Trở về cùng ký ức

GS Trần Quốc Vượng viết lời chúc mừng Tạp chí và Q. TBT Nguyễn Chí Bền (1996) - Nguồn ảnh: Tác giả

Năm tháng đi qua, nhiều việc tôi không thể nhớ nhưng ngày về nhận công tác tại Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật (nay là Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật) là kỷ niệm tôi không thể quên. Ngày 8-10-1990, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) ra quyết định tiếp nhận và phân công tôi về công tác tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam. Ngày 9-10-1990, Viện ra quyết định phân công tôi về Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, khi ấy thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, ngày 10-10-1990, tôi nhận quyết định tiếp nhận của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Từ một giảng viên Văn học hệ đại học, tôi trở thành một biên tập viên của một cơ quan nghiên cứu lý luận văn hóa nghệ thuật. Thời gian như chiếc lá rơi vèo trước gió, giờ đã hơn 30 năm, vì thế, nhiều chuyện thức dậy trong ký ức.

Từ một giảng viên môn Văn, tôi trở thành biên tập viên của Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật, thực ra, khi ấy, tôi chưa định hình đây là một mặt mạnh của Tạp chí, cơ quan ngôn luận về nghiên cứu lý luận văn hóa, nghệ thuật của Bộ Văn hóa - Thông tin. Dần dần, tôi liên hệ với các Sở Văn hóa - Thông tin Bến Tre, An Giang, Hải Hưng để làm số chuyên đề. Cái được đầu tiên là mấy anh em được về công tác tại địa phương để nghiên cứu, lấy tư liệu viết bài. Năm 1992, anh Nguyễn Minh San, cùng anh Bùi Khởi Giang và tôi về tỉnh Bến Tre, tỉnh An Giang làm hai số chuyên đề về hai tỉnh này. Năm 1993, Tổng Biên tập Hồ Sĩ Vịnh, cùng chị Nguyễn Thị Thu Huệ và tôi về tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương, tỉnh Hưng Yên), để làm số chuyên đề về văn hóa nghệ thuật tỉnh ấy, kết hợp làm hai cuốn sách mỏng, phổ cập kiến thức: Đền Hóa Dạ Trạch, Đền Chử Đồng Tử mà tôi và anh Nguyễn Minh San, mỗi người là tác giả một quyển. Làm số chuyên đề, liên kết với các tỉnh, anh em biên tập viên phải phác thảo danh mục bài vở, đặt người viết tại địa phương, tại Hà Nội, để có bài cho số Tạp chí. Mỗi số phải có một bài định vị tỉnh ấy trong diện mạo văn hóa cả nước. GS Trần Quốc Vượng, mới từ Hoa Kỳ về sau gần hai năm ông đi nghiên cứu, được anh Trần Lâm Biền đặt bài về vị thế địa - văn hóa, địa - chính trị của các tỉnh. GS Trần Quốc Vượng liên tục viết các bài về các tỉnh, sau này, chúng tôi tập hợp thành quyển sách Việt Nam, cái nhìn địa - văn hóa. Sau này, số chuyên đề văn hóa nghệ thuật địa phương, thành mặt mạnh, thành hướng phát triển đặc thù của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Khởi dựng từ anh Hồ Sĩ Vịnh, anh Nguyễn Minh San với số liên kết với thành phố Hải Phòng, đội ngũ biên tập viên như anh Nguyễn Minh San, anh Bùi Khởi Giang, chị Nguyễn Thị Thu Huệ và tôi khiến công việc liên kết các Sở Văn hóa - Thông tin ra số Tạp chí chuyên đề thành thế mạnh, thành bài bản, thực sự đóng góp cho khoa học văn hóa, nghệ thuật.

Ngày 7-6-1995, tôi được Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên tập. Ngày 14-10-1996, tôi nhận quyết định là Quyền Tổng Biên tập, rồi ngày 14-4-1997 nhận quyết định là Tổng Biên tập. Một buổi đến vui với anh em ở Tạp chí, GS Trần Quốc Vượng cầm phấn viết lên bảng đen tại phòng họp lời chúc mừng Tạp chí và tôi: “Văn nghệ, Văn minh, Văn hiến địa; Vũ môn, Vũ nghiệp, Vũ minh thiên”. Lãnh đạo, quản lý Tạp chí trước tôi là bác Hà Xuân Trường, chủ nhiệm, rồi các Tổng Biên tập: Trần Đình Thọ, Kính Dân, Nguyễn Đức Đàn, Hồ Sĩ Vịnh, các bác, các anh đều là những cây cao bóng cả trong làng văn hóa nghệ thuật. Kế thừa truyền thống 23 năm của các vị tiền nhiệm, thực sự là khó khăn, thách thức với tôi.

