Tập thể cán bộ lãnh đạo, biên tập viên, viên chức và người lao động của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật qua các thời kỳ trong ngày vui đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2008) - Nguồn ảnh: Phạm Lự
1. Nhớ một chặng đường...
Có những khởi đầu của một sự kiện chúng ta chỉ được nghe kể lại, song, dù chỉ nghe kể lại, trong ta cũng lưu giữ những phút giây không thể không nhắc nhớ. Tôi, cũng như không ít đồng nghiệp, không được mục sở thị giây phút khởi đầu thật đáng nhớ đó. Ấy là thời điểm xuất hiện của một tờ tạp chí chuyên ngành độc đáo, đặc sắc, dành riêng phụng sự cho đời sống văn hóa, nghệ thuật nước nhà. Thực ra, để có được giây phút quan trọng ấy, các vị lãnh đạo thế hệ tiền bối của chúng tôi đã lao tâm khổ tứ lập ra ý tưởng, kiên trì chuẩn bị, chờ đợi thời cơ... Nói thế là bởi, ngay từ cuối những năm 60 của TK XX, những tiền đề cho sự xuất hiện một cơ quan ngôn luận chính thức của Bộ Văn hóa chuyên nghiên cứu, truyền thông về chủ trương, đường lối văn hóa nghệ thuật; về sự lãnh đạo, quản lý văn hóa nghệ thuật... đã được khởi tạo. Trong những ngày tháng đó, vào năm 1972, Viện Nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa đã được phép xuất bản tờ Thông tin Nghệ thuật, rất được bạn đọc ưa chuộng vào thời điểm đó, dù chỉ in rônêô và lưu hành nội bộ. Có thể coi, đây là tiền thân của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, một tờ tạp chí chững chạc với lịch sử 50 năm không ít thành tựu.
Và, như những gì được nghe lại, ngày 30-6-1973 như là một thời khắc, một dấu mốc lịch sử, đã đến: Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật được thành lập sau một thời gian dài chuẩn bị. Dưới cái tên dường như hơi thiên về... nghiên cứu, mà nghiên cứu nghệ thuật, một đối tượng có vẻ không rộng như lĩnh vực quản lý của ngành Văn hóa, Tạp chí đã không chỉ đi thật sâu, thật bài bản về nghiên cứu các loại hình nghệ thuật đó như sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh, múa… mà còn mở rộng biên độ nghiên cứu, truyền bá các vấn đề văn hóa, các giá trị văn hóa, các biểu hiện văn hóa phù hợp với chức năng quản lý của Bộ, ngành... Có thể nói rằng, ngay từ đầu và trong suốt quá trình phát triển, bằng sự gắng gỏi của đội ngũ biên tập viên, phóng viên, nhà nghiên cứu còn non trẻ; bằng sức thu hút của sự mới mẻ, của tiềm năng nghiên cứu, truyền thông về một lĩnh vực nhạy cảm và hấp dẫn, Tạp chí đã quy tụ được những nhà nghiên cứu hàng đầu ở các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nước nhà. Và đương nhiên, cũng sở hữu những bài viết khoa học chuyên sâu, chuyên nghiệp về những sự kiện và sự biến động của các chuyên ngành văn hóa nghệ thuật.
Do nhu cầu xã hội, nhu cầu tự thân và tính chất đặc thù của ngành, dù mang tên Nghiên cứu Nghệ thuật, song, ngay từ đầu, Tạp chí đã mang trong hình thức kết cấu và nội dung thể hiện tính bao quát chung, gồm văn hóa lý thuyết, văn hóa đời sống và tất cả các ngành nghệ thuật như sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh, múa… Tính chất bao quát này được liên tục kế thừa và phát huy suốt hành trình nửa thế kỷ, dù trong nhiều giai đoạn, do nhu cầu thực tiễn, Tạp chí phải trải qua mấy lần đổi tên, từ Nghiên cứu Nghệ thuật, rồi Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật và Văn hóa Nghệ thuật cho đến hôm nay. Cũng chính nhờ sự kế thừa tính bao quát này, trong quá trình phát triển, Tạp chí đã quy tụ được những nhà nghiên cứu hàng đầu ở các lĩnh vực chuyên sâu về văn hóa và nghệ thuật.
