Dưới "bóng cây" rợp mát...

Tôi muốn gọi như thế về thế hệ chúng tôi - những người hiện đang công tác tại Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật - được may mắn thừa hưởng một thương hiệu có bề dày, đáng tự hào, nơi đã quy tụ nhiều nhà nghiên cứu khoa học danh tiếng của đất nước.

Một số đầu sách do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật xuất bản và tác giả là cán bộ của Tạp chí - Ảnh: Tuấn Minh

1. Được thành lập năm 1973, với tên gọi ban đầu là Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, trực thuộc Viện Nghệ thuật (Bộ Văn hóa), từ năm 1993, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL).

Trong giai đoạn đầu, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Hà Xuân Trường kiêm Chủ nhiệm Tạp chí từ năm 1973 cho đến năm 1980; và Tổng Biên tập của Tạp chí là GS, NGND, họa sĩ Trần Đình Thọ. Số đầu tiên của Tạp chí phát hành tháng 11 năm 1973, dày 128 trang, do họa sĩ Trần Tuy trình bày mỹ thuật. Tòa soạn lúc đó còn đóng ở phố Tăng Bạt Hổ (Hà Nội). Trong thư ngỏ của tòa soạn ở số 1, viết: “Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật ra mắt bạn đọc, nhận phần trách nhiệm làm trung tâm nghiên cứu, trao đổi của anh chị em nghệ sĩ, các ngành nghệ thuật, trước tiên là mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc và múa. Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật là tiếng nói của khoa nghiên cứu, lý luận, phê bình nghệ thuật Việt Nam”.

Trong số đầu tiên trình làng, Tạp chí đã có những bài viết công phu của các tác giả: Hà Xuân Trường (lý luận), Trần Văn Cẩn (mỹ thuật), Tô Vũ (âm nhạc), Hoàng Châu Ký (sân khấu)… Nhiều chuyên luận sau đó của Tạp chí cũng đã gây được sự chú ý của độc giả như: Cạp váy Mường; Hoa văn cạp váy, hoa văn hình học (Từ Chi); Đưa truyện cổ dân gian lên sân khấu múa rối (Vũ Ngọc Phan); Nho giáo và văn học nghệ thuật (Trần Đình Hượu); Lễ hội dân gian trên vùng quê đổi mới (Trần Quốc Vượng); Giao lưu văn hóa ở người Việt cổ (Hà Văn Tấn)… Phát hành ban đầu từ ba tháng ra một số,  rồi hai tháng/ số, và chính thức ra hằng tháng từ năm 1994, Tạp chí là địa chỉ tin cậy để các nhà nghiên cứu, giới làm văn hóa, nghệ thuật công bố những bài viết, công trình có giá trị về các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, trao đổi nhiều vấn đề quan tâm: quan hệ giữa chính trị và nghệ thuật; dân tộc và quốc tế; phương pháp luận; khoa học và nghệ thuật… Và nhất là khi biên độ phản ánh của Tạp chí vào những năm  90 của thế kỷ trước đã được mở rộng hơn, phản ánh cả hai lĩnh vực phong phú: văn hóa và nghệ thuật, Tạp chí đã đến nhiều hơn với độc giả, không chỉ thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu mà còn cả những người làm quản lý và thực hành văn hóa, các nghiên cứu sinh... Văn hóa với nội hàm rộng, gắn liền với tổng kết thực tiễn, đúc rút nghiên cứu lý luận đã tập trung những hướng nghiên cứu sâu về quản lý văn hóa, văn hóa gia đình, văn hóa đương đại, văn hóa vùng miền…; không chỉ những vấn đề của đời sống trong nước mà còn cả những thông tin lý luận và tinh hoa văn hóa nước ngoài bên cạnh các bài viết, công trình nghiên cứu về nghệ thuật.

Cho đến nay, Tạp chí đã công bố hàng vạn công trình và bài báo có hàm lượng khoa học cao, trong đó, nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi đã có đóng góp xuất sắc cho nền văn hóa nước nhà, được Đảng, Nhà nước tặng các phần thưởng cao quý về lĩnh vực văn học nghệ thuật như: nhà lý luận Hà Xuân Trường (Thứ trưởng Bộ Văn hóa kiêm Chủ nhiệm Tạp chí - giải thưởng Hồ Chí Minh ); GS, NGND, họa sĩ, Tổng Biên tập Trần Đình Thọ (giải thưởng Nhà nước); nhà viết kịch, Tổng Biên tập Kính Dân (giải thưởng Nhà nước); PGS Từ Chi (giải thưởng Hồ Chí Minh)…

