Đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp trong thời gian tới

Lâu nay, sức mạnh mềm đã trở thành một nguồn “tài nguyên quyền lực” mới của quốc gia, có tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan hệ quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và thế giới đang chuyển động hướng tới đa cực, sức mạnh mềm ngày càng trở thành trụ cột quan trọng trong việc góp phần nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của các quốc gia. Do vậy, các nước trên thế giới, dù lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển, đều quan tâm xây dựng, củng cố, khai thác và phát huy sức mạnh mềm của mình như một nhiệm vụ mang tầm chiến lược quốc gia.

Hiện nay, sức mạnh mềm không chỉ còn là một khái niệm mà đã trở thành chiến lược phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với các quốc gia - dân tộc, sức mạnh mềm trở thành một công cụ quan trọng trong việc thực thi chính sách đối ngoại. Trong quan hệ quốc tế, một quốc gia có thể tác động đến quốc gia khác “một cách tự nhiên” thông qua các giá trị, như ý chí, kỹ năng ngoại giao, hay hệ tư tưởng, tôn giáo... và khi giá trị của một quốc gia được nhiều nước khác chia sẻ thì quốc gia đó sẽ dễ dàng gây ảnh hưởng lên hành vi của quốc gia khác.

Nhận thức rõ vai trò của sức mạnh mềm đối với sức mạnh tổng hợp quốc gia, Đảng, Nhà nước đã ban hành một số chủ trương, chính sách quan trọng, trong đó Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10-9-2021 về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12-11-2021 tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập, mở rộng trung tâm văn hóa ở nước ngoài.

Tính đến thời điểm hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Viêng Chăn (Lào) và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Paris (Pháp) và giao Bộ VHTTDL quản lý. Hai Trung tâm Văn hóa này đã và đang hoạt động rất hiệu quả, đóng góp tích cực vào công tác văn hóa đối ngoại của Việt Nam và sự phát triển của đất nước. Các Trung tâm có chức năng tổ chức, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ở nước ngoài; xúc tiến du lịch, hỗ trợ các hoạt động thể thao; phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, tăng cường hiểu biết của nhân dân quốc gia tiếp nhận với Việt Nam; thông tin tình hình kinh tế, xã hội, đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngoài việc tăng cường sức mạnh mềm, vai trò của các trung tâm văn hóa, các hoạt động bảo tồn, quảng bá văn hóa còn mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, tăng cường vị thế đất nước, phát triển nguồn nhân lực, huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa, đất nước.

1. Giới thiệu về Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp

Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp được thành lập theo Quyết định số 29/2008/QĐ-TTg ngày 22-2-2008 của Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pháp về các Trung tâm văn hóa (ký ngày 12-11-2009 tại Hà Nội), theo đó, Trung tâm là đơn vị sự nghiệp văn hóa, cơ quan đại diện của Bộ VHTTDL Việt Nam tại nước ngoài, có chức năng tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thông tin, du lịch nhằm tăng cường hiểu biết của nhân dân Pháp và châu Âu đối với đất nước, con người Việt Nam; thông tin tình hình kinh tế, xã hội, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam, xúc tiến du lịch, hỗ trợ các hoạt động thể thao…

Trong chặng đường thành lập và phát triển, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Bộ VHTTDL và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, sự ủng hộ tích cực của các cơ quan, cá nhân trong và ngoài nước trong việc tổ chức các hoạt động chuyên môn, sự chủ động và sáng tạo huy động nguồn lực, tranh thủ điều kiện thuận lợi và khắc phục khó khăn, Trung tâm đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó. Trung tâm đã thu hút bạn bè Pháp nói riêng và châu Âu nói chung đến tìm hiểu và trở thành nơi sinh hoạt thường xuyên của cộng đồng người Việt, thực sự trở thành cầu nối giữa cộng đồng người Việt tại Pháp với Tổ quốc. Các mối quan hệ chặt chẽ, có chiều sâu giữa Trung tâm với các hội, đoàn tại Pháp không ngừng được củng cố và mở rộng. Các thiết chế văn hóa Pháp, các cơ quan báo chí Việt Nam và Pháp, các cá nhân Việt kiều, các cộng tác viên thân thiết của Trung tâm đã trở thành các đối tác tin cậy trong giao lưu, hợp tác văn hóa đối ngoại.