Trải dài suốt 50 năm nhiều vui buồn, nhiều sướng khổ, Tạp chí đã mang tải và kiên trì một sứ mệnh cao cả: khơi dậy, truyền bá và tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc; góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Nửa thế kỷ là cả một chặng đường dài nỗ lực phấn đấu, không ngừng sáng tạo và trưởng thành của nhiều thế hệ trong một tạp chí đau đáu khát vọng làm đẹp, làm giàu cho văn hóa, nghệ thuật, gia đình, thể thao, du lịch... nước nhà.
Với sứ mệnh ấy, dù dưới tên gọi gì, dù trong giai đoạn nào hay hoàn cảnh nào, Tạp chí cũng luôn thể hiện mình bằng một ngọn lửa đa nhiệm: vừa như một cơ quan ngôn luận của Bộ, vừa như một trung tâm nghiên cứu khoa học, vừa như một cơ quan phục vụ cho công tác quản lý, hoạch định chính sách văn hóa, nghệ thuật, gia đình, thể thao, du lịch… của Bộ và của xã hội. Trong chặng đường đã qua, bằng cơ chế, mô hình, chức năng, nhiệm vụ như vậy, Tạp chí đã gom góp và phát huy được sức mạnh tổng hợp của từng tổ chức, từng đoàn thể, từng cá nhân thuộc nhiều thế hệ vào việc xây dựng Tạp chí. Và, tôi biết, trong nhiều giai đoạn, nhiều cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, cán bộ, viên chức, người lao động của Tạp chí cũng đã tận lực, tận tâm cống hiến để dệt nên thương hiệu văn hóa của mình.
Ngoảnh nhìn hành trình 50 năm hình thành và phát triển của Tạp chí, không thể không nhắc tới sự chung tay, đồng lòng xây dựng Tạp chí của đội ngũ lãnh đạo, nhà nghiên cứu, biên tập viên, phóng viên, viên chức, người lao động nhiều thế hệ, nay người mất, người còn, người đi, người ở, người nghỉ, người làm... Trong những ngày này, trong miền nhớ của chúng ta, hẳn không thể không nhắc nhớ đến những cái tên đã góp phần dệt nên lịch sử của Tạp chí. Đó là nhà nghiên cứu Hà Xuân Trường, chủ nhiệm đầu tiên của Tạp chí, là GS Trần Đình Thọ, Tổng Biên tập đầu tiên cùng các vị lãnh đạo Tạp chí nhiều thời kỳ như: Lê Như Dực, Nguyễn Đức Đàn, Hồ Sĩ Vịnh, Nguyễn Phúc, Trần Tuy, Nguyễn Chí Bền, Phạm Vũ Dũng, Vũ Ngọc Thanh, Hoàng Hà… Ngoài ra, không thể không nhắc nhớ đến những gương mặt có tiếng của Tạp chí như: nhà viết kịch Kính Dân, nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu Thụy Loan, họa sĩ Trần Tuy… Chính các tên tuổi nhiều thế hệ này, lớp trước, lớp sau, người mất, người còn, người đi, người ở... đã tiếp nối và làm nên diện mạo đáng tự hào của Tạp chí. Mỗi người mỗi vẻ, họ đã vun đắp lên bề dày tri thức, bề dày lịch sử của Tạp chí, một bề dày được ghi nhận bởi không ít thành tựu đáng tự hào, mà trong đó, Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Cờ Thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật... mà tập thể và cá nhân thuộc Tạp chí đạt được ở những thời khắc khác nhau thực sự là những điều rất đỗi tự hào và không thể không nhắc nhớ.