Và, tiếp nối các thế hệ lãnh đạo, các Tổng Biên tập: PGS Nguyễn Đức Đàn; TS, VS Hồ Sĩ Vịnh; GS, TS Nguyễn Chí Bền; nhà báo Phạm Vũ Dũng; PGS, TS Vũ Ngọc Thanh; cùng các cộng sự, đó là những nhà nghiên cứu, làm nghệ thuật có bề dày kinh nghiệm: họa sĩ, Phó Tổng Biên tập Trần Tuy; PGS, TS, Phó Tổng Biên tập Đỗ Lai Thúy; PGS, TS, Trưởng Ban Biên tập Trần Lâm Biền; PGS, TS, Trưởng Ban biên tập Nguyễn Đăng Nghị; PGS, TS Nguyễn Thụy Loan; TS, Phó Trưởng Ban biên tập Nguyễn Minh San; TS Bùi Khởi Giang… cũng như đội ngũ những người làm nghề ở Tạp chí hôm nay, đã và đang tiếp tục định vị thương hiệu Tạp chí có uy tín trong giới nghiên cứu khoa học.

Một số lãnh đạo, cán bộ Tạp chí chuyển công tác, làm lãnh đạo, quản lý hoặc trưởng thành ở các cơ quan nghiên cứu, đào tạo đã tiếp tục phát huy những kinh nghiệm, sở trường của mình như: Tổng Biên tập, GS, TS Nguyễn Chí Bền (làm Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam); Tổng Biên tập, PGS, TS Vũ Ngọc Thanh (giữ chức Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM); Phó Tổng Biên tập, họa sĩ Trần Tuy (giữ chức Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật); biên tập viên, PGS, TS Phạm Lan Oanh (về sau giữ chức Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam); Trưởng Ban biên tập, PGS, TS Nguyễn Đăng Nghị (hiện là giảng viên cao cấp Khoa Sau Đại học, Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật T.Ư)…

Cho đến những năm đầu thập niên của TK XXI, Tạp chí đã quy tụ một đội ngũ những chuyên gia, nhà nghiên cứu có uy tín: GS Trần Quốc Vượng; GS Hà Văn Tấn; GS Trần Đình Hượu; GS, TS Tô Ngọc Thanh; GS, TS Ngô Đức Thịnh; PGS Vũ Ngọc Khánh; TS Ngô Đăng Doanh; GS, TS Phạm Đức Dương; GS Dương Viết Á; GS, TS Lê Hồng Lý; nhà phê bình Thái Bá Vân…

Bên cạnh xuất bản các số, Tạp chí còn tổ chức nhiều hội thảo khoa học có ý nghĩa, xuất bản Tủ sách Văn hóa học, Văn hóa nghệ thuật với hơn 30 cuốn sách tuyển, biên soạn, dịch thuật có tiếng vang như: Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người (Từ Chi), Văn hóa Việt Nam - tìm tòi và suy ngẫm (Trần Quốc Vượng), Văn hóa Việt Nam - một chặng đường (Nhiều tác giả), Văn hóa nghệ thuật Nam Bộ (Nhiều tác giả), Văn hóa nghệ thuật Trung Bộ (Nhiều tác giả), Đờn ca tài tử - đặc trưng và đóng góp (Nguyễn Thụy Loan), Văn hóa nguyên thủy (E.B.Taylor)…

2. Thực hiện quyết định của Bộ VHTTDL, từ tháng 1-2020, 6 Tạp chí thuộc các Cục chuyên ngành văn hóa và Thư viện Quốc gia Việt Nam đã chuyển về Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật: Di sản văn hóa; Điện ảnh Việt Nam; Mỹ thuật và Nhiếp ảnh; Xây dựng đời sống văn hóa; Nghệ thuật biểu diễn và Thư viện Việt Nam, Tạp chí đã tăng kỳ xuất bản từ 1 kỳ lên 2 kỳ/ tháng (từ tháng 7-2020) và 3 kỳ/ tháng (từ tháng 9-2020). Đội ngũ những người làm nghề ở Tạp chí đã được bổ sung tăng cường, hơn gấp 2 lần so với trước. Về nhân sự Ban Lãnh đạo Tạp chí, từ chỗ có mình tôi (từ 1-1-2019), đã được kiện toàn; từ các đơn vị sáp nhập chuyển về, được Bộ VHTTDL bổ sung các Phó Tổng biên tập: Ngô Thị Minh Nguyệt, Đặng Xuân Mã, Nguyễn Văn Mười (từ 1-1-2021, Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Mười lại được Bộ điều động, tăng cường cho Ban biên tập Báo Văn hóa). Bên cạnh các phòng, ban vốn có trước đây: Ban Biên tập (nay là Ban Nghiên cứu lý luận), Ban Tạp chí điện tử, Phòng Hành chính Tổng hợp (nay là Ban Trị sự), Phòng Quảng cáo, phát hành, Văn phòng đại diện tại TP.HCM (hiện nay không còn duy trì, nhân sự được cơ cấu lại), Tạp chí được Bộ cho thành lập thêm Ban Văn hóa Nghệ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Một số ấn phẩm xuất bản năm 2023 của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật - Ảnh: Tuấn Minh