2. Các kết quả của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đạt được trong thời gian vừa qua

Các hoạt động quảng bá, giới thiệu văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt Nam

Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đã tổ chức, phối hợp tổ chức giới thiệu rộng rãi đến công chúng Pháp các loại hình nghệ thuật, văn hóa truyền thống điển hình (âm nhạc và múa truyền thống, cải lương, tuồng, chèo, quan họ, ca trù, hát văn, rối nước…). Các chương trình nghệ thuật nhân dịp Tết Nguyên đán hằng năm được hàng nghìn khán giả từ Paris, tới Lyon, Marseille và khắp nước Pháp nhiệt thành tán thưởng; phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức chương trình nghệ thuật nhân dịp Quốc khánh 2-9, phối hợp với Hội Người Việt Nam ở Pháp tổ chức chương trình Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi...

Hằng năm, Trung tâm đã phát huy vai trò cầu nối văn hóa của mình trong việc chủ trì, tổ chức có chọn lọc các triển lãm chuyên đề của các họa sĩ sở tại, khuyến khích phát triển tài năng và nội dung hướng về đất nước, kể cả các họa sĩ, nhà nhiếp ảnh không mang quốc tịch Việt Nam. Nổi bật là các đợt triển lãm tại Paris và một số địa phương Pháp về tranh Đông Hồ (bộ sưu tập độc đáo của họa sĩ Pascal - Lyon), về trang phục dân tộc thiểu số, về hội họa Việt Nam đương đại, về chủ quyền biển đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam (phối hợp với Hội người Việt Nam tại Pháp - UGVF); về du lịch, nhạc cụ dân tộc và triển lãm ảnh, tư liệu “Việt Nam đất nước, con người - Nhìn từ biển, đảo” (phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông), triển lãm Việt Nam đổi mới…

Các đợt chiếu phim Việt Nam (tuần hoặc tháng) đều là các sự kiện thu hút đông đảo khán giả Pháp. Các bộ phim tài liệu kinh điển, các phim truyện Việt Nam sản xuất gần đây đã được dịch sang tiếng Pháp và giới thiệu với công chúng Pháp chủ yếu tại phòng chiếu phim của Trung tâm và tại các địa phương của Pháp (Lyon, Câu lạc bộ Yêu điện ảnh - YDA Paris, Lille, Strasbourg, Nice, Monpellier, Perpignan, Bretagne, Rouen…).

Các hoạt động phục vụ cộng đồng người Việt Nam tại Pháp

Cộng đồng người Việt tại Pháp có số lượng đông (khoảng 300.000 người) và rất đa dạng, có bề dày lịch sử và có nhiều chi hội địa phương, hội đoàn độc lập (cả lãnh thổ hải ngoại của Pháp): Hội Người Việt Nam tại Pháp (Chủ tịch Hội là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), Hội Công nhân, Hội Thương gia, Hội Thanh niên Việt kiều, Ban Thanh thiếu niên - Nhi đồng, Hội Sinh viên, các tổ chức hội đoàn hoạt động vì Việt Nam (các hội ái hữu, Hội vì trẻ em Việt Nam nhiễm dioxin, Hội Nạn nhân chất độc da cam, Hội Du lịch Réseau Archimède, Hội Diện chẩn Paris, Hội Bác sĩ…), các nhóm nhạc, khiêu vũ, võ cổ truyền Việt Nam...

Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đã thực sự trở thành cầu nối giữa cộng đồng người Việt tại Pháp với Tổ quốc thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, du lịch. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ cộng đồng người Việt tại Pháp và hướng về Tổ quốc luôn được Trung tâm chú trọng xây dựng và phát triển. Nhóm thiếu nhi Tre Xanh, Âu Việt, Hợp ca Quê hương, Tiếng Tơ đồng, Hội Sinh viên, Hội Tôn vinh văn hóa Việt, Hội Văn hóa người Việt Lyon, Marseille, Nantes... thường xuyên có các buổi biểu diễn phục vụ cộng đồng và tại các sự kiện do Trung tâm tổ chức. Ngôi nhà chung Việt Nam 19, phố Albert quận 13 Paris dần trở thành điểm hẹn của nghệ sĩ Việt kiều. Quan hệ hợp tác với các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu về Việt Nam mang quốc tịch Pháp ngày càng được củng cố. Hoạt động nghệ thuật biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa đã góp phần to lớn trong việc khắc họa rõ nét và tô đậm hình ảnh Việt Nam giàu bản sắc, thân thiện, yêu hòa bình.

Từ cơ sở vật chất hiện có (thời điểm trước khi cải tạo, sửa chữa), thông qua hợp tác với các đối tác liên quan trong và ngoài nước, Trung tâm đã tổ chức mở và duy trì, phát triển thành:

Các lớp tiếng Việt thuộc cả 3 trình độ A, B, C (theo giáo trình của Viện Khoa học giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo). Học viên của các lớp tiếng Việt gồm các cháu trong độ tuổi từ 7-12 (chiếm đa số) và học sinh người Pháp (trên 18 tuổi) cùng một số phụ huynh của các cháu lớp nhỏ tuổi;

Các lớp học về nhạc, múa dân tộc, hội họa, chế biến món ăn và học võ Vovinam và bắn cung. Trung tâm hỗ trợ truyền bá Vovinam tại trụ sở Trung tâm, mở lớp dạy bắn cung, phối hợp tổ chức Giải vô địch các câu lạc bộ Vovinam tại Pays de la Loire (tổ chức tại Saint Berthevin, giải vô địch Vovinam toàn Pháp tại Bordeaux...) và hỗ trợ các hoạt động thể thao khác cho Hội Người Việt Nam tại Pháp, Hội Thanh niên và Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp như tổ chức thi đấu giao hữu bóng đá giữa các chi hội sinh viên Việt Nam ở các địa phương của Pháp.

Giáo viên giảng dạy hiện nay được huy động từ nguồn tại chỗ (Việt kiều đã về hưu, các phụ huynh học sinh tình nguyện, các võ sư Vovinam, Sonlong tại Pháp). Học viên các lớp tiếng Việt đều đã sử dụng được tiếng Việt Nam trong giao tiếp thông thường. Các lớp học tiếng Việt, học nhạc, múa, ca hát và võ thuật cổ truyền đã góp phần quan trọng gìn giữ bản sắc và truyền thống văn hóa cội nguồn dân tộc, hướng về Tổ quốc trong cộng đồng người Việt sinh sống tại Pháp.

Cùng với các hoạt động quảng bá văn hóa, nghệ thuật khác, các lớp học hiện nay tại Trung tâm (đặc biệt các lớp tiếng Việt) là một hướng đi thành công, cần nhân rộng và đầu tư về chiều sâu. Cuộc thi viết bằng tiếng Pháp và tiếng Việt có tiêu đề “Việt Nam - Mùa thứ 5” (với ý nghĩa mùa văn hóa bên cạnh 4 mùa tự nhiên xuân, hạ, thu, đông) đã thu hút đông đảo đối tượng người Pháp và người Việt sinh sống tại châu Âu tham gia, tạo tiếng vang lớn về hình ảnh một Việt Nam tươi đẹp, có truyền thống lịch sử lâu đời, yên bình, giàu bản sắc văn hóa. Tuyển tập 10 bài thi bằng tiếng Pháp và 10 bài thi bằng tiếng Việt đã được lựa chọn và đưa vào tủ sách tiếng Việt tại Thư viện Quốc gia Pháp François Mitterand.

Thư viện tại Trung tâm ngày càng phong phú, nhất là từ khi tiếp nhận trên 7.000 đầu sách của Trung tâm Tư liệu Việt Nam đương đại (CID, Đảng Cộng sản Pháp), phục vụ các đối tượng rộng rãi tại Pháp. Khi trụ sở hoàn thành, không gian thư viện Trung tâm chắc chắn là điểm hẹn lý thú cho cộng đồng người Việt và độc giả người Pháp có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về Việt Nam.

Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch

Về du lịch, Pháp nói riêng và châu Âu nói chung là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đã tích cực huy động nguồn lực tại chỗ tiến hành các hoạt động xúc tiến du lịch:

Giữ mối liên hệ, trao đổi và làm việc với cơ quan du lịch Pháp về hợp tác du lịch song phương, phối hợp khai thác hợp tác phi tập trung giữa các địa phương 2 nước về du lịch (tỉnh Thừa Thiên Huế với vùng Poitou Charentes, Hải Phòng với Brest, Hà Nội với Ile de France, Yên Bái với Val de Marne...);

Tổ chức quầy thông tin du lịch tại Trung tâm phục vụ đại chúng và cung cấp, giải đáp thông tin liên quan;

Hỗ trợ các đoàn xúc tiến du lịch từ trong nước sang Pháp và châu Âu tham dự các sự kiện chuyên ngành (Top Resa-Paris, Salon Mondial-Paris, ITB-Berlin, WTM-London, FITUR-Madrid, Hội Báo Nhân đạo...) và phối hợp lựa chọn, tổ chức một số đoàn famtrip, press trip sang tìm hiểu du lịch Việt Nam (Echappées Belles, France 3…);

Chủ trì tổ chức các hoạt động giới thiệu ẩm thực, chương trình roadshow “Di sản và phát triển du lịch ở Việt Nam”, “Hà Nội - Miền đất Di sản”, tham gia hội chợ du lịch tại một số địa phương của Pháp như Marseille, Toulouse, Dijon, Strasbourg, Grenoble, Metz…

Hoạt động phục vụ đối ngoại, các sự kiện lớn, tăng cường hợp tác quốc tế

Được sự ủy quyền của Lãnh đạo Bộ VHTTDL, cán bộ Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp tham gia một số sự kiện, hội nghị quốc tế tổ chức tại Paris (một số phiên họp mà Việt Nam là thành viên tại Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hợp quốc - UNESCO, Đại hội đồng Tổ chức Triển lãm quốc tế BIE).

Tham gia và phối hợp tổ chức, kết nối các hoạt động quảng bá văn hóa du lịch, các buổi làm việc tại Pháp do các đơn vị của Bộ tổ chức tại Pháp, tham gia phục vụ trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Pháp và châu Âu của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ VHTTDL.

Đồng thời, Bộ VHTTDL đã có Quyết định số 482/QĐ-BVHTTDL ngày 23-2-2017 cho phép Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp gia nhập Liên đoàn Văn hóa dân gian thế giới IGF. Kể từ khi gia nhập đến nay, các hoạt động giới thiệu nghệ thuật đã từng bước phát triển sang các một số nước trên địa bàn châu Âu như: tổ chức cho các đoàn nghệ sĩ của Nhà hát dân gian Việt Bắc và Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam tham gia các festival văn hóa dân gian thế giới diễn ra tại các nước Pháp, Bồ Đào Nha, Italia, Rumani, Hy Lạp, Kosovo và Serbia trong khuôn khổ kế hoạch hợp tác giữa Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp với IGF. Ông Nghiêm Xuân Đông, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp được bầu làm Phó Chủ tịch đặc trách khu vực châu Á, Thái Bình Dương tại IGF.

Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp đã cử đoàn tham gia và phối hợp với Đại sứ quán, Phái đoàn Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Liên minh châu Âu tổ chức thành công hoạt động thiện nguyện ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam ở Hội An (ngày 27-9-2021) và chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam, các nước ASEAN tại Bruxelles và các cơ quan đối ngoại châu Âu (ngày 29-9-2021)…

3. Nhu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động, vai trò của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp trong thời gian tới

Cơ sở pháp lý

Vừa qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, chính sách quan trọng, góp phần phát triển văn hóa nói chung và văn hóa đối ngoại nói riêng, khẳng định sự đóng góp của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Trong đó, Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10-9-2021 về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12-11-2021 tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập, mở rộng Trung tâm Văn hóa ở nước ngoài.

Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả hoạt động, vai trò, đóng góp của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp trong thời gian sắp tới là hết sức cần thiết, góp phần mở rộng việc trao đổi, hợp tác, tăng cường các hoạt động văn hóa đối ngoại, phát huy thế mạnh “quyền lực mềm”, biến văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế, đảm bảo phát triển bền vững của đất nước, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Công tác người Việt Nam ở nước ngoài

Hiện nay với hơn 5,3 triệu kiều bào đang sinh sống, lao động, học tập tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt coi trọng đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong nước, coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong đó, nhiều nước tại châu Âu có cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc đông đảo như: Pháp, Nga, Ba Lan, Séc, Đức...

Triển khai nhiều chủ trương, đường lối, chính sách quan trọng như: Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19-5-2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; Kết luận số 12-KL/TW ngày 12-8-2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, cần tiếp tục khẳng định, nâng cao vai trò, đóng góp của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian sắp tới.

Tăng cường, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác với các quốc gia châu Âu

Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Đại sứ quán các nước châu Âu tại Việt Nam và các trung tâm, cơ sở văn hóa châu Âu tại Việt Nam thường xuyên tổ chức các hoạt động giới thiệu đất nước, con người, quảng bá văn hóa nghệ thuật trên các lĩnh vực âm nhạc, múa, điện ảnh… của các quốc gia châu Âu đến với người dân Việt Nam. Đặc biệt, kể từ khi mạng lưới các cơ quan văn hóa châu Âu tại Việt Nam (viết tắt là EUNIC) được thành lập vào ngày 18-11-2010, bao gồm: Hội đồng Anh, Viện Goethe, Viện Pháp tại Việt Nam, Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Bỉ) cùng các bộ phận văn hóa của các đại sứ quán Italia, Hà Lan và Áo… các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa EU-Việt Nam ngày càng diễn ra sôi động, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, nhân dân châu Âu và Việt Nam.

Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam và châu Âu ngày càng phát triển toàn diện trên nhiều mặt. Tại châu Âu có nhiều đối tác chiến lược của Việt Nam như: Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Italia và Nga là đối tác chiến lược toàn diện. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều đối tác truyền thống lâu đời như một số nước Đông Âu... Sự hiện diện rộng hơn của văn hóa Việt Nam sẽ làm cầu nối để người dân châu Âu hiểu rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam, góp phần thu hút khách du lịch châu Âu đến Việt Nam. Hiện nay, châu Âu là một trong những thị trường gửi khách du lịch quan trọng và có chất lượng nhất đối với Việt Nam. Khách du lịch châu Âu có khả năng chi trả cao cho các dịch vụ, sản phẩm du lịch, đi du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Với những yêu cầu trong tình hình mới, việc nâng cấp, mở rộng các hoạt động Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp trên địa bàn châu Âu thực sự cần thiết, mang lại hiệu quả thiết thực, tăng cường quan hệ hợp tác không chỉ riêng đối với Pháp và đồng thời mở rộng với các nước khác trong khu vực châu Âu.

4. Đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp trong thời gian tới

Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách

Tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách quan trọng về công tác văn hóa đối ngoại, về công tác người Việt Nam ở nước ngoài như: Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10-9-2021 về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12-11-2021; Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới đã Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị và ngày 19-5-2015 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; Kết luận số 12-KL/TW ngày 12-8-2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới…

Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh Quyết định về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 29/2008/QĐ-TTg ngày 22-2-2008.

Nhóm giải pháp về phát triển nguồn lực, kiện toàn bộ máy tại Trung tâm

Về nhân sự: Theo Quyết định số 29/2008/ QĐ-TTg ngày 22-2-2008 về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp gồm 5 người.