Đối với tôi, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật ở cấp quốc gia, phải có uy tín với các địa phương trong cả nước, rồi quan hệ với các đối tác nước ngoài. Đầu tiên, các biên tập viên phải là cán bộ nghiên cứu khoa học, vì thế, tôi động viên các biên tập viên đi học thạc sĩ ở Viện Văn hóa dân gian như chị Võ Thị Hoàng Lan, chị Phạm Lan Oanh… nối tiếp bước công việc đi học nghiên cứu sinh ở nước ngoài của chị Nguyễn Thụy Loan, anh Bùi Khởi Giang, ở trong nước của anh Nguyễn Minh San. Hai nữ biên tập viên Võ Hoàng Lan, Phạm Lan Oanh, sau làm tiếp nghiên cứu sinh ở trong nước, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Và chị Phạm Lan Oanh đã tiếp tục phấn đấu để được công nhận là Phó Giáo sư năm 2015. Ngoài các vị trên, biên tập viên Nguyễn Đăng Nghị làm nghiên cứu sinh tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, rồi phấn đấu thành Phó Giáo sư năm 2015. Nói cách khác, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật là cái nôi sinh thành của các nhà khoa học văn hóa, nghệ thuật. Truyền thống từ nhà lý luận Hà Xuân Trường; GS, họa sĩ Trần Đình Thọ; PGS Nguyễn Từ Chi; TS, VS Hồ Sĩ Vịnh; PGS, TS Nguyễn Thụy Loan… đến thế hệ chúng tôi được kế thừa và phát huy. Có lúc tôi nghĩ, khu vực đất 32 phố Hào Nam bây giờ là đất văn hóa, nghệ thuật, nơi gắn bó, nơi trưởng thành của các nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật của nước ta như GS Trần Quốc Vượng ghi nhận “văn hiến địa”!

Mặt khác, tôi tìm cách gắn bó với các nhà nghiên cứu ở nước ngoài, từ anh Nguyễn Quốc Vinh, đang làm nghiên cứu sinh tại Đại học Harvard (Hoa Kỳ), đến các GS Hồ Huệ Tâm (Hoa Kỳ), GS Lương Văn Hy (Canada), GS Trịnh Hiểu Vân (Trung Quốc). Thông qua một nghiên cứu sinh người Hàn Quốc, Tạp chí tổ chức tọa đàm khoa học về văn hóa Việt Nam, Hàn Quốc. Rồi mời GS Trịnh Hiểu Vân sang Việt Nam, đến Tạp chí trao đổi khoa học. Năm 1999, tôi xin gặp TS Osca Salemink, Trưởng Văn phòng đại diện Quỹ Ford tại Hà Nội để xin tài trợ của Quỹ Ford làm Tủ sách Văn hóa học. Các công trình có tính chất “kinh điển” của các nhà văn hóa hàng đầu thế giới lần đầu tiên được xuất bản tại Việt Nam bằng tiếng Việt vào năm 2000, với bản dịch tiếng Việt của một đội ngũ dịch thuật xuất sắc. Đó là cuốn Văn hóa học, những lý thuyết nhân học văn hóa của A.A Belik (người Nga), cuốn Các huyền thoại về nguồn gốc của lửa của J.G Frazer (người Pháp), cuốn Văn hóa nguyên thủy của E.B. Tylor (người Anh). Thực tình, tìm được bản gốc các cuốn sách trên không dễ dàng, có cuốn xuất bản năm 1871 như cuốn của E.B Tylor, có cuốn mới xuất bản năm 1999 như cuốn của A.A.Belik, đều do các nhà xuất bản nước ngoài in và phát hành ở nước ngoài.

Đồng thời, trong Tủ sách Văn hóa học, chúng tôi cũng chú trọng xuất bản các sách của các nhà khoa học trong nước như xuất bản hai cuốn: Việt Nam, cái nhìn địa - văn hóa vào năm 1998 và cuốn Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm vào năm 2000 của GS Trần Quốc Vượng. Hai cuốn sách này trong ba cuốn sách của giáo sư đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2010. Các cuốn sách trong Tủ sách Văn hóa học của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật là loại sách hướng tới các nhà nghiên cứu, góp phần xây dựng khoa học văn hóa, nghệ thuật, là tài liệu tham khảo quý giá cho sinh viên chuyên ngành khoa học xã hội nhân văn. GS, TS Nguyễn Xuân Kính nhận xét đây là: “một đóng góp rất quan trọng và thầm lặng khác của GS, TS Nguyễn Chí Bền là chủ trương và đã thực sự xây dựng thành công Tủ sách Văn hóa học ở Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trong thời gian ông là Tổng biên tập” (1).