Trung bình, cứ 10 ngày Tạp chí xuất bản một ấn phẩm in với màu sắc khác nhau:

Kỳ I: Nghiên cứu, thông tin lý luận (120 trang) có chỉ số khoa học, với các bài viết nghiên cứu khoa học, thông tin lý luận và thực tiễn với nội dung chuyên sâu về văn hóa, nghệ thuật, gia đình; tập hợp rộng rãi  bài viết của đông đảo các tác giả trong và ngoài ngành, bên cạnh các bài viết chuyên ngành còn góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa.

Kỳ II: Xây dựng đời sống văn hóa (76 trang) các bài viết chuyên ngành về văn hóa cơ sở, tuyên truyền phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; giới thiệu gương người tốt, việc tốt; giữ gìn đạo đức, lối sống, phong tục tập quán; trao đổi nghiệp vụ văn hóa cơ sở...

Kỳ III: Thế giới nghệ thuật (80 trang) đăng tải các bài viết quảng bá, giới thiệu chuyên ngành các loại hình nghệ thuật: điện ảnh, truyền hình, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, nghệ thuật đương đại...

Và từ cuối tháng 8-2021, Tạp chí điện tử Văn hóa Nghệ thuật tại địa chỉ: vanhoanghethuat.vn đã chính thức đi vào hoạt động, cập nhật tin, bài phản ánh kịp thời, phong phú các hoạt động của ngành VHTTDL.

Trong thời gian gần đây, Tạp chí đã tổ chức nội dung, đăng tải nhiều bài viết có chất lượng, hình thức được cải tiến, in ấn đẹp, được độc giả đánh giá cao. Tạp chí đã mở các chuyên mục thu hút sự quan tâm của bạn đọc như: “Nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020”; “Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”, “Xây dựng môi trường văn hóa số”; Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam

Tạp chí luôn đạt điểm khoa học cao thuộc tốp đầu chuyên ngành Văn hóa do Hội đồng Giáo sư nhà nước công nhận, góp phần đắc lực phục vụ công tác quản lý, đào tạo nhân lực bậc cao cho ngành cũng như xã hội.

Về hoạt động hội thảo, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã phối hợp với Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Truyền thông với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc” (2019); phối hợp Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hóa doanh nghiệp - Điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch” (2022); tổ chức Hội thảo “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” (9-2023) thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, những người thực hành văn hóa và cơ quan truyền thông.

Tạp chí hiện có những cán bộ quản lý, những người làm nghề  đương ở độ chín: TS Nguyễn Liên Hương (Trưởng Ban Nghiên cứu lý luận), Nguyễn Thị Hồng Vân (Phó Trưởng Ban Nghiên cứu lý luận), Ths Nguyễn Đức Bình (Trưởng Ban Văn hóa Nghệ thuật); các Phó Trưởng Ban Văn hóa Nghệ thuật: Ngô Thị Hồng Vân, Nguyễn Thanh Tâm; Phạm Văn Chính (Trưởng Ban Tạp chí điện tử); Ths Nguyễn Thị Ngọc Bích (Phó Trưởng Ban Tạp chí điện tử); cùng đội ngũ các biên tập viên, họa sĩ, phóng viên ảnh...

Đội ngũ những người làm Tạp chí đã phát huy sở trường cả về báo chí, sáng tác và nghiên cứu. Đó là một số giải thưởng báo chí quốc gia, hội, ngành mà một số cá nhân đạt được trong thời gian gần đây: Giải Nhì giải báo chí quốc gia năm 2015 (biên tập viên Đào Mai Trang); Giải Ba cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 của Hội Nhà văn Việt Nam trao năm 2020 (nhà văn Thiên Sơn);  giải thưởng Âm nhạc Việt Nam ở thể loại báo chí với 10 bài báo nghiên cứu âm nhạc dân gian năm 2020 (PGS, TS Nguyễn Thế Truyền); giải Ba Giải báo chí Vì sự nghiệp VHTTDL lần thứ Nhất năm 2023 (Ths Nguyễn Thị Vân Anh - TS Uông Thị Mai Hương).