Như đã nói, ngay từ những ngày đầu của hành trình 50 năm hình thành và phát triển, Tạp chí đã xác định việc nghiên cứu, truyền bá các giá trị văn hóa, đặc biệt là góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người là một sứ mệnh cao cả, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Tạp chí đã làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, giới thiệu, làm sáng tỏ quan niệm và thành tựu của sự nghiệp bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm tăng thêm sự quan tâm của toàn xã hội đối với văn hóa. Qua nửa thế kỷ, tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí ngày càng được khẳng định. Và mô hình một tổ chức truyền thông đa nhiệm của Bộ VHTTDL ngày càng định hình với nhiều hoạt động khác nhau, tạo nên những thành tựu khác nhau trên nhiều phương diện, được cộng đồng và xã hội ghi nhận. Suốt 50 năm qua, Tạp chí đã không chỉ bằng lòng với việc chỉ thực hiện một nhiệm vụ chính là biên tập, xuất bản tạp chí in hằng tháng. Vì thế, cùng với việc làm tốt công việc này, Tạp chí đã mở ra hàng loạt các hoạt động bổ trợ khác nhằm đa dạng hóa, phong phú hóa hoạt động của mình.
Đó là việc xuất bản, phát hành tạp chí in với nội dung chuẩn xác, phong phú, đa dạng, cấu trúc hài hòa, hình thức đẹp, chất lượng khoa học cao. Nhiều công trình, bài viết khoa học được đăng tải trên các ấn phẩm của Tạp chí đã đề cập sâu sắc tình hình và hiện trạng của đời sống văn hóa, thể thao, du lịch trong và ngoài nước, có tác động tích cực đến chiến lược phát triển ngành và toàn xã hội.
Đó là ước muốn gia tăng hình ảnh thương hiệu bằng cách làm ấn phẩm thị trường, làm phụ san lấy tiền nuôi chính san của những ngày đầu. Dẫu không thành công, thì việc làm ấy cũng để lại cho chúng ta không ít kinh nghiệm về việc làm báo trong nền kinh tế thị trường.
Đó là việc quyết định cho ra mắt Tủ sách Văn hóa Nghệ thuật với mục tiêu đầu tư biên soạn, dịch thuật, xuất bản những cuốn sách quý chọn lọc trong và ngoài nước về văn hóa nghệ thuật. Cho tới nay, gần 50 cuốn sách dịch, tuyển, biên soạn đã ra mắt độc giả (chẳng hạn Văn hóa vì con người, Hỏi đáp về văn hóa Việt Nam, Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam, Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam, Những lý thuyết nhân học văn hóa, Đờn ca tài tử đặc trưng và đóng góp, Hành trình nghiên cứu điện ảnh Việt Nam, Hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong đổi mới hội nhập...), tạo hiệu ứng và uy tín rộng lớn cho Tạp chí trong lĩnh vực phổ biến tri thức qua sách và các ấn phẩm phụ trợ.
Đó là việc thực hiện mục tiêu xây dựng Tạp chí như một trung tâm báo chí truyền thông - nghiên cứu khoa học. Thực hiện mục tiêu đó, cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí đã chủ động tham gia vào hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp thành phố; đóng góp hàng trăm tham luận cho Hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế; đăng tải hàng ngàn bài viết trên các phương tiện báo chí, truyền thông cả nước. Những hoạt động khoa học, đào tạo này đã góp phần không nhỏ trong tạo dựng thương hiệu của Tạp chí.
Đó là việc sớm xây dựng trang thông tin điện tử văn hóa nghệ thuật nhằm mở rộng, cập nhật nhanh thông tin đa chiều tới độc giả. Trang thông tin điện tử này đã trở thành địa chỉ truy cập tin cậy và hữu ích của các nhà khoa học, các cộng tác viên, giảng viên, sinh viên trong nước và quốc tế. Và gần đây, sự ra mắt của Tạp chí Điện tử đã thực sự đem lại những hiệu ứng và thành tựu mới, giúp mở rộng diễn đàn nghiên cứu, thông tin lý luận văn hóa nghệ thuật của ngành Văn hóa, của đông đảo các nhà khoa học, các cộng tác viên, của cán bộ nhân dân và đông đảo bạn đọc.
