà vẫn sống được, vẫn hăng say hoạt động, làm Chủ tịch Hội Người Việt Nam yêu nước. Năm 1963, bị Pháp trục xuất, ông trở về Việt Nam xây dựng văn hóa đối ngoại, thành lập Nhà xuất bản Ngoại văn (nay là Nxb Thế giới), Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam, Báo Tin Việt Nam... Ông trở thành một nhà văn hóa có nhiều đóng góp cho Việt Nam và thế giới, được Giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Pháp. Nghỉ hưu ở tuổi 70, ông thành lập Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý trẻ em (N-T), một lĩnh vực còn chưa được chú ý ở Việt Nam. Còn rất nhiều, rất nhiều những nhân cách văn hóa khác đáng là tấm gương cần được giới thiệu để bạn đọc soi chung, như Nguyễn Hiến Lê, Cao Xuân Huy, Hà Văn Tấn, Thái Bá Vân... mà tôi đã từng chấp bút.

Tôi cũng muốn đề cập đến một khía cạnh nữa về chân dung văn hóa, đó là lối viết (e’criture). Tôi không viết như các nhà khoa học viết tiểu sử hay báo cáo nhân thân, cũng không giống nhà văn viết chân dung văn học. Tôi viết một thứ tạm gọi là chân dung học thuật nhằm dựng lên một câu chuyện kể lại những ứng xử văn hóa cả trong đời sống lẫn trong học thuật của nhân vật được viết. Tôi không viết theo một công thức nào cả, mà hoàn toàn tùy thuộc vào sự kỳ thú của tính cách người được/ bị viết và sự hứng thú của bản thân người viết. Nên, có thể gọi là tùy bút chân dung. Lối viết mới này dường như tạo ra một lối đọc mới về thể loại chân dung.

Mục Chân dung các nhà văn hóa của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật ít nhiều được bạn đọc gần xa tìm đọc, Lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) tán thưởng. Nhờ đó, tôi say viết hơn và viết cũng say hơn. Sau này, tôi có tập hợp lại các chân dung đã viết trên Tạp chí, hầu như không phải chỉnh sửa gì, in thành 2 tập sách: Chân trời có người bayVẫy vào vô tận. Đây là một trong nhiều kỷ niệm đẹp của tôi với Tạp chí mà tôi muốn chia sẻ nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.

Hà Nội, tháng 9-2023

 

PGS, TS ĐỖ LAI THÚY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 548, tháng 10-2023

;