Tạp chí giai đoạn hiện nay quy tụ các cộng tác viên thân thiết là các nhà nghiên cứu, cây viết sung sức: PGS, TS Bùi Hoài Sơn; PGS, TS Nguyễn Toàn Thắng; nhà văn Bùi Việt Thắng; PGS, TS Phạm Văn Tình; GS, TS Lê Thị Hoài Phương; GS, TS Bùi Quang Thanh; nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền… (kỳ 1); TS Nguyễn Huy Phòng, nhà thơ Thanh Dương Hồng, Trần Văn Quang… (kỳ 2); TS Trần Hậu Yên Thế, nhà báo Cao Ngọc, nhà báo Anh Thư, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long… (kỳ 3).

Trong ngày vui, nói đến những người làm nghề, cũng không quên những anh chị em làm công tác hậu cần ở Ban Trị sự (Trưởng ban Vũ Thùy Linh; các Phó Trưởng ban: Trần Hạnh Chi; Bùi Thị Thiên Hương; kế toán trưởng Dương Hương Chi và các kế toán viên, thủ quỹ, quản trị, lái xe, tạp vụ…); rồi Phòng Quảng cáo, phát hành (Phó Trưởng phòng phụ trách kiêm họa sĩ thâm niên Trần Quang Vinh; Phó Trưởng phòng Phạm Thị Xuân Hướng; các nhân viên quảng cáo, phát hành…) đã góp phần cho công việc của Tạp chí được hanh thông, vượt qua nhiều khó khăn…

3. Lại nhắc đến câu của người xưa “ngũ thập tri thiên mệnh”. 50 năm là chặng đường dài của một đời người, lẽ thường đủ kinh nghiệm để hành sự. Với một tờ tạp chí đã định hình thương hiệu từ những năm thập niên 70 của thế kỷ trước, nhưng nay bước vào một giai đoạn mới, không khỏi thấy trăn trở. Thời hoàng kim của báo chí in đã qua. Bây giờ, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, thông tin ngập tràn, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh ai cũng là “nhà báo công dân”. Và cũng bởi thế, phương thức tiếp nhận thông tin của người đọc thay đổi: đa dạng hơn, nhanh hơn, tiện ích hơn. Nhưng chính trong dòng chảy thông tin ào ạt đó, các cơ quan truyền thông nói chung và các tạp chí nói riêng lại càng phải định vị chỗ đứng của mình bằng bản sắc. Các tạp chí phải đi bằng tính chuyên sâu, chuyên ngành.

Cũng ngẫu nhiên, dịp Tạp chí kỷ niệm 50 năm thành lập cũng là thời điểm chúng tôi đang xây dựng Chiến lược phát triển Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chúng tôi có dịp nhìn lại, đánh giá, trao đổi, thảo luận để tìm giải pháp, hướng đi tới. Làm sao để Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật vừa giữ được bản sắc là cơ quan nghiên cứu, thông tin lý luận và thực tiễn về văn hóa, nghệ thuật và gia đình, lại vừa đa dạng nội dung thông tin chuyên ngành, chuyên sâu, tư vấn, phản biện chính sách; đồng thời, phải đẩy mạnh chuyển đổi số trong cung cấp thông tin, phù hợp với xu hướng phát triển chung của báo chí hiện đại, lại vừa đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội về lĩnh vực chuyên ngành, phục vụ công tác quản lý của Bộ. Mặt khác, cũng phải rất quan tâm đến vấn đề kinh tế báo chí trong bối cảnh kinh tế đất nước vẫn còn khó khăn sau đại dịch, doanh thu quảng cáo, phát hành của các cơ quan báo chí nói chung trong đó có Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật bị ảnh hưởng. Rồi khắc phục những khó khăn do trụ sở tòa soạn xa trung tâm (nhiều anh chị em nhà xa cơ quan mà như tôi vẫn nói vui: đi mấy cơn mưa bóng mây mới đến cơ quan)…

Trân trọng những nỗ lực và kết quả đạt được, nhưng nhận thấy Tạp chí cũng còn những hạn chế cần khắc phục: chất lượng chuyên môn có lúc chưa đồng đều; cần phải tăng cường hơn nữa công tác tổng kết thực tiễn; có cơ chế quy tụ các chuyên gia đầu ngành tham gia những bài viết chuyên sâu… Điều đó, đòi hỏi không chỉ cán bộ lãnh đạo, quản lý Tạp chí mà từng biên tập viên, phóng viên, viên chức đều phải không ngừng nỗ lực, sáng tạo, vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bề dày thương hiệu; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ VHTTDL và các cơ quan chức năng; tinh thần đoàn kết, vượt khó của tập thể cán bộ, biên tập viên, phóng viên, viên chức và người lao động Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật là những điều kiện thuận lợi, là hành trang quý báu để Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tiếp bước chặng đường phía trước, với mục tiêu tiếp tục nâng cao hàm lượng khoa học, chất lượng học thuật, kịp thời tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, phục vụ tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

HOÀNG HÀ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 548, tháng 10-2023
;