Đó là việc không ít phóng viên, biên tập viên của Tạp chí tham gia vào công việc đào tạo dưới nhiều hình thức khác nhau. Có những đào tạo chính quy ở các cấp độ. Có những đào tạo qua việc thực hiện những đề tài, những bài viết, những chuyên đề, tọa đàm, trao đổi trong nội bộ tòa soạn. Và rất nhiều, rất nhiều hình thức đào tạo, tự đào tạo được thực hiện trong thời gian qua...
Còn rất nhiều, nhiều lắm những công việc thầm lặng của từng cá nhân, từng nhóm, từng ban, phòng, từng tổ chức, từng đoàn thể... ngày đêm góp phần xây dựng nên ngôi nhà Tạp chí vững chãi hôm nay...
2. Và nghĩ đôi điều tản mạn
Trước hết, nghĩ về văn hóa nghệ thuật
Văn hóa nghệ thuật, bản thân nó, là một thực thể rộng lớn và đa dạng. Thực tiễn đời sống văn hóa nghệ thuật càng bao gồm các lĩnh vực phong phú và đa chiều. Từ trước đến nay, bám sát và phản ánh một cách chân thực, sinh động sự nghiệp phát triển văn hóa, khẳng định thành tựu nghiên cứu lý luận về văn hóa, kinh nghiệm phát triển đời sống văn hóa nghệ thuật toàn dân... luôn trở thành nhiệm vụ hàng đầu của công tác nghiên cứu khoa học, báo chí, đòi hỏi sự lao động sáng tạo không ngừng của đội ngũ những người làm khoa học và làm báo chí, truyền thông về văn hóa nghệ thuật.
Và khi, trong bối cảnh hiện nay, sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa nghệ thuật, đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết; đang đứng trước thời cơ lớn cũng như những thách thức không nhỏ, thì nhu cầu về việc nâng cao tầm vóc của văn hóa, tăng cường xây dựng và phát triển văn hóa nghệ thuật đã trở thành nhiệm vụ thiết thân của mỗi tờ báo, mỗi tạp chí, mỗi cơ quan truyền thông. Xây dựng và phát triển văn hóa nghệ thuật là việc làm khó. Nghiên cứu, truyền thông, quảng bá về văn hóa nghệ thuật sao cho mọi người thấy rõ vị thế cao của văn hóa nghệ thuật trong phát triển đất nước cũng là việc làm không hề dễ. Trong thời gian qua, văn hóa nghệ thuật được báo chí đăng tải, giới thiệu, tuyên truyền dưới những dáng vẻ đa dạng, phong phú và được thể hiện ở những cấp độ và mức độ khác nhau. Và, xét cho cùng, thật khó có thể tổng kết đầy đủ những thành tựu của báo chí, truyền thông, trong đó có Tạp chí, trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi và thông tin về sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật.
Tiếp đó, nghĩ về Tạp chí
Là cơ quan ngôn luận và nghiên cứu, thông tin lý luận của Bộ VHTTDL, ngay từ những ngày đầu của hành trình 50 năm hoạt động, Tạp chí đã xác định việc nghiên cứu, truyền bá giá trị văn hóa để phục vụ phát triển văn hóa, xã hội là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Tạp chí đã triển khai mối quan tâm về phát triển văn hóa Việt Nam trên nhiều bình diện như văn hóa đương đại, văn hóa dân gian, văn hóa du lịch, văn hóa thể thao, âm nhạc, múa, điện ảnh, truyền hình, mỹ thuật, sân khấu, văn học, tư liệu trong và ngoài nước. Có thể nói, sự quan tâm này là bao quát, toàn diện và đang tiếp tục được cải tiến để chất lượng phản ánh được toàn diện hơn. Về mặt nội dung, trên cơ sở những đề tài nghiên cứu khoa học trong và ngoài tạp chí, những hội thảo chuyên đề, những tọa đàm sâu về khái niệm và nội dung của văn hóa nghệ thuật, những ý kiến rộng rãi của các nhà quản lý văn hóa, các nhà khoa học, người làm văn hóa ở cơ sở, Tạp chí hoạch định những chuyên đề cần đăng tải trên các ấn phẩm. Đương nhiên, tất cả những vấn đề liên quan tới văn hóa xã hội, văn hóa nghệ thuật đã được cập nhật một cách đa dạng, phong phú cả về lý luận, lý thuyết lẫn hoạt động thực tiễn. Trong thực trạng phong phú ấy, có thể thấy rất rõ sự khởi sắc của công tác tuyên truyền, giới thiệu hệ giá trị văn hóa, những lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của Tạp chí ở hai phương diện chủ yếu: nghiên cứu lý luận và hoạt động sáng tạo thực tiễn.