Mặt khác, tôi cũng chú trọng việc làm các bộ sách quy mô, dày dặn. Đó chính là bộ sách Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam, sách dày 1.444 trang, khổ 17x25cm tập hợp, tuyển chọn công trình miêu thuật 212 lễ hội cổ truyền của các dân tộc ở mọi miền đất nước của nhiều tác giả. Hiếm có một cuốn sách nào về lễ hội cổ truyền Việt Nam dày dặn, công phu và thể hiện giá trị của lễ hội cổ truyền Việt Nam như cuốn sách này từ thời điểm ấy cho đến thời điểm hiện nay. Đây là cuốn sách tôi nhận được sự cộng tác tích cực, tâm huyết của anh em biên tập viên ở Tạp chí, cuốn sách được ra mắt bạn đọc vào năm 2000 với sự tài trợ xuất bản của Công ty Phát hành sách Hà Nội.

GS Trịnh Hiểu Vân (Viện hàn lâm KHXH Vân Nam, Trung Quốc - người đứng thứ 2 từ trái qua) và đoàn công tác của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (tác giả đứng thứ 3 từ trái qua) cùng cán bộ Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ VHTT thăm cố đô Huế

Cùng với việc này, tôi chủ trương hướng đến cung cấp những kiến thức phổ cập về văn hóa, nghệ thuật cho đông đảo bạn đọc. Đây chính là cuốn sách Hỏi và đáp về văn hóa Việt Nam. Đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, cuốn sách được tái bản nhiều lần với số lượng lớn. Mặt khác, tôi chủ trương gắn kết với các địa phương làm đề tài khoa học: làm địa chí các tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Ninh Thuận, Hưng Yên; tham mưu, tư vấn cho nhà văn Phượng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tây và Tổng Biên tập Hồ Sĩ Vịnh làm đồng chủ biên sách Lễ hội cổ truyền Hà Tây. Công việc này thu hút một số nhà khoa học ngoài Tạp chí tham gia nghiên cứu khoa học với các biên tập viên của Tạp chí. Cái được là anh em biên tập viên và các nhà khoa học ngoài tạp chí được đi điền dã, đi nghiên cứu dài ngày tại các tỉnh, thu thập được nhiều tư liệu quý giá cho nghiên cứu khoa học.

Quan trọng hơn cả, các số Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật vẫn phát triển, số lượng bản in mỗi kỳ đều giữ vững, bạn đọc từ các nhà nghiên cứu đến các nhà quản lý, sinh viên các trường khoa học xã hội, văn hóa nghệ thuật đều quý mến và sử dụng Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trong học tập và nghiên cứu. Là Tổng Biên tập mấy năm trời, nhưng tôi không bị nhắc nhở, góp ý gì từ các cơ quan văn hóa tư tưởng, các cán bộ quản lý báo chí. Như vậy, phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học văn hóa, nghệ thuật không ảnh hưởng đến nhiệm vụ xuất bản đều đặn các số Tạp chí theo quy định. Trái lại, các hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng các số Tạp chí. Các biên tập viên trưởng thành, được khẳng định trong giới khoa học văn hóa, nghệ thuật.

Ngày 19-3-2002, tôi nhận quyết định sang làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật, và ngày 2-4-2002, tôi rời Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật về công tác tại Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật. Chặng đường công tác của tôi, từ ngày 10-10-1990 đến ngày 2-4-2002 tại Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, tính ra là hơn 11 năm. Ngẫm lại, niềm vui cũng nhiều, nỗi buồn cũng có, thâm tâm tôi nghĩ mình đã chuyển đổi thành công từ một giảng viên văn học thành một cán bộ nghiên cứu văn hóa. Tự vượt lên mình, thích ứng công việc mới là trải nghiệm tôi có được. Trở về cùng ký ức, tôi luôn mang ơn các vị lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thông tin như Bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm (sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa T.Ư), Thứ trưởng Vũ Khắc Liên, Thứ trưởng Lưu Trần Tiêu; Lãnh đạo Tạp chí như Tổng Biên tập Hồ Sĩ Vịnh, Phó Tổng Biên tập Trần Tuy đã tạo cơ hội cho tôi cống hiến, đã giúp tôi trưởng thành, cảm ơn các đồng nghiệp như chị Nguyễn Thụy Loan, anh Trần Lâm Biền, anh Nguyễn Minh San, anh Bùi Khởi Giang, chị Nguyễn Thị Thu Huệ, chị Võ Hoàng Lan, chị Phạm Lan Oanh, anh Nguyễn Đăng Nghị... đã cộng sự với tôi để tôi làm tốt vai trò của một Tổng Biên tập. Uy tín và tên tuổi của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật được khẳng định trong giới nghiên cứu, các nhà quản lý, học viên và sinh viên các trường, cùng đông đảo bạn đọc.

 Giữa Thu năm 2023    

______________________

1. Văn hóa Việt Nam nghiên cứu và tiếp cận, một bộ sách có nhiều ý nghĩa, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 2-2019, tr.6.

GS, TS NGUYỄN CHÍ BỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 548, tháng 10-2023

;