Với 5 biên chế, trong đó có 1 biên chế thuộc Bộ Công an, 1 biên chế thuộc Bộ Quốc phòng, cán bộ, công chức Trung tâm đồng thời phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau nên việc hoạt động riêng ở địa bàn Pháp gặp nhiều khó khăn, do đó khi mở rộng hoạt động của Trung tâm trên địa bàn châu Âu sẽ gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguồn nhân lực.

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ không đồng đều, cán bộ làm tại địa bàn nước ngoài không có trình độ ngoại ngữ dẫn đến việc triển khai công việc gặp khó khăn, mang lại hiệu quả chưa cao.

Vì vậy, nhu cầu về tăng cường nguồn nhân lực phục vụ hoạt động của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp trong thời gian sắp tới là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu của công việc trong thời kỳ mới.

Về trang thiết bị máy móc: bố trí máy móc, trang thiết bị phục vụ hoạt động của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đáp ứng yêu cầu của quá trình mở rộng, nâng cấp hoạt động của Trung tâm trên địa bàn châu Âu trong thời gian sắp tới.

Về kinh phí: tăng kinh phí hoạt động cho Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp trong thời gian sắp tới, đặc biệt là kinh phí tham gia các hoạt động, sự kiện văn hóa - nghệ thuật, du lịch lớn (Hội chợ quốc tế TOP RESA Pháp, ITB Đức, Liên hoan phim Cannes…).

Nhóm giải pháp về tuyên truyền

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp trên các nền tảng mạng xã hội: Facebook, Twitter, Instagram…

Nâng cấp trang thông tin điện tử của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp.

Phát huy vai trò, sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông trực thuộc Bộ VHTTDL về thông tin, tuyên truyền, giới thiệu về hoạt động của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp.

Nhóm giải pháp đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

Giảng dạy tiếng Việt cho thế hệ Việt kiều trẻ sinh sống ở châu Âu: để thực hiện hoạt động này, trên cơ sở các câu lạc bộ dạy tiếng Việt như: Tre Xanh, Âu Việt, Về nguồn do Trung tâm đã dày công xây dựng, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp sẽ phối hợp với Diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt hỗ trợ các hội đoàn người Việt tại châu Âu trong công tác giảng dạy tiếng Việt, âm nhạc dân tộc như mở các lớp dạy tiếng Việt thông qua các nền tảng trực tuyến Zoom, Webina... đào tạo giáo viên dạy tiếng Việt, cung cấp tài liệu giảng dạy và học tập, mời các chuyên gia tập huấn cho các câu lạc bộ dạy tiếng Việt và âm nhạc dân tộc…

Các hoạt động cho thanh thiếu niên: phối hợp với Hội Sinh viên tại các nước châu Âu tổ chức trại hè cho thanh thiếu niên và sinh viên đang du học tại châu Âu với các hoạt động hướng về cội nguồn, tự tin hội nhập quốc tế mà không quên giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, gắn bó với quê hương.

Tổ chức các hoạt động trình diễn văn hóa, nghệ thuật dân tộc: phối hợp với Liên hiệp Hội Người Việt Nam tại châu Âu (Association of the Vietnamese in Europe) tổ chức thường niên các hoạt động trình diễn nghệ thuật, chương trình nghệ thuật do các đoàn nghệ thuật của Bộ cử sang phục vụ cộng đồng nhân dịp các ngày lễ của dân tộc như: Tết Trung thu, Tết Nguyên đán... tại các địa bàn có đông cộng đồng người Việt như: Ba Lan, Séc, Đức, Nga, Hungary, Bulgaria, Bỉ...

Tổ chức các triển lãm tranh, ảnh giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam xưa và nay tại trụ sở Trung tâm. Từ những triển lãm này kết hợp với Diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt và Liên hiệp Hội Người Việt Nam tại châu Âu tổ chức các hoạt động tương tự tại các địa bàn khác ở châu Âu.

Phối hợp với Liên đoàn Võ thuật cổ truyền quốc tế thường xuyên tổ chức các giải thi đấu Võ cổ truyền Việt Nam tại Pháp và các nước châu Âu để mở rộng và phát triển bộ môn thể thao này tại Pháp và châu Âu.

Phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp làm việc với Bộ Thể thao và Thanh niên Pháp chính thức công nhận môn võ cổ truyền Việt Nam như một bộ môn thể thao chính thức của Pháp tương tự như Karate và Judo…

Nhóm giải pháp về hợp tác quốc tế

Tham gia vào các hoạt động do FICEP (Diễn đàn Các Trung tâm Văn hóa nước ngoài tại Pháp bao gồm hơn 50 thành viên là các Trung tâm Văn hóa của các nước tại Paris) tổ chức để quảng bá văn hóa, du lịch, đất nước con người Việt Nam với bạn bè quốc tế thông qua các triển lãm, hội thảo, xúc tiến du lịch, trình diễn âm nhạc cổ truyền, giới thiệu ẩm thực...       

Kết nối, tham gia các hoạt động do Viện Pháp tại Pháp tổ chức hoặc các Viện Pháp, Trung tâm Văn hóa Pháp tại châu Âu, hoạt động các Trung tâm Văn hóa, cơ quan đại diện văn hóa các nước ASEAN tại Pháp và châu Âu, Diễn đàn Các Trung tâm Văn hóa nước ngoài.

Tham gia tích cực, khẳng định vai trò, đóng góp của Việt Nam với tư cách thành viên IGF.

Tham gia các hoạt động phục vụ đối ngoại, sự kiện lớn của quốc gia: tham gia các mạng lưới, các tổ chức quốc tế, tổ chức đa phương, các kỳ họp tại Pháp và châu Âu (UNESCO, BIE, OIF, WIPO, ICOM, IGF…) theo sự ủy quyền, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ VHTTDL.

Kết nối các hoạt động quảng bá của các địa phương, doanh nghiệp, Bộ, ngành trong nước để phối hợp tổ chức sự kiện, khai thác hiệu quả địa điểm Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp và kết nối mở rộng tại các địa phương khác tại Pháp và các nước châu Âu.

__________________

Tài liệu tham khảo

1. Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pháp về các Trung tâm văn hóa.

2. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật xử lý vi phạm hành chính, 2012.

3. Quyết định số 29/2008/QĐ-TTg ngày 22-2-2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp.

4. Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10-9-2021 về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam.

5. Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 ban hành tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12-11-2021.

6. Báo cáo Tổng kết cuối năm của Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL từ 2008-2022.

7. Báo cáo Tổng kết cuối năm của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp từ 2010-2022.

8. Nguyễn Hoa, Sức mạnh mềm trong một thế giới đang thay đổi, tapchicongsan.org.vn, 9-1-2020.

9. Trần Nguyên Khang, Cạnh tranh sức mạnh mềm giữa các quốc gia đầu thế kỷ XXI, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 9, 2016.

10. Nguyễn Hải Anh, Hoàn thiện chính sách văn hóa đối ngoại của Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 2010.

11. Nguyễn Văn Tình, Chính sách văn hóa trên thế giới và việc hoàn thiện chính sách văn hóa ở Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2009.

12. Nguyễn Thị Thu Phương, Những vấn đề lý luận và thực tiễn về sức mạnh mềm của Việt Nam, Mã số: KX.01.16/16-20, thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế, xã hội”.

13. Nguyễn Phương Hòa, Cultural Diplomacy - the changing rules of engagement, examples from some large countries in the world and a long-term strategy for Viet Nam (Ngoại giao Văn hóa – sự thay đổi trong quy tắc cam kết, ví dụ từ một số nước lớn trên thế giới và chiến lược dài hạn cho Việt Nam), London City University, 2010.

14. J. Nye, Think Again: Soft Power (Suy nghĩ lại về sức mạnh mềm), foreignpolicy.com, 23-2-2006.

15. China’s Soft power Push. The Search for Respect (Cú hích sức mạnh mềm của Trung Quốc. Tìm kiếm sự tôn trọng), Foreign Affairs, 16-6-2015.

16. Soft power today: Measuring the effects (Sức mạnh mềm ngày nay: Đo lường sự tác động), britishcouncil.org.

TRỊNH QUỐC ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 545, tháng 9-2023

;