Hội thảo khoa học “Hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong đổi mới, hội nhập” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức tháng 5-2013 - Ảnh: Phạm Lự
Về nghiên cứu lý luận, bên cạnh những công trình nghiên cứu sâu về văn hóa nghệ thuật của các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu... Tạp chí đã đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền ở hai cấp độ: thứ nhất, nghiên cứu sâu và tập trung đăng tải những vấn đề, quan điểm, quan niệm về xây dựng và phát triển văn hóa nghệ thuật được thực hiện bởi các công trình, đề tài cấp Nhà nước, cấp ngành, cấp cơ sở, và thứ hai, tổ chức những hội thảo, tọa đàm, trao đổi về định hướng bài vở có tính chất nghiên cứu, định dạng từng mặt hoạt động của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, tìm tòi những vấn đề mới nảy sinh, lật xới lại những vấn đề tưởng như đã cũ trong phản ánh bản chất giá trị văn hóa nghệ thuật. Có thể nói, không chỉ chú tâm về mặt nghiên cứu lý luận, Tạp chí còn thổi bùng lên mối quan tâm về vấn đề văn hóa nghệ thuật qua các chuyên đề, các chuyên mục lý luận.
Về phản ánh hoạt động văn hóa nghệ thuật ở cơ sở, qua đó làm ánh lên các vấn đề cần chú ý trong hoạt động văn hóa nghệ thuật ở các cấp, góp phần xây dựng, giữ gìn phát triển văn hóa nghệ thuật, Tạp chí đã không ít lần đến với cơ sở, cập nhật thông tin về hoạt động văn hóa nghệ thuật nhiều sắc thái ở trung ương, địa phương, các ngành, các cấp... Thành tựu của công tác sưu tầm di sản văn hóa, kết quả của hoạt động văn hóa cơ sở, những nhân tố điển hình trong phát huy di sản văn hóa, những ứng xử văn hóa trong cộng đồng, gia đình, họ mạc, nhóm, cá nhân, những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên, hiện đại và dân gian... đã được Tạp chí phản ánh một cách có chọn lọc dưới dạng luận đề, luận điểm, bài khảo sát, ghi chép điền dã... Có thể nói, về lĩnh vực này, qua những chuyên trang, chuyên mục mang dấu ấn riêng về văn hóa nghệ thuật, Tạp chí đã góp phần khởi động, làm thức dậy những tiềm năng văn hóa của người dân; góp phần định hình nhân rộng quan niệm đúng đắn về hoạt động văn hóa nghệ thuật, về tầm quan trọng của sự nghiệp xây dựng văn hóa nghệ thuật trong phát triển đất nước. Công tác nghiên cứu, phê bình của Tạp chí tạo nên những diễn đàn chuyên sâu, thẳng thắn, cởi mở, có tác động nhất định tới dư luận xã hội trong xây dựng và phát huy tinh hoa văn hóa nghệ thuật dân tộc.
Bên cạnh đó, cần phải nói thêm rằng, Tạp chí đã tổ chức những khảo sát thực tiễn nghiêm túc về nhu cầu giữ gìn giá trị văn hóa nghệ thuật của người dân, về loại hình hoạt động và thiết chế văn hóa nghệ thuật cơ sở, về tần số tiếp xúc với văn hóa nghệ thuật của người dân, về mức độ tiếp nhận và hưởng thụ giá trị văn hóa nghệ thuật của người dân trong từng giai đoạn... Từ những chỉ báo và số liệu thực tiễn ấy, Tạp chí đã rút ra những nhận định, những xu hướng, những dự báo, những giải pháp cần thiết cho việc hoạch định bài vở về vấn đề lý luận văn hóa nghệ thuật cũng như vấn đề đời sống văn hóa nghệ thuật. Không thể phủ nhận rằng, những hoạt động nghiên cứu lý luận và thực tiễn đời sống văn hóa nghệ thuật của Tạp chí đã góp phần không nhỏ vào việc đánh giá, tổng kết thực tiễn, khái quát lý luận phát triển văn hóa nghệ thuật của Bộ, ngành.
Như thế, về cơ bản, các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động cùng chung tay xây dựng thương hiệu của Tạp chí đã làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, giới thiệu, làm sáng tỏ quan niệm và thành tựu của sự nghiệp bảo vệ và phát triển văn hóa nghệ thuật của dân tộc, làm tăng thêm sự quan tâm của toàn xã hội đối với văn hóa nghệ thuật. Bên cạnh đó, Tạp chí cũng đã tiếp cận tốt, nhanh, thành tựu văn hóa nghệ thuật của nước ngoài, nhất là những sắc thái văn hóa nghệ thuật riêng của các trung tâm văn hóa, vùng văn hóa lớn trên thế giới để giới thiệu, mở rộng tri thức cho người đọc. Đó là một trong những cố gắng đáng ghi nhận của Tạp chí trong việc tôn vinh sứ mệnh, tuân thủ tôn chỉ, mục đích, trong việc khẳng định thành tích đặc biệt xuất sắc của mình nhằm phản ánh bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong suốt chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển.
Biết và thẩm thấu không khí và không gian Tạp chí ngay từ đầu những năm 80 TK XX, nhưng tận cuối năm 1996, tôi mới bén duyên Tạp chí trong vị trí một biên tập viên chuyên mục Điện ảnh... Đó, mà đã mấy mươi năm. Giờ đây, lặng lật những trang tạp chí nhuốm màu thời gian, gặp lại nhiều cái tên thân thuộc, có người đã xa, có người đã nghỉ, có người còn viết tiếp... có thể cảm nhận sâu sắc rằng, thật hạnh phúc khi được làm một thành viên của Tạp chí, rằng các thế hệ đi trước đã để lại một di sản quý chứa đựng biết bao tâm huyết, trí tuệ, và rằng thế hệ hôm nay của Tạp chí đã kế thừa và nâng tầm di sản ấy... Hy vọng, trong thời gian tới, với nhiều vận hội mới, Tạp chí giữ được tôn chỉ mục đích của một tạp chí chuyên ngành văn hóa nghệ thuật, bám sát hơn chương trình làm việc của Bộ, tham gia nghiên cứu khoa học nhiều hơn để sớm phát hiện những vấn đề mới, những yêu cầu mới của ngành và của xã hội, đăng tải các công trình nghiên cứu văn hóa nghệ thuật phù hợp với yêu cầu thực tiễn... Cũng hy vọng, Tạp chí tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, phấn đấu trở thành Tạp chí chuyên ngành hàng đầu Việt Nam về văn hóa nghệ thuật, thực sự trở thành diễn đàn có uy tín về lý luận, thực tiễn trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch và gia đình...
Nửa thế kỷ thực thi một sứ mệnh nghiên cứu, thông tin, truyền thông về sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa nghệ thuật của một tạp chí, quả thực, có không ít điều để nhớ, cũng không ít chuyện phải nghĩ. Bởi, dấn bước trên một hành trình 50 năm đằng đẵng ấy, tất nhiên, không thể không chạm vào bao nhiêu thứ chuyện được mất, trái phải, vui buồn... Nhưng, có lẽ, phút giây này, ngồi trước những trang tạp chí thân thuộc, nhiệm màu, tôi chỉ tâm niệm và tự nhủ lòng: hãy biết quên (rất ít) những gì cần quên và biết nhớ (rất nhiều) những gì đáng nhớ!
PHẠM VŨ DŨNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 548, tháng 